
Đỗ Thái Nhiên

Ngày 22/07/2009 Hoa Kỳ ký thỏa ước bất tương xâm với các quốc gia trong tổ chức ASEAN. Theo ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, thỏa ước kia là lời khẳng định: Hoa Kỳ đã trở lại Á Châu.
Tháng 07/2009, trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Bloomberg, Honolulu, ông Raymond Burnhardt, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam các năm 2001-2004, nhận định rằng: “ Các bất đồng ý kiến về quần đảo Trường Sa và các vùng phụ cận có vẻ êm xuống một thời gian, bây giờ căng thẳng trở lại, một phần lý do là Trung Quốc muốn bành trướng thế lực”.
Ông cựu đại sứ Raymond Burnhardt nhấn mạnh: “Mỹ và Việt Nam cùng có chung nhiều lợi ích chiến lược, trong số đó có cả sự duy trì cân bằng (thế lực) ở Đông Nam Á”.

Ngày 27 tháng 08 năm 2009, ông Lê Công Phụng, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho Thông tấn Xã Việt Nam biết; Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao CSVN đang chuẩn bị tới Mỹ. Đồng thời, ông Lê Công Phung còn nói thêm: Mỹ và Việt Nam đang thảo luận việc tướng Phùng Quan Thanh, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ.
Các tin tức vừa trích dẫn cho thấy: Cả Hoa Kỳ lẩn Việt Nam đều đồng ý với nhau trên quan điểm rằng: Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam cần Hoa Kỳ đóng vai trò đối lực hữu lý trong việc đương đầu với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Vấn đề còn lại là làm thế nào biến quan điểm kia thành hành động cụ thể? Chúng ta hãy khảo sát hành động cụ thể của CSVN và Hoa Kỳ :
Về phía Hoa Kỳ
Ngay khi đến Hà Nội, TNS Jim Webb đưa ra nhận xét: Trung Quốc đã tạo điều kiện để Miến Điện phải sống bám vào Trung Quốc như một loài ký sinh: sống dở, chết dở; không thể phát triển được. Nói cho Hà Nội nghe về Miến Điện, TNS Jim Webb có hậu ý cảnh báo CSVN rằng: Bám vào Bắc Kinh, Hà Nội không thể không trở thành Miến Điện.
Mặt Khác, nhằm trấn an CSVN về lo sợ mất đảng, TNS Jim Webb đã không đề cập đến dân chủ, nhân quyền vào dịp Jim Webb đến Hà Nội ngày 19/08/2009. Tuy nhiên, do nhu cầu hợp lý của chính trị quốc tế, Hoa Kỳ không thể thực tâm hợp tác chiến lược với một chế độ độc tài và tham ô kiểu Hà Nội. Vì vậy, khi trả lời báo chí về dân chủ nhân quyền tại Việt Nam, ông Jim Webb chỉ nói vắn tắt: Vấn đề vừa nêu “là một tiến trình đang diễn ra”. Tuy nói là “vắn tắt” nhưng Hà Nội phải hiểu là quốc hội Hoa Kỳ, do đòi hỏi của cử tri, không thể nuôi dưỡng lâu dài một chế độ tham ô kiểu CSVN.
Về phía Cộng Sản Việt Nam
Bản chất của nhà cầm quyền Hà Nội là tham lam và thiển cận. Hà Nội tin là chế độ hèn kém và tham ô của họ có thể vừa van xin Trung Quốc bảo vệ CSVN ở vị thế thống trị Việt Nam, vừa dùng Hoa Kỳ để ngăn cản sức bành trướng của Bắc Kinh. Nhằm thực hiện âm mưu kia, Hà Nội đã đón tiếp TNS Jim Webb bằng cách: vào ngày ông Jim Webb tới Hà Nội, CSVN rầm rộ cho trình chiếu trên các hệ thống truyền hình của CSVN đoạn video ghi nhận bốn nhà đấu tranh dân chủ Việt nam đang “nhận tội và xin khoan hồng”. Bốn nhà dân chủ kia bao gồm: thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, cựu trung tá Trần Anh Kim, luật sư Lê Công Định. Kịch bản “nhận tội và xin khoan hồng” của Hà Nội nhằm nói lên hai điều:
1. Nói với Trung Quốc: CSVN quyết tâm bảo vệ quan hệ nước mẹ và nước con giữa Trung Quốc và CSVN. Quyết tâm vừa nói được CSVN thể hiện bằng hành động thẳng tay đàn áp tất cả người Việt Nam nào dám đấu tranh đòi hỏi tự do dân chủ, hoặc đấu tranh chống Trung Quốc xâm lược.
2. Nói với Hoa kỳ: CSVN rất cần Hoa Kỳ đóng trọn vai trò đối trọng đối với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh tại Đông Nam Á. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là CSVN để mặc cho Mỹ tùy nghi dân chủ hóa Việt Nam. Chủ trương bất biến của CSVN là: Thà mất nước còn hơn mất đảng.

Theo tập quán bang giao quốc tế, quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và CSVN chỉ có ý nghĩa, chừng nào quan hệ này hội đủ bốn chuẩn mực sau đây:
Thứ nhất: tình thân hữu, gọi tắt là thịnh tình. Tình thân hữu không thể thành hình trên điều luật: công dân Việt Nam nói chuyện với giới chức ngoại giao của Mỹ là một tội phạm hình sự.
Thứ hai: CSVN và Hoa Kỳ phải thực sự đứng ở vị trí của hai quốc gia hoàn toàn độc lập, gọi tắt là đắc vị. Không thể có yếu tố đắc vị nếu CSVN vừa bang giao với Mỹ, vừa run sợ đôi mắt trông chừng của quan thầy Trung Quốc.
Thứ ba: mỗi quốc gia trong cuộc bang giao phải làm trọn nghĩa vụ của mình, gọi tắt là tận phần. Nói cách khác tận phần có nghĩa là “có đi, có lại mới toại lòng nhau”. Làm gì có được tận phần khi CSVN toan tính vừa làm tay sai cho Trung Quốc vừa lấy tiền Mỹ, vũ khí Mỹ để cùng với Trung Quốc quấy nhiễu Hoa Kỳ?
Thứ tư: tính hợp lý hàng đầu trong bang giao quốc tế đòi hỏi các quốc gia trên cuộc bang giao phải thường xuyên trung thành với hai mục tiêu: một là phục vụ quốc gia mà mình đại diện, hai là xây dựng một cộng đồng quốc tế hòa bình và thịnh vượng chung. CSVN chỉ phục vụ quyền tham ô của đảng, không phục vụ quốc gia. Mặt khác, đối với CSVN, không có xã hội quốc tế hiểu theo nghĩa lành mạnh. Hãy nhìn cung cách CSVN phục vụ Olympic 2008 của Trung Quốc để hiểu rằng CSVN chỉ biết quốc tế Tàu và chối bỏ mọi hình thái quốc tế khác. Đi tìm tính hợp lý của chế độ Hà Nội trong bang giao quốc tế chẳng khác nào mò tìm mặt trăng dưới đáy giếng.
Khảo sát bốn yếu tố căn bản của bang giao quốc tế, người khảo sát thấy rằng CSVN không thực tâm mời gọi Hoa Kỳ đóng vai trò đối lực trong mục tiêu ngăn cản âm mưu bành trướng của Bắc Kinh. Bang giao Việt Mỹ chỉ là một loài hoa giấy. Nó chỉ có tác dụng làm cho dư luận quốc nội và quốc tế có cảm nghĩ là CSVN đang tìm đường thoát ra khỏi vòng tay của Trung Quốc. Xin nhấn mạnh cảm nghĩ kia chỉ là ảo tưởng. Từ vùng ảo tưởng vừa xác định, nhìn về tương lai Việt Nam, chúng ta chỉ thấy một khối mây xám khổng lồ. Ngoại giao gây ảo tưởng gọi là quái tượng ngoai giao vậy.
Đỗ Thái Nhiên
No comments:
Post a Comment