Saturday, December 12, 2009

Viết, Từ Một Bài Việt Của Sơn Tùng - Thụy Vi

Trước khi đọc ý kiến của tác giả Thụy Vi, xin mời đọc bài viết của nhà văn Sơn Tùng bên dưới

Thụy Vi


Thụy Vi
Cơn cảm cúm và cú té nứt đốt xương sườn hôm tuần rồi không đốn gục được tôi, nhưng những bài viết mới đây của ông Sơn Tùng đã khiến tôi thất vọng đến u uẩn, vì thế mùa lễ Tạ Ơn năm nay, tôi dường như ơ thờ với những huyên áo đoàn tụ, ý nghĩa, đầm ấm của mọi người chung quanh.

Thật ra, những bài viết na ná loại ông Sơn Tùng vừa viết, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy xuất hiện đó đây trên các trang báo online của mấy tay “cảm tình với Cộng”. Nhất là mấy tuần nay, rôm rả trên diễn đàn những bài viết của Trần Kiêm Đoàn. Nổi cộm là bài viết “Nỗi vui bình an của … Nguyễn Hữu Liêm” sau khi ông này đi phó hội “Còi Hụ“ ở Việt Nam về! Những người này, viết những loại bài này, thì có gì để tôi ngạc nhiên. Bởi, giữa tôi và họ – từ lâu – đã có lằn ranh rạch ròi.

Riêng với ông Sơn Tùng thì khác!! Bấy lâu nay, ông là một trong những cây viết mà tôi hết sức kính trọng. Tôi hầu như đọc hết những bài viết của ông trên những tờ báo Thế Giới Ngày Nay đến Làng Văn, Thế Giới Mới. Trong những bài viết đó, tuy có không ít những bài viết với những lý luận khô khan, nhưng bài viết nào, ông cũng cho người ta thấy ông là một cây bút tư cách Lương Tâm Công Chính của một người chống Cộng. Những chữ viết của ông nhọn, sắc – là những mũi tên phóng trúng đích vào những thằng CS. Bay vút vào tâm điểm của sự giả trá. Phá nát sự cầu an ích kỷ, đốn hèn của những người đã quên rồi, tại sao ngày trước họ đã kinh hoàng tuôn ra biển lớn, liều chết để có mặt trên đất nước Tự Do này … Và, tôi cảm thấy hãnh diện, thật hãnh diện, vì Cộng Đồng chúng ta còn có những cây bút chói lọi như ông Sơn Tùng.

Chuyện xảy ra, là từ mấy tháng nay, khởi đầu, ông Hồng Phúc đã đơn thân độc mã gióng lên tiếng chuông báo động về những quan hệ nhập nhằng của những vị có trách nhiệm trong đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại với một viên chức VC trong Toà Đại Sứ! Sự quan hệ này, với những bằng chứng rõ ràng như vậy, thì dù bất cứ ai có khéo léo có biện luận thế nào, thì cũng không thể nào khiến người nghe không đặt một dấu hỏi [?] Tuy nhiên, nếu các vị – những người đã [vô tình / cố tình] gây ra sự quan hệ không nên có đó, nếu còn một tư cách Tử Tế tối thiểu, một Lương Tâm Công Chính tối thiểu của một con người tỵ nạn CS, thì mọi chuyện đã giải quyết ổn thỏa với sự bao dung của mọi người … [Riêng tôi, có thể tôi sẽ quên lỗi cũ, nhưng tôi càng hết sức đề phòng, vì trong thâm tâm của mọi người cũng như của tôi đều hiểu rằng những người Việt tỵ nạn chúng ta bây giờ là “khúc ruột ngàn dậm” mà nhà nước Việt Cộng đã có sẵn kế hoạch chiêu dụ làm thân với một hậu ý vô cùng hiểm độc …]

Câu chuyện của đài Việt Nam Hải Ngoại đã lan truyền khắp nơi một cách chánh đáng. Tôi là một trong nhiều người im lặng theo dõi, và trong lòng thầm phục tư cách Can Đảm của bà Hoàng Lan Chi, của ông Hồng Phúc, ông Đỗ Văn Phúc và vài thành viên khác … Giữa lúc tranh tối, tranh sáng, tôi biết làm gì hơn là thầm mong những cây bút trong Cộng Đồng sẽ dõng dạt một cách lẫm liệt như nhà văn người Nga, ông Alexandre Solzenitsym:

“Khi thằng Cộng Sản nói láo, ta phải đứng lên nói nó nói láo, nếu ta không can đảm nói nó nói láo, ta phải đứng lên ra đi, không ở lại nghe nó nói láo, nếu ta không can đảm bỏ đi, ta phải ngồi lại, ta sẽ không nói lại những lời nó nói láo với người khác”

Tôi chờ đợi, hân hoan chờ đợi, chờ đợi … những ngòi bút lẫm liệt như … bác Hoàng Hải Thủy, Tưởng Năng Tiến, Chu Tất Tiến, Phạm Ngũ Yên, Sơn Tùng … và vô số bạn bè của tôi gióng lên tiếng nói Nhân Cách Can Đảm, không để Tình, Lý, Quốc, Cộng nhập nhằng một cách hồ đồ. Gióng tiếng nói Nhân Cách Can Đảm như gieo một chút lửa sưởi ấm niềm tin trong sáng trong cuộc tranh đấu không mệt mỏi của chúng ta…

Bài viết mới nhất của ông Sơn Tùng khiến tôi bất ngờ như nhận lại lá thư bị trả ngược. Tôi thật tình ngẩn ngơ. Buồn, Không phải tôi mong đợi gì bài viết của ông như một phán quan quyết định câu chuyện của đài VNHN càng ngày càng rối rắm, lẫn lộn thiệt giả như mớ bòng bong một cách cố ý này sẽ chấm dứt. Tôi thất vọng vì một tư cách mà tôi ngưỡng vọng bấy lâu, bây giờ, sao lại có thể viết xuống những dòng chữ quá tầm thường, ví von một cách tắc trách và gây ra những thương tổn cho anh em mình đến vậy!?

Trong giai đoạn này, mỗi chúng ta, có lẽ ai cũng buồn khi mất đi một người anh, một người bạn, một người lính. Nhưng tôi tin rằng khi mình tự đánh mất mình, thì điều ấy mới thật não nề.

Thụy Vi

[Hầm Nắng, đầu tháng cuối năm 2009]
Tôi cố ý gửi kèm tấm ảnh, vì không muốn mọi người nghĩ đây là bài viết ảo

________________________________
    Công lý ném đá và “Nhân danh chống Cộng”
Sơn Tùng

Vài tháng trước đây, cuốn phim “The Stoning of Soraya M.” (Cuộc Ném Đá Soraya M.) được trình chiếu tại một số rạp ở Mỹ đã nhắc khán giả một thứ “công lý” cực kỳ man rợ thời trung cổ vẫn còn hiện hữu trong thế giới được gọi là văn minh của Thế kỷ 20, 21.

Một cảnh trong phim The Stoning of Soraya M.
Công lý ném đá và “Nhân danh chống Cộng”Phim lấy bối cảnh nước Iran không bao lâu sau khi triều đại Shah bị lật đổ, dựa theo câu chuyện của Freidoune (Jim Caviezel đóng), một nhà báo người Iran gốc Pháp. Trong một chuyến đi săn tin, anh ta bị hư xe giữa đường gần một ngôi làng ở Iran, và trong khi chờ chiếc xe được sửa chữa, anh đi lang thang để giết thì giờ và gặp một người dân địa phương, tên Zahra (Shohred Aghdashloo đóng), kể cho anh một câu chuyện xảy ra tại đây mà anh cần phải nói với thế giới bên ngoài.

Câu chuyện này là một cuộc ném đá, một vụ giết người cực kỳ dã man mà nạn nhân là một phụ nữ vô tội bị dân làng kết án ngoại tình. Soraya M. (do Mozhan Marno đóng) bị chồng, Ali (Navid Negahban), hành hạ vì không có tiền chu cấp cho anh ta để làm thủ tục ly dị như anh ta đòi hỏi để lấy một cô gái vị thành niên mà anh ta quyết định sẽ thay thế Soraya. Ali nhẫn tâm vu cáo vợ ngoại tình và xúi giục các bô lão trong làng chống lại Soraya để sắp đặt một cuộc xử tử bằng cách ném đá.

Diễn tiến của cuộc ném đá trên màn ảnh kéo dài 15 phút mà những khán giả gan lì nhất cũng khó mà tránh khỏi rùng mình, quặn thắt bao tử, nôn ọe, hay phải nhắm mắt lại trước cảnh tàn bạo diễn ra không xa lắm với một cuộc ném đá trong đời thật ở bên ngoài. Nạn nhân bị chôn sống trong một chiếc hố đổ cát tới nửa người và bị những kẻ đứng bao quanh trên bờ ném bằng những hòn đá sắc cạnh cho đến lúc chết. Sau vài phút, chiếc đầu nạn nhân nát bấy những vết thương, máu tuôn xối xả như chảy ra từ những vòi nước, hai mắt mở trừng trừng, hàm răng siết chặt như để chống lại sự đau đớn.

Đó là cái chết cực kỳ thương tâm của một con người vô tội vì sự tàn bạo của những đồng loại không còn cả tim lẫn óc. Họ bị sách động và sai khiến bởi những kẻ nhân danh “công lý”, “công đạo” của Thượng đế.

Trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng đang có những người nhân danh một thứ “công đạo” được gọi là “chống cộng” để hô hào ném đá những người vô tội. Đây là một khẩu hiệu rất khích động, rất nhạy lửa, rất linh thiêng, mỗi khi hô lên là có hàng trăm, hàng ngàn người đứng lên. Vì vậy, khẩu hiệu ấy đã bị một số người lạm dụng, hay lợi dụng.

Trước 30.4.1975, tại miền Nam Việt Nam chỉ có một chính phủ lãnh đạo công cuộc chống cộng. Trong cộng đồng người Việt hải ngoại hiện nay, có nhiều người tự cho mình có độc quyền chống cộng. Có một đảng phái, có một tờ báo, một cái đài truyền thanh hay truyền hình, hay có một cái “blog” trên Internet, là người ta có thể độc quyền chống cộng, nếu muốn. Một cá nhân cũng có thể cho mình được độc quyền “chống cộng”, nếu có một cái computer và một địa chỉ e-mail và biết viết vài câu chữ Việt, không cần đúng chính tả, để chửi bới những ai không chống cộng giống họ. Có khi động cơ đánh phá không liên quan gì đến “chống cộng”.

Cạnh tranh nghề nghiệp với nhau, khi bị thua sút liền tung tin đồn đối thủ giao du mật thiết với Việt Cộng hay làm ăn với Việt Cộng để ám hại.

Muốn có một chức vụ trong cộng đồng, hay trong một hội đoàn, có thể hạ đối phương bằng cách chụp nón cối cho người ấy.

Làm công cho chủ, bị đuổi vì phạm lỗi, bèn vu cáo chủ là Việt Cộng nằm vùng để trả thù.

Hùn hạp làm ăn với nhau, lủng củng nội bộ, sau khi chia tay, có thể tố lẫn nhau là Việt Cộng nhằm triệt hạ nhau.

Muốn có quan hệ bất chính với vợ người ta không được, bèn hô lên người ta liên hệ mật thiết với Việt Cộng để rửa hận.

Cư trú bất hợp pháp, sợ bị trục xuất về Việt Nam, liền hung hăng tố cộng để mong được ở lại nước Mỹ.

Có những người nhân danh chống cộng chửi bới trùm lấp thấp kém chỉ vì cái tôi quá lớn không đi đôi với cái tài.

Có kẻ chuyên chụp nón cối theo lệnh thủ trưởng để triệt hạ uy tín những người chống cộng thực sự và gây xào xáo trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

Có những người chỉ vì ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau, cũng nhân danh “chống cộng” để đội nón cối cho nhau.

Mỗi khi có người nhân danh “chống cộng” để buộc tội người khác, không nhiều thì ít cũng có một số người hưởng ứng, dù đúng hay sai, giống như những người tham gia “Cuộc ném đá Soraya M.”
Câu chuyện liên quan đến Đài Việt Nam Hải Ngoại (VNHN) mới đây ở Vùng Hoa Thịnh Đốn là một thí dụ. Đài phát thanh này được thành lập từ 12 năm nay và đã không ngừng mở rộng tiếng nói tới nhiều nơi, và có thể nghe trên Internet ở khắp nơi, kể cả tại Việt Nam. Đài cũng có những cộng tác viên ở nhiều nơi, gồm cả Nhật Bản và Âu Châu, mà sự làm việc, cũng như những nhân viên ở đài, dựa trên thiện chí hơn là quyền lợi vật chất, vì mục đích của đài là phục vụ cộng đồng người Việt hải ngoại và yểm trợ cho công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ tại Việt Nam.

Có lẽ cũng trong tinh thần ấy, những năm gần đây, Ông Hồng Phúc từ Wichita, Kansas, đã cộng tác với đài, lúc đầu chỉ phụ trách một chương trình phỏng vấn mỗi chiều Chủ Nhật, sau trở thành Giám đốc Chương trình của đài.

Giữa tháng 6.2009, Ông Hồng Phúc ngưng cộng tác với Đài VNHN mà không nói rõ lý do. Ba tháng sau, ngày 6 tháng 9, Ông Hồng Phúc phổ biến một bức thư cho biết lý do ông ta rời Đài VNHN là vì đài này có “quan hệ mật thiết với tòa đại sứ Việt Cộng tại Washington” cùng với những lý do nội bộ khác liên quan đến tiền bạc và quyền hạn.

Sau khi bức thư này được phổ biến, tức thì có một số người ở xa lên tiếng kết tôi Đài VNHN, dù chưa rõ sự thật ra sao, trong lúc tại Vùng Hoa Thịnh Đốn, từ báo chí đến Tổ chức Cộng Đồng và các hội đoàn, cũng như những người có uy tín đều im lặng tìm hiểu sự thật.

Trong phiên họp hàng tháng ngày 1.11.2009, Liên Hội Cựu chiến Sĩ VNCH Vùng Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận đã thảo luận về chuyện Đài VNHN và quyết định sẽ tiếp tục hỗ trợ đài trong sự tôn trọng tuyệt đối lằn ranh quốc cộng và sẽ tiếp xúc với Ban Giám Đốc đài để làm sáng tỏ sự cáo buộc có “quan hệ mật thiết với cộng sản”.

Ngày 5.11.2009, Tổ chức Cộng Đồng Việt Nam Vùng Washington D.C., Maryland & Virginia công bố Bản Lên Tiếng 5 điểm, trong đó một mặt không chấp nhận những cuộc tiếp xúc với cán bộ CSVN, mặt khác cũng xác nhận rằng Hệ Thống Truyền Thông VNHN (tức Đài VNHN) chưa phát một chương trình hay tiết mục nào làm lợi cho CSVN và gây nguy hại cho công cuộc đấu tranh của người Việt quốc gia, đồng thời xác nhận sự đóng góp của đài cho mọi sinh hoạt đấu tranh của người Việt trong Vùng HTĐ cũng như trên khắp thế giới. Cuối cùng, Bản Lên Tiếng “kêu gọi đồng hương và các hội đoàn đề cao cảnh giác trước các âm mưu thừa nước đục thả câu, đánh phá cùng xúi giục các hội đoàn và cá nhân trong cộng đồng người Việt quốc gia nhằm triệt hạ uy tín và làm sụp đổ các cơ quan truyền thông là nơi có những tiếng nói chống cộng hữu hiệu …”

Về phần Đài VNHN, cũng đã có những chỉnh đốn nội bộ và buổi liên hoan kỷ niệm 12 năm thành lập đài (21.11.2009) đã chứng tỏ đài vẫn được sự hậu thuẫn mạnh của đồng hương và chứng tỏ sự đoàn kết của nhân viên cùng các cộng sự viên khắp nơi, với khoảng 700 người ngồi chật hội trường và đông đủ những người cộng tác tại chỗ cũng như từ xa về, trong đó có những tên tuổi như Đỗ Thông Minh, Nguyễn Đình Toàn, Tạ Cự Hải, Nguyễn Đăng Tuấn, Trần Quán Niệm, Ngô Thị Hiền, Nguyễn Ngọc Bích, Đinh Văn Long, Nguyễn Tường Thược, và nhiều nữa …

MC chính của buổi liên hoan là Nhạc sĩ Nam Lộc từ Cali sang. Nổi bật trên sân khấu hội trường là một lá cờ vàng ba sọc đỏ lớn chưa từng thấy. Tiếng vỗ tay vang dội liên tiếp nổi lên mỗi khi những người trong Ban Giám đốc nói lên lập trường chống cộng của đài.

Sự đánh phá từ xa của vài người đã không gây một ảnh hưởng nào đáng kể trong Vùng Hoa Thịnh Đốn. Điều đó cũng dễ hiểu vì các tổ chức, hội đoàn cũng như cộng đồng Vùng Hoa Thịnh Đốn không muốn và không cần những người ở phương xa chống cộng giùm hay chỉ bảo cho họ cách chống cộng, vì họ biết rõ chuyện tại Vùng Hoa Thịnh Đốn hơn là những người ở nơi khác.

Cuộc “ném đá” Đài VNHN từ xa đã thất bại vì không có chính nghĩa. Sự “nhân danh chống cộng” chỉ là lạm dụng.

Phần còn lại là chuyện của Đài VNHN, một công ty tư hoạt động theo luật pháp Hoa Kỳ, sẽ chỉnh đốn cách nào để tránh những khuyết điểm trong quá khứ và tiếp tục mục tiêu phục vụ cộng đồng người Mỹ gốc Việt, đồng thời yểm trợ cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ tại Việt Nam.

Sơn Tùng


No comments:

Post a Comment