Friday, February 6, 2009

Tuyên truyền VC Qua Cuộc Triển Lãm Tại Casula Power House, Sydney, Úc Châu - Thụy Ái


Thụy Ái

Quả là con bạch tuộc với những cái vòi dài hết quậy ở Mỹ nay lại chạy sang Úc Châu. Sau khi thất bại trong cuộc triển lãm nghệ thuật tuyên truyền cho chế độ biến thái cộng sản, tổ chức bởi nhóm VAALA tại Nam California, Hoa Kỳ, VC nay lại đang núp sau các họa sĩ thiên tả Úc-Việt qua một cuộc triển lãm nghệ thuật tổ chức tại Casula Power House, Sydney, Úc Châu vào ngày Thứ Bẩy 31/1 và sẽ kéo dài đến ngày 15/3 dưới danh xưng là "Vietnam Voices - Australians and the Vietnam War."

Cũng vào tháng 3/2009 VC sẽ đưa sang Úc Châu 1 phái đoàn gồm 50 ca nghệ sĩ Việt Nam đến trình diễn tại Casino - Star City dưới sự bảo trợ của tòa đại sứ Việt Cộng, Úc Châu. Qua đến tháng 4, Casula sẽ bắt đầu một cuộc triển lãm mới có tên là Nam Bang với toàn bộ triển lãm là tranh ảnh nghệ thuật của VC và các nhóm thiên tả, phản chiến Úc Châu. Cần biết thêm là Casula Power House trong quá khứ đã đứng sau những cuộc triển lãm mang tính tuyên truyền cho CSVN như Vietnam Voices 2000, Gánh Hàng Rong, Phở Chó, v.v... Riêng cuộc triển lãm “Vietnam Voices - Australians and the Vietnam War” theo như đã được giới thiệu từ Hội Cựu Quân Nhân thiên tả Úc, thì mục đích là dùng các tác phẩm thực hiện bởi những cựu chiến Binh Úc-Việt, những người chống chiến tranh và cựu chiến binh miền Bắc VN [VC], để giới thiệu đến quần chúng Úc Châu hình ảnh về cuộc chiến Việt Nam. Cuộc triển lãm kế tiếp với tên “NAM BANG” sẽ trình bầy cái nhìn của những người trẻ không có kinh nghiệm sống với Cộng sản, không rành tiếng Việt và chịu ảnh hưởng của tài liệu ngoại quốc về cuộc chiến VN.

Qua buổi duyệt xét trước khi triển lãm vào chiều Thứ Năm ngày 29/01/2009 được biết đã có vào khoảng 1/10 là tranh ảnh về phía người Việt quốc gia, trong đó có một lá cờ vàng VNCH, một hình Vá Cờ, và một vài bức tranh tiêu biểu. Còn lại 9/10 tác phẩm là tranh ảnh tuyên truyền cho chế độ CSVN, trong đó có một bức chống chiến tranh mang tên “The Viet Nam War”của Lã Thảo Nhi thực hiện từ những mẫu phỏng vấn lên án chiến tranh Việt Nam, hay bức tranh của Hạnh Ngô tựa đề “Bác Hồ (Uncle Hồ) với 36 bức ảnh chụp thâu nhỏ khuôn mặt của Hồ Chí Minh.

Đại diện cho Ban Tổ Chức, bà Bội Trân đã đưa ra giải thích như sau: Về tác giả bức tranh “Bác Hồ” thì Hạnh Ngô là một người trẻ theo cha mẹ vượt biên lúc cô 8 tuổi. Bức tranh này cô đã thực hiện với ý tưởng làm giảm giá trị của Hồ Chí Minh qua sự thâu nhỏ hình Hồ Chí Minh thành 36 bức và đặt trên di chúc của Hồ Chí Minh đã được xé ra thành nhiều mảnh. Bức tranh “Bác Hồ” cũng được trang trí bằng hoa hướng dương là loại hoa chỉ hướng về một chiều mang hàm ý chế độ cộng sản là chế độ độc tài. Các giải thích trên tuy nhiên đã không thỏa mãn được phía người Việt quốc gia. Các lý do tranh cãi đã được đặt ra. Thứ nhất là bức tranh “Bác Hồ” này đã được đăng kèm theo một bài viết ca ngợi Hồ Chí Minh trong cuốn giới thiệu về cuộc triển lãm. Thứ hai, ý nghĩa của hoa hướng dương là hoa hướng về mặt trời ca ngợi sự trong sáng, lý tưởng (của người lãnh đạo, hay là bày tỏ ý nghĩ hướng về “bác Hồ”). Một bài hát sau khi VC chiếm miền Nam có câu: “nếu là chim em sẽ là loài bồ câu trắng, nếu là hoa em sẽ là một đoá hướng dương, nếu là người em sẽ chết cho quê hương”. Sau những phản đối từ phía cộng đồng người Việt, họa sĩ Lã Thảo Nhi đã quyết định rút bức tranh “The Viet Nam War” của cô ra khỏi cuộc triển lãm Vietnam Voices.

Cùng thời điểm với cuộc triển lãm tranh tuyên truyền của Casula Power House, Cộng Đồng Sydney bị bận với việc tổ chức Hội Chợ Tết Kỷ Sửu 2009 nhưng luật sư Võ Trí Dũng, Chủ Tịch của Cộng Đồng NSW đã ủy thác cho Phó chủ Tịch Văn Hóa Giáo Dục cộng đồng NSW là bà Ánh Linh đảm nhận trách nhiệm liên lạc với Ban Tổ Chức của cuộc triển lãm “Việt Nam Voices” và kết hợp với Ban Chấp Hành Cộng Đồng để có những thái độ thích ứng.

Trước những giải thích và thái độ nhượng bộ của ban tổ chức triển lãm tranh tuyên truyền cho VC, dư luận trong quần chúng gồm đồng bào, các đoàn thể và hội đoàn tại Sydney hiện nay đang có hai khuynh hướng. Một là chủ trương hiền lành không biểu tình chống đối mà chỉ vận động ngoại giao đối với những cuộc triển lãm mang tính tuyên truyền cho Việt Cộng sắp tới cũng đủ có kết quả. Khuynh hướng thứ hai thì cho rằng Ban Tổ Chức của cuộc triển lãm VN Voices có nhượng bộ nhỏ, nghĩa là cho người quốc gia có thêm một số tranh ảnh về Tết Mậu Thân được trưng bầy trong cuộc triển lãm là chỉ nhằm tránh được những chống đối biểu tình trong các kế hoạch tuyên truyền sắp tới như tin đã đưa ở trên. Nghĩa là vào tháng 3/2009, một phái đoàn gồm 50 ca nghệ sĩ Việt Nam sẽ đến trình diễn tại Casino - Star City dưới sự bảo trợ của tòa đại sứ Việt Cộng, Úc Châu. Và qua đến tháng 4, thì Casula sẽ bắt đầu một cuộc triển lãm mới có tên là Nam Bang với toàn bộ triển lãm là tranh ảnh nghệ thuật của VC và nhóm thiên tả, phản chiến Úc Châu.

Coi sự nhượng bộ nhỏ nhoi trong cuộc triển lãm Vietnam Voices như một thắng lợi mà ngưng đấu tranh gạt bỏ các biểu tượng chế độ CSVN là không thấy âm mưu công khai hoá và bình thường hoá các biểu tượng của chế độ này trong cộng đồng hải ngoại, dưới hình thức tự do phát biểu. Một chế độ tội ác trong quá khứ và tiếp tục phạm tội ác với dân tộc hiện tại không thể có chỗ trong các cộng đồng Việt Nam hải ngoại.

Cũng cần nhắc lại một bản tin nóng hổi cách đây vài hôm, đó là phản ứng chống đối của Mỹ, Do Thái và nhiều nước Tây phương đối với lệnh mới đây của Đức giáo hoàng Benedict XVI [16] hủy quyết định rút phép thông công cho giám mục Richard Williamson. Giám mục Williamson đã bị mất phép thông công vì đã đặt dấu hỏi về sự hiện hữu của các phòng hơi ngạt giết người Do thái trong các trại tập trung Đức Quốc Xã.

Chế độ Đức quốc xã chỉ tàn hại trong 6 năm. Chế độ CSVN đã hủy hoại dân tộc và đất nước Việt Nam từ thập niên 50 cho tới nay. Nhìn rõ vấn đề như thế thì người Việt tự do sẽ thấy ngay rằng chúng ta cần phải có thái độ nào đối với mọi âm mưu len lấn tuyên truyền cho chế độ VC cho dù là với sự tiếp tay của các đối tác tài phiệt hay của những kẻ thời cơ.

Thụy Ái
Ngày 4 tháng 2 năm 2009



No comments:

Post a Comment