Saturday, April 18, 2009

Đã 34 Năm Rồi - Mặc Giao


Mặc Giao

Ngày 30 tháng 4 năm nay, chúng ta kỷ niệm 34 năm ngày mất Sài Gòn và toàn thể miền Nam. 34 năm là một chớp mắt của lịch sử nhưng là thời gian rất dài của một đời người. Thời gian có thể làm nguôi nỗi buồn nhưng không thể làm quên nỗi đau và nỗi nhớ, dù rằng không ít người đã có thái độ dửng dưng vì “hát lâu chầu mỏi”. Theo họ, nhớ tiếc mà làm gì? than vãn mà làm gì? đấu tranh thì được gì sau 34 năm vẫn không thay đổi được chế độ ở Việt Nam? Vì thế, nhiều người đã buông xuôi và nhìn những người hò hét, đôn đáo vận động như những kẻ không thức thời, nếu không nói là điên khùng, phí phạm năng lực vào công việc “dã tràng xe cát biển Đông”. Họ không nghĩ rằng nếu mọi người Việt ở hải ngoại đều buông xuôi và thụ động như họ thì cộng sản Việt Nam sẽ rất mừng vì được tự do xiết cổ nhân dân trong nước mà không ngại những phản ứng từ quốc nội hay quốc tế, nhân dân trong nước sẽ tuyệt vọng vì thấy không còn ai quan tâm tới họ và ngọn lửa hy vọng của tự do đã tắt vĩnh viễn. Con người sống bằng hy vọng. Càng trong cảnh khổ càng cần hy vọng. Vậy nếu ai không muốn tham gia công việc đấu tranh chung, xin hãy im lặng để cho những người khác sống bằng hy vọng và thắp sáng niềm hy vọng cho đồng bào quốc nội. Dĩ nhiên chúng ta không ngu dại đấu tranh kiểu húc đầu vào tường, nhưng phải tỉnh táo tìm ra những nguyên nhân vì sao chưa thành công và chuyển đổi phương cách cho thích hợp và hữu hiệu.

Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy cộng sản Việt Nam hiện nay có những điểm mạnh và điểm yếu.
Những điểm mạnh:

1. Nắm được chính quyền, từ đó có 2 điểm mạnh khác:
2. Có tiền: tiền công qũy và tiền gian lận
3. Có guồng máy đàn áp hữu hiệu và gian ác

Những điểm yếu:

1. Mất lòng dân
2. Nạn tham nhũng gây tranh dành nội bộ, gây phẫn nộ trong dân chúng và làm xáo trộn mọi cơ cấu xã hội
3. Guồng máy chính quyền không hiệu qủa, trừ bộ phận đàn áp, và nhân sự thiếu hiệu năng.
4. Lệ thuộc ngoại bang: bị Trung quốc thao túng về chính trị, kinh tế, lãnh thổ và bị các nước tư bản khai thác, chèn ép
5. Không được thế giới nể trọng vì vi phạm nhân quyền và cư xử lươn lẹo.

Muốn đánh chế độ cộng sản thì phải nhắm vào những điểm yếu mà đánh. Nhắm vào những điểm mạnh là tự sát. Thí dụ, cộng sản nắm được chính quyền, được quốc tế công nhận và có chân trong Liên Hiệp Quốc mà lại lập chính phủ lưu vong đóng đô ở Mỹ với đủ bộ xậu quốc trưởng, thủ tướng v.v…thì hỏi có ích gì? Hay tuyển mộ được một ít tay súng, lập “chiến khu” ở biên giới Thái Lan mà đòi đương đầu với cả đạo quân cộng sản để giải phóng Việt nam, nếu có bị tiêu diệt trước khi đặt chân tới biên giới Việt Nam thì cũng là chuyện dễ hiểu thôi. Dĩ nhiên chúng ta không phủ nhận thái độ anh hùng của những chiến sĩ đã hy sinh nhưng phải buồn lòng mà nói rằng thành phần chủ xướng là những người “hữu dõng vô mưu”, đã đưa những người tin theo mình vào chỗ chết một cách qúa dễ dàng và làm sứt mẻ niềm tin của hàng ngũ chống cộng.

Có thể nói trong 5 điểm yếu của cộng sản, chúng ta mới chỉ đánh vào hai điểm 4 và 5. Liên quan tới điểm 4, chúng ta tố cáo Trung quốc và nhà cầm quyền Hà Nội trong âm mưu toa rập dâng đất, dâng biển cho Trung quốc. Chúng ta tìm kiếm những bằng chứng lịch sử và những luận cứ pháp lý để đòi bây giờ và mai sau những phần đất và biển đã bị mất. Về điều 5, chúng ta đã liên tiếp vận động các chính phủ và các tổ chức quốc tế làm áp lực để buộc Hà Nội phải lỏng tay đàn áp và tôn trọng nhân quyền. Kết qủa chưa được như ý muốn, nhưng phải công nhận nhờ ngững vận động và tố giác của chúng ta, thế giới đã biết dân Việt Nam bị đầy đọa như thế nào, đã có những can thiệp trực tiếp và gián tiếp, nhờ đó, dân Việt Nam cũng được dễ thở hơn đôi chút. Tất cả mọi hình thức đấu tranh đều không vô ích. Có người cho rằng những cuộc biểu tình hò hét, hô khẩu hiệu chỉ là hiện tượng lên đồng không làm rụng sợi lông chân nào của cộng sản. Thực ra nó cũng có giá trị hâm nóng tinh thần chống cộng, làm cho cộng sản và dư luận biết là những người Việt Nam yêu tự do, dân chủ vẫn còn đây, chưa ngủ hết, vẫn kiên trì tranh đấu và tỉnh táo phát giác những âm mưu xâm nhập và phá hoại của cộng sản. Nhờ thế, chưa có một cộng đồng người Việt nào ở hải ngoại bị rơi vào tay cộng sản. Dĩ nhiên việc đánh phá hai điểm yếu 4 và 5 chưa hữu hiệu như mong muốn. Chúng ta phải suy nghĩ và cải thiện thêm.

Bây giờ là lúc chúng ta phải tìm cách đánh mạnh vào 3 điểm yếu còn lại của địch. Một mình hải ngoại tấn công những điểm này không thể đem lại kết qủa khả quan. Cần có sự phối hợp trong ngoài. Nói tới phối hợp trong ngoài, nhiều người tỏ vẻ bi quan vì cho rằng guồng máy kiểm soát và đàn áp của cộng sản rất hữu hiệu, chưa thể làm được gì ở trong nước lúc này. Chúng tôi đồng ý một phần, vì ngoài Khối 8406 hoạt động trong những điều kiện khó khăn như chúng ta đã biết, một số tổ chức khác cũng gặp khó khăn khi tìm cách cấy người và xây dựng cơ sở. Dù khó, một số đầu cầu ở trong nước đã được thiết lập nhưng còn phải giữ bí mật tối đa và chưa có sự phối hợp. Đa số dân chúng vẫn còn thờ ơ với việc chung, chỉ biết lo cơm áo gạo tiền. Tuy phải thích ứng với hoàn cảnh đó, chúng ta cũng không được phép ngưng tay. Công việc đầu tiên là phải gia tăng công tác thông tin, tuyên truyền để người dân biết rõ đâu là những thiệt thòi, đâu là quyền lợi và bổn phận của họ. Khi người dân đã có ý thức, các cán bộ thuộc các tổ chức, đoàn thể, tôn giáo mới dễ làm công tác huy động quần chúng. Chúng ta không thể dứt điểm cộng sản bằng võ khí, nhưng chỉ bằng lực lượng quần chúng. Một khi lực lượng quần chúng lên cao như nước vỡ bờ, tại nhiều nơi cùng một lúc, guồng máy đàn áp sẽ vô hiệu, binh sĩ chưa chắc sẽ chiã sung bắn vào dân. Để làm được việc này, chúng ta đã có sẵn những phương tiện thông tin và truyền thông từ ngoài phóng vào trong, như e-mail, blog, paltalk. Ở trong nước đã có những blog tư nhân, những báo điện tử như Tự Do Ngôn Luận, Tổ Quốc, Sinh Viên v.v… Riêng báo Tự Do Ngôn Luận còn được in ra nhiều ngàn ấn bản mỗi kỳ và được phân phối cho sinh viên, trí thức. Dù vậy vẫn cần sự phối hợp trong ngoài và sự yểm trợ mọi mặt từ ngoài vào trong để phát triển mạnh hơn nữa những phương tiện truyền thông ở trong nước hầu tiếng nói của chính nghiã có thể đến tai hầu hết mọi người dân. Khí giới thông tin tuyên truyền phải được coi là quan trọng hàng đầu trong lúc này để tấn công những điểm yếu của địch.

- Tấn công điểm yếu 1: Cộng sản càng ngày càng làm mất lòng dân vì cách cai trị độc tài, hống hách, gia trưởng, bất công, vô luật lệ. Ngoài xã hội dân sự thì dân oan bị cướp nhà cướp đất khiếu kiện từ Nam ra Bắc, dân chúng đốt xe cảnh sát, rượt đuổi nhân viên công lực vì tội đánh dân, sinh viên và trí thức bức xúc vì nhà nước nhượng đất, nhượng biển cho Trung quốc, công nhân đình công vì bị bóc lột mà nhà nước không bênh vực họ. Trong phạm vi tôn giáo, giáo hữu nhiều nhà thờ Tin Lành, nhất là trên vùng cao nguyên, công khai đương cự với nhà cầm quyền để bảo vệ quyền hành đạo của họ, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn cương quyết giữ thế độc lập, không chịu xáp nhập với Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh. Việc đàn áp và cách đối xử theo luật rừng của cộng sản đối với giáo dân Hà Nội đã đẩy Giáo Hội Công Giáo từ chỗ hợp tác sang phiá đương đầu. Các tín hữu Cao Đài và Hòa Hảo không chấp nhận những ban trị sự do người của nhà nước nắm giữ.

Có rất nhiều chuyện có thể khai thác để tấn công cộng sản về mặt này. Đừng ngại rằng cộng sản có cả một guồng máy tuyên truyền có thể lấn áp công tác phản tuyên truyền của chúng ta. Dân chúng tại Việt Nam hiện nay không còn tin những lời tuyên truyền láo khoét của nhà nước. Một người vừa đi thăm Hà Nội về kể cho chúng tôi một chuyện đáng suy nghĩ: Vào lúc cao độ của cuộc đấu tranh của giáo dân tại Thái Hà và Tòa Khâm Sứ, đài truyền hình Hà Nội liên tiếp cho chạy cả tuần lễ hàng chữ dưới màn hình tố cáo “Tổng Kiệt phản bội đất nước và là đầu sỏ khích động giáo dân”. Ngay sau đó, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đi thăm viếng và làm công tác mục vụ tại một giáo xứ nhỏ gần Hà Nội chỉ có 400 bổn đạo. Chuyện không ngờ là khi Đức Cha Kiệt xuất hiện, có hàng ngàn người chen chúc bao quanh khu nhà thờ chờ đợi ngài. Nhiều người e ngại nhà nước mướn côn đồ đến đả đảo và hành hung Đức Cha. Sự thật trái ngược hẳn. Dân chúng quanh vùng kéo tới để coi mặt “Tổng Kiệt”, xem ông ta có ba đầu sáu tay như nhà nước tuyên truyền hay không. Sau khi thấy tận mắt, nhiều người công khai phát biểu đại ý: “Trông ông ấy hiền lành, nhân từ, tươi cười và thương dân như thế mà truyền hình nhà nước dám khoác cho ông ta đủ thứ tội”. Rõ ràng lòng dân không còn thuận lợi cho chế độ cộng sản. Hãy khai thác điểm này và làm cho sự bất mãn ngày càng lớn lên.

- Tấn công yếu điểm 2: Nạn tham nhũng đang tàn phá sự đoàn kết nội bộ của đảng cộng sản và làm ung thối mọi cơ cấu và tương quan xã hội. Trong đảng, mất đoàn kết vì tranh ăn, vì ghen tị kẻ nhiều người ít. Ngoài xã hội, từ lãnh vực công đến lãnh vực tư, không có hối lộ là không một việc gì có thể tiến hành trôi chảy. Xin một tờ giấy nhỏ tại một cơ quan hành chánh địa phương, lấy một món tiền quan trọng của chính mình từ một ngân hàng nhà nước, ngay cả việc ngân hàng nhà nước này chuyển tiền cho ngân hàng nhà nước kia, nếu không có phong bì hay qùa cáp thì sẽ bị làm khó dễ hay sẽ bị lờ đi. Ngay trong ngành giáo dục, ngành dậy người và đào tạo những công dân tốt cho đất nước, các vị thầy “khả kính” cũng tìm cách móc tiền của cha mẹ học sinh bằng những lớp dậy kèm, bằng đủ thứ lệ phí được phát minh tùy tiện, chưa kể những gian lận thi cử và mua bán đề thi. Nhà cầm quyền không thể giải quyết được nạn tham nhũng vì từ anh to nhất đến anh nhỏ nhất đều ăn bẩn, vì tham nhũng đã trở thành một “văn hóa” mới của chế độ cộng sản, trở thành một nếp sống mà người dân phải chịu đựng đã thành quen. Tấn công tệ trạng tham nhũng là làm cho người dân ý thức được sự bất công và những thiệt thòi họ phải chịu và giúp họ đứng lên đòi hỏi quyền lợi của mình.

- Tấn công yếu điểm 3: Guồng máy chính quyền của chế độ cộng sản không hiệu qủa vì không được tổ chức hợp lý: trùng dụng phí phạm và tranh chấp thường xuyên gữa hệ thống chính quyền và hệ thống đảng quyền, vì tệ nạn sứ quân “trên bảo dưới không nghe”, mỗi ông quan địa phương, dù là xã quan, đều là một ông trời con. Nhân sự làm việc trong bộ máy quyền hành thì thiếu khả năng và không có tinh thần phục vụ. Họ chỉ biết mỗi một việc là làm khó dân để tìm cách moi tiền. Cao cấp hơn thì bầy ra những đề án để xung công đất tư nhân, nặn ra những dự án xây cất để lấy công qũy thực hiện. Trong khi thực hiện, các thứ tiền lót tay, cắt xẻo có khi lên tới 75% ngân khoản, chỉ còn 25% thực sự chi cho công trình (Thư Hội Đồng Giám Mục VN gửi nhà nước 2002). Có thể nói guồng máy chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay và nhân sự của guồng máy ấy chỉ làm công việc kiểm soát, đàn áp nhân dân và tìm mọi cơ hội để moi của tư, ăn cắp của công. Nhân dân nhẫn nhục chịu đựng bề ngoài nhưng trong lòng thì đầy bực bội oán hờn. Hãy khuyến khích nhân dân bầy tỏ những uất ức bằng lời và bằng hành động bất tuân và bất hợp tác (civil disobedience).

Gia tăng một cách hiệu qủa những việc chúng ta vẫn làm, đánh mạnh vào những điểm yếu của địch mà chúng ta chưa quan tâm hoặc chưa làm đủ. Thấy phòng tuyến của địch có lỗ thủng, hãy khoét cho nó lớn ra. Thấy hàng phòng thủ của địch có chỗ yếu, hãy xô cho đổ và áp dụng chiến thuật “dậu đổ bìm bìm leo”. Điều cần là phải biết phối hợp hành động giữa trong và ngoài, chú ý đến hiệu năng công việc hơn là phô trương thành tích cá nhân và phe phái. Nói thì dễ, làm mới khó. Nhưng nếu chúng ta sợ khó, không chịu làm thì đừng nói tới chuyện chấm dứt chế độ cộng sản.

Một vấn đề đặt ra là giữa sự phân tán của các tổ chức hải ngoại cũng như các tổ chức trong nước, làm sao chúng ta có thể thống nhất hành động hay ít ra phối hợp hành động một cách nhịp nhàng? Chúng ta đang sống trong một xã hội tự do với ý niệm đa nguyên rất mạnh. Do đó, chúng ta khó có thể chấp nhận hình thức đấu tranh dưới sự lãnh đạo của một tổ chức duy nhất. Thật ra, chúng ta ở chung một chiến tuyến, nhắm cùng một mục tiêu. Chúng ta là những đơn vị độc lập, đóng chốt tại những vị trí khác nhau, nhưng khi phòng vệ cũng như khi tấn công, chúng ta dàn hàng ngang và nhắm chung một địch thủ. Trong hoàn cảnh bình thường, chúng ta có vẻ chia rẽ, nhưng khi dầu sôi lửa bỏng, chúng ta đã đoàn kết theo kiểu không hẹn mà gặp. Những vụ Trần Trường, Thái Hà, đất biên giới, biển Đông, cờ vàng tại Đại Hội giới trẻ bên Úc … đã chứng minh điều này. Vì vậy việc phối hợp theo hàng ngang là điều có thể thực hiện được. Điều quan trọng là hãy tránh cảnh “quân ta bắn quân mình”, tránh tình trạng mới có dịp đứng đầu một hội đoàn đã tưởng mình là đại lãnh tụ, xăm soi người khác bằng con mắt nghi ngờ, chỉ sợ họ sẽ chiếm mất cái ghế tổng thống, bộ trưởng hay dân biểu tương lai của mình. Nói tóm lại, chúng ta phải đoàn kết trong sự khác biệt. Người xưa đã dậy phải “hòa nhi bất đồng”. Nói đoàn kết một cách chung chung chẳng đem lại kết qủa gì. Hãy thử đoàn kết một cách cụ thể bằng việc không chống phá nhau, không coi sĩ diện và quyền lợi của cá nhân và phe phái lớn hơn quyền lợi của đất nước và dân tộc. Đoàn kết là cộng tác, không phải là đứng nhìn để bắt lỗi những ai không làm đúng ý mình.

Trên đây là vài nhận định và cảm nghĩ của tôi nhân ngày 30 tháng 4 gần đến. Tôi không dám hy vọng mọi người đều chia sẻ quan điểm của mình. Tôi chỉ đưa ra một ý kiến cá nhân với ý định khiêm tốn góp phần vào việc suy nghĩ chung về những gì chúng ta phải làm một cách cụ thể để cùng đồng bào trong nước chấm dứt chế độ cộng sản sớm ngày nào hay ngày nấy. Đảng cộng sản “trụ” lâu tới đâu thì đất nước tan hoang thêm tới đó. Than trách mà làm gì? Tiếc thương mà làm gì? “Hãy đốt một ngọn đèn nhỏ còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”.

TÂN VÀ CỰU TỔNG THỐNG MỸ RỦ NHAU ĐI CANADA

Tổng thống Barack Obama vừa nhận chức hơn một tháng đã làm chuyến công du ngoại quốc đầu tiên tại Canada ngày 19-02-2009. Cựu Tổng thống George W. Bush cũng đến Calgary nơi tôi sống ngày 16 tháng 3 để đọc bài diễn văn đầu tiên kể từ khi rời Bạch Ốc. Đến tháng 5 sắp tới, cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice cũng sẽ đến Calgary nói chuyện theo lời mời của phân khoa “Public Policy” (Chính sách công, khoa chính trị) thuộc đại học Calgary. Đây cũng là cuộc nói chuyện đầu tiên của cựu nữ ngoại trưởng tại ngoại quốc.

Tại sao các lãnh đạo tân cựu hàng đầu của Hoa Kỳ lại ưu ái Canada và rủ nhau đi Canada tấp nập như thế? Tổng thống Obama đã trả lời:

“Tôi yêu đất nước này. Tôi đến Canada trong chuyến công du đầu tiên với tư cách tổng thống để nhìn nhận sự gần gũi và mối liên hệ quan trọng giữa hai quốc gia, đồng thời cũng để xác nhận sự cam kết của Hoa Kỳ trong vấn đề làm việc chung với các bạn hữu và đối tác nhằm đương đầu với những thử thách chung của thời đại chúng ta”.

Gớm, sao mà ông tân tổng thống nói khéo thế! Đúng như các cụ ta dậy: “Nhất cận thân, nhì cận lân”. Hoa Kỳ và Canada vừa cận thân vừa cận lân thì phải đối xử với nhau đặc biệt chứ. Có điều ông tổng thống không chịu nói huỵch toẹt là Mỹ rất cần dầu và hơi đốt của Canada. Khi kinh tế thịnh, mỗi ngày Mỹ mua của Canada 2 triệu 400 ngàn thùng dầu thô. Đến nay kinh tế xuống, Mỹ cũng vẫn còn phải mua mỗi ngày 2,033 triệu thùng. Canada là quốc gia số 1 cung cấp dầu cho Mỹ, bỏ xa quốc gia thứ hai là Saudi Arabia mỗi ngày bán cho Mỹ 1,394 triệu thùng. Chỉ cần Canada ngưng cung cấp dầu cho Mỹ một ngày là một phần nước Mỹ sẽ tê liệt. Vậy mà khi còn là ứng cử viên, ông Obama đã tuyên bố nếu ông đắc cử, ông sẽ không mua “dầu bẩn” (dirty oil) của Canada, tức dầu “oil sand” lấy từ cát dễ làm ô nhiễm môi trường. Bây giờ đắc cử rồi, ông phải vội chạy sang Canada để tìm bảo đảm cho nguồn dầu cung cấp dầu cho Mỹ không bị người anh em láng giềng cắt ngang. Ông không chê dầu dơ nữa nhưng vớt vát bằng thỏa hiệp miệng về việc hai nước sẽ nghiên cứu kỹ thuật làm sạch môi trường bằng cách “nhốt” khí carbon do kỹ nghệ khai thác dầu cát của Canada và những nhà máy chạy bằng than đá của Mỹ thải ra. Đó là kỹ thuật mới gọi là “carbon sequestration”, tức là bắt và nhốt khí carbon (carbon capture and storage) không cho bay ra bầu khí quyển. Bắt thì dễ làm, nhưng nhốt thì nhốt bao lâu, với số lượng càng ngày càng lớn, rồi sẽ xả vào đâu, có phải dưới lòng đất? Điệu này việc nghiên cứu còn lâu mới xong, tiền đổ vào cũng không phải ít. Trong khi chờ đợi, cứ vô tư xài dầu Canada, trong đó có 40% “dầu bẩn”.

Tổng thống Obama cũng nói chuyện với Thủ tướng Harper về khủng hoảng kinh tế. Dù dân số Canada chỉ có 31 triệu, hơn kém 10% dân số Mỹ, nhưng kinh tế Canada có vẻ đứng vững hơn kinh tế Mỹ trong cơn sóng gió hiện tại. Chưa có một ngân hàng nào của Canada bị phá sản, chưa có một công ty nào chạy làng, bảo hiểm sức khoẻ và hưu dưỡng vẫn được bảo đảm. Thủ tướng Harper cho rằng Hoa Kỳ và Âu Châu bị nặng gấp đôi Canada trong cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra. Kinh tế Canada sẽ chóng phục hồi vì hệ thống ngân hàng vững, nợ ít, lạm phát thấp, nguồn nhân lực khéo léo. Buôn bán giữa Canada và Mỹ lên tới 80% tổng số ngoại thương của Canada. Như vậy làm sao Tổng thống Obama không viếng thăm Canada trước tiên được?

Cuối cùng là chuyện Afghanistan. Canada gửi đến xứ này 2,500 binh sĩ để giữ hòa bình, chẳng dè lại phải chiến đấu với quân Taliban, khiến trên 100 quân nhân đã hy sinh nơi sa trường từ khi tham gia tới nay. So với những tổn thất của Mỹ tại đây và tại Iraq, con số tử vong trên 100 chẳng ăn nhằm gì. Nhưng so với dân số ít ỏi của Canada và với một quân đội chỉ có trên 60,000 binh lính, thì tổn thất như vậy cũng đã làm rúng động toàn dân, toàn quân. Vì vậy, chính phủ Canada đã quyết định rút quân về vào năm 2011. Tổng thống Obama có thuyết phục Canada lưu quân tại Afghanistan lâu hơn chăng ?

Trở lại cuộc viếng thăm của cựu Tổng thống George W. Bush tại Calgary. Ông đã đến đây vào ngày 16-3, du ngoạn thành phố và dùng cơm tối tại một tiệm ăn Ý trong khu Kensington, một khu thời thượng của dân chịu chơi Calgary. Trưa 17-3, ông nói chuyện tại Telus Convention Center ở trung tâm thành phố. Có gần 2,000 người đóng tiền mỗi người 400 đô la để ăn trưa và nghe ông nói. Họ xếp hàng dài tới hai « block » đường. Trong khi đó có khoảng 200 người biểu tình phản đối, đòi «Bush go home!». Có người treo cả chiếc giầy toòng teng trước hình ông Bush bị bịt miệng bằng băng keo. Có 4 người biểu tình bị cảnh sát còng tay đưa về bóp vì phản đối qúa lố.

Ông Bush đã nói về những kinh nghiệm cầm quyền ở chức vụ tối cao. Ông biết diễu cợt chính ông, không tự đề cao mình, nên được cử tọa đón nhận rất ấm áp. Ông cũng tỏ ra rất xã giao khi nói rằng nước Mỹ được chúc phúc vì có Canada là nước cung cấp dầu khí quan trọng nhất cho nước Mỹ. Về kinh tế, ông khẳng định ông không chỉ trích tân Tổng thống Obama, nhưng ông chống lại việc bảo hộ thương mại (isolationism) và việc chính phủ can thiệp qúa nhiều vào lãnh vực tư nhân. Phần lớn cử tọa tỏ ra hài lòng về buổi nói chuyện của cựu Tổng thống Bush. Một người tham dự phát biểu: «Với thành tích 8 năm làm tổng thống của một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, ông Bush có nhiều điều hữu ích để nói với chúng ta».

Chỉ có một điều ai cũng tò mò muốn biết là ông Bush nhận được bao nhiêu tiền thù lao cho buổi nói chuyện này. Với số tiền thu 400 đô la một người nhân lên gần 2,000, Ban tổ chức thu khoảng 700,000 đô la. Sau khi trừ các chi phí, số tiền còn lại không phải nhỏ. Cựu Tổng thống Bill Clinton, năm 2006, đã đến nói chuyện tại Edmonton, thủ phủ của tỉnh bang Alberta, cách Calgary 300 cây số về phiá Bắc, và được trả thù lao 160,000 đô la. Hèn chi người ta chẳng tranh nhau làm tổng thống Mỹ. Hết làm tổng thống, tiền vẫn còn vô như nước, không như nhiều nguyên thủ ở các nước chậm tiến và độc tài, hết chức vụ là phải ôm đồ tế nhuyễn chạy cho nhanh, nếu không muốn ngồi bó cẳng trong nhà tù.

Viết từ Canada
Mặc Giao


No comments:

Post a Comment