Thursday, January 15, 2009

Trả lời thư ĐÔNG XUYẾN - Việt Nhân/ Vũ Trọng Khải

Việt Nhân/ Vũ Trọng Khải

Kính thưa Quý Vị,

Cùng Đông Xuyến

Các Nghệ Sĩ trong Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA).

Đọc thư của Đông Xuyến,

Cá nhân tôi cảm nhận được trạng thái tình cảm của Đông Xuyến, một trạng thái ray rứt, pha trộn một chút ân hận,

Cho dù Đông Xuyến có cố tìm cách thanh minh cho một vài "tác phẩm" được trưng bầy trong cuộc triển lãm này, bằng cách dẫn chứng những chú thích về "ý nghĩa của tác phẩm" trên quan điểm của người Nghệ Sĩ sáng tác ra nó.

Nhưng tôi nghĩ, Chính Đông Xuyến và các Nghệ Sĩ cũng hiểu rằng, đứng trước một tác phẩm nghệ thuật nào đó - nói chung cho nhiều hình thái nghệ thuật sáng tác khác nhau - … người thưởng ngoạn có những cách đón nhận tác phẩm khác nhau, cho dù có cùng trình độ thưởng thức, hay cho dù đang đứng cạnh nhau để cùng ngắm nhìn một họa phẩm, chẳng hạn như thế.

Chính người Nhệ Sĩ sáng tác cũng hiểu như thế, nên đã có những chú thích để dẫn giắt người thưởng ngoạn hiểu được ý nghĩa hay dụng ý của tác phẩm, như Đông Xuyến đã dẫn chứng trong thư.

Nhưng khốn nỗi, chính những chú thích, những dẫn giắt đó, cho dù có được viết thật to, gắn cùng với tác phẩm, nhưng chính tác phẩm đó là một biểu tượng khơi dậy những nỗi đau mà cả Đông Xuyến cùng gia đình, cùng cả đồng bào đang ray rứt, nó cũng khó được chấp nhận, nói chi đến những lời chú giải cho tác phẩm chỉ được in với những hàng chữ nho nhỏ trong tờ chương trình, cho dù có đọc được những lời chú giải ấy, thì người thưởng ngọan, trong vị trí của mình, cũng có quyền nghĩ rằng đó cũng là một "dụng ý", một dụng ý khó có thể được chấp nhận.

Tôi không phải là một nghệ nhân, nhưng tôi cũng hiểu được rằng, đối với người nghệ sĩ sáng tác, lẽ dĩ nhiên tôi chỉ muốn nói đến những người Nghệ Sĩ Chân Chính cùng với những tác phẩm được chắt chịu, được ấp ủ, được vắt ra từ trái tim, từ khối óc của mình để dâng hiến cho đời … cũng mong được đời nâng niu đón nhận … Nhưng vạn nhất, tác phẩm ấy không được đón nhận, người nghệ sĩ không nên chỉ đau khổ với thất bại, mà cần phải suy nghiệm, tại sao tác phẩm của mình đã không đươc đón nhận như mong ước.

Trở lại với một vài tác phẩm được trưng bầy trong cuộc triển lãm của VAALA tại Wesminter từ ngày 9 đến 18 tháng 1 năm 2008, được đặt tên là "Nghệ Thuật Lên Tiếng"

Một vài "tác phẩm" được trưng bầy trong phòng triển lãm này đã gây phẫn nộ trong lòng Cộng Đồng người Việt Tỵ Nạn CS tại Hải Ngoại ở khắp nơi không riêng tại Hoa Kỳ.

Trong cái tinh thần, được gọi là độc lập của các các nghệ sĩ trong nhóm VAALA, các nghệ sĩ này cho rằng phản ứng của Đồng Hương là chèn ép vì các nghệ sĩ ấy phạm những điều cấm kỵ …

Tôi xin xác định, trong vị trí cá nhân, các nghệ sĩ ấy đã hoàn toàn sai lầm, cho dù có muôn lời thanh minh …

(Xin được mượn nội dung câu nói của ai đó, xin lỗi là tôi không nhớ tên và đã phát biểu trong trường hợp nào và ở đâu, và chỉ nhớ được đại ý thôi, xin đưa ra để chia sẻ.)

"Nếu bạn đem một chân dung của Hitler, dù được vẽ, tạc, nặn thật đẹp, đat đến trình độ nghệ thuật cao cách nào đi nữa, mà đem triển lãm trong cộng đồng người Do Thái thì đó là một hành động khiêu khích trắng trợn."

Và giờ đây cũng thế, nếu Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn CS có kết án người nghệ sĩ có những tác phâm đó là "có thái độ khiêu khích" cũng không phải là quá khắt khe hay nặng lời, và tôi nghĩ lời kết án đó còn hơi nhẹ.

Chắc Quý Vị hẳn còn nhớ, có một hoạ sĩ nào đó, có một tranh biếm họa Hồi Giáo đăng trên báo, sau vụ nhóm Hồi Gíao Cực Đoan khung bố ở Hoa Kỳ, đã gây căm phẫn trong khối Hồi Giáo như thế nào, và kết quả người hoạ sĩ ấy phải chốn chạy ra sao ?

Thế cho nên, nếu chỉ bị kết án là "có thái độ khiêu khích" không thôi, thì tinh thần Văn Hóa Việt đã quá BAO DUNG và ĐỘ LƯỢNG rồi đó.

Tôi đã viết bài "Nghệt Thuật Lên Tiếng và Nghệ Thuật Bịt Miệng", trong đó có đoạn tôi kêu gọi "hãy gỡ bỏ những tác phẩm được gọi là nghệ thuật đó xuống" thì nay, nơi đây, tôi xin được viết thêm rằng: "hãy gỡ bỏ những tác phẩm được gọi là nghệ thuật đó xuống để những tác phẩm và những nghệ sĩ khác trong cùng phòng triển lãm đó không bị lây những xú uế phát xuất từ những tác phẩm của những nghệ sĩ theo khuynh hướng thứ ba - Một kuynh hướng của "Nghệ Thuật Nô Lệ", nếu không gỡ bỏ được những tác phẩm xú uế đó xuống, thì hãy mang những tác phẩm chân qúy của mình ra khỏi phòng triển lãm đó ngay bay giờ còn kịp để dữ danh thơm cho tác phẩm của mình".

Đông Xuyến,

Như ngay khi mới viết những giòng chữ đầu tiên này, tôi đã trình bầy sự cảm thông của tôi với trạng thái tình cảm hiện nay của Đông Xuyến …

Lòng ray rứt, Đông Xuyến đứng ngồi không yên, tại sao vậy ?

Chính những giòng chữa trong thư của Đông Xuyến đã giãi bầy tâm trạng đó …

Đông Xuyến,ray rứt, ăn năn, hối hận… đứng ngồi không yên bởi lẽ :

"Trong Đông Xuyến vẫn còn tồn đọng lương tri của một người nghệ sĩ chân chính vậy."

Hãy tìm cách thoát ra khỏi trang thái tình cảm đó của ngày hôm nay và mãi mai sau …

Chỉ có một cách duy nhất …

Đông Xuyến nên viết thêm một lá thư nữa, gởi chung cho cả cộng đồng cũng như ban tổ, với nội dung rút tên ra khỏi ban tổ chức để lòng minh được bình yên hơn trong những ngày tới và cho những sáng tác mới.

Xin xác định, tôi chi muốn nói đến việc Đông Xuyến nên rút tên và tác phẩm của minh ra khỏi cuộc triển lãm này mà thôi, tôi không đề nghị Đông Xuyến rút ra khỏi hội VAALA, Vì trong hội này, tôi biết danh nhiều người rất đáng trân trọng và là những người nghệ sĩ chân chính xứng với Văn Hoá Dân Tộc./.

Trân trọng.

Úc Châu, ngày 14 tháng 1 năm 2009
ViệtNhân/ Vũ Trọng Khải

  • CUỘC TRIỂN LÃM VAALA



Đông Xuyến

Kính thưa các bác, các cô chú, và toàn thể qúy vị trong cộng đồng,

Lời đâu tiên, tôi xin cảm ơn tất cả các bác và các cô chú đã hết sức bày tỏ tiếng nói của mình đối với cuộc triễn lãm của hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ (VAALA). Cũng như mọi người trong tinh thần Việt Nam: “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.” Những ngày qua, tôi cũng trằn trọc với những nỗi đau chưa dứt của các bác và các cô chú, đặc biệt là những người đã từng bị đày ải trong lao tù cộng sản, từng chứng kiến những dã man của cộng sản như những gì xảy ra với cha tôi, mẹ tôi, và gia đình tôi, cũng như kinh nghiệm của các cô chú đã từng chia sẻ về những đau thương không tả xiết trong phòng tâm lý với tôi. Bên cạnh là nỗi đau của những người Việt Nam phải bỏ xứ ra đi vì muốn sống trong tự do, nhưng phải trả cái gía qúa đắt là sinh mạng hay trinh tiết hoặc sự nhọc nhằm của chính mình và của người thân. Tôi đã có mặt trong cuộc vượt biên không cùng với gia đình ở tuổi thiếu niên để đến nơi này sau nhiều năm sống dưới chế độ Cộng Sản. Và quan trọng hơn là cái đau của đồng bào chúng ta hiện ở Việt Nam, cái đau mất đất đai phương tiện sinh nhai của gia đình mình, cái đau mất chủ quyền đất nước mà lại bị đàn áp bắt bớ chỉ vì muốn nói lên tiếng nói yêu nước, cái đau vì nhân phẩm bị chà đạp và nhục hình khi tha phương cầu thực ớ xứ người, v.v... Chúng ta có chung những niềm đau của dân tộc.

Trở lại với VAALA, cho sự độc lập của các bạn, điều đầu tiên tôi xin chia xẻ để cộng đồng rõ là tôi không là người tổ chức hay quyết định cho việc lựa chọn các tranh ảnh và triển lãm của VAALA, mặc dù tôi được vào danh sách người cố vấn. Các bạn trong VAALA từ trong hội đồng quản trị và ban tổ chức là những người làm việc độc lập. Tôi không thuộc về cả hai ban này. Trong những ngày qua, tôi có một số ý kiến đề nghị các bạn cân nhắc lại và ý kiến của tôi không phải là ý kiến quyết định. Công việc mà các bạn nhờ tôi là giúp phỏng vấn để tìm hiều về những kinh nghiệm của các bác và các cô chú đã từng trải qua trong chế độ Cộng Sản, để mọi người hiểu rõ hơn lập trường quan điểm chống cộng của các bác và các cô chú này. Mục đích của VAALA là để các bác các cô chú có tiếng nói của mình trong buổi triễn lãm. Có bạn sau khi quay phim đã hiểu rõ hơn tâm tình của thế hệ đi trước mình.

Các bạn trong VAALA cũng đã nghĩ rằng những bức tranh họ triển lãm phần nào phản ánh thực trạng Viêt Nam hôm nay như:

1) ở Việt Nam ngày nay ba miền Bắc Trung Nam đều không có tự do và nhân quyền căn bản mà lẽ ra ai cũng có được (bức tranh nền vàng với 3 dây kẽm gai màu đỏ-Steven Toly đã ghi rõ ý của mình trong trang 51 của tập chương trình);

2) Người Việt Nam phải đã phải bỏ nước ra đi bằng đường bộ và đường biển trong đau thương mất mát (bức tranh nền vàng và có hình thuyền và người đi bộ màu đỏ-Steven Stoly-ý ghi rõ trong trang 51);

3) trong xã hội Việt Nam những gì trước đây được xem là thần tượng để tôn thờ giờ là những đồ dùng hay vật trang trí như lá cờ đỏ sao vàng và tượng nhỏ HCM, đồng thời giới trẻ Việt Nam không còn sống trong ý thức hệ Cộng Sản mà theo trào lưu của thế giới tân tiến bên ngoài (tác phẩm Brian Doan-lời của tác giả). Bên cạnh, các bạn cũng triển lãm những tác phẩm của các nhà phản kháng và văn nghệ sĩ bị trù dập tại Việt Nam, khoảng 17 người. Trong đó có Bùi Chát, Dương Thu Hương, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Lê Đất, Lê Quang Hà, Lý Đời, Lynh Bacardi, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Thái Tuấn, Phùng Quán, Quang Dung, Trần Khải Thanh Thủy, Trần Tiến Dũng, Trần Trọng Vũ, Trần Dần, Trương Tấn. Các tác phẩm này hiện nay bị chế độ Cộng Sản cấm trong nước, nên các bạn VAALA đã tìm mọi cách để trình chiếu các tác phẫm này bên ngoài Việt Nam. Đây là nỗ lực để khuyến khích những văn nghệ sĩ dám nói lên sự thật từ trong nước. Trong đó, có những tác phẩm nói lên việc mất tự do tư tưởng (những hình người không có đầu ở Việt Nam của Nguyễn Thái Tuấn) và những biếm họa về công an ác ôn, v.v... Nhiều người trẻ, có người đã ngồi lại để xem hết slideshow này về thực trạng bị kiềm kẹp tại Việt Nam hôm nay.

Hiểu được ý nguyện của các bạn VAALA là muốn có những chia xẻ và tâm tình từ nhiều thế hệ khác nhau trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại cho những quan tâm chung, tôi cũng hiểu những đau thương của thế hệ đi trước khi phải nhìn lại những hình ảnh, hiện thân của những tàn sát đau thương, cho thế hệ ông bà cha mẹ, hay của chính mình. Những niềm đau này không đến từ sự hận thù như một số các bạn trẻ nghĩ hay một số tuyên truyền của Cộng Sản để cô lập đồng bào chống cộng hải ngoại, mà đến từ những mong mỏi không muốn thấy dân Việt và nước Việt bị khủng bố và đau thương dưới chế độ Cộng Sản, một chế độ độc tài tràn đầy tham nhũng và bất công. Những tiếng nói này xuất phát từ những đau thương rất nhân bản.

Tôi cũng không ngạc nhiên đế hiểu rằng chế độ cầm quyền Cộng Sản hiện nay sẽ tiếp tục khai thác những vết thương này của cộng đồng để tạo thành kiến về cộng đồng hải ngoại với đồng bào trong nước. Họ cũng khai thác sự ngăn cách giữa các thế hệ trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước để chia rẽ và làm yếu đi sức mạnh chung của những người yêu nước, chuộng tự do nhân bản trong việc phản kháng chế độ Cộng Sản, đã và đang mang lại nhiều đau thương cho dân tộc.

Qua các dịp tâm tình với các cô chú, các bác, và các bạn, tôi được hiểu rằng, thế hệ đi trước muốn con em mình, nếu chưa thể hiểu hết lập trường của mình, thì cũng đừng làm gì tạo thêm cơ hội cho sự tuyên truyền rất tinh vi và gian xảo của nhà cầm quyền Cộng Sản. Thế hệ đi sau muốn hiểu lập trường và kinh nghiệm của thế hệ đi trước, cố lắng nghe, và cũng muốn cái nhìn riêng tư của họ được bày tỏ và được hiểu. Có lúc cả hai thế hệ cùng qúy chuộng tự do như nhau và đều nhìn thấy chế độ Cộng Sản lấy mất đi tự do này của bao con người Việt Nam, nhưng đã có những diễn đạt khác nhau.

Nỗ lực của tôi kêu gọi các bạn VAALA cân nhắc lại về các hình ảnh của cuộc triễn lãm này vẫn tiếp tục. Các bạn có những suy nghĩ riêng của các bạn. Và những qúy vị trong cộng đồng vẫn đang nói lên tiếng nói thống thiết của mình .... Tôi tin vào lòng nhân bản của mỗi người Việt yêu chuộng tự do.

Kính thư,

Đông Xuyến


No comments:

Post a Comment