Thanh Thủy
Vấn-đề thống-nhứt các đoàn-thể và Cộng-Đồng ở hải-ngoại để tập-thể Người Việt tị-nạn Cộng-sản đủ mạnh để đương-đầu với bạo-quyền Cộng-sản Hà-nội là điều lý-tưởng mà ai trong chúng ta cũng đều ao-ước mà rất nhiều người, rất nhiều nơi đã ra sức thực-hiện từ gần ba mươi năm qua nhưng vẫn chưa đạt được kết-quả như mong muốn. Điều nầy đã làm thất-vọng nhiều người, trong đó có một số người đã trở nên bi-quan trước vấn-đề thời cuộc và công cuộc tranh-đấu chung của Người Việt Quốc-Gia.
Nhưng nếu nhìn kỹ vào vấn-đề, chúng ta sẽ thấy không có gì phải bi-quan, ngược lại, chúng ta cần phải có những việc làm sao cho thích-ứng với tình-thế. Nếu thành-công được những việc làm thích-ứng với tình-thế là chúng ta sẽ có được những điều-kiện hấp-dẫn để đi tới sự đoàn-kết. Điều nầy tiền-nhân chúng ta đã làm và đi đến những thành-công trong việc chống xăm-lăng của Hai Bà Trưng, của Hội-Nghị Diên-Hồng đời Trần, của Lê-Lợi, của Quang-Trung, v.v…
Công cuộc tranh-đấu để lật đổ bạo-quyền Việt-cộng hiện nay bùng lên sớm hay muộn, thành-công hay không, tất cả đều do đồng bào trong nước. Lực-lượng ở hải-ngoại là Hậu-Phương Yểm-Trợ, vì vây, thật-tế mà nói dù cho một đoàn-thể có đoàn-kết được nội-bộ và lớn mạnh như thế nào đi nữa cũng không thể huy-động được 3 triệu người ở hải ngoại mang vũ-khí về nước kháng-chiến. Trường hợp của Tướng Hoàng-Pao Lào ra sao, mọi người chúng ta đều đã thấy.
Vì lực-lượng hải-ngoại là Hậu-Phương Yểm-Trợ, cho nên nó có vai-trò cụ-thể của nó và nếu làm đúng vai-trò thì công việc tranh-đấu chung tất nhiên sẽ có nhiều thành-quả tốt đẹp. Những trận chiến Việt-Nam vào năm Mậu-Thân 1968, trận-chiến Mùa-Hè năm 1972 hoàn-toàn khác với trận-chiến 1975, sự thành-công hay thất bại, tất cả đều tùy-thuộc vào vấn-đề yểm-trợ. Nói như thế để chúng ta có cái nhìn đúng-đắn hơn hầu tránh những tâm-trạng bi-quan, trái lại, cần phải đặt trúng vấn-đề là làm sao cho việc yểm-trợ đạt được hữu-hiệu.
1. Trước hết là Mặt Trận Quốc Nội: Đồng-bào và những nhà yêu nước trong quốc nội nếu nhận thấy Hậu-Phương Hải-Ngoại sẵn-sàng yểm-trợ họ về mọi mặt thì trong một điều kiện thuận-tiện nào đó, họ sẽ mạnh-dạng đứng lên.
Sự yểm-trợ nầy có 2 điều căn bản là yểm-trợ vật-chất và vận-động dư-luận quốc-tế. Yểm-trợ vật-chất là việc dĩ nhiên, không cần phải nói thêm, nhưng sự vận-động dư-luận quốc-tế cũng quan-trọng không kém vì lỡ cuộc tranh-đấu bị thất-bại, những người bị địch bắt sẽ được chúng ta vận-động dư-luận quốc-tế can-thiệp để bạo-quyền không dám hãm-hại họ. Điều nầy có ảnh-hưởng tâm-lý rất mạnh, sẽ làm cho mọi người tin tưởng và mạnh dạng lâm-trận.
2. Hậu-Phương Hải-Ngoại: Lực-lượng hải-ngoại có nhiệm vụ phải biểu-lộ sẵn sàng 2 công-tác nói trên để nhanh chóng đáp-ứng bất cứ cuộc đột-biến nào trong nước có thể xảy ra vào bất cứ thời-điểm nào. Để thực-hiện điều nầy, một số việc căn-bản mà chúng ta cần lưu-tâm:
a. Vấn-đề kết hợp: Kinh-nghiệm tranh-đấu từ bao nhiêu năm nay, chúng ta thấy rằng, thay vì cố-gắng vận-động một sự kết-hợp hàng dọc rất khó-khăn, có lẽ chúng ta cần phải chọn một sự kết hợp khác, dưới hình-thức kết-hợp hàng ngang vì kết hợp hàng ngang không có gì khó khăn, mọi tổ-chức ngồi chung lại với nhau dưới một hình-thức lỏng-lẻo và bình-đẳng, cùng hợp-tác nhau làm một số công việc chung, chẳng hạn như vụ chống cô Tim, chống Nguyễn-Tấn-Dũng, Nguyễn-Minh-Triết, chống Nghị-Quyết 36, v.v… Sau đó, mọi đoàn-thể trở về với bản-sắc riêng của mình. Điều nầy đúng là tinh-thần hướng-dẫn sinh-hoạt của cố Gs.Nguyễn-Ngọc-Huy: ”Đối với các đoàn thể bạn, những gì cùng đồng ý với nhau thì hợp tác với nhau mà làm, những gì không đồng ý nhau thì việc ai nấy làm, tuyệt-đối không chống-báng nhau”.
Sự kết hợp làm việc như thế dễ có những tiếng nói chung để vận-động cho những vấn-đề quan-trọng, chẳng hạn như vụ Trường-Sa, Hoàng-Sa, vụ Dân-Oan Khiếu-Kiện, vụ Tòa Khâm-Sứ, vụ Giáo-Hội Phật Giáo Việt-Nam Thống-Nhứt, v.v…
Nếu mỗi đoàn-thể Người Việt Quốc-Gia ở hải-ngoại chịu khó nghiên-cứu và thành-lập ra một ủy-ban hay đặc-trách một số cán-bộ chuyên lo việc liên-lạc kết-hợp hàng ngang như thế để cùng nhau phát-huy Chánh-Nghĩa Quốc-Gia, thì việc đoàn-kết chung sẽ có triển-vọng thành-đạt một cách tốt đẹp như mọi người chúng ta đều mong muốn.
Từ lâu, nhiều tổ-chức chỉ mong có sự đoàn kết nội bộ của mình sao cho mạnh để trong sự kết hợp với bên ngoài, dùng sự lớn mạnh của mình để mong có sự kết hợp hàng dọc, có nghĩa là mọi người phải chịu sự lãnh-đạo của mình. Từ ý nghĩ đó mà việc làm của họ vô tình không khác mấy so với hành-động của Hồ-Chí-Minh trong thời kỳ kháng chiến. Cho nên, mọi sự kêu gọi đoàn-kết của họ đều trở thành ảo-vọng. Bởi vậy, từ bấy lâu nay, chúng ta thấy rất lúng-túng trong vấn-đề kêu gọi đoàn-kết, bởi lẽ chúng ta chưa thấy có một vị nào có đủ uy-tín để kêu gọi mọi người ngồi lại với nhau dưới một hệ-thống chỉ-huy hàng dọc. Để có thể giải-tỏa được sự lúng-túng, chúng ta cần phải thoát ra khỏi quan-điểm độc-tôn nầy bằng một sự làm việc theo lế-lối khác hơn, đó là thực-hiện một sự kết hợp hàng ngang. Sự kết-hợp làm việc nầy dễ thành-tựu vì ở đó không ai dẫm chân ai, không ai mặc cảm với ai, quyền hạng ngang nhau để cùng làm việc nước.
Ở Pháp và Âu-Châu có rất nhiều hội-đoàn với những danh xưng rất lớn, nhưng vì không có sự kết hợp hàng ngang, cho nên bà Anh-Đào đã thành-công trong việc gây quỹ cho cô Tim, được biết chỉ có lẻ-loi mấy người quân nhân VNCH đến nơi tổ-chức phát được truyền đơn rồi lặng-lẽ ra về. Ở Liège Bỉ Quốc cũng thế, cuối cùng Ban Tổ-Chức cũng phải treo Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, do đó, Cô Tim không đến, nhưng số tiền gây quỹ đêm đó nếu không giao cho cô Tim thì giao cho ai? Không thấy báo-cáo, chỉ biết một điều là Ban Tổ-Chức có lên tiếng là không muốn bàn đến vấn-đề nầy nữa! Cô Tim ngang ngược như thế mà vẫn móc túi đồng-bào một cách ngon lành, các hội-đoàn cũng vì không có sự kết hợp hàng ngang với nhau một cách chặt-chẻ nên bị thất bại.
Trái lại, ở Mỹ và Úc, mỗi khi bạo-quyền Việt-cộng mở ra bất cứ mặt trận nào, từ mặt trận văn-hóa cho đến mặt trận treo Cờ Đỏ, đều bị tập thể Người Việt Quốc-Gia đoàn-kết nhau đánh bại.
b. Vấn-đề vận-động dư-luận quốc-tế: Nếu có được sự kết hợp hàng ngang như thế, thì tiếng nói chung với nhiều tổ-chức cùng đứng tên sẽ dễ có ảnh-hưỡng đến dư-luận quốc-tế hơn trong vấn-đề vận-động. Những cuộc vận-động chung như thế sẽ có nhiều cơ-hội thành-công hơn và từ đó sẽ tạo hấp-dẫn để Người Việt Hải Ngoại có nhiều thuận-lợi dẫn đến sự đoàn-kết thật sự một khi mặt-trận quốc-nội bắt đầu sôi-động.
3. Kết-Luận: Hậu-Phương Hải-Ngoại dĩ nhiên không phải nhắm mắt để đáp-ứng bất cứ việc gì của quốc nội yêu-cầu, bởi vậy, mỗi tổ-chức, mỗi liên-minh cần phải có tổ-chức của mình trong nước để xác-định cho đúng nhu-cầu, để vô-hiệu-hóa những cạm-bẫy của bạo-quyền và vô-hiệu-hóa những kẻ lợi-dụng thời-cuộc để trục-lợi riêng. Công-tác nầy thuần vế tình-báo, đoàn-thể nào cũng phải chịu trách-nhiệm tuyệt-đối về tổ-chức quốc nội của mình, vì thế nên cần phải có những nghiên-cứu thật kỹ để tránh sự xâm-nhập của kẻ thù.
Thời gian trong năm qua, do phải đối phó với bao nhiêu mặt trận do bạo-quyền giăng ra ở hải ngoại, chúng ta đã có phần quên lãng việc tù-đày của Lê-Thị Công-Nhân, việc bức-bách GHPGVNTN và Hòa Thượng Thích-Quảng-Độ, vụ khủng-bố những người Dân Oan Khiếu-Kiện …. Sự thờ-ơ nầy có ảnh hưởng đến tinh-thần tranh-đấu của một số người thật tâm trong nước vì họ có cảm-tưởng bị bỏ rơi. Đó là điều mà thiết-tưởng chúng ta cần phải lưu-tâm.
Thanh Thủy (02/01/2009)
No comments:
Post a Comment