Sunday, February 8, 2009

Hey! Brian Đoàn - Huy Phương


Huy Phương

“Tôi không chống hoặc ủng hộ Cộng Sản. Tôi chỉ là một nghệ sĩ.”
(Brian Ðoàn)

Tôi gặp Brian Ðoàn cách đây mấy năm khi Ðoàn mở cuộc triển lãm “The Unforgotten Ones” gồm 30 bức ảnh về Làng Việt Nam tại Palawan, Phi Luật Tân ở phòng hội Lê Ðình Ðiểu mà tôi gọi là “Ngôi Làng Buồn Thảm” khi đặt bút viết về những cảm xúc của mình khi xem cuộc triển lãm này. Sự thành công của Ðoàn, dù chỉ vỏn vẹn trong ba mươi bức ảnh, đã làm cho người ta cảm nhận được những gì Ðoàn muốn chuyển đạt đến người xem, khi niềm tuyệt vọng, u uẩn thể hiện lên từng bức ảnh. Ðể có được bộ ảnh này, Brian Ðoàn đã phải đi Palawan hai lần, lần thứ nhất có nhà tài trợ, lần thứ hai phải nợ tiền thẻ tín dụng. Ðoàn cũng biết chuyến đi này không nhắm chuyện thương mãi, những bức ảnh trong cuộc triển lãm không thể bán được cho ai: “Ai lại treo hình một người điên đang trần truồng tắm trong nhà?”

Ðối với tôi, Brian Ðoàn cách đây mấy năm là một người trẻ tuổi, có học, có chuyên môn, biết dấn thân, có tâm huyết với đất nước, khởi đầu là dự án “Người Việt Lưu Vong” mà Ðoàn đã thực hiện trong mấy năm qua do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ bảo trợ. Mặc dù kinh phí rất hạn chế nhưng Ðoàn đã cố gắng đi thật nhiều, gặp gỡ đồng bào ở khắp mọi nơi trên thế giới, Châu Mỹ, Châu Âu, Ðông Âu ... để chụp hình và lấy tư liệu.” Brian Ðoàn cũng đã cho rằng “lịch sử của một dân tộc không chỉ là những trận đánh oanh liệt, những chiến tích oai hùng. Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam vẫn còn một mảng tối mà chúng ta cần soi sáng để con cháu chúng ta hãnh diện hơn về dân tộc mình. Mảng tối đó là máu xương của hơn nửa triệu người bỏ xác nơi biển Ðông hoặc nơi rừng thiêng nước độc, một mảng tối đầy nước mắt của những người đang sống một đời sống đầy cơ cực và tủi nhục”. Brian Ðoàn muốn thể hiện bằng hình ảnh một cuộc “thập tự chinh đầy máu và nước mắt” của dân tộc mình mà trong đó anh đã mất hai người anh ruột thịt. (NV 2-25-05).

Dù cuộc gặp gỡ rất ngắn ngủi bên trong và ngoài phòng triển lãm “The Unforgotten One”, tôi cũng đã ghi nhận ở Ðoàn là một người trẻ muốn phụng sự, không hề vụ lợi khi Ðoàn ngỏ ý muốn hợp tác với tôi trong loạt bài “Chân Dung Một H.O.” về phần hình ảnh. Lúc đó cũng như bây giờ tôi thấy hình ảnh chân dung của những người cựu tù nhân không cần đến phần nghệ thuật nhiều, các anh em lại ở rải rác nhiều tiểu bang, một phần cuốn sách không có kinh phí, nên không dám làm phiền đến thiện chí của Ðoàn.

Trong vòng ba năm ngắn ngủi, tôi thất vọng khi thấy Brian Ðoàn đã phản bội lại chính anh và phản bội lại những người đã yêu mến anh. Thật tình, lâu lắm, đây là lần tôi nghe lại tên Brian Ðoàn trong cuộc triển lãm mang tên “F.O.B.II: Nghệ Thuật Lên Tiếng” đã diễn ra tại trụ sở VAALA từ ngày 9 Tháng Giêng 2009 của hơn 40 nghệ sĩ mới và cũ, mà Ðoàn đã dẫn đầu bằng một mũi xung kích hay được gọi là người mang một trái bộc phá nổ tung giữa cộng đồng người Việt tỵ nạn. Những tác phẩm hội họa của Nguyên Khai, Ann Phong, Nguyễn Trọng Khôi mà chúng ta đã được thưởng ngoạn nhiều lần, lần này tôi có cảm tưởng như cái vỏ bọc cho những gì mà ban tổ chức hay người chọn tác phẩm Trâm Lê hay Y Sa muốn mở ra cho người khác thấy qua những tác phẩm mệnh danh là “Nghệ Thuật Lên Tiếng”.

Cuộc triển lãm được dự trù trước và ban tổ chức đã mời nhiều nghệ sĩ cùng triển lãm dưới một chủ đề chung hay đây chỉ là một cuộc triển lãm “tạp lục” quơ góp nhiều tác phẩm lại trong một thời gian nào đó để gây ra những điều sóng gió tệ hại như thế.

Cũng nên nói qua “tác phẩm” Vô Ðề (Untitle) của Steven Toly với lối giải thích ngu ngơ rằng đó là tượng trưng cho dân tộc đang bị giam hãm và trấn áp (vì sao lại dùng hình ảnh cờ vàng VNCH với ba sợi dây kẽm gai màu đỏ?) hay bức “Super Fab Beauty Queen” của Long T. Bui chỉ là đơn giản một bích chương cổ động (hay đả kích) tầm thường với dụng ý ghép ba hình ảnh cờ vàng, hoa hậu và chai thuốc viagara, dù giải thích thế nào thì đó là một ác ý không thể tha thứ. Ðiều này nói lên điều gì: văn hóa hải ngoại đọa lạc, ghê tởm? Một đứa trẻ cũng biết rằng cộng đồng hải ngoại, trên phương diện đạo đức, tốt đẹp hơn nền văn hóa hóa XHCH hằng nghìn lần.

Hai bức tranh trên và cả “Thủ Ðức, Việt Nam” của Brian Ðoàn không thể gọi là “tác phẩm nghệ thuật”. Tôi không thấy hay chưa hiểu nổi những gì gọi là nghệ thuật hay sự sáng tạo nào trong này, tất cả đều được sắp đặt cố ý với những hình ảnh mà tác gỉa muốn trình bày, đó là chiếc áo cờ đỏ sao vàng và bức tượng bán thân của Hồ Chí Minh trên một chiếc bàn nhỏ có chưng một bình hoa. Ðành rằng một nhà nhiếp ảnh có thể dàn dựng hay sắp đặt để chọn một hình ảnh được ghi nhận vào cái phút bắt chụp ưng ý nhất. Nguyễn Ngọc Hạnh luôn luôn dàn dựng trong những tác phẩm của ông, nhưng bức ảnh luôn luôn cho ta thấy “thật” và gây xúc động. Brian Ðoàn đã dàn dựng, nhưng những vật thể mà Ðoàn muốn đưa ra không có gì là trừu tượng, khó hiểu mà trái lại rất lộ liễu, thiếu chất mỹ thuật có thể đem lại cho người xem một cảm xúc nào, nếu không nói là rất khô cứng với một lá cờ đỏ và một bức tượng bán thân của Hồ Chí Minh, chỉ với một chủ đích nào đó.

Lan Dương trong ban tuyển chọn tác phẩm nói rằng: “bức ảnh có lá cờ Cộng Sản nhưng đó không phải là để xiển dương chế độ Cộng Sản mà như một kiểu thời trang của giới trẻ Việt Nam ngày nay”. Qua những cuộc tiếp xúc với báo chí, Brian Ðoàn cũng đã khẳng định đây không phải là một bức ảnh nói tốt cho chế độ Cộng Sản vì “lá cờ dùng để treo chứ không phải dùng để may áo mặc, tượng Hồ Chí Minh phải để chỗ trang trọng chứ không phải trên bàn ăn”, là để nói ngày nay ở Việt Nam không ai coi trọng những thứ này nữa. Lời ngụy biện này nghe chừng không ổn. “Một bức ảnh không nói tốt cho chế độ Cộng Sản”! Nếu lá cờ đỏ sao vàng này được in lên một manh áo rách của một em bé đang lê la trong những đống rác vĩ đại để kiếm ăn ở Việt Nam, hay hiện diện trên thân mình một em bé bảy, tám tuổi đang phải phục vụ khách làng chơi bằng khẩu dâm ở Kampuchea thì may ra lập luận của Brian Ðoàn còn nghe được.

Brian Ðoàn cũng đã khẳng định là “không” khi được hỏi anh có muốn gởi một thông điệp gì đến cho đồng hương qua bức ảnh này không? Vậy vấn đề còn lại là gì, một bức ảnh không mang tính chất nghệ thuật, không gói ghém một thông điệp gì gởi cho người thưởng ngoạn thì nó chỉ là một vật thể hay hình ảnh được cấu tạo một cách vô hồn.

Chắc chắn ban tổ chức cuộc triển lãm và tác giả đã đoán biết được những gì sẽ xẩy ra khi phòng triển lãm mở cửa với một bức ảnh như thế. Mười năm về trước, VAALA và Brian Ðoàn cũng không quá nhỏ để biết đến vụ Trần Trường với cũng một lá cờ và bức ảnh Hồ Chí Minh được trưng bày trong một cửa tiệm tư nhân, ở đây bây giờ nó lại được lập lại dưới một hình thức khác trong một cuộc triển lãm mở cửa mời công chúng vào xem. Cái giá đó không rẻ, để ban tổ chức có thể đánh đổi được một điều gì có lợi trong đó. Rõ ràng đây là một cuộc khiêu khích đầy dụng ý, thô bỉ, bất công và hàm hồ, như cố tình tạo nên một thời điểm bất ổn trong một cộng đồng ly hương đang chuẩn bị để đón Tết Nguyên Ðán năm nay. Ai là kẻ thủ lợi trong “biến cố” này, tôi tưởng đây là một điều dễ hiểu...

“Chúng tôi làm nghệ thuật và đây là chỗ nghệ thuật lên tiếng”, đã nhiều lần ban tổ chức khẳng định như vậy, xem như đám đông này đầu óc ngu muội, bị ám ảnh về chính trị và không đủ trình độ để thưởng thức nghệ thuật, nhưng liệu những tác phẩm như bức ảnh của Brian Ðoàn qua thời gian sống được bao nhiêu ngày, nói được điều gì để trở thành một bức ảnh đủ tiêu chuẩn nghệ thuật.

Chỉ còn lại là tuổi trẻ háo thắng, sử dụng cái quyền tự do phát biểu để đập thẳng vào mặt người khác mà không kiêng dè gì đến vết thương của cộng đồng mà họ lớn lên và thành người trong đó. Vấn đề còn lại là lương tâm của những người nhân danh tuổi trẻ, nhân danh nghệ thuật, nhân danh tự do ở xứ được tự do che chở này, bằng không đây là một cuộc khiêu khích có sắp đặt và có chủ đích nhắm đến cộng đồng tỵ nạn hải ngoại, làm lại một cuộc trắc nghiệm lấn chiếm khác, của những thế lực chính trị đang muốn phá nát sự đoàn kết và ý chí chống Cộng của người Việt lưu vong hải ngoại.

Bảy vị dân cử địa phương đã ra thông báo xin VAALA ngưng cuộc triển lãm này, Hàm Nguyễn, Ðông Xuyến trong ban tổ chức đã lên tiếng, cuộc biểu tình của đồng hương tỵ nạn Cộng Sản đang diễn ra vào sáng ngày 17 Tháng Giêng 2009, thân phụ của Brian Ðoàn, một người cựu tù “cải tạo” hơn 10 năm trong nhà tù Cộng Sản, đã xuất hiện trước công chúng, tỏ ý buồn phiền và ngỏ ý muốn Brian Ðoàn rút lại “tác phẩm” của anh. Ly nước tràn thêm với chuyện rắc rối về giấy phép của thành phố Santa Ana, VAALA đã tuyên bố đóng cửa phòng triển lãm.

Hai tuần sau phòng triển lãm “FOB II: Art Speaks” đóng cửa tại Santa Ana, báo The Orange County Register ngày 2 Tháng Hai 2009 loan tin nhiếp ảnh gia Brian Ðoàn lại tiếp tục triển lãm bức ảnh “cờ đỏ, tượng Hồ” này trong một cuộc triển lãm khác tại trường đại học cộng đồng Cypress College. Brian Ðoàn hoàn toàn phản bác lại tất cả ý kiến chống lại tác phẩm của anh. Ðiều tệ hại nhất là Brian Ðoàn đã nói với báo The Orange County Register rằng: “Tôi không chống hoặc ủng hộ Cộng Sản. Tôi chỉ là một nghệ sĩ.”

Tôi chưa nghe Brian Ðoàn định nghĩa thế nào là nghệ sĩ. Nghệ sĩ không phải là một người có đôi chân đi hỏng mặt đất, đứng ngoài lề xã hội, đứng trên nỗi đau đớn hay hạnh phúc của người khác. Người nghệ sĩ chọn những con đường khác nhau nhưng vẫn có tư cách, cương vị của một người công dân của một xã hội, con dân của một đất nước, phải có cái tâm và biết chống lại cái ác. Tôi tiếc là Brian Ðoàn đã phủ nhận chính con người của anh của những ngày “The Unforgotten Ones”. Válav Hazel chính là người nghệ sĩ lớn của nhân loại khi biết đau cùng cái đau của dân tộc, không sợ cường quyền, đã tình nguyện ở lại cùng với ngục tù của đất nước để làm cuộc “Cách Mạng Nhung”, đem Tiệp Khắc ra khỏi nạn Cộng Sản, có ai chê ông không phải là người nghệ sĩ? Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung đã bị đày đọa suốt 30 năm, nhưng ai tước đoạt được danh xưng nghệ sĩ của họ. Ngày trước dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhiều người mang danh nghệ sĩ đã cho mình là người trung lập, đứng ngoài cuộc chiến, chống chiến tranh, nhưng khi Cộng Sản vào miền Nam mới thấy cái nhục nhã, quỵ lụy của chúng. Chỉ trong chế độ tự do, được bảo vệ tự do và nhân phẩm, và nhân danh tự do, những người này mới được la hét, phá quậy, biểu diễn lập trường, nhưng trong chế độ độc tài, áp bức, họ chỉ là những con chiên ngoan ngoãn, thúc thủ, hèn nhát đi theo con đường đã được vạch sẵn.

Phạm Duy đổi màu “tắc kè”, Trịnh Công Sơn yếu đuối phản bội, đành rằng họ là nghệ sĩ, nhưng những người như Trầm Tử Thiêng nói đến nỗi đau của dân tộc, ghét Cộng Sản đến xương tủy, có ai nói Trầm Tử Thiêng không phải là nghệ sĩ?

Có thể nhiều nghệ sĩ cho rằng mình không làm chính trị, nhưng đã là con người phải có thái độ chính trị. Ðó là sự ghét bỏ điều ác, biết đi cùng nỗi khổ của con người và biết tranh đấu cho sự toàn thiện. Nếu không, đây chỉ là những người lửng lơ, thủ lợi như cô ca sĩ có thể kiếm tiền bằng cách lê giọng hát ở cả hai nơi, với hai chữ quê hương ngọt ngào như giọng cáo của La Fontaine.

Ðiều cuối cùng, phải nói là rất xót xa khi phải nói ra đây. Brian còn nợ những nỗi nhọc nhằn của thân phụ anh với mười năm tù để đưa anh sang đây, với mẹ anh trong những ngày gồng gánh thăm chồng, nuôi con, vất vả nuôi anh nên người, để rồi muốn làm một người nghệ sĩ “vẻ vang”, phản bội quá khứ, “không chống Cộng mà cũng không theo Cộng”, như con bọ hung dưới đất chui lên. Cái háo thắng của tuổi trẻ, cái bất cần khinh bỉ ý kiến đám đông, trong đó có cả các bậc sinh thành, cái hào quang của người nghệ sĩ chẳng có nghĩa gì khi con người không có cái tâm lành, mà có cái độc ác cào xới lên vết thương còn đau đớn của người khác, mắng mỏ vào cái cộng đồng từ đó mình đã lớn lên.

Ở đây là xứ tự do, Brian Ðoàn có quyền làm những gì anh muốn, được cổ võ bao bọc bởi một đám nhỏ đồng dạng, hãnh tiến mình là người nghệ sĩ lớn của nước Mỹ tự do, Brian Ðoàn bắt đầu say mê quyền lực, quyền lực phát biểu. Nhưng trước mắt tôi, hey! Brian Ðoàn, đối với gia đình, anh chỉ là một thằng con bất hiếu, đối với cộng đồng anh là một kẻ bất nghĩa.

Con diều bị bứt sợi dây mà từ đó nó mới có thể bay lên, sẽ không bay cao được đâu?

Huy Phương
(3 Tháng Hai 2009)



No comments:

Post a Comment