Tuesday, February 24, 2009

Cách Mạng và Phản Cách Mạng - Đỗ Thái Nhiên

Đỗ Thái Nhiên

Đảo chánh là một cuộc thay bậc đổi ngôi trên địa bàn tranh chấp quyền lực chính tri. Nhân cuộc tranh chấp này, nhà cầm quyền cũ bị lật đổ. Nhà cầm quyền mới được suy tôn. Cách mạng không phải là đảo chánh. Cách mạng bao gồm mọi suy nghĩ và hành động nhằm làm thay đổi đời sống của con người. Thay đổi ở đây phải là thay đổi theo hướng làm cho đời sống của xã hội loài người ngày càng trở nên ấm no hơn, công bằng hơn và Người hơn. Một cá nhân hoặc một tập thể tự nhận là những người phục vụ lý tưởng cách mạng. Thế nhưng, trong thực tế, công việc làm của họ đã đẩy xã hội loài người rơi xuống ngang tầm với hình thức sinh sống của một bầy động vật. Trong trường hợp này, cá nhân kia, tập thể kia hiển nhiên là những phần tử phản cách mạng.

Bây giờ, căn cứ vào ý niệm phổ quát về cách mạng và phản cách mạng như đã trình bày ở trên, chúng ta hãy nhìn vào hiện tình vận động của xã hội Hoa Kỳ và xã hội Việt Nam để có cơ hội nhận biết một cách tròn đầy và sinh động: sự chuyển động ngược chiều giữa cách mạng và phản cách mạng.

Xã hội Hoa Kỳ

Cách mạng là làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Ý dân là tiếng nói duy nhất có thẩm quyền xác định thế nào là tốt đẹp hơn. Cách mạng không thể không hành động theo ý dân. Cách mạng là xây dựng và bảo vệ dân chủ. Trong rất nhiều thập niên qua, nền dân chủ Hoa kỳ phải đối diện với hai dấu hỏi lớn: Một là: Phải chăng không xuất thận từ một gia đình quyền quý, một ngưới không thể trở thành tổng thống Hoa Kỳ? Hai là: Phải chăng người da màu, đặc biệt là người da đen, sẽ chẳng bao giờ có thể là tổng thống Hoa Kỳ? Câu trả lời nằm trong tiểu sử của tổng thống đắc cử Barrack Obama. Đồng thời nó cũng nằm trong kỳ bầu cử tổng thồng Hoa Kỳ 2008.

Tiểu sử của ông Barrack Obama

- Obama sanh ngày 04/Aug/1961 tại Honolulu, Hawai, con của ông Barrack Obama, Sr, công dân Kenya và bà Ann Dunham, một phụ nữ da trắng, cư dân của Wichita, Kansas, Hoa Kỳ.

Năm Obama lên 2 tuổi thì bố mẹ ly dị. Năm 1967 mẹ của Obama kết hôn với một người đàn ông Nam Dương. Từ đó Obama sống với mẹ và bố ghẻ để đi học tại Indonesia trong 04 năm. Năm 1971, Obama lên 10 tuổi, cậu bé này được gửi về Honolulu sống với ông bà ngoại cho đến ngày tốt nghiệp trung học năm 1979.

Rời trường trung học, Obama học đại học Occidental College tại Los Angeles. Sau đó nhập học đại học Columbia của New York. Năm 1983 Obama tốt nghiệp đại học Columbia với văn bằng cử nhân, chuyên ngành bang giao quốc tế. Các năm từ 1983 đến 1988, Obama đi làm việc kiếm tiền sinh sống tại New York và Chicago. Cuối năm 1988 Obama nhập học đại học Havard, ngành luật học. Năm 1991 tốt nghiệp tiến sĩ luật. Từ 1992-2004 dạy luật hiến pháp tại đại học Chicago. Từ 1996 đên 2004 thượng nghị sĩ tiểu bang Illinois. Tháng 11/2004 Obama đắc cử vào thượng nghị viện liên bang Hoa Kỳ. Tháng 11/2008 đắc cử tổng thống Hoa kỳ.

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11/2008

Tháng 02/2007, Barrack Obama công bố ý định tranh cử chức vụ tổng thống Hoa Kỳ năm 2008.

Ngày 03/06/2008 Obama chiến thẳng nữ thượng nghị sĩ Hillary Clinton qua lần bầu cử sơ bộ để trở thành ứng viên đại diện của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2008.

Ngày 04/11/2008 Obama chiến thắng thượng nghị sĩ Jonh McCain của đảng Cộng Hòa để trở thành tổng thống thứ 44 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Về cử tri đoàn Obama có 364 phiếu, Jonh McCain chỉ 164 phiếu. Về bầu trực tiếp của người dân Obama chiếm 53%, Jonh McCain 46%.

Như vậy trên con đường đi vào Tòa Bạch Ốc, Obama phải vượt thắng hai nhân vật da trắng. Đó là thượng nghị sĩ Hillary Clinton (Đảng Dân Chủ) và thượng nghị sĩ Jonh McCain (Đảng Cộng Hòa)
Những suy nghĩ về văn hóa Mỹ và bầu cử Hoa Kỳ 2008.

Đầu thập niên 1960, xã hội Mỹ vẫn duy trì tập tục: người da đen phải ngồi các hàng ghế sau trên những phương tiện di chuyển công cộng. Trẻ em da đen phải đi học những trường dành riêng cho da đen. Giữa đen và trắng tuy cùng là công dân Mỹ nhưng trong sinh hoạt xã hội có tới một ngàn lẽ một cái riêng … Thế rồi chỉ già nửa thế kỷ sau đó, tai sao Obama một công dân da đen, lớn lên trong cảnh đời vất vả lại có thể được quần chúng Hoa Kỳ đẩy lên ngôi vị tổng thống với số lượng phiếu bầu làm cho cả thế giới choáng ngợp? Câu trả lời dẫn chúng ta đứng trước một cuộc cách mạng rất âm thầm và mềm dẽo nhưng rất dứt khoát và bền bỉ. Đó là cách mạng văn hóa. Hai cánh tay rắn chắc của cách mạng văn hóa là giáo dục và luật pháp. Giáo dục là phương pháp giải thích và thuyết phục con người thay đôi suy nghĩ và hành động sao cho đời người ngày một văn minh hơn, người hơn. Luật pháp là công cụ răn đe và trừng phạt những ai chống lại quyền làm người của mỗi người và mọi người. Đó là lý do giải thích tại sao nhiều thập niên qua guồng máy giáo dục của Hoa Kỳ - Giáo dục học đường cũng như giáo dục xã hội thông qua các loại truyền thông – đã không ngừng truyền bá tư tưởng chống mọi hình thức kỳ thị, đặc biệt là kỳ thị màu da. Đó còn là lý do giải thích tại sao hệ thống công lý hình sự Hoa Kỳ rất quan tâm đến các loại tội ác có nguồn gốc từ tâm lý kỳ thị, gọi chung là “Hate crime laws” . Sau rất nhiều thập niên chăm chỉ làm việc, giáo dục Hoa Kỳ và luật pháp Hoa Kỳ đã gặp nhau trong ngày văn hóa Mỹ thăng hoa, ngày 04/11/2008: lần đầu tiên nước Mỹ có một vị tổng thống da đen. Đây đích thực là một cuộc cách mạng văn hóa. Cách mạng văn hóa Mỹ không bạo lực và ầm ỉ như cách mạng văn hóa Mao Trạch Đông. Cách mạng văn hóa Mỹ diễn ra trong phòng đầu phiếu, diễn ra trong tuyệt đối hòa ái. Cách mạng văn hóa Hoa Kỳ là cách mạng do tâm phục. Tâm phục trong trường hợp này là người dân Hoa Kỳ tự nguyện phục tòng quyền làm người và quyền hoạt động bình đẳng của mọi chủng tộc sinh sống trên đất nước Hoa Kỳ.

Từ cách mạng văn hóa 2008 tại Hoa kỳ, chúng ta hãy hướng mắt nhìn về quê hương Việt Nam.
Xã hội Việt Nam

Như đã trình bày ở trên, cách mạng là xây dựng một xã hội thuận lòng người, hợp ý dân. Cách mạng lá dân chủ hơn, nhân quyền hơn. Theo các chuẩn mực vừa nêu, chế độ Hà Nội ngày nay tại Việt Nam là một chế độ triệt để phản cách mạng. Thực vậy, sau đây là những bằng chứng phản cách mạng điển hình của CSVN:

1. Giáo dục phản cách mạng:

Ngày 14/11/2008 đài Á Châu Tự Do cho biết: tổ chức UNESCO vừa công bố báo cáo toàn cầu về giáo dục 2008. Báo cáo này cho thấy Việt Nam đứng thứ 79 trên tổng số 129 quốc gia, tức là tụt xuống 9 hạng so với năm 2007. Theo UNESCO, trong các năm tới giáo dục Việt Nam tiếp tục tụt hạng. Có hai lý do để Giáo dục Việt Nam tụt hạng:

Một là trong nhiều năm qua, hàng năm Việt Nam có khoảng một triệu học sinh cấp một không được đi học. Nhà cầm quyền CSVN vẫn ù lì trước vấn nạn này.

Hai là chương trình giáo dục của CSVN vẫn ngoi ngóp trong vũng lầy từ chưong. Nay học Marx, mai học Hồ. Từ chương đồng nghĩa với xa rời thực tế và nhàm chán. Thầy không muốn dạy. Trò không muốn học.

2. Luật pháp phản cách mạng:

Trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1985 tất cả những người chống đối chế độ Hà Nội đều bị CSVN truy tố tội phản cách mạng. Sau này CSVN biến thể thành đảng của tư bản đỏ, một thể chế tham ô bậc nhất thế giới. Từ đó CSVN không còn tự nhận là “nhà nước cách mạng” nữa. Từ đó, những người đấu tranh cho tự do dân chủ bị CSVN truy tố đủ loại tội: nói xấu nhà nước, làm gián điệp, khủng bố, trốn thuế, lợi dụng quyền tự do dân chủ v.v…

Mặt khác, CSVN thường xuyên kêu gọi toàn dân chống tham nhũng. Thế nhưng những vụ đảng viên CS cướp nhà - đất của dân, những vụ tham ô lớn PMU18, vụ xa lộ Đông Tây Saigon ( PCI Nhật Bản), công ty Vedan thải chất độc xuống sông Thị Vải…tất cả chỉ là câu chuyện đầu voi đuôi chuột. Tệ hai hơn nữa nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị phạt 2 năm tù giam chỉ vì đã giám tố cáo tham ô.

Luật pháp cộng với hệ thống tòa án của CS rõ ràng là đã hợp thành guồng máy pháp lý phản cách mạng.

3. Kinh tế phản cách mạng:

Tuyệt đa số nhân dân Việt Nam là nông dân. Hãy quan sát cung cách của CSVN trong việc chăm lo cơm áo cho nông dân, chúng ta sẽ biết được phẩm chất của guồng máy kinh tế Việt Nam.

Đầu tháng 03/2008 giữa lúc giá gạo thế giới tăng cao, CSVN ra lệnh ngưng xuất cảng gạo. Lý do: bảo đảm an ninh lương thực và kiềm chế lạm phát. Sự việc này làm cho hàng triệu tấn gạo tại đồng bằng sông Cửu Long bị ứ đọng, không bán được. Thêm vào đó, từ thượng tuần tháng 11/08 cho đến nay CSVN cho phép gao Kampuchia và gạo Thái Lan ùn ùn công khai kéo vào Việt Nam. Nông dân Việt Nam bị dè bẹp dưới khối gạo nội địa ế ẩm cộng với khối gạo thơm từ Thái và Kampuchia nhập vào. Đâu là cội nguồn của quyết định cấm xuất cảng gạo đi kèm với lệnh cho phép nhập cảng gạo? Cội nguồn kia nằm trong dự mưu tham ô của Hà Nội. Không còn nghi ngờ gì nữa: kinh tế nông nghiệp của CSVN là kinh tế phản cách mạng.

4. Chính trị phản cách mạng

Ngày 9/11/2008 trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC Luân Đôn, khi được hỏi về đòi hỏi dân chủ của người Việt Nam trong và ngoài nước, bà Tôn Nữ Thị Ninh trả lời: “Khát vọng dân chủ là của cả người dân thế giới, là xu thế của loài người … Một số người nhắc tới dân chủ để tạo sức ép hơn là vì mong muốn cái tốt đẹp cho người dân Việt Nam … Vấn đề khó là mổ sẻ thực tế cho sát hợp và nếu có đề xuất, phải khả thi”

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nguyên là đại sứ Việt Nam tại Liên Minh Châu Âu,và là phó chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại quốc hội CSVN. Qua câu trả lời của Bà Tôn Nữ Thị Ninh công luận nhận biết CSVN không thể phủ nhận ước vọng dân chủ của loài người như một công lý hiển nhiên. Thế nhưng, CS độc tài và thể chế dân chủ như nước với lửa. Vì vậy, mỗi lần nhắc tới dân chủ, CSVN vội vàng tránh né dân chủ bằng các loại nghi vấn: Rằng liệu chừng có kẻ thù địch nào đó dùng dân chủ làm sức ép hay không? Rằng liệu chừng dân chủ có khả thi hay không? Nếu thực tâm muốn thỏa mãn ước vọng dân chủ của người dân, chế độ Hà Nội hãy mạnh dạn bắt tay vào công việc kiến tạo dân chủ bằng cách tức thời thực hiện luật pháp dân chủ đi kèm với giáo dục dân chủ. Giáo dục dân chủ bao gồm giáo dục học đường và giáo dục xã hội. Giáo dục xã hội hàm chứa báo chí và các loại truyền thông dân chủ. Chừng nào CSVN còn tránh né nghĩa vụ tuân phục dân chủ, chừng đó chế độ Hà Nội còn phục vụ tư tưởng chính trị phản cách mạng.

Khảo sát cung cách của CSVN trong việc cai trị đất nước trên bốn địa bàn trọng yếu: giáo dục, luật pháp, kinh tế và chính trị, người khảo sát không thể không đi đến kết luận: chế độ Hà Nội hiển nhiên là một chế độ chống lại quyền sống của người dân, chống lại dân chủ. Nó là chế độ phản cách mạng. Một mặt CSVN long trọng nhìn nhận dân chủ là ước mơ chung của nhân loại. Mặt khác CSVN lại thường xuyên nhanh chóng dấu mặt mỗi lần phải đối diện với dân chủ. Hai mặt đối nghịch vừa nêu họp lại, tạo thành hố đào thải của lịch sử. Chế độ Hà Nội sẽ rơi xuống dưới đáy của hố kia như một hệ quả tất nhiên.

Đỗ Thái Nhiên


No comments:

Post a Comment