Ngô Nhân Dụng
Ngày Thứ Hai này người Việt ở Úc sẽ đổ về thủ đô Canberra biểu tình trước trụ sở Quốc Hội. Bà con sẽ gửi cho thủ tướng Úc một câu mà người Việt ai cũng thuộc lòng: “Ðừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”. Thủ Tướng Kevin Rudd cần mang theo cẩm nang đó trong túi, lâu lâu lại mở ra coi cho khỏi quên, khi gặp ông Nông Ðức Mạnh, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông Rudd làm thủ tướng một nước dân chủ cho nên chắc chắn ông ta phải lắng nghe tiếng nói của các công dân trong lớp tuổi đi bỏ phiếu. Cho nên xin nhờ đồng bào Việt ở Úc đưa cho ông thủ tướng của quý vị một đề nghị nữa. Trong lúc hai ông Rudd và Nông gặp nhau thế nào họ cũng trao đổi quà kỷ niệm. Bà con hãy đưa cho ông Rudd một món để nhờ tặng ông Nông, quà tặng là hình nộm một con kanguru với một chữ viết trên đó, Non! (Nhớ có dấu chấm tán thán). Non, trong tiếng Pháp đọc là Nông y như tên ông Nông Ðức Mạnh, và lại có nghĩa là Không! Ý nghĩa món quà đó là: Ðừng có bầy trò Kangaro nữa! Căng gu ru (còn gọi là đại thử) là một con vật không may mắn, bị đem tên ra để gọi những phiên tòa giả hình, bịp bợm. Ở Việt Nam chế độ công an làm chủ sắp sửa đưa các bạn Lê Công Ðịnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Kim Ánh, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung ra tòa. Mà ai cũng biết đó sẽ là một thứ “Tòa án căng gu ru,” xử án theo lối mì ăn liền, trên bảo kết tội nào thì tuyên án đúng tội đó, trên bảo bỏ tù thì bỏ tù, bảo tha thì tha. Trong các chế độ Cộng Sản xưa và nay tòa án vẫn căng gu ru như vậy.
Luật Sư Trần Lâm là người sẽ biện hộ cho các người sắp phải ra tòa, đã nói rằng ông tin tưởng tòa án sẽ có quyền phán xử chứ không đến nỗi căng gu ru như thế đâu. Nếu đúng như lời ông thầy cãi nói thì thật là đại phước. Chỉ sợ trong cả hệ thống tư pháp căng gu ru thì từ quan tòa đến trạng sư đều căng gu ru, không ai quan tâm đến các nguyên tắc pháp lý cả!
Luật Sư Trần Lâm ca ngợi những bị cáo thân chủ của ông là những người “yêu nước,” mặc dù họ có những ý kiến khác với chính sách của nhà nước. Nói như vậy rất nguy hiểm. Vì ở tòa án thường người ta chỉ đem luật ra xử, chứ không cần biết bị cáo nhân có yêu nước, yêu nhà, yêu vợ, thương con hay không! Mà khi nói đến luật lệ thì ở trong nước Việt Nam ai nói khác, nói ngược ý kiến của đảng và nhà nước là đủ bị ghép tội “âm mưu lật đổ chính quyền của giai cấp vô sản” rồi! Ðiều 4 trong hiến pháp cho đảng Cộng Sản độc quyền “lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Nhắc lại: Cả nhà nước lẫn xã hội, trong đó có các bạn Lê Công Ðịnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Kim Ánh, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung. Khi các bạn dám có ý kiến khác với đảng Cộng Sản tức là các bạn “vi phạm hiến pháp,” cái tội nặng tầy đình! Cho nên quan tòa có thể sẽ đồng ý với Luật Sư Trần Lâm rằng các “bị can” có ý kiến với đảng Cộng Sản, và kết luận rằng họ đáng đi tù!
Cách tốt nhất là Luật Sư Trần Lâm nên chứng minh rằng các “bị can” trên không hề chống đảng mà còn đang theo đuổi những mục tiêu “không khác gì đảng Cộng Sản!” Chứng minh dễ lắm. Bởi vì cả cái đảng đó cũng rất căng gu ru, lúc nào cũng tuyên truyền toàn những điều hay, chuyện đẹp ca - chỉ khi làm thì làm khác thôi! Ông Trần Lâm chỉ cần tìm trong những bài diễn văn hoa mỹ của các lãnh tụ đảng từ thời 1930 đến giờ, thế nào cũng thấy những câu nói với nội dung không khác gì các bạn trẻ đang viết trên mạng lưới hoặc gửi email!
Nhưng nhớ lại những phiên tòa cũ thì chúng ta lại lo. Vì thấy có những người làm đúng các khẩu hiệu mà đảng Cộng Sản hô hào, họ cũng bị đem kết án tù. Các ông Trần Khuê, Phạm Quế Dương, Nguyễn Ðan Quế trước đây chỉ mới nêu ra ý kiến lập một hội chống tham nhũng, mà lại nói rõ là hội của họ “giúp đảng và nhà nước chống tham nhũng!”. Vậy mà đảng với nhà nước không chịu, vẫn sai lính bắt, ghép cho họ tội to lớn là làm “gián điệp!’. Nhưng cuối cùng ra tòa xét xử thì đảng đổi ý kiến, bảo quan tòa đổi lại tội trạng thành “lạm dụng những quyền tự do, dân chủ.” Tòa án căng gu ru, cả hệ thống tư pháp, cả chế độ cai trị đều căng gu ru như vậy đấy! Vẫn kể lại chuyện cũ, trong phiên xử sơ thẩm nhà báo Nguyễn Vũ Bình, một đảng viên Cộng Sản muốn góp ý kiến để làm cho đảng sạch sẽ hơn, bà vợ ông nhận được giấy báo tin. Bà được mời đến một phòng xử, ngồi đợi đó với hy vọng được nhìn thấy mặt chồng. Nhưng trong lúc bà ngồi chờ như thế, phiên tòa xử chồng bà lại diễn ra ở một phòng khác! Cả hệ thống pháp luật được đem ra sử dụng để đánh lừa một phụ nữ hiền lành, không làm hại gì đến ai hết cả! Thật không có xứ nào trên thế giới mà phong cách căng gu ru đạt trình độ cao như hệ thống tư pháp nước Việt Nam! Không biết tại sao loài người lại đi lăng mạ con đại thử, tức “kangaroo,” một con vật rất dễ thương, biểu tượng của Úc Châu bằng cách đem tên nó đặt cho những tòa án bịp.
“Tòa án căng gu ru” bây giờ đã trở thành một tên quốc tế. Các nhà ngữ học Úc Châu cho biết cái tên “tòa án căng gu ru” không phải do người Úc đặt ra. Nghiên cứu kỹ càng thì biết cái tên này đã được sử dụng vào giữa thế kỷ 19, trong thời có cuộc chạy đua tìm vàng ở California! Lần đầu tiên tên gọi này được viết trên giấy là năm 1853.
Những người đi tìm vàng ở California 150 năm trước sống ở những nơi hầu như chưa có pháp luật. Nhưng họ cũng theo một thứ tinh thần công lý; khi một người bị tố cáo là chiếm chỗ đất mà người khác đã “xí phần” thì họ thường họp nhau lại đem “bị cáo” ra xử. Nhưng tòa án xử theo áp lực của đám đông hò hét, theo lối “tòa án nhân dân” chứ không cần luật lệ, không cần thủ tục, không có luật sư, cũng không cần nhân chứng.
Chúng tôi xin xác nhận mình không có ý nói xấu tất cả các vị quan tòa và các luật sư đang làm việc ở Việt Nam. Họ có thể là những người rất đáng kính trọng trong đời tư; có thể là những người chăm chỉ, hiền lành, sống trung hậu vì đã được cha mẹ dậy dỗ đàng hoàng. Nhưng họ có cái tật là đảng viên thì phải tuyệt đối trung thành với đảng Cộng Sản, chăm chắm làm đúng bổn phận với đảng, đúng như lời dậy của Hồ Chí Minh về “đạo đức cách mạng.” Ðảng là luật pháp, đảng là lương tâm. Các quan tòa được giáo dục và đào tạo như vậy thì tất nhiên sẽ xử theo lối căng gu ru! Họ phải chủ tọa các phiên tòa theo phong cách căng gu ru, đưa ra những bản án căng gu ru. Vì tất cả hệ thống pháp lý của các chế độ Cộng Sản, từ Nga Xô, Trung Quốc, Bắc Hàn cho đến Việt Nam, nó căng gu ru như thế. Khi tra cứu để hiểu chữ “kangooroo” trên mạng lưới Google, tôi đã tìm được một câu chuyện tòa án căng gu ru xẩy ra ở Việt Nam, trong một tài liệu của Cơ Quan Phát Triển Liên Hiệp Quốc. Ðây là một dịp hiếm hoi mà luật pháp Việt Nam, tòa án Việt Nam được nhắc đến làm thí dụ cho cả thế giới đọc.
Câu chuyện bắt đầu năm 1992, ở Tuyên Quang. Có hai công an mặc thường phục đi xe đụng một em bé con trai 10 tuổi. Sau đó xẩy ra một vụ ẩu đả giữa gia đình em bé và nhiều tay công an. Một người trong gia đình bị đánh ngất đi. Sáu người trong gia đình em bé bị truy tố ra tòa về tội làm mất trật tự. Họ có luật sư nhưng tòa không cho luật sư nào biện hộ. Công an đã đọc trước tòa một bản lời khai của các “nhân chứng,” các nhân chứng này không có mặt tại tòa. Gia đình nạn nhân đưa hai nhân chứng khác tới phản đối những lời khai trong bản báo cáo là sai sự thật, nhưng tòa bỏ qua. Sau đó sáu “bị can” bị phạt mỗi người ba tháng tù treo.
Trong đám sáu bị can này có một cô giáo, cô này đã đậu cử nhân luật, cô lên tiếng phản đối phiên tòa không hợp lệ. Cô bị đánh đập ngay trong phòng xử án, cho tới lúc cô cũng ngất xỉu. Tòa ra lệnh đưa cô trở lại phòng giam để thẩm vấn thêm; nhưng đêm hôm đó cô được tha, cũng chẳng biết tại sao họ lại tha.
Câu chuyện tưởng là yên, cho tới ba năm sau, 1995, cô giáo trên bị công an đến tận trường bắt. Sau đó, cô lại bị truy tố, đem ra tòa xử, và bị kết án sáu tháng tù vì cái tội ba năm trước đã lên tiếng khóc “oe oe” mất trật tự trong tòa. Cô lại “oe oe” phản đối cung cách phiên xử trái luật, vì cô đã học luật không nói không nhịn được, nhưng tòa án làm ngơ!
Câu chuyện trên, do ông Trần Ðình Hoành kể lại, được ghi vào tài liệu của UNPD, rồi được công ty Google nêu lên làm thí dụ về Tòa Án Căng Gu Ru, sẽ tạo thêm “danh giá” cho hệ thống tư pháp Việt Nam, cả thế giới phải biết đến. Nhờ có đảng lãnh đạo, dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến sẽ được khen ngợi là có nền tư pháp căng gu ru nhất thế giới!
Cho nên, khi ông Thủ Tướng Kevin Rudd gặp ông Nông Ðức Mạnh, bà con người Việt tại Úc hãy gửi ông ta tặng cho ông Nông một hình nộm con kanguru tiêu biểu của xứ Úc. Viết chữ “Non” trên đó, và giải thích đó là cách đọc chữ Nông theo lối quốc tế! Ðể gửi một thông điệp: Hãy ngưng ngay các phiên tòa căng gu ru!
Còn riêng ông Kevin Rudd, ông có thể vẫn tặng cho ông Nông Ðức Mạnh một hình nộm con căng gu ru nhồi bông to béo, viết một chữ “No-1” cũng to béo ai nhìn qua cũng phải thấy. Món quà tặng sẽ chính thức giải nghĩa cho ông Nông Ðức Mạnh nghe là: “Tình Thân thiện Việt-Úc là Số Một, Number One!”. Nhưng giữa người Úc với nhau, giữa người Việt với nhau, chúng ta có thể hiểu thông điệp khác. Món quà này nghĩa là: “Kanguru Number One!” Tòa án của ông Nông Ðức Mạnh được bầu là căng gu ru nhất thế giới!
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment