Thursday, July 30, 2009

Đức Huỳnh Phú Sổ Và Công Cuộc Vân Động Tự Do Cho Việt Nam - Trần Gia Phụng


(Trình bày tại Toronto trong Đại lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Khai sáng Nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo)

I. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ

Theo hòa ước Giáp Tuất (15-03-1874), toàn thể sáu tỉnh Nam Kỳ bị nhượng cho Pháp. Từ đây Nam Kỳ là thuộc địa Pháp, nghĩa là Pháp trực tiếp cai trị Nam Kỳ, chứ Nam Kỳ không còn thuộc quyền triều đình Việt Nam

Mười năm sau, tức vào năm 1884, Pháp bảo hộ toàn cõi Việt Nam, nghĩa là khác với Nam Kỳ, Bắc và Trung Kỳ vẫn do triều đình Việt Nam cai trị, nhưng dưới sự điều khiển của người Pháp. Dân chúng Việt Nam ở khắp nước liên tục nổi lên chống Pháp. Tuy nhiên, tất cả đều thất bại trước sức mạnh quân sự của Pháp.

Tuy nhiên, tình hình thay đổi khi thế chiến thứ hai xảy ra vào tháng 9-1939. Tại Âu Châu, Pháp bị Đức xâm lăng. Tại Á Châu, đồng minh của Đức là Nhật Bản, bắt đầu tiến quân vào Đông Dương từ năm 1940 để xuống Đông Nam Á.

Nhật Bản vẫn để Pháp cai trị Đông Dương, và dùng nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương nhằm phục vụ những quyền lợi Nhật Bản, nhất là phục vụ nhu cầu lương thực cho quân đội viễn chinh Nhật Bản. Khi Nhật Bản tấn công Hoa Kỳ tại Trân Châu cảng ngày 7-12-1941, Hoa Kỳ liền tuyên chiến với Nhật Bản và Đức, đứng trong khối Đồng minh. Nhờ thế khối Đồng minh càng ngày càng thắng thế.

Đức đầu hàng Đồng minh ngày 07-05-1945. Điều nầy làm cho quân Nhật ở Đông Dương lo ngại. Nguyên từ khi Nhật đến Đông Dương, chính phủ Pháp tại Đông Dương thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Pétain là chính phủ bị Đức khống chế. Nay Đức đầu hàng, chính phủ Pétain sụp đổ. Chính phủ lâm thời Pháp do De Gaulle lãnh đạo. Vì vậy quân Nhật ở Đông Dương lo sợ chính phủ Đông Dương vâng lệnh De Gaulle bất ngờ phản công Nhật. Nhật tổ chức cuộc hành quân Meigo ngày 09-03-1945, lật đổ chính phủ Pháp tại Đông Dương, trao trả độc lập cho Việt Nam. Vua Bảo Đại uỷ cho Trần Trọng Kim thành lập chính phủ

Tuy nhiên, chẳng bao lâu, Nhật cũng thất trận, đầu hàng Đồng minh ngày 14-08-1945. Lúc đó, tại Đông Dương, tình hình rất lộn xộn;
    1. Thứ nhất, quân đội Nhật buông súng.
    2. Thứ hai, các đảng phái chính trị nổi lên tranh đấu giành độc lập.
    3. Thứ ba, đảng Cộng Sản Đông Dương và mặt trận Việt Minh nhanh tay cướp chính quyền ở Hà Nội và ở Sài Gòn.
    4. Thứ tư, vua Bảo Đại thoái vị ở Huế, chính phủ TrầnTrọng Kim sụp đổ. 5) Pháp đưa quân trở lại Đông Dương.
Chính trong hoàn cảnh xáo trộn đó, Đức Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) và dấn thân hoạt động chính trị.

II. CÔNG CUỘC VẬN ĐỘNG TỰ DO DÂN CHỦ

Đức giáo chủ Huỳnh Phú Sổ sinh ngày 25 tháng 11 năm kỷ mùi (15-01-1920), là con trai đầu của ông Huỳnh Công Bộ và bà Lê Thị Nhậm, một gia đình nông dân trung lưu. Ngày 18 tháng 5 năm kỷ mão (04-07-1939), Đức thầy Huỳnh Phú Sổ thành lập tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang), một tông phái Phật giáo mới là Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH).

Từ khi khai đạo, Đức thầy Huỳnh Phú Sổ vừa thuyết pháp, vừa sáng tác nhiều kệ giảng, dựa trên giáo lý nhà Phật, khuyên người gắng sức tu hành để thoát qua những tai ương do thời cuộc đưa đến. Những kệ giảng của Đức thầy thuần túy bằng tiếng Việt, rất giản dị, lại có vần điệu, dễ hiểu, dễ thuộc, dễ nhớ và dễ lập lại hằng ngày trong cuộc sống, nên rất dễ phổ biến.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của PGHH, người Pháp rất lo ngại. Ngày 18- 05-1940, tức khoảng một năm sau ngày khai đạo, Pháp giải Đức thầy Huỳnh Phú Sổ từ làng Hòa Hảo về Châu Đốc để điều tra. Sau đó, Pháp đưa Ngài về Sa Đéc, rồi về làng Nhơn Nghĩa, rạch Xà No, tỉnh Cần Thơ, quản thúc từ ngày 23-05-1940. Nhiều tín đồ PGHH được tin, liền tìm đến thăm.

Vì vậy, sau ba tháng ở Cần Thơ, người Pháp đưa Đức thầy Huỳnh Phú Sổ lên Sài Gòn, an trí tại nhà thương điên Chợ Quán. Ngày 05-06-1941, người Pháp lại dời Huỳnh giáo chủ về Bạc Liêu. Do sự can thiệp của quân đội Nhật, Huỳnh giáo chủ được thả và được đưa về sống ở Sài Gòn từ tháng 10-1942.

Do hoàn cảnh chính trị và đời sống, từ đó (năm 1942), Đức thầy Huỳnh Phú Sổ bắt đầu tiếp xúc với các nhân vật chính trị Nam phần, và bắt đầu dấn thân vào con đường họat động chính trị. Huỳnh Giáo chủ là một nhà yêu nước đã hết lòng tranh đấu cho nền độc lập dân tộc.

Năm 1944, Đức thầy thành lập Bảo An Đoàn PGHH tại một số tỉnh miền Tây. Vào năm 1945, Huỳnh giáo chủ lập Việt Nam Vận Động Hội để tranh đấu đòi độc lập và thống nhất cho xứ sở.

Từ đây, có thể nói Đức thầy Huỳnh Phú Sổ tham gia tích cực vào cuộc vận động cho nền tự do dân chủ của đất nước. Khuynh hướng nầy được Đức thầy bày tỏ trong bốn câu đầu bài “Quyết rứt cà sa”, thơ thất ngôn liên hoàn, sáng tác năm 1946 như sau:
    “Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau,
    Quyết rứt cà sa khoác chiến bào,
    Đuổi bọn xâm lăng, gìn đất nước,
    Ngọn cờ độc lập phất phơ cao…”
    (Thơ Huỳnh Giáo chủ)
Khi dấn thân hoạt động chính trị trong thời đại loạn, hai chủ trương chính trị rõ nét nhất của Đức Huỳnh Giáo chủ là ĐOÀN KẾT và DÂN CHỦ.

Khi được tin vua Bảo Đại (trị vì 1925-1945) tuyên bố độc lập ngày 11-03-1945, Huỳnh giáo chủ đã ra huấn lệnh ngày 15-03-1945 (mồng 2 tháng 2 năm ất dậu) cho tín đồ như sau: “Đạo Phật là đạo từ bi bác ái, dĩ đức háo sanh, khoan hồng đại độ; tuy tình thế đổi thay chớ tấm lòng nhơn chẳng đổi. Vậy hãy coi toàn dân như anh em một nhà, mong họ liên kết với chúng ta để kiến thiết lại quê hương cùng nền Đạo nghĩa …” (Ban Trị sự Trung ương Hải ngoại, Sấm giảng thi văn toàn bộ của Đức Huỳnh giáo chủ, 2004, tr. 481.)

Chẳng những ra lệnh cho tín đồ, Đức Huỳnh giáo chủ còn đưa ra lời kêu gọi tinh thần đoàn kết đến toàn thể đồng bào Việt Nam như sau: “Vậy tôi xin khuyên tất cả đồng bào muốn tỏ ra xứng đáng với một người dân một nước tự do thì chúng ta hãy nên đoàn kết chặt chẽ cùng nhau, hãy quên hết những mối thù hiềm ganh ghét, đừng bày ra cái họa nồi da xáo thịt …” (Ban Trị sự Trung ương Hải ngoại, sđd. tr. 490.)

Do chủ trương đoàn kết, trong Tuyên ngôn ngày 21-9-1946 thành lập Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội, Đức Huỳnh Giáo chủ viết: “Đặc điểm của Việt Nam Dân Xã Đảng là, trong giai đoạn hiện tại, không chủ trương giai cấp đấu tranh giữa dân tộc Việt Nam vì lẽ ở xã hội Việt Nam hiện thời, trên 80 năm bị trị, chỉ có một giai cấp bị “tư bản thực dân” bóc lột.” (Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo Hải ngọai, sđd. tt. 533-534.)

Chủ trương chính trị lớn thứ hai của Huỳnh Giáo chủ là vận động thiết lập chế độ dân chủ cho Việt Nam sau thế chiến thứ hai. Trong tuyên ngôn của Dân Xã Đảng, Đức thầy Huỳnh Phú Sổ nhấn mạnh: “Việt Nam Dân Xã Đảng là một đảng dân chủ, chủ trương thiệt thi triệt để nguyên tắc chánh trị của chủ nghĩa dân chủ: “chủ quyền ở nơi toàn thể nhân dân”. Đảng Dân Xã chủ trương “toàn dân chánh trị, thế tất đảng [Dâ n Xã ] chống độc tài bất cứ hình thức nào.(Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo Hải ngọai, sđd. tr. 533.)

Đồng thời với bản Tuyên ngôn, chương trình hành động của Dân Xã Đảng do Đức Huỳnh Giáo chủ đưa ra, nhấn mạnh thêm một lần nữa đến việc bảo đảm tự do dân chủ cho toàn dân, và chống bất cứ hình thức độc tài nào. Chủ trương của Đức Huỳnh Giáo chủ rõ ràng đi ngược với chủ trương đảng trị độc tài của đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD).

Vì lòng yêu nước, vì tinh thần đoàn kết, vì tôn trọng dân chủ, tôn trọng tất cả các đoàn thể khác, kể cả mặt trận Việt Minh (VM) và đảng CSĐD, Huỳnh Giáo chủ luôn luôn sát cánh với các đoàn thể khác để tranh đấu giành độc lập và tự do cho dân tộc. Ngài nhiều lần bị VM cộng sản ám hại.

Lần đầu, VM tung người bao vây để bắt Đức Huỳnh Phú Sổ tại văn phòng ở Sài Gòn ngày 09-09-1945, nhưng Ngài thoát được. Việt Minh ra lệnh tìm bắt giết những nhân vật quan trọng của PGHH. [Như Huỳnh Thạnh Mậu (em ruột Đức thầy Huỳnh Phú Sổ), Nguyễn Xuân Thiếp, Trần Ngọc Hoành tại Cần Thơ; Chung Bá Khánh, Đỗ Thiều, Võ Văn Thời tại Trà Vinh, Vĩnh Bình.]

Dầu vậy, Đức giáo chủ vẫn sẵn sàng thương thuyết với VM để duy trì sự đoàn kết trong nội bộ người Việt, nhằm tạo tổng lực dân tộc chống các thế lực ngoại xâm. Khi xảy ra sự xô xát giữa lực lượng PGHH và VM tại Sa-Đéc, ngày 16-4-1947, VM mời Đức Huỳnh Giáo chủ đến họp để giải quyết. Nhân cơ hội đó, VM tấn công và đưa Huỳnh Giáo chủ đi mất tích.

KẾT LUẬN

Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ là một tu sĩ Phật giáo, đã có công khai sáng tông phái PGHH. Bên cạnh đó, Ngài còn là một nhà hoạt động chính trị. Sự nghiệp chính trị của Ngài đang còn dang dở, chưa hoàn tất, nhưng đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá thật đáng nhớ.

Bài học thứ nhất là tình yêu nước vô bờ bến của Huỳnh Giáo chủ, luôn luôn đặt quyền lợi tổ quốc lên trên hết, trên hẳn quyền lợi cá nhân, quyền lợi của tổ chức, hay quyền lợi của đảng phái.
    “Ta có tình yêu rất mặn nồng,
    Yêu đời, yêu lẫn cả non sông …”
Huỳnh Giáo chủ hoạt động không mệt mỏi, không đòi hỏi một địa vị hay quyền lợi nào cho cá nhân hay cho tổ chức PGHH.

Bài học thứ hai là tinh thần đoàn kết. Bài học đoàn kết của Huỳnh Giáo cho chúng ta hai kinh nghiệm cùng một lúc. Kinh nghiệm thứ nhất là muốn tranh đấu có kết quả, thì phải đoàn kết nhằm tạo sức mạnh tổng lực của dân tộc. Kinh nghiệm thứ hai, là Đức Huỳnh Phú Sổ đã hết sức rộng rãi, vận động đoàn kết tất cả các đoàn thể chính trị, kể cả đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD), nhưng người cộng sản vẫn âm mưu tấn công Ngài. (Đã trình bày ở trên.) Chẳng những tấn công một tu sĩ như Huỳnh Cháo chủ, CSVN luôn luôn tìm cách tiêu diệt tất cả những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc, không chấp nhận cộng sản.

Việc CSVN không ngừng tấn công Huỳnh Giáo chủ là một kinh nghiệm cho thấy rõ là DỨT KHOÁT KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ ĐOÀN KẾT VỚI CỘNG SẢN; KHÔNG BAO GIỜ HÒA GIẢI HÒA HỢP VỚI CỘNG SẢN. ĐOÀN KẾT, HÒA GIẢI HÒA HỢP VỚI CỘNG SẢN LÀ TỰ SÁT.

Bài học thứ ba là tinh thần dân chủ của Đức thầy Huỳnh Phú Sổ. Chúng ta hiện đang sống trong thế kỷ 21. Có thể nói thế kỷ 21 là thế kỷ của trào lưu dân chủ trên thế giới. Tuy nhiên nước Việt Nam chúng ta hiện nay vẫn còn chìm ngập trong chế độ độc tài toàn trị, không có bất cứ một thứ tự do nào, không có tự do bầu cử và ứng cử, không có tự do báo chí, không có tự do tôn giáo… Người Việt Nam ở trong nước hiện nay như ở trong một nhà tù lớn, chỉ được tự do nghèo đói, tự do đĩ điếm, còn cán bộ cộng sản thì tự do tham nhũng.

Vì vậy, bài học dân chủ hiện rất cần thiết với Việt Nam hiện nay. Phải có tự do dân chủ cho toàn dân thì toàn dân mới đóng góp xây dựng đất nước. Như thế, câu viết của Huỳnh Giáo chủ trong tuyên ngôn thành lập Dân Xã Đảng vẫn còn nguyên giá trị với dân tộc Việt Nam: “… Toàn dân chánh trị, thế tất đảng [Dân Xã ] chống độc tài bất cứ hình thức nào.”

Để tiếp tục thực hiện tuyên ngôn của Huỳnh Giáo chủ, chống lại chế độ độc tài bất cứ hình thức nào, vận động tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam, tốt nhất hiện nay là NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI CHÚNG TA HÃY YỂM TRỢ CÁC PHONG TRÀO DÂN CHỦ QUỐC NỘI BẰNG TẤT CẢ CÁC PHƯƠNG TIỆN, ĐỂ ĐỒNG BÀO QUỐC NỘI ĐỨNG LÊN GIẢI TRỪ CHẾ ĐỘ BẠO QUYỀN CỘNG SẢN TRONG NƯỚC. Đó là con đường duy nhất để mở cửa cho sự phát triển đất nước.

Trần Gia Phụng
(Toronto, 07-06-2009)

No comments:

Post a Comment