- 1979 - 2009
Mới mà đã 30 năm rời khỏi quê hương Việt Nam!
30 năm cư ngụ nơi xứ sở này: Bayern - Đức quốc!
Nhìn lại khoảng thời gian qua mà ngậm ngùi. Nhìn lại khoảng thời gian qua mà lòng luôn nhớ ơn, thật hết sức cám ơn nhân dân và chính phủ Cọng Hòa Liên Bang Đức, nôm na là Tây Đức trước kia, đã mở rộng vòng tay nhân ái cùng với một trái tim nồng thắm tình nhân loại, đón nhận và bảo bọc những người trốn chạy khỏi quê hương mình để xin tị nạn chính trị như chúng tôi: những người đã không thể sống trên quê hương của mình. Đã không thể sống trên quê hương của mình sau khi Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị ngã …!
Hình ảnh những ngày tháng Tư đen tối năm 1975 không sao xóa nhòa: Một khung cảnh rối loạn, một cục diện bàng hoàng, những khuôn mặt âu lo, những đăm chiêu, những bồn chồn hớt hãi, những chấp nhận chờ đợi sự đổi thay ..v..v.. Vấn đề (kín đáo) được đặt ra, bàn đến: bỏ xứ chạy đi hay ở lại?!
Thảm nạn chiến tranh triền miên trên đất nước nay có được hy vọng sẽ dần được an bình, bom đạn chết chóc rồi sẽ đi vào quên lãng! Dù gì tất cả cũng là những đứa con từ cùng bọc Mẹ Âu Cơ mà chủ nghĩa chỉ là áo khoác. Người sống được thì mình cũng sống được, dĩ nhiên thời gian đầu có khó khăn là chuyện tất nhiên và “không đâu cho bằng quê nhà!”…. Với ý nghĩ này chúng tôi ở lại, tuy những tin tức “ra khơi” của một số Bà con có khi cũng làm xao động…
Người ta thường nói: “trăm nghe không bằng mắt thấy, trăm thấy không bằng tay .. rờ!”. Nhưng rờ vào cộng sản thì không phải chỉ đứt tay mà là mất cả mạng!
Sau một ít lý thuyết khái quát nói về chủ nghĩa cộng sản, nhất là về cộng sản Việt Nam, qua sách báo mà tôi đọc được trước và sau 1975, cũng lý tưởng lắm chứ. Nào là những lãnh đạo cũng viết sách, làm thơ (cả thơ Đường nữa!), sống giản dị liêm khiết và rất gần gũi dân lao động, tay lấm chân bùn. Nào là từ chế độ xã hội chủ nghĩa, con người sẽ được hưởng nhu cầu theo sức lao động đóng góp của mình, khi tiến lên được chủ nghĩa cộng sản thì con người làm việc tùy theo sức nhưng được hưởng theo nhu cầu, nôm na làm không cần nhiều nhưng nhu cầu cần dùng trong đời sống thì.. tha hồ! Nghe qua, đọc qua thì đây đúng là “Thiên Đàng Hạ Giới! ”. Còn nữa, muốn tiến đến chủ nghĩa xã hội thì phải có con người.. xã hội chủ nghĩa, nghĩa là phải giáo dục con người (bình thường?) trở thành hạng người xã hội chủ nghĩa, nghĩa là.. làm hết việc cho nhân dân chứ không làm hết giờ ..v..v.. Điều sau này thì, tôi thật ấm ớ không hiểu kể cả sau khi hỏi thăm và nghe giải thích (lòng vòng) vẫn mù mờ. Nhưng thôi, không quan trọng.
Thời gian sau đó, khi đã trực tiếp “rờ vào cộng sản”, tôi bắt đầu xét lại ý nghĩ “ở lại” của mình. Những lần phải “học tập và suy nghĩ theo tư tưởng mới, tư tưởng … xã hội chủ nghĩa” nơi câu lạc bộ văn nghệ sĩ, nơi phường khóm, nơi “cơ quan (y tế)” đã cho tôi “sáng mắt sáng lòng” như một bài ca của chế độ!
Nơi câu lạc bộ: văn nghệ sĩ phải ghi nhớ việc đầu tiên khi sáng tác, đó là luôn thể hiện “tính đảng!”. Chẳng hạn như vẽ một bức tranh về thôn quê bình thường với nhà cửa, ruộng lúa, trâu cày ..v..v.. thì không nói lên được gì cả. Nhưng trong bức tranh với cây cờ (đỏ!) bay bay sẽ nói lên “tính đảng” và như vậy là “đạt được yêu cầu của.. đảng!”. Một quan trọng không kém là bên trên lá cờ không được có vật gì đè lên, dù là đám mây bay ..v..v….
Các nơi kia, phải ngồi nghe những cán bộ nhai đi nhai lại những giọng điệu bài bản đã học thuộc một cách nhàm chán trong cái không khí luôn nặng nề. Những cán bộ con vẹt này đang học nói và nói lại những điều đã được dạy một chiều không đòi hỏi suy nghĩ, chỉ cần nhắm mắt tin (càn)!
Càng trực tiếp đối diện với thực tại trên nhiều lãnh vực, tôi bắt đầu xao động về việc “ở lại” của mình! Một thể chế lộ mặt chỉ muốn ngu dân qua chủ trương nhồi sọ một chiều, chớ dại đặt vấn đề hoặc muốn so sánh với một đối tượng khác. Bởi chỉ nghĩ đến việc muốn so sánh đã là “đầu óc tư sản, tư bản, chưa phấn đấu trở thành con người xã hội ...”, là tư tưởng ngụy phản động vẫn còn ..v..v… và … v..v… Khốn khổ cho người dân nay đã bị một chế độ, một chủ nghĩa độc tài, độc đảng bạo trị, sắt máu, gian ác mà trước kia không thể nghĩ!
Về giáo dục một chiều (Hồng hơn Chuyên) thì.. bị xét lý lịch ba đời trước khi vào học!
Về nhu cầu vật chất thì “nắm bao tử để trị dân”, biểu ngữ này được treo nơi kho hàng lương thực Lâm Đồng (1977-1978!) bán cho các “cơ quan”, mua theo tem phiếu ấn định về chia lại cho nhân viên mà tôi đã đọc (đó cũng là thứ ơn mưa móc đảng ban cho!).
Người dân thì mua theo tem lương thực hàng tháng do đảng ấn định. Không thể mua và không có quyền theo ý muốn, ngoại trừ mua chui!
Nhưng việc sau cùng khiến tôi dứt khoát tìm cách ra đi, nếu có cơ hội, đó là Nhà tôi thuật lại lời con trai lớn của chúng tôi, cháu vừa chập chững vào nhà trẻ: cô giáo nhà trẻ dạy các cháu về nhà nghe Ba Má nói gì, lên kể lại cho cô biết!
Trong một đất nước mà trẻ thơ bị nhồi nặn biến thành những tên điềm chỉ; tương lai các cháu mù mờ bởi tùy tiện vào cái lý lịch ba đời quái ác kia; kiến thức thì thui chột như ngựa bị che mắt; cá nhân sẽ hiểm nguy nếu không luôn ngậm miệng như người câm, tai không nghe như người bị điếc và những “đầy tớ nhân dân” ngày lộ mặt cường hào ác bá ngu đần. Việc phải bỏ xứ ra đi vì tương lai các con, vì an toàn bản thân đã ngày một thêm thôi thúc.
Rồi thì cơ may đã đến nhờ sự giúp đỡ của anh em, gia đình tôi trở thành Thuyền Nhân sau khi thoát qua bão tố mà mạng sống lúc bấy giờ như chỉ mành treo chuông! Chúng tôi rời bỏ quê hương Việt Nam khoảng tháng 10 năm 1978 và đến thẳng Phi Luật Tân.
Thời gian ở trại tị nạn Phi Luật Tân chưa tới nửa năm, chúng tôi ghi danh định cư Đức quốc khi được thông báo cho hay nước này sẽ nhận (200 người!?) và Đại diện Tòa Đại sứ Đức sẽ đến phỏng vấn trước khi quyết định nhận người. (Riêng các anh em đi chung còn độc thân đã được Úc nhận ).
Cuối cùng, gia đình chúng tôi ( cùng các đồng hương ) được sang Đức vào khoảng cuối tháng Giêng năm 1979 và ở Tiểu Bang Bayern cho đến nay.
Chúng tôi được đưa về trại tạm cư, München – Allach, tái khám sức khoẻ và nơi đây, nhân viên thuộc trung tâm cứu xét và quyết định việc xin tị nạn ở Zirndorf đã đến phỏng vấn, qua sự thông dịch của các anh sinh viên du học trước 1975.
Chúng tôi được thừa nhận là Tị Nạn: “BESCHEID DES BUNDESAMTES FÜR DIE ANERKENUNG AUSLÄNDISCHER FLÜCHTLINGE IN ZIRNDORF VOM 23.05.1979 ”.
Sau thời gian 8 tháng ở làng Engelsberg Tỉnh Traunstein học Đức ngữ để “ làm vốn sinh nhai!” Thật ra có lẻ chỉ học khoảng 6 tháng, còn lại thì được đưa đi thăm viếng cũng như nghỉ ngơi một vài nơi, nhờ vậy mới biết Obersdorf, nơi thi trượt tuyết, bay lên sau khi tuột trên giàn phóng, biết Allgäu, nơi tuyết phủ hàng mấy thước trên nóc nhà ..v..v..
Trong thời gian nước Đức còn chia đôi, bên Đông cộng sản và bên Tây Tự Do tương tự như Việt Nam trước 1975, Thủ Đô Tây Đức là Bonn và mỗi năm những người Việt tị nạn đều gặp nhau để biểu tình, bày tỏ một thái độ cũng như tư cách tị nạn chính trị. Những năm đầu thập niên 80, con số biểu tình vào ngày 30 tháng Tư lên đến vài ngàn!
Cũng không quên đầu thập niên 80, Phạm văn Đồng, lúc bấy giờ là thủ tướng của csvn, sang Pháp và tại đây đã “mạt sát” người Việt tị nạn, đại ý là “hạng chai lười, ma cô ma cạo, chạy theo đế quốc kiếm bơ thừa sữa cặn” v..v.. và v..v…!
Trong các cuộc biểu tình, chúng tôi đều cố gắng tối đa để góp phần. Khi thì Bonn, khi München, khi Stuttgart ..v..v.. Không chỉ ngày 30 tháng Tư mà cả khi các "quan csvn hay các văn công của họ" ra ngoài này ve vãn!
Bức tường, thường gọi là ô nhục, Bá linh sụp đổ năm 1989, kéo theo “quê hương cách mạng tháng mười sô viết” (chi đó!) và từng mảng chủ nghĩa cộng sản Đông Âu tan theo, không bao lâu người Việt tị nạn trong mắt đảng ta hết là “hạng ma cô ma cạo ..” mà biến thành “khúc ruột (thừa!) ngàn dặm ... ”! Rồi cũng dần dần sau đó, người Việt tị nạn trước kia, nay quay về “như áo gấm về làng, thăm, chơi nơi mà ngày xửa ngày xưa bỏ chạy như sợ quỷ ăn tươi nuốt sống!” Nếu thuở đó chạy không khỏi, bị bắt lại thì sẽ ra sao?
Người đi trước hại người đi sau! Ngay cả khoảng giữa thập niên 80 cũng đã có người về chơi rồi trở ra chứ không ở lại đã là nguyên nhân để các nước thứ Ba không còn đón nhận người xin tị nạn, trong đó có cả nước Đức!. Lý do là vì an ninh cá nhân không còn gặp nguy hiểm, đe dọa. Người về rồi trở ra được an toàn! Cũng từ đó, Cao Ủy lo về Tị nạn đặt ra việc “thanh lọc” nhằm cứu xét việc tị nạn là vì lý do chính trị hay chạy tìm miếng ăn! “Thanh lọc” đã tạo ra lắm chuyện đau lòng, bất công. Tôi không quên chuyện em Phan thị Linh ở trại tị nạn Hồng Kông, bởi bị cộng sản qui tội có Cha từng cộng tác Ngụy quyền cho nên em không được học hành, tìm việc làm mưu sống. Em bị chúng cho tên vào danh sách truy tầm vì tham gia chống đối. Ấy vậy mà khi “thanh lọc” ở Hồng Kông, em bị trả về Việt Nam! (báo Kháng Chiến số 138 trang 11, tháng 12.1994!). Bản tin chùa Khánh Anh bên Pháp lúc bấy giờ cũng đăng những tin tức tương tự! Hai chị em cùng chạy, em gái khoảng 11 tuổi được xếp tị nạn, chị khoảng 15 tuổi bị cho là kiếm ăn!
Tôi tự hỏi, nếu việc “thanh lọc” áp dụng ngay từ cuối thập niên 70 thì sẽ bao nhiêu người được tị nạn, bao nhiêu bị trả về?
Thấm thoát các con chúng tôi đã lớn. Nay đã là những người trưởng thành và tự lập, những người mà ông bà ngày xưa cho rằng “tam thập nhi lập!”, nôm na ba mươi thì tính chuyện gia đình. Dĩ nhiên chúng tôi cũng đã già. Chợt nhìn lại 30 năm qua (và cả sau này!) được sống trên đất nước thật sự tự do, tôn trọng nhân bản, nhân quyền, nghĩ đến (đa số) người dân trong nước vẫn không may…!
Cũng theo thời gian, những “bí mật (quốc gia?), bao che cấm kị như mèo dấu …” mà mấy chục năm qua csvn che kín, nay đã lần lượt phơi bày. Nào “bác hồ vĩ đại” lại là tay đạo Thơ, Ngục Trung Nhật Ký không là của ông ta, nào tự ca mình “vừa đi vừa kể chuyện” (chi đó!) qua tên trần dân tiên (!). Đám thủ hạ (thi hành chỉ thị?) đua nhau tô vẽ rằng cả đời “bác” hy sinh vì dân tộc không nghĩ đến hạnh phúc cá nhân, thì nay: Bà Tăng Tuyết Minh người Tàu, vợ cưới hỏi đàng hoàng, những “nữ cán bộ hộ lý!” Nguyễn thị Minh Khai, Nguyễn thị Xuân v..v.. và mới đây nhất trang Web: www.danviet.de với bài viết mang tựa đề: Lần gặp Bác Hồ tôi bị mất trinh của Huỳnh thị Thanh Xuân ngày 29.01.2009 kể lại chuyện các em gái Khăn Quàng Đỏ bị Bác… hiện hình một thứ quỷ râu xanh!
Nghe nói Unesco trước đây có ý “phong bác là vĩ nhân” rồi sau đó hủy bỏ, không biết đúng không, bởi không khéo tổ chức này bị một vết nhơ dính vào…!
“Đáng khâm phục nhất (?)” là những người từ Vô Sản (đoàn kết lại! như lời kêu réo của họ) mà chỉ trên 30 năm, tài sản đã có bạc Tỷ Đô La. Chắc chắn đây phải là những “tay Kinh tế gia cừ khôi”, như vậy tại sao Việt Nam còn bị liệt kê vào hàng đói kém? Hay bởi vì đây chỉ là tiền chúng, bọn trung ương đảng, vơ vét công quỹ, buôn người (lao động tha phương, cung cấp nô lệ tình dục, kể cả tuổi “cháu ngoan bác hồ!”..v..v.), cướp của (đất đai dân oan). Chưa hết, còn khấu đầu triều cống dâng hiến đất đai, hải đảo của Tổ Tiên để lại cho Tàu cộng mà người dân Việt nào trong nước dám đá động đến là khóa miệng ngay..!
Nghe ai đó nói rằng, nay không còn Vô sản đoàn kết mà là Tư bản đỏ kết chặt lại!
30 năm qua, đất nước Việt Nam ngoài một vài tô phết loè người bề ngoài: tốt nước sơn, thực chất chỉ thuộc loại gỗ xấu! Nguy cơ dần trở thành một tỉnh lẻ của ngoại bang phương Bắc là điều đáng lo. Con người được giáo dục không còn để ý việc khác, ngoài miếng ăn và hưởng thụ. Ngoài một số Tư bản đỏ vơ vét tài sản chung, còn lại bao nhiêu trong số hơn 80 triệu người có đời sống (tương đối) thoải mái? Hay chỉ có những người nhờ thân nhân bên ngoài cung cấp mới thảnh thơi mà thôi? Tương tự lời nói: “đảng csvn lo chi phí cho công an và binh lính, việt kiều lo chi phí cho an sinh xã hội …” Và có người cho rằng “dịch vụ an sinh xã hội này đang ăn nên làm ra và phát đạt lắm!” Thực hư?
May thay, tuy con số còn thật hiếm hoi, các anh chị em trong nước đang đối đầu với bọn Tư bản đỏ mà không nao núng cảnh lao tù, đã là những đóm lửa hy vọng: Vẫn còn những đứa con thân yêu quyết bảo vệ Mẹ Việt Nam, là truyền nhân của ý chí bất khuất …! Cũng không quên những người từ hải ngoại trở về mà Trần văn Bá là một điển hình..v..v..và v..v.., những người “tuy đã chết nhưng vẫn sống muôn đời trong lòng dân tộc …”
1979: 30 năm trước, chúng tôi là người xin tị nạn, không vì miếng ăn.
2009: 30 năm sau, chúng tôi vẫn là người xin tị nạn. Chưa hề về VN, dù “thăm!”.
Chúng tôi thường tự nhắc chính mình: tuy không may mắn được tàu cứu vớt trên biển cả để rủi có bị “thanh lọc” cũng không bị trả lui, nhưng không vì thế mà muối mặt trở về khi mình là người tị nạn. Để cám ơn xứ sở bao che đùm bọc, được sống trọn vẹn trong tự do nhân bản, chúng tôi không thể lừa người dối mình khi mà trước kia đã xin tị nạn chính trị, không vì miếng ăn, nay quay về nơi đã từng tìm cách chạy khỏi giữa đêm tăm tối, đã từng bị họ coi như thứ “ma cô ma cạo, một thứ chó chạy tìm xương” …! Những cái lưỡi không xương của họ chẳng gạt được ai, ngoại trừ tự bản thân muốn bị gạt. Vì vậy nay mới là (ôi!) “ khúc ruột ….”.
Có hàng trăm lý do đưa ra để biện minh việc phải chạy đi và lý do nào người cũng có thể chấp nhận. Nay cũng hàng trăm lý do biện minh cho việc quay về (thăm, chơi) nhưng e rằng không thuyết phục được ai, nếu công tâm phán xét! Nếu quả thật “nặng lòng” thì “bỏ chạy” làm chi và nay “đất nước đã thoải mái, phát triển” sao không về ở luôn cho “thỏa lòng nhung nhớ?”…
Trong sự hiểu biết và suy tư còn giới hạn của mình, chúng tôi luôn nhắc nhở và tự nghĩ như vậy, dù nếu có bị cho rằng “cố chấp (?)” thì … cũng đành! Cá nhân chúng tôi chắc là đã vấp biết bao lỗi lầm, cũng có thể đang và sẽ vấp phải tiếp! Nhưng mong sẽ cố gắng hết sức, xứng đáng là người không dối gạt, không nói một đàng hành động một nẻo: chúng tôi vẫn là người xin tị nạn chính trị!
Mơ ước sau cùng trước khi vĩnh viễn giã biệt cõi tạm dung, chúng tôi hy vọng có ngày sẽ trở về, khi có điều kiện, dù chỉ thăm viếng và lúc đó sẽ nhìn được quê hương Việt Nam thân yêu thật sự Tự do, đa nguyên, đa đảng, nhân quyền, tự do Tôn giáo, Báo chí….
Rất mong!
Ghi dấu 30 năm lưu trú xứ người
1979 – 2009
Lưu Đàng
No comments:
Post a Comment