(Trình bày trong Lễ Thắp Nến tối Thứ Bảy 25-4-2009 Tưởng niệm ngày Quốc Hận Do Hội Cựu Sinh viên Sĩ quan trừ bị Thủ Đức Toronto tổ chức)
- Kính thưa quý vị Quan khách,
Kính thưa các bậc trưởng thượng,
Thưa anh chị em,
Thưa quý vị,
Một nhà hiền triết Pháp đã nói: “Con người là một cây sậy biết suy nghĩ.” Quả vậy, con người không phải là một thực thể vật chất thuần tuý, mà con người còn có phần tư tưởng, phần tinh thần và cả phần tâm linh nữa. Từ xưa cho đến nay, từ đông sang tây, con người có nhiều niềm tin khác nhau, nhiều tôn giáo khác nhau, với nhiều nghi thức và nghi lễ khác nhau.
Trong bất cứ nghi thức hay nghi lễ nào, con người cũng đều thắp nến, và dường như ánh sáng ngọn nến lung linh huyền diệu giúp con người dễ hiệp thông với những đối tượng mà con người đang suy tưởng. Chính trong ý nghĩa đó, hôm nay chúng ta, dù theo những tôn giáo khác nhau, cùng hội họp nơi đây, làm lễ thắp nến để tưởng niệm những chiến sĩ anh dũng, đã chiến đấu chống cộng sản trong cuộc chiến trước năm 1975, đồng thời hiệp thông với những chiến sĩ đang tranh đấu đòi hỏi tự do dân chủ hiện nay ở trong nước.
Thưa quý vị,
Vào năm 1954, ngoài hiệp định Genève (20-7-1954) là hiệp định đình chiến, chia hai nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17, hội nghị Genève còn thông qua bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương” ngày 21-7-1954. Không một nước nào ký tên vào bản tuyên bố nầy. Bản tuyên bố nầy gồm 13 điều, trong đó điều 7 đưa ra một giải pháp chính trị là hai bên sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 7-1956 để thống nhất đất nước. Dựa vào điều 7, Bắc Việt nhiều lần đề nghị Nam Việt tổ chức tổng tuyển cử vào năm 1956.
Tại Nam Việt, sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm chuyển chính thể QGVN thành chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ngày 26-10-1955 do ông làm thổng thống. Chính phủ VNCH bác bỏ đề nghị tổ chức tuyển cử của VNDCCH, vì chính phủ QGVN, tiền thân của VNCH, không ký vào hiệp định Genève và vì bản tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954 không có chữ ký của các phái đoàn, thì không bắt buộc phải thi hành.
Dựa vào sự từ chối của VNCH, Đại hội 3 đảng Lao Động, tại Hà Nội (từ ngày 5-9 đến ngày 10-9-1960) quyết định “giải phóng” miền Nam bằng võ lực. Sau đó, CSBV bắt đầu gởi quân tấn công miền Nam.
Vì Bắc Việt chủ trương xâm lăng Nam Việt, không lẽ Nam Việt ngồi yên chờ chết, nên Nam Việt phải động binh để tự vệ. Không ai thích chiến tranh cả, nhưng nếu những thanh niên Việt Nam lúc đó, trong đó có một số quý vị đang ngồi ở đây, không gia nhập quân đội, thì lấy ai chiến đấu chống cộng sản, bảo vệ miền Nam?
Phải sơ lược như thế để thấy rằng ngay từ đầu, Bắc Việt cộng sản hiếu chiến gây hấn và Nam Việt, vì lý do tự vệ chính đáng, không còn chọn lựa nào khác là phải chiến đấu để tự bảo vệ mình, bảo vệ tự do dân chủ ở miền Nam.
Để tăng cường áp lực đối với miền Nam, Bắc Việt bí mật cầu viện Liên Xô, nhất là cầu viện Trung Quốc. Những tài liệu mới tiết lộ gần đây cho thấy hầu như hằng năm, Hồ Chí Minh qua Bắc Kinh để báo cáo, và xin Trung Quốc tăng viện. Việc Hồ Chí Minh cầu viện Trung Quốc là một thảm họa cho dân tộc Việt Nam, kể cả vụ bauxite ở Tây nguyên ngày nay.
Xin lưu ý quý vị rằng từ năm 1939, Mao Trạch Đông đã đưa ra chủ trương rằng Việt Nam là một nước phụ thuộc Trung Quốc. (Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Hà Nội: Nxb. Sự Thật, không đề tên tác giả, 1979, tr. 16.) Hồ Chí Minh, lúc đó có mặt ở Trung Quốc, biết rõ chủ trương nầy của Mao Trạch Đông, nhưng vẫn cầu viện Trung Quốc từ năm 1950. Trung Quốc gởi các phái đoàn cố vấn chính trị và quân sự sang điều khiển Việt Minh. Dựa trên báo cáo của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã đề ra chiến lược Trường Sơn từ năm 1953. (Vu Hóa Thẩm, “Đồng chí Vi Quốc Thanh trong viện trợ Việt Nam đấu tranh chống Pháp”, sách Hồi ký của những người trong cuộc, ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, một nhóm tác giả, Bắc Kinh: Nxb. Lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc, 2002, Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch, tr. 68.)
Như thế, rõ ràng đầu nguồn chiến tranh, đầu nguồn tội lỗi phản quốc, đầu nguồn bán nước, chính là Hồ Chí Minh và tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Trong khi đó, những chiến sĩ VNCH là những người đã hy sinh xương máu, chiến đấu để bảo vệ đất nước, bảo vệ miền Nam Việt Nam. Quân lực VNCH chiến đấu vì sự sống còn của VNCH, của tự do dân chủ. Quân lực VNCH, trong đó có quý vị đang ngồi ở đây, chiến đấu vì quyền lợi tối thượng của quốc gia, của dân tộc.
Quân lực VNCH không chiến đấu vì một cá nhân, vì một lãnh tụ hay một đảng phái chính trị như những cán binh cộng sản Bắc Việt chiến đấu cho đảng Lao Động tức đảng CSVN. Quân lực VNCH cũng không chiến đấu cho quyền lợi của ngoại bang như các cán binh Bắc Việt chiến đấu cho Liên Xô, cho Trung Quốc. Khoảng thập niên 60, Lê Duẫn đã tuyên bố: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc.” (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày (hồi ký chính trị của một người không làm chính trị), tr. 422, phần chú thích.)
Trên bình diện quốc tế, cần phải nhấn mạnh là chính sự chiến đấu của Quân lực VNCH nếu không chận đứng, cũng đã làm chậm lại sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản xuống Đông Nam Á (ĐNÁ), nên các nước ĐNÁ có thời giờ chuẩn bị phòng thủ và không bị nhuộm đỏ. Cũng nhờ thế, các nước ĐNÁ mới có cơ hội phát triển đất nước như ngày nay.
Do những quyết định từ bên ngoài, do những thay đổi chiến lược trong chiến tranh lạnh trên thế giới, CSBV tạm thời chiến thắng năm 1975. Tuy nhiên, chúng ta thua một trận, nhưng chưa phải là chúng ta thua cuộc chiến. Cuộc chiến quốc-cộng cho đến nay vẫn tiếp tục, dù đã chuyển qua một hình thái mới, và một điều đáng mừng là trong hình thái mới nầy, chủ nghĩa dân tộc chân chính đang dần dần thắng thế trở lại.
Kính thưa quý vị,
Trong suốt cuộc chiến vừa qua, nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ VNCH, bảo vệ tự do dân chủ, và bảo vệ sự sống còn của chính chúng ta. Họ đã ra đi và không bao giờ trở lại, như một nhà thơ ngày xưa đã nhận xét:
“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”
Thơ Vương Hàn
(Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về.)
Hôm nay, chúng ta tập họp nơi đây, trước ánh nến lung linh huyền diệu, trong giây phút bồi hồi xúc động, lắng lòng hướng về quê hương, chúng ta tưởng nhớ những anh hùng đã nằm xuống, đồng thời chúng ta cùng vinh danh những chiến sĩ đang tranh đấu cho dân chủ tự do ở trong nước, những tù nhân lương tâm đang bị bạo quyền cộng sản giam giữ.
Tuy nhiên, thưa quý vị, tưởng nhớ và vinh danh cũng chưa đủ. Chúng ta cần phải suy nghĩ và phải tự hỏi chúng ta đã làm gì và sẽ làm gì để xứng đáng với sự hy sinh của những đồng đội đã nằm xuống và những chiến sĩ đang bị đọa dày trong ngục tù cộng sản?
Một cựu quân nhân ở trong nước, anh Nguyễn Cung Thưong ở Sài Gòn, đã sáng tác một bài thơ như hét lên “Hãy gửi súng cho tao”. Trong hoàn cảnh hiện tại, thực sự chỉ có những người trong nước mới đứng lên chống bạo quyền cộng sản trong nước, nên Nguyễn Cung Thương mới đòi “gửi súng cho tao”. Rất tiếc, ở hải ngoại chúng ta không có điều kiện võ trang để tiếp sức cho anh em trong nước. Tuy nhiên, không lẽ chúng ta quên đi những đồng đội của chúng ta đã hy sinh trước năm 1975? Không lẽ chúng ta làm ngơ trước những người đang bị cộng sản đọa đày?
Kính thưa quý vị,
Tin tức trong các tháng vừa qua cho thấy rõ ràng đất nước chúng ta đang lâm nguy. Sau khi nhượng đất, nhượng biển, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang khiếp nhược nhượng luôn cao nguyên Nam Trung Phần cho Trung Quốc, để Trung Quốc khai thác bauxite. Việc khai thác nầy chẳng những nguy hiểm về môi sinh, tàn phá núi rừng, mà còn nguy hiểm về lâu về dài trên phương diện an ninh quốc phòng cho Việt Nam.
Vì tất cả những lẽ đó, tuy không còn có thể võ trang như trước đây, chúng ta hãy tiếp tục cuộc chiến đấu bằng con đường khác. Thiết thực nhất, hiện nay chúng ta hãy hết lòng yểm trợ công cuộc tranh đấu dân chủ, dân quyền ở trong nước, và tranh đấu chống lại vụ bauxite ở Tây nguyên.
Chắc chắn cuộc chiến đấu nầy thật khó khăn, lâu dài, nhưng mỗi người một ít, mỗi ngày một ít, rồi có lúc lịch sử sẽ chuyển mình, phong trào tự do dân chủ sẽ đi đến thành công, còn hơn là chỉ ngồi nguyền rủa bóng tối, để suốt đời bị bóng tối bao phủ. Quý vị nhớ cho rằng một đám cháy có thể bắt đầu chỉ từ một que diêm. Một cuộc cách mạng cũng có thể bắt nguồn từ những vận động cá nhân, cùng nhau tạo dựng phong trào, cùng nhau góp gió thành bảo. Lịch sử cho thấy cuối cùng chính nghĩa sẽ chiến thắng. Lịch sử Việt Nam cũng cho thấy cuối cùng
- “Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư.”
Lý Thường Kiệt
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Và như thế, ánh nến lung linh tối hôm nay mới thật sự đầy đủ ý nghĩa. Xin Hồn thiêng sông núi phò hộ cho cuộc tranh đấu của dân tộc Việt Nam và chứng giám cho tấm lòng thành kính và biết ơn của những người tham dự buổi thắp nến tối hôm nay. Trân trọng cảm tạ quý vị đã lắng nghe và kính chào quý vị.
Trần Gia Phụng
Toronto, 25-4-2009
No comments:
Post a Comment