Friday, April 18, 2008

Tài liệu mật ĐCSVN chỉ thị đấu tố Thượng tọa Thích Trí Khải


PHÒNG THÔNG TIN PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
E-mail : ubcv.ibib@buddhist.com


_________________________________

Tài liệu "Mật" của Đảng Cộng sản huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, chỉ thị đấu tố Thượng toạ Thích Trí Khải và đặt GHPGVNTN ra ngoài vòng pháp luật – Hoà thượng Thích Tâm Mãn viết Đơn tố cáo công an đàn áp chùa Sư Tử Hống ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng

2008-04-16 | | PTTPGQT

PARIS, ngày 16.4.2008 (PTTPGQT) - Trong hai Thông cáo báo chí phát hành ngày 19.3.08 và 2.4.08, chúng tôi đã báo động tình hình đàn áp Thượng toạ Thích Trí Khải, trú trì chùa Giác Hải ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Nhận chỉ thị của Đảng Cộng sản, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Nhà nước tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định bãi nhiệm chức trú trì của Thượng toạ Thích Trí Khải và đòi tịch thu ngôi chùa Giác Hải là sở hữu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).

Theo tiết lộ của Thượng toạ Thích Như Tấn, Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Lâm Đồng, thì mục tiêu nhằm dẹp bỏ các ngôi chùa thuộc GHPGVNTN và trừng trị những ai theo GHPGVNTN là việc phát quang cho Đại lễ Phật Đản Tam hợp do nhà cầm quyền Cộng sản tổ chức trên 55 tỉnh thành hầu "chứng minh" với thế giới là Việt Nam Cộng sản tôn trọng "tự do tôn giáo".

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tôn trọng "tự do tôn giáo" đến mức độ nào ? và như thế nào ? Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin trưng bằng cớ về cái gọi là tôn trọng ấy thông qua "Kế hoạch Mật" mang số 44-KH/BCĐ gọi là "Kế hoạch đấu tranh với Thích Trí Khải lợi dụng Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động cho Phật giáo Việt Nam Thống nhất chống lại Ban Đại diện Phật giáo huyện Đơn Dương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam".

Kế hoạch Mật này do "Đảng Cộng sản Việt Nam, Huyện uỷ Đơn Dương – Ban chỉ đạo Công tác tôn giáo" viết ngày 13.9.2007, gồm 4 trang, khổ A4, qua 5 đề mục : 1. Tình hình Phật giáo và hoạt động tôn giáo của đạo Phật ; 2. Mục đích yêu cầu ; 3. Phương pháp đấu tranh ; 4. Thời gian tiến hành ; và 5. Biện pháp tiến hành.

Phần tình hình Phật giáo cho biết "Đạo Phật ở Đơn Dương có khoảng hơn 21.000 quần chúng có đạo, cơ sở thờ tự gồm 15 chùa được hình thành trước năm 1975. (...) Đặc biệt từ sau năm 1981 Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước) ra đời (...) đề ra là "đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội". (...) Song bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình trong các chức sắc tăng ni trên địa bàn huyện còn có một số mặt hạn chế (...) và cá biệt có Đại đức Thích Trí Khải trụ trì chùa Giác Hải - thị trấn Thạnh Mỹ chưa chấp hành chỉ đạo của Ban Đại diện Phật giáo huyện, của Ban trị sự Phật giáo Lâm Đồng (...) cụ thể là đã chấp nhận tán đồng và nhận làm việc cho cái gọi là "Phật giáo Việt Nam Thống nhất" dưới sự chỉ đạo của Thích Quảng Độ, nhận làm Phó Ban đại diện Phật giáo Việt Nam Thống nhất của tỉnh Lâm Đồng. (...) Đặc biệt là ngày 2.9.2007 (...) Thích Trí Khải đã tuyên bố và tự nhận là Phó Ban đại diện Phật giáo Việt Nam Thống nhất của tỉnh Lâm Đồng và tuyên bố chùa này (chùa Giác Hải) là chùa của ông ta trụ trì không có ai được chỉ đạo điều hành ông ta ».

« Xuất phát từ diễn biến tình hình như trên. Ban chỉ đạo tôn giáo huyện Đơn Dương xây dựng kế hoạch đấu tranh chống hoạt động tôn giáo trái phép của cái gọi là « Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất » của Thích Quảng Độ và Thích Trí Khải tại chùa Giác Hải như sau :

« II. Mục đích yêu cầu :

« 1. Đấu tranh hoạt động tôn giáo trái phép của cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất của Thích Trí Khải là đấu tranh của Nhà nước và nhân dân ta (PTTPGQT nhấn mạnh) với âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá Nhà nước, phá hoại truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân ta.

« 2. Đấu tranh hoạt động tôn giáo trái phép của Thích Trí Khải nhằm vạch rõ những sai trái trước quần chúng (nghĩa là tố khổ như thời Cải cách Ruộng đất, PTTPGQT chú thích) (...).

« 3. Đấu tranh việc lợi dụng Giáo hội của Thích Trí Khải để hoạt động cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là cuộc đấu tranh kiên quyết và tiến tới cô lập vô hiệu hoá Thích Trí Khải với quần chúng có đạo và kể cả trong các tăng ni đồng thời ngăn chặn về tư tưởng cũng như những hoạt động trái phép của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trên địa bàn huyện (đây là định nghĩa đúng chính nhất về cái gọi là » tôn trọng tự do tôn giáo » dưới chế độ Cộng sản, PTTPGQT nhấn mạnh và chú thích) ».

Sau đó, Kế hoạch Mật chỉ thị về « Phương pháp đấu tranh » : « Đấu tranh với Thích Trí Khải là đấu tranh giữa Phật giáo Việt Nam với cái gọi là tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trên phạm vi địa bàn huyện, phải phối kết hợp chặt chẽ giữa Ban đại diện Phật giáo huyện với Mặt trận và các đoàn thể và các cơ quan chức năng (...) chủ yếu là vận động quần chúng đấu tranh giải quyết với đối tượng lợi dụng tôn giáo. (...) Các cơ quan chức năng phải tập trung thu nhập, củng cố chứng cứ các văn bản khiếu kiện của nhân dân, quần chúng có đạo về phẩm hạnh và đạo đức của Thích Trí Khải trước khi tổ chức triển khai. (...) Các cơ quan chức năng phối hợp cùng với Ban đại diện Phật giáo huyện trên cơ sở về những chứng cứ phẩm hạnh đạo đức và các hành vi hoạt động cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất của Thích Trí Khải có văn bản báo cáo đề xuất chính kiến của mình đến Ban Phật giáo tỉnh, đến Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các ngành chức năng ».

Kế hoạch Mật chỉ định « Thời gian tiến hành »« Từ nay đến tháng 10 năm 2007 chỉ đạo thống nhất từng kết quả cuộc đấu tranh ở Ban đại diện, Mặt trận và các ngành chức năng. Đầu tháng 11 năm 2007 họp rút kinh nghiệm ».

Còn « Biện pháp tiến hành » đi ba bước :

« 1. Ban chỉ đạo tôn giáo huyện yêu cầu Ban dân vận, Mặt trận, các đoàn thể, ngành pháp luật, Phòng tôn giáo và dân tộc huyện, Đảng uỷ thị trấn Thạnh Mỹ quán triệt kế hoạch này và tích cực chủ động triển khai.

« 2. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các đoàn thể của huyện phối kết hợp với Mặt trận, các đoàn thể ở thị trấn Thạnh Mỹ xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động quần chúng đấu tranh với Thích Trí Khải, kế hoạch đều thông qua cấp uỷ 2 cấp trước khi tiến hành.

« 3. Ban chỉ đạo tôn giáo huyện giao cho các đơn vị chức năng phối hợp tổ chức thực hiện gồm : Ban dân vận Huyện uỷ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Công an huyện, Phòng dân tộc và tôn giáo huyện, Đảng uỷ thị trấn Thạnh Mỹ trong đó có Ban dân vận Huyện uỷ chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp hoạt động các đơn vị trên ».

Kế hoạch Mật nói trên do ông Lý Văn Kiệt ký, với chức vụ Phó Bí thư kiêm Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo thuộc Huyện uỷ Đơn Dương của Đảng Cộng sản Việt Nam.


Đọc những trích đoạn quan trọng trong 4 trang Kế hoạch Mật người ta nhận ra các điều chủ yếu sau đây :

Một là, ngay trong việc xử lý một Thượng toạ Phật giáo trên lĩnh vực thuần tuý tín ngưỡng, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Giáo hội Nhà nước chỉ là con bù nhìn. Vì kế hoạch gọi là « đấu tranh » với Thượng toạ Thích Trí Khải do Ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo thuộc Huyện uỷ của Đảng Cộng sản huyện Đơn Dương quyết định, sắp đặt, xuống lệnh cho Giáo hội Phật giáo Nhà nước thi hành. Tệ hơn, Giáo hội Nhà nước cũng không được trực tiếp thi hành lệnh của Đảng, mà phải ngồi chơi xơi nước chờ sự phối hợp khai triển kế hoạch của « Ban dân vận Huyện uỷ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện, Công an huyện, Phòng dân tộc và tôn giáo huyện, và Đảng uỷ thị trấn Thạnh Mỹ ». Hoá ra Giáo hội Phật giáo Nhà nước chỉ là anh lính lệ cầm cờ chạy hiệu trước hay sau chiếc kiệu của các ông Quan Cách mạng.

Hai là, xuất phát từ « tội tổ tông » khiến cho Kế hoạch Mật xuất hiện, là Thượng toạ Thích Trí Khải phục vụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chứ không chịu bó thân về với Giáo hội Nhà nước. Nhưng Kế hoạch Mật không xử lý trực tiếp vào « tội tổ tông » này, mà Đảng chị thị « Các cơ quan chức năng phải tập trung thu nhập, củng cố chứng cứ các văn bản khiếu kiện của nhân dân, quần chúng có đạo về phẩm hạnh và đạo đức của Thích Trí Khải ». Nói rõ là tạo sự vu cáo phẩm hạnh đạo đức của Thượng toạ Thích Trí Khải để kích động nhân dân phỉ báng, từ đó đôi đũa thần Cộng sản gõ thành « chứng cứ phạm pháp ». Nghĩa là vu vạ tội vô bằng cớ cho người hiền lương trước khi kết tội thông qua cơ quan pháp lý.

Nhưng lệnh Đảng được thi hành như thế nào ? - Kiến nghị chống Thượng toạ Thích Trí Khải của Ban Đại diện Phật giáo Nhà nước huyện đơn Dương chỉ thu được 13 chữ ký của 13 « Phật tử ». Thế nhưng ngày 19.3.2008, trong một Kiến nghị phản chống sự vu cáo hàm hồ của Giáo hội Nhà nước, 239 Phật tử chùa Giác Hoa ký tên bảo vệ Thượng toạ Thích Trí Khải. Thế mới biết rằng : Đảng nhẹ như bọt bóng, Dân mạnh như thủy triều.

Ba là, « Ban chỉ đạo công tác tôn giáo của Đảng Cộng sản huyện Đơn Dương xây dựng kế hoạch đấu tranh chống hoạt động tôn giáo trái phép của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất của Thích Quảng Độ và Thích Trí Khải tại chùa Giác Hải ». Thế nhưng Nhà cầm quyền Cộng sản chưa hề đẻ ra được một văn bản pháp lý nào quy định Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trái phép hoặc bất hợp pháp. Vậy thì Kế hoạch Mật do Đảng Cộng sản ở huyện Đơn Dương chỉ rặn ra cái quái thai khủng bố của một Nhà nước khủng bố.

Kết luận cho thấy Kế hoạch muốn « dứt điểm » đối với Thượng toạ Thích Trí Khải vào tháng 11.2007 quy định trong điểm 4 về Thời gian tiến hành. Nhưng đến giữa tháng 4.2008 này vẫn chưa thể « dứt điểm ». Vì sao ? - Vì một lẽ dễ hiểu là quần chúng Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là hậu thuẫn lớn, là cơ sở quần chúng trung kiên và vạm vỡ, tuy thầm lặng, nhưng là thế lực đạo đức làm nghiêng lệch cán cân của nhà nước độc tài.

Hoà thượng Thích Tâm Mãn viết Đơn tố cáo gửi các nhà lãnh đạo ở Hà Nội

Hoà thượng Thích Tâm Mãn vừa viết Đơn Tố cáo đề ngày 4.4.2008 gửi các Ông Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và huyện Đức Trọng. Bản sao gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến.

Hoà thượng là Phó Ban đại diện Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Lâm Đồng, và trú trì chùa Sư Tử Hống ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đơn Tố cáo đề cập đến việc công an hăm doạ và ngăn cấm Phật tử đến chùa Sư Tử Hống làm lễ An vị Phật, lễ Khai chuông và cầu nguyện cho Quốc thái dân an trong hai ngày 25-26.3.2008 theo truyền thống tín ngưỡng Phật giáo thuần tuý.

Để ngăn chặn sự tự do tín ngưỡng của Phật tử chùa Sư Tử Hống, nhà cầm quyền địa phương thuộc các cấp tỉnh, huyện, xã đã chỉ đạo các ban ngành đàn áp theo các thể thức sau đây:

1. Họp dân hăm doạ, ngăn cấm không cho Phật tử đến chùa và tịch thu Giấy Mời dự lễ ;

2. Mặt trận Tổ quốc và Ban tôn giáo chính phủ họp chư Tăng Ni thuộc Giáo hội Phật giáo Nhà nước tại Tu viện Hương Nghiêm tuyên bố chùa Sư Tử Hống làm lễ « bất hợp pháp », nên công an đang canh gác chặt chẽ, cấm chư Tăng Ni không được đến tham dự ;

3. Công an tỉnh gồm các ông Thu, Trung và Bằng, Công an huyện gồm các ông Thế, Tuấn, Hoà và Nguyễn Quang Minh, Công an xã gồm các ông Lê Đình Trường, Đỗ Ngọc Minh và Lê Hoàng, Công an thôn gồm các ông Thành, Lý và Du Kích hợp đồng với một bọn thanh niên đầu gấu vào canh gác quanh chùa lúc 9, 10 giờ đêm. Tiếp đấy uống rượu say tạo lý do gây xáo trộn và hoảng sợ cho chư Tăng và Phật tử trong chùa.

4. Các cơ quan chức năng ra lệnh cấm giáo viên không cho học sinh cấp 2 nghỉ học hai ngày để tham dự lễ tại chùa Sư Tử Hống như đã dự trù.

Lý do mà Mặt trận Tổ quốc và Ban tôn giáo chính phủ kết án cuộc lễ bất hợp pháp không vin vào một bằng cớ pháp lý nào cả. Vì Hoà thượng Thích Tâm Mãn đã làm đơn xin phép theo đúng thủ tục từ 10 ngày trước. Thế nhưng các cán bộ huyện phán rằng « Báo trình trễ » nên không xét !

Trong hai ngày 25-26.3.2008 khi chùa hành lễ, thì công an rải khắp từ ngã ba đường vào chùa trên một lộ trình dài hai cây số rưởi để ngăn chận Phật tử, hăm doạ không cho họ đến chùa lễ Phật và cầu nguyện cho đất nước huy hoàng và dân sống yên vui.

Sau khi trình bày các động thái bạo tàn và phi nghĩa, Đơn Tố cáo của Hoà thượng Thích Tâm Mãn kết luận rằng :

« Tôi xét thấy đây là sự vi phạm trắng trợn chính luật pháp của Nhà nước Việt Nam và Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Cho thấy rằng đến nay tại Việt Nam vẫn chưa có tự do tôn giáo hay nói đúng hơn là Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phi tự do tín ngưỡng, phi văn hoá, phi nhân quyền và phi đạo đức ».

No comments:

Post a Comment