Tuesday, April 8, 2008

Bài viết của ký giả Frank Ching

Bài viết của ký giả Frank Ching trên Tạp chí Kinh tế Viễn Ðông đề cập đến Công Hàm Bán Nước

Vấn đề Tranh chấp Chủ quyền trên Quần đảo Hoàng Sa
Saigon - Hanoi - Paracels
Islands Dispute – 1974

Frank Ching (Far Eastern Economic Review, Feb. 10, 1994)

1) Tái thẩm định miền Nam Việt Nam

Chỉ có một số ít các chính phủ sẵn sàng thú nhận rằng họ đã phạm phải sai lầm, ngay cả khi những chính sách của họ cho thấy điều đó một cách rất rõ ràng. Lấy thí dụ như Việt Nam chẳng hạn

Khi nước CHXHCN Việt Nam đã từ bỏ chủ nghĩa xã hội trên tất cả mọi mặt, ngoại trừ cái tên, thì họ vẫn ngần ngại không muốn thú nhận điều này. Chính sách kinh tế thị trường mà họ đang theo đuổi, dù sao, đã nói lên điều ngược lại.

Trong những năm chiến tranh, những trận đánh chống lại quân đội Mỹ và quân đội miền Nam Việt Nam, đã được chiến đấu dưới danh nghĩa của chủ nghĩa xã hội và nhận được sự ủng hộ của toàn thể thế giới cộng sản, đặc biệt là từ Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa.

Những trận đánh này đã đòi hỏi một sự hy sinh nặng nề về xương máu và tài nguyên của đất nước, là một cái giá mà người Việt Nam vẫn tiếp tục phải trả cho đến ngày hôm nay khi nhà nước CSVN đang cố gắng, một cách rất muộn màng, đặt việc phát triển kinh tế lên trên ý thức hệ chính trị. Cái ý thức hệ đó trong quá khứ đã buộc Hà Nội phải lựa chọn những chính sách mà khi nhìn lại thì không có vẻ gì là khôn ngoan cả. Và việc bóp méo ý thức hệ này đã gây cho họ nhiều thứ rắc rối khác hơn là chỉ đưa họ vào tình trạng khó xử với các đồng chí cộng sản đàn anh của họ ở Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh. Ðôi khi nó cũng làm mờ mắt họ về những lập trường đứng đắn được khẳng định bởi kẻ thù của họ là chính phủ Sài Gòn .

Trong những ngày đó, chế độ Hà Nội rất hăng hái trong việc lên án chính quyền miền Nam, cho họ là những con rối của Mỹ, là những kẻ đã bán đứng quyền lợi của nhân dân Việt Nam. Ngay cả lúc đó, một điều rõ ràng là những lời cáo buộc này đã không có căn cứ. Bây giờ, 20 năm sau, cũng lại một điều rõ ràng là đã có những lúc mà chính quyền Sài Gòn đã thật sự đứng lên cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam, một cách vô cùng mạnh mẽ, hơn xa cả cái chính quyền tại Hà Nội.

Một trường hợp để chứng minh cụ thể là vụ tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa trên biển Nam Trung Hoa. Quần đảo Hoàng Sa, giống như quần đảo Trường Sa ở xa hơn về phía Nam, được tuyên bố chủ quyền bởi cả hai Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng khi chế độ Hà Nội vẫn đang nhận viện trợ từ Bắc Kinh, thì họ im hơi lặng tiếng trong việc tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo này đã bị chiếm đoạt bởi Trung Quốc sau một vụ đụng độ quân sự vào tháng Giêng năm 1974, lúc quân Trung Quốc đánh bại những người tự bảo vệ từ miền Nam Việt Nam. Từ đó, quần đảo này đã nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, có một sự bất đồng nhanh chóng giữa Bắc Kinh và Hà Nội, và chính quyền Hà Nội - vừa mới thống nhất với miền Nam - lại tái tuyên bố chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù đã có những cuộc đàm phán cao cấp giữa hai nước, nhưng vụ tranh chấp này vẫn chưa được giải quyết. Các chuyên gia của hai nước có hy vọng là sẽ gặp gỡ sớm sủa hơn để bàn thảo về những vấn đề chuyên môn, nhưng không chắc chắn là sẽ có một quyết định toàn bộ . Thật ra, một viên chức cao cấp của Việt Nam đã thú nhận rằng vấn đề sẽ được giải quyết bởi các thế hệ tương lai.

Dù không muốn phán đoán về những giá trị của lời tuyên bố chủ quyền của bất cứ bên nào, một điều rõ ràng là cương vị của phía Việt Nam đã bị yếu thế hơn vì sự im hơi lặng tiếng của Hà Nội khi quân đội Trung Quốc chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa. Sự thiếu sót của Hà Nội để phản đối trước hành động quân sự của nước ngoài bây giờ được dùng để quật ngược lại Việt Nam mỗi khi đề tài trên được nêu ra.

Giới thẩm quyền Việt Nam ngày hôm nay giải thích sự im lặng của họ vào thời điểm đó bằng cách nói rằng họ đã phải dựa vào viện trợ của Trung Quốc trong cuộc chiến chống Mỹ, vốn là kẻ thù chính yếu của họ lúc đó. Vậy thì một điều chắc chắn là, khi chiến tranh càng được chấm dứt sớm hơn thì quan hệ hữu nghị giữa Hà Nội và Bắc Kinh cũng như vậy .

Cộng thêm vào đó là những điều bị bóp méo mới toanh mà Hà Nội phải dùng đến để tăng thêm giá trị cho lời tuyên bố về chủ quyền của họ trên quần đảo Hoàng Sa. Bởi vì sự im lặng đồng ý ngầm trong quá khứ mà Hà Nội bó buộc phải tránh không dám dùng những lời tuyên bố chính thức của họ từ thập niên 1950 đến thập niên 1970, mà phải dùng những bản tuyên bố của chế độ Sài Gòn - tức là công nhận tính hợp pháp của của chính phủ miền Nam. Một cách rất sớm sủa, như vào năm 1956, chính phủ Sài Gòn đã công bố một thông cáo chính thức xác nhận chủ quyền của mình trên Hoàng Sa và Trường Sa.

Chế độ Sài Gòn cũng công bố một nghị định để bổ nhiệm nhân sự hành chánh cho quần đảo Hoàng Sa. Cho đến khi họ bị thất bại bởi lực lượng quân sự Trung Quốc vào năm 1974 (chỉ vài tháng trước khi miền Nam Việt Nam bị sụp đổ trước sự tấn công của cộng sản từ miền Bắc), thì chính phủ Sài Gòn vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa.

Trong vài năm vừa qua, nước Nam Dương (Indonesia) đã bảo trợ cho các buổi hội thảo với tính cách phi chính phủ về vùng biển Nam Trung Hoa. Tại các buổi hội thảo lúc có lúc không này, phía Việt Nam một lần nữa lại thấy bối rối khi được yêu cầu giải thích về sự im lặng của họ hồi đó, khi Trung Quốc nắm giữ cái mà Việt Nam bây giờ tuyên bố là một phần của lãnh thổ họ. “Trong thời gian này”, họ nói, “có những tình trạng rắc rối về chính trị và xã hội tại Việt Nam, cũng như trên thế giới, mà phía Trung Quốc đã lợi dụng, theo từng bước một, để dùng biện pháp quân sự chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa. Và Trung Quốc đã thu gọn toàn bộ Hoàng Sa vào năm 1974.”

Với lợi thế của hai thập niên về lịch sử, bây giờ có thể thẩm định được những hành động của chính quyền miền Nam với một nhãn quan công minh hơn. Trong cái phúc lợi của việc hàn gắn vết thương chiến tranh, nếu không phải vì những chuyện khác, có lẽ điều khôn ngoan cho Hà Nội là nên xem xét lại quá khứ và trả lại cho Cesar những gì thuộc về Cesar. Và sự chống đỡ mãnh liệt của chính quyền Sài Gòn để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, đúng vào cái lúc mà chế độ Hà Nội đang bận rộn ve vuốt để nhận đặc ân từ Trung Quốc, là một hành động xuất sắc nên được công nhận.

Hồ Chí Minh đã có một lần được hỏi rằng ông ta ủng hộ Liên Sô hay ủng hộ Trung Quốc Ông ta đã trả lời rằng ông ta ủng hộ Việt Nam. Bây giờ là lúc để chế độ Hà Nội nhìn nhận rằng đã có lúc khi mà chính quyền Sài Gòn đã ủng hộ cho Việt Nam nhiều hơn là chính quyền của miền Bắc.

2) Ðằng sau những tuyên bố về chủ quyền trên hai quần đảo

Những gì đã xảy ra sau khi Hồ Chí Minh được quân đội của Mao Trạch Ðông và các đồng chí giúp nắm giữ quyền lực tại miền Bắc Việt Nam.

Việt Nam tuyên bố chủ quyền trên “quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” dựa trên các tài liệu xưa cũ và đặc biệt là tập bút ký “Phủ Biên Tập Lục” của Lê Quý Ðôn. Việt Nam gọi hai quần đảo này là Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratlys); Trung Quốc gọi là Tây Sa (Xisha) và Nam Sa (Nansha). Người Việt Nam đã đụng độ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa vào ngày 19/1/1974 với kết qủa là một tàu lớn của Hải quân miền Nam cũ bị đắm và 40 thuỷ thủ bị bắt. Vào tháng 3/1988 nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa lại đến và đánh chìm 3 tàu của Việt Nam, 72 thuỷ thủ bị thiệt mạng và 9 bị bắt. Vào ngày 25/2/1992, nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ.

Lý do chính để Trung Quốc làm như thế đã được biết đến trước đây như một phần của kế hoạch gọi là “Không gian sinh tồn”, bởi vì tài nguyên thiên nhiên của hai vùng Mãn Châu và Tân Cương sẽ bị cạn kiệt sớm. Ðể làm điều này, Trung Quốc bắt đầu bằng phần dễ nhất – là cái mà cộng sản Việt Nam đã hứa trước đây. Có nghĩa là Trung Quốc căn cứ vào một sự thương lượng bí mật trong qúa khứ. Trong một bản tin của hãng thông tấn Reuters ngày 30/12/1993, thì cộng sản Việt Nam đã bác bỏ sự thương lượng bí mật này nhưng không đưa ra bất cứ lời giải thích nào. Lê Ðức Anh đi thăm Trung Quốc và làm chậm trễ vụ tranh chấp này đến 50 năm. Có phải là Trung Quốc có thái độ vì sự vô ơn và những hứa hẹn trong quá khứ của Lê Ðức Anh?

3) Cộng Sản Việt Nam bán Quần Đảo Hoàng sa và Trường sa, nhưng bây giờ muốn nói không.

Theo tài liệu "Chủ quyền tuyệt đối của Trung Quốc trên quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa" của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (Beijing Review, 18/2/1980), thì Hà Nội đã "dàn xếp" vấn đề này trong quá khứ. Đại khái họ đã bảo rằng:

- Hồi tháng 6 năm 1956, hai năm sau ngày chính phủ của ông Hồ Chí Minh đã được tái lập tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Việt Ung Văn Khiêm nói với Li Zhimin, Xử lý Thường vụ Toà Đại Sứ Trung quốc tại Bắc Việt, rằng "theo những dữ kiện của Việt nam, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là môt bô phận lịch sử của lãnh thổ Trung quốc".

- Ngày 4 tháng 9 năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố bề rộng của lãnh hải Trung Quốc là mười hai hải lý, được áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, "bao gồm ... Quần Đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa ...". Mười ngày sau đó, Phạm Văn Đồng đã ghi rõ trong bản công hàm gởi cho Chu An Lai, rằng "Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa về vấn đề lãnh hải".

Ðây là của văn bản của nhà nước Việt Nam do Phạm Văn Ðồng ký gởi cho Chu Ân Lai vào ngày 14/9/1958 để ủng hộ cho lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc như theo sau:

Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ:

Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố , ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.

Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa trên mặt bể.

Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.

Hà-nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958

PHẠM VĂN ĐỒNG
Thủ tướng Chính Phủ
Nước Việt-nam Dân chủ Cộng Hòa

Thêm một điều cần ghi nhận là Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa (PRC) đã chỉ đe dọa những lãnh thổ mà Việt Nam đã tuyên bố là của mình, và để yên cho các nước khác. Rõ ràng là ông Hồ Chí Minh qua Phạm Văn Đồng, đã tặng cho Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa "một cái bánh bao lớn" bởi vì lúc đó ông Hồ Chí Minh đang chuẩn bị cho công cuộc xâm lăng miền Nam Việt Nam. Ông Hồ cần sự viện trợ khổng lồ và đã nhắm mắt để nhận tất cả những điều kiện của Bắc Kinh. Đối với ông ta, việc bán "trên giấy tờ" hai quần đảo lúc đó vẫn thuộc về miền Nam Việt Nam là một điều dễ dàng.

Vì sự việc này mà Cộng sản Việt Nam đã chờ một buổi họp của các quốc gia khối ASEAN tại Manila, để dùng cơ hội này như một cái phao an toàn và ký ngay một văn kiện đòi hỏi những quốc gia này giúp Việt Nam giải quyết vấn đề "một cách công bình"

Về phía Trung Quốc, sau khi đã lấy được những đảo của Cộng sản Việt Nam, họ đã tỏ thái độ ôn hòa đối với Mã Lai Á và Phi Luật Tân, và bảo rằng Trung Quốc sẵn sàng thương lượng các khu vực tài nguyên với các quốc gia này, và gạt Việt Nam qua một bên. Trung Quốc đã nói họ sẽ không tán thành bất cứ quốc gia nào can thiệp vào vấn đề giữa họ và Cộng sản Việt Nam.

Sau đó, Phạm Văn Đồng đã chối bỏ việc làm sai lầm của ông ta trong quá khứ, trong một ấn bản của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông ngày 16/3/1979. Đại khái, ông ấy nói lý do mà ông ấy đã làm bởi vì lúc đó là "thời kỳ chiến tranh". Đây là một đoạn văn trích từ bài báo này ở trang số 11:

Theo ông Li (Phó Thủ tướng Trung quốc Li Xiannian), Trung quốc đã sẵn sàng chia chác vùng vịnh "mỗi bên một nửa" với Việt Nam, nhưng trên bàn thương lượng, Hà Nội đã vẽ đường kiểm soát của Việt Nam đến gần Đảo Hải Nam. Ông Li cũng đã nói rằng vào năm 1956 (hay 1958 ?), Thủ tướng Việt Nam Phạm văn Đồng đã ủng hộ một bản tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền của họ trên Quần Đảo Trường Sa Và Hoàng Sa, nhưng từ cuối năm 1975, Việt Nam đã kiểm soát một phần của nhóm đảo Trường Sa - nhóm đảo Hoàng Sa thì đã nằm dưới sự kiểm soát bởi Trung Quốc. Năm 1977, theo lời tường thuật thì ông Đồng đã biện hộ cho lập trường của ông ấy hồi năm 1956: "Lúc đó là thời kỳ chiến tranh và tôi đã phải nói như vậy".

Vì hăng hái muốn tạo ra một cuộc chiến thê thảm cho cả hai miền Nam Bắc, và góp phần vào phong trào quốc tế cộng sản, ông Hồ Chí Minh đã hứa, mà không có sự tự trọng, một phần đất "tương lai" để cho Trung Quốc nắm lấy, mà không biết chắc chắn là có thể nào sẽ nuốt được miền Nam Việt Nam hay không.

Như ông Đồng đã nói, "Lúc đó là thời kỳ chiến tranh và tôi đã phải nói như vậy". Vậy thì ai đã tạo ra cuộc chiến Việt Nam và sẵn sàng làm tất cả mọi sự có thể làm được để chiếm miền Nam, ngay cả việc bán đất ? Bán đất trong thời chiến và khi cuộc chiến đã chấm dứt, Phạm Văn Đồng lại chối bỏ điều đó bằng cách bịa đặt ra việc đổ thừa cho chiến tranh.

4) Trong cuốn “Vấn đề tranh chấp lãnh thổ Hoa -Việt” của Pao-min-Chang thuộc tủ sách The Washington Papers, do Douglas Pike viết lời nói đầu, được Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế thuộc Ðại học Georgetown , Washington D.C. xuất bản

Ngoài cái khoảng cách về địa lý, cả hai nhóm quần đảo này nằm ngoài phía bờ biển của miền Nam Việt Nam và vẫn dưới sự quản lý hành chánh của chế độ Sài Gòn vốn không thân thiện gì. Hà Nội đơn giản là không ở trong cái tư thế để đặt vấn đề với cả Trung Quốc lẫn sức mạnh của hải quân Mỹ cùng một lúc. Do đó, vào ngày 15/6/1956, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã nóì với phía Trung Quốc: “Từ quan điểm của lịch sử, thì những quần đảo này thuộc về lãnh thổ Trung Quốc” (Beijing Review 30/3/1979, trang 20 – Cũng trong báo Far East Economic Review 16/3/1979, trang 11).

Hồi tháng 9 năm 1958, khi Trung Quốc, trong bản tuyên bố của họ về việc gia tăng bề rộng của lãnh hải của họ đến 12 hải lý, đã xác định rằng quyết định đó áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của Trung Quốc, bao gồm cả Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một lần nữa Hà Nội đã lên tiếng nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc trên 2 quần đảo đó. Ông Phạm Văn Đồng đã ghi nhận trong bản công hàm gởi cho lãnh tụ Trung Quốc Chu An Lai ngày 14/9/1958: "Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc" (xem Beijing Review 19/6/1958, trang 21 -- Beijing Review 25/8/1979, trang 25 -- Sự tồn tại của bản công hàm đó và tất cả nội dung đã được xác nhận tại Việt Nam trong BBC/FE, số 6189, ngày 9/8/1979, trang số 1.)

5) Tại sao ?

Theo ông Carlyle A Thayer, tác giả bài "Sự tái điều chỉnh chiến lược của Việt Nam" trong bộ tài liệu "Trung Quốc như một Sức mạnh Vĩ đại trong vùng Á châu Thái Bình Dương" của Stuart Harris và Gary Klintworth [Melbourne: Longman Cheshire Pty Ltd., forthcoming 1994] :

Phía Việt Nam, trong khi theo đuổi quyền lợi quốc gia, đã thực hiện nhiều hành động mà theo quan điểm của Trung Quốc thì có vẻ khiêu khích cao độ. Thí dụ như, trong công cuộc đấu tranh trường kỳ dành độc lập, Việt Nam đã không biểu lộ sự chống đối công khai nào khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của họ trên biển Nam Trung Hoa và đúng ra lại tán thành họ. Nhưng sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã đổi ngược lập trường. Năm 1975, Việt Nam đã chiếm đóng một số hải đảo trong quần đảo Trường Sa và sau đó đã tiến hành việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên toàn bộ biển Nam Trung Hoa.

Như Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã thú nhận:

"Các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã có tuyên bố lúc trước về Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên tinh thần sau: Lúc đó, theo Hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương, các lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 về phía nam, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền miền Nam. Hơn nữa, Việt Nam đã phải tập trung tất cả các lực lượng quân sự cho mục tiêu cao nhất để chống lại cuộc chiến tranh hung hãn của Mỹ, nhằm bảo vệ nền độc lập quốc gia. Việt Nam đã phải kêu gọi sự ủng hộ của bè bạn trên toàn thế giới. Đồng thời, tình hữu nghị Hoa-Việt rất thân cận và hai nước tin tưởng lẫn nhau. Trung Quốc đã cho Việt Nam một sự ủng hộ rất vĩ đại và giúp đỡ vô giá. Trong tinh thần đó và bắt nguồn từ những đòi hỏi khẩn cấp nêu trên, tuyên bố của các nhà lãnh đạo của chúng tôi [ủng hộ Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền của họ trên Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa] là cần thiết vì nó trực tiếp phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và tự do cho tổ quốc.”

Đặc biệt thêm nữa là cái tuyên bố đó để nhắm vào việc đạt yêu cầu cho những nhu cầu cấp thiết vào lúc bấy giờ để ngăn ngừa bọn tư bản Mỹ dùng những hải đảo này để tấn công chúng tôi. Nó không có dính dáng gì đến nền tảng lịch sử và pháp lý trong chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa Và Trường Sa" (Tuyên bố trong một buổi họp báo tại Hà Nội ngày 2/12/1992, được loan tải bởi Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 3/12/1992)

Những ghi nhận này cho thấy rằng tất cả những điều mà Trung Quốc đã tố cáo phía trên là sự thật. Những gì xảy ra ngày hôm nay mà có liên hệ đến hai quần đảo này chỉ là những hậu quả của sự dàn xếp mờ ám của hai người cộng sản anh em trong qúa khứ.

Không một ai trong cộng đồng thế giới muốn bước vào để dàn xếp sự bất đồng giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Lý do rất rõ ràng: cái công hàm ngoại giao và sự nhìn nhận của Cộng sản Việt Nam không thể nào xoá bỏ được bởi một nước nhỏ như Việt Nam, kẻ đã muốn chơi đểu để lừa dối Trung Quốc. Hơn nữa, Cộng sản Việt Nam không thể nào tránh được Trung Quốc trong khi họ phải bắt chước theo chính sách "đổi mới" của Trung Quốc để tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Lược dịch từ: Paracels Islands Dispute by Frank Ching (Far Eastern Economic Review, Feb. 10, 1994)

No comments:

Post a Comment