Tuesday, April 21, 2009

Trái Tim Còn Rỉ Máu - Lê Nguyễn Huy Trần

Lê Nguyễn Huy Trần

Hầu hết những ai được sinh ra trên mảnh đất Việt Nam sau năm 1975 đều có chung một ý niệm về ngày 30/4/1975 là “ngày giải phóng miền Nam”. Một số người nhận định rằng đây là một ngày quan trọng đánh dấu chiến thắng vẻ vang của quân Cộng Sản Bắc Việt trên con đường thống nhất đất nước khi bóng dáng quân đội Mỹ đã không còn hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam ngày hôm sau. Phần đông còn lại chỉ biết nhắm mắt tin theo những tuyên truyền xảo biện của nhà nước CHXHCNVN mà họ chưa một lần có cơ hội tìm hiểu rõ bản chất và ý nghĩa đằng sau cuộc chiến đẫm máu kết thúc vào tháng Tư năm xưa. Nhưng cũng thật may mắn khi vẫn còn nhiều người sinh sau đẻ muộn cuối cùng đã kịp thời thức tỉnh để nhìn thấu những thảm họa đang từng ngày dày xéo trên quê hương Việt Nam bé nhỏ thân thương. Cho dù dưới góc độ nhìn nhận của người này hay khía cạnh phán xét của người kia thì không một ai phủ định rằng ngày 30/4/1975 đã dựng nên một cột mốc quan trọng mới trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam hào hùng hơn bốn thế kỷ qua.

Là một người con nước Việt chưa từng nếm trải súng đạn chiến tranh hay ngột thở trong làn lửa khói, tôi không được tận mắt chứng kiến trăm ngàn biến cố thương tâm đã xảy ra cho đồng bào trong gần tám thập niên qua. Hầu hết tôi chỉ tham khảo tư liệu trên mạng lưới truyền thông về chiến tranh Việt Nam kéo dài hơn hai mươi mốt năm, và nhìn thấy những hình ảnh hãi hùng qua những cuốn phim tài liệu ngắn từ trận Điện Biên Phủ (1954), hành quân Đỗ Xá (1964), thảm sát Tết Mậu Thân (1968), đến hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào (1971), Mùa Hè Đỏ Lửa trên nhiều tỉnh thành (1972), và cuối cùng là Tháng Tư Đen (1975). Tôi cũng chưa từng biết đến Việt Nam Cộng Hòa bởi một lẽ đơn giản là chúng tôi học về quân dân miền Nam trước năm 1975 dưới cái tên “Nguỵ quân” lúc còn trên ghế nhà trường XHCN. Sử sách ấn bản tại Việt Nam hiện nay không hề nhắc đến một thể chế VNCH đã từng mang khí phách anh hùng tựa “hào khí Đông A” dưới thời nhà Trần. Vì thế, danh hiệu Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn xa lạ đối với nhiều bạn trẻ sau này. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến long trời lở đất cách đây hơn ba mươi năm thì tôi cảm thấy dường như ông trời đã không công bằng đối với dân tộc Việt Nam. Ông đã cướp đi quân lực VNCH đại diện cho người dân trên khắp mọi miền đất nước, cho tất cả quyền lợi và nhân bản để rồi thay vào đó một chế độ Cộng Sản độc tài, khát máu. Ông bảo chúng tôi phải làm gì đây khi chính nghĩa đã mất rồi? Cố chịu đựng ư? Không thể nào. Chúng tôi như những hạt cát nhỏ bé bị cuốn xoáy trong cuồng phong bạo tàn nhưng vẫn gắng tự kiếm cho mình một hốc đá để bám víu, để không bị thổi bạt. Cố im lặng ư? Không thể nào. Chúng tôi gào thét trong đau đớn xác thịt, trong tê dại tâm hồn mà cố hi vọng một sự cứu giúp nào đó. Tiếng kêu cứu thảm thiết của quê hương chúng tôi có ai nghe thấu? Nỗi đọa đày của dân tộc chúng tôi có ai hiểu chăng? Không tiếng đáp trả mà lạnh lẽo nơi đây một thực tại oan nghiệt. Nếu có thể quay ngược dòng thời gian, tôi muốn hòa mình vào những thước phim lịch sử để có thể chiến đấu với triệu lỗ bom đạn hoắm sâu trên da thịt quê hương Việt Nam hơn là ngồi yên nghe bè lũ Cộng Sản điêu ngoa. Tôi muốn hiên ngang cầm súng sát cánh bên các anh hùng dân tộc đã ngã xuống vì lý tưởng tự do cho Tổ quốc. Tôi ngưỡng mộ các chiến sĩ quân lực VNCH vị quốc vong thân và kính nể các anh khi xem cái chết của bản thân “nhẹ tựa lông hồng” nhưng khi các thế hệ mai sau nhìn lại thì “nặng tựa Thái Sơn”. Tôi muốn sống dưới chế độ VNCH dù chỉ một giây thôi để có thể thật sự làm một con người đúng nghĩa: dũng khí đời trai chân ngạo nghễ, xông pha đánh giặc chí không lùi.

Tháng 4 năm 1975, khung cảnh những ngày cuối cùng tại Sài Gòn vô cùng hỗn loạn. Từng đoàn người từ khắp mọi miền lũ lượt chạy nạn lúc quân đội miền Bắc kéo vào miền Nam, bất chấp những ký kết tại Hiệp định Paris năm 1973. Nhiều quân lực Việt Nam Việt Nam Cộng Hòa vẫn giữ nguyên vị trí chiến đấu cho đến khi viên đạn cuối cùng được bắn ra vì sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc. Họ quyết chiến cảm tử và sẵn sằng tuẫn tiết để giữ danh dự người lính Cộng Hòa. Nơi nơi đều nghe thấy tiếng súng nổ giòn vỡ trời và khói bụi tung mù mịt một màu xám đen. Những ngày nghiệt ngã nhất trong lịch sử loài người lại đổ ập lên đầu hàng triệu nhân dân miền Nam vô tội. Bao ánh mắt hoang mang không biết phải nhìn về phương trời nào. Bao bước chân lạc lõng giữa lòng phố thị hoang tàn mà chẳng hay phải trốn chạy đi đâu. Hàng lớp người nhốn nháo như đàn chim non hoảng loạn khi chim mẹ không còn và tổ ấm đã tan tác. Những tiếng khóc tức tưởi, những tiếng kêu thán uất hận hòa lẫn trong tiếng gọi tuyệt vọng của đàn con khốn khổ giữa quanh cảnh đổ nát tro tàn còn nghi ngút khói lửa chiến. Đau lòng cho cảnh người cha đặt con thơ lên đòn gánh rồi nháo nhác nhìn quanh tìm vợ. Xót xa cho cảnh toàn bộ một gia đình nằm phơi thân chết bên vệ đường không có người thắp một nén nhang. Quằn quại cho hàng trăm xác người thối rữa trôi dạt lềnh bềnh trên dòng sông đỏ máu. Rồi đến từng bộ xương trắng hếu chồng chất lên nhau xây thành bậc thang tử thần cho Việt Nam. Cảnh tượng đất nước của chúng tôi sao đáng sợ đến thế? Từng đoàn người di tản tháo chạy từ Bắc vào Nam. Xương máu nhân dân trải dài trên từng viên đá, thấm đỏ đến từng ngọn cỏ từ Nam ra Bắc. Những đoạn phim quay lại hình ảnh biết bao người vợ trẻ còn phơi phới sắc xuân đã phải mang hai tiếng “góa phụ” theo mình suốt chặng đường đời dài đằng đẵng. Nước mắt các bà mẹ khắc khoải chờ đợi những đứa con chinh chiến trở về hòa lẫn trong màn mưa buốt lạnh. Họ còn phải trông ngóng mòn mỏi đến bao lâu mà không biết rằng những đứa con của Tổ quốc đã tử nạn sa trường. Chiếc bóng già nua từng đêm ngồi run rẩy một mình quạnh quẽ. Có ai hiểu thấu nỗi lòng thương nhớ con vàng vọt cả tâm can. Còn gì chua xót hơn khi gia cảnh tan nát chỉ sau một đêm biển lửa. Tất cả bi thương, tang tóc kia đã khiến tâm trạng của tôi thật khó chịu, khó chịu vô cùng. Hơi thở tôi như đứt quãng mõi mệt. Trái tim tôi như bị ai bóp chặt không nhịp đập. Nỗi uất nghẹn trong lòng cứ mãi dâng tràn rồi vỡ òa trong nước mắt. Tôi không biết phải khóc cho ai đây? Hình như tôi đang khóc cho chính bản thân tôi khi không còn chốn nương thân trên mảnh đất Việt Nam này. Hình như tôi đang rơi lệ cho tương lai mờ mịt khi phía trước là bóng đêm bao phủ muôn lối đi. Hình như tôi nếm vị mặn nước mắt như thể nếm trải nỗi mặn chát trong lòng đất mẹ quê hương. Tôi biết còn rất nhiều người dân oan ngoài kia xã hội bị hành hạ thể xác mà nỗi đau của họ còn tê buốt gấp trăm triệu lần. Tôi đang khóc cho dân tộc Việt Nam bạc mệnh.

Kể từ lúc Hồ Chí Minh đem tư tưởng chủ nghĩa Cộng Sản ngoại lai về nước cho đến nay đã làm đất nước Việt Nam lún sâu vào vũng bùn tăm tối. Chiến tranh kết thúc là lúc quê hương Việt Nam bắt đầu bước sang một trang sử khổ ải mới. Những người lính Cộng Hoà còn sống sót đã bị bắt đi trại tù cải tạo. Họ bị đày vào rừng sâu lao động khổ sai, bị đánh đập tàn bạo và chịu rất nhiều nhục hình của bọn Cộng Sản Bắc Việt. Nhưng những nhát roi bầm tím không làm họ khuất phục, những vết rộp da rỉ máu do cầm dao phá rừng lấy gỗ không làm họ nhụt chí, những cơn gió lạnh buốt thổi từ dãy núi đá đêm khuya không làm họ cô độc bởi vì bên họ còn có những người đồng đội, cũng là những người tù chính trị miền Nam. Xin nguyện ghi ơn những chiến công hiển hách của các vị anh hùng dân tộc và gởi lên đây một nén hương lòng tưởng nhớ đến quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Còn những người vợ chiến binh ở nhà thì bị đưa lên vùng kinh tế mới. Cảnh vợ chồng phân ly khiến tôi không khỏi nghẹn ngào cho số phận trớ trêu. Cảnh con xa cha, chị xa em khiến tôi không khỏi thổn thức mà nghĩ rằng tình người như hai từ xa lạ trong cái nhà nước CSVN này. Trùng trùng lớp lớp người bỏ nước ra đi với hi vọng tìm đến một tương lai tự do. Họ không ngại gian khổ trên những chiếc bè gỗ mỏng manh bởi họ biết không có nỗi cùng cực nào sánh bằng sự cưỡng bức của chế độ bạo quyền Cộng Sản. Ngày qua ngày, đêm liền đêm, hàng triệu người tị nạn Cộng Sản lênh đênh trên đại dương giận dữ đầy sóng mà không biết muôn ngàn hiểm họa đang rình rập họ phía trước. Những con người chen chúc dưới gầm tàu chật hẹp thiếu không khí để thở. Ngột ngạt. Những khoang thuyền kín bưng không một tia nắng chiếu xuyên làm mọi người trở nên khiếp sợ nhưng họ vẫn chấp nhận cho từng đợt sóng đen rùng rợn đưa đẩy đến vùng đất mới trong niềm tin tươi sáng. Họ mang một tâm trạng hoang mang tột độ khi chỉ nghe tiếng sóng ngoài kia đánh vào mạn thuyền. Không thấy đâu là đất liền, không thấy đâu là cư dân mà họ chỉ thấy cảnh vật lộn giữa sự sống và cái chết đang hiện hữu. Những đứa trẻ con nhiễm đủ chứng bệnh vì mùi dầu tồn đọng trong khoang. Thương tâm. Cơn đói khát vật vờ thân xác. Những tiếng hờn ai oán vang động cả biển trùng dương tanh mùi máu. Những tiếng gió rít lên không trung đồng cảm cho tâm trạng uất nghẹn mang nhiều đau thương. Có biết bao thảm cảnh tràn lan trên con đường vượt biên. Nhiều chiếc ghe thuyền đã bị bọn hải tặc Thái Lan đánh cướp. Không những thế, chúng còn cưỡng hiếp các chị em phụ nữ đến chết rồi vứt xác trơ trọi trên tàu mà không có lấy mảnh vải che thân. Có nỗi nhục nào bằng nhục thể xác thân? Có nỗi hận nào bằng sự chà đạp hình tượng người phụ nữ Việt Nam đoan chính? Những cảnh tượng hãi hùng này đã làm tôi tức giận và căm phẫn chính quyền Cộng Sản ngày hôm nay. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam lại có một cuộc chạy trốn chính cái chế độ cai trị đất nước. Sự tồn tại của chủ nghĩa Cộng Sản ở đâu là nơi đó dân chúng sợ hãi và ghê tởm mà bỏ mạng thoát thân. Đó là nỗi đau, một nỗi đau nhân loại.

Lại đến tháng Tư chất nặng đời
Đêm về thổn thức kiếp hoa rơi
Trăng nghiêng bên cửa sầu chi lạ
Gió lẻn vào tim héo nửa vời

Quê hương tan tác mùa mây đỏ
Đàn chim vỡ tổ réo rạt trời
Niềm đau ngút hận nhìn phương Bắc
Lệ đắng lưu vong, dạ rối bời

Thêm một ngày 30 tháng 4 nữa đang gần kề. Việc Đảng Cộng Sản Việt Nam rầm rộ chuẩn bị tổ chức tiệc ăn mừng “chiến thắng” là vết cắt xát muối cho những người tị nạn Cộng Sản ở khắp nơi trên thế giời. Nhà nước lại đan tâm nở nụ cười trên nỗi đau xót và căm giận của muôn dân nước Việt. Vết thương nưng mũ xưa kia chưa được hàn khít nay phải nứt toạc vì những việc làm vô nhân tính của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Cái nực cười nhất của nhà cầm quyền Cộng Sản là sự săn lùng ráo riết những kẻ sinh vào đúng ngày 30/4/1975 để đem về “kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam”. Họ đày đọa người dân trong nước chưa đủ sao mà còn cố tình gợi lên trong tâm thức của hàng triệu đồng bào trong và ngoài nước những hình ảnh bi thương năm xưa. Tôi có thể cảm nhận sự nhớ thương quê hương Việt Nam da diết của nhiều người Việt tị nạn Cộng Sản bởi đây mới chính là quê hương thật sự của những đứa con được nuôi dưỡng từ dòng sữa mẹ Việt Nam ngọt ngào. Bài hát Quê Hương vẫn vang vọng đâu đây trong tha thiết: “Quê hương mỗi người chỉ một - Như là chỉ một mẹ thôi - Quê hương nếu ai không nhớ - Sẽ không lớn nổi thành người”. Có phải là một điều may mắn khi tôi đang sống trong giai đoạn đất nước được tạm gọi là thời bình trên chính quê hương của mình? Cuộc sống của tôi có thật sự bình lặng mỗi ngày hay nỗi ưu tư về vận mệnh đất nước đang lâm nguy cứ mãi bám riết trong tâm trí? Những tưởng chiến tranh đã kết thúc, nhưng không, nó chỉ biến dạng sang một hình thể khác. Bây giờ tuổi trẻ chúng tôi sống làm nô lệ cho chủ nghĩa Cộng Sản. Chúng tôi không nhàn hạ thưởng thức thú vui cuộc sống vì chúng tôi đã không có được cuộc đời chân chính. Tôi cảm thấy sinh ra sau ngày 30/4/1975 là nỗi bất hạnh cho bất cứ một người dân mang dòng máu Việt Nam da vàng nào. Cái ngày oan nghiệt ấy đối với tôi không phải là chiến thắng dành độc lập cho quê hương mà bây giờ đã trở thành ngày Quốc hận cho toàn dân tộc Việt Nam. Không phải sự thù hằn giữa chế độ với chế độ mà là nỗi hận tận xương tuỷ của một dân tộc bị chính nhà nước mình bán đứng, sát hại. Nếu như cuốn lịch Tây phương từ nay không còn cái ngày 30 tháng Tư thì có lẽ vết thương lòng nhức nhối của con dân trong nước và người Việt Tự do hải ngoại sẽ nguôi ngoai ít phần. Tuy không còn một thời lửa chiến đỏ trời nhưng bây giờ dân tộc Việt Nam vẫn đang vật vã ngày đêm để chống chọi bọn bán nước Cộng Sản. Đã hết rồi lời ca tụng chiến thắng thống nhất đất nước mị dân. Các bạn trẻ khắp năm châu hãy nhận thức rõ rằng ngày 30/4 là một ngày quốc hận đầy sắc máu. Một ngày đã làm cho các bạn không có tự do cất tiếng khóc lúc vừa mới chào đời, không có tiếng cười hạnh phúc khi quây quần bên cạnh gia đình, không có quyền phát biểu tiếng nói dân chủ trong lòng xã hội bất công. Hỡi tuổi trẻ Việt Nam, hãy khắc ghi sâu một ngày 30 tháng 4 đầy uất hận và hãy nhớ trái tim quê hương của chúng ta vẫn còn rỉ máu.

Lê Nguyễn Huy Trần


No comments:

Post a Comment