Thursday, January 1, 2009

Một phần sự sự thật của Nguyễn Thanh Giang

(Lấy từ: http://hon-viet.co.uk/HoangTien_LaThuguiACEDanChuVaNTGiang.htm)

LTS.- Kính thưa qúy độc giả, chúng tôi vừa nhận được bức "Thư gửi Anh Chị Em Dân Chủ và ông Nguyễn Thanh Giang" do một độc giả chuyển tới. Đúng như lời vị độc giả này ghí chú: Với bức thư này chỉ mới nêu được một phần sự thật về Nguyễn Thah Giang mà thôi. Kính mời quý vị cùng theo dõi.

Trân trọng,
Hồn Việt UK Online
-------------
    THƯ GỬI ANH CHỊ EM DÂN CHỦ VÀ ÔNG NGUYỄN THANH GIANG
Nhà văn Hoàng Tiến

Tôi đang tập trung hoàn thành cuốn tiểu thuyết viết dở, vì thời gian đi Văn Điển đối với tôi không còn nhiều, sang năm là 77 tuổi rồi, nhưng thấy trong anh chị em có những lộn xộn với nhau gần đây, không thể làm ngơ được, đành phải bỏ thời gian viết lá thư này.

Ai cũng biết bộ máy an ninh của nhà nước cộng sản thật lắm mưu nhiều kế đánh phá phong trào dân chủ nước ta. Công an cài cắm người vào hàng ngũ dân chủ, sử dụng những kẻ đầu hàng, những kẻ sống hai mặt, những kẻ hám danh hám lợi, và viết bài chọc phá, ly gián, vu khống, bôi nhọ, thôi thì đủ kiểu …

Cho nên anh chị em cần hết sức đề cao cảnh giác. Một việc phải làm là đấu tranh cảnh tỉnh với nhau, không để vàng thau lẫn lộn.

Trước đây tôi đã từng viết bài bóc mẻ ông Nguyền Thanh Giang để cảnh tỉnh mọi người. Sự việc đó cách nay đã lâu.

Gần đây, trong đám tang và sau đám tang cụ Hoàng Minh Chính, ông Giang đã lại làm nhiều điều không phải, có hại cho phong trào. Nghe đồn tôi định viết bài phê phán, ông Hồng Hà có nhờ người đến nói với tôi, can rằng không nên, cụ Chính vừa mới mất. Nể lời ông Hồng Hà, và cũng ngại mất thời gian làm loãng mạch tiểu thuyết, tôi đã không viết. Nhờ nói lại với ông Hồng Hà tôi chưa viết, chứ không phải là không viết, mong ông Giang thức tỉnh đừng phạm sai lầm nữa.

Vừa rồi ông Giang bị công an khám nhà và bắt lên thẩm vấn ít ngày, ồn ào lên những chuyện ông Giang trả lời phỏng vấn nước ngoài, rồi thư ông Giang cấp báo, rồi thư ông Giang giải bày. Trong đó có đoạn đụng đến tôi. Trích dẫn:

"Có chuỵện đau lòng là do một "nhà dân chủ" trước đây từng thì thào với nhà văn Dương Thu Hương, gần đây ông ta càng tích cực tuyên truyền rằng tôi là người của công an cài cắm nên không những anh em nghi ngại không tham khảo, bàn bạc gì với tôi mà khi đã làm xong, tôi hỏi, anh em vẫn chối, vẫn nói dối tôi". (Thư giải bày ngày 14 – 12 – 2008)

"Nhà dân chủ" trong nháy nháy tức là nói đến tôi, không ai khác. Ông Giang không dám đàng hoàng nêu tên, nhưng ai đọc cũng biết. Thế là ông Giang đã khiêu khích trước, đã rút gươm trước, đã nổ súng trước.

Vậy thì, xin lỗi anh Hồng Hà, tôi không thể nghe lời anh được nữa. Tôi phải bóc mẽ ông Giang lần 2. Chính vì cân nhắc lợi và hại cho phong trào dân chủ mà phải phê phán, bạch hóa ông Giang ra trước dư luận. Đâu phải vì ghen tức cá nhân, như ông Giang thường rêu rao kết tội người khác để bịt miệng người ta. Mà khổ, tôi làm văn chương chứ tôi đâu có hám danh chính trị muốn làm ngọn cờ, hay nhà dân chủ hàng đầu số 1. Vả lại, dù tôi có thù ghét ông Giang đến đâu đi nữa, nhưng ông Giang không sai trái, thì làm sao phê phán được ông ta.

Vậy, mong ông Giang hãy trả lời những câu hỏi sau đây xung quanh đám tang cụ Chính.

1. Cụ Chính mất, theo di chúc dặn lại vợ con: không nhờ bất cứ tổ chức nào của Đảng và Nhà nước lo tang, gia đình tự lo liệu lấy. Biết thế rồi, nhưng ông Giang cứ đến góp ý, thúc ép gia đình đi gặp công an, nên nghe lời công an, để chính quyền phường cùng Viện Triết lo tang ma. Chủ yếu công an muốn kiểm soát bài điếu văn, và muốn chủ động nắm khâu tổ chức. Khi đã chuyển thi hài cụ Chính từ nhà lạnh bệnh viện Việt Xô (bệnh viện cán bộ cao cấp) đến nhà lạnh bệnh viện Thanh Nhàn (bệnh viện dân thường), vẫn còn bị ông Giang và một đại tá công an đến thuyết phục gia đình cho chuyển thi hài về lại Việt Xô, và gợi ý cho làm tang lễ ở số 5 Trần Thánh Tôn (nhà tang lễ đẹp nhất Hà Nôi, của quân đội). Thúc ép đến mức cháu Hà, con gái trưởng cụ Chính, phải ứa nước mắt kêu lên: "Bố tôi đâu có tội tình gì, mà cứ phải kéo lê cái xác trở đi trở lại trên đường phố như thế". Họ mới để yên.

Xin hỏi, tại sao ông Giang lại làm như thế? Hãy trả lời cho mọi người rõ.

Xin nói thêm, khi dư luận chê trách ông Giang nhiều, ông ta né tránh, bằng cách đổ lỗi bị ông Hồng Hà xui.

2. Cụ Chính hấp hối mê man, ông Giang mạo viết lời cụ Chính di chúc lại người thay thế lãnh đạo Đảng Dân Chủ. Người đó là ai? Là ông lính già Vũ Cao Quận ở Hải Phòng, một người không phải đảng viên Đảng Dân Chủ, nhiều tuổi, ốm đau hom hem, bạn thân ông Giang. Các con cụ Chính phản đối, cảnh giác không cho ông Giang đến gần cụ Chính hấp hối. Lỡ ra ông này lấy được chữ ký của cụ, rồi đưa lên mạng thì thật rách việc. Bà Chính nghe tin, tưởng ông Giang đưa lên mạng, liền gọi điện mắng ông Giang một trận. Ông Giang thanh minh chưa đưa lên, cũng chưa lấy được chữ ký.

Xin hỏi ông Giang, thực tâm ông muốn gì qua cái trò giả mạo di chúc cụ Chính? Thành một trò cười thiên hạ chăng ? Bêu với đời cụ Chính lẩm cẩm tâm thần chăng? Ông tính thu được lãi gì trong trò chơi giả mạo di chúc này? Đúng như cụ Chính sinh thời đã nhận định, ông là một kiểu người nguy hiểm. (Cụ Chính nói bằng tiếng Pháp với tôi: un type dangereux)

3. Thời gian gia đình cụ Chính chuẩn bị tang ma, ông Giang trả lời phỏng vấn nước ngoài, là các cháu chúng nó chịu nghe tôi chia tro cốt cụ Chính làm 3 phần: một phần để ở nghĩa trang Thanh Tước, một phần rắc xuống sông Hồng và một phần rắc núi Ba Vì. Làm như ông Giang có sáng kiến, lại có uy tín với gia đình cụ Chính lắm.

Sự thực là, cụ Chính di chúc hỏa táng rồi rắc tro lên núi và xuống biển. Hai chỗ thôi. Bà Chính muốn để ở nghĩa trang Thanh Tước, cho con cháu có chỗ hàng năm đến hương khói. Gia đình bàn bạc rồi đi đến kết luận, tro cốt chia làm 3 phần như trên. Khi ông Giang đến nhà thi gia đình thông báo cho kết luận. Thế mà ông Giang trả lời nước ngoài làm như là sáng kiến của mình. Tại sao ông Giang phải dối lừa bên ngoài như thế? Mong ông trả lời cho mọi người rõ.

4. Anh chị em dân chủ đều biết, ông Giang đối với cụ Chính lúc còn sống chẳng ra cái gì. Nói xấu cụ ở nhiều nơi, dùng cả những lời thô bỉ, tục tằn, hạ tiện, vô văn hóa. Kể nhiều lần, kể với nhiều người, muốn qua họ sang tới tai cụ Chính, để cụ đang ốm nặng sẽ uất lên mà chết sớm. Cái tâm độc ác của ông Giang chúng tôi đã nhận ra, mà cụ Chính cũng nhận ra.

Hiện còn tang chững bằng giấy trắng mực đen ông Giang đã sỉ nhục cụ Chính trong lá thư gửi ra nước ngoài đầu đề: "Thưa các anh …." viết ngày 10 – 11 – 2005, ký tên Nguyễn Thanh Giang. Thưa các anh … là gửi cho các anh hải ngoại, như anh Nguyễn Gia Kiểng bên Pháp, đại ca của ông Giang, chứ không phải anh em trong nước đâu. Trích dẫn:

"Ở Hoàng Minh Chính chỉ có lòng ham mê quyền lực mù quáng và máu phản kháng cuồng dại. Ông không có tư chất dân chủ và tính cách chính khách mà nhiều khi rất vô chính trị. Ông sẽ là người độc tài độc đoán hơn cả những lãnh đạo cộng sản hiện nay nếu có quyền. Ông ta rất bộp chộp, rất hám quyền thế và nhiều khi nói dối nói điêu. Tôi biết HMC đã "chơi xỏ" tôi rất tệ hại nhưng tôi vẫn âm thầm chịu đựng suốt mấy năm trời ..v.v…"

Ấy thế mà trong đám tang cụ Chính, ông Giang lại xăng xái chạy đông chạy tây, trình diễn cho mọi người nhìn vào tưởng như ông là người thân tín của cụ Chính, có tình nghĩa với cụ Chính lắm. Ông Giang có mặt ở nhà tang lễ Thanh Nhàn, ông Giang xuống Văn Điển dự lễ hỏa táng, ông Giang có mặt cả hôm đưa tro cốt cụ Chính sang nghĩa trang Thanh Tước – Vĩnh Phúc trời giá rét mưa phùn.

Xin hỏi, ông Giang làm như vậy nhằm mục đích gì ? Ông hối hận vì đã đối xử không phải với cụ Chính chăng? Ông có lòng sám hối chăng? Được thế thì tốt quá! Nhưng …. (câu hỏi thứ 5)

5. Dự lễ cúng 35 ngày cụ Chính tại 26 ngõ Lý Thường Kiệt, Hà Nội, có ông Giang và nhiều người khác. Ăn cỗ xong, mỗi người còn mang phần lộc về nhà. Nếu ông Giang có lòng sám hối thật với cụ Chính thì mừng cho ông ta và cho cả phong trào dân chủ. Nhưng nghe anh chị em kể, ông Giang về nhà lại gọi cụ Chính là lão ấy, thằng ấy …. mặc dù cụ Chính đã mất, lại vừa ăn 35 ngày ở nhà người ta. Thế là thế nào? Ông Giang hãy trả lời. Điều này tuy nhỏ, nhưng nó thuộc phạm vi nhân cách con người. Nhất là con người thường xưng danh tiến sĩ kiêm viện sĩ viện hàn lâm khoa học New York. Đến lễ cúng 100 ngày cụ Chính, ông Giang không dám đi dự nữa, mặc dù bà Chính có mời.

6. Cụ Chính mất đúng mồng 1 tết Mậu Tý, phải quàn ở nhà lạnh đến mồng 10 tết mới đưa đám. Mồng 6 tết, ông Giang tổ chức hội họp anh em dân chủ tại nhà, chúc tết nhau nâng cốc đầu năm.

Cụ Chính được coi là ngọn cờ phong trào dân chủ. Nếu tỏ lòng kính trọng cụ, phải lùi các cuộc hội họp nhậu nhẹt sau mồng 10 chứ. Đưa ma cụ Chính xong rồi, có hội họp nhậu nhẹt thì ai nói gì. Như thế nó hợp đạo lý người Việt Nam hơn. Tình người với người ấm áp hơn.

Việc họp mồng 6 tết ở nhà ông Giang, khiến ai biết chuyện cũng phải đi đến một kết luận: ông Giang muốn tập hợp lực lượng. Muốn đề cao mình. Muốn làm thủ lĩnh phong trào.

Nếu không như thế thì là cái gì ?

Bào chữa là đã chót hẹn nhau trước tết rồi, không thể thay đổi, là ngụy biện. Sao không nghĩ sâu một chút, cụ Chính còn nằm đấy mà anh em dân chủ đã nâng cốc họp đầu năm nhậu nhẹt, cũng có nghĩa là ăn mừng cái chết của cụ Chính đấy. Nghe đâu chỉ có mươi người đến dự.

Ông Giang trả lời như thế nào đây ?

7. Tập san Tự do Dân chủ cũng đã loan báo họp chúc tết đầu năm do anh Nguyễn Khắc Toàn tổ chức. Nhưng vì cụ Chính nằm xuống, phải hoãn lại, sau khi tang ma xong mới họp.Thế là có tình với người đứng đầu phong trào. Thế là hợp đạo lý làm người.

Cuộc họp được đông người tham dự. Hơn 60 người.

Công an cản trở không cho họp. Một số người ra về. Số còn lại kéo nhau đến một nhà hàng khác nâng cốc đầu năm. Khoảng 30 người.

Ông Giang khi được báo tin, ghen tức, giận dữ nói: "Nếu tao là chính phủ sẽ đập chết bọn trẻ ranh này đi, chứ không chỉ trấn áp như công an vừa rồi đâu."

Việc này nhà báo Dương Thị Xuân đã tường thuật đưa lên mạng hồi đầu năm.

Ông Giang trả lời thế nào đây?

8. Dư luận hiện nay đánh giá, hai nhà dân chủ đấu tranh hăng hái nhất, và cũng bị công an bao vây đàn áp mạnh mẽ nhất, là ông Đỗ Nam Hải ở Sài gòn và ông Nguyễn Khắc Toàn ở Hà Nội. Có phải ông Giang lo ngại họ nổi hơn ông, mà cho đệ tử viết bài bôi nhọ hai ông trên, và đề cao ông Giang lên tận mây xanh?

Việc bôi nhọ hai nhà dân chủ trên phù hợp với chủ trương của công an đang muốn hạ uy tín hai nhà dân chủ đó. Họ đã làm nhiều cách nhưng không hiệu quả. Người ta có thể nghi ngờ ông Giang và phe cánh tiếp sức phối hợp với công an.

Ông Giang trả lời ra sao?

Bây giờ bàn đến chuyện ông Giang bị khám nhà và bắt lên thẩm vấn vừa rồi.

Ông Giang gửi email lên mạng thông báo: "Ngày 26-11-2008. Sáng nay đông đảo công an đến bao vây và lục soát nghiêm nhặt nhà của nhân vật bất đồng chính kiến hàng đầu ở Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Photo courtesy nguyenthanhgiang.com. Nguyễn Thanh Giang"

Ông Giang trả lời phỏng vấn nước ngoài đài RFA rất hùng dũng, hiên ngang, tỏ ra khí phách của nhân vật bất đồng chính kiến hàng đầu ở Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. (cụm từ ông Giang dùng). Trích dẫn:

"Còn tôi thì tôi không sợ ra tòa. Tôi mà đã ra tòa thì tôi sẽ nói thẳng thừng. Trước đây tôi chỉ mới nói 6-7, còn trước tòa thì tôi sẽ nói tất cả 9-10. Đối với tôi, với tuổi của tôi, thì 3 năm tù hay chung thân hay tử hình là một. Không có gì quan ngại cả. Nếu họ điên khùng đến mức xử tử hình hay chung thân tôi thì tức là ngay sau đó, đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải trả giá bằng sự sụp đổ". (Trả lời phóng viên Thanh Quang đài RFA – Bangkok ngày 26-11-2008).

Cuộc trả lời phỏng vấn thứ hai, cũng với RFA. Trích dẫn:

"Tôi già rồi, đã ngoài 70 tuổi. Tôi mà ra tòa, thì tôi sẽ tụt quần ra, chơi nhau với họ. Và tất cả những gì sai trái, bậy bạ của họ đối với đất nước, đối với dân tộc, với tôi, sẽ được công bố cho toàn thế giới biết". (Thanh Quang phóng viên RFA ngày 4-12-2008).

Nghe rất oai hùng, khí phách, hiên ngang, tuy có pha giọng điệu đầu gấu phố chợ một tý.

Ấy thế mà, mới chỉ vài ngày bị thẩm vấn, ông Giang đã phải viết thư cấp báo, SOS với quốc tế, giọng điệu chuyển đổi hẳn:

"Lần khám nhà, tịch thu tài sản hôm 26 tháng 11 vừa qua và tiếp sau đó là cuộc tra vấn kéo dài đã làm tôi như con giun bị dày xéo dã man, không thể không quằn lên đến mức có nguy cơ sẽ bị bức tử. Trước thực trạng hiểm nghèo này tôi cầu xin các quý vị…" (Thư cấp báo ngày 8-12-2008)

Mới trước đó 4 hôm còn oai phong lẫm liệt thế, còn thách đố công an, thách đố chính quyền, mà sau có 4 hôm thẩm vấn đã tự ví mình như con giun, lo sợ bị bức tử, ngỏ lời cầu xin quý vị.

Đúng như các cụ ta dạy: "Khôn ba năm, dại một giờ".

Ông Giang cầu xin gì? Cầu xin được gặp mặt các quý vị tại nhà riêng hoặc trong nhà tù để trình bày sự thực.

Ta phải hiểu quý vị ở đây là ai? Chắc chắn không phải các quý vị quốc tế như trong thư gửi. Vì ai cho ông Giang xuất cảnh lúc này, mà xin tới nhà riêng người ta để giải bày. Quý vị ở đây không ai khác là các ông công an chỉ đạo điều tra, là các cán bộ chính quyền có cương vị phán quyết. Ông Giang quá hoảng loạn nên cầu xin lẫn lộn cả.

Lá thư giải bày tiếp theo ngày 14-12-2008 của ông Giang gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội …, chỉ thanh minh thanh nga dài dòng, kể lể công trạng đóng góp với cách mạng, không có lấy một câu nào dám phản đối cả.

Hành động của ông Giang tự bôi nhọ ông ta. Ông Giang đã tự đốt cháy tên tuổi và hình ảnh ông ta trong email gửi lên mạng: nhân vật bất đồng chính kiến hàng đầu ở Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang.

Thôi thì, ông Giang đã hạ mình cầu xin đến như vậy, thiết nghĩ công an cũng chẳng nên mạnh tay với ông ta làm gì nữa. Tha cho làm phúc.

Sự việc này làm tôi liên tưởng tới một câu nói của ông nghệ sĩ hát rong Béranger của nhân dân Pháp trong cuộc Cách mạng 1789: "Nhìn những người dũng cảm chết còn dễ chịu hơn thấy những kẻ hèn nhát ăn mày cái sống".

Vụ việc ông Nguyễn Thanh Giang là một bài học rất cần thiết cho anh chị em dân chủ mổ xẻ rút kinh nghiệm.

Bây giờ nói đến danh hiệu tiến sĩ và viện sĩ Nguyễn Thanh Giang.

Trước mắt tôi là tạp chí Diễn Đàn số 88 tháng 9 năm 1999 của hải ngoại giải thích về Hội Hàn lâm Khoa học New York như sau:

"Tên tiếng Anh của Hội này là New York Academy of Science (NYAS). Địa chỉ: 2 Enst 63 Street, New York, NY 10021, Hoa Kỳ, diện thoại 221.838.0230. Ai cũng có thể ghi tên vào hội. Điều kiện duy nhất là phải đóng niên liễm (95 USD cho người ở Mỹ, 115 USD cho người ngoài Mỹ). Dùng thẻ tín dụng có thể ghi tên tức thời qua internet tại địa chỉ www.nyas.org vài tuần sau sẽ nhận được certificate of membership (chứng chỉ hội viên). Trên trang quảng cáo, NYAS cho biết có gần 40.000 hội viên thuộc hơn 100 nước. NYAS hoàn toàn không phải là một viện hàn lâm theo nghĩa cơ quan khoa học của một quốc gia, tiểu bang, hay thành phố, mà chỉ là một hiệp hội tư nhân, nhằm phát huy khoa học, kỹ thuật, giáo dục, với những hoạt động bình thường như tổ chức thuyết trình, triển lãm, xuất bản.

Tóm lại, hội NYAS và việc gia nhập (hay không gia nhập) hội là sự việc bình thường, không có gì đáng nói. Điều duy nhất cần nói là do cái tên của nó, do thiếu thông tin và do bệnh sính bằng cấp, danh vị, vốn ăn sâu trong não trạng người Việt Nam (hiện nay đang hoành hành nặng nề) nó đã gây ra ngộ nhận, tưởng lầm, và trong vài trường hợp có sự cố ý lập lờ …"

Ông Nguyễn Thanh Giang đóng tiền và được cấp một chứng chỉ hội viên. Chứng chỉ ghi rõ là member (hội viên) chứ không phải Academic (viện sĩ hàn lâm). Ông Giang lập lờ đánh lận khái niệm, tổ chức ăn khao 3 ngày (có mời tôi, nhưng tôi không đến), khắc biển đồng treo trước nhà, in danh thiếp rầm rĩ. Thành câu chuyện đàm tiếu một thời. Anh em góp ý, ông Giang cho là ghen tỵ ông ta. Nói thật mất lòng là thế. Nhưng bây giờ thì biển đồng tháo rồi. Không dám xưng danh viện sĩ viện hàn lâm khoa học New York nữa. Chỉ còn vài người vẫn tung hô viện sĩ, không biết là thành thật hay xỏ lá.

Còn danh hiệu tiến sĩ địa chất Nguyễn Thanh Giang thì sao?


Những năm trước đây muốn có danh hiệu này phải ra nước ngoài tu nghiệp. Các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, nhất là Liên Xô. Liên Xô có Viện Hàn Lâm, người ta mới có thể xét cấp học vị tiến sĩ, lại là ngành địa chất, chỉ có tu nghiệp ở Liên Xô mà thôi. Ông Nguyễn Thanh Giang không đi tu nghiệp ở Liên Xô bao giờ, tiếng Nga không biết. Vậy làm sao có bằng tiến sĩ địa chất được?

Viên sĩ quan trung tá công an Hà Nội tên là Tuấn, người thân quen với ông Giang, nghe tôi giải thích vậy, nói:

- Bác Giang bảo bằng của bác ấy ở Việt Nam cấp. Không phải Liên Xô.

Tôi hỏi:

- Cháu có biết về đề tài gì không? Công trình gì không?

- Bác ấy bảo đề tài về cổ từ, làm công trình ở bên Như Quỳnh, Gia Lâm.

Tôi nói:

- Bác biết chuyện này. Đề tài của nhóm nghiên cứu về cổ từ học bên Gia Lâm, nếu có chỉ là tấm bằng khen thôi, sao có thể trao học vị được.

Tôi giải thích. Vì chúng ta hồi ấy máy móc đo từ trường không có. Nhóm anh em làm khoa học mầy mò ứng dụng cách thức cổ lỗ đo từ trường, mà thiên hạ đã bỏ đi từ lâu rồi. Người ta có nhiều máy móc hiện đại chính xác đến 100%. Nói ví dụ cho dễ hiểu. Như chiếc xe cút kít có từ đời Tần, đời Hán bên Trung Quốc, sau này nhân loại đã làm ôtô, xe lửa, máy bay để chuyên chở. Không ai dùng xe cút kít nữa. Ta trong hoàn cảnh thiếu thốn dùng lại xe cút kít chuyên chở. Có ai điên mà đi cấp bằng tiến sĩ cho chuyện cút kít ấy.

Việt Nam mới cấp bằng tiến sĩ khoảng chục năm nay thôi. Ông Giang lúc ấy về hưu rồi.

Viên trung tá công an vẫn thắc mắc, bác Giang bảo bác ấy được phong đợt đầu tiên mà. Tôi gợi ý, cháu quen ông Giang, cháu bảo ông Giang cho cháu xem bằng tiến sĩ. Ai cấp? Ngày tháng năm cấp? Về đề tài gì? Là cháu biết ngay thôi. Nhưng cháu phải tận mắt nhìn thấy, đừng nghe ông ta nói. Nếu loanh quanh, tức là ông ta không có.

- Cháu đồng ý. Cháu sẽ photo bằng tiến sĩ của ông Giang, đến nhà đưa cho bác.

- Không cần đến nhà bác. Cháu photo đưa cho anh Nguyễn Khắc Toàn là được. Anh Toàn sẽ loan báo anh em dân chủ.

Tôi còn nói, chuyện bằng cấp bên ta nó phức tạp lắm. Bằng thật, bằng giả, bằng thi hộ, bằng xin cho, bắng đôla.. v.v…Tùm lum cả. Báo chí chẳng đưa nhiều tin tiêu cực bằng cấp đấy ư!!! Nếu ông Giang có bằng tiến sĩ về cổ từ học thì phải xét lại tấm bằng tiến sĩ ấy. Chẳng có lẽ việc phong học vị bên ta lại sơ sài, quan liêu đến thế!

Tôi mách thêm với viên sĩ quan, cháu còn một nơi nữa để kiểm tra, tìm đọc cuốn Tiến sĩ Việt Nam hiện đại, hai tập dầy, tác giả Phạm Vĩnh biên soạn, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin tháng 9-2004. Tìm mục địa chất, xem có tên ông Giang hay không? Có gì cho bác biết.

Hơn một tháng nay không có tin đưa lại.

Tôi đã có nhận xét trong một bài viết, tính háo danh của ông Giang mang cách bệnh hoạn.

Ông Giang có thể phản bác lại những điều tôi nêu ra trong bức thư này. Tranh luận dân chủ là cần thiết để đi đến sự thật. Nhưng phải ghi tên tuổi đàng hoàng, tôi chỉ trao đổi những bài ký tên ông Nguyễn Thanh Giang, còn các bài nặc danh, bút danh, chân gỗ, tôi không trả lời.

Với các anh chị em tuổi trẻ, qua vụ việc ông Nguyễn Thanh Giang, tôi muốn nói với anh chị em một điều, hãy cân nhắc kỹ lưỡng khi tham gia dân chủ, vì nó nguy hiểm, có thể bị bắt bớ tù đày. Khi đã vượt qua sự sợ hãi rồi, thì các anh chị em được tự do. Tù đày đâu có sợ. Còn hạnh phúc nào bằng lúc này được tham gia đóng góp vào công cuộc dân chủ hóa nước nhà, để người Việt Nam được hưởng đầy đủ quyền làm dân, quyền làm người, như mọi dân tộc tiên tiến trên thế giới.

Đất thiêng Thăng Long ngày 22-12-2008

Nhà văn Hoàng Tiến.

Địa chỉ: Nhà A11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc – Hà Nội.


No comments:

Post a Comment