Gần đây có nhiều thân hữu và độc giả đề nghị chúng tôi viết một vài bài về hiện tượng ca sĩ Việt Nam ở hải ngoại về nước và ca sĩ từ Việt Nam ra hải ngoại trình diễn. Ðây là một vấn đề khá nhạy cảm, vì nó động chạm đến nỗi niềm ấp ủ riêng trong lòng của từng người.
Hầu như bất cứ một người nào trở về Việt Nam đều trang bị sẵn cho mình 1001 lý do chính đáng nhất không chê vào đâu được, để khi có người nào chạm vào thì có cái để mà trưng ra làm bằng cớ và phản … pháo. Nào là “quê hương là chùm khế ngọt, quê hương là con diều biếc”, “ta” về Việt Nam ăn khế ngọt (bởi khế Mỹ chua thấy bà) và thả diều thì có gì sai? “Ta” về Việt Nam là “ta” thực hiện cái nhân quyền thiêng liêng của nước Mỹ ban bố cho ta, còn ai bẻ vào đâu được.
Chính những kẻ nói này nói nọ, phê bình “ta” chuyện về Việt Nam để hoàn thành những hoài bão và tâm nguyện, những kẻ ấy mới là những kẻ không chịu “thực thi” nhân quyền. Ðất nước này, tức ở hải ngoại, là nơi tự do, là những free countries, “ta” muốn làm gì thì ta làm, ai làm gì được nhau thì cứ bảo.
Vấn đề đi đi về về giữa hải ngoại và Việt Nam của ca sĩ xoành xoạch như đi chợ, đã trở thành một cuốn truyện dài với nhiều tình tiết hấp dẫn, đại khái giống như cái mục Xe Cán Chó-Chó đụng Xe, tuy tầm phào bá láp nhưng độc giả rất thích tìm hiểu.
Người ta muốn biết những khuôn mặt nào đã xé rào nhảy về Việt Nam kiếm ăn, những người ca sĩ nào vẫn còn nuôi trong tim lý tưởng quốc gia chân chính. Trong thời gian qua chúng tôi có nhặt nhạnh được chút ít tin tức về chuyện dài ca sĩ, xin được viết ra đây mấy hàng cho quý độc giả thân mến, coi như mua vui cũng được một vài trống canh.
Nhưng càng viết thì càng thấy buồn, vì những nhân vật trong bài viết này đa số đều là những tai to mặt lớn trong vườn hoa văn nghệ Việt Nam hải ngoại, với những cái tên từ lâu nhận được rất nhiều sự thương mến của người Việt tị nạn lưu vong.
Sự đời nghĩ cũng có nhiều chuyện buồn cười. Ngày xưa, cũng chính rất nhiều trong số này, trong lúc chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn đang đổ máu xương chống ngăn làn sóng cộng sản xâm lược cho đến giờ thứ hai lăm, thậm chí sang đến giờ thứ bốn mươi tám, tức vài ngày sau ngày 30.4.1975, chính những con người vô loại này đã xách đít chạy trước rất sớm. Lúc ấy thê thảm lắm, quý độc giả cứ xem lại những cuốn phim tài liệu về di tản thì rõ, nước mắt nước mũi cứ là chàm ngoàm, đu bám trên những sợi dây thừng bên hông tàu trông rất rùng rợn, hay tranh nhau leo lên những bức tường vào tòa đại sứ Mỹ với những hàng dây thép gai nhìn vô cùng lạnh gáy. Ôi, cái tình yêu nước của những con người ấy sao mà nó cao cả và thiêng liêng lắm vậy. Thà chết ở xứ người, thà chịu không có cà pháo mắm tôm ăn, chứ không chịu đội chung bầu trời với vẹm cộng.
Giờ đây, sau ba mươi năm, những con người này xênh xang áo gấm về làng cũng trước nhất hơn ai hết, sẵn lòng qụy lụy nâng bi vẹm với bất cứ giá nào để được về chúng ban cho mấy trái khế ngọt mà xơi. Ô là là, bây giờ thì tha hồ xơi cà pháo với mắm tôm chính gốc Việt Nam bằng thích nhé.
Hai trong số những ca sĩ quốc gia hải ngoại về đầu quân cho vẹm cộng sớm nhất là Hương Lan và Elvis Phương hơn một thập niên qua thì ai cũng đã biết hết rồi. Công cuộc làm ăn của Hương Lan và Elvis Phương ở “quê hương” coi bộ rất khấm khá, nên cô cậu phải giữ rịt lấy, như những con thú nhà ôm chặt lấy khúc xương của chủ quẳng cho.
Theo Elvis Phương, thì nếu những ca sĩ về Việt Nam chịu chăm chỉ đi hát ở các phòng trà thì sẽ có cuộc sống dư dả. Nguồn tin quốc nội cho biết rằng cứ mỗi một phùa hát ở phòng trà, mỗi ca sĩ bợ nhẹ một ngàn đô la. Nếu hát trên live show, thì cứ hai bản cũng được một nghìn. Bản thân Elvis Phương luôn có một lịch trình đi hát đầy kín, đến nỗi bà vợ của Phương cũng kêu trời, có lẽ sợ chồng đi hát nhiều quá có ngày ngã lăn đùng ra bất đắc kỳ tử chăng, bởi anh ta đã một lần đi mổ tim rồi. Lần này tim vỡ như xác hoa tigone là chết chắc. Elvis Phương đang cư ngụ trong một ngôi biệt thự ở làng “Việt Kiều” trong khu vực An Phú Ðông, thuộc tỉnh Gia Ðịnh ngày trước thì phải. Hàng xóm của Phương có ca sĩ Anh Quý, Hương Lan và Ái Vân.
Hương Lan vừa đi hát vừa trông coi một nhà hàng ở quận Bình Thạnh. Ngoài ra nàng còn mở thêm trại nuôi cá, vườn cây ăn trái ở tỉnh Bình Phước (tức Bình Long và Phước Long). Có tin cho rằng, khi về già, Hương Lan sẽ về sống ở đấy.
Trường hợp Ái Vân, ngày xưa, năm 1989 khi bức tường Bá Linh sụp đổ, nàng đang là cán bộ văn nghệ thuộc tầm cỡ nghệ sĩ nhân dân của Hà Nội ở Ðông Ðức, đã chạy sang xin tị nạn chính trị bên Tây Ðức. Ðối với vẹm, đó là cái tội phản đảng, có lẽ sẽ bị tru di tam tộc. Nhưng giờ đây nàng vẫn cứ ung dung sinh sống tại Việt Nam, thế là thế nào. Câu trả lời thì đến một đứa bé cũng biết.
Những ca sĩ hải ngoại chạy về Việt Nam đa số thuộc về thế hệ “già”, cái thế hệ bôn tẩu ra nước ngoài trong những ngày lửa loạn cuối cùng ở Sài Gòn, hay trong những lần vượt biển sóng gió đi tìm tự do. Thời gian trôi qua, những nếp nhăn dần hằn đậm trên mặt, giọng hát đã dần tàn tạ, không nhanh chân về nước kiếm chác chút ít trước khi vĩnh viễn lùi vào bóng tối của sự lãng quên, thì còn đợi lúc nào nữa. Những giọng ca gọi là hàng đầu, những gì gọi là vượt không gian và thời gian như Lệ Thu, Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Duy Quang, Lê Uyên, Thái Châu, Julie, Giao Linh, v.v.. đều đã có mặt ở quê nhà.
Ðó là chưa nói đến ông cụ Phạm Duy, bởi nhiều người đã nói nhiều về cụ rồi. Một trong vài danh ngôn xanh dờn mà cụ để lại cho đời là “Tôi có chống cộng đâu, tôi chỉ chống gậy”. Có lẽ đó là lá bùa hộ mệnh giúp cụ được thung dung về lại Việt Nam và khiến cho Hà Nội hài lòng. Ngoài ra cụ còn cấm những người chống cộng hải ngoại không được hát nhạc của cụ nữa, chắc không muốn vẹm nghe lại những điệu nhạc hùng tráng và những lời lẽ “chống gậy” rất đanh thép của cụ dành cho chúng, làm chúng ngứa ngáy, không khéo chúng tống xuất cha con cụ trở ra ngoại quốc thì khốn cả lũ. Cụ Phạm Duy đi về đã đành, cụ còn kéo theo cả một lô một lốc con cái nhà cụ theo. Nào là Duy Quang, Duy Cường, rồi Duy Minh. Nào Thái Thảo, Thái Hiền. Thậm chí cô cựu dâu nhà họ Phạm là Julie cũng xách gói về.
Ôi, người người cùng về, nhà nhà cùng về. Duy Quang đã tìm thấy hạnh phúc với một người vợ trẻ ở quê nhà. Trông tấm hình Duy Quang đứng bên cô dâu, làm gợi nhớ đến kép lão Michael Douglas bên nàng Catherine Zeta-Jones, còn nước nôi gì nữa.
Một nhân vật thuộc dạng quái chiêu không thể không nhắc đến là Chế Linh. Anh ta đã về Việt Nam cùng phái đoàn văn hóa UNICEF trong chương trình văn hóa thế giới và trình diễn ở Hà Nội. Danh chính ngôn thuận như thế, Chế Linh sợ đếch gì vẹm cộng. Thế mà anh ta đã xun xoe nói những lời bợ đỡ chúng, khiến cho những tên nói láo nhất cũng phải đỏ mặt xấu hổ.
Lúc mới sang định cư ở Toronto, Gia Nã Ðại, trong dạng tị nạn cộng sản được mấy năm, tình yêu nước còn bồng bột, Chế Linh đã tình nguyện đóng vai một người tù của chế độ nằm trong một cái cũi giam diễn hành trên đường phố Toronto, để tố cáo chế độ tàn bạo của Hà Nội vẹm. Theo phái đoàn UNICEF vào Việt Nam, Chế Linh cứ hát hò cho người dân Hà Nội nghe trong tư cách một sứ giả của Liên Hiệp Quốc, anh không có điều gì phải sợ cộng sản hết. Anh không cần phải nịnh bợ chúng, để chúng quên đi cái cũi tù của anh. Cùng lắm, nếu vẹm có nhốt anh trở vào cũi, thì anh sẽ trở thành anh hùng dân tộc. Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt toàn thế giới sẽ tích cực tranh đấu đòi vẹm thả anh ra. Lúc đó, Chế Linh sẽ trở về hải ngoại trong ánh vinh quang. Thật đáng tiếc, Chế Linh không có được tầm vóc đó.
Lê Uyên, cái tên gợi đến cuộc tình thơ mộng và lãng mạn của đôi tài danh Lê Uyên-Phương cũng đã về hát trong chương trình Duyên Dáng Việt Nam. Ngày xưa đôi uyên ương này rất thích trầm mình trong những cõi tình ái rong rêu. Lê Uyên đã cho biết rằng nàng sẽ về nước sinh sống luôn, sẽ mua nhà ở Ðà Lạt, một nơi chốn gợi nhiều kỷ niệm êm đềm của một thời vang bóng. Lê Uyên cũng dự định mở một nhà hàng, là sở trường làm ăn của nàng.
Nói đến nhà hàng ăn với uống thì không thể nhắc đến “nữ hoàng sầu muộn” Giao Linh. Nàng vốn là dân Gia Nã Ðại cư ngụ ở thành phố Toronto, như trường hợp Chế Linh. Chẳng rõ ngày xưa, Giao Linh đã mang cái biệt hiệu kỳ dị này là từ cái chuyện gì, quý độc giả kính mến có biết thì xin nói cho, thật cảm tạ.
Nó cũng tương đương với cái danh hiệu “sầu nữ” của bà Út Bạch Lan, bởi giọng ca thê thiết nức nở và cuộc đời tình ái đầy tan vỡ của nàng. Về Việt Nam, Giao Linh thường theo các đoàn lưu diễn hát ở những tỉnh, và cũng có góp mặt trong những chương trình Bước Chân Hoàn Vũ. Hiện nay thì Giao Linh đang làm chủ nhân của một quán cơm tấm kiêm luôn quán phở ở đường Lê Văn Duyệt cũ, công việc làm ăn cũng phát đạt. Có lẽ nên cải danh cho nàng thành “nữ hoàng bán phở” chăng. Cũng chuyện ăn uống, Duy Quang đang trông coi quán Phở 24, chẳng rõ 24 tượng trưng cho cái gì và hách xì xằng mở luôn phòng trà Tình Ca. Ngoài ra, Duy Quang cũng là một trong những cột trụ của những buổi nhạc hội Duyên Dáng Việt Nam.
Lệ Thu, tiếng hát cùng thời với những Giao Linh, Thanh Thúy, một giọng hát quý còn hơn cả vàng, thường làm chúng ta ngất ngây với những bài nhạc nhắc nhớ về Hà Nội và Miền Bắc thời tiền chiến, thời gian qua nàng đã có mặt trong những nhạc hội Bước Chân Hoàn Vũ ở Việt Nam. Ðức Huy có một phòng thu âm và hài lòng với những show trình diễn người ta mời. Nhạc sĩ kiêm diễn viên điện ảnh Tùng Giang năm, bảy năm trước đây di tản về Việt Nam, anh đã tìm thấy được một tình yêu đích thực với một cô gái rất trẻ. Nàng từng hứa sẽ trọn đời chăm sóc người chồng già nay đau mai ốm. Nhưng gần đây, tình yêu ấy đã vỗ cánh bay xa, Tùng Giang ngậm ngùi trở qua Mỹ với đứa con thơ và căn bệnh ngặt nghèo đang hành hạ thân thể anh. Lúc tình đời đi xuống như thế thì Tùng Giang mới nhận thấy cái tấm lòng của tình người hải ngoại trong một sự ấp ủ và bao dung. Nhiều bạn bè, thân hữu, khán giả ái mộ anh đã tìm đến ân cần giúp đỡ anh, Tùng Giang lại lên tinh thần và nuôi dưỡng một hy vọng để sống.
Những giọng ca hàng đầu vượt thời gian như Khánh Hà và Tuấn Ngọc cũng tìm thấy những cơ hội làm ăn ở Việt Nam, nên cũng nhanh chân xách gói chạy hộc tốc về. Kẻo thôi bọn đi trước chúng nó cười vào mũi, rằng trâu chậm uống nước đục. Hai con người thuộc một gia đình dòng dõi văn nghệ gộc này năm 2007 đã xuất hiện trong một đại nhạc hội, mẹ ơi, mang cái tên chỉ nghe thôi đã ớn lạnh, là Nối Vòng Tay Lớn. Những tay ký giả kịch tràng quốc nội đã viết những hàng bốc thơm Khánh Hà như sau: “Không ai nghĩ, sau ngần ấy năm Khánh Hà vẫn còn có nhiều khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ. Sức hút giọng ca đã thực sự chinh phục khán giả bỏ tiền ra mua vé xem cô diễn”.
Trông thấy những con trâu về trước đang nhai cỏ non và húp nước béo tưng bừng, nhộn nhịp không thể tả nổi, những con trâu còn chưa về Việt Nam nôn nao xốn xang quá đi. Có nguồn tin cho rằng, giọng ca vàng Ý Lan cũng có ý định về nước trình diễn, nhưng khổ nỗi lịch trình diễn ở hải ngoại cũng đã bận tối tăm mặt mũi lắm rồi, nên nàng “đành” hoãn việc ấy lại một thời gian. Hiện Ý Lan đang rất tích cực hoạt động trong lĩnh vực giúp phụ nữ phòng căn bệnh ung thư vú, mà nó rất phổ biến trong hạn tuổi từ 50 trở lên. Ðây là một căn bệnh gây khủng khiếp cho toàn thế giới, nó chiếm đến 10% số phụ nữ trong hạn tuổi đó. Có nghĩa là cứ một trong mười người phụ nữ sẽ vướng chứng bệnh này. Ý Lan cũng đã từng trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần và đã vượt thoát được căn bệnh. Nàng hiểu rõ tâm trạng lo sợ của người đứng bên bờ vực thẳm, nên muốn san sẻ những thông tin hữu ích giúp người phụ nữ Việt Nam sớm biết trước để thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Hiện nay, có những chương trình giúp người phụ nữ theo dõi được tình trạng sức khỏe của mình. Tại Canada, cứ hai năm một lần, phụ nữ trên 50 tuổi được chụp mammogram miễn phí. Chẳng những thế mà các cơ quan y tế nhiều tỉnh bang còn ân cần gởi thơ đến tận nhà mời đi chụp nữa.
Nguyễn Hưng, một khuôn mặt thuộc thế hệ trước 1975 được bà Thu Dung, giám đốc trung tâm băng nhạc Rạng Ðông ở Việt Nam thực hiện một chương trình live show trong tháng 12.2007 vừa qua. Nguyễn Hưng, một nghệ sĩ thuộc lò Thúy Nga, chỉ chuyên nhảy nhót và hát những bản tình ca vô thưởng vô phạt, nên vẹm cộng chẳng làm khó dễ gì anh, sẵn lòng cho anh về nước nhảy nhót cho công chúng xem. Thuộc dạng nhảy nhót, đôi vợ chồng Linda Trang Ðài-Tommy Ngô đã về nước từ khuya. Nhạc nhảy và gào ở trong nước hiện nay khá nhiều, nên Trang Ðài và Tommy Ngô tha hồ mà nhảy và gào.
Dường như để cảnh cáo những nghệ sĩ xuất hiện trong những chương trình nhạc hội chống cộng, mà những người viết trong nước gọi là “nhạy cảm về chính trị”, bà Rạng Ðộng đã nhắn nhe với những ai đang ôm mộng về ăn khế, thả diều và hát hò, rằng những ca sĩ muốn về Việt Nam, rất đơn giản, là đừng tham gia đến những nhạc hội chống đối lại vẹm cộng. Có phải chăng vẹm cộng muốn dần tách rời nghệ sĩ với những chương trình nhạc hội có tinh thần quốc gia dân tộc và chống cộng cương quyết như của Trung Tâm Asia chẳng hạn.
Người nghệ sĩ hải ngoại nên xem đó là những lời đe dọa và khủng bố tinh thần, nó nằm trong chính sách trấn áp tư tưởng của chúng.
Hà Nội, thông qua bọn nô bút và cai thầu văn nghệ đã coi thường trình độ chính trị của nghệ sĩ hải ngoại quá đi. Chỉ mới có hơn một tá lớp nghệ sĩ già xun xoe về nước, mà chúng cứ tưởng giới nghệ sĩ hải ngoại sẽ sẵn sàng chạy theo và chịu quy hàng. Tình hình hoạt động nghệ thuật ở hải ngoại đang có chiều hướng khả quan, các nghệ sĩ bận rộn đi trình diễn ở khắp tiểu bang, sang đến Canada, Úc, Nhật, châu Âu, thậm chí có trường hợp “xù show” vì nhiều lý do. Nhiều phòng trà lớn vẫn là nơi đón nhận những tài năng ca nhạc. Ca sĩ hải ngoại muốn hát nhạc gì thì hát, phần nhiều là những bài nhạc tình, nhạc lính cũ của ngày xưa. Sự thắng thế của nhạc Miền Nam ở toàn cõi Việt Nam ngày nay đang là một vấn đề xốn nhức của ngành văn hóa cộng sản. Công chúng thích nghe nhạc Miền Nam, thường được biết là Nhạc Vàng, thậm chí thế hệ trẻ ở Miền Bắc cũng nghe và nghêu ngao hát Nhạc Vàng. Những người về nước cho biết, hiện nay ở bất cứ đâu, ở những nơi công cộng, hàng quán, tiệm cà phê, trên xe đò liên tỉnh, người ta mở nhạc Miền Nam công khai, luôn cả nhạc lính của Trần Thiện Thanh. Thời gian là một sàng lọc và là một bằng chứng hùng hồn nhất trả lời cho câu hỏi Ai Thắng Ai trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và cả trong nhiều lĩnh vực khác nữa. Anh khoe anh giỏi anh tài, thì anh cứ bảo bọn nhạc nô đặt nhạc cho nó hay hay lên, âm điệu bổng trầm du dương nhiều vào, lời nhạc trau chuốt lên như những vầng thơ, như những áng văn thêu hoa dệt gấm đi, thì công chúng sẽ lắng nghe nhạc của các anh. Anh mà làm được như thế thì chúng tôi xin tình nguyện đi bằng haià tay cho anh coi.
Trong chiều hướng gọi là phi chính trị đó, những nghệ sĩ không hay ít có những hoạt động ca hát chống cộng như Kim Anh, Carol Kim được cho về nước. Kim Anh đi vào lòng khán giả hải ngoại với những bản tình ca lãng mạn Trung Hoa, đặc biệt tên nàng gắn liền với Mùa Thu Lá Bay. Carol Kim, một ca sĩ nhạc tình cảm kiêm nhạc kích động quen thuộc của thập niên 1960, 1970, một cái tên cùng thời với những Phương Tâm, Mai Lệ Huyền trong thể loại nhạc vui và kích động. Liệu nàng có sánh nổi với những ca sĩ trẻ hơ hớ trong cùng dạng nhạc này ở trong nước hay không, hoặc nàng sẽ chỉ tìm về với những bài tình ca nhẹ nhàng? Những cái tên quen thuộc như Phương Dung, Trang Thanh Lan, Phương Hồng Ngọc và cả nhạc sĩ Từ Công Phụng đang chờ đợi sự “duyệt xét” của những tòa đại sứ Việt cộng ở Hoa Kỳ và đang xin giấy phép hoạt động từ Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn ở Việt Nam. Ðây là một nguồn tin do các thợ viết vẹm tung ra trên các diễn đàn internet trong bản tin nhạc Việt, mức độ khả tín còn đang trong vòng được nghiên cứu và phối … kiểm.
Tuy nhiên, đối với Phương Dung nếu quả đúng như thế thì có phiền phức đấy, vì nàng chuyên hát nhạc lính Việt Nam Cộng Hòa, nàng rất hãnh diện khoe cái thành tích ấy mỗi lần lên sân khấu. Cho về bên nớ, có lẽ vẹm nên buộc nàng hát những nhạc “bộ đội”, đại khái như Cô Gái Sài Gòn Ði Tải Ðạn, Tiếng Chày Trên Sóc Bombo bụp bùm bum, ô hô, nên chăng. Các ông bà bầu show ở Việt Nam đang khuyên những nghệ sĩ lỡ vướng vào chuyện chính trị hãy sớm làm đơn giải trình cho ngành văn hóa, thì vẫn được vẹm cứu xét cho về Việt Nam theo nguyện vọng.
Nói giải trình cho nhẹ một chút, chứ tình thực nó ở dạng những tờ tự thú trước bình minh, rằng chúng em lỡ dại, mong quý anh tha cho, chúng em xin cắn cỏ ngậm vành.
Thế hệ nghệ sĩ sau thời điểm 1975 mà đã thành danh ở hải ngoại nhờ vào lòng thương mến của công chúng như Hoài Linh, Mạnh Ðình, Gia Huy, Phi Nhung, Thành Lễ, Nhật Hạ cũng đã về Việt Nam trong nhiều năm qua. Rồi đây, có lẽ cái danh sách những con vẹt về nước hót sẽ được bổ sung thêm, tuy không nhiều. Với những người nghệ sĩ đã quay lưng lại với chính cái nhãn hiệu tị nạn chính trị của mình để khoác lên chiếc mặt nạ che giấu cảm xúc thật của họ trước cặp mắt cú diều của vẹm cộng, từ giây phút ấy tiếng hát của họ đã trở nên những âm thanh vô hồn. Cứ mỗi lần nhìn tất cả những con người đó hát trên sân khấu, dẫu là loại nhạc gì, tình ca hay tình lính, hẳn công chúng sẽ không còn tìm thấy được cảm xúc thật của mình hòa theo cùng được nữa.
Bởi những tiếng hát ấy không xuất phát từ con tim thổn thức của mình mà chỉ là những chiếc máy hát, những chiếc máy có những cái khe để người ta bỏ những đồng tiền vào.
Ðối với những người nghệ sĩ Việt Nam chân chính ở hải ngoại mà cho đến thời điểm này vẫn còn khẳng khái ấp ủ tấm lòng son với chính nghĩa quốc gia, gìn giữ những giá trị nhân bản và truyền thống văn hóa của dân tộc, vẫn giữ lòng cương cường không chịu khuất phục trước bạo quyền Hà Nội, chúng ta xin được nghiêng mình cúi đầu giở nón trân trọng bày tỏ sự kính phục và yêu mến.
Những tiếng hát này mới là những sợi dây tơ rung lên những cảm xúc thực sự, và chính là những giọng hát vượt không gian và thời gian.
Phạm Phong Dinh
No comments:
Post a Comment