Thursday, April 2, 2009

Khi Nào Thì Hết Sợ - Trương Văn Phú

Trương Văn Phú

Gần đây trên mạng Internet liên tục xuất hiện các bài viết đề cập đến thời gian đã qua, hay còn gọi là thời kỳ đã qua. Mặc dù không đưa ra những mốc thời gian cụ thể, xong ai cũng hiểu rằng thời kỳ đó bắt đầu từ 1954 ở miền Bắc và 1975 ở miền Nam.

Một nét đặc trưng và bao trùm lên trên tất cả mọi người dân Việt Nam trong thời gian đó là: Nỗi sợ và Cái hèn.

Chính nỗi sợ làm cho chúng ta hèn. Vậy chúng ta sợ cái gì? Một điều chắc như đinh đóng cột là chúng ta sợ Cộng Sản. Với chính sách chuyên chế vô sản, với các cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng, cải cách ruộng đất,… và đặc biệt là chủ trương “Bóp lấy dạ dày nhân dân” đã làm cho dân tộc Việt Nam từ một dân tộc anh hùng trở thành một dân tộc sợ hãi và hèn nhát.

Nhân dân sợ

Khi nhìn lại hơn một triệu người dân Miền Bắc di cư vào Nam sau năm 1954. Nhìn lại tình cảnh hỗn độn, dân chúng đua nhau tháo chạy khỏi Miền Nam năm 1975 và thời gian sau đó ai trong chúng ta cũng có thể hình dung ra nổi sợ hãi người cộng sản như thế nào. Không sợ làm sao được khi mẹ tôi nấu cơm độn khoai không đủ 40% khoai liền bị lập biên bản. Ba tôi phải đem hai cái bình điện (Ắc-qui) đục ra để làm chậu trồng rau, vì sợ rằng có bình điện tức là nhà giàu, là tư sản, là có tội, là nợ máu nhân dân.

Giang hồ sợ

Có một lần khi chứng kiến hai băng đảng giang hồ đang giáp mặt nhau chuẩn bị tỉ thí trong một quán nhậu ở thành phố Nha Trang. Đôi bên đang dàn trận với khí thế hừng hực, đột nhiên một trong những người cầm đầu của một bên rút trong túi ra cái thẻ màu đỏ, đập xuống bàn kèm theo mấy câu chửi thề. Ngay lập tức băng giang hồ bên kia biết rằng mình đụng phải “thứ dữ” nên nhanh chóng rút lui, mặt xanh như đít nhái!

Trí thức sợ

Trí thức là thành phần ưu tú của dân tộc, ấy vậy mà cũng sợ, cũng hèn. Để diễn đạt nỗi sợ của trí thức, xin mượn mấy câu thơ dưới đây của nhà thơ Bùi minh Quốc:

“Bao nghẹn uất Nguyệt Nga xé trời kêu chẳng thấu
Giữa chợ đời biệt dạng Lục Vân Tiên
Hảo hớn bận giang hồ quán nhậu
Thi nhau bốc phét để quên hèn.”

Lãnh đạo tôn giáo sợ


Ở Việt Nam có hai tôn giáo lớn. Đứng đầu là Phật Giáo với hơn 80% dân số theo Phật giáo. Chỉ thấy một số ít thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất của Hòa thượng Thích Quảng Độ có thể gọi là không biết sợ. Tôn giáo lớn thứ hai là Công Giáo. Cũng vì sợ mà bao năm trời đã chấp nhận im hơi lặng tiếng mặc cho xã hội đảo điên, mặc cho luân thường đạo lý trở nên bèo dạt mây trôi.

Chính quyền sợ

Kể cũng lạ, mọi thành phần dân tộc đều sợ công sản, vậy chính quyền cộng sản thì sợ ai nữa. Nói zậy nhưng không phải zậy, đây mới chính là thành phần sợ nhiều nhất, sợ lâu nhất và hèn hơn ai hết. Cái sợ thứ nhất là: Cộng sản bé sợ cộng sản lớn. Cụ thể là hết sợ Liên Xô bây giờ đến sợ Tàu. Phái Bắc nhượng đất, phía đông nhường biển, rồi bây giờ dâng cả Tây nguyên luôn cho êm. Chưa hết, vừa rồi căng thẳng giữa các nước trên biển đông, trong khi Phi, người Mã khẳng khái tuyên bố chủ quyền của họ (dù chưa chắc là của họ) thì người ta lại thấy các bác trong bộ chính trị lục đục “đi tàu”! Cái sợ thứ hai của người cộng sản là họ sợ chính họ. Này nhé: Một Võ nguyên Giáp đang nắm binh quyền trong tay mà phải lui về làm “Kế hoạch sinh đẻ”. Một Võ Văn Kiệt khi bênh hoạn không dám nằm ở bệnh viện nhà nước mà phải nằm bệnh viện “đế quốc”. Một Lê khả Phiêu, tin vào Đức Phật, thờ Đức Phật mà sợ không dám công khai xác nhận niềm tin của mình.

Khi nào thì hết sợ?

Trong suốt một thời gian dài mà cả dân tộc đều sợ thì có một số ít các nhà yêu nước với đủ các thành phần, điển hình như: Trí thức có: Hà sĩ Phu, Nguyễn thanh Giang,… . Phía tôn giáo có Cố Giám mục Nguyễn Kim Điền, Linh mục Nguyễn văn Lý, Hòa thượng Thích Quảng Độ,… . Phía những người cộng sản có Hoàng minh Chính, Trần Độ,… họ đã vượt qua cái sợ để nói lên tiếng nói của lương tâm, của Công lý và Sự thật.

Từ những hạt giống đó đến năm 2006 thì lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện một bản tuyên ngôn về Nhân quyền. Khởi đầu chỉ với vài người “không biết sợ”, sau vài tháng thì con số người “không biết sợ” đã lên đến vài ngàn người. Sau đó giới trí thức trẻ bắt đầu “hết sợ” mà điển hình là các gương mặt như Lê thị công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Quốc Quân, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Tiến Trung,…

Đến cuối năm 2008 thì lãnh đạo Tôn giáo bắt đầu “không còn sợ nữa” mà điển hình là Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và Hội đồng Giám mục Việt Nam đã lên tiếng bênh vực cho Công lý và Hòa Bình. Hưởng ứng cho phong trào đấu tranh vì Công lý và Hòa Bình đó là giáo dân Việt Nam trong và ngoài nước. Tiêu biểu cho thành phần “phó thường dân hết biết sợ” này là Giáo dân giáo xứ Thái Hà. Với những gì được thể hiện qua quá trình đấu tranh và đặc biệt là qua hai phiên tòa vừa qua, chúng ta có thể khẳng định rằng: Nổi sợ hải đã qua đi và tiếng của Công lý, của sự thật đã xuất hiện trong người dân Việt Nam.

Vậy khi nào thi người cộng sản hết sợ và hết hèn? Khi nào thi người cộng sản khẳng khái tuyên bố họ không còn tin vào chủ thuyết Mác-Lê nữa? Khi nào thì họ đồng hành cùng dân tộc, khẳng khái bảo vệ biên cương, bảo vệ Tổ quốc mà cha ông ta để lại? Những câu hỏi này xin dành cho những nhà lãnh đạo cộng sản.

Một ngày cuối tháng 3 năm 2009
Trương Văn Phú

http://giaoxuthaiha.org/Web/ContentDetail.aspx?distid=2006

No comments:

Post a Comment