Wednesday, April 22, 2009

30 Tháng Tư Năm 1975: Ngày Đau Thương Của Cả Nước - Trần -Tinh Bạch Thái Tường

Trần -Tinh Bạch Thái Tường

Lịch sử nước Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Mỗi giai đoạn biến đổi đều có một mốc thời gian nhất định để đất nước chuyển từ trạng huống này sang trạng huống khác, nói một cách rõ hơn là sự thay đổi của một chính thể hay một thể chế.

Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 là một dấu mốc lịch sử, là một bước ngoặc đổi thay cả một thể chế 20 năm Cộng Hoà của miền Nam Việt Nam. Kể từ đó, Cộng sản Việt nam tiến hành cưỡng đặt chính thể Việt nam Dân chủ Cộng hòa trên địa bàn cả nước (sau này đổi thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam, một danh xưng “mỹ miều” của chủ nghĩa Cộng sản).

Đi sâu hoặc phân tích để tìm hiểu cái hay , cái dở của từng chính thể hẳn phải đòi hỏi nhiều thời gian và tài liệu nghiên cứu.

Trong phạm vi của bài cảm nghĩ hôm nay, thử tìm hiểu xem ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày thế nào, hằn chứa những suy tư và ý nghĩa gì ?

Sau khi Tổng Thống (3 ngày) Dương Văn Minh ra lệnh cho toàn thể Quân, Cán, Chính ngưng mọi sinh hoạt để sẵn sàng bàn giao nhiệm sở cho “cái gọi là” lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam (hay theo ngôn từ của Tổng Thống Minh là “người anh em phía bên kia), thì tâm trạng của toàn quân, toàn dân miền Nam Việt Nam đều ngỡ ngàng và uất nghẹn. Sự uất nghẹn và ngỡ ngàng đó thậm chí đã làm cho một số Tướng lãnh, Sĩ quan, Hạ sĩ quan, binh sĩ và Cảnh sát tìm cái chết oanh liệt của họ là tự sát hay cố chiến đấu đến gần hơi thở cuối cùng rồi quay súng tự kết liễu đời mình.

Sau đó, rồi tới những chuỗi ngày tiếp nối, Sĩ quan các cấp (quân đội cũng như cảnh sát), các Hạ sĩ quan thuộc các thành phần nguy hiểm (theo đánh giá của Việt cộng lúc bấy giờ), các vị chỉ huy hành chánh , các cán binh Cộng sản chiêu hồi , các cảnh sát viên đặc biệt bị lùa vào các trại tập trung cải tạo bằng những thông cáo với ngôn từ mập mờ làm cho mọi người hiểu rằng chỉ đi học tập cải tạo 10 ngày (đối với sĩ quan cấp úy trở xuống) và một tháng (đối với sĩ quan cấp tá trở lên).

Về phần dân chúng thì không an tâm, lúc nào cũng nơm nớp về các vụ đấu tố hay tịch biên gia sản. Nên không ai bảo ai, lũ lượt mang các đồ đạc, tiện nghi trong nhà đi bán.

Thế rồi việc gì đến đã đến.

Những người gọi là đi học tập cải tạo đã không phải là 10 ngày hay một tháng mà bằng những thời gian không hạn định rõ rệt. “Các anh cứ học tập tốt, lao động tốt, rồi sẽ được nhà nước khoan hồng cho trở về xum họp với gia đình để xây dựng cuộc sống mới”. Đại để là ở trại tập trung nào, cán bộ quản giáo (bộ đội hay công an) cũng đều đưa ra những “khuyên nhủ” như vậy để vỗ về và trấn an.

Không có gì ngạc nhiên khi có một số anh em đã tìm cách trốn trại. Ai may mắn thì thoát, người xấu xố thì bị bắt lại hay bị bắn chết.Nguyên do chỉ vì học tập mà không biết thế nào là tiến bộ, mà chỉ biết được rằng khi nào được gọi tên thả về đấy là lúc mình đã học tập tiến bộ. (Điều này phù hợp với câu nói của một số cán bộ quản giáo: “Anh nào được nhà nước cho về tức là đã tiến bộ”.)

Thực tế thì đã có một số được cho về sớm không phải vì lý do “học tập tiến bộ” mà vì họ là những chuyên viên kỹ thuật hay những chuyên viên các ngành mà nhà nước cần sử dụng cấp thời để làm việc hay huấn luyện cho các cán binh Cộng sản trong lúc nhu cầu cho các hoạt động cần thiết đòi hỏi.Một số khác về sớm là vì có giây mơ giẫy má với “gia đình cách mạng”, hoặc giả thuộc thành phần sức khoẻ quá nguy kịch (bệnh nặng, hay sắp chết) không tiện lưu giữ trong trại.

Phải thẳng thắn mà nói rằng những sĩ quan , các hạ sĩ quan, các công chức cao cấp cùng thành phần cảnh sát viên đặc biệt, cán binh chiêu hồi, đã bị cầm tù không tuyên án trong các trại tập trung dưới một mỹ từ “cải tạo” để che mắt nhân dân trong nướcvà dư luận thế giới.

Còn về phần dân chúng và gia đình các tù nhân (cải tạo) thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa thì sao ? Nhà nước Cộng sản đã minh định: các gia đình giàu có là những thành phần tư sản mại bản, làm giàu trên xương máu của đồng bào. Còn gia đình của các tù nhân thuộc chế độ cũ là thành phần “ngồi mát ăn bát vàng”, phi lao động.

Do đó, họ (Cộng sản) đã trắng trợn tịch biên gia sản của những người giàu có đồng thời mở ra những buổi học tập ngắn hạn trong các phường, khóm lên lớp và tuyên truyền, thậm chí nếu cần cưỡng bức dân chúng thuộc các đối tượng nêu trên đi các vùng kinh tế mới với lý luận muốn giúp họ tạo dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn theo đạo đức “xã hội chủ nghĩa”. Sự thật quá tàn nhẫn và đau thương khôn xiết khi những gia đình gọi là “tư sản mại bản” sau khi bị cướp đoạt của cải và nhà cửa đã phải lần lượt theo chân các gia đình tù nhân cải tạo đi về các vùng đất hoang vu “gọi là vùng kinh tế mới” để cuốc đất trồng khoai với những trợ giúp quá hạn hẹp của cơ quan chính quyền. Một số không ít những thương gia trước kia, vì quá uất ức, đã tìm cách quyên sinh để giải quyết nợ đời. Một số không nhỏ các gia đình khác vì không chịu được cảnh thiếu thốn quá cơ cực đã phải tìm cách trở về thành phố hay trôi dạt đến những vùng tương đối dễ kiếm sống hơn.

Chính sách “xây dựng các khu kinh tế mới” nhìn một cách khách quan giống như hình thức trả thù cho bõ ghét đối với một số “thành phần” nhất định của miền Nam Viêt Nam. Một vài chứng minh cụ thể (về sự trả thù) không chối cãi được: đó là, ngay sau khi có mặt tại Sài gòn, Cộng sản đã không ngần ngại sua đuổi các anh thương binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa ra khỏi các quân y viện, bệnh xá ngay lập tức dẫu rằng có thương binh vết thương còn đang rỉ máu chưa kịp được băng bó.

Rồi khi tình hình tạm ổn định, việc học được tiếp tục thì các em thuộc thành phần “gia đình ngụy quân ngụy quyền”thì không được thu nhận vào các trường đại học. Ngay cả, việc xin vào làm việc ở các xí nghiệp, công sở cũng bị phân biệt đối sử.

Cộng sản đã áp dụng guồng máy cai trị kềm kẹp một cách hết sức chặt chẽ qua hình thức “tổ dân phố” dưới sự giám sát của tổ trưởng, tổ phó, công an khu vực. Nhân dân trong mỗi tổ dân phố người người đều có một suy nghĩ tự đề phòng và cảnh giác , chỉ sợ nhỡ ra vô ý, sẽ bị có kẻ tố giác mình thế này, thế nọ.

Sau này, qua sự biến đổi của tình hình thế giới, nhất là sau khi có sự tan rã của chủ nghĩa cộng sản ở các nước Đông Âu và sự sụp đổ của Đế quốc Liên sô (cái nôi của chủ nghĩa cộng sản quái gở), tình hình chính trị ở Việt nam có phần nào thay đổi: dân tình dễ chịu hơn, các tù nhân cải tạo được lần lượt cho về xum họp với gia đình và cùng xuất ngoại sang định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình HO (Humanitarian Organization Program) dựa trên sự thỏa thuận giữa hai chính phủ Hoa kỳ và Cộng sảnViệt nam.

Tuy đổi mới theo xu thế của thời đại, nhưng nhân dân Việt nam vẫn bị cai trị, kềm kẹp bởi một tập đoàn lãnh đạo bảo thủ thiếu văn hoá. Bộ máy cai trị từ thượng tầng xuống đến cơ sở gồm đa số các cán bộ có “máu” hủ hoá, quan liêu, cửa quyền nhất nhì Đông Nam Á. Chính những thành phần “sâu dân mọt nước” này đã là những thủ phạm tạo cho Việt nam trở thành một trong những quốc gia nghèo khó nhất với mức thu nhập bình quân của nhân dân vào hạng gần chót trên thế giới.

Việt nam ngày nay đã bị liệt kê là một quốc gia không có dân chủ và nhân quyền. Các tệ nạn tham ô nhũng lạm đã là quốc nạn trên địa bàn cả nước. Cờ bạc, đĩ điếm, xì ke, ma tuý,(kể cả căn bệnh hiểm nghèo AIDS) lan tràn đều khắp từ thành thị xuống đến thôn quê, từ đồng bằng ngược lên miền cao, những thiếu nữ đã phải ngậm đắng nuốt cay liều thân chấp nhận trong các cuộc hôn nhân gượng ép với đàn ông Đài loan, Đại hàn bất kể không tương xứng về gia cảnh, tưổi tác miễn là có ít tiền giúp gia đình trang trải những khó khăn cấp thời. Rồi những công nhân phải chạy đôn chạy đáo hay chấp nhận vay nợ cắt cổ để được xuất ngoại lao động cũng với mong mỏi giải quyết được những khó khăn vật chất của gia đình.

Tập đoàn lãnh đạo đã cố tình hay làm ngơ trước việc những phần da thịt của Tổ quốc Việt nam bị xâm phạm và gậm nhấm dần. Hiện tượng khai thác Bâu xít ở Cao nguyên Trung phần theo sự nhận dịnh và phân tích của các vị thức giả, của các khoa học gia là một hình thức xâm phạm chủ quyền Việt nam một cách dưới chiêu bài “hợp tác” kinh tế và phát triển khoa học. Dù rằng nhà cầm quyền Việt nam có bao biện cách nào đi chăng nữa nhưng nhân dân Việt nam và “những người bàng quang’ trên thế giới đều có một nhận định tương tự: Nước Việt nam đang bị xâm thực.

Nhìn vào hoàn cảnh cụ thể ở Trường sa, Hoàng sa, lãnh hải vịnh Bắc bộ, những Nam quan, Bản giốc nơi biên giới Việt Trung, có phải da thịt Mẹ Việt Nam đang bị Phương Bắc gậm nhấm không ?

Dân tộc ta rõ bị một cổ hai tròng: giặc ngoài thì xâm lấn biển, đất, bên trong thì bị “cường hào ác bá tân thời” cưỡng chiếm ruộng vườn mà khiếu kiệu bao năm cũng chẳng đi tới đâu.

Những tỉ phú đô la Việt nam, những thành phần lãnh đạo Việt nam từ 1975 đến nay hẳn biết rõ hơn ai hết về thực trạng của tổ quốc mình.

Làm một việc so sánh cuộc sống của nhân dân miền Nam giữa hai chế độ: Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau 1975 thì rõ ràng cuộc sống trước 1975 tự do, thoải mái hơn nhiều so với cuộc sống hiện tại.

Việt nam ngày nay, nếu chỉ nhìn vào những thay đổi và sinh hoạt nơi phố thị thì sẽ không phủ nhận có nhiều tiến bộ đáng kể. nhưng nếu nhìn dưới một lăng kính tổng thể, nghĩa là “đi sâu đi sát” vào quần chúng, phónh tầm nhìn vào những hang cùng ngõ hẻm “vùng xôi đậu” của thành thị, tỉnh lỵ hay xa hơn nữa nơi các làng mạc xã ấp vùng ngoại ô, vùng đồng bằng , chốn cao nguyên hay những nơi xa chốn đô hội thì người trung thực sẽ khách quan đánh giá : sự phồn vinh hiện hữu chỉ là giả tạo giữa hai bức tranh tương phản “thành thị và thôn quê”. Cái sự thay da đổi thịt nơi chốn phồn hoa không khác gì một thiếu nữ cố trau truốt nhan sắc để thu hút nhãn quan của tha nhân.

Những xa hoa, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đang diễn ra ở thành phố, thị trấn chỉ có thể hiểu được là phát xuất từ những kẻ giàu tiền lắm bạc, của những doanh gia, của những thế lực cầm quyền, của những con ông cháu cha, của những người tiêu xài vô tội vạ do đô la đổ về từ thân nhân sống tha hương nơi xứ người, chứ không phải từ đại đa số quần chúng nghèo khó sống bữa nay lo bữa mai.

Mọi người dân Việt nam, ở hải ngoại cũng như trong nước, ngoại trừ một số ít vinh thân phì gia, gió chiều nào theo chiều đó (không cần biết ý nghĩa của các chữ “tổ quốc” và “dân tộc” là gì ), thảy đều mong muốn một nước Việt nam có TỰ DO, DÂN CHỦ thực sự, được lãnh đạo bởi những người biết vì dân, vì nước, biết tôn trọng nhân quyền, một lòng một dạ đưa dân tộc đến ấm no, hạnh phúc như dân tộc của các nước tiên tiến trên thế giới.

Ngày nào mà nước Việt nam vẫn còn là một Quốc gia thiếu dân chủ và không có nhân quyền thì nhân dân vẫn coi “30 THÁNG TƯ NĂM 1975 LÀ NGÀY ĐAU THƯƠNG CỦA CẢ NƯỚC”.

Trần -Tinh Bạch Thái Tường


No comments:

Post a Comment