Tuesday, January 13, 2009

77, 06, 08 và vân vân - Duyên Lãng Hà Tiến Nhất

Duyên Lãng Hà Tiến Nhất

Thiết nghĩ có nhiều bạn đọc khi xem qua tiêu đề trên sẽ không hiểu gì cả. Vâng đúng vậy, cái tiêu đề chỉ là những con số trần truồng vô nghĩa khiến không thể hiểu được người viết muốn nói gì. Nhưng nếu chúng tôi thêm vào trước các con số chữ “Hiến Chương” (Charter) thì đa số quí vị đều hiểu ra ngay, đó là các Hiến Chương 77 của Tiệp Khắc, Hiến Chương 06 của Việt Nam, và Hiến Chương 08 của Trung Quốc. Các con số đều là những niên kỷ Hiến Chương ra đời. Người viết chỉ có ý gợi tính tò mò một chút mua vui cho bạn đọc, và hơn nữa, rút ngắn cái tiêu đề lại một chút cho khỏi lòng thòng vướng bận.

Chữ Hiến-Chương (HC) trong bài viết được hiểu là một văn kiện xuất phát từ quần chúng nhân dân trong một quốc gia, nêu lên những nguyên tắc căn bản cho việc thay đổi một cơ chế hay một chế độ chính trị và điều hành đất nước làm sao cho tốt và hữu hiệu hơn trước. Hiến Chương khác với Hiến Pháp ở chỗ Hiến Pháp là bộ luật căn bản của quốc gia được quốc hội biểu quyết, còn HC lại xuất phát từ quần chúng. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc khác với định nghĩa này nên không nói đến. Theo định nghĩa trên thì từ trước đến nay đã có nhiều bản HC ra đời trên khắp thế giới. HC 88 tại Anh và HC 97 tại Belarus (Bạch Nga) là những bản HC ít gây được sự chú ý. HC 88 của một nhóm công dân Anh cổ võ thay đổi bầu cử và nhất là thay đổi Hiến Pháp Anh là một loại Hiến Pháp bất thành văn. HC 97 tại Cộng Hòa Belarus (Bạch Nga) là một bản tuyên ngôn đưa ra những nguyên tắc chỉ đạo về quyền độc lập, tự do, và dân chủ, tôn trọng nhân quyền và tình liên đới giữa mọi công dân Belarus. Ba bản HC nêu trên tiêu đề bài viết đều là những bản HC quan trọng đã thu hút rất nhiều sự chú ý của thế giới. Điểm cần nhấn mạnh ở đây là cả ba đều xuất phát từ các nước xã hội chủ nghĩa nhằm mục đích thay đổi chế độ CS. Điều đó chứng tỏ các nước độc tài CS đều là những chế độ không có tự do, dân chủ và nhân quyền là những khát vọng tha thiết nhất của người dân.

Bài viết này sẽ chỉ đề cập đến phần nội dung của các HC 77 và HC 08, còn chủ yếu là trình bầy về HC 06 tại Việt Nam, nội dung và bối cảnh lúc nó ra đời cùng với nhận định của người viết vì nó liên quan đến vận mệnh của đất nước và trực tiếp đến mỗi người Việt Nam chúng ta.

Các Hiến Chương 77 và 08
1. Hiến Chương 77

Tại Tiệp Khắc (Czechoslavia), sự đấu tranh để giải thể chế độ CS trong nước Tiệp xuất hiện dước nhiều hình thức, nhưng một lực lượng nổi bật nhất là một phong trào quần chúng với cái tên là Hiến Chương 77 (charter 77). Phong trào này mang tên của một văn kiện lưu hành trong dân chúng Tiệp vào đầu năm 1977. Khởi đầu nó xuất hiện như một bản Tuyên Ngôn trên một tờ báo ở Đức được ký tên bởi 243 công dân Tiệp thuộc đủ các thành phần dân chúng. Đến giữa thập niên 80 con số chữ ký lên đến 1200. HC 77 chỉ trích nhà cầm quyền CS Tiệp và đòi hỏi phải thực thi những vấn đề về nhân quyền đã ký kết, bao gồm Hiến Pháp Tiệp, luật chung kết về an ninh và hợp tác Âu Châu, các cam kết vói Liên Hiệp Quốc về các quyền chính trị, dân sự, kinh tế và văn hóa. HC 77 nhấn mạnh đây không phải là một tổ chức. Nó không có nội qui, không có cơ quan, và không tự biến thành một tổ chức chính trị đối lập. Điều qui định sau hết là nó cố gắng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của Tiệp Khắc.

Trước những thách thức này, dĩ nhiên chính quyền CS Tiệp phải có phản ứng. Các nhà xuất bản lậu bản HC và nhiều tờ báo ngoại quốc đăng tải bị trừng phạt một cách thô bạo. Báo chí nhà nước mô tả bản tuyên ngôn này như là phản quốc, chống Xã hội Chủ Nghĩa, mị dân, lạm dụng quyền viết lách, và gọi những người ký tên trên bản HC là những kẻ phản bội, tôi tớ và tay sai của đế quốc, bọn chính khách phá sản, những kẻ phiêu lưu quốc tế. Và cũng tất nhiên, những người ký tên đều bị trả thù. Kẻ mất việc và con cái bị đuổi học, người bị thu bằng lái xe, cưỡng bách lưu đầy, mất quyền công dân, bị tù tội, giam cầm và trừng phạt. Ngiều người bị bắt buộc phải cộng tác vói cơ quan an ninh. Tháng 10 – 1979, Sáu nhà lãnh đạo trong nhóm hỗ trợ Hiến Chương trong đó có Váchav Havel bị đưa ra tòa và bị kết án trên 5 năm tù giam về tội lật đổ chính phủ.

Dưói chế độ CS, dân chúng Tiệp ít biết đến HC 77 bì thông tin bị bưng bít. Đa số dân chúng biết được là vì nhà cầm quyền mở các chiến dịch đàn áp. Cuối thập niên 80, khi các chế độ Đông Âu yếu dần, các thành viên của HC 77 thấy nhận thấy cơ hội đã đến và họ mạnh dạn tham gia chống đối tích cực hơn. Người ta gọi là cuộc Cách Mạng Nhung 29-12-1989 (Velvet Revolution) việc chuyển giao quyền hành êm thắm từ CS sang tay người dân Tiệp sau những cuộc biểu tình của sinh viên và dân chúng Tiệp. Không ai chối cãi HC 77 là nguồn cảm hứng và là động lực giải phóng nước Tiệp Khắc khỏi ách thống trị của CS, và đem lại tự do dân chủ và nhân quyền cho nhân dân Tiệp.

2. Hiến Chương 08

Ngày 10/12 là Ngày Quốc tế Nhân quyền. Vào ngày 9/12/08, bản HC 08 được công bố. Nó được ký kết bởi 303 công dân, thuộc thành phần khoa bảng trí thức Trung Quốc cùng với các luật sư, chuyên gia và các nhà hoạt động nhân quyền, những người trong chính quyền lẫn dân sự, không phải chỉ có các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng và giới trí thức khoa bảng, mà có cả các cán bộ trung cấp và thành phần lãnh đạo ở nông thôn.

Theo HC 08 thì rất nhiều cái gọi là tiến bộ chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ có trên giấy tờ. Điều rõ ràng là ở Trung Quốc, có cả một rừng luật nhưng chỉ xài toàn luật rừng; có một hiến pháp, nhưng chế độ lại vi hiến. Đảng cầm quyền tiếp tục đeo bám vào quyền cai trị độc tài của họ, bác bỏ bất cứ đề nghị cải cách chính trị thật sự nào. Hậu quả trực tiếp là nạn tham nhũng hoành hoành, một xã hội vô luật lệ, không có sự bảo vệ thật sự cho nhân quyền, đạo đức bị đổ vỡ, xã hội bị phân chia thành nhiều thái cực, phát triển kinh tế không đồng đều, các môi trường thiên nhiên và văn hoá bị tàn phá thê thảm, thiếu thốn một hệ thống bảo vệ quyền tự do, quyền tư hữu tài sản và quyền mưu cầu hạnh phúc cho người dân. Có nhiều mâu thuẫn xã hội khác nhau ngày càng chồng chất. Sự bất mãn đang dâng lên, lòng oán giận đang thịnh hành cùng với thái độ thù địch giữa cán bộ nhà nước và người dân nhanh chóng gia tăng. Toàn bộ những hiện tượng này chứng tỏ cho thấy xã hội Trung Quốc đang hướng về một triền dốc đầy thảm khốc không kềm chế nổi. Hệ thống chính trị hiện nay đã quá lỗi thời cho nên các biện pháp cải cách quyết liệt vô cùng cần thiết.

HC 08 đòi hỏi nhà cầm quyền Trung cộng phải thực thi các quyền tự do, nhân quyền, bình đẳng, cộng hoà, dân chủ, và hiến trị cho người dân Trung Quốc. Cổ võ cho những thay đổi cơ chế hiện nay tại Trung Quốc như thiết lập một Hiến Pháp mới, phân chia các quyền lập pháp, tư pháp, và hành pháp, bầu cử trực tiếp, và dân chủ, tòa án độc lập, kiểm soát công khai công chức nhà nước, phải có sự bảo đảm nghiêm chỉnh cho nhân quyền và tôn trọng phẩm giá con người, giáo dục cải tạo lao động phải được huỷ bỏ, bầu cử các chức vụ nhà nước, bình đẳng giữa nông thôn và thành thị, tự to thành lập các hội đoàn, tự do hội họp, tự do bày tỏ tư tưởng, tự do tôn giáo, phải huỷ bỏ các môn học và kiểm tra chính trị được đề ra để nhồi sọ tư tưởng của nhà nước vào đầu các học sinh, thiết lập và bảo vệ quyền tư hữu tài sản, và đề xướng ra một hệ thống kinh tế thị trường tự do và công bằng, thiết lập một hệ thống tài chánh công cộng có trách nhiệm theo quy định dân chủ để bảo đảm cho quyền lợi của người đóng thuế được bảo vệ và hoạt động dưới các thủ tục pháp lý, thiết lập một hệ thống an sinh xã hội công bằng và thích ứng để che chở cho tất cả các công dân, cần bảo vệ môi trường thiên nhiên và khuyến khích phát triển, thiết lập Cộng Hoà Liên Bang TH gồm các cộng đồng dân chủ Trung Quốc. Và cuối cùng HC 08 đòi phải hồi phục lại uy tín cho tất cả mọi người kể cả thân nhân của họ, những người đã phải chịu đựng nhiều vết nhơ trong các chiến dịch đàn áp chính trị trong qúa khứ, hoặc những người bị gán cho là thành phần tội phạm vì tư tưởng, lời nói hoặc tín ngưỡng của họ. Nhà nước nên bồi thường cho những người này. Tất cả các tù nhân chính trị và lương tâm phải được trả tự do. Nên có một Uỷ ban Điều tra Sự thật với nhiệm vụ tìm kiếm sự thật và xác định trách nhiệm về những nỗi bất công và hành động tàn bạo trong qúa khứ, duy trì công lý, và trên những căn bản này, tìm kiếm sự hoà giải xã hội.

Sau khi HC 08 được phổ biến, Đảng cộng sản Trung Quốc trở nên hoảng hốt, bằng chứng là một trong những nhân vật ký tên vào bản HC, ông Liu Xiaobo, bị bắt giữ ngay lập tức. Các nhà hoạt động nhân quyền đã ngụ ý cho biết vào ngày 11/12/2008 rằng ông Liu Xiaobo có thể sẽ bị cầm tù rất lâu. Công an đến bao vây nhà ông Yu Jie, một người khác đã ký vào bản Hiến chương. Theo tin tức thì công an tuyên bố rằng ông Yu Jie sẽ bị truy tố về tội "có âm mưu lật đổ nhà nước". Cùng ngày với ông Liu Xiaobo có Học giả Zhang Zuhua cũng đã bị công an Trung Quốc bắt giữ. Ông Zhang Zuhua đã được thả vào ngày 9 tháng 12, còn ông Liu Xiaobo cho đến nay vẫn còn bị giam giữ.

HC 08 của Trung Hoa mới ra đời, còn quá mới mẻ nên chưa biết ảnh hưởng của nó ra sao. Nhưng xét rằng Trung Quốc là một nước lớn nên tầm ảnh hưởng của của bản HC 08 sẽ có một tác dụng không nhỏ đối với tình hình trong nước Tầu và còn vang vọng ra tới bên ngoài nữa. Một điểm nghi ngờ cần đặt thành vấn đề là HC 08 là một văn kiện được soạn thảo rất công phu và tỉ mỉ, nhưng đã không đưa ra được một phương hướng nào trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải đối với VN cũng như vấn đề độc lập của người Tây Tạng. Đối với người Việt chúng ta, HC 08 là của người Tầu. Người Tầu chống CS Tầu thì tốt thôi, nhưng chưa hẳn đã là điều may mắn cho dân tộc VN nếu người Tầu chống cộng vẫn theo đuổi đường lối xâm lược và bành trướng của đảng cộng sản Tầu hiện nay. Do đó người Việt chúng ta cũng cần phải thận trọng và cảnh giác trước bất cứ loại Tầu nào.

Hiến Chương 06 Việt Nam

Xin nói rõ rằng thực tế không có Hiến Chương 06 mà chỉ có Khối 8406 tại VN. Khối 8406 ra đời ngày 8 tháng 4 năm 2006 ở trong nước. Người viết tự đặt cho Khối 8406 cái tên “Hiến Chương 06” vì căn cứ trên hình thức, nội dung cũng như chủ đích của văn kiện thì nó hoàn toàn giống các HC 77 củ người Tiệp và HC 08 của người Trung Hoa. Như đã nói ở trên, trong bài này chúng tôi muốn đi sâu vào HC 06 này hơn vì nó liên quan đến đất nước và vận mệnh của Dân Tộc ta.

1. Bối Cảnh và Sự Ra Đời của Hiến Chương 06 (hayKhối 8406)

Ngày 24-11-2000, Lm Nguyễn Văn Lý chính thức bắt đầu cuộc tranh đấu đòi tự do tôn giáo của ngài tại giáo xứ Nguyệt Biều, Thừa Thiên với tấm biểu ngữ “Tự Do Tôn Giáo hay là Chết”. Nên nhớ rằng vào lúc đó, VGCS đã có chính sách mở cửa với bên ngoài và thả lỏng một chút cho các tôn giáo. Nhân cơ hội mở cửa, một số lớn hàng giáo phẩm CG từ hồng y trở xuống đến các giám mục, linh mục, nữ tu … ào ào đi ngoại quốc vắt sữa bò bổn đạo hải ngoại về để xây nhà thờ, nhà xứ và mua sắm tiện nghi. Hiện tượng này tự nó là sự phủ định sự mất tự do TG tại VN mà Lm Lý nêu lên làm chiêu bài tranh đấu. Hoặc nói khác đi là nó chứng minh VN đang có tự do tôn giáo. Đúng 2 tuần lễ sau, ngày 8-12-2008 Lm Lý gởi thơ kêu gọi Hội Đồng Giám Mục VN yêu cầu lên tiếng đòi TDTG. Lời kêu gọi của ngài bị chìm lỉm vào làn sóng người đi vắt sữa bò không một tiếng dội. Việc các tôn giáo tại VN bị tước đoạt quyền tự do hành đạo là sự thật. Việc cha Lý tranh đấu đòi TDTG là chuyện chính đáng. Nhưng hàng giáo phẩm VN (xin nhấn mạnh một số đông mà không nói toàn thể) đã chọn việc phát triển những vẻ hào nhoáng bên ngoài cho GH của mình hơn là thực thi giáo lý phục vụ Chân Lý và Công Bình xã hội của Phúc Âm. Vì thế công việc của cha Lý bị thất bại và ngài phải vào tù. Nhiều con sâu đã làm rầu nồi canh. GHCGVN đã bị tiếng xấu lây. Đây là sự thể hiện tính ích kỷ, thích phô trương và thiển cận của một số đông hàng giáo sĩ mà trong nhiều giai đoạn lịch sử của GH nó đã bộc phát ra khi gặp được cơ hội.

Tại VN muốn vận động để thay đổi một một chế độ, các đảng phái QG đều đã chứng tỏ họ bất lực và vô dụng. Chỉ có tôn giáo mới làm được chuyện đó. Biến cố 1-11-1963 đã cho Lm Nguyễn Văn Lý kinh nghiệm đó. Nhưng đáng tiếc ngài đã không gặp thời, lại còn bị chính những đồng đạo của mình phản lại. Vì thế ngài thấy cần phải thay đổi phương hướng đấu tranh. Ngày 24-8- 2005 trong khi bị quản thúc tại nhà chung TGP Huế, Lm Lý ra tuyên ngôn “làm sao để thắng sợ hãi” cổ võ quyền tự do ngôn luận. Cuối tháng 10-2005, ngài đi xa hơn nữa qua lời kêu gọi bầu cử quốc hội đa đảng và tẩy chay bầu cử QH độc đảng năm 2007. Và một tuần sau, ngài ra bản tuyên bố đòi hỏi dân chủ cho VN. Và từ đó về sau, Lm Nguyễn Văn Lý công khai kêu gọi, nêu sáng kiến và thúc đẩy các cuộc vận động chính trị làm thay đổi chế độ CS. Nên biết rằng vào thòi gian đó, đảng và nhà nước VGCS cũng đang ra công cố sức vận động để được Hoa Kỳ rút tên VN ra khỏi danh sách CPC và gia nhập WTO. Để đạt các mục tiêu quan trọng đó, VGCS bắt buộc phải làm sao cho thế giới thấy bộ mặt chế độ bớt hắc ám hơn. Chúng thả lỏng hơn một chút cho các sinh hoạt chính trị. Một cơ hội tốt cho các nhà dân chủ cuội cũng như không cuội , các tổ chức đón gió cũng như đấu tranh thật trong cũng như ngoài nước xuất hiện. Hiến Chương 06 tức Khối 8406 do Lm Nguyễn Văn Lý chủ xướng đã ra đời trong cái bối cảnh này. Khối 8406 sau đó đã khai sinh ra các đảng Vì Dân và đảng Thăng Tiến VN. Rồi sau đó nữa, hai đảng Vì Dân và Thăng Tiến VN lại kết hợp lại thành Liên Đảng Lạc Hồng. Mặt khác, cuộc bầu cử Quốc Hội VGCS năm 2007 cũng còn là một động cơ thu hút các nhà hoạt động chính trị và thúc đẩy mạnh mẽ sự xuất hiện của các đảng phái. Người ta không lạ gì khi thấy ngay tại ngoại quốc cũng mọc ra một số đảng phái hoạt động ì xèo vì nghe tin do Mỹ áp lực, VGCS sẽ phải chấp nhận bầu cử đa đảng. Cái mũi đánh hơi (đón gió) của bọn chính khứa chạy rông ở hải ngoại xem ra còn nhậy hơn khứu giác của loại chó săn rất nhiều.

(Còn tiếp kỳ sau: HC 06 nói gì và hiện tình của nó ra sao)

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất


No comments:

Post a Comment