Lời giới thiệu:
Hôm 19/2/2009 cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ (Central Intelligence Agency – CIA) đã cho giải mật tài liệu mang tên: “CIA and the Generals: Covert Support to military government in South Vietnam”. Tài liệu này do ông Thomas L. Ahern, Jr., một nhân viên CIA từng làm việc tại Sài gòn từ năm 1963 đến đầu năm 1965 đúc kết từ những tài liệu mật của CIA. Tài liệu được giải mật sau khi cơ quan CIA đã đọc lại và gạch bỏ những tên tuổi và địa danh không lợi cho hoạt động tình báo. Tuy nhiên nếu so chiếu với các tài liệu khác viết về cuộc chiến Việt Nam, người đọc có thể đoán hầu hết những tên tuổi gạch bỏ đó là ai.
Tài liệu dài 243 trang gồm chính yếu là phần Nhập Đề của tác giả và 10 Chương. Tôi tóCIA.1m tắt lại những sự việc chính của tài liệu trong 6 bài viết: phần Nhập Đề và sau đó hai Chương trong một bài, và sẽ lần lượt cho lên trang nhà www.tranbinhnam.com. Mục đích tóm tắt tài liệu là “ôn cố tri tân” về một giai đoạn lịch sử đã qua nhưng còn ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống của mỗi người Việt chúng ta trong cũng như ngoài nước. Và cũng là kinh nghiệm có thể hữu ích trong mối quan hệ hiện nay giữa Việt Nam và Trung quốc, cũng như giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Một điều cần nói là không có một tài liệu nào, nhất là tài liệu liên quan đến hoạt động tình báo, là hoàn toàn trung thực. Giải mật một tài liệu mật tự nó cũng có thể là một phần của một chương trình tình báo khác. Tài liệu “CIA and the Generals: Covert Support to military government in South Vietnam” cũng không ra ngoài quy luật đó. Cho nên sự xử dụng những thông tin do sự giải mật tài liệu này mang lại như thế nào là trách nhiệm của người xử dụng.
Trong phần nhập đề ông Thomas Ahern nhắc lại quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1954 cho đến ngày 30/4/1975.
Ông viết rằng, sau khi người Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ, người Mỹ thay thế dần người Pháp vì người Mỹ cho rằng nếu Việt Nam sụp đổ, toàn vùng Đông Nam Á cũng sụp đổ theo thuyết domino. Người Mỹ ủng hộ ông Ngô Đình Điệm củng cố miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào, qua trung gian ông Ngô Đình Nhu, em ruột của ông Diệm. Cùng với các lực lượng vũ trang của ông Diệm, CIA phát động phong trào dân vệ (self-defense units) để bảo vệ nông thôn. Đây là kinh nghiệm chống nổi dậy đầu tiên của CIA tại Việt Nam .
Chương trình của ông Diệm là tiêu diệt các thành phần cộng sản để lại miền Nam trước khi rút ra Bắc theo hiệp định Geneva. Đến năm 1959 hầu hết tổ chức cộng sản gài lại miền Nam đều bị tiêu diệt. Nhưng chương trình bài cộng quá nặng tay và thi hành một cách bừa bãi đụng chạm đến các thành phần không cộng trong quần chúng như thành phần thiểu số và tôn giáo khác mà không có chương trình nâng cao đời sống nông thôn để thu phục lòng dân nên mất dần sự ủng hộ của quần chúng. Cuối năm 1959 Hà Nội đưa người vào Nam và làm cho sự kiểm soát của ông Diệm tại nông thôn càng ngày càng lỏng dần.
Để cứu chế độ Diệm, Hoa Kỳ tăng cường viện trợ quân sự và kinh tế. Đầu năm 1963 khi cao trào chống chế độ ông Diệm của Phật Giáo nổ ra tại miền Trung, Hoa Kỳ có 12.000 cố vấn quân sự tại miền Nam.
Cung cách đàn áp phong trào Phật giáo của ông Diệm không phù hợp với quan niệm tự do tôn giáo của Hoa Kỳ làm cho Hoa Kỳ bất mãn, và đồng thời sự kiểm soát nông thôn của ông Diệm càng ngày càng sa sút, nên vào tháng 8 năm 1963 do đề nghị của đại sứ Henry Cabot Lodge, Hoa Kỳ quyết định hạ bệ ông Diệm.
Sau khi quân đảo chánh chiếm bộ Tổng Tham Mưu và giết đại tá Lê Quang Tung một người làm việc cận kề với CIA và là chỉ huy trưởng Lực Lượng Đặc Biệt. các tướng đảo chánh kêu gọi anh em ông Diệm đầu hàng. Ông Diệm và ông Nhu lợi dụng trời tối rời dinh Độc Lập và sau đó bị bắt tại một nhà thờ Công giáo ở Chợ Lớn. Trước đó đại sứ Cabot Lodge có hứa giúp hai anh em ông Diệm và ông Nhu an toàn rời khỏi Việt Nam, nhưng (khi ông Diệm và ông Nhu bị bắt) không thấy Hoa Kỳ nhắc lại. Các sĩ quan của tướng Dương Văn Minh, người lãnh đạo cuộc đảo chánh đã bắn chết hai ông Diệm và Nhu trên một xe thiết giáp.
Các ông tướng làm đảo chánh nhưng không có chương trình gì khác hơn là lật đổ ông Diệm, nên sau đảo chánh các tướng lãnh yêu cầu CIA cố vấn trong việc cai trị quốc gia. Tuy nhiên CIA –theo lệnh của đại sứ Lodge - không đưa ra một chương trình gì ngoài việc yêu cầu các tướng đảo chánh tiếp tục con đường chống Cộng và để người Mỹ tham gia vào công cuộc đó một cách tích cực hơn.
Thật ra tình hình miền Nam suy đồi không phải chỉ do ông Diệm, mà còn do nhiều nguyên nhân khác. Như một bộ máy hành chánh và một quân đội lỗi thời do người Pháp để lại cai trị dân với tác phong huynh trưởng và một nền móng chính trị chưa thành nếp, trong đó các tôn giáo, các thành phần thiểu số và các tầng lớp quần chúng trình độ khác nhau chống báng nhau. Đa số dân chúng theo Phật giáo không có thiện cảm với một chính quyền quá nhiều người Thiên chúa giáo. Sĩ quan trong quân đội cũng hiềm khích nhau vì tôn giáo, chưa nói giữa người miền Bắc và người miền Nam, giữa người Kinh với người Thượng và người thiểu số gốc Cambốt. Và trầm trọng nhất là chế độ tư hữu ruộng đất phong kiến lỗi thời – nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long – làm cho người nông dân không có cơ hội thăng tiến, chỉ còn bám víu vào sự tuyên truyền của người cộng sản để vươn lên.
Chế độ của các ông tướng thay thế ông Diệm tuy ít độc tài hơn nhưng không có chương trình gì để đẩy lui chương trình kiểm soát đất và giành dân của người cộng sản. Vào cuối năm 1964, cộng sản nắm thế thượng phong và miền Nam Việt Nam chỉ chờ sụp đổ. Tháng 8/1964 do vụ tàu Maddox của Hoa Kỳ bị tấn công trong Vịnh Bắc việt, quốc hội Hoa Kỳ thông qua quyết nghị Vịnh Bắc bộ (Tonkin Gulf Resolution) cho phép tổng thống Johnson dùng vũ lực để bảo vệ sự tự do lưu thông trên biển của Hải quân Hoa Kỳ. Để trả đũa Bắc Việt đưa quân đội chính quy vào miền Nam (chứ không giới hạn là cán bộ chính trị và những đơn vị gốc miền Nam tập kết trở về như trước). Đáp lại, từ tháng 3/1965 tổng thống Johnson bắt đầu đưa quân đội Mỹ đến miền Nam .
Vào mùa hè 1965 quân Mỹ tại Việt Nam lên đến 125.000 người và tăng lên nhanh chóng theo thời gian. Lực lượng này giúp miền Nam khỏi sụp đổ và thì giờ để ổn định chính trị. Tuy nhiên qua năm 1966 tình hình miền Nam cũng không thấy khả quan, trong khi tổn thất của quân đội Mỹ trên chiến trường tăng cao làm cho quốc hội và dân chúng Hoa Kỳ bắt đầu thấy khó chịu vì cuộc chiến dai dẳng. Trước bối cảnh này tổng thống Johnson bắt đầu tìm đường rút lui bằng cách tăng cường chương trình bình định và hủy diệt hạ tầng tổ chức chính trị của cộng sản, đồng thời tìm đường giây tiếp xúc với Hà Nội để mưu tìm một giải pháp chính trị.
Tình hình chính trị tạm ổn định sau khi tướng Nguyễn Văn Thiệu đắc cử tổng thống vào tháng 9 năm 1967 qua một bản Hiến pháp mới. Tháng 2/1968 cộng sản tổng tấn công vào các đô thị miền Nam (cuộc tổng tấn công Mậu Thân). Cuộc tấn công thất bại vì không làm sụp đổ được chính quyền ông Thiệu, ngoại trừ làm cho chương trình bình định của ông Thiệu dậm chân tại chỗ. Hạ tầng chính trị của cộng sản tại miền Nam sau cuộc tấn công gần như hoàn toàn bị tiêu diệt.
Tuy nhiên cuộc tấn công tạo một tâm lý bi quan đối với dân chúng Mỹ và báo giới Hoa Kỳ nên không khí chống chiến tranh tại Mỹ lên cao buộc tổng thống Johnson vào cuối tháng 3/1968 tuyên bố không ra ứng cử tổng thống lần thứ hai và đề nghị thương thuyết với Hà Nội. Vào tháng 5/1968 khi các cuộc tiếp xúc chính thức giữ Hoa Kỳ và Hà Nội bắt đầu tại Paris, cộng sản mở cuộc tấn công Mậu Thân 2. Cộng sản lại thất bại, quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ lấy lại thế tấn công và cuối năm 1968 xem như bình định và kiếm soát 73% dân chúng miền Nam.
Tuy nhiên tình hình này không giúp cho Hubert Humphrey (ứng cử viên đảng Dân chủ) đắc cử để có thể tiếp tục đường hướng của Johnson. Tổng thống Nixon đắc cử và bắt đầu chương trình Việt Nam hóa chiến tranh. Giữa năm 1969 tổng thống Nixon tuyên bố đợt rút quân đầu tiên. Trong 3 năm sau đó tình hình ngang ngữa với cuộc hòa đàm Paris (bắt đầu vào tháng 1/1969) và cuộc rút quân dần của Hoa Kỳ. Đặc điểm của tình hình chiến trường Việt Nam trong những năm 1969-1971 là trong khi Hoa Kỳ ra sức cải tiến và trang bị cho quân đội miền Nam thì Liên bang Xô viết và Trung quốc cũng dồi dào viện trợ cho Bắc Việt. Hai bên Nam Bắc cố giành đất và dân chuẩn bị cho một giải pháp chính trị từ cuộc hòa đàm Paris.
Mùa Xuân năm 1972 cộng sản Bắc Việt mở cuộc đại tấn công miền Nam đe dọa các tỉnh cửa ngõ dẫn vào Sài Gòn, nhưng bị đánh bại bởi quân đội Nam Việt Nam với sự yểm trợ của không lực Hoa Kỳ. Tháng 10/1972 Hà Nội tuyên bố đồng ý về một bản văn ngưng bắn và chấm dứt chiến tranh. Dựa vào đó, trước ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger tuyên bố “hòa bình ló dạng” (peace is at hand). Hòa bình thật sự chưa ló dạng nhưng lời tuyên bố của Kissinger đã giúp tổng thống Nixon đắc cử nhiệm kỳ 2 một cách áp đảo. Sau cuộc bầu cử, Hoa Kỳ đòi thay đổi vài điều khoản trong bản hiệp định dự thảo. Hà Nội phản ứng bằng cách rút ra khỏi cuộc hòa đàm. Tổng thống Nixon cho oanh tạc cơ B52 đánh vùng thủ đô Hà nội và Hải phòng trong dịp lễ Giáng sinh buộc Hà Nội trở lại bàn hội nghị và ký bản Hiệp định Paris vào tháng 1/1973. Bản Hiệp định không buộc quân đội Bắc việt rút ra khỏi miền Nam. Hoa Kỳ tìm cách thi hành hiệp định và giúp Nam Việt Nam tự lực. Nhưng sau đó Nixon dính vào vụ Watergate phải từ chức (tháng 8/1974), Phó tổng thống Gerald Ford trở thành tổng thống Hoa Kỳ.
Vào thời điểm này tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài gòn được tin tình báo cho biết quân đội Bắc Việt chuẩn bị tổng tấn công vào năm 1975. Cuộc tấn công mở màn ngày 10/3/1975 tại cao nguyên Trung phần Việt Nam, và kết thúc ngày 30/4/1975 khi xe tăng Bắc việt tiến vào Sài gòn và trực thăng của đại sứ Hoa Kỳ rời mái nhà tòa đại sứ trước khi trời sáng.
Nhân số CIA tại Sài gòn khi ông Diệm bị lật đổ gồm trên dưới 200 người. Một bộ phận lo việc bình định và tình báo. Bộ phận khác lo việc tuyển mộ người làm việc cho CIA hay nới rộng sự liên hệ với các viên chức chính quyền và thành phần đối lập không Cộng để thu lượm tin tức và thúc đẩy xây dựng dân chủ.
Khi trận Mậu Thân xẩy ra, nhân số CIA đã lên đến 1000 người, trong đó có 600 nhân viên làm việc tại 4 văn phòng CIA tại 4 vùng chiến thuật. Từ năm 1969 khi Hoa Kỳ bắt đầu kế hoạch giảm quân, nhân sự CIA giảm dần. Bốn vùng vẫn duy trì văn phòng nhưng mọi công tác quan trọng đều dồn về trung tâm CIA tại Sài gòn.
Tài liệu “CIA and the Generals: Covert Support to military government in South Vietnam” nói về hoạt động của CIA trong nỗ lực không cho Hà Nội chiếm miền Nam sau khi ông Diệm bị lật đổ. Thoạt tiên đại sứ Cabot Lodge cấm không cho CIA liên lạc mật thiết với các ông tướng để duy trì tính độc lập của chính quyền miền Nam trước dư luận quốc tế. Nhưng mấy tháng sau, khi thấy tình hình bất ổn (vì các ông tướng bất lực), đại sứ Lodge cho phép CIA làm việc chặt chẽ với các ông tướng để theo dõi và điều hướng tình hình đảo chánh lên đảo chánh xuống. Quan hệ đặc biệt này của CIA đối với các ông tướng làm cho CIA đóng một vai trò quan trọng trong các biến chuyển chính trị tại Sài gòn, chính yếu là ổn định chính trị, không khác gì ảnh hưởng CIA đã có dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Vào năm 1966 CIA dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục các ông tướng hưởng ứng chính sách của chính quyền Johnson lúc đó đang tìm cách liên lạc với các thành phần ôn hòa của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGP)
Trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 9 năm 1967, CIA nhận được chỉ thị của Washington ủng hộ liên danh tướng Thiệu và tướng Kỳ, nhưng cần tỏ vẻ trung lập và dùng ảnh hưởng tạo ra một cuộc bầu cử ngay thẳng. Sau khi thắng cử ông Thiệu loại hết những người Bắc thân tướng Kỳ trong chính quyền, CIA lại phải một phen vận động và tuyển mộ người miền Nam (làm việc cho CIA).
Sau cuộc tấn công Mậu Thân, CIA triển khai một kế hoạch thành lập những đảng chính trị có căn bản quần chúng theo mô thức của Hoa Kỳ, nhưng ông Thiệu chưa sẵn sàng xây dựng một căn bản dân chủ cho miền Nam nên nỗ lực này không đưa đến kết quả nào. Tuy nhiên Hoa Kỳ nghĩ rằng ông Thiệu cần thiết cho sự ổn định chính trị nên Hoa Kỳ không thúc bách ông Thiệu. Từ đầu năm 1970 CIA đã có kế hoạch giúp ông Thiệu tái đắc cử nhiệm kỳ 2 dự trù vào cuối năm 1971 nhưng vẫn với cung cách thế nào để tạo một hình ảnh bầu cử dân chủ.
Qua cuộc tấn công Mậu Thân, CIA nhận ra rằng chừng nào Nga và Trung quốc còn ồ ạt giúp Hà Nội thì chừng đó Hoa Kỳ còn cần cố vấn và yểm trợ không lực cho Nam Việt Nam nếu muốn Nam Việt Nam sống còn.
Khi cuộc tấn công lắng xuống, hòa đàm Paris bắt đầu, công tác chính yếu của CIA là vận dụng để ông Thiệu chấp thuận hướng thương thuyết của Hoa Kỳ tại Paris, và trong công tác này CIA vận dụng nhân sự đã gài trong chính quyền ông Thiệu để áp lực ông Thiệu một cách hữu hiệu. Sau khi ký hiệp định Paris nhiệm vụ của CIA là thúc đẩy ông Thiệu thi hành hiệp định.
Vào cuối năm 1974, CIA biết Hà Nội sắp mở cuộc đại tấn công vào đầu năm 1975, nhưng không có kế hoạch gì để ngăn chận. Sau khi ông Thiệu ra lệnh rút quân khỏi cao nguyên trung phần Việt Nam tạo ra sự hỗn loạn, và trước cảnh hỗn loạn tại Đà Nẳng CIA biết rằng khó có đủ thì giờ di tản nhân viên Mỹ, quân nhân và viên chức Nam Việt Nam an toàn ra khỏi Việt Nam, CIA đã thi hành kế hoạch trì hoãn bằng cách vờ thương thuyết với Hà Nội để có thì giờ rút lui.
Đó là công tác cuối cùng của CIA trong cuộc chiến Việt Nam.
Chương 1: CIA sau đảo chánh ông Diệm
Chương 2: Cabot Lodge đi, Taylor tới, Nguyễn Khánh đi & ngôi sao Thiệu-Kỳ xuất hiện.
CIA sau đảo chánh ông Diệm:
Một ngày sau ngày đảo chánh, ông Bùi Diễm, một chính trị gia gốc đảng Đại Việt có nhiều quan hệ với CIA cho CIA biết các tướng đảo chánh sẵn sàng nghe lời khuyến cáo của CIA trong việc xây dựng chế độ mới. Nhưng đại sứ Cabot Lodge không muốn CIA quan hệ quá cận kề với các ông tướng.
Thêm nữa, mới mấy ngày đầu, giữa tòa đại sứ Hoa Kỳ và tướng Minh đã có sự bất hòa. Tòa đại sứ Mỹ yêu cầu trả tự do cho ông Trần Quốc Bửu, một lãnh tụ Nghiệp đoàn Lao công, nhưng ông Minh không đồng ý. Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ, bạn của tướng Minh, can thiệp với ông Minh cũng không có kết quả.
Ngày 4/11/63 do sự khẩn khoản của tướng Trần Văn Đôn, đại sứ Lodge cho phép CIA thuyết trình tướng Minh về các chương trình “mật” CIA đang tiến hành, và CIA muốn nhân cơ hội này cố vấn tướng Minh về một số vấn đề chính trị. Nhưng đại sứ Lodge chỉ cho phép CIA cố vấn trong lĩnh vực tình báo và an ninh thôi. Trưởng cơ sở tạm thời của CIA ở Sài gòn là David Smith sau này nhớ lại việc này cho rằng sự hạn chế của đại sứ Lodge đã làm mất một cơ hội tốt cho CIA giúp chính quyền quân nhân đặt một nền móng chính trị cho chế độ mới.
Theo các báo cáo hằng ngày CIA gởi về Tổng hành dinh CIA ở Langley (bang Virginia gần thủ đô Washington D.C.) thì sau đảo chánh không khí chính trị Sài gòn rất bấp bênh vì thiếu lãnh đạo. Tướng Dương Văn Minh có uy tín hơn các tướng khác, nhưng chỉ đủ để giữ các ông tướng đảo chánh và các chính trị gia ngồi làm việc với nhau. CIA miêu tả tướng Minh như một quân nhân kín đáo và “đơn giản đến độ thơ ngây về chính trị” như ông Mohammad Naguib, tổng thống đầu tiên của Ai Cập (6/1953-11/1954) . CIA đặt một câu hỏi giả tưởng: “Nếu tướng Minh là Naguib thì ai sẽ là Nasser (người lật đổ ông Nuguib và trở thành tổng thống thứ nhì của Ai Cập) của ông Minh?” và câu hỏi đã trở thành sự thật.
Ngoài tướng Minh, CIA còn nhức đầu với tướng Tôn Thất Đính. Tướng Đính yêu cầu CIA cho đại tá Gilbert Layton về nước vì ông này là cố vấn của đại tá Lê Quang Tung. Trong khi đó Phó giám đốc CIA Richard Helms ngỏ ý muốn đại tá Lucien Conein, người liên lạc với hội đồng tướng lãnh trong vụ đảo chánh nên rời nước một thời gian, nhưng David Smith cho rằng Conein còn cần trong nhiệm vụ liên lạc và kềm chế các tướng lãnh tại Sài gòn. Ngày 5/11/63 William Colby, người phụ trách Cục Viễn Đông tại Langley đến Sài gòn và mở nhiều cuộc tiếp xúc chính trị với các tướng lãnh, một công tác đại tá Conein không đủ kinh nghiệm để làm.
Qua chuyến công tác ông Colby báo cáo về Langley rằng đại sứ Cabot Lodge muốn chỉ huy mọi chuyện ở Sài gòn theo ý ông. Trước đây đại sứ Lodge đã thuyên chuyển John Richardson, trưởng cơ sở CIA ở Sài gòn và nay đang muốn vận động để thay tướng Paul Karkins, người cầm đầu phái bộ yểm trợ quân sự của Mỹ tại Việt Nam (MACV – Miilitary Assistance Command/Vietnam). Richardson và tướng Paul Harkins đều muốn được tự do hơn trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Lúc này tướng Khánh bất mãn với các tướng đảo chánh. Tướng Khánh vốn là người đầu tiên yêu cầu CIA nên sẵn sàng một kế hoạch đảo chánh ông Diệm, nhưng sau đó CIA chọn tướng Trần Văn Đôn làm người liên lạc chính. William Colby sau khi gặp tướng Khánh ở Đà Lạt để nghe tướng Khánh tố cáo sự bất tài của các tướng đảo chánh báo cáo với Langley rằng tướng Khánh để một chùm “râu dê” và thề chỉ cạo râu sau khi tình hình tại Sài gòn sáng sủa hơn.
Kể từ ngày tổng thống Kennedy nhậm chức cho đến khi bị ám sát tại Dallas (22/11/1963) lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam tăng từ 875 người lên đến 16.000 người. Nhân viên dân sự kể cả nhân viên CIA cũng tăng theo đà tăng quân số nhưng đã không làm cho tình hình miền Nam sáng sủa hơn. Tổng thống Johnson thay Kennedy cương quyết giải quyết tình trạng bế tắc. Cuối tháng 12/1963 ông gởi một phái đoàn gồm bộ trưởng quốc phòng McNamara và giám đốc Trung ương tình báo John A. McCone đến Sài gòn. Tổng thống Johnson yêu cầu John McCone bổ nhiệm một nhân vật đủ trọng lượng để thay trưởng cơ sở CIA tại Sài gòn John Richardson (đã rời Sài gòn và đang được Phó cơ sở David Smith tạm thời thay thế.) John McCone chọn Peer de Silva. Trước khi Peer de Silva rời Washington đi Sài gòn nhậm chức tổng thống Johnson mời ông vào tòa Bạch ốc vào phút chót dặn dò rằng đừng quên năm tới (1964) là năm bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Tổng thống Johnson không muốn thấy tòa đại sứ và cơ sở tình báo cứ chống báng nhau như giữa Lodge và Richardson. Ngày 7/12/63 tổng thống Johnson điện cho đại sứ Lodge rằng ông muốn thấy một mối quan hệ làm việc tốt giữa đại sứ và tân trưởng cơ sở.
Ngày 18/12/1963 phái đoàn McNamara đến Sài gòn. CIA báo cáo Hội đồng Quân nhân bất lực vì chia rẽ và tham nhũng và lực lượng cộng sản mạnh hơn trước. McCone kết luận rằng tình hình sống còn của miền Nam rất mong manh và những gì được báo cáo về Washington những năm trước đây đều xa với sự thật.
Trước tình hình đó các tướng vẫn không ngừng chia rẽ và hất cẳng nhau. Giữa tháng 12/1963 tướng Dương Văn Minh thuyên chuyển tướng Nguyễn Khánh ra Vùng I chiến thuật ở Đà Nẵng. Đầu tháng 1/1964 tướng Minh tự phong làm Tổng Tư Lệnh quân đội. Hai tuần sau, CIA nhận được một báo cáo của Chỉ huy trưởng Lực lượng Đặc biệt (người thay đại tá Lê Quang Tung) rằng tướng Trần Văn Đôn có thảo luận giải pháp trung lập hóa Nam Việt Nam với một giới chức người Pháp đang thăm viếng Sài gòn. Trước tin này CIA không động tỉnh gì vì vắng hai nhân vật chính yếu là Al Spera, nhân viên CIA liên lạc với tướng Khánh (và đã được tướng Khánh cho biết dự định đảo chánh) và Lucien Conein. Al Spera bị đổi về Mỹ vì tính tình nóng nảy khó làm việc với người khác. Còn Lucien Conein thì được bộ Ngoại giao triệu về Washington để tham khảo. Conein đề nghị nên phái cho mỗi vị tướng đảo chánh một cố vấn Hoa Kỳ làm việc trực tiếp dưới quyền đại sứ Mỹ. Đại sứ Lodge bác bỏ ý kiến này.
Khi Peer de Silva đến Sài gòn tướng Khánh muốn gặp để thông báo tin tức ông có về vụ các tướng âm mưu trung lập hóa miền Nam nhưng Peer de Silva chần chừ chưa muốn gặp. Tướng Khánh bèn chuyển tin cho một người quen cũ là đại tá Jasper Wilson thuộc phái bộ MACV rằng chính phủ Pháp đang vận động trung lập miền Nam qua tướng Mai Hữu Xuân, vốn là một nhân vật tình báo của Pháp. Cùng với các nguồn tin khác Peer de Siva báo cáo âm mưu trung lập về Washington. Ngày 29/1 tướng Khánh cho đại tá Wilson biết thêm rằng ngoài tướng Mai Hữu Xuân, hai tướng Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim cũng theo phe trung lập và tướng Khánh cho biết sẽ dùng vũ lực để bẻ gảy âm mưu này. Đại sứ Lodge (khi được đại tá Wilson báo cáo) điện tin này về Washington và thông báo ngay cho tướng Harkins. Riêng Peer de Silva chỉ được thông báo sau khi CIA vặn hỏi tòa đại sứ mục đích của tướng Khánh khi gặp đại tá Wilson.
Vào lúc 3:15AM sáng ngày 30/1/64 đại tá Wilson từ bộ chỉ huy Lữ đoàn Dù thông báo tòa đại sứ rằng tướng Khánh cùng tướng Trần Thiện Khiêm sẽ làm đảo chánh trong vòng vài giờ nữa để loại các tướng trung lập ra khỏi thành phần chính phủ, và rằng tướng Minh đã được thông báo và đồng ý. Cuộc đảo chánh (gọi là chỉnh lý) đã diễn ra như dự tính (của tướng Khánh và CIA ?). Năm tướng trung lập Xuân, Kim, Đôn, Đính và Nguyễn Văn Vỹ bị bắt và được quản thúc tại gia tại Đà Lạt. Tướng Minh tạm thời được giữ lại ở chức vụ quốc trưởng.
Sau chỉnh lý không lâu, CIA nhận ra rằng Khánh không có khả năng huy động quân đội và quần chúng đoàn kết lại để ngăn chận cộng sản, do đó CIA chuyển nỗ lực qua sự tuyển mộ và làm quen với các sĩ quan hay nhân viên dân sự cấp dưới, những người không tuyệt đối trung thành với Khánh để chuẩn bị thế hành động về sau. Một trong những sĩ quan đó là đại tá Không quân Nguyễn Cao Kỳ, vừa mới nhận chức Tư lệnh Không quân. CIA miêu tả Kỳ là một sĩ quan thích “bề ngoài” (flamboyant) nhưng có khả năng làm người khác theo mình (charismatic). Tháng 2/1964, Kỳ nói với Russ Miller, một nhân vật CIA đang viếng Sài gòn rằng các sĩ quan trẻ cần được giao các chức vụ chỉ huy xứng đáng, nếu không chế độ của tướng Khánh cũng sẽ có cùng số phận như chế độ Dương Văn Minh!
Người khác là tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Tham mưu trưởng liên quân. Thiệu là người kín đáo, âm thầm bổ nhiệm các sĩ quan gốc Đại Việt vào các chức vụ quan trọng và giải thích với David Smith rằng các sĩ quan này có kinh nghiệm và khả năng phá hủy tổ chức của cộng sản. Nhưng CIA biết rằng tướng Thiệu muốn dùng các sĩ quan Đại Việt để âm mưu lật ông Khánh.
Như từng làm đối với tướng Minh, Peer de Silva thuyết trình cho tướng Khánh các chương trình của CIA về bình định và tình báo. Khánh đồng ý với chương trình bình định và ủy nhiệm phó thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn (Đại Việt) làm việc với CIA về chương trình bình định. Ông Nguyễn Tôn Hoàn có những quan hệ đặc biệt với CIA từ giữa thập niên 1950. Peer de Silva cho Khánh biết CIA cũng đang làm việc với các chính trị gia đối lập không cộng và khuyên tướng Khánh không nên lo ngại gì vì mục đích của CIA là nắm bắt không khí chính trị tại Sài gòn. Cũng do yêu cầu của tướng Khánh, CIA huấn luyện toán vệ sĩ bảo vệ tướng Khánh.
Theo đánh giá của CIA tướng Khánh thông minh, năng động và có tài tổ chức, nhưng ông không làm được việc gì vì một phần do không khí chia rẽ tại Sài gòn, một phần vì “cái tôi” của ông quá lớn. Trong bối cảnh đó, Khánh – cũng như ông Diệm và ông Minh – chỉ biết trông cậy vào sự ủng hộ của người Mỹ. Khánh yêu cầu CIA vạch một kế hoạch giúp Khánh đào tẩu trong trường hợp bị đảo chánh, trái lại CIA dùng ảnh hưởng bên cạnh Khánh để bảo đảm an ninh cho các tướng “Đà Lạt”.
Bước vào mùa Xuân năm 1964 tình hình an ninh miền Nam xấu hơn. Tướng Khánh và đại sứ Lodge cùng nhận định rằng, với tình hình này tướng Võ Nguyên Giáp có thể xua quân sang vĩ tuyến 17 chiếm 5 tỉnh tại địa đầu miền Trung. Tướng Khánh đề nghị giải pháp “tiên hạ thủ vi cường” Hoa Kỳ nên tấn công ra Bắc trước để gỡ áp lực cho miền Nam. Khi McNamara đến thăm Sài gòn lại vào giữa tháng 5-1964, tướng Khánh nhắc lại đề nghị này, nhưng McNamara không “ừ hữ” gì . McNamara chỉ nhấn mạnh với tướng Khánh rằng từ lúc ông Diệm bị lật đổ đến nay miền Nam mất thêm vào tay Việt Cộng 200 xã, tức 12% đất đai. Vào lúc này do áp lực của Hoa Kỳ, Khánh trả tự do cho 5 tướng Đà Lạt. Lucien Conein gặp các tướng Đà Lạt sau khi được trả tự do chỉ để nghe các tướng than phiền và chỉ trích Khánh, ngoại trừ tướng Đôn nói ông có thể ủng hộ tướng Khánh (trong nỗ lực chống cộng sản).
Khánh có khả năng hơn tướng Minh, nhưng ít uy tín đối với sĩ quan hơn, và tình trạng chia rẽ trong quân đội vào thời điểm này báo hiệu sự ra đi của Khánh vào đầu năm sau.
Câu hỏi đối với CIA là: giúp tướng Minh, rồi giúp tướng Khánh, Hoa Kỳ có làm cho các tướng đoàn kết với nhau và có huy động được sự ủng hộ của quần chúng miền Nam trong công cuộc chống Cộng không? Câu trả lời hình như là “không”. Theo CIA , mọi nỗ lực của Hoa Kỳ đối với ông Ngô Đình Diệm trong năm 1955, cũng như sau này đối với tướng Minh, tướng Khánh chỉ có kết quả kéo dài một tình trạng không tránh được là sụp đổ.
Cabot Lodge đi, Taylor tới, Nguyễn Khánh đi & ngôi sao Thiệu-Kỳ xuất hiện.
Tháng 6/1964 Cabot Lodge về Mỹ tham gia cuộc vận động tranh cử tổng thống cho ứng cử viên Barry Goldwater. Tổng thống Johnson bổ nhiệm đại tướng Maxwell Taylor thay thế. Maxwell Taylor nổi tiếng là một viên tướng tài, từng chiến đấu trong Thế chiến 2, từng là Tham mưu trưởng liên quân và cố vấn quân sự của cố tổng thống Kennedy.
Đến Sài gòn, tướng Maxwell mở cuộc tiếp xúc với thành phần quân dân chính, nhưng với tác phong huynh trưởng tự cao tự đại ông đã làm mất lòng các tướng lãnh Việt Nam buộc CIA phải làm trung gian hòa giải, một điều cần thiết nhưng đại sứ Maxwell Taylor không muốn CIA làm.
Cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ làm cho quan hệ giữa tướng Khánh và Maxwell Taylor trở nên nặng nề hơn. Như đã nói, vào tháng 5 tướng Khánh thuyết phục McNamara oanh tạc miền Bắc để gỡ áp lực cộng sản đang đè nặng các tỉnh địa đầu Nam Việt Nam. Các chiến lược gia Hoa Kỳ cũng có tính toán như vậy nhưng chưa quyết định dứt khoát nên Washington khuyên tướng Khánh không nên tuyên bố gì vì đảng Dân chủ đang tố cáo ông Barry Goldwater muốn mở rộng chiến tranh. Nhưng ngày 19/7/64 tướng Khánh kêu gọi “Bắc tiến”, và sau đó tướng Kỳ nói đã đến lúc dội bom Bắc Việt. Maxwell Taylor nổi giận thì Khánh bảo đó là ý của Hoa Kỳ chứ không phải ý kiến cá nhân của ông.
Số phận của tướng Minh là một nguồn bất hòa khác giữa tòa Hoa Kỳ và tướng Khánh. Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Dean Rusk muốn tướng Khánh dùng uy tín của tướng Minh và khối Phật giáo đang ủng hộ tướng Minh cho nỗ lực chiến tranh, trong khi các sĩ quan Công giáo trong quân đội muốn đẩy tướng Minh ra khỏi chức vụ quốc trưởng dù chỉ là một chức hờ.
Tháng 8/1964 do tình hình suy đồi và (có thể) nhu cầu tranh cử, nhân các tiểu đỉnh Bắc Việt hai lần (ngày 2 tháng 8 và ngày 4 tháng 8) tấn công tàu chiến của Hoa Kỳ (vụ Maddox) tổng thống Johnson ra lệnh oanh tạc các căn cứ tiểu đỉnh của Bắc Việt. Ngày 7 tháng 8 quốc hội thông qua quyết nghị Vịnh Bắc Bộ cho phép tổng thống Johnson rộng tay xử dụng sức mạnh quân sự.
Lợi dụng tình hình, ngày 16/8 các tướng họp mật tại Vũng Tàu (không có tướng Minh tham dự), và do đề nghị của tướng Kỳ, biểu quyết cách chức tướng Dương Văn Minh cử tướng Khánh làm quốc trưởng, và công bố Hiến chương Vũng Tàu.
Các thành phần Phật giáo và Công giáo đều xuống đường phản đối (CIA nghi có bàn tay bên trong của tướng Trần Thiện Khiêm) buộc tướng Khánh hủy bỏ Hiến chương, thành lập “tam đầu chế” gồm Khánh-Minh-Khiêm do Khánh cầm đầu để lãnh đạo đất nước và hứa sẽ thành lập chính phủ dân sự trong vòng 60 ngày. Thời gian này trong quân đội có hai tụ điểm quyền lực kình chống nhau, một do đa số người gốc miền Bắc và một do các thành phần thuộc đảng Đại Việt. Tướng Khánh ở trong nhóm thứ nhất ra sức bứng các thành phần Đại Việt ra khỏi chính phủ; trong khi nhóm Đại Việt tính toán đảo chánh tướng Khánh.
Thời gian này CIA bắt đầu chán tướng Khánh vì quân đội chia rẽ và sự bất hòa gia tăng giữa tướng Khánh và đại sứ Maxwell Taylor. Một hôm tướng Khánh mời Lucien Conein lên Đà Lạt để than phiền đại sứ Taylor và yêu cầu Conein trình lại cho đại sứ Taylor. Conein bàn với Peer de Silva và Silva đồng ý nên cho đại sứ Taylor biết (vì quyền lợi chung?). Sau khi nghe Conein thuật lại, đại sứ Taylor nén giận và hỏi Conein “có hiểu tiếng Pháp không?”(tướng Khánh và Conein dùng tiếng Pháp). Mấy hôm sau vào ngày 2/9 đại sứ Taylor nói với Peer de Silva ông nghĩ Conein không có việc gì phải làm ở Sài gòn nữa.
Ngày 11/9 tướng Khánh cho Peer de Silva biết ông có nhận được một lá thư của Thượng Tọa Thích Trí Quang, lãnh tụ khối Phật giáo Ấn Quang hứa ủng hộ, nhưng tướng Khánh nói ông không tin vào lời hứa này. Trong khi đó có nguồn tin cho CIA hay các sĩ quan Đại Việt sắp hành động chống tướng Khánh. Phần Khánh thì đang cùng tướng Kỳ với Phạm Ngọc Thảo tính toán kế hoạch thanh trừng nhóm Đại Việt.
Ngày 13/9 một nhóm sĩ quan Công giáo miền Nam và Đại Việt cùng chuẩn tướng Nguyễn Văn Thiệu chuyển quân về Sài gòn định đảo chánh tướng Khánh, nhưng bất thành do sự can thiệp của tướng Kỳ, Tư lệnh Không quân. Tướng Khánh nhân cơ hội này loại trừ các sĩ quan Đại Việt ra khỏi các chức vụ quan trọng.
Ỷ vào công trạng Kỳ tuyên bố linh tinh làm CIA rất lo âu. Mặc dù Kỳ là người chủ trương dội bom miền Bắc, đường giây của CIA báo cáo rằng Kỳ nói Kỳ có thể bỏ trốn ra Hà Nội. Tổng hành dinh CIA ở Langley yêu cầu CIA Sài gòn tích cực điều tra xem thật sự Kỳ đang suy tính gì. CIA Sài gòn đánh giá Kỳ là một người tầm thường, không có tham vọng chính trị. Ông ta chỉ là người ưa nổi tiếng cho rằng mình có tư thế tạo ra người lãnh đạo (king maker). Cũng theo CIA, ông Kỳ đôi khi hành động bốc đồng vô trách nhiệm, thiếu thông minh và không làm người khác kính nể. CIA nghĩ nên cho Russ Miller (một nhân viên CIA thân thiết với Kỳ và Khánh) trở lại Sài gòn làm việc với Kỳ.
Cuối tháng 9/1964 Miller đến Sài gòn công tác . Gặp Kỳ (bây giờ tự coi mình như đại diện cho nhóm tướng trẻ -young Turk) và tướng Cao Văn Viên, Tham Mưu Trưởmg Liên quân. Kỳ xác nhận vẫn ủng hộ Khánh. Riêng tướng Viên nhận xét với Miller rằng, “cuộc chiến này chỉ có thể thắng nếu các tướng miền Nam có thêm uy tín chính trị”
Ngày 3/10 William Colby, giám đốc Viễn Đông Sự Vụ của Langley đến Sài gòn tìm hiểu tình hình. Khánh than phiền CIA đã thuyên chuyển những người thân tín của ông như Spera và Conein ra khỏi Sài gòn trước cuộc binh biến 13/9 là có hậu ý. Ông Colby giải thích rằng Spera và Conein đã “hết công tác” tại Việt Nam và hứa sẽ chuyển người thân tín khác với Khánh là Miller đến Sài gòn. Ông Colby báo cáo về Langley rằng cần phục hồi quan hệ giữ hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ vì sự bất hòa giữa đại sứ Taylor với Khánh vào cuối tháng 9/64 quá căng thẳng và “không phải không có lý do” ám chỉ thái độ kênh kiệu của đại sứ Maxwell Taylor cũng là nguyên nhân của tình trạng này. Tình hình xáo trộn nội bộ phía các tướng Việt Nam làm cho CIA thiếu cảnh giác đối với tướng Trần Thiện Khiêm. Khiêm là người liên lạc chính yếu của Miller và có một vai trò quan trọng và khó hiểu trong chính quyền Khánh. Khiêm là bộ trưởng quốc phòng của Khánh, nhưng người ta nghi ông đã xúi dục cuộc biểu tình chống Khánh mùa hè 1964. Tháng 8 Khánh từ chức, Khiêm trở thành một trong “tam đầu chế”. Tháng 10 Khánh thành công sắp xếp gởi Khiêm đi công tác Tây Đức. Trong buổi làm việc cuối cùng với Russ Miller, Khiêm than phiền Khánh quá nhượng bộ phe Phật giáo và vì chưa có bằng chứng gì rõ ràng phe Phật giáo đang chủ trương trung lập và chống Hoa Kỳ nên ông ta chưa đảo chánh ông Khánh thôi.
Như đã hứa thành lập chính phủ dân sự, tháng 10 Khánh mời ông Trần Văn Hương làm thủ tướng. Riêng Khánh vẫn giữ chức tư lệnh quân đội, đồng thời “nói ra nói vào” để làm suy giảm uy tín tướng Minh đối với Hoa Kỳ. Trong khi đó Russ Miller theo sát sự chuyển biến động thái của tướng Kỳ. Kỳ bắt đầu ý thức về các vấn đề chính trị và nói với Miller ông ngại rằng sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sẽ thôi không giúp Nam Việt Nam nữa. Lúc này Kỳ nghiễm nhiên là lãnh tụ của nhóm tướng trẻ và CIA đánh giá là người có quyền lực nhất tại Sài gòn.
Rạng sáng ngày 20/12/1964 Khánh gọi Miller và thông báo ông sắp công bố quyết định giải tán Thượng Hội đồng Quốc gia (thành lập hai tháng trước để khoác một chiếc áo dân sự lên chính quyền quân nhân) vì Hội Đồng này không đồng ý với các tướng trẻ cho các tướng già - trong đó có tướng Dương Văn Minh – nghỉ hưu. Trước đây đại sứ Taylor đã khuyên Khánh không nên ép tướng Minh nghỉ hưu, nên Taylor hết sức bất bình. Taylor mời 4 tướng trẻ liên hệ trong nội vụ (gồm Khánh, Khiêm, Thiệu, Kỳ) đến tòa đại sứ than phiền các tướng làm hư hỏng nỗ lực giúp đỡ Việt Nam của Hoa Kỳ. Khánh không tới và Maxwell Taylor đích thân đến bộ Tổng Tham Mưu gặp Khánh và tuyên bố thẳng thừng rằng Khánh không còn được sự ủng hộ của Hoa Kỳ nữa. Khánh nói (nếu vậy) ông sẽ từ chức và đại sứ Taylor nói ông không thấy trở ngại.
Nhưng mãi không thấy Khánh từ chức. Ngày 22/12 đại sứ Taylor gởi Miller xuống Vũng Tàu gặp Khánh để hỏi Khánh tính sao. Khánh nói Khánh sẽ từ chức để duy trì nỗ lực chiến tranh, và yêu cầu Miller nên sắp xếp để bộ trưởng McNamara và Giám đốc CIA McCone đến thăm Việt Nam cho biết tình hình. Khánh nói rằng ông ta hay các tướng trẻ có thể sẽ họp báo tố cáo sự can thiệp vào nội bộ của đại sứ Taylor và dọa rằng cuộc họp báo có thể đưa đến các cuộc biểu tình chống Mỹ tại Sài gòn.
Cuộc họp báo không xẩy ra, nhưng các young Turk bắt đầu vận động Washington thuyên chuyển đại sứ Maxwell Taylor, đồng thời cũng áp lực đẩy Khánh đi để duy trì sự viện trợ quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ. Tháng 1/1965 Khánh lập chính phủ dân sự với ông Phan Huy Quát (Đại Việt) làm thủ tướng. Đa số các bộ do các chuyên viên dân sự nắm giữ, ngoại trừ tướng Thiệu giữ chức bộ trưởng Bộ Quân Lực kiêm Phó Thủ tướng sau khi được thăng Thiếu tướng, và Kỳ giữ bộ Thanh Niên & Thể Thao kiêm Tư Lệnh Không quân.
Ngày 3/2/1965 Kỳ nói với Miller rằng các tướng trẻ không còn ủng hộ Khánh và đã đến lúc Khánh ra đi. Ngày 5/2/65, khi Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy đến Sài gòn chuẩn bị một đợt tăng quân thì Việt Cộng cho đánh bom một căn cứ không quân Mỹ tại Pleiku làm thiệt mạng 8 quân nhân. Hoa Kỳ trả đũa bằng một đợt dội bom Bắc Việt. Hai tuần sau, ngày 19/2 một cuộc đảo chánh để lật Khánh xẩy ra nhưng không bắt được Khánh. Vụ đảo chánh này do các sĩ quan Đại Việt và Công giáo trong đó có tướng Lâm Văn Phát (giống như thành phần chủ chốt cuộc đảo chánh tháng 9/1964). Cuộc đảo chánh bất thành vì không được các tướng trẻ ủng hộ. Ngày 21/2 Kỳ nói với Miller rằng cần để cho tướng Khánh tự nguyện từ chức hơn là lật ông ta.
Nhưng Khánh không từ chức một cách dễ dàng. Ngày 22/2 đại sứ Taylor họp ban tham mưu để tìm cách giải quyết bế tắc. Tướng Westmoreland (người thay tướng Harkins) tự nguyện đi Vũng Tàu thuyết phục Khánh, nhưng đại sứ Taylor thấy cương vị của tướng Westmoreland không đáng làm việc đó và cử Miller đi thay. Kết quả Khánh từ chức ngày 24/2 và được cử đi làm đại sứ lưu vong. Đại tá Lê Văn Nhiều, giám đốc Trung ương Tình báo của Khánh cũng xin đi lưu vong với Khánh. Tướng Trần Văn Minh nắm tư lệnh quân đội thay tướng Thiệu để Thiệu nắm chức Chủ tịch Hôi đồng Quân Lực thay tướng Khánh .
Chính phủ dân sự Khánh để lại hoàn toàn bất lực. Tình hình nông thôn bi đát hơn trong khi tướng Trần Văn Minh cũng không tỏ ra khá hơn gì mấy ông tướng khác.
Trước tình trạng này giới chức cao cấp của Hoa Kỳ có ý tổ chức liên quân Mỹ-Việt để thống nhất lãnh đạo và các đơn vị quân đội Việt Nam sẽ hành quân chung với quân đội Mỹ. Chương trình này không được thực hiện.
Trả đũa vụ oanh tạc Bắc Việt sau vụ đánh căn cứ Không quân Pleiku, cộng sản đánh bom một căn cứ Mỹ tại Quy Nhơn giết 23 lính Mỹ. Ngày 2/3/65 Hoa Kỳ quyết định oanh tạc thường xuyên Bắc Việt trong một chiến dịch mang tên là Chiến Dịch Sấm Động (Operation Rolling Thunder), và ngày 8/3/65 các đơn vị Thủy Quân Lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng.
Quân đội Mỹ gia tăng quân số tại Việt Nam làm nhẹ gánh cho quân đội VNCH và CIA bắt đầu dùng các đường giây dân sự để thẩm định khả năng của tướng Trần Văn Minh và tướng Lê Nguyên Khang, tư lệnh TQLC và 8 tướng khác (ghi chú: tài liệu không ghi danh).
Nhân vật chính trong đường giây này là thủ tướng Phan Huy Quát.
Lúc này Việt Cộng đẩy mạnh chiến dịch khủng bố. Hôm 29/3 một xe bom nổ cạnh tòa đại sứ Hoa Kỳ làm thiệt mạng một thư ký và cơ sở trưởng CIA Sài Gòn Peer de Silva bị thương. Peer de Silva được đưa về Mỹ điều trị. Phó trưởng phòng là Gordon Jorgensen thay. Jorgensen sinh ở Nhật khi bố mẹ đi truyền giáo ở đó. Ông gia nhập ngành tình báo quân đội trong Thế chiến 2 và gia nhập CIA năm 1953 ở cấp bậc Trung tá. Năm 1960, Jorgensen làm trưởng phòng CIA ở Lào. Sau đó trở về Langley phụ trách tổ chức các lực lượng bán quân sự trước khi được thuyên chuyển đến Việt Nam cuối năm 1963.
Thời gian trước khi tướng Khánh đi lưu vong CIA biết Khánh có tiếp xúc với Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng (MTGP). Tháng 4/65 Lucien Conein đến gặp Khánh ở New York và hỏi Khánh về các quan hệ này. Khánh nhận có những tiếp xúc này qua Đại Tá Lê Văn Nhiều. Khánh nói nếu Washington định tiếp xúc với Hà Nội và xâm nhập MTGP Khánh có thể nối lại đường giây. CIA cũng cử Al Spera gặp đại tá Nhiều tại Mỹ vào mùa hè 1965 để lấy thêm tin tức. Nhưng không thấy CIA đá động gì đến vụ này nữa.
Tháng 6 các tướng trẻ giải tán chính phủ dân sự và thành lập Hội Đồng Lãnh Đạo Quốc gia do tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch (tương đương với quốc trưởng), và tướng Kỳ giữ chức chủ tịch Ủy ban Hành Pháp Trung ương (tức Thủ tướng).
Theo CIA, rất khó phán đoán Thiệu vì ông ta kín đáo và trong thành phần phụ tá cận kề của ông ít có người giao tiếp với CIA. Nhận định chung của CIA Thiệu là người thận trọng, đa nghi quá mức cần thiết và kỵ người ngoại quốc (xenophobic).
Trái lại, Kỳ rất dễ biết vì có nhiều nhân sự thân cận Kỳ có quan hệ với CIA.Theo CIA Kỳ là một phi công giỏi, có khả năng lôi kéo người khác theo mình (charismatic), nhưng không có kinh nghiệm hành chánh và thích làm chuyện giật gân nguy hiểm. Kỳ thích uống rượu, đánh bạc và ve gái. Một nguồn tin nói rằng sau khi bị ông Diệm tạm giữ một thời gian do vụ hai phi công thưộc Không quân bỏ bom dinh Độc Lập ngày 2/1/1962, ông Kỳ nói ông khoái những vụ bỏ bom như vậy vì tính gay cấn của nó chứ không phải vì chính trị.
Ông Kỳ làm việc hết mình ở chức vụ thủ tướng. Ông đưa ra một chương trình chiến tranh 26 điểm, nhưng tình hình chiến tranh không thấy xoay chuyển. Lúc này Hoa Kỳ có 50.000 quân tại Việt Nam và từ tháng 5/65 tổng thống Johnson cho phép quân đội Hoa Kỳ trực diện đánh nhau với quân đội Bắc việt. Ngày 21/6 Jorgensen gặp thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ thuyết trình cho Kỳ biết chương trình tình báo và sự tiến triển của chương trình bình định. Nhân dịp này Kỳ yêu cầu CIA thông báo kịp thời cho ông nếu có âm mưu đảo chánh.
Sau khi chính phủ Phan Huy Quát sụp đổ, CIA rất lo ngại phản ứng của khối Phật Giáo Ấn Quang. Ấn Quang vốn có cảm tình với chính phủ của thủ tướng Quát. Mặt khác, Thượng Tọa Thích Trí Quang vốn không tin ông Thiệu và ông Kỳ, nay thấy Hoa Kỳ ủng hộ chính phủ Thiệu-Kỳ nên quan hệ giữa Phật giáo và tòa đại sứ Hoa Kỳ trở nên lạt lẽo.
Lúc này nhiệm kỳ đại sứ Maxwell Taylor vừa tròn một năm, và ông ta – do căng thẳng giữa ông với các tướng lãnh ở Sài gòn, và sự phản đối của ông đối với chính sách dùng quân đội Mỹ tác chiến tại Việt Nam - không được tổng thống Johnson mời ở lại. Ngày 8/7/65 ông từ chức đại sứ và cựu đại sứ Henry Cabot Lodge trở lại Sài gòn thay thế ông.
Sự trở lại của ông Lodge không cải thiện quan hệ với khối Ấn Quang vì đại sứ Lodge không muốn CIA dính líu nhiều đến chuyện chính trị nội bộ của Việt Nam. Một bất đồng ý kiến khác: khối Ấn Quang đòi hỏi tổ chức bầu cử để hợp pháp hóa chính quyền miền Nam trong khi đại sứ Lodge cho rằng tình hình chiến tranh không cho phép tổ chức bầu cử.
Để ve vãn khối Ấn Quang, CIA liên lạc với thầy Trí Quang hứa giúp tài chánh để Ấn Quang thực hiện chương trình đào tạo tăng ni nếu Ấn Quang không dùng số tiền này vào công việc chống chính phủ. Trao đổi qua lại đến tháng 8/65 Ấn Quang đồng ý nhận sự trợ giúp của CIA. Sự trợ giúp này từ tháng 5 đến tháng 12/1965 tổng cọng gồm 2 triệu đồng (tương đương với thời giá 12.500 mỹ kim).
Chiến dịch bỏ bom Bắc Việt và sự tham chiến của quân đội Hoa Kỳ giúp tình hình quân sự của miền Nam trở nên sáng sủa. Lợi dụng tinh hình này CIA đẩy mạnh chương trình bình định. Trên danh nghĩa Hoa Kỳ chỉ cố vấn các giới chức Việt Nam, nhưng trên thực tế CIA điều hành trực tiếp chương trình bình định từ cấp tỉnh trở xuống.
Chương 3: Hoa Kỳ tìm đường rút lui
Chương 4: Trận tấn công Mậu Thân và nỗ lực của Hoa Kỳ chính trị hóa cuộc chiến Việt Nam.
Hoa Kỳ tìm đường rút lui:
Tháng 3, 1965 khi Trung đoàn 3 TQLC Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng, quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam là 27.000 người. Ngày 6/4 quân Mỹ bắt đầu hành quân đánh nhau với quân Bắc việt. Tháng 5 Lữ đoàn 173 Dù tới. Và vào tháng 6 năm 1966 quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam lên đến 285.000 người.
Mùa hè năm 1965, trước khi tổng thống Johnson cho đưa quân đến Việt Nam, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu CIA dò dẫm tìm xem có sự bất hòa nào giữa Mặt trận Giải phóng miền Nam (MTGP) với Hà Nội không để mở đường thương thuyết, nhưng Phó giám đốc CIA Richard Helm cho rằng đó là một ý kiến thiếu thực tế, vì sự dọ dẫm qua một nước thứ ba không thể giữ kín và sẽ làm cho Hà Nội cũng như Sài gòn nghĩ rằng nỗ lực bảo vệ miền Nam của Hoa Kỳ đã suy mòn. Mãi một năm sau CIA mới thực sự mở đường dò tìm.
Trong khi đó lực lượng Phật giáo tại Huế mở màn cuộc tranh đấu phản đối chính phủ Nguyễn Cao Kỳ khi Kỳ định bổ nhiệm một Hội đồng nghiên cứu Hiến pháp thay vì tổ chức bầu cử một Quốc hội Lập hiến viết Hiến Pháp đặt căn bản cho sự thành hình một chính phủ dân sự.
Thời gian này nội bộ quân đội VNCH chia rẽ nhau. Nhóm sĩ quan Công giáo và trung thành với cựu tổng thống Ngô Đình Điệm chống nhóm ghét-Diệm và Đại Việt, và hai nhóm này cùng chống lại nhóm sĩ quan thân Phật giáo chủ trương trung lập. Tướng tư lệnh Vùng I chiến thuật có khuynh hướng thiên phe Phật giáo chống Kỳ. Lo ngại sự bất hòa nội bộ quân đội làm tổn thất nỗ lực chiến tranh, CIA và các tướng Westmoreland, tư lệnh quân đội Mỹ và tướng Lewis W. Walt chỉ huy TQLC Hoa Kỳ tại vùng địa đầu phải đứng ra hóa giải.
Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ thay tư lệnh này đến tư lệnh khác tại Vùng I vẫn không làm yên được tình hình chống đối chính quyền trung ương của Phật giáo. Ngày 19/5 Thiệu và Kỳ đưa quân ra Đà Nẵng nhanh chóng chiếm các chùa và doanh trại quân sự do phe chống đối chiếm. Tuy nhiên phong trào chống chính quyền vẫn chưa bị dập tắt, và tòa đại sứ Mỹ lo ngại dư luận quần chúng Hoa Kỳ sẽ bất lợi cho cuộc chiến tranh vì lúc này quân đội Mỹ đang lãnh phần hành quân.
Tại Huế, cuộc tranh đấu có màu sắc chống Mỹ. Các Phật tử biểu tình trước tòa lãnh sự Mỹ và đốt phòng thông tin Hoa Kỳ. Đại sứ Lodge hốt hoảng trước biến chuyển này và ông đánh điện báo cáo cho tổng thống Johnson rằng có những dấu hiệu “hiển nhiên” cho thấy cộng sản đã xâm nhập Phật giáo. Trong hồi ký của Peer de Silva, ông ta cũng dùng những danh từ nặng nề kết án Thượng Tọa Trí Quang, và William Colby cũng vậy. Tuy nhiên theo CIA về mặt tình báo không có thông tin nào vững chắc chứng tỏ rằng phong trào tranh đấu của Phật giáo do cộng sản chủ mưu. Cuối tháng 6, Kỳ dẹp tan nhóm quân nhân chống đối ở miền Trung và ổn định tình hình. CIA cũng chấm dứt chương trình trợ cấp cho thầy Trí Quang.
Giữa năm 1966 khi chính phủ Nguyễn Cao Kỳ tổ chức bầu cử quốc hội lập hiến, CIA lại liên hệ với các ông tướng trong việc yểm trợ ngân khoản vận động . Qua yêu cầu của tướng Nguyễn Ngọc Loan, Giám đốc cảnh sát quốc gia và An ninh quân đội, với sự đồng ý của đại sứ Lodge, ngày 25/8 CIA cấp cho Loan 10 triệu đồng (tương đương 85.000 mỹ kim) để bù vào ngân khoản của cảnh sát Loan đã dùng để yểm trợ cuộc vận động tranh cử của các ứng cử viên thân Kỳ. Sau đó John Hart đến Sài gòn thay cho Gordon Jorgensen làm trưởng cơ sở CIA Sài gòn.
Hart muốn làm việc sát với các tướng hơn, và giữa tháng 11 đã yêu cầu Langley cấp 14 triệu đồng cho Loan để củng cố vị trí của Kỳ. Loan nói Kỳ cần số tiền này để tránh sự xoi mói của các tướng trong Hội đồng Lãnh đạo Quốc gia rằng Kỳ đã dùng quỹ đen của văn phòng thủ tướng cho mục tiêu chính trị, và sự xoi mói này đang đe dọa vị trí của Kỳ.
Langley không chấp thuận đề nghị của John Hart vì nghi ngờ Loan và đề nghị thay thế Loan. Số tiền 10 triệu đồng đã giúp Loan chỉ làm cho Kỳ bớt lúng túng (trước sự nhòm ngó của Hội đồng Lãnh đạo) nhưng đã không giúp ích gì vào kết quả cuộc bầu cử. Hai ứng cử viên thân Kỳ tại Đà Nẳng đều thất cử.
Tướng Nguyễn Ngọc Loan là một sĩ quan thông minh, quyền biến và tuyệt đối trung thành với Kỳ, nhưng Loan có tính độc lập ít nghe lời cố vấn của Hoa Kỳ và đôi khi có tác phong rất “hề” như đi làm mặt đồ trận, chân đi dép cao su và không bao giờ đúng hẹn, và đặc biệt coi thường quyền cá nhân của người khác và xem thường các chương trình của chính phủ để thu phục lòng dân. John Hart sau này nhận xét rằng, Hart thích tính của Loan dù chưa có lần nào Loan nghe lời ông ta, và có lẽ Loan là giới chức Việt Nam duy nhất dám thẳng thắn nói với giới chức Hoa Kỳ rằng ông không đồng ý khi ông không đồng ý việc gì. Khi Langley tính thay thế Loan, CIA và tòa đại sứ Hoa Kỳ đứng trước một vấn đề nan giải là ai có khả năng thay Loan. Hart nói rằng nếu Hoa Kỳ muốn ủng hộ Kỳ thì không thể thay thế Loan. Loan đã chứng tỏ rất hữu ích trong hai nỗ lực của CIA trong năm 1967 là: (1) Phát triển một đường giây tiếp xúc với thành phần MTGP có khả năng độc lập với Hà Nội và (2) Duy trì sự ổn định của chính phủ Kỳ.
Hoa Kỳ có ý tìm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến Việt Nam từ mùa Xuân năm 1966 khi John Hart đến Sài gòn thay thế Peer de Silva. Hart cho mở một phòng (gọi là Viet Cong Branch) chuyên lo việc tìm đường giây tiếp xúc với MTGP không qua các thông tin từ phía VNCH. Đến cuối năm 1966 văn phòng này đã mở được vài đường giây.
Tại Washington, từ đầu năm 1966 bộ trưởng quốc phòng McNamara đã nghĩ cuộc chiến không thể thắng bằng quân sự và tổng thống Johnson đã có khuynh hướng tìm một giải pháp chính trị. Tổng thống Johnson bổ nhiệm đại sứ W Arerell Harriman làm đại sứ hòa bình (Ambassdor for Peace).
Qua tin tức cung cấp bởi một nhân viên người Việt làm việc với phái bộ viện trợ kinh tế Mỹ tại Sài gòn, Washington tưởng rằng đã có điều kiện cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ (chủ tịch MTGP) bỏ MT và ra lệnh cho tòa đại sứ Hoa Kỳ chuẩn bị một chiếc máy bay cho Thọ bay sang Cam bốt. Được lệnh chuẩn bị máy bay, CIA cho điều tra và khám phá ra đây là tin “dỏm”. Sau vụ này CIA tìm cách tiếp xúc với con gái của Thọ ở Sài gòn, nhưng cô ta nói cha con cô bất hòa và cô không chịu hợp tác.
Trong nỗ lực tiếp xúc với MTGP, CIA tìm cách tiếp cận với Trần Bửu Kiếm, ủy viên ngoại giao của MTGP, một người – theo hồ sơ CIA – có tư tưởng phóng khoáng và vợ của Kiếm đang bị cảnh sát của Loan giam giữ. CIA và đại sứ Lodge đề nghị Việt Nam trả tự do cho bà ta để lấy lòng Kiếm. Sự tiếp xúc này cũng là một cách đo lường xem MTGP và lực lượng quân sự của MT có độc lập với Hà Nội không và nếu có thì độc lập đến mức độ nào. Ngày 28/1 thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ cho đại sứ Lodge biết Việt Nam đồng ý kế hoạch tiếp xúc (mặc dù Kỳ biết khởi đầu Hoa Kỳ thực hiện việc tiếp xúc này sau lưng Kỳ). Russ Miller, phụ tá của John Hart sắp xếp vụ trao đổi tù nhân với Kỳ và Loan. Ngày 16/2 Loan giao bà Phạm thị Yến (vợ của Trần Bửu Kiếm ) cho CIA. Sau vài ngày tẩm bổ cho lại sức CIA làm việc với bà Yến và bà tiết lộ bà đồng ý một giải pháp chính trị hơn là giải pháp quân sự của Hà Nội. Bà Yến nói bà không tin có sự bất hòa nào giữa MTGP và Hà Nội. Bà từ chối đề nghị của CIA lén mang radio để liên lạc, nhưng hứa sẽ chuyển thư hay lời nhắn gì của CIA đến chồng bà. Russ Miller đích thân hộ tống bà Yến đến biên giới Miên-Việt trong tỉnh Tây Ninh ngày 28/2 và giao cho MT tại đó. Trong hai tháng CIA không được hồi âm. Ngoài Trần Bửu Kiếm, CIA còn mở đường tiếp xúc qua tướng Dương Văn Minh, khi đó đang lưu vong ở Bangkok. CIA muốn ông Minh tiếp xúc với người em là Dương Văn Nhựt, sĩ quan cao cấp trong quân đội Bắc Việt. Minh từ chối yêu cầu này nói rằng tuy là anh em, nhưng mỗi người một lý tưởng khác nhau.
Ngày 1/4/67, Quốc hội Lập hiến thông qua bản Hiến pháp và dự trù bầu tổng thống vào mùa Thu. Ngày 1/5/67 đại sứ Ellworth Bunker đến Sài gòn thay Lodge. Ông Bunker tích cực can thiệp vào cuộc bầu cử mà CIA đã chuẩn bị sân chơi từ tháng 2/67 khi yêu cầu Kỳ thành lập một MT đoàn kết quốc gia để chuẩn bị ra ứng cử tổng thống. Tướng Westmoreland và đại sứ Bunker có ý ủng hộ Thiệu. Trong khi đó Washington muốn Hoa Kỳ giữ thái độ trung lập giữa Thiệu và Kỳ. Tháng 3/67 một nhà xuất bản Hoa Kỳ đề nghị xuất bản một cuốn sách cho Kỳ. CIA muốn nhân dịp này yêu cầu Kỳ công khai xác định lập trường hợp tác với Hoa Kỳ, đồng thời (để tăng uy tín của Kỳ) đề nghị Kỳ tuyên bố tặng tiền bán sách cho các cơ sở từ thiện. Dự tính này rơi vào quên lãng. Ngày 12/5 Kỳ tuyên bố ra ứng cử tổng thống.
Tháng 5/1967 Loan đi công tác Hoa Kỳ và công khai nói rằng tại sao Kỳ không thể dùng bộ máy chính quyền trong tay để vận động tranh cử. Phó giám đốc CIA Richard Helm và giám đốc Cục Viễn Đông của CIA William Colby nguội lạnh trước ý kiến này và lưu ý Loan nên để tâm đến việc tiếp xúc với MTGP. Loan không phản đối và đề nghị CIA cứ làm việc đó với đường giây riêng của mình.
Việc Loan muốn dùng thế chính phủ vận động cho Kỳ, trong khi tòa đại sứ Hoa Kỳ muốn giữ thế trung lập giữa Thiệu và Kỳ buộc đại sứ Bunker tìm cách vận động cách chức Loan. Nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ muốn dùng Kỳ bảo Loan không nên làm quá trớn.
Miller gặp Kỳ ngày 21/6 để áp lực. Kỳ hứa sẽ nói với Loan và sẽ chuyển chức vụ giám đốc An ninh Quân đội (của Loan) cho người khác. Trước đó Miller đã dùng hai đàn em thân tín của Kỳ (làm việc cho CIA) gặp Kỳ đề nghị Kỳ nên triệu tập các tỉnh trưởng và quận trưởng toàn quốc về họp và chỉ thị không được dùng thế chính quyền để ủng hộ Kỳ để chứng tỏ Kỳ không lạm dụng quyền lực. Trong buổi gặp này Kỳ nói với Miller rằng Kỳ có sáng kiến sẽ triệu tập các tỉnh, quận trưởng cũng với với mục đích như vậy. Miller biết “sáng kiến” này đến từ đâu!
Đại sứ Bunker hài lòng với cách thức gián tiếp “thuyết phục Kỳ” như vậy để thực hiện bề ngoài trung lập theo chỉ thị của bộ Ngoại giao.
Nhưng một biến chuyển bất ngờ xẩy ra (?). Hội đồng tướng lãnh Việt Nam sau 2 ngày họp, ngày 30/8/67 tuyên bố đã ép Kỳ đứng phó cho liên danh Thiệu-Kỳ để tránh chia rẽ quân đội. Kỳ giải thích quyết định này trong riêng tư rằng ông làm vậy vì “quyền lợi quốc gia” và rằng ông Thiệu đồng ý sau khi đắc cử mọi quyền hành đều giao cho Kỳ (như Kỳ là tổng thống) và Thiệu chỉ là tổng thống làm vì.
Ngoài liên danh Thiệu-Kỳ còn có nhiều liên danh dân sự trong đó có liên danh của ông Trần Văn Hương là nổi bật nhất. Hoa Kỳ không muốn thấy một tổng thống dân sự nhưng vẫn tỏ ra trung lập giữa hai ứng cử viên Thiệu và Hương. Ngày 21/6 Kỳ gặp Miller và đề nghị cử Nguyễn Xuân Phong, một nhân vật thân CIA và là một viên chức trong bộ máy tranh cử của liên danh Thiệu-Kỳ làm trung gian giữa liên danh Thiệu-Kỳ với CIA. Phong có nhiệm vụ thông báo cho Miller mọi kế hoạch tranh cử của liên danh và nhận đề nghị của Miller. Ngày 20/7 Phong báo cáo với Miller rằng Thiệu sẵn sàng đóng vai trò phụ sau khi đắc cử như Kỳ đã nói trước đây. Và qua Phong, trong tháng 7/67 Kỳ nhận của Hoa Kỳ 5 triệu đồng để tổ chức một Mặt Trận tôn giáo và chính trị ủng hộ liên danh quân nhân.
Dù yểm trợ như vậy, CIA vẫn lo ngại liên danh Thiệu-Kỳ có thể thất cử, nên đồng ý với đề nghị của Phong để cho Loan dùng cảnh sát công an “vận động” phiếu cho Thiệu-Kỳ trong những vùng Thiệu-Kỳ có khả năng không có phiếu. Ngày 26/7 Miller chuyển cho Phong một cương lĩnh vận động tranh cử (sau khi đại sứ Bunker đã duyệt) gồm hứa tăng lương cho quân nhân và công chức, chống tham nhũng và phát triển đời sống vùng nông thôn. Kỳ đồng ý và hình như không thông báo gì cho Thiệu. Kỳ yêu cầu Hoa Kỳ yểm trợ thêm tiền và dọa rằng nếu Hoa Kỳ không giúp Kỳ phải dùng Loan “mượn tiền” nơi một số người. Dù vậy Hoa Kỳ vẫn không giúp thêm, và vài ngày sau Phong cho Miller biết Kỳ đã giải tỏa 8 triệu đồng cho bộ máy tranh cử trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tiền đâu ra ? CIA thắc mắc thì Phong cho biết tiền do Loan xoay. Đại sứ Bunker còn một đề nghị sau cùng là Kỳ từ chức thủ tướng 2 tuần trước ngày bầu cử, nhưng Kỳ thẳng thừng gạt bỏ ý kiến của Bunker.
Giữa tháng 8/67 liên danh Trần Văn Hương yêu cầu Hoa Kỳ yểm trợ tài chánh tranh cử. Đã giúp liên danh Thiệu-Kỳ, đại sứ Bunker muốn giúp Hương để giữ thế trung lập, nhưng Washington không thuận.
Một điều đáng ghi nhận là trong cuộc tranh cử, Thiệu âm thầm để Kỳ và Loan tự do làm việc với tòa đại sứ Mỹ qua trung gian Nguyễn Xuân Phong.
Ngày 3/9/1967 Thiệu-Kỳ thắng cử với 35% số phiếu bầu. một kết quả quá khiêm nhường so với ưu thế của liên danh quân đội. CIA cho rằng có lẽ nhân viên các cấp bỏ tiền vận động vào túi thay vì dùng để vận động.
Sau cuộc bầu cử người ta thấy Thiệu không im lặng như trước bầu cử và không đóng vai trò phụ cho Kỳ như mọi người tưởng. Hoa kỳ lo ngại sự thể này có thể làm Kỳ từ chức Phó tổng thống hay tệ hơn là công khai kèn cựa với Thiệu tổn hại đến tinh thần quân đội và nỗ lực chiến tranh.
Đụng chạm đầu tiên: Đài truyền hình NBC muốn phỏng vấn Thiệu và Kỳ trong chương trình “Meet The Press”. Thiệu nói với NBC chỉ cần phỏng vấn tổng thống là đủ. Kỳ nổi giận và Miller phải tìm cách khuyên Kỳ tự chế.
Trong khi đó Hart lo việc vận động Quốc hội Lập hiến hợp thức hóa kết quả bầu cử và dọn đường làm việc với Thiệu. Mười ngày sau Miller gặp Thiệu và Thiệu đồng ý nhận Miller làm trung gian giữa phủ tổng thống với tòa đại sứ. Ngày 2/10 Quốc hội Lập hiến hợp thức hóa sự đắc cử của liên danh Thiệu - Kỳ và ngày 31/10 tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ tuyên thệ nhậm chức.
CIA cũng bắt đầu bận rộn chuẩn bị cuộc bầu cử quốc hội dự trù tổ chức vào tháng 12/1967. Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý chi 3.000 mỹ kim cho mỗi đối tượng dân biểu thân Hoa Kỳ (Bunker chỉ đề nghị $1.500 mỹ kim).
Sáu tuần lễ trước đó Loan bắt được một đường giây với MTGP do việc cảnh sát bắt được một cán bộ cấp thấp của MT là Trương Đình Tòng. Anh ta mang một lá thư của Trần Bạch Đằng gởi đại sứ Bunker đề nghị trao đổi tù nhân. Đại sứ Bunker yêu cầu Thiệu giúp đồng thời làm việc với Loan. Ngày 9/7/67 Loan giao Trương Đình Tòng cho CIA để trả về Cục R theo đường Củ Chi. Hơn 10 ngày sau Tòng trở lại mang thư của Trần Bạch Đằng cho biết sẵn sàng nói chuyện với Hoa Kỳ về việc trao đổi tù nhân. CIA trang bị dụng cụ liên lạc cho Tòng (để tránh việc đi qua đi lại dễ bị lộ) và ngày 28/9 CIA đưa Tòng về cục R qua biên giới Việt Miên. CIA yêu cầu tướng Westmoreland ngưng tấn công trong vùng đó 24 giờ để bảo đảm an toàn cho Tòng.
MTGP không dùng dụng cụ liên lạc do CIA cung cấp. Ngày 25/10 Tòng trở lại mang thư cho biết ngoài việc trao đổi tù nhân MT sẵn sàng trao đổi các vấn đề khác nhưng khẳng định không nói chuyện với chính quyền của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Thời gian này Phó tổng thống Hubert Humphrey viếng Sài gòn và ông tỏ ra quan tâm nhiều đến việc móc nối với MTGP hơn là để thì giờ hỏi han sự tiến triển của chương trình bình định.
Ngày 4/11 đại sứ Bunker đích thân thông báo tổng thống Thiệu về cuộc tiếp xúc với MTGP. Hôm sau 5/11 Miller gặp Thiệu để bàn vào chi tiết kế hoạch. Thiệu đồng ý để Loan làm việc với CIA về mặt kỹ thuật, riêng ông ta sẽ quyết định mặt chính trị. Hoa Kỳ cảm thấy khó khăn khi cùng làm việc với Thiệu và Loan để thảo bức thư trả lời cho MTGP. Thiệu lo rằng việc liên lạc với MTGP dù có chính phủ Việt Nam tham dự hay không cũng đều làm mất tư thế chính trị của chính phủ Việt Nam nếu bị tiết lộ. Thật ra đã có sự tiết lộ và CIA nghi Loan là thủ phạm. Loan dọa từ chức cho rằng tổng thống Thiệu bổ nhiệm nhiều nhân vật thân cộng vào chính phủ làm trở ngại chương trình “chống cộng sản phá hoại” (subversion) của ông .
Ở mức độ kỹ thuật, thời gian này, có sự bất đồng ý kiến giữa Loan và Hoa Kỳ. Loan chỉ đồng ý trả tự do cho Tòng và người mang thư đầu tiên của Trần Bửu Kiếm, trong khi Hoa Kỳ muốn trả tự do cho 10 tù nhân trong danh sách của MTGP. Được Miller thông báo chi tiết, tổng thống Thiệu cho rằng người Mỹ quá “ngây thơ” đối với cộng sản và cho rằng việc trao đổi tù nhân sẽ làm giảm uy tín của ông đối với quân đội và nhân dân miền Nam.
Đầu tháng 12/67 Bunker đích thân gặp Thiệu và thuyết phục Thiệu đồng ý trả tự do cho 3 người gồm bà Mai Thị Vàng, vợ của Trần Bạch Đằng, Tòng và người mang thư đầu tiên của Kiếm. Tòng và người mang thư của Kiếm được trả tự do tại phía Tây Sài gòn trong vùng cộng sản kiểm soát. Riêng bà Vàng sau thời gian dưỡng sức, CIA đưa bà đến căn cứ Củ chi, từ đó bà theo một đoàn xe của quân đội Mỹ đi Tây ninh và được thả dọc đường, nơi có hẹn trước vào ngày 5/1/68. Ngày 18/1 Tòng trở lại cho biết MTGP sẽ trả tự do cho 2 tù nhân Mỹ và 14 tù nhân Việt Nam.
Ngày 30/1, cộng sản mở cuộc tấn công Mậu Thân, nhưng Hoa Kỳ vẫn không lơ là theo dõi việc trao trả tù nhân. Ngày 3/2 Miller gặp Thiệu yêu cầu Thiệu thả thêm tù nhân đế đáp lễ MTGP. Theo một danh sách của Miller cộng sản đã trả tự do cho 70 quân nhân Mỹ Việt trong khi phía Việt Nam mới thả 40 tù nhân bị thương và bệnh hoạn. Miller áp lực Thiệu rằng Washington (ý là tổng thống Johnson) hết sức quan tâm đến vụ trao đổi tù nhân này.
Hy vọng Kỳ có thái độ hợp tác với Hoa Kỳ (về việc tiếp xúc với MT qua việc trao đổi tù nhân) hơn tổng thống Thiệu, ngày 8/2 Miller gặp Kỳ và cho Kỳ biết – theo Tòng – cộng sản đánh trận Mậu Thân là để tạo điều kiện cho cuộc thương thuyết nên Việt Nam nên thả thêm tù nhân.
Kỳ hứa sẽ thảo luận thêm với Thiệu. Sau đó ngày 22/2/68 Tòng và 4 tù nhân khác được trao trả cho cộng sản. Tòng không bao giờ trở lại Sài gòn nữa và cuộc trao đổi tù nhân với MTGP chấm dứt.
Mấy tháng sau cuộc thương thuyết tìm một giải pháp chính trị cho Việt Nam chính thức chuyển sang bàn hội nghị tại Paris.
Trận tấn công Mậu Thân và nỗ lực của Mỹ chính trị hóa cuộc chiến Việt Nam
Khoảng tháng 12/67 tình báo Hoa Kỳ đoán biết cộng sản sắp mở một cuộc tấn công. Và cuộc tấn công đã diễn ra tại Sài gòn ngày 31/1 vào lúc ngưng bắn nhân dịp Tết Mậu Thân. Cộng sản không lật đổ được chính phủ Việt Nam như dự tính, nhưng làm trì trệ chương trình bình định nông thôn của Việt Nam. Tướng Westmoreland xin thêm quân số mặc dù lúc đó Hoa Kỳ đã có 495.000 binh sĩ tại Việt Nam.
Sự thể tình báo Hoa Kỳ không nắm được tin tức chính xác trước một cuộc tấn công rộng lớn toàn quốc như vậy làm cho CIA rất lúng túng. CIA chỉ biết vài tin tức và không đủ để có một bức tranh tổng quát. Do tin từ tỉnh Long An, CIA biết cộng sản định dùng cuộc tấn công để áp lực Sài gòn thành lập chính phủ liên hiệp với sự tham dự của MTGP. Do tin tức từ Nha Trang, CIA biết cộng sản dự tính chiếm Pleiku và Kontum. Hai ngày trước cuộc tấn công CIA biết thêm tin cộng sản cho thành lập 6 phân khu quanh Sài gòn, nhưng không đoán ra đó là sự chuẩn bị của cộng sản để đánh vào Sài gòn.
Trước các tin tình báo này Westmoreland cho chuyển mấy tiểu đoàn quân Mỹ về vùng Sài gòn và ra lệnh quân đội báo động. Ngày 29/1 tình báo Việt Nam biết rõ rằng cộng sản sẽ tấn công vào dịp Tết. Nhưng đã quá trễ để ban hành thêm những biện pháp đối phó. Một số quân nhân đã đi nghỉ phép nhân cuộc hưu chiến Tết. Và Hà Nội đã có lợi thế “bất ngờ chiến thuật”.
Khi quân đội VNCH và quân đội Mỹ đã chận đứng được cuộc tấn công của cộng sản, George Carver thuộc trung ương CIA phụ trách Việt Nam và ban tham mưu của ông bắt đầu bắt tay vào việc phân tích sự mạnh yếu quân sự và chính tri của Hà Nội và VNCH qua cuộc tấn công và phản công. Sau khi đúc kết George Carver đưa ra một kế hoạch chấn chỉnh rộng lớn mang tên là “Operation shock”. CIA nhận định rằng quân đội VNCH thắng về mặt quân sự vì đã gây tổn thất lớn cho quân đội cộng sản và tiêu diệt được hạ tầng. Nhưng sự việc cộng sản có thể giữ kín chi tiết một cuộc tấn công như vậy cho thấy VNCH chưa tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng nông thôn. Và trận tấn công Tết Mậu Thân đã tạo một cú “shock” lớn đối với chính quyền, báo chí và dư luận dân chúng Mỹ.
Phúc trình của George Carver kết luận rằng tâm lý của tướng lãnh Việt Nam là ỷ lại vào Mỹ nên VNCH không có chương trình vận động và tranh thủ quần chúng, và các tướng chỉ đánh giặc cầm chừng. CIA nhận định rằng cần thay đổi tức khắc tâm lý nguy hiểm này và cần chọn người có khả năng để giao trách nhiệm.
Hoa Kỳ đề nghị tổng thống Thiệu giao các bộ Quốc Phòng, Nội vụ và Phát triển nông thôn cho tướng Nguyễn ĐứcThắng. Và giao cho Kỳ thực hiện một chương trình thanh lọc sĩ quan và công chức cấp cao tham nhũng và bất tài và thành lập một Mặt Trận chính trị có căn bản quần chúng gồm mọi thành phần không cộng sản.
Hoa Kỳ dự tính yêu cầu Thiệu hoàn tất chương trình trong 100 ngày với sự giúp đỡ vật chất của Hoa Kỳ ngoài các chương trình viện trợ hiện hữu. Hoa Kỳ tính rằng sau 100 ngày nếu Thiệu không làm được Hoa Kỳ sẽ (1) áp lực Thiệu từ chức để thay thế bằng một nhân vật có khả năng, (2) Hoa Kỳ có thể oanh tạc Bắc Việt và mở đường thương thuyết với Hà Nội để chuẩn bị rút quân (3) Xem MTGP là một thực thể chính trị để tiến đến sự thành lập một chính phủ liên hiệp. Phó giám đốc CIA Richard Helm gởi bản phúc trình đến các cơ sở có trách nhiệm hoạch định chính sách về Việt Nam, nhưng không thấy cơ sở nào chính thức trả lời. Ngoại trừ những bồ câu như phụ tá bộ trưởng ngoại giao Nicolas Katzenback và thứ trưởng quốc phòng Paul Nitze khen bản phúc trình, trong khi những diều hâu như Walt Rostow ở bộ Ngoại giao và tướng Earl Wheeler Tham mưu Trưởng Liên quân thì chê, cho rằng thiếu thực tế.
Bản phúc trình George Carver rơi vào sự quên lãng.Tuy nhiên bản điều nghiên này của trung ương CIA là bản điều nghiên thấu triệt và dứt khoát nhất của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến Việt Nam sau trận Mậu Thân. Nó ảnh hưởng lớn đến quyết định của tổng thống Johnson ngày 31/3/68 khi ông tuyên bố ngưng dội bom một phần Bắc Việt, đề nghị với Hà Nội mở cuộc thương thuyết và không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ 68-72 nữa.
Tại Việt Nam CIA ghi nhận quân đội VNCH đã chiến đấu anh dũng và chận đứng được âm mưu thúc dân nổi dậy của cộng sản, và cho rằng bản điều nghiên của George Carver và ban tham mưu của ông không sát với thực tế. Trước sự đứng vững của chính phủ Thiệu và tổn thất lớn lao của quân đội cộng sản dân chúng miền Nam có vẻ yên tâm hơn. Và đại sứ Bunker thuyết phục tổng thống Thiệu nên nhân cơ hội lên tiếng động viên thêm nữa tinh thần nhân dân miền Nam và ban bố những biện pháp quân sự và tuyên truyền vận động quần chúng.
Nhược điểm trầm kha của miền Nam là không nhân sự có khả năng để giúp người lãnh đạo. Người có chút uy tín lúc đó là Thượng nghị sĩ Trần Văn Đôn, cựu tướng lãnh, thông minh, có khả năng thu hút và còn được dân chúng mến chuộng. Đặng Đức Khôi, một người thân tín của Kỳ và có nhiều quan hệ với CIA đã giúp Đôn thành lập Mặt trận Cứu nguy Dân tộc ra mắt ngày 18/2/1968 với sự yểm trợ tiền bạc của CIA. Khôi, dù trung thành với Kỳ cũng nghĩ rằng việc kèn cựa giữa Thiệu và Kỳ cần chấm dứt và Hoa Kỳ hy vọng Mặt trận Cứu nguy sẽ làm việc với Thiệu. Nhưng tổng thống Thiệu không có ảo vọng Mặt trận Cứu nguy (vốn do người của Kỳ kiểm soát) sẽ ủng hộ mình nên ông xúc tiến thành lập một phong trào quần chúng khác lấy tên là Lực lượng Tự do Dân chủ (Free Democratic Force) ra mắt tại Sài gòn trong tháng 3/68. Bối cảnh chính trị chia rẽ này, theo CIA, thật không phù hợp với quyết định của Hoa Kỳ xuống thang chiến tranh và bỏ ý định đánh bại Hà Nội bằng quân sự qua tuyên bố của tổng thống Johnson ngày 31/3.
Nhân vật mới cầm đầu cơ sở CIA Sài gòn là Ralp Katrosh sang thay thế Russ Miller (Miller đã tạm thay John Hart trước đó). Katrosh làm việc con thoi với Thiệu và Kỳ và hứa rằng những gì người này nói sẽ không được ông rỉ tai cho người kia nên Thiệu và Kỳ đều tưởng rằng CIA chỉ ủng hộ mình. Trong khi đó Mặt trận Cứu Nguy của Kỳ và Lực lượng của Thiệu đều thất bại không đoàn kết được quần chúng đứng sau lưng chính phủ. Qua Katrosh, Bunker thuyết phục Thiệu và Kỳ lập một Liên Minh chung do hai người cùng đứng yểm trợ gồm mọi đảng phái. Liên Minh ra mắt ngày 4/7/68 với sự đồng hiện diện của Thiệu và Kỳ (do áp lực của tòa đại sứ) và gồm Mặt Trận của Kỳ, Lực Lượng của Thiệu, Nghiệp đoàn Công Nông của Trần Quốc Bửu và 25 nhóm chính trị nhỏ khác. Thiệu không có thiện cảm và cũng không có thì giờ dành cho Liên Minh nhưng ông tham gia chỉ vì áp lực của Hoa Kỳ. Tổng thống Thiệu thường bóng gió với Katrosh (để Katrosh báo cáo lại cho đại sư Bunker) rằng trò chơi mặt trận quần chúng kiểu tây phương không “ăn tiền” tại Việt Nam, tại đây trong chiến tranh tại nông thôn quân sự là chính.
Để làm việc với Thiệu và Kỳ, Katrosh dùng Nguyễn Xuân Phong và tướng Khiêm (do tổng thống Thiệu chuyển về từ Washington và đang giữ chức tổng trưởng Nội vụ). Vào tháng 5/68 đại tá Trần Văn Hai thay tướng Loan sau khi tướng Loan bị thương khi đánh nhau với cộng quân tại Chợ Lớn trong cuộc tấn công Mậu Thân đợt 2. Đại Tá Hai cũng là một nhân vật cận kề với CIA.
Tháng 6/1968 Thiệu hoàn tất chương trình cô lập Kỳ. Các nhân vật thân cận Kỳ và đa số làm việc với CIA đều bị gạt ra khỏi các chức vụ then chốt, và CIA lúng túng vì thiếu người trung thành hợp tác làm việc. Thành phần CIA đã móc nối còn làm việc cạnh ông Thiệu đều là người không đáng tin, trong đó có một nhân vật làm việc gần gũi và có một ảnh hưởng giới hạn nào đó đối với quan điểm củaThiệu về mặt nỗ lực vận động quần chúng. CIA không biết sự việc này do cộng sản giựt giây hay chỉ vì quyền lợi cá nhân và hiểu biết giới hạn. Thiệu biết nhân vật này làm việc với CIA và đôi khi dùng sự quan hệ giữa y với Russ Miller (và sau này với Katrosh) để gián tiếp chuyển quan điểm của mình đến đại sứ Bunker.
Trong tháng 9 và tháng 10/1968 trước áp lực của Hoa Kỳ yêu cầu Thiệu đồng ý với đường lối thương thuyết của Hoa Kỳ tại Paris, Thiệu hai lần báo động có đảo chánh với gợi ý gián tiếp cho Hoa Kỳ biết Kỳ muốn đảo chánh. Để trấn an CIA báo cho các tay đàn em của Kỳ biết Hoa Kỳ không chấp thuận bất cứ âm mưu nào chống Thiệu.
Do nhu cầu bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 5/11/1968, ngày 31/10/1968 tổng thống Johnson ra lệnh ngưng oanh tạc trên toàn cõi Bắc việt, và trước đó tổng thống Johnson gởi một tối hậu thư cho tổng thống Thiệu biết Hoa Kỳ sẽ đẩy mạnh cuộc thương thuyết với Hà Nội dù Thiệu có đồng ý hay không. Đáp lễ, ngày 2/11 tổng thống Thiệu đọc diễn văn phản đối Hoa Kỳ, cho rằng việc ngưng dội bom và tiến hành thương thuyết với Hà Nội với mọi giá là chủ bại. Ngày 5/11 Richard Nixon đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Hubert Humphrey và đắc cử tổng thống. Đảng Dân chủ và dư luận cho rằng thái độ chống thương thuyết của Thiệu đã giúp Nixon đắc cử. Sự việc này làm mối quan hệ giữa hai chính phủ Mỹ- Việt trở nên nguội lạnh gần cả tháng sau đó.
Ngày 19/11 Katrosh giúp Liên Minh 4 triệu đồng và cho Thiệu biết tổng thống đắc cử (president-elect) Nixon vẫn ủng hộ Thiệu.
Nixon duy trì đại sứ Bunker tại Sài gòn và thay trưởng cơ sở CIA Lapham bởi Ted Shackly. Nhiệm vụ của Shackly là chuẩn bị cuộc đấu tranh chính trị khi hòa đàn Paris có kết quả. Lúc này tổng thống Thiệu dùng tướng Đặng Văn Quang và Hoàng Đức Nhã để liên lạc với CIA và quan hệ Mỹ-Việt trở nên ấm áp dần.
Tháng 1/1969 Thiệu đuổi khéo Kỳ khỏi Sài gòn bằng cách cử Kỳ sang Paris quan sát cuộc thương thuyết. Tại đây Russ Miller, bạn thân của Kỳ bay sang để hy vọng nhờ Kỳ đẩy nhanh cuộc hòa đàm. Ngày 7/2/69 sau khi gặp Kỳ, Miller báo cáo với Cyrus Vance trưởng đoàn thương thuyết Hoa Kỳ rằng Kỳ chấp nhận đường lối thương thuyết với Hà Nội và MTGP của Hoa Kỳ một cách dễ dàng, khác hẵn với quan điểm cứng rắn của tổng thống Thiệu.
Con đường chính trị hóa cuộc chiến Việt Nam bắt đầu.
Chương 5: Sự bối rối và làm nản lòng
Chương 6 Mỹ áp lực tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Sự bối rối và làm nản lòng:
Vụ quân nhân Mỹ Bắn chết thường dân ở Mỹ Lai vừa bị phanh phui thì giữa năm 1969 CIA dính líu vào một vụ tai tiếng vì bị nghi ngờ có nhúng tay vào vụ thủ tiêu một điệp viên cộng sản tại Nha Trang. Một đơn vị Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ nghi một thanh niên Việt Nam làm việc cho Lực lượng là tay trong của cộng sản, nhưng không muốn giao cho cơ quan an ninh Việt Nam xử lý vì sợ lộ bí mật tình báo nên ngỏ ý nhờ CIA xử lý giúp. CIA không nhận nhưng không trả lời rõ ràng nên Lực lượng Đặc biệt tự xử lý bằng cách đem đương sự bắn bỏ rồi thả trôi ngoài biển Nha Trang.
Shackley báo cáo nội vụ lên đại sứ Bunker và tướng Abrams, và vụ giết người trái phép bị báo chí phanh phui làm cho phong trào chống chiến tranh tại Hoa Kỳ thêm lửa.
Hai sự việc khác là vụ dân biểu Trần Ngọc Châu và Huỳnh Văn Trọng cũng làm cho quan hệ giữa tổng thống Thiệu với tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài gòn giữa năm 1969 trở nên căng thẳng lúc chương trình bình định và phát triển nông thôn đang tiến hành khả quan.
Trần Ngọc Châu là một nhân vật từng làm việc với CIA. Châu là người vạch ra chương trình bình định nông thôn sau khi ông Diệm bị lật đổ rất thành công tại tỉnh Kiến Hòa nơi ông làm tỉnh trưởng. Ông Châu lập chương trình cho phép dân khiếu kiện sự sai trái của chính quyền để qua đó tiếp cận lấy tin tức tình báo về nhân sự và cơ sở của Việt cộng. Châu còn giúp CIA thí nghiệm một chương trình săn lùng các đảng viên lãnh đạo của cộng sản trong tỉnh Kiến Hòa. Cuối năm 1965 CIA xin Châu về chỉ huy một Trung tâm huấn luyện tại Vũng Tàu. Nhưng “cái tôi” của Châu quá lớn làm mất lòng các giới chức cao cấp Việt Nam khác, nên vào năm 1967 Châu bỏ công tác bình định, ra ứng cử dân biểu Hạ nghị viện. Châu đắc cử và giải ngũ.
Tại quốc hội Châu chủ trương tiếp xúc với các thành phần không cộng sản trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGP), và đầu năm 1969 Châu yêu cầu CIA giúp tạo thanh thế để Châu có thể thực hiện kế hoạch của mình. CIA không nhiệt tình đáp ứng yêu cầu của Châu.
Tại quốc hội Châu chứng tỏ với mọi người Châu được Hoa Kỳ ủng hộ. Đến giữa năm 1969 ông Thiệu chịu hết nổi cuộc vận động chính trị của Châu và quyết định truy tố Châu về tội tiếp xúc với cộng sản không có phép. Trước khi ra tay Thiệu kiểm chứng với CIA và Shackley nói CIA thấy không trở ngại gì nếu mọi sự tiến hành trong luật pháp. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ hơi ngại vụ truy tố một dân biểu có thể tạo dư luận bất lợi tại Hoa Kỳ nên yêu cầu Bunker khuyên Thiệu thận trọng.
Thiệu vận dụng Hạ Nghị viện áp dụng nội quy bỏ phiếu tước quyền bất khả xâm phạm của Châu và đưa Châu ra tòa án quân sự xử 20 năm tù vào đầu năm 1970.
Tội của Châu là tiếp xúc với người anh ruột là Trần Ngọc Hiền, một nhân viên tình báo cao cấp của cộng sản vào cuối năm 1964. Châu thông báo việc tiếp xúc cho CIA nhưng không tiết lộ tung tích của người Châu tiếp xúc và yêu cầu gặp đại sứ Bunker để trình bày chi tiết và cũng không thông báo cho chính phủ Việt Nam biết. Bunker không tiếp Châu. Một năm sau Châu lại úp mở với CIA về vụ tiếp xúc nhưng vẫn không cho CIA biết giá trị của đường giây. Đến đây Jorgensen nghĩ rằng Châu khó chơi và muốn Châu xếp vụ này đừng bao giờ nhắc đến nữa.
Năm 1967, do một nguồn tin khác CIA biết đường giây của Châu và sau khi được chất vấn Châu tiết lộ tin tức về Trần Ngọc Hiền. CIA yêu cầu gặp Hiền nhưng Châu không đồng ý.
Dù Shackley xác nhận Châu không liên hệ gì với CIA nhưng Thiệu vẫn nghi Châu là người của CIA vì sau khi Châu bị truy tố John Paul Vann, một cố vấn cao cấp Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ đã mạnh mẽ can thiệp cho Châu.
Vụ thứ hai là điệp viên cộng sản Huỳnh Văn Trọng được gài vào dinh Độc lập làm việc cạnh Thiệu. Đầu năm 1969 CIA phát giác nội vụ sau khi bắt được một đảng viên cộng sản chỉ đạo Huỳnh Văn Trọng. Tháng 7/1969 CIA yêu cầu tướng Đặng Văn Quang nói với Thiệu ra lệnh bắt Trọng và Thiệu tỏ ý muốn giải quyết nội vụ một cách kín đáo để khỏi gây tai tiếng trong dư luận. Nhưng tổng thống Nixon sắp viếng Sài gòn và CIA cho biết họ không thể không thông báo vụ Trọng cho Mật Vụ bảo vệ tổng thống Nixon, và Mật Vụ sẽ không thể để Nixon vào dinh Đốc Lập nếu Trọng chưa bị bắt. Thiệu buộc lòng bắt Trọng ngày 24/7/69.
Báo chí làm rùm beng và chỉ trích Thiệu dùng người không thận trọng. Thiệu quay lại phiền trách CIA đã thúc bách Thiệu bắt Trọng.
Qua điều tra người chỉ huy của Trọng CIA biết công tác của Trọng là thuyết phục Thiệu nên mở đường giây nói chuyện với MTGP.
Trước khi trở về Hoa Kỳ Ralph Kastrosh đã làm cho quan hệ giữa Hoa Kỳ và tổng thống Thiệu trở nên bình thường. Katrosh để lại lời khen tướng Nguyễn Khắc Bình vừa được bổ nhiệm làm giám đốc Đặc ủy Trung ương Tình báo và yêu cầu Thiệu cho biệt phái nhân viên xuất sắc giúp Bình. Thiệu không tha thiết với lời yêu cầu này vì Thiệu cho Đặc ủy Trung ương Tình báo làm việc gần Mỹ hơn gần chính phủ Việt Nam. Cơ sở này do Hoa Kỳ đề nghị thành lập từ năm 1960 và do Hoa Kỳ cung cấp ngân khoản điều hành. Katrosh được tổng thống Thiệu tặng thưởng Đệ ngủ đẳng Bảo quốc Huân chương. Sau này khi nhớ lại Katrosh nói có lẽ ông được tổng thống Thiệu có cảm tình vì cách tiếp cận thẳng thắn của ông. Katrosh thường bắt đầu câu chuyện với Thiệu rằng: “Đây là những gì ông đại sứ (hay chính phủ Hoa Kỳ) muốn” mà không quanh co. Quanh co với Thiệu chỉ tạo thêm căng thẳng và thường không đạt được kết quả như ý.
Ngày 3/11/69 qua một diễn văn Nixon xác định chính sách Hoa Kỳ cam kết bảo vệ miền Nam Việt Nam. Ba tuần sau George Carver đến Sài gòn và ghi nhận Thiệu lên tinh thần. Tâm lý này tạo ra một kết quả không nằm trong đường lối của Hoa Kỳ là cần vận động thu phục lòng dân qua tổ chức chính trị. Tổng thống Thiệu nghĩ sự yểm trợ của Hoa Kỳ cần hơn là Liên Minh này, Lực Lượng nọ. Vận động quần chúng là ưu tiên thứ tư của Thiệu, sau các ưu tiên quân sự, bình định và kinh tế. Thiệu thường nói: “Người dân Nam Việt Nam không thích nhồi sọ chính trị. Họ thích người lãnh đạo tốt, cơm no áo ấm và sống không nơm nớp lo sợ.”
Ngày 4/12/69 tòa đại sứ và CIA đi đến nhận định đã đến lúc bỏ rơi các Lực lượng và Liên minh và ủng hộ một khối có người là Liên đoàn Công nông của ông Trần Quốc Bửu và khối quần chúng theo Phật giáo Ấn Quang. Vào tháng 3/1970 Washington chi 225.000 mỹ kim giúp Thiệu vận động các đối tượng trên.
Shackley sang thay Katrosh và dùng phương pháp gián tiếp để tiếp cận với Thiệu qua trung gian các nhân vật quanh Thiệu thân thiện với CIA. Áp lực của CIA qua khối nhân sự này (trong đó có Khiêm) đến độ làm Khiêm nghi ngờ thiện chí của Hoa Kỳ. Khiêm nghi có bàn tay của CIA trong các cuộc biểu tình của thương binh và sinh viên chống Thiệu để thành lập một chính phủ liên hiệp tại Sài gòn giúp Hoa Kỳ có điều kiện kết thúc chiến tranh.
Để mua thời gian cho Hoa Kỳ rút quân, cuối tháng 4/70 Nixon ra lệnh quân đội Hoa Kỳ đánh qua Cam bốt để phá hủy hậu cần của cộng sản và đuổi bắt các cấp lãnh đạo của Cục R (Trung ương Cục cộng sản miền Nam) và tháng 5/70 tái oanh tạc Bắc Việt. Cuộc tấn công vào Cambốt sinh ra nhiều cuộc biểu tình tại Hoa Kỳ và trong một cuộc chạm trán, lực lượng an ninh bang Kansas đã bắn chết 6 sinh viên thuộc đại học Kent State University và Jackson State College làm cho không khí chính trị tại Hoa Kỳ vô cùng căng thẳng. Tháng 6/70 Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Cambốt và Nixon ra lệnh rút thêm quân tại Nam Việt Nam.
Cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Cambốt làm cho tinh thần quân đội VNCH lên cao, và Nixon muốn nhân cơ hội dùng Khiêm thúc bách Thiệu thi hành chương trình chống tham nhũng, giảm bớt sự lạm dụng quyền hành của các giới chức chính quyền và tôn trọng Tối cao Pháp viện.
Tình hình biểu tình trên đường phố Sài gòn trong giai đoạn này trông giống như những cuộc biểu tình trước khi ông Diệm bị lật đổ, và CIA muốn dùng cuộc bầu cử bán phần Thượng nghị viện (năm 1970) để đưa các đảng phái chính trị, Công giáo, Phật giáo vào sinh hoạt chính tri. Một liên danh Phật giáo do luật sư Vũ Văn Mẫu thụ ủy đắc cử làm cho phong trào chống đối của Phật giáo Ấn Quang lắng xuống.
Sau cuộc bầu cử bán phần Thưọng viện, CIA bắt tay vào chương trình chuẩn bị cuộc bầu cử Hạ nghị viện và cuộc bầu cử tổng thống năm sau. Hoa Kỳ muốn tổng thống Thiệu tái đắc cử nhưng Hoa Kỳ cần có một cuộc tranh cử có hai ba ứng cử viên để bảo đảm uy tín chính trị của Thiệu. Lúc này chưa biết Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ có ra tranh cử không, do đó Hoa Kỳ vận động tướng Dương Văn Minh ra tranh cử, mặc dù đại sứ Bunker đánh giá khả năng của Minh thấp và cho rằng Minh tính tình bất nhất. Đối với Hạ nghị viện lúc này CIA đã có trong tay 10 dân biểu “thân hữu”, nhưng Hoa Kỳ muốn qua cuộc bầu cử có thêm 10 dân biểu thân hữu nữa để nắm chắc sự thông qua các bộ luật cần thiết sau này. Hoa Kỳ cũng có kế hoạch yểm trợ tài chánh cho các ứng cử viên Hạ viện thân với Thiệu, dự trù tổng cọng chi phí lên đến 252.000 mỹ kim. Chương trình chính của CIA là kiếm thật nhiều phiếu cho Thiệu. Qua tướng Quang, CIA thúc tổng thống Thiệu ve vãn khối Công giáo, người Việt gốc Hoa và khối người Thượng.
Tại Paris cuộc đàm phán nhì nhằng, trong khi tại Việt Nam Hoa Kỳ tiếp tục đẩy mạnh chương trình Việt Nam hóa chiến tranh và giảm quân.
Tháng 2/71 để thử nghiệm hiệu quả của chương trình Việt Nam hóa Hoa Kỳ và Việt Nam đánh qua biên giới Lào với chiến dịch Lam Sơn 719. Cuộc hành quân hoàn toàn do quân đội VNCH đảm trách, Hoa Kỳ chỉ yểm trợ không lực. Quân đội VNCH bị tổn thất nặng trong chiến dịch này, nhưng tinh thần chung của quân đội không đến nổi nào và tướng Abrams nhận định rằng sau cuộc tấn công Nam Việt Nam vẫn có khả năng sống còn. Tuy nhiên nhận xét của CIA tại vùng 3 khá bi quan. Don Gregg, phụ trách cơ sở CIA vùng 3 cho biết quân đội VNCH không lấp kịp khoảng trống khi quân đội Hoa Kỳ rút đi. Gregg cho rằng tình trạng này do chính sách của Thiệu không muốn thấy thêm tổn thất (sau tổn thất trong chiến dịch Lam Sơn) trong năm bầu cử.
Đầu tháng 7, 1971 Hoàng Đức Nhã tùy viên báo chí của Thiệu yêu cầu Shackley vận động mở một văn phòng để thông tin về cuộc bầu cử tổng thống tại Nam Việt Nam ở Washington, nhưng không thành công. Ngày 24/7, ngày 26/7 và ngày 4/8 tổng thống Thiệu, tướng Minh và Phó tổng thống Kỳ lần lượt nộp đơn ra tranh cử. Tối cao Pháp viện, cơ quan xét đơn tranh cử đã bác đơn của Kỳ vì các chữ ký giới thiệu (theo luật bầu cử do quốc hội thân Thiệu nhắm gạt Kỳ đã thông qua) không có giá trị. Sau khi đơn Kỳ bị bác, Minh dọa sẽ rút đơn. Lo ngại Thiệu độc diễn, Bunker gặp Minh yêu cầu ở lại và có tin Bunker hứa chi 3 triệu mỹ kim cho Minh làm chi phí tranh cử (CIA nói tin này không đúng), nhưng không có kết quả. Ngày 19/8 Minh rút đơn. Ngày 20 Tối cao Pháp viện chấp nhận một số chữ ký giới thiệu Kỳ và hợp thức hóa đơn tranh của của Kỳ. Nhưng ngày 23/8 Kỳ lại rút ra.
Kỳ rút đơn nhưng vẫn chuẩn bị vào lại nếu có điều kiện tranh cử thuận lợi. Kỳ lén gởi phụ tá thân tín Đặng Đức Khôi qua Phnom Penh, từ đó Khôi đi Hoa Kỳ. Tại Washington Khôi móc nối các nhân vật CIA quen biết ngỏ ý muốn cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger và phụ tá tại Bộ Ngoại giao William Sullivan để yêu cầu Hoa Kỳ hứa bảo đảm một cuộc tranh cử sòng phẳng giữa Thiệu và Kỳ. Hoa Kỳ không đáp ứng lời yêu cầu của Kỳ, và cuộc tranh cử độc diễn trở thành một thực tế.
Trước viễn ảnh này ngày 7/9 Shackley yêu cầu Thiệu cho phép cử tri bỏ phiếu bầu Thiệu hay bác Thiệu để ghi nhận tỉ số đối lập với Thiệu và đề nghị Thiệu tuyên bố trước được bao nhiêu phần trăm bầu cho mình Thiệu mới xem mình được sự ủy nhiệm của dân. Thiệu bác cả hai đề nghị.
Ngày 3/10 Thiệu đắc cử với 91.5% phiếu bầu, tính ra khoảng 90% cử tri có ghi danh. Ngày 8/10 cộng sản trả tự do cho trung sĩ John Sexton và qua Sexton gởi thư yêu cầu CIA nối lại đường giây trao đổi tù nhân. CIA và Việt Nam đáp lễ thả một trung úy quân đội cộng sản và chỉ dẫn cách liên lạc. Ngày 27/10 một đại diện của Trần Bạch Đằng liên lạc với tòa đại sứ Hoa Kỳ hứa thả ông Douglas Ramsey, một nhân viên của tòa đại sứ để đổi hai tù nhân cao cấp cộng sản. Được thông báo tổng thống Thiệu đồng ý trên nguyên tắc nhưng yêu cầu chờ sau khi ông tuyên thệ nhậm chức. Hoa Kỳ đề nghị một thể thức trao đổi khác nhưng không đạt được sự đồng thuận của cộng sản, CIA và tổng thống Thiệu. Việc trao đổi tù nhân chìm xuồng.
Sau khi Thiệu tuyên thệ nhậm chức, Sài gòn bắt đầu nghĩ đến hoạt động của cộng sản nhân dịp Tết sắp đến, nhất là thời gian này rơi vào thời gian tổng thống Nixon thăm viếng Bắc Kinh. Một bận tâm khác là Hoa Kỳ được Khiêm báo cáo Thiệu sắp thành lập đảng Dân Chủ theo mô thức đảng Cần Lao của ông Nhu, tổ chức nửa kín nửa hở và đảng viên được tuyển mộ trong khối sĩ quan và công chức với mục đích dùng đảng Dân Chủ để kiểm soát quân đội và bộ máy hành chánh. Các đảng viên đảng Dân Chủ thuộc toàn quyền xử dụng và sai phái của Thiệu.
Tháng 1/72 Thomas Polgar được Langley cử đến thay Shackley. Polgar gốc Hungary, gia nhập CIA từ năm 1947. Richard Helms nói với Polgar nhiệm vụ mới của CIA tại Sài gòn là thiết lập quan hệ tốt với tòa đại sứ, với MACV, với giới truyền thông và với các phái đoàn quốc hội, ý rằng chiến tranh sắp kết thúc và quan hệ với chính phủ Sài gòn không còn là công tác chính.
Các cuộc tấn công năm trước qua Cam bốt và Lào làm giảm tiềm năng chiến tranh của Bắc Việt và cho quân đội VNCH một thời gian xả hơi. Đến Sài gòn Polgar lạc quan nói với Nguyễn Khắc Bình, giám đốc cảnh sát quốc gia rằng “chúng ta sẽ thắng không bằng sức mạnh quân sự mà bằng tình báo và cảnh sát.” Mặt quan hệ với phủ tổng thống, Polgar được Khiêm tường trình cho biết tính tình Thiệu và cách làm việc với Thiệu. Khiêm nhấn mạnh với Polgar tính đa nghi của Thiệu.
Mấy tháng đầu năm 1972, quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam chỉ còn 180.000, và mọi việc trôi qua lặng lẽ. Không có cuộc tấn công nào đáng kể của cộng sản trong dịp Tết và dịp Nixon thăm viếng Bắc Kinh.
Ngày 30/3/72 quân đội chính quy Bắc Việt ồ ạt đánh qua khu phi quân sự, vùng Kontum, Pleiku và Lộc Ninh phía Bắc Sài gòn. CIA chỉ tiên đoán sẽ có cuộc tấn công vào cao nguyên, nhưng không tiên đoán cộng sản sẽ đánh qua biên giới phân chia Nam Bắc. Qua một tuần lễ quan sát chiến cuộc, Polgar nhận ra rằng chiến tranh chưa chấm dứt và tương lai của miền Nam Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào sự viện trở của Hoa Kỳ chừng nào Bắc Việt còn được Nga sô và Trung quốc viện trợ. Polgar tin tưởng quân đội VNCH sẽ đứng vững trước cuộc tấn công này dù bị tổn thất nặng.
Trong khi cuộc tấn công đang diễn tiến tại vùng giới tuyến, trên cao nguyên và Vùng 3 chiến thuật, CIA được báo cáo viên Tư lệnh Vùng 3 đã để cho cộng sản thu mua lương thực, thuốc men và quân dụng tại địa phương để tiếp tế cho quân đội Bắc Việt. CIA yêu cầu tòa đại sứ can thiệp để chận đứng sự việc này, nhưng Polgar không ghi nhận được một đáp ứng nào tích cực. Ngoài vụ “Vùng 3” Polgar còn nhức đầu về việc tướng Nguyễn Khắc Bình, giám đốc Đặc ủy Trung ương Tình báo kiêm Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia than phiền bộ tư lệnh cảnh sát có quá nhiều sĩ quan thời Pháp để lại và tổng thống Thiệu không chấp thuận biệt phái sĩ quan giỏi bên quân đội sang tăng cường.
Cũng như trận Mậu Thân, các giới chức Hoa Kỳ nhận định về trận tấn công Xuân 1972 khác nhau. Khi cộng sản còn đang bao vây An Lộc, đại sứ Bunker và tướng Abrams vẫn lạc quan cho rằng sau cuộc tấn công này Hà Nội đuối sức vì chẳng còn gì nữa. Trong khi Polgar cho rằng nếu Liên bang Nga Xô viết và Trung quốc còn viện trợ và Hà Nội còn dùng được đất Lào và Cambốt thì cộng sản vẫn còn khả năng đánh. Phần Việt Nam, Polgar nhận xét khả năng chịu trận của quân đội VNCH vẫn còn cao và có thể cao hơn nửa triệu quân Mỹ mấy năm trước nếu vẫn được không lực Hoa Kỳ yểm trợ. Abrams đánh giá quân đội Việt Nam thấp hơn và cho rằng các tướng lãnh quanh ông Thiệu không đánh giá đúng mức các sĩ quan cấp tá đang cầm quân và riêng Thiệu có nhiều quyết định sai vì không biết nghe các báo cáo của các sĩ quan ngoài chiến trường.
Tuy nhiên quan điểm của Polgar thay đổi theo tin tức ông thu thập được.Sau hai tháng đánh giá Polgar gởi Bunker một báo cáo phê bình rằng đa số các tướng chỉ huy chiến trường thiếu khả năng và được bổ nhiệm do trung thành với Thiệu.
Tướng Tư lệnh Vùng 2 Ngô Dzu chẳng hạn. Dzu không chuẩn bị gì để đón cuộc tấn công của cộng sản dù được tình báo cho biết chính xác ngày cộng sản có thể sẽ tấn công. Và khi cộng sản tấn công Ngô Dzu hoảng sợ bỏ bộ tư lệnh tại Pleiku về đóng tại bộ tư lệnh nhẹ ở Nha Trang giao toàn quyền chỉ huy tại chỗ cho cố vấn John Paul Van .
Bản báo cáo bi quan đến nổi Bunker và Abrams không muốn gởi cho Thiệu, mặc dù khi tiếp xúc trực tiếp Abrams đã nói thẳng những điều tương tự như vậy với Thiệu. MACV có thông lệ ít khi phê bình quân đội VNCH trong các báo cáo chính thức.
Thiệu định thay tướng Ngô Dzu bằng tướng Phan Trọng Chinh, một tướng nổi tiếng bất tài khác. Trước tình hình này đại sứ Bunker buộc lòng gởi tổng thống Thiệu một danh sách tướng lãnh khác để Thiệu chọn, trong đó không có Chinh. Tổng thống Thiệu chọn tướng Nguyễn Văn Toàn. Toàn là một tướng cầm quân giỏi, khổ nổi Toàn vốn là tư lệnh Sư đoàn 2 bị cách chức vì tham nhũng và đang nằm chờ tòa án truy tố về tội quan hệ bất chính với trẻ vị thành niên.
Qua tháng 6, tình hình chiến trường khả quan hơn nhờ không quân Hoa Kỳ không kích hậu cần làm giảm khả năng chiến đấu của bộ đội cộng sản. Toàn miền Nam không có cuộc nổi dậy nào kể cả những vùng quân đội cộng sản vừa chiếm được. Thiệu tin tưởng chừng nào Hoa Kỳ còn viện trợ ông còn chiến đấu được.
Cuộc trao đổi giữa William Colby (bây giờ là giám đốc CIA) và Polgar vào tháng 9/72 cho thấy đến lúc đó Hoa Kỳ vẫn chưa có một mục tiêu chính trị chính xác tại Việt Nam. Colby yêu cầu Polgar do có nhiều quan hệ đặc biệt với giới chức lãnh đạo Nam Việt Nam nên giúp Thiệu thành hình các cơ cấu và định chế chính trị lâu dài để chuẩn bị cho Nam Việt Nam đấu tranh chính trị với cộng sản sau khi hòa đàm tại Paris kết thúc. Polgar trái lại nghĩ rằng Hoa Kỳ đã tiêu tốn hằng tỉ mỹ kim vẫn chưa giúp Việt Nam đặt được một căn bản dân chủ kiểu Tây phương, vậy cách tốt nhất là Hoa Kỳ thành thật yểm trợ ông Thiệu về vật chất và tinh thần để ông tự định liệu lấy miễn là con đường của ông không làm thiệt hại quyền lợi của Hoa Kỳ. Polgar nói chính sách này có thể dẫn đến một chính phủ độc tài thiếu dân chủ nhưng có an ninh và có thể được dân ủng hộ. Polgar kết luận con đường dân chủ hóa Nam Việt Nam Hoa Kỳ đang theo đuổi có thể không giúp cho Nam Việt Nam tồn tại. Colby đồng ý với Polgar rằng khi chiến tranh thì không thể có dân chủ, nhưng độc tài cũng không có nghĩa là một chính quyền không đàng hoàng và không lo cho dân.
Cuộc tranh luận giữa Colby và Polgar cho thấy 18 năm sau khi Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn còn lúng túng về chính sách.
Mỹ áp lực tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Hiệp định Paris ký tháng 1/1973. Từ tháng 8/72 đến tháng 6/1973 công tác chính của CIA là thuyết phục, nói đúng hơn là áp lựcThiệu, theo đường hướng của Hoa Kỳ về nội dung bản văn Hiệp định Paris cũng như cung cách thi hành hiệp định. CIA vận dụng nhân sự đã bố trí quanh Thiệu để làm yếu sự phản đối của Thiệu về một điểm chính yếu trong bản Hiệp định là để cho quân đội cộng sản Bắc việt ở lại miền Nam sau khi ngưng bắn.
Ngày 17/8/1972 lần đầu tiên Kissinger đến Sài gòn để đích thân thuyết phục Thiệu. Polgar và Kissinger đều gốc Âu châu (Kissinger gốc Đức) và từng quen biết nhau từ năm 1958 và việc này giúp công tác của hai người bớt tạo nên căng thẳng trong quan hệ cá nhân. Một câu chuyện để ghi nhận sự căng thẳng: Tối ngày 17/8 Polgar được khẩn mời đến tòa đại sứ. Polgar thấy Kissinger mặc pyjama. Kissinger than phiền sự cứng rắn của tổng thống Thiệu và “chỉ thị” Polgar dùng các đường giây quanh Thiệu để áp lực Thiệu thay đổi lập trường. Polgar nói ông không thể áp lực lộ liễu như vậy. Kissinger bảo Polgar đó là “lệnh”, rồi lạnh lùng quay sang đại sứ Bunker hỏi ông xử lý thế nào nếu nhân viên không tuân lệnh cấp trên. Bunker cũng lạnh lùng trả lời ông đồng ý với Polgar!
Dù vậy Kissinger và Polgar vẫn giữ được hòa khí. Kissinger biết rằng nhờ các đường giây Polgar gài trong giới đầu não tại Hà Nội mà ông có lợi thế khi trao đổi với đại điện của Hà Nội tại cuộc hội đàm. (ghi chú của TBN: muốn biết rõ hơn điều này xin đọc cuốn “Decent Interval” của Frank Snepp, nhân viên phân tích chiến lược của CIA tại Sài gòn).
Sau khi Kissinger trở về Hoa Kỳ tổng thống Thiệu không tiếp ai trong gần một tháng. Ngày 15/9 Khiêm báo cáo với Polgar rằng Thiệu lo ngại rằng vì nhu cầu tranh cử có thể Nixon sẽ nhượng bộ những đòi hỏi phi lý của Hà Nội.
Để nắm vững chính quyền chuẩn bị đấu tranh chính trị với cộng sản, tổng thống Thiệu hủy bỏ lệ bầu các hội đồng hành chánh cấp xã và bổ nhiệm trực tiếp tỉnh thị trưởng và quận trưởng. Polgar yêu cầu Thiệu hoãn ban hành các biện pháp đó cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, nhưng tổng thống Thiệu bác bỏ nói rằng tình hình đòi hỏi sự cứng rắn. Bunker nói với Polgar Thiệu cứng rắn vậy vì Kissinger đã nói thẳng với Thiệu rằng nếu Hà Nội đề nghị ngưng bắn và trả tù binh Mỹ thì Hoa Kỳ sẽ chấp thuận, dù tình hình quân sự tại Nam Việt Nam như thế nào.
Ngày 12/10 Kissinger và Lê Đức Thọ kết thúc bản dự thảo Hiệp định Paris, và ngày 18/10 Kissinger đi Sài gòn áp lực Thiệu. Chuyến đi này Kissinger gặp Thiệu và các phụ tá 6 lần. Lần gặp thứ hai Thiệu yêu cầu Kissinger cho xem bản văn Việt ngữ của Hiệp định dự thảo, Kissinger nói không có. Và Thiệu cho Kissinger xem bản Hiệp định tóm tắt tình báo Việt Nam lấy được. Sau khi CIA dịch ngược lại ra Anh ngữ cho Kissinger xem Kissinger bình luận: “Thật là một sự thật khó nuốt”. Việc này làm cho Kissinger nhức đầu thêm đối với Thiệu vì chẳng những Thiệu không chấp nhận điều khoản để quân đội cộng sản Bắc Việt ở lại miền Nam Thiệu còn không đồng ý nhiều điểm khác trong bản văn, đặc biệt khoản miêu tả chính quyền sẽ được thiết lập tại Sài gòn sau khi ký hiệp định.
Tổng thống Thiệu hoãn cuộc gặp gỡ Kissinger dự trù ngày 21/10. Bunker gọi phàn nàn, Nhã cúp điện thoại. Bunker giận dữ gọi Thiệu. Kết quả 8:00 sáng ngày 22/10 Thiệu gặp Kissinger. Thiệu bình tỉnh hơn thường lệ và dùng tiếng Anh để trao đổi. Nhưng vào buổi họp chiều Thiệu không dằn được cơn giận. Thiệu khóc và nói ông bác bỏ toàn bộ bản văn. Kissinger lập luận rằng nội dung Hoa Kỳ thỏa thuận với Hà Nội như vậy là điều không thể tránh được. Kissinger nói với Thiệu Nixon đang gặp khó khăn với quốc hội vì ông đã dùng ngân khoản nhiều tỉ mỹ kim quốc hội chưa chuẩn chi để bỏ bom Bắc Việt và chuyển quân dụng dự trữ cho Việt Nam.
Sáng ngày 23/10 Bunker tháp tùng Kissinger đến chào Thiệu trở về Hoa Kỳ. Kissinger không nói nhiều chỉ nói khéo rằng nếu Thiệu không ký thì không tránh được tai họa. Kissinger không nói tai họa cho ai hay cho quốc gia nào. Kissinger nói với Bunker ông đã ngán Thiệu và không bao giờ ông trở lại Sài gòn nữa.
Sự giận dữ của tổng thống Thiệu đối với Kissinger là do Thiệu đã quá tin vào Nixon là một vị tổng thống “thẳng tính, lương thiện và không bao giờ có thể phản bội chính phủ và nhân dân Nam Việt Nam” và cho Kissinger phản bội nhân dân Mỹ vì tham vọng và thành kiến. Polgar đồng ý phần nào với Thiệu cho rằng thái độ của Kissinger đối với Thiệu quá kênh kiệu và kẻ cả.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nhân dân Mỹ sẽ đi bầu tổng thống. Thiệu tính rằng cách tốt nhất là giúp Nixon tái đắc cử. Thiệu ra lệnh cho giới chức chính phủ và quốc hội không được công khai chỉ trích chính phủ Mỹ.
Ngày 26/10 Hà Nội tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ, và tiết lộ rằng quân đội Bắc Việt có quyền ở lại miền Nam và Mỹ hứa cung cấp 7 tỉ mỹ kim tái thiết Bắc Việt. Đồng thời tại Washington Kissinger họp báo cho biết “hòa bình đã ở trong tầm tay” (peace is at hand).
Nhưng tại Sài gòn CIA báo cáo Thiệu vẫn chống bản văn của Hiệp định. Kissinger phong tỏa tin này tại Washington. Nhờ phong tỏa tin tức và lời tuyên bố “peace at hand” tổng thống Nixon đã đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ George McGovern và đắc cử tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ hai ngày 7/11/1972.
Bước qua tháng 12 Thiệu vẫn chống điều khoản liên quan đến quân đội Bắc Việt và Bunker dọa Thiệu rằng Hoa Kỳ có thể cắt viện trợ nếu Hiệp định Paris cứ nhì nhằng vì thái độ của Thiệu. Mặt khác Polgar áp lực Thiệu qua Nhã. Tin riêng của CIA tại Sài gòn tiết lộ rằng theo Thiệu Hoa Kỳ cần cách chức Kissinger mới giải quyết được bế tắc. Nhưng Polgar không báo cáo tin này nghĩ nó làm tổn thương uy tín của Nixon. Thiệu còn tính dọa từ chức, ngầm ý cho Hoa Kỳ thấy nếu Phó tổng thống Trần Văn Hương lên thay ông Hương còn cứng rắn hơn. Và kịch bản là Thiệu sẽ trở lại chức vụ tổng thống do yêu cầu của quân đội và nhân dân.
Với áp lực dồn dập kịch bản từ chức không được thực hiện. Và ngày 10/12 Thiệu cho biết có thể đồng ý với bản văn để Hiệp định có hiệu lực nhưng không ký vì ký vào bản văn chứng tỏ Thiệu chỉ là hình nộm của Hoa Kỳ.
Sau một buổi họp gồm các thân tín thu hẹp tại dinh Độc Lập tướng hồi hưu Phạm Văn Đổng, bộ trưởng bộ Cựu Chiến binh báo cáo với CIA Thiệu nói rằng “ký hiệp định chấp nhận quân đội Bắc Việt ở lại Nam Việt Nam giống như uống một chén thuốc độc, nhưng nếu không ký thì Nam Việt Nam cũng từ từ sụp đổ vì Hoa Kỳ cắt viện trợ.” Theo Đổng, tổng thống Thiệu quả quyết bản Hiệp định bảo đảm sự toàn thắng của cộng sản, và do đó ông sẽ không ký.
Hà Nội nghi sự dùng dằng là mưu kế của Hoa Kỳ và Thiệu nên tại Paris Lê Đức Thọ tuyên bố Hà Nội cũng muốn thay đổi vài điều khoản đã thỏa thuận và ông ta phải về Hà Nội tham khảo. Nhân dịp này Hoàng Đức Nhã nói với Rodney Landreth (một nhân viên CIA tại Sài gòn) rằng đúng ra Hoa Kỳ nên áp lực Hà Nội hơn là áp lực Nam Việt Nam. Nhã nói Nhã biết Nam Việt Nam sẽ lâm vào thế bí nếu Hoa Kỳ cắt viện trợ, nhưng ông không hiểu tại sao “Hoa Kỳ đã hy sinh bao nhiêu tiền của và sinh mạng trong bao nhiêu năm bỗng nhiên từ bỏ mục tiêu nguyên thủy của cuộc chiến đấu. Lính Mỹ đến Việt Nam để chết chứ đâu phải đi nghỉ phép!” Nhã nói thêm rằng nếu Hoa Kỳ bỏ rơi Nam Việt Nam uy tín Hoa Kỳ đối với thế giới tự do sẽ bị tổn thất nặng nề.
Ngày 19/12 Alexander Haig, phụ tá Kissinger đến Sài gòn. Thiệu tiếp Haig một cách thoải mái hơn (với Kissinger). Haig chuyển cho Thiệu một thư tay của Nixon và Thiệu cũng đưa cho Haig một thư cầm về cho Nixon mà không nói gì nhiều với Haig. Bunker nói với Haig ông tin rằng nội dung lá thư của Thiệu sẽ không làm tổng thống Nixon hài lòng. Và Haig nói thẳng với Thiệu rằng ký Hiệp định Paris là một nhu cầu chính trị của Hoa Kỳ nên ngôn từ trong đó không phải là chuyện quan trọng. Hơn nữa dù là ngôn từ gì cũng không ai tin người cộng sản. Bunker nghĩ Thiệu hiểu tình hình, nhưng tâm lý bực bội Kissinger làm ông không thay đổi thái độ một cách dễ dàng được.
Ngày 21/12 Khiêm nói với Polgar ông hiểu sự thúc bách của dư luận và quốc hội Mỹ (muốn chấm dứt chiến tranh và thấy tù binh Mỹ trở về) và tốt hơn hết Thiệu nên ký Hiệp định để bảo đảm nguồn viện trợ. Khiêm nói Thiệu có thể được thuyết phục bằng cung cách mềm dẽo hơn là bằng áp lực và đe dọa như Kissinger và Haig đã làm. Hơn nữa Thiệu chỉ còn chống khoản liên quan đến quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam, và Khiêm nghĩ tổng thống Nixon có đủ uy tín để giải thích với quốc hội Hoa Kỳ về sự nhượng bộ phi lý đó. Tuy nhiên Khiêm hứa sẽ thuyết phục Thiệu và yêu cầu Bunker tiếp tục thúc bách Thiệu.
Sau khi Thọ trở về Hà Nội, Nixon ra lênh oanh tạc vùng Hà Nội, Hải phòng bằng B52 trong suốt một tuần lễ vào dịp lễ Giáng sinh. Hà Nội hoảng hốt ra lệnh Thọ trở lại Paris tiếp tục đàm phán. Hoa Kỳ ngưng dội bom.
Ngày 12/1/1973 sau khi Hoa Kỳ ngưng dội bom, tình báo CIA tại Hà Nội cho biết Hà Nội sẵn sàng ký Hiệp định vào ngày 20/1/1973.
Ngày 16/1 Haig đến Sài gòn với một thư tay khác của Nixon gởi cho tổng thống Thiệu rằng nếu vẫn không ký ông sẽ công khai tố cáo trước dư luận thế giới Thiệu ngăn cản hòa bình. Thiệu vẫn hoãn binh và cho biết sẽ trả lời Nixon vào ngày hôm sau.
Hôm sau, 15 phút sau khi máy bay Haig rời Tân Sơn Nhất, Thiệu triệu tập Hội đồng An Ninh thu hẹp, đọc tối hậu thư của Nixon cho Hội đồng nghe. Sau đó Hội đồng bàn về cung cách thi hành hiệp định. Việc ký kết đến đây xem như đương nhiên. CIA báo cáo rằng “trong thâm tâm Thiệu biết trước sau cũng phải ký theo ý Hoa Kỳ, nhưng ông đã làm những gì cần thiết có lợi cho sự tồn tại của Nam Việt Nam.”
Sáng ngày 20/1 Thiệu triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia thông báo quyết định ký. Phó tổng thống Trần Văn Hương khóc nói rằng Nam Việt Nam đang ở trên một chiếc cầu gãy, chạy hướng nào cũng không tránh được tai họa, và ký Hiệp định thì tai họa nhỏ hơn. Sau khi Hương dứt lời Thiệu nói Thiệu đồng ý với sự miêu tả của Hương.
Ngày 27/1 vào lúc tại Paris Hiệp định được ký kết, tổng thống Thiệu nói với Nôi các rằng bản Hiệp định Paris được bảo đảm của Hoa Kỳ, Liên bang Xô viết và Trung quốc và rằng thái độ cứng rắn của ông đã đưa đến vụ bỏ bom trong dịp lễ Giáng sinh và sẽ làm cho kế hoạch chiến tranh của Hà Nội bị chậm lại ít nhất 3 tháng. Haig nói với Bunker rằng vụ bỏ bom Hà Nội và Hải phòng đã là yếu tố cần thiết để Thiệu ký Hiệp định Paris.
Đầu tháng 4/73 Nixon mời Thiệu công du Hoa Kỳ và tiếp Thiệu tại San Clemente nơi làm việc và nghỉ ngơi của Nixon ở California. Bunker tháp tùng phái đoàn với Thiệu và Bunker mời Polgar cùng đi. Qua cuộc thăm viếng Nixon hứa viện trợ quân sự 1 tỉ mỹ kim (trên căn bản một đổi một) và 1 tỉ viện trợ kinh tế cho Nam Việt Nam. Thiệu rất hài lòng.
Tại Việt Nam sự thi hành Hiệp định không êm ả. Tổng thống Thiệu không chấp nhận Nghị định thư ấn định bản đồ da beo phân định ranh giới kiểm soát hai bên do Hà Nội và Hoa Kỳ đồng ý với nhau dự tính ký và phổ biến ngày 7/6/73 và Thiệu đề nghị thay đổi một số điểm nói về thể thức bầu cử. Hoa Kỳ lại áp lực Thiệu và cuối cùng Thiệu đồng ý. Theo đánh giá của CIA sau 6 tháng thi hành hiệp định Thiệu củng cố vị trí vững chắc trên diện địa nhưng cộng sản chuẩn bị dùng vũ trang yểm trợ cuộc đấu tranh chính trị bằng cách ồ ạt chuyển vũ khí vào miền Nam.
Thời gian từ 4/73 đến 11/74 là một thời gian kèn cựa báo trước một trận bão.
Tháng 6/73 bầu cử bán phần Thượng viện tại Sài gòn gồm 3 liên danh và 30 Thượng nghị sĩ. Nhân dịp này Hoa Kỳ muốn tạo một sinh hoạt đa đảng hài hòa, nhưng Polgar cho biết không phải đơn giản vì chính quyền và chính khách Nam Việt Nam không còn tin Hoa Kỳ nữa.
Ngày 18/6 sau khi gặp các nhân vật thân cận như Trần Quốc Bửu, tướng hồi hưu Huỳnh Văn Cao, Phạm Văn Đổng và Nguyễn Bá Cẩn chủ tịch Hạ nghị viện, Polgar thuyết phục Trần Quốc Bửu làm thụ ủy liên danh Xã hội Dân chủ đối lập, nhưng Bửu từ chối. Những người dự họp không ai tin một liên danh đối lập có thể đắc cử, một phần vì không có căn bản trong quần chúng, một phần cho rằng trước sau chính quyền cũng gian lận phiếu.
Cuối tháng 6/73 Bunker về Mỹ. Đầu tháng 7 tòa đại sứ nghe phong thanh Thiệu và Khiêm bất hòa. Ông Whitehouse, đại sứ tạm thời (trong khi chờ Graham Martin đến thay) yêu cầu Polgar hỏi Khiêm. Khiêm xác nhận có và nguyên nhân là Khiêm rút ra khỏi thụ ủy liên danh thân chính do Thiệu chủ trương. Thêm nữa, Khiêm không đồng ý với các cố vấn thân cận của Thiệu như Hoàng Đức Nhã và Nguyễn Văn Ngân. Hai nhân vật này cố vấn Thiệu thiết lập một chế độ tập trung quyền hành như chế độ của cựu tổng thống Ngô Đình Diệm. Khiêm nói Việt Nam có thể chưa sẵn sàng cho một chế độ dân chủ đa đảng, nhưng dù độc đảng cũng cần có tiếng nói đối lập.
Tháng 7/73 đại sứ Martin đến Sài gòn. Martin từng là đại sứ tại Ý và Thái Lan và có một người con trai tử trận tại Việt Nam. Theo Polgar, Martin từ tốn, hiền, và là một “gentleman” kiểu mẫu, nhưng cung cách làm việc cũng cứng rắn không kém Bunker.
Cũng như Bunker, Martin dùng sự tiếp cận của CIA đối với các tướng lãnh Việt Nam để kín đáo vận dụng chính sách của Hoa Kỳ. Qua trung gian của Khiêm, Quang và thỉnh thoảng Bình, và với các nhân vật trong quốc hội tòa đại sứ dò biết được suy nghĩ và tính toán của Thiệu. Các nhân vật này sẵn sàng khuyến cáo Thiệu theo chính sách Hoa Kỳ, dù đó là chính sách có thực chất hay có tính hào nhoáng.
Tháng 8 năm 1973 Nixon từ chức vì dính vào vụ Watergate. Lúc này Hoa Kỳ đã hoàn tất áp lực Thiệu ký Hiệp định Paris (1/73) và Nghị định thư (6/73) thi hành Hiệp định. Cả hai văn kiện đều bất lợi cho VNCH.
Chương 7: Nỗ lực duy trì hiện trạng
Chương 8: Thời điểm sinh tử
Nỗ Lực Duy Trì Hiện Trạng
Từ mùa Thu 1973 cho đến mùa Đông 1974, cộng sản Hà Nội chơi trò mèo chuột với quân đội VNCH, và cũng là thời gian quan hệ giữa tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và đại sứ Martin lạnh nhạt nhất.
Cuối năm 1974 tin tình báo cho biết cộng sản sẽ mở cuộc tấn công Đông Xuân 74-75. Và cuộc tấn công đã diễn ra cuối năm 1974. Ngày 6/1/75 tỉnh lị Phước Long thất thủ.
Trong buổi chất vấn của Thượng Viện Hoa Kỳ để phê chuẩn Henry Kissinger vào chức vụ bộ trưởng ngoại giao, Kissinger nói trước Thượng Viện rằng “chiến tranh Việt Nam xem như đã qua.” Polgar ở Sài gòn cho rằng Kissinger không diễn tả hiện trạng của cuộc chiến tranh. Cộng sản Hà Nội không tôn trọng Hiệp định Paris và do đó cuộc chiến chưa chấm dứt. Langley đồng ý với Polgar và tiên đoán chiến cuộc sẽ bùng nỗ vào khỏang tháng 11 năm 1974 .
Tháng 12, 1973 đại sứ Martin đi Paris tham dự hội nghị thi hành Hiệp định. Trở về Sài gòn ngày 22/12/73, Martin – theo khuyến cáo của Bộ trưởng ngoại giao Kissinger – yêu cầu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đơn phương tuyên bố ngưng bắn, chấp nhận bản đồ phân chia ranh giới kiểm soát (da beo) và trao đổi tù binh. Kissinger tiên đoán Hà Nội sẽ bác bỏ đề nghị của Thiệu và Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Đinh chiến (UBQT/KSĐC) sẽ tuyên bố Hà Nội không có thiện chí thi hành Hiệp định Paris.
Cuối năm 1973 Polgar báo cáo về Langley rằng miền Bắc đang gặp khó khăn kinh tế, và Hà Nội đang muốn duy trì hiện trạng hơn là vi phạm hiệp định lật đổ ông Thiệu ngay. Nam Việt Nam cũng chỉ muốn duy trì hiện trạng.
Tình hình do đó lắng dịu cho đến năm 1974. Tháng 2/74 tổng thống Thiệu vận dụng quốc hội tu chính hiến pháp cho phép ông ra ứng cử nhiệm kỳ thứ ba, sau đó ông cải tổ nội các. Sự cải tổ làm CIA mất một số người cho tin quan trọng. Ông Nguyễn Văn Ngãi rời ghế bộ trưởng Bộ Phát Triển Nông Thôn sang ngồi chơi xơi nước bên đảng Dân Chủ. Bộ trưởng bộ Cựu Chiến Binh Phạm Văn Đổng bị rắc rối vì một vụ chứa bạc lậu nên cũng mất sự tiếp cận với Thiệu. Đổng dùng quan hệ với CIA để chạy tội nhưng CIA không giúp. Kết quả, tháng 4/74 Đổng bị bắt và bị tù cho đến tháng 7/74. Tuy nhiên tướng hồi hưu Trần Văn Đôn (kiêm Thượng nghị sĩ) trở lại chức vụ Phó Thủ tướng Đặc trách Thanh tra và An ninh. Đôn vốn có nhiều quan hệ với CIA và là một nguồn cho tin tốt. Khiêm thì vẫn hợp tác với CIA trên căn bản thường xuyên.
Đầu năm 1974 tại Hoa Kỳ lợi dụng lúc tổng thống Nixon đang gặp khó khăn về vụ Watergate, báo chí Mỹ - dẫn đầu bởi tờ báo NewYork Times- dấy lên phong trào nói xấu chính quyền Nam Việt Nam để thuyết phục Quốc hội thôi ủng hộ Nam Việt Nam. Báo chí Mỹ còn tố cáo CIA tiếp tay cho cảnh sát Việt Nam tra tấn tù nhân chính trị. Và đại sứ Martin đã yêu cầu Thượng nghị sĩ William Fulbright (Dân chủ, bang Arkansas) quan tâm đến vấn đề này.
Cuối tháng 4/74 Hà Nội đề nghị một phương thức thi hành Hiệp định, nhưng lần này, trước những hành động vi phạm Hiệp định một cách lộ liễu của Hà Nội, ông Thiệu bác bỏ, cho Hà Nội chỉ có mục đích tuyên truyền. Đại sứ Martin thì muốn Thiệu chấp thuận đề nghị của Hà Nội nhất là mục trao đổi tù nhân để ép Hà Nội đóng tiền cho ngân sách của UBQT/KSĐC và không ngăn cản sự thiết lập các trạm kiểm soát theo quy định của Hiệp định Paris.
Giữa tháng 4/74, đại tá Karoly Gambos người Hungary, thuộc phái bộ kiểm soát đình chiến tiếp xúc với Polgar cho biết Liên bang Xô viết đã tạm ngưng luồng tiếp vận vũ khí cho Hà Nội và yêu cầu Hoa Kỳ cũng ngưng tiếp vận cho Nam Việt Nam. Đại tá Gambos nói Nga chỉ muốn duy trì hiện trạng ngưng bắn tại chỗ và không muốn khuyến khích Hà Nội lật đổ Thiệu. Nghi ngờ âm mưu của phe cộng sản trong đề nghị này nên sự tiếp cận Polgar của đại tá Gambos không mang lại kết quả nào.
Trong khi đại sứ Martin nghi ngờ báo chí Mỹ muốn miền Nam Việt Nam sụp đổ thì tổng thống Thiệu nghi ngờ chính chính phủ Hoa Kỳ cũng có chủ trương này (TBN: ông Thiệu không thể không nghi như vậy vì ông biết quá nhiều về Kissinger, bây giờ Kissinger là bộ trưởng Ngoại giao).
Ngày 6/6/74 trước khi về Washington để tham khảo, Martin – theo khuyến cáo của Quang bàn trước với Polgar – quả quyết với Thiệu Hoa Kỳ không giúp đỡ gì việc chống Thiệu của Phong Trào Chống Tham Nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh, mặc dù Hoàng Đức Nhã quả quyết như vậy. Quang cũng yêu cầu Polgar nhắc Martin quan tâm đến chương trình viện trợ kinh tế và hứa rằng (để làm vui lòng Quốc hội Mỹ) ông Trần Ngọc Châu sẽ được trả tự do khi Martin đến Hoa Kỳ.
Sau khi Nixon từ chức (9/8/74), Shackley (bây giờ phụ trách Cục Viễn Đông của CIA) yêu cầu Polgar giám định mối nguy của Nam Việt Nam. Trong báo cáo Polgar tiên đoán: “cuộc tấn công định mệnh sẽ đến sớm và rất có thể sẽ đến trong mùa khô 1975 .”
Ngày 8/11/74 Polgar nhận được báo cáo tình báo từ Hà Nội qua cơ sở CIA tại Biên Hòa cho biết Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam vừa họp thông qua Nghị Quyết 75 quyết định tung một cuộc đại tấn công miền Nam trong năm 1975 và cuộc tấn công này sẽ lớn hơn mức độ cuộc tấn công 1972. Nghị Quyết 75 nhận định rằng cộng sản Hà Nội chỉ dùng 1/3 lực lượng hiện có tại miền Nam đã có thể kềm chế toàn bộ quân đội VNCH, và rằng cuộc tấn công trải rộng trên toàn quốc trên cả ba mặt quân sự, chính trị và kinh tế. Lệnh thu mua lúa gạo và các thực phẩm khác chuẩn bị cho một chiến dịch dài ngày đã được Hà Nội ban hành.
Polgar do dự chưa chuyển tin tình báo này về Langley thì giới tình báo Hoa Kỳ hỏi Polgar nghĩ gì về phân tích tình báo trước đó của Hội đồng Tình báo Trung ương rằng có thể Hà Nội sẽ không mở một cuộc tấn công quy mô trong mùa khô từ 8/74 đến 6/75. Trả lời ngày 11/11/74, Polgar không nhắc lại lời tiên đoán của ông phù hợp với nội dung của tin tình báo “khá tế nhị” mà ông vừa nhận được, và viết rằng CIA Sài gòn cũng chưa có cơ sở nào để nghĩ khác với Hội đồng Tình báo. (TBN: có lẽ Polgar không muốn làm mất lòng cấp trên). Tuy nhiên Polgar đính kèm “bản tin tình báo từ Hà Nội” để Hội đồng Tình báo xét với lưu ý rằng nguồn cung cấp tin này là nguồn đã cung cấp tin rất chính xác về vụ tấn công 1972. Tòa đại sứ cũng nhận được một tin đặc biệt từ Thượng Tọa Thích Trí Quang – qua một trung gian – rằng Hà Nội sẽ mở một cuộc tấn công lớn nếu trong vòng 3 hay 4 tháng tổng thống Thiệu chưa từ chức.
Về mặt tình báo, CIA nghĩ Hà Nội có thể mượn người tung những tin này để đe đọa và làm suy mòn tư thế chính trị của Thiệu. Nhưng vì tính khả tín của nguồn cung cấp tin từ Hà Nội nên Polgar quyết định yêu cầu đại sứ Martin và tướng Bình đặc biệt quan tâm đến toan tính đại tấn công của cộng sản.
Đường giây tình báo từ Hà Nội còn cho biết thêm chiến địch 1975 dự tính kéo dài qua năm 1976 cho đến cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, và mọi chuẩn bị cho chiến trường miền Nam phải được hoàn tất vào cuối tháng 12/1974.
Trước tình hình quân sự không mấy sáng sủa cho miền Nam, Hoa Kỳ lấy lý do các nước A Rập phong tỏa dầu hỏa đã cắt bớt viện trợ kinh tế cho Nam Việt Nam. Tổng thống Thiệu nghi ngờ đây là đòn phép của Hoa Kỳ vì trước đó ông đã bác bỏ đề nghị cải tổ nội các của Martin.
Thiệu lượng định rằng, và Khiêm thông báo cho CIA biết, tình hình năm 1975 sẽ không sáng sủa về cả hai mặt quân sự và kinh tế. Khiêm nói với Hoa Kỳ rằng Hà Nội thừa biết quân đội VNCH không có khả năng bảo vệ tất cả 44 tỉnh miền Nam, và tổng thống Thiệu cũng không có ý định rải quân mỏng bảo vệ tất cả lãnh thổ. Sự thông báo này hàm ý tổng thống Thiệu có thể sẽ bỏ một số đất. Khiêm nói úp mở rằng thí dụ giữ được Kontum thì tốt, nhưng không có lý do gì phải hy sinh một sư đoàn để giữ Kontum.
Ngày 6/1/75 Phước Long thất thủ. Đại sứ Martin báo cáo với Washington rằng Hà Nội đã thành lập 4 sư đoàn với nhân lực địa phương nên có khả năng nới rộng sự kiểm soát đất mà không cần di chuyển các sư đoàn từ miền Bắc vào. Nhưng Martin cho biết, theo ông, Thiệu vẫn còn khả năng đáp ứng sự lấn đất của cộng sản. Polgar thì cho rằng tình hình ngang ngữa đó có thể sẽ nghiêng dần về phía Hà Nội, vì trong khi Liên bang Xô viết và Trung quốc ồ ạt viện trợ quân dụng cho Hà Nội thì Hoa Kỳ không viện trợ đầy đủ cho VNCH, ngay cả trên căn bản “một đổi một” vì sự cản trở của Quốc hội Hoa Kỳ. Ngay cả 700 triệu mỹ kim đã có trong ngân sách, Quốc hội cũng chần chừ không muốn chuẩn chi đến nổi Kissinger phải gọi Martin về Mỹ để vận động với Quốc hội. Tổng thống Thiệu nói – và Polgar chuyển lời về Washington - rằng “hình như Hoa Kỳ đang dối gạt VNCH trong khi Hoa Kỳ bị Liên bang Xô viết dối gạt.”
Một tướng người Úc châu, ông Ted Serong khuyên Thiệu nên bỏ 4 tỉnh địa đầu (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Nghĩa), nhưng Khiêm cho biết Thiệu nghĩ kế hoạnh đó không thực tế về cả hai phương diên quân sự và chính trị. Tuy nhiên tin đồn bỏ đất của Thiệu đang được dư luận báo chí Hoa Kỳ bàn tán theo hướng bất lợi cho Thiệu. Nhân vụ này Thiệu yêu cầu Polgar vận động với Martin giúp thành lập một hội Việt-Mỹ tại Mỹ để lobby chống lại các thành phần phản chiến chuyên loan tin bất lợi cho Nam Việt Nam.
Thiệu nghĩ một cách đơn giản rằng trước sau Quốc hội Mỹ cũng chuẩn chi 700 triệu mỹ kim và ông sẽ có đủ đạn dược, xăng nhớt chống lại cuộc xâm lăng 1975 của Hà Nội. Nếu không ông sẽ tái phối trí (TBN: được hiểu là bỏ đất). Để yểm trợ Thiệu, Polgar gởi điện văn về Washington rằng “nếu Hoa Kỳ không viện trợ cho Sài gòn thì Hà Nội không thấy có lý do gì thỏa thuận những đề nghị có tính hòa hoãn của ông Thiệu như Hoa Kỳ muốn” .
Cuối tháng 2/75 tổng thống Ford đề nghị một gói viện trợ 3 năm cho VNCH. Ngày 26/2 Polgar gởi điện văn yêu cầu Kissinger dùng “uy tín cá nhân và khả năng trí tuệ” của mình để vận động quốc hội thông qua gói viện trợ này. Polgar viết, gói viện trợ 3 năm này sẽ làm cho Hà Nội suy nghĩ lại về các toan tính của họ, và do đó mới có điều kiện thi hành Hiệp định Paris.
Theo lượng giá của Polgar số đạn dược Hà Nội chuyển vào Nam rất lớn, gồm đạn dược dự trữ bảo vệ miền Bắc và đạn dược do Liên bang Xô viết và Trung quốc viện trợ gộp lại. Lượng giá này cho thấy Hà Nội dự tính một cách liều lĩnh bỏ trống miền Bắc cho chiến dịch 1975. Polgar phân tích rằng nếu Hoa Kỳ viện trợ đầy đủ cho Nam Việt Nam thì sau khi dốc cạn vốn mà không thắng, Hà Nội bắt buộc phải từ bỏ ý định chiếm miền Nam bằng vũ lực. Đã có dấu hiệu Liên bang Xô viết mệt mỏi và chấp nhận sự tồn tại của hai nước Việt Nam như Hàn quốc và Đức quốc.
Thời điểm sinh tử
Ngày 10/3/75 cộng sản mở màn cuộc tấn công 1975 và chiếm Ban Mê Thuộc, tỉnh lị tỉnh Darlac. Thành phố Pleiku bị đe dọa, và trưởng cơ sở CIA Don Nicol tại Pleiku gởi báo cáo khẩn trương hằng ngày về cơ sở CIA Nha Trang. Ngày 12/3, súng phòng không của quân đội Bắc việt bắn hạ một chiếc Dakota chở hành khách của hãng hàng không dân sự Air Việt Nam trên không phận ngoại ô Pleiku. Không nhận được chỉ thị nào của Sài gòn, ngày 13/3 Nicol họp nhân viên tình báo tại Pleiku và tự động phát họa một kế hoạch dự phòng di tản cho toàn bộ nhân viên Mỹ-Việt có liên hệ với CIA.
Trong khi đang họp, Nicol nhận được điện thoại của Đại tá Lê Khắc Lý, Tham mưu trưởng Quân đoàn 2 cho biết các vị trí của quân đội VNCH đang bị đe dọa và khuyên người Mỹ nên rút khỏi Pleiku. Lý cho Nicol biết ngày mai 14/3 tướng Phạm Văn Phú sẽ họp với tổng thống Thiệu tại Cam Ranh. Buổi họp được giữ kín và máy bay của tướng Phú sẽ đi Qui Nhơn trước để đánh lạc hướng. Lý hứa với Nicol có tin gì sau khi Phú đi họp về Lý sẽ cho hay.
Nicol báo cho Robert Chin, trưởng cơ sở CIA Nha Trang biết nội dung tin Lý vừa cung cấp. Ngày hôm sau 14/3 trước khi Nicol bay về Nha Trang họp thì được điện thoại của Chin cho biết cơ sở Qui nhơn cho hay tướng Phú có bay về Qui Nhơn thăm bộ chỉ huy một sư đoàn ở đó.
Chiều ngày 14/3, sau khi Nicol đã đi Nha Trang, Stephens (phụ tá của Nicol?) đến bộ tư lệnh quân đoàn 2 kiếm tin về cuộc họp giữa Phú và Thiệu. Stephens gặp Lý trước, Lý chưa nói được gì thì Phú bước vào. Stephens thấy Phú có vẻ thất sắc và mất bình tỉnh, nhưng Stephens nghĩ Phú đang lo về tình hình quân sự suy đồi của vùng 2 chứ không liên quan gì đến nội dung chỉ thị của Thiệu trong buối họp buổi sáng tại Cam Ranh.
Hôm đó Stephens không lấy được tin gì. Ngày mai Stephens trở lại với hy vọng có tin sốt dẽo. Khi xe chạy qua phi trường Pleiku Stephens không thấy các phản lực cơ của Không quân Việt Nam thường đậu ở đó. Đến bộ tư lệnh Stephens thấy đồ đạt vương vãi như đang dọn nhà. Nửa giờ sau Stephens tìm được Lý. Lý kéo Stephens ra một chỗ vắng và sau khi căn dặn tuyệt đối giữ kín, Lý cho Stephens biết Thiệu ra lệnh tướng Phú bỏ Pleiku và Kontum. Stephens vội vàng thông báo tin sơ khởi cho cố vấn tỉnh Darlac Earl Thieme, rồi đi tìm gặp Phú để xác nhận. Thi hành lệnh của tổng thống Thiệu không cho người Mỹ biết quyết định rút quân ra khỏi Pleiku và Kontum, tướng Phú nói với Stephens ông cho dời bộ chỉ huy Quân Đoàn về Nha Trang cho an toàn chứ không có ý bỏ Pleiku và Kontum. Tuy nhiên – cũng như đại tá Lý- Phú khuyên người Mỹ nên rời khỏi Pleiku.
Nhận được báo cáo của Chin, Polgar còn đang lượng định sự xác tín của nguồn tin, thì lãnh sự Mỹ tại Nha Trang Moncrieff Spear và Chin đã khẩn khoản yêu cầu, và Polgar chấp thuận cho tất cả nhân viên Mỹ rời khỏi Pleiku và Kontum. Sau khi toàn bộ nhân sự tình báo về đến Nha Trang với máy giải mã và vũ khí, phó CIA Sài gòn LaGueux dùng máy bay đích thân bay quan sát và chụp hình đoàn quân rút lui của tướng Phú trên đoạn đường Pleiku – Phú Bổn. LaGueux thấy cuộc rút lui vô cùng hỗn độn.
Polgar tiếp xúc với Quang và tướng Lê Nguyên Khang, Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam (TQLC) để tìm hiểu toan tính thật sự của tổng thống Thiệu. Khang nói Khang không biết gì. Và rằng ông mới gặp tướng Cao Văn Viên cũng không thấy Viên nói gì. Quang thì nói úp mở rằng việc di tản ra khỏi Kontum là điều có thể xẩy ra. Còn Thiệu khi gặp Phó đại sứ Lehmann cũng không xác nhận ông đã ra lệnh di tản.
Vì không biết được một cách chính xác Thiệu tính gì, Polgar cho rằng việc bỏ Pleiku và Kontum là chiến thuật gom quân của Thiệu để chiếm lại Ban Mê Thuột.
Ngày 17/3, tướng Viên, với phép của Thiệu chính thức thông báo cho tướng Homer Smith, tùy viên quân lực Hoa Kỳ biết quân đội VNCH đang rút ra khỏi Pleiku và Kontum. Viên xin lỗi tướng Smith đã không thông báo sớm hơn vì lệnh của tổng thống Thiệu.
Ngày 14/3 trong khi tổng thống Thiệu gặp các tướng Phú, Khiêm, Viên, Quang tại Cam Ranh thì Polgar đang nhức đầu vì mất Ban Mê Thuột và áp lực cộng sản nặng nề tại tỉnh Tây Ninh. Theo Polgar cường độ của cuộc tấn công vượt quá trận tấn công 1972. Bình nói với Polgar rằng quân đội VNCH đang cố gắng tái chiếm Ban Mê Thuột, và việc chiếm lại được hay không sẽ quyết định vận mạng của Nam Việt Nam.
Sau này nhìn lại tình hình lúc đó Polgar cho rằng cuộc tấn công của cộng sản chưa đủ sức làm cho miền Nam sụp đổ. Nam Việt Nam sụp đổ vì lỗi lầm chiến thuật của VNCH. Vùng 2 rồi Vùng 1 sụp đổ nhanh chóng vì Thiệu quyết định rút ra khỏi Pleiku và Kontum quá vội vàng, và các tướng lãnh đã thực hiện cuộc rút lui một cách tồi tệ. Tuy nhiên thủ tướng Trần Thiện Khiêm cho rằng Hoa Kỳ đã gián tiếp làm miền Nam sụp đổ. Ông nói: “Chừng nào cái Quốc hội Hoa Kỳ ‘khốn kiếp’ đó còn chơi trò thắt chặt viện trợ thì chừng đó cộng sản Hà Nội càng được khuyến khích.” Một nhân vật khác (TBN: tài liệu không ghi là ai nhưng có thể đoán là tổng thống Thiệu) nói rằng “khi Hà Nội tấn công Nam Việt Nam trong năm 1972 Hoa Kỳ còn dùng B52 và hải pháo đánh phá trả đũa Bắc việt, bây giờ thì im thin thít. Hoa Kỳ sau khi chơi trò Kissinger, bây giờ đến trò Quốc hội, và chúng tôi có thể làm gì đây?”
Trong khi Hà Nội đang mở cuộc tấn công, đại sứ Martin đang chữa răng ở Mỹ, và – theo Polgar- các phụ tá của Martin không đủ khả năng để nắm tình hình . Cho nên các báo cáo có chất lượng phản ánh thực tế đều do CIA báo cáo.
Ngày 20/3 Langley yêu cầu Polgar cho biết sự tính toán của Thiệu trước tình hình đổ vỡ nhanh chóng và cho Polgar biết Washington đang chuẩn bị một chương trình giúp người tị nạn từ miền Trung vào.
Phản ứng của Polgar : “Chương trình giúp người tị nạn thì giải quyết được gì ? Thiết giáp của Hà Nội chỉ có thể bị chận lại bằng vũ khí chống tăng chứ không thể bằng một chương trình nhân đạo. Hoa Kỳ đã không giữ lời cam kết thay thế vũ khí cho quân đội Nam Việt Nam trên căn bản ‘một đổi một’ và cũng không nhắc cho Hà Nội biết hậu quả họ sẽ gánh chịu nếu vi phạm Hiệp định Paris bằng cách mở một cuộc tấn công quy mô vào miền Nam là hai nhát búa kết thúc sinh mạng của một miền Nam tự do không cộng sản. Bây giờ nói gì thì cũng quá trễ.”
Langley đồng ý trên nguyên tắc với Polgar, nhưng nhắc lại các giới chức cao cấp Hoa Kỳ cho rằng đổ vỡ là do cộng sản Hà Nội và lúc này điều cần thiết là giúp người chạy giặc.
Ngày 21/3 trong khi quân đội Nam Việt Nam đang rút chạy từ cao nguyên về miền duyên hải thì tòa đại sứ Hoa Kỳ một mặt làm ra vẻ bình tỉnh để trấn an dư luận, một mặt không cho thân nhân của nhân viên tòa đại sứ đến Sài gòn nữa và không làm gì khác hơn để đáp ứng với tình hình (TBN: có lẽ đây là tâm lý phản ánh cái nhìn của Bộ trưởng ngoại giao Kissinger, chuyện miền Nam Việt Nam xem như đã xong rồi).
Thấy được tâm lý đó Polgar và LaGueux ra sức làm những gì có thể làm được để che đậy tâm lý chủ bại của tòa đại sứ. Polgar thuyết phục tổng thống Thiệu tái tổ chức và tìm cách nâng cao tinh thần binh sĩ và không ngừng mời Quang, Bình, Nhã dùng cơm để bàn việc.
Ngày 22/3 Polgar cho Khiêm và Quang xem các tấm không ảnh chụp cảnh rút quân hỗn loạn và những tổn thất của quân đội VNCH trên đường Pleiku – Phú Bổn. Ngày hôm sau Quang trình các tấm ảnh đó cho Thiệu xem. Đại tá William Legro cũng thuyết trình cho một số tướng lãnh Việt Nam tình hình bi đát qua không ảnh.
Ngày Chủ Nhật 23/3 Polgar báo cáo về Washington rằng: Hà Nội đang thắng lớn, Nam Việt Nam đang thua đậm trong khi tòa đại sứ Hoa Kỳ bất động! Polgar cho biết Hà Nội đã đưa 5 sư đoàn trừ bị (có nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc) vào Nam bỏ ngỏ miền Bắc và yêu cầu Langley thông báo cho Bộ trưởng ngoại giao Kissinger và Bộ trưởng quốc phòng Schlesinger rằng – theo nhận xét của ông – miền Nam Việt Nam đang sụp đổ.
Chiều hôm đó Langley hỏi Polgar quân đội Nam Việt Nam tổn thất đến mức độ nào và Thiệu tính phản công ra sao để Hoa Kỳ kịp gởi vũ khí cần thiết tới. Langley lượng định ông Thiệu có thể sẽ mất Đà Nằng và có thể cả Tây Ninh và muốn biết ông Thiệu định giữ trận tuyến ở đường ranh nào. Trả lời trong ngày Polgar nói tình hình bi đát hơn người ta có thể tiên đoán 10 ngày trước. Nhưng các thành phố Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Thiết có thể giữ làm nơi gom quân và bảo vệ tiềm năng quân đội cho một trận đánh quyết liệt sắp tới. Thiệu chưa có ý định lập một phòng tuyến nào ngoài nỗ lực cứu vãn những gì có thể cứu vãn.
Ngày 25/3 Langley định cho phép Polgar bắt đầu di tản những đối tượng cần di tản, nhưng tỏ ý quan ngại phản ứng bất lợi trong dân chúng. Polgar cho biết sự lo ngại đó không cần thiết vì với thái độ bất hợp tác của quốc hội Mỹ cộng thêm việc hàng ngàn nhân viên Việt – Mỹ hốt hoảng từ các tỉnh phía Bắc chạy xuống đã đủ gây kinh hãi cho dân chúng tại Sài gòn.
Về chiến lược, Polgar nhận thấy cả hai phía Hoa Kỳ và Nam Việt Nam đều lúng túng thiếu đường lối chỉ đạo. Ông đề nghị tướng Fred C. Weyend, nguyên tư lệnh MACV nên đến Sài gòn tìm hiểu tình hình. Washington chấp thuận đề nghị của Polgar và phái đoàn gồm tướng Weyand, Shackley, George Carver và Martin quá giang lên đường ngày 27/3.
Ngày 26/3 Polgar báo cáo rằng tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân đội VNCH “như chúng ta từng biết” không còn nữa sau vụ rút ra khỏi cao nguyên và Hà Nội có thể kết thúc sự tồn tại của VNCH một cách nhanh chóng nếu họ muốn, ngoại trừ có áp lực quân sự và chính trị đối với Hà Nội, chẳng hạn như Hoa Kỳ khai thác miền Bắc đang bỏ trống, và vận động Nga khuyên Hà Nội đừng hấp tấp mà hố. Chiều ngày 26/3 Hoa Kỳ rút khỏi Tây Ninh bằng trực thăng.
Một báo cáo nội bộ CIA tại Sài gòn cho biết tướng Viên, Tham Mưu Trưởng quân đội rất bi quan. Theo Viên, tái phối trí hay không tái phối trí cũng không cứu được miền Nam, ngoại trừ một cuộc phản công mạnh mẽ bằng B-52 của không lực Hoa Kỳ .
Tại Sài gòn Thiệu ra lệnh cho Quang và Bình tìm mọi cách chận đứng các tiếng nói phản chiến của bà Ngô Bá Thành và của các linh mục Công giáo, và ngày 28/3, sau những cảnh hỗn loạn tại phi trường Đà Nẵng hôm 27/3, Shackley báo cáo cho Colby biết kế hoạch giữ Đà Nẵng không thể thực hiện được. Ngày 27/3 phi trường Đà Nẵng mất an ninh vì quân lính và dân chúng chen chúc nhau dành chỗ và chuyến bay thứ nhất của Hoa Kỳ chỉ chở được 1/3 số người trong danh sách do Hoa Kỳ thiết lập. Chuyến bay thứ hai phải lén đậu một chỗ khuất trên phi đạo mới lấy được đủ số người trong danh sách. Riêng nhân viên tình báo Hoa Kỳ an toàn rời Đà Nẵng trong ngày bằng phương tiện chuyên chở riêng của CIA.
Polgar thúc dục Quang cho Thiệu biết nếu không tái lập được an ninh tại phi trường thì Hoa Kỳ sẽ hủy bỏ nỗ lực di tản người Mỹ và người Việt bằng máy bay. Hình như tổng thống Thiệu không được báo cáo chính xác về tình hình hỗn loạn tại phi trường Đà Nẵng.
Được lệnh của Thiệu, nhưng tướng Ngô Quang Trưởng tư lệnh Quân đoàn 2 cũng khoanh tay không tái lập được trật tự phi trường. Ngày 28/3 lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng Albert Francis ra lệnh chấm dứt chương trình di tản bằng máy bay chuyển sang dùng đường biển.
Hừng đông ngày 28/3 lợi dụng trời còn tối Hoa Kỳ cho một chiếc phà cặp bến sông Đà Nẵng để di tản 3.000 người Việt làm việc với Hoa Kỳ. Tin bị lộ khoảng 1.000 người không có trong danh sách tràn lên bè, chen lấn xô đẩy nhau, té xuống sông và nhiều người chết đuối. Phà được vội kéo ra, một số đông trong danh sách 3000 người của Hoa Kỳ còn lại trên bờ. Đêm hôm sau tòa lãnh sự lại cho nhiều phà cập bến, nhưng chỉ có một số vào được.
Lãnh sự Mỹ nhờ một tàu kéo (tugboat) của Úc, chiếc Osceola giúp. Sáng ngày 29/3 chiếc Osceola rời bến sông Đà Nẵng an toàn chạy ra biển với nhân viên người Mỹ và một ít người Việt thuộc cơ sở CIA và tòa lãnh sự Mỹ. Đang còn trên sông một chiếc thuyền máy nhỏ chở lính TQLC chạy áp lại phía sau lái bất chấp chiếc Osceola bắn thị uy. Hank Boothe, một nhân viên an ninh Mỹ bước ra sau lái và lời qua tiếng lại rất căng thẳng với một binh sĩ TQLC lăm lăm một khẩu súng lục chĩa thẳng vào người Boothe. Sau cùng không khí bớt căng thẳng, người lính TQLC kéo ổ đạn cho thấy súng không có đạn. Boothe yêu cầu các binh sĩ TQLC hãy lên các thuyền đánh cá khác lúc này đang bu quanh chiếc Osceola.
Ra đến biển, từ chiếc Osceoala có thể thấy vô số thuyền máy đánh cá đủ loại chỡ lính có, thường dân có chạy lung tung trên biển. Hạm đội 7 dàn ngoài khơi trong hải phận quốc tế không biết đón được bao nhiều người. Osceola đánh điện kêu cứu theo luật hàng hải quốc tế và các thuyền buôn đang chạy qua vùng Đà Nẵng đã tích cực đáp ứng nhưng không giúp gì được vì hỗn loạn.
Đêm 29/3 bốn nhân viên CIA và những nhân viên tòa lãnh sự ngủ trên chiếc Osceola chờ trời sáng chuyển qua một chiếc tàu lớn hơn để vào Sài gòn. Khi Osceola cặp vào chiếc tàu buôn Pioneer Commander thì thấy trên tàu đã có hằng trăm lính TQLC với quang cảnh rất hỗn loạn. Tuy nhiên hành khách Mỹ Việt của chiếc Osceola lên tàu an toàn, và sau đó giúp thuyền trưởng tổ chức bảo vệ an ninh đài chỉ huy và phòng máy. Trong đêm 30/3 nhiều lính TQLC định lên chiếm đài chỉ huy, nhưng nhân viên an ninh Mỹ ngăn chận và đuổi đi.
Tổng kết lại, tòa lãnh sự Mỹ và CIA phối hợp nhau đã di tản được khoảng 50.000 người ra khỏi Đà Nẵng, nhưng nhiều người Việt trong số từ 3.000 đến 4.000 người làm việc với Hoa Kỳ và thân nhân của họ vẫn còn kẹt lại.
Ngày 27/3 trên chiếc máy bay chở phái đoàn tướng Weyand đi Việt Nam Shackley tóm tắt cho đại sứ Martin biết tình hình hỗn loạn tại phi trường Đà Nẵng, Martin có vẻ không tin. Đến Sài gòn, và sau khi Đà Nẵng đã rơi vào tay cộng sản Polgar đưa Vince Daly, một nhân viên CIA của trạm Đà Nẵng đến gặp để tường trình trực tiếp cho Martin, Martin vẫn chưa tin và nói có thể ông sẽ đi Đà Nẵng để đích thân quan sát tình hình. Polgar hỏi máy bay ông đại sứ làm sao có thể đáp xuống một phi trường do quân lính cộng sản kiểm soát? Hoạt cảnh này có lẽ là hoạt cảnh đại sứ Martin bắt đầu đóng để bảo đảm một cuộc rút chạy an toàn cho đến ngày 30/4/1975! Theo chính sách của đại sứ Martin, Polgar bắt đầu cho ra những tin tức lạc quan.
Đà Nẵng thất thủ trong hỗn loạn như một gáo nước lạnh dội suốt miền Nam. Tổng thống Thiệu cũng mất bình tỉnh. Ngày 30/3 không một viên chức nào có tầm cỡ ứng trực tại dinh tổng thống. Ngày 2/4 Shackley và Polgar gặp tổng thống Thiệu và thấy ông không kềm chế được xúc động phải bật khóc. Shackley ghi nhận Vùng 1 và Vùng 2 mất đã làm cho tinh thần binh sĩ và dân chúng miền Nam hoàn toàn suy sụp. Dân cũng như quân miền Nam đều cho Hoa Kỳ phản bội và đồng ý với nhau một điều là miền Nam chỉ có thể sống còn nếu Hoa Kỳ dùng B-52 dội bom vào các đoàn quân Bắc việt đang nghênh ngang tiến về Sài gòn.
Trong hai điệp văn Shackley gởi về Langley trong hai ngày 31/3 và 2/4 Shackley tiên đoán hau điều có thể xẩy ra. Thứ nhất là quân đội miền Bắc tiến thẳng vào Sài gòn thanh toán chính quyền miền Nam bằng vũ lực. Thứ hai, Hà Nội ngưng tiến quân, ép thành lập một chính phủ liên hiệp để hiến cho miền Nam một cách đầu hàng. Polgar và Martin luôn luôn chờ đợi tín hiệu thứ hai, nhưng nó không bao giờ tới. Phái đoàn Weyand cũng thấy không có gì để thuyết phục Hà Nội chớ nên dùng sức mạnh để chiếm miền Nam lúc này, ngoại trừ Hoa Kỳ dùng không lực yểm trợ và ồ ạt viện trợ xăng nhớt súng đạn cho quân đội VNCH.
Sau khi chiếm Đà Nẵng quân đội cộng sản tiến ra vùng duyên hải. Ngày 1/4 bộ đội cộng sản tiến sát Nha Trang. 10:30 sáng đại tá Lý Bá Phẩm, tỉnh thị trưởng Khánh Hòa Nha Trang kiêm tiểu khu trưởng báo cho Hoa Kỳ biết Nha Trang đã bỏ ngỏ. Tổng lãnh sự Mỹ vội rời Nha Trang và vào lúc 11:17AM cơ sở CIA đóng cửa và khoảng xế trưa chủ sự CIA Robert Chin và toàn bộ nhân viên rời Nha Trang bay về Sài gòn. Chương trình di tản nhân viên người Việt làm việc với Hoa Kỳ và thân nhân bằng đường biển không thực hiện được vì sự ra đi đột ngột của người Mỹ. Sau này kiểm điểm lại có 50% trong số này tự xoay xở vào đến Sài gòn .
Ngày 2/4 Langley cho Polgar biết Bộ ngoại giao sắp ra lệnh di tản toàn bộ nhân viên Mỹ và những người Việt có thể bị Hà Nội trả thù ra khỏi Sài gòn. Con số này ước lượng một triệu người. George Carver nói kế hoạch di tản này là kế hoạch của “người điên”, vì sự di tản sẽ tạo ra hỗn loạn còn hơn sự hỗn loạn trong trường hợp không làm gì cả. Carver chỉ thị Polgar không nên động tỉnh gì cho đến khi có lệnh, và nếu di tản rất có thể phải đổ bộ một sư đoàn TQLC được yểm trợ bởi Không quân chiến thuật. Phụ tá Bộ trưởng quốc phòng Philip Habib quyết định di chuyển thân nhân, còn nhân viên và công chức Mỹ thì cho di tản nhỏ giọt từng nhóm nhỏ để tránh tin đồn “Mỹ bỏ chạy”. William Colby, giám đốc CIA dặn rằng nếu phía chính quyền Việt Nam chất vấn thì nói Vùng 1 và Vùng 2 đã mất, công việc ít nên các cơ sở Hoa Kỳ tại Việt Nam giảm nhân số theo nguyên tắc hành chánh thôi (TBN: ông Colby quả có óc khôi hài!). CIA chỉ định William Johnson bố trí người ở lại sau khi Sài gòn sụp đổ để lấy tin. Không biết Johnson làm ăn thế nào sau này CIA không nhận được một tin tức tình báo nào cả.
Ngày 2/4 Thiệu cho Shackley và Polgar biết ông dự tính lập một chính phủ rộng rãi để hy vọng Hà Nội thấy thích hợp bàn chuyện ngưng bắn. Ngày 3 tháng 4 Polgar báo cáo với Langley rằng tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ và Chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm cũng định thành lập một chính phủ như vậy mà không có Thiệu. Kế hoạch là Thượng viện thông qua một Quyết Nghị yêu cầu Thiệu từ chức. Polgar thấy kế hoạch của Kỳ khó thực hiện vì Thiệu sẽ không dễ bị ép như vậy.
Sáng ngày 8/4 Trung úy Nguyễn Thành Trung của Không quân VNCH đào ngũ dùng phản lực cơ ném bom dinh Độc Lập. Cũng trong ngày tin tình báo của CIA từ Hà Nội cho biết Hà Nội đã lấy quyết định thanh toán Nam Việt Nam bằng sức mạnh quân sự vào thời điểm do Hà Nội chọn lựa, không thương thuyết, không liên hiệp, dù Thiệu từ chức hay dù Hoa Kỳ mở lại đường tiếp vận quân trang vũ khí cho quân đội VNCH.
Lúc này Nội các của Khiêm hoàn toàn tê liệt. Tổng thống Thiệu cũng không buồn liên lạc với Martin. Ngày 10/4 khi báo cáo về Washington các cuộc tấn công của cộng quân quanh Sài gòn Polgar tiên đoán Hà Nội sẽ tiến vào Sài gòn khoảng tháng 6/75. Martin lúc này nghĩ Thiệu ra đi là tốt nhưng ông không thấy ai có thể thay thế. Riêng Polgar nhận định rằng, ngoại trừ Hoa Kỳ đổi ý mạnh tay can thiệp bằng vũ lực, cách tốt nhất còn lại để tránh đổ máu là Thiệu từ chức và thành lập một chính phủ gọi là “liên hiệp quốc gia” như một cách đầu hàng và Hoa Kỳ vận dụng mọi sức ép quốc tế (như cung cách Hoa Kỳ đã làm khi quân đội Do Thái tiến vào Ai Cập năm 1973) kêu gọi Hà Nội ngưng tiến quân. Nếu không, Nam Việt Nam sẽ bị đánh gục trong một thời gian ngắn và không một người Việt Nam nào có thể chạy thoát.
Về phần di tản, có lẽ kinh nghiệm của các vụ di tản Pleiku, Đà Nẵng cho Polgar thấy một cuộc di tản đông đảo ra khỏi Sài gòn không phải là chuyện dễ làm nên Polgar trở nên dè dặt theo đường lối của Martin. Khác với một Polgar lúc nào cũng nhận định dứt khoát rõ ràng dựa vào thực tế của ông trước đây, bây giờ Polgar hay nói đến giải pháp liên hiệp và ngưng bắn. Ông dự tính chỉ di tản ồ ạt người Mỹ và thân nhân khi Biên Hòa mất và đường bộ Sài gòn – Vũng Tàu bị cắt.
Ngày 10/4 trong một báo cáo lời lẽ trung thật Polgar kết luận: “Tháng 2/1975 chúng ta có nhiều đường an toàn rút khỏi Việt Nam và Nam Việt Nam còn nhiều ưu thế để tồn tại, nhưng chúng ta đã để cho cơ hội vuột khỏi tầm tay (TBN: ý Polgar muốn nói sau khi cộng sản vi phạm Hiệp định Paris đánh chiến Phước Long mà Hoa Kỳ vẫn bất động) khuyến khích Hà Nội làm tới. Và bây giờ thì không còn gì nữa, ngoài sự thất bại!
Theo Polgar lúc này chỉ còn 4 bước: (1) di tản nhanh chóng người Mỹ ở một mức độ sao cho không tạo ra cảm tưởng Mỹ đang trốn chạy (2) vận động ngưng bắn qua Nga Sô và Pháp (3) ép Thiệu từ chức và thành lập chính phủ liên hiệp để đầu hàng [TBN: thực tế có ép Thiệu từ chức và đầu hàng nhưng không có khâu liên hiệp!] (4) thương thuyết với Hà Nội để có thì giờ di tản người Việt có thể bị Hà Nội trả thù [TBN: chương trình HO thực hiện điều này nhưng chỉ thực hiện được sau khi sĩ quan quân đội VNCH và công chức cao cấp của chính quyền miền Nam đã bị trả thù trong các trại cải tạo!]. Theo Polgar giải pháp 4 bước này giúp rữa mặt mày cho Hoa Kỳ và giúp Hà Nội tránh được tiếng vi phạm một hiệp định được quốc tế công nhận.
Lúc này vấn đề di tản an toàn là mối lo chung từ Washington đến Sài gòn. Hoa Kỳ có trách nhiệm đối với 250.000 người có quan hệ với Hoa Kỳ chưa kể toàn bộ sĩ quan, binh sĩ và công chức các cấp của chính quyền miền Nam Việt Nam.Tin cho biết nếu thấy người Mỹ “bỏ chạy” mà không ngó ngàn gì đến người Việt một số đơn vị quân đội VNCH có thể đơn phương lấy sáng kiến giữ người Mỹ lại làm con tin để bảo đảm sự ra đi của họ và vợ con.
Giải pháp đưa đến một sư đoàn TQLC để yểm trợ cuộc di tản được gạt bỏ vì những hệ lụy không thể lường trước được.
Chương 9: Tìm lối đầu hàng và di tản
Chương 10: Một quyết định quân sự
Tìm lối đầu hàng và di tản
Ngày 11/4 quân đội cộng sản bị chận đứng ở mặt trận Xuân Lộc.Tại Sài gòn Khiêm từ chức thủ tướng, Nguyễn Bá Cẩn, Chủ tịch Hạ nghị viện thay thế. Dân Sài gòn có vẻ phấn khởi, nhưng chính quyền vẫn tê liệt. Nhiều tổng bộ trưởng tìm đường ra đi. Ngày 19/4 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giảm nhân số tòa đại sứ xuống còn 1.250 người, trong số đó có 270 nhân viên CIA.
Đại sứ Martin và Polgar có hai công tác chính.Thứ nhất là khai triển một chương trình di tản người Mỹ và người Việt làm việc với Hoa Kỳ và thân nhân mà không làm cho dư luận xôn xao. Nhưng trước viễn ảnh một cuộc di tản khó thành công nếu Hà Nội dùng lực lượng quân sự ngăn cản, công tác chính thứ hai là thương thuyết với Hà Nội tìm một giải pháp chính trị để an toàn di tản mọi đối tượng liên hệ ra khỏi Việt Nam. Hoa Kỳ còn hy vọng qua vận động với Nga Sô duy trì một tòa đại sứ tại Sài gòn để duy trì sự liên tục ngoại giao.
Công tác chính trị chính yếu là thuyết phục tổng thống Thiệu từ chức, và tìm cách chuyển quyền cho tướng Dương Văn Minh để thành lập một chính phủ “liên hiệp” gọi là chính phủ “đoàn kết quốc gia” để chuyển chính quyền cho phe cộng sản. Hà Nội cho biết chỉ nói chuyện với Minh.
Thuyết phục Thiệu Hoa Kỳ không thấy khó. Khó là làm sao chuyển quyền cho Minh mà không vi phạm Hiến pháp VNCH.
Tuy nhiên, tin chiến sự càng ngày càng xấu. Ngày 16/4 quân đội Bắc Việt chiếm Phan Rang, quê của Thiệu, bắt sống tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và một sĩ quan tình báo Mỹ. Tin tình báo của CIA từ Hà Nội xác nhận tin đã biết rằng Hà Nội quyết định chiếm Sài gòn bằng vũ lực càng sớm càng tốt, chậm lắm là trước ngày sinh nhựt của ông Hồ Chí Minh, 19 tháng 5.
Trong khi đó tại Washington có nhiều diễn biến không lợi cho sự ổn định tình hình tại Sài gòn. Thứ nhất, một viên chức cao cấp tuyên bố chính phủ Hoa Kỳ không can dự gì đến một giải pháp chính trị để cho Nam Việt Nam đầu hàng. Thứ hai , ông Thứ trưởng Ngoại giao Philip Habib khi được giới truyền thông yêu cầu Hoa Kỳ giúp di tản các phóng viên của họ làm việc tại Sài gòn trả lời rằng Hoa Kỳ không có chương trình di tản người Việt làm việc với các cơ sở của người Mỹ. Trong khi đó thật ra đại sứ Martin đã im lặng cho di tản hơn 350 người Việt làm việc với các cơ sở truyền thông Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam.
Ngày 18/4 Janos G. Toth, một đại tá người Hungary trong phái đoàn quốc tế kiểm soát đình chiến gặp Polgar và cho biết qua các cuộc nói chuyện với phái đoàn Hà Nội ông ghi nhận rằng Hà Nội chỉ muốn tăng sức ép để Sài gòn sụp dần chứ không muốn có một cuộc tấn công quân sự để kết thúc chế độ. Đại tá Toth nói Hà Nội không muốn ép Hoa Kỳ phải tháo chạy như đã tháo chạy tại Phnom Penh mấy ngày trước đó. Toth nói Hungary từng nếm mùi thất trận và tàn phá nên không muốn thấy Sài gòn bị tàn phá như Berlin năm 1945. Polgar hiểu đây là lời nhắn của Hà Nội, nên bên cạnh việc di tản, Polgar và đại sứ Martin lo tìm cách thuyết phục Thiệu từ chức và thành lập một chính phủ liên hiệp gồm các thành phần thiên cộng để đầu hàng.
Về việc di tản nhân sự ra khỏi Việt Nam, với phương tiện hiện có tòa đại sứ Hoa Kỳ chỉ có thể di tản từng đợt mỗi đợt 1.600 người, và đại sứ Martin than phiền với Bộ Ngoại giao rằng một cuộc di tản như vậy không thể thành công và lịch sử sẽ phê phán ông. Kissinger an ủi Martin rằng nếu có gì xẩy ra lịch sử cũng sẽ phê phán ông nặng hơn phê phán ông đại sứ. Trong một điện văn gởi Martin, Kissinger viết một cách ấn tượng rằng, nếu “người ta treo cổ ông thì tôi cũng sẽ bị treo cao hơn ông vài thước”, và để yên lòng Martin Kissinger thông báo ông đang nói chuyện với Nga Sô về tình hình Việt Nam.
Trong khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa có chương trình dứt khoát di tản người Việt thì tòa đại sứ phải giải quyết vài trường hợp đơn lẻ do Washington nhờ. Ngày 19/4 Kissinger gởi Polgar một điện văn yêu cầu vào Chợ Lớn tìm gia đình vợ của Ken Quin, một nhân viên cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, và đưa qua Mỹ. Polgar phái Chip Schofield, một nhân viên giỏi tiếng Việt và tiếng Hoa lặn lội vào Chợ Lớn tìm bà mẹ vợ của Quin và gia đình rồi gởi lén ra khỏi nước không có giấy phép của chính quyền Việt Nam bằng C-130 chở tiếp liệu đến Sài gòn và trở về căn cứ Clark tại Phi Luật Tân. Cùng lén rời khỏi Việt Nam có một vài thân nhân của Polgar.
Ngày 21/4 Kissinger điện cho Martin thông báo Nga Sô hứa sẽ thuyết phục Hà Nội chấp nhận giải pháp chính trị và tránh không làm nhục Hoa Kỳ. Trong khi đó nhiều tin tức, thật có, giả có được loan truyền tại Sài gòn. Hai tin giả: Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn chi 350 triệu mỹ kim viện trợ quân dụng; và chính phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CH/MNVN - do Hà Nội dựng nên) cho biết Martin phải đi nhưng tòa đại sứ Hoa Kỳ có thể được duy trì tại Sài gòn. Tin thật: Hoa Kỳ áp lực Thiệu từ chức nhưng không muốn các tướng lãnh làm đảo chánh như năm 1963 đối với cựu tổng thống Ngô Đình Diệm.
Trước tình hình này thủ tướng Nguyền Bá Cẩn nói Cẩn không muốn ngồi ở ghế thủ tướng khi Minh thay Thiệu vì ông ngại các thành phần cực hữu trong quân đội sẽ giết ông và ông muốn từ chức. CIA yêu cầu Cẩn ngồi nán lại trước khi có một giải pháp rõ ràng hơn.
Ngày 19/4 trước đó, Martin yêu cầu tướng Timmes thuộc Phái bộ Tùy viên Quốc phòng (Defense Attache - hậu thân của MACV) gặp Thiệu để thảo luận một hình thức từ chức để Phó tổng thống Hương thay thế trước khi chuyển quyền cho Minh. Chiều ngày 19/4 và sáng ngày 20/4 Martin gặp Thiệu hai lần. Martin nói với Thiệu rằng “Tôi không ép ngài từ chức, nhưng ngài biết cộng quân có khả năng đánh vào Sài gòn bất cứ lúc nào, và nếu ngài không từ chức tôi ngại rằng các tướng của ngài cũng yêu cầu ngài từ chức”. Nhớ đến Lucien Conein với cuộc đảo chánh ông Diệm năm 1963 Thiệu im lặng nghe và trả lời: “Tôi sẽ làm những gì có lợi nhất cho đất nước tôi.” Martin nói: “Tôi biết ngài sẽ làm!”.
Ngày 21/4 Thiệu cho biết sẽ từ chức trong ngày. Polgar vội vàng thông báo cho Toth. Vài giờ sau Thiệu từ chức trao quyền tổng thống cho Phó tổng thống Trần Văn Hương. Thiệu đọc một bài diễn văn từ chức nảy lửa kết án Hoa Kỳ và Kissinger “đã đưa Nam Việt Nam vào chỗ chết.”
Ngay sau khi Thiệu từ chức, Hoa Kỳ bắt tay vào việc sắp xếp để Hương trao quyền cho Minh. Hà Nội cho biết sẽ không thương thuyết với Hương, một người nổi tiếng chống cộng sản. Vấn đề là tìm một cách hợp hiến để trao quyền cho Minh. Theo Hiến pháp VNCH nếu Hương từ chức thì quyền tổng thống vào tay chủ tịch Thượng nghi viện Trần Văn Lắm. Bế tắc vẫn bế tắc.
Một ngày trước khi Thiệu từ chức, Shackley yêu cầu Polgar tìm cách lấy những thư từ Nixon trao đổi với Thiệu trong những năm 1972, 1973 trước khi ký Hiệp định Paris. Shackley nói nếu những văn kiện đó lọt vào tay Hà Nội thì thật “bất tiện” cho Hoa Kỳ. Polgar trả lời, ông không biết đó là những thư từ gì và CIA cũng không thấy có cách gì lấy lại. Vã lại Hoa Kỳ đã không giúp Nam Việt Nam ngay cả trên tinh thần “một đổi một” thì không có lý do gì Thiệu sẽ không công bố những văn kiện đó để làm cho Hoa Kỳ lúng túng.
Ngày 23/4 lãnh sự quán Biên Hòa yêu cầu được di tản về Sài gòn vì tòa lãnh sự không tin cậy vào sự bảo vệ an ninh của tỉnh trưởng Biên Hòa Lưu Yêm. Đồng thời Minh than phiền với Hoa Kỳ - thông qua đại sứ Pháp Jean Marie Merillon- ông được tin Kỳ có thể đảo chánh nếu ông thay Hương. Merillon điện thoại cho tướng Timmes hay. Được tin đại sứ Martin yêu cầu tướng Timmes gặp Kỳ và Kỳ nói ông không hề có ý dịnh đó. Minh còn ngỏ ý muốn Hoa Kỳ tìm giải pháp càng chóng càng tốt để ông có thể nói chuyện với phe cộng sản và than phiền sự hiện diện của Thiệu tại Sài gòn làm cho sắp xếp gì cũng khó vì tuy từ chức Thiệu vẫn còn ảnh hưởng lớn trong quân đội.
Ngày 24/4 để tôn trọng Hiến pháp, Hoa Kỳ có sáng kiến đề nghị Minh thay Cẩn làm thủ tướng toàn quyền, nhưng Minh từ chối. Minh nói với tướng Timmes ông sẽ gặp Hương trong ngày để yêu cầu Hương từ chức. Đồng thời Polgar vận động các tướng nhắn lời với Hương rằng “các tướng đồng lòng ủng hộ Minh và nếu không nhường chức tổng thống cho Minh, các tướng có thể đảo chánh Hương”. Tuy vậy Hương vẫn chần chờ và yêu cầu giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thay Cẩn lập chính phủ. Giáo sư Huy từ chối.
Hết đường, chiều ngày 24, Hương gặp Martin đồng ý trao quyền cho Minh và yêu cầu Hoa Kỳ tìm một cách thức chuyển quyền hợp hiến. Hương cũng đồng ý với Minh yêu cầu Hoa Kỳ đưa Thiệu ra khỏi nước. Sự hiện diện của Thiệu tại Sài gòn là một bất tiện cho mọi người.
Một quyết định quân sự
Trong ngày 24/4, Polgar tiếp xúc với đại tá Võ Đông Giang, người đại diện của Chính phủ CH/MNVN trong Ủy ban Quân sự 4 bên cho biết triển vọng thỏa thuận giữa Hương và Minh và yêu cầu Giang cho biết ý kiến của phía cộng sản. Giang hứa sẽ trả lời sau (TBN: Giang phải thỉnh ý của Hà Nội). Giữa trưa ngày 24/4 đài phát thanh của chính phủ CH/MNVN kêu gọi Hoa Kỳ rút đại sứ Martin về nước và rút hạm đội 7 đang nằm ngoài hải phận quốc tế đi chỗ khác. Polgar hỏi Giang có phải đó là tín hiệu đối phương có thể chấp nhận sự ở lại của tòa đại sứ Hoa Kỳ khi họ chiếm Sài gòn không. Giang ởm ờ: “Có thể!” Polgar chuyển nội dung trò chuyện của ông với Võ Đông Giang về Langley và bày tỏ hy vọng. Shackley kinh nghiệm hơn Polgar, cho rằng trả lời của Giang chỉ là trả lời cho có trả lời, không mang một ý nghĩa thực tế nào. Shackley khuyến cáo Polgar làm gì thì làm nhưng đừng quên công tác di tản thành phần Mỹ-Việt có thể bị nguy hiểm nếu bị cộng sản bắt. Shackley nhắc Polgar đừng hy vọng gì nhiều ở giải pháp Dương Văn Minh vì ông ta quá “chậm chạp”.
Chiều tối ngày 24/4 đài phát thanh chính phủ CH/MNVN lại thông cáo đòi hỏi Hoa Kỳ rút mọi nhân viên tình báo ra khỏi Việt Nam và yêu cầu Hoa Kỳ cam kết không can thiệp vào chuyện sắp xếp nội bộ giữa người Việt Nam với nhau. Thông cáo vẫn không nói gì đến tư cách của tòa đại sứ Hoa Kỳ làm cho Polgar càng hy vọng tòa đại sứ có thể được duy trì và Hoa Kỳ có thể làm công tác cứu trợ. Được Polgar dò hỏi, Giang trả lời mọi chi tiết sẽ rõ ràng trong cuộc họp báo của phái đoàn cộng sản vào ngày 26/4 sắp tới.
Phe tướng Minh cũng ráo riết chuẩn bị. Minh gởi hai phụ tá sang Paris gặp phái đoàn Bắc Việt và xin gởi một phái đoàn ra Hà Nội. Đại diện Hà Nội trong Ủy ban Quân sự 4 bên đề nghị phương tiện di chuyển với phái đoàn Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ cho một máy bay đặc biệt đưa phái đoàn của Minh ra Bắc (TBN: Dân biểu Nguyễn Phúc Liên Bảo thuộc khối đối lập Dân Tộc Xã Hội là một nhân vật trong phái đoàn này).
Ngày 25/4 Polgar lái xe lên Tân Sơn Nhất gặp Giang. Giang xác nhận một giải pháp chính trị có thể thành hình và Hà Nội sẵn sàng chấp nhận Minh là đối tác và lần đầu tiên nói, chính phủ CH/MNVN không phản đối sự hiện diện của tòa đại sứ Mỹ tại Sài gòn. Giang nói Giang chờ đợi việc Minh thay Hương và yêu cầu Polgar thông báo nếu có diễn tiến. Cũng trong ngày 25/4 đại tá Toth gặp Polgar cho biết Hà Nội muốn biết có những ai trong danh sách Nội Các khi Minh thay Hương và hạm đội Hoa Kỳ túc trực ngoài hải phận quốc tế của Việt Nam để làm gì. Polgar nói hạm đội chờ làm công tác di tản và cứu trợ. Polgar yêu cầu Toth cho Hà Nội biết Hoa Kỳ không muốn thấy các cuộc không kích vào Sài gòn như đã xẩy ra trước đây. Những cuộc bỏ bom như vậy có thể làm cho các thành phần quân nhân cực hữu tại Sài gòn bạo động và sẽ không thể sắp xếp một giải pháp êm thắm. Polgar nhấn mạnh việc Hương trao quyền cho Minh sẽ diễn ra nhanh chóng.
Để chuẩn bị việc chuyển quyền, ngày 24/4 Martin yêu cầu Polgar sắp xếp để Thiệu rời khỏi Việt Nam. Sự ra đi của Thiệu và Khiêm được Polgar sắp xếp một cách tối mật. Không một người Việt Nam nào biết (ngoài những người cùng đi với Thiệu và Khiêm) và chỉ những người Mỹ liên hệ sắp xếp kế hoạch ra đi mới được biết. Thận trọng đến nổi Polgar phải nhờ Frank Snepp, chuyên viên phân tích cao cấp của tòa đại sứ Hoa Kỳ làm tài xế cho Thiệu và Khiêm. Cuộc di tản được tổ chức vào đêm 25/4, và CIA dùng một máy bay trước nay không dùng tới. Chiếc máy bay C-118 tầm xa do tổng thống Johnson dành riêng cho đại sứ Bunker dùng để thỉnh thoảng đi thăm vợ là bà đại sứ Carol Bunker tại Katmandu, Nepal. Sau khi ông Bunker hết làm đại sứ tại Việt Nam, chiếc máy bay C-118 vẫn nằm trong kho Tân Sơn Nhất không ai dùng tới kể cả đại sứ Martin. Polgar hỏi và được biết chỉ cần vài giờ bảo trì và chuẩn bị máy bay có thể được khiển dụng.
Thiệu giao cho Khiêm quan hệ với Polgar sắp xếp nhân sự và hành trình . Đoàn người kể cả Thiệu và Khiêm được lên danh sách gồm 14 người. Mỗi người được mang một xách hành lý và tối ngày 25/4 tập trung tại tư thất của Khiêm trong vòng thành bộ Tổng Tham Mưu gần Tân Sơn Nhất. Từ nhà mình, cũng ở trong bộ Tổng Tham Mưu, Thiệu chờ trời thật tối mới bước qua nhà Khiêm. Polgar sau khi lên Tân Sơn Nhất gặp Giang tạt lại nhà Khiêm gặp tướng Timmes. Timmes và Polgar dùng chiếc đàn dương cầm nơi nhà Khiêm làm bàn viết để điền giấy tờ tị nạn (parolee) cho đoàn người. Tổng cộng 12 người. Có hai người bỏ cuộc.
Vào phi trường xe phải đi qua hai trạm Polgar cho là nguy hiểm: cỗng ra bộ Tổng Tham Mưu và nhất là cỗng vào phi trường nên Polgar thận trọng dùng công xa của đại sứ Martin với bảng số và cờ ngoại giao đoàn để chở Thiệu và Khiêm giả như một đoàn xe đưa đón một phái đoàn ngoại giao cao cấp. Qua cỗng phi trường Polgar yêu cầu Thiệu cúi thấp người, và Thiệu làm theo.
Đại sứ Martin đứng đợi tiễnThiệu tại chân cầu thang máy bay trong bóng tối mờ nhạt. Polgar lên máy bay cho phi trưởng biết mục đích của công tác và ông ta cần làm những thủ tục gì khi máy bay đến Taipei. Khi chiếc C-118 khuất dạng trong bóng đêm Polgar điện cho cơ sở CIA ở Taipei biết giờ phỏng định máy bay tới, sau đó gởi điện văn báo cáo với Langley: “Thông báo quý cấp, thi hành lệnh trên, CIA Sài gòn đã thành công di tản cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và thủ tướng Trần Thiện Khiêm và đoàn tùy tùng 10 người khác. Máy bay chuyển bánh lúc 21:20 phút ngày 25 tháng 4, giờ địa phương.”
Ngày 26/4 sau khi Thiệu đi, Hà Nội tăng áp lực quân sự quanh Sài gòn buộc phi trường Biên Hòa đóng cửa. Trong khi đó Thái Lan vẫn chưa quyết định có cho Hoa Kỳ di tản người Việt qua Thái không. Và phi Luật Tân cho biết không nhận người Việt làm việc với CIA.
Polgar cho rằng Hà Nội hành động vì sự chậm trễ của Hương. Trong khi đó đại tá Toth cho Polgar biết Hà Nội muốn có những ai trong danh sách Nội Các của Minh. Minh đồng ý bà Ngô Bá Thành (một thành phần thân Cộng chỉ mới tháng trước tướng Nguyễn Khắc Bình đã định nhốt nếu không có sự can thiệp của CIA) nhưng nhất định không chịu cho linh mục Chân Tín tham gia Nội Các.
Trong thời gian Polgar thảo luận với Minh nên giữ ai, từ chối ai trong danh sách Hà Nội đề nghị thì tờ New York Times tiết lộ một báo cáo của Polgar gởi cho cho Kissinger về công tác này và trả lời của Kissinger rằng ông không tin tưởng một giải pháp chính trị do Toth làm trung gian có thể thành công. Polgar nghi ngờ chính Kissinger tiết lộ tin này vì Kissinger không muốn thấy nỗ lực của chính phủ Hungary ảnh hưởng đến cuộc vận động của ông với Nga Sô.
Cho đến ngày 26/4, Cẩn theo khuyến cáo của CIA vẫn còn giữ ghế thủ tướng nhưng bắt đầu sốt ruột. Cẩn yêu cầu đại sứ Martin cho ông phương tiện rời nước. Ngày 27/4, Martin thấy không ai cần Cẩn nữa nên yêu cầu CIA sắp xếp cho Cẩn ra đi. Cẩn rời Sài gòn ngày 28/4 cùng gia đình tướng Nguyễn khắc Bình và vợ con của tướng Đặng Văn Quang trên một chiếc máy bay C-130. Quang nói ông không thể rời nước khi đang còn chức vụ. Sau khi Thiệu từ chức Quang đã xin tổng thống Hương giải nhiệm, nhưng không ai xét đơn của ông.
Trong ngày 27/4, với sự đồng ý của đại sứ Martin lưỡng viện quốc hội VNCH họp thông qua quyết định giao trọn quyền cho tướng Minh. Minh tuyên thệ nhậm chức tổng thống lúc 5:00 giờ chiều ngày 28/4 trong một bầu không khí ảm đạm. Minh ngỏ ý với Hà Nội muốn thương thuyết theo tinh thần của Hiệp định Paris. Các cuộc tiếp xúc có thễ diễn ra tại Paris trước khi hai bên đồng ý một địa điểm thích hợp tại Việt Nam.
Sự nhậm chức của Minh không thay đổi gì kế hoạch của Hà Nội kết thúc chiến tranh bằng vũ lực như nguồn tin tình báo từ Hà Nội đã cho biết. Sau khi Minh tuyên thệ nhậm chức Hà Nội dùng máy bay lấy được của Không quân VNCH bỏ bom phi trường Tân Sơn Nhất. Và 4 giờ sáng ngày 29/4 quân đội Bắc Việt pháo kích phi trường trong mấy giờ liền làm hư hỏng phi đạo, và phá hủy 4 chiếc trực thăng của CIA. Polgar vội vàng ra lệnh phân phối cho nhân viên mình mỗi người một phong bì đựng 1.000 mỹ kim tiền mặt và một ít tiền Hồng Kông, tiền Thái để dùng khi cần thiết.
Tại Washington Shackley được Polgar báo cáo Minh đã nhậm chức, nhưng Shackley không quan tâm lắm và chỉ lo việc di tản. Shackley biết Hà Nội có khả năng pháo kích phi trường Tân Sơn Nhất bất cứ lúc nào và đã chuyển lệnh của Washington cho tướng Homer Smith, Trưởng Phòng Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ rằng nếu phi trường bị pháo kích ông ta có quyền lấy quyết định khi nào thì ngưng các chuyến bay di tản bằng C-130.
Đại sứ Martin đang bị bệnh sưng phổi không nói được nhưng cũng đến tòa đại sứ lúc 6 giờ sáng cho yên lòng nhân viên, và mọi việc liên lạc với tướng Smith ở Tân Sơn Nhất, với Đô đốc Noel Gayler Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương ở Honolulu và với Kissinger Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington đều do Polgar đảm trách.
8 giờ sáng, tòa đại sứ nhận được thông báo của Minh yêu cầu tất cả nhân viên thuộc Phòng Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ phải rời Sài gòn trong vòng 24 giờ. Đại sứ Martin hứa thi hành và lệnh di tản toàn diện bắt đầu.
Tướng Smith báo cáo cho đại sứ Martin biết phi trường không thể xử dụng được nữa và đề nghị Martin chuyển qua chương trình di tản bằng trực thăng. Không tin, đại sứ Martin đích thân lên phi trường Tân Sơn Nhất để quan sát bất chấp sự ngăn cản của các phụ tá. Trở về tòa đại sứ, 10:30 sáng Martin ra lệnh chuẩn bị di tản bằng trực thăng. Một mặt chuyển yêu cầu của ông đến Đô đốc Gayler, một mặt cho đốn cây nhãn trong bãi đậu xe trong khuôn viên tòa đại sứ lấy chỗ cho trực thăng lên xuống (hôm trước, 28/4, Đô đốc Noel Gayler đã ra lệnh đốn cây đó nhưng Martin ngăn lại sợ rằng các thành phần hiếu động thấy cây chặt biết tòa đại sứ di tản sẽ có phản ứng bạo động bất lợi).
11 giờ sáng lệnh di tản bằng trực thăng của Lực lượng Thái Bình Dương được ban hành. Ngoài vòng thành tòa đại sứ nhiều người Việt bắt đầu tụ tập xin đi. Polgar đi một vòng kiếm soát an ninh và thấy tướng Đặng Văn Quang, âu phục xanh như thường lệ đang đứng chờ nơi cỗng. Polgar yêu cầu hé cỗng cho Quang len vào.
Vào khoảng 3 giờ chiều cuộc di tản bằng trực thăng do hạm đội 7 điều động bắt đầu. Trực thăng lớn C-53 di tản nhân sự tại phi trường Tân Sơn Nhất, ưu tiên cho nhân viên thuộc Phòng Tùy viên Quốc Phòng. Trực thăng C-47 nhỏ hơn di tản nhân sự tại tòa đại sứ. Mọi người phải ra đi ngoại trừ 200 nhân viên tối cần trong đó có 50 nhân viên CIA ở lại cho đến các chuyến bay cuối cùng để thanh lý mọi việc.
Trên nguyên tắc đại sứ Martin đã hết nhiệm vụ ông có thể rời tòa đại sứ bay ra hạm đội. Nhưng ông đại sứ đặc biệt xin phép tổng thống Ford để ông và vài phụ tá ở lại. Ông hy vọng – qua cuộc vận động của Kissinger với Moscow - phút chót Hà Nội chấp nhận tòa đại sứ Hoa Kỳ có thể ở lại và tránh được cái nhục cho Hoa Kỳ cuốn cờ bỏ chạy.
Ngoài một số lý do như quản lý kém, quân đội VNCH tan rã quá nhanh, lệnh di tản bằng trực thăng ban hành quá trễ là trở ngại lớn nhất làm cho Hoa Kỳ không thể thực hiện một cuộc di tản trong trật tự. Nhiều nhân viên người Việt và người nước ngoài làm việc cho Hoa Kỳ bị bỏ lại.
Vào phút chót Phó trưởng cơ sở LaGueux thấy mấy triệu mỹ kim tiền mặt của CIA vẫn còn trong két sắt tòa đại sứ. Ông khẩn cấp xin một trực thăng đặc biệt chở 4 nhân viên, mỗi người mang một bao tải nặng 35 kg gồm tiền mặt và giấy tờ kế toán bay thẳng ra chiến hạm USS Blue Ridge.
Chiều xuống, hàng chục ngàn người Việt chen lấn nhau vây kín tòa đại sứ. Nhân viên CIA và viên chức tòa đại sứ ra nhìn mặt xem ai quen để giúp. Polgar thấy một đại tá thuộc Nha Chiến Tranh Tâm Lý, người từng cung cấp tin tức cho ông. Polgar bảo viên đại tá gom người thân lại bảo vệ một khu nhỏ dưới chân tường rồi quẳng hành lý vào bên trong trước khi ông và nhân viên Mỹ kéo từng người leo tường vào bên trong . Không được dặn trước lính TQLC Hoa Kỳ thấy hành lý quẳng vào sợ chất nổ quẳng trở ra.
Toán người Việt phiên dịch tài liệu cho tòa đại sứ và nhân viên phòng viện trợ kinh tế cũng bị bỏ lại. Tổng đài điện thoại tòa đại sứ không có ai trực, Chip Schofield nói được tiếng Việt tình nguyện ngồi trực giúp.
Và việc di tản nhân viên CIA và nhân viên tòa tổng lãnh sự Cần Thơ là một giai thoại chiến tranh. Trạm CIA Cần Thơ có 4 trực thăng Air America. Ngày 26/4 trưởng trạm CIA Jim Delany xin di tản nhân viên CIA, tổng lãnh sự Francis McNamara không cho ngại rằng dư luận thành phố xôn xao. Delany và McNamara cãi vã nhau. McNamara dọa báo cáo Delany vô kỷ luật. Ngày 27/4 Delany trình nhu cầu di tản sớm lên đại sứ Martin và Martin đồng ý với Delany. Delany cho di tản đa số nhân viên CIA người Mỹ, riêng ông và một số người Mỹ cần thiết và nhân viên tình báo người Việt ở lại chờ lệnh. Ngày 29/4 George Jacobson, viên chức phụ trách di tản ra lệnh cho McNamara di tản toàn bộ nhân viên ra hạm đội. Bốn trực thăng sáng đó đã được điều động về Sài gòn thay cho 4 chiếc Air America bị pháo kích hư hại trong buổi sáng. Kêu gọi trực thăng của hạm đội bị từ chối, McNamara dùng tàu của tòa lãnh sự theo sông Hậu chạy ra biển không đếm xỉa gì đến Delany và nhân viên của ông. Giữa trưa Delany được tin McNamara đã đùng đường sông ra biển, ông gọi trực thăng. 1:20PM hai chiếc trực thăng đến, Delany gọi McNamara hẹn đón ông bên bờ sông, McNamara giận từ chối. Delany cùng với các người Mỹ và một số ít nhân viên Phi luật Tân và Việt Nam được nhét lên hai chiếc trực thăng bay ra chiến hạm USS Barbour County. Hơn 100 nhân viên Việt Nam bị bỏ lại.
Trong lúc bối rối, Polgar đã quên chỉ thị cho các cơ sở của mình tại các vùng chiến thuật khi nào thì cần di tản và di tản bằng cách nào. Sau này ông nói ông tin tưởng các nhân viên đầy kinh nghiệm tình báo của ông thế nào cũng tìm đường xoay xở an toàn!
Hôm 28/4 sau khi cộng sản dùng máy bay của không quân VNCH bỏ bom Tân Sơn Nhất Polgar cho Joe Hartman đến Đức Hotel chuẩn bị phương tiên liên lạc và bãi đáp để di tản nhân viên CIA vào ngày hôm sau. Ngày 29/4 máy bay trực thăng của hãng Air America bị pháo kích nên không có phương tiên di tản. Đến 14:30, Hartman thấy lính VNCH nổ súng chung quanh khách sạn, và chiếc xe buýt tòa đại sứ gởi tới bốc người không đến được. Hartman kêu cứu và Robert Cantwell, phụ tá của Polgar bảo Hartman chuẩn bị di tản người Mỹ thôi và bằng trực thăng. Cantwell thông báo cho người Mỹ gồm 33 người lén lên sân thượng. Hartman đốt lựu đạn khói và một chiếc trực thăng bay đến. Phi công cho biết cần hai chuyến, nhưng sau chuyến thứ nhất chở đến tòa đại sứ anh ta phải ra hạm đội lấy xăng. Số người Mỹ chờ chuyến thứ hai phải dùng sức mạnh ngăn cản nhân viên người Phi và người Việt trèo lên sân thượng, cho đến khi chiếc trực thăng tới chở họ ra hạm đội 7.
O .B. Harnage phụ trách di tản các điểm hẹn rãi rác trong thành phố với một chiếc trực thăng. Thượng nghị sĩ Trần Văn Đôn và các phụ tá quan trọng của tướng Nguyễn Khắc Bình chờ tại điểm hẹn ở số 22 đường Gia Long trong khu chung cư nơi LaGueux ở, nhưng những người này đã không đến được tòa đại sứ.
Tại Tân Sơn Nhất sau 3 giờ chiều một số quân nhân quân đội VNCH bắn cháy vài chiếc trực thăng của hạm đội. Polgar báo cáo Langley “Sự việc kết thúc quá nhanh. Và trông không đẹp mắt chút nào!”
Về nhân sự CIA ông báo cáo: “Toàn bộ nhân viên CIA an toàn, hoặc đang bay ra hạm đội, hoặc đã ở trong khuôn viên tòa đại sứ chờ di tản”.
Một gương can đảm liều mình cứu người được ghi nhận. Út, xưa kia là tài xế của Shackley đã an toàn trong tòa đại sứ nhưng biết còn nhiều nhân sự tính mạng có thể bị đe dọa còn chờ tại Lee Hotel. Út vượt thành ra ngoài đến Lee Hotel tìm các đối tượng làm việc với CIA, gom lại đưa đến một địa điểm khác an toàn và sau đó được trực thăng di tản.
Nhân viên làm việc cho các đài tiếng Việt của CIA phát thanh ra Bắc (TBN: như đài Gươm thiêng Ái Quốc) gồm 4 sĩ quan CIA và gần 1.000 người Việt đã được chuyển ra đảo Phú Quốc trong ngày 28/4 và dự tính đưa ra hạm đội bằng trực thăng. Nhưng bối rối Sài gòn mất liên lạc với Phú Quốc. Washington phải yêu cầu Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Mỹ tại Thái Bình Dương thuê một thương thuyền đến chở toàn bộ rời khỏi Phú Quốc trước khi Phú Quốc bị các đơn vị cộng sản chiếm đóng.
Xế chiều các đơn vị cộng sản bố trí ở phía Đông Sài gòn bắt đầu pháo kích Tân Sơn Nhất, đạn bay rào rào qua thành phố tạo thêm kinh hoàng. Hạm đội 7 cho biết có thể ngưng di tản bất cứ lúc nào. Đại sứ Martin dù còn yếu vẫn lên máy kêu gọi Bộ Ngoại giao, Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Mỹ tại Thái Bình Dương và tòa Bạch Ốc duy trì các chuyến bay di tản tại tòa đại sứ. Ông không ước lượng giờ có thể chấm dứt vì số người lọt vào tòa đại sứ càng lúc càng đông.
8:00 giờ tối Washington cho lệnh cuộc di tản phải chấm dứt vào lúc 3:45 sáng ngày 30/4 (TBN: Washington có giờ chính xác do liên lạc với Nga Sô). Được lệnh, Polgar báo cáo cần 20 phút để phá máy truyền tin đặc biệt, và 3:20 sẽ là giờ chót chấm dứt mọi liên lạc bằng điện văn mật với Washington.
9 giờ tối, Polgar báo cáo còn 8 nhân viên CIA ở lại trong đó có ông, và CINCPAC yêu cầu Martin phải ra đi trước 11:00 giờ đêm để bảo đảm an toàn.
11:00 khuya, Langley thúc Polgar cho mọi người ra đi, cho biết chỉ còn 35 chuyến trực thăng nữa thôi. Polgar cho biết đại sứ Martin quyết định sẽ ra đi trong chuyến máy bay cuối cùng.
Do lệnh từ Hà Nội các đơn vị cộng sản nằm im để cho Hoa Kỳ di tản, nhưng Polgar biết họ có thể pháo kích vào thành phố bất cứ lúc nào.
Colby giám đốc CIA gởi điện văn cuối cùng khen ngợi Polgar. Trả lời Polgar nói “mọi việc không kết thúc như ý muốn, nhưng tận trong thâm tâm tôi biết chúng ta đã nỗ lực tối đa.”
Vào lúc 4 giờ sáng ngày 30/4/1975, một viên Thiếu Tá TQLC bước đến gần đại sứ Martin và thưa với ông rằng nếu ông không bước lên chiếc trực thăng đang chờ sẵn thì tôi “thừa lệnh đặc biệt của tổng thống” sẽ phải khiên ông đi.
Không có sự lựa chọn nào khác đại sứ Graham Martin cuốn cờ bước lên trực thăng. Theo chân ông là Polgar, LaGueux và Jacobson. Máy bay đưa ông đại sứ ra chiến hạm USS Blue Ridge trực chỉ Subic Bay.
Bóng đêm trùm xuống thành phố Sài gòn!
Cảm nghĩ: Ôn Cố Tri Tân
Ôn Cố Tri Tân
Dưới nhan đề: “CIA và các ông Tướng” và liên tiếp trong 6 Phần tôi đã giới thiệu và tóm tắt nội dung một tài liệu mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) nói về mối quan hệ làm việc giữa CIA với các tướng lãnh miền Nam Việt Nam (*) từ tháng 11 năm 1963 sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ cho đến ngày 30/4/1975 khi quân đội Bắc Việt tiến chiếm Sài gòn. Tài liệu đã được giải mật bởi cơ quan CIA ngày 19 tháng 2 năm 2009.
Đọc và tóm tắt tài liệu “CIA và các ông Tướng” (CIA And The Generals) tôi nhận ra rằng những gì đa số chúng ta biết về cuộc chiến Việt Nam và sự kết thúc bi thảm của nó chỉ là những sự việc thấy từ bên ngoài.
Các cựu tướng lãnh quân đội VNCH cũng như một số chính khách đã viết nhiều tập Hồi Ký, hồi ký chiến tranh cũng như hồi ký chính trị, có giá trị và hữu ích cho kho tàng sử liệu Việt Nam. Nhưng đọc xong tài liệu “CIA và các ông Tướng” của cơ quan CIA tôi nhận ra thêm rằng, các cuốn Hồi Ký nói trên đều là những tập sách ghi lại sự việc mà mỗi tác giả trong hoàn cảnh và vị trí riêng đã đóng và đã thấy như là những nhân vật trong một cuốn phim. Và cuốn “CIA và các ông Tướng” là cuốn sách của người đạo diễn, cuốn sách giúp chúng ta hiểu các nhân vật trong cuốn phim. Nó giải thích tại sao vai này hành động thế này, vai kia hành động thế kia.
Trong thời gian 12 năm từ khi ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ cho đến ngày 30/4/75, mọi việc tại Sài gòn hầu như đều ở trong tay người Mỹ. Các tướng lãnh xuất hiện trên chính trường miền Nam chỉ để thi hành chính sách của người Mỹ qua tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài gòn, chính yếu là Sở phụ trách tình báo CIA. Các tướng lãnh mỗi người một khả năng, một hiểu biết về chính trị khác nhau và có thể có phản ứng khác nhau trước các diễn biến, nhưng nếu không theo đường lối của Hoa Kỳ thì sẽ bị gạt ra ngoài trò chơi.
Các cuộc đảo chánh liên tiếp từ tháng 11/1963 cho đến lúc tướng Nguyễn Văn Thiệu tuyên thệ nhậm chức tổng thống năm 1967 đều là những biến cố chính trị do quyết định của tòa đại sứ Hoa Kỳ nằm trong chiến lược “be bờ” (containment) để chận đứng làn sóng xâm lăng của cộng sản quốc tế do Liên bang Xô viết chủ xướng và yểm trợ, mà bên cạnh sườn là sự đe dọa bành trướng của chủ nghĩa cộng sản từ Trung quốc xuống vùng Đông Nam Á châu .
Trước hết người Mỹ giúp ông Diệm để duy trì một miền Nam không cộng sản. Khi ông Diệm không củng cố nổi một chính quyền vững mạnh được sự hậu thuẩn của nhân dân Nam Việt Nam, người Mỹ muốn gởi quân đến giúp. Ông Diệm không đồng ý. Ông quan niệm một cách hữu lý rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam sẽ làm cho cuộc chiến đấu bảo vệ tự do của nhân dân miền Nam Việt Nam mất chính nghĩa. Và khi ông Ngô Đình Nhu, bào đệ ông Diệm, người cố vấn thân cận của ông gặp riêng đại diện của Hà Nội để tìm một giải pháp giữa người Việt Nam với nhau thì Hoa Kỳ quyết định tổng thống Diệm phải ra đi để thay bằng một nhân vật lãnh đạo khác sẵn sàng cho phép Hoa Kỳ đưa quân đến Việt Nam.
Cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã bố trí sẵn một số tướng lãnh “thân hữu” và chỉ cần bật đèn xanh là các vị tướng này hành động. Và cũng với cung cách như vậy Hoa Kỳ thực hiện các cuộc thay thế lãnh đạo từ năm 1963 cho đến ngày 30/4/1075.
Sau khi đảo chánh ông Diệm, tướng Dương Văn Minh và nhóm “5 tướng” (Minh, Đôn, Xuân, Kim, Đính) có ý liên lạc với Hà Nội để tính chuyện trung lập hóa miền Nam theo đường lối của Pháp thì lập tức nhóm “5 tướng” bị tướng Nguyễn Khánh “chỉnh lý”. Đến khi Khánh cho Đại tá Lê Văn Nhiều (Giám đốc Trung ương Tình báo của Khánh) tiếp xúc với Hà Nội để bàn chuyện chấm dứt chiến tranh thì Khánh phải ra đi.
Tướng Nguyễn Văn Thiệu và tướng Nguyễn Cao Kỳ có lập trường chống cộng sản dứt khoát nên hai tướng Thiệu Kỳ được sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Nguyễn Cao Kỳ nếu khéo léo có thể được Hoa Kỳ ủng hộ. Nhưng tính Kỳ bốc đồng, đôi khi tuyên bố “khó hiểu” như muốn đào ngũ ra với người anh em miền Bắc nên Hoa Kỳ nghi ngờ và dồn sự ủng hộ cho Thiệu, và dùng Thiệu kềm chế Kỳ để không xảy ra điều gì đáng tiếc.
Thiệu với lập trường “4 Không”, hoàn toàn đáp ứng chính sách của Hoa Kỳ trong giai đoạn đó. Nhưng đến khi Hoa Kỳ nói chuyện với Bắc Kinh và giải quyết bàn cờ Đông Nam Á một cách khác hơn là chính sách “be bờ” thì Hoa Kỳ không còn cần “4 Không” của Thiệu. Và như một quy luật Thiệu phải ra đi, nhường chỗ cho một nhân vật trước kia Hoa Kỳ đã mời đi chỗ khác là tướng Dương Văn Minh để đóng lại ván bài Việt Nam.
Về mặt quan hệ quốc tế Hoa Kỳ không làm điều gì sai trái vì quốc gia nào cũng có chính sách bảo vệ quyền lợi của mình, và các liên minh liên kết đều có tính cách giai đoạn, nhất là Hoa Kỳ là quốc gia lãnh đạo “Thế giới Tự do” chống lại cuộc chiến tranh “nhuộm đỏ toàn cầu” của Liên bang Xô viết.
Các quốc gia liên kết với Hoa Kỳ trong sách lược thế giới (của Hoa Kỳ) nếu muốn có tiếng nói trong sách lược chung, quốc gia đó cần có 2 điều kiện. Thứ nhất là có tiềm năng kinh tế riêng của mình. Thứ hai là có người lãnh đạo giỏi.
Sau Thế chiến 2, Hoa Kỳ giúp nước Đức, Nhật Bản, và năm 1953 sau khi cứu Nam Hàn khỏi bị Bắc Hàn thôn tính, Hoa Kỳ cũng muốn sai bảo các quốc gia đó như Hoa Kỳ sau này đã từng sai bảo Nam Việt Nam. Nhưng người Đức, người Nhật và người Nam Hàn biết cách tự đứng vững trên đôi bàn chân của mình. Trong một thời gian dài được sự bảo vệ của Hoa Kỳ, các nước Đức, Nhật, Nam Hàn tự tay chấn hưng nền kinh tế quốc gia và đóng góp vào sự phồn thịnh chung của thế giới. Họ có thể nuôi lính, nuôi dân bằng tự lực sản xuất. Và trong tình thế nhờ vả Hoa Kỳ, các nước Đức, Nhật, Nam Hàn có những nhà lãnh đạo xứng đáng với thời cuộc.
Những điều kiện đó, không may miền Nam Việt Nam không có. Chúng ta không có những nhà lãnh đạo giỏi biết dựa vào nhu cầu chiến lược của Hoa Kỳ sau 1954 để xây dựng một miền Nam tự lập, một điều có thể làm được vì miền Nam là đất trù phú và là một vựa lúa thiên nhiên không lúc nào cạn. Sống trên một vựa lúa thiên nhiên mà trong suốt thời gian từ 1963 trở đi Nam Việt Nam phải dùng gạo của Hoa Kỳ! Và khi không nuôi nổi dân, nuôi nổi lính, thì làm thế nào Nam Việt Nam có thể tự trang bị để đương đầu với một cuộc chiến tranh xâm lược bởi người anh em miền Bắc được sự ủng hộ của khối cộng sản quốc tế nếu không dựa vào đôi cánh tay luôn luôn rộng mở của Hoa Kỳ.
Vì không có kinh tế riêng, những người lãnh đạo Nam Việt Nam, dù là xuất thân từ hàng quan lại Nam Triều, từ các trường quân sự và dân sự của Pháp, hay được đào tạo tại Sài gòn và Hà Nội, có bằng tiến sĩ hay chỉ mảnh bằng Tú Tài cũng không thể không vâng lời ông đại sứ Hoa Kỳ tại Sài gòn.
Sự vâng lời mỗi người một khác. Tài liệu “CIA và những ông Tướng” cho chúng ta thấy có những ông Tướng hợp tác với tình báo Hoa Kỳ, có người có lương, có người không lương, và mỗi người hợp tác trong một cung cách khác nhau.
Tình báo trong thời đại nào cũng là một nghề nguy hiểm và bị nghi ngờ. Và dư luận thường cho rằng làm việc với CIA là xấu. Điều này không đúng. Hợp tác với tình báo của một nước đồng minh để cùng phục vụ quyền lợi chung của hai nước trong đó phục vụ quốc gia mình là chính thì chẳng những không sai trái mà còn là một công tác mang ý nghĩa một sự hy sinh đáng ca ngợi. Nhưng nếu hợp tác với tình báo nước bạn để phản lại quyền lợi của quốc gia mình thì sự hợp tác đó là một sự hợp tác cần ghi vào sử sách để nhớ.
Tình chiến hữu quốc tế giữa Hoa Kỳ và tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không còn thắm thiết khi Hoa Kỳ muốn quyết định tất cả mọi việc theo ý mình tại Paris nhưng ông Thiệu không đồng ý. Ông có đủ sáng suốt để thấy mối nguy cho Nam Việt Nam nếu Hoa Kỳ đồng ý cho Hà Nội để lại quân đội Bắc Việt đã xâm nhập Nam Việt Nam trong bản Hiệp định Paris.
Hoa Kỳ phối hợp hai gọng kềm để áp lực ông Thiệu phải theo ý của Hoa Kỳ để Hoa Kỳ có thể rút quân đội ra khỏi Việt Nam và đòi lại tù binh. Gọng kềm thứ nhất là dọa cắt viện trợ. Gọng kềm thứ hai là dùng những nhân vật cao cấp và cận kề nhất với ông Thiệu để áp lực ông.
Ông Thiệu rất cô đơn trước hai gọng kềm này. Trước gọng kềm viện trợ ông có thể cười, nhưng trước gọng kềm thứ hai từ những người thân tín nhất của mình ông chỉ có thể khóc. Và quả thật ông Thiệu đã hai lần khóc, trong đó có một lần khóc chung với Phó tổng thống Trần Văn Hương. Đó là những giọt nước mắt nóng hổi đổ cho quê hương cần được ghi vào lịch sử.
Về con người chúng ta có nhiều khuyết điểm hơn là ưu điểm. Do giòng giống hay là hậu quả của một nền giáo dục thiếu căn bản quá lâu qua nhiều thế kỷ là câu hỏi dành cho các nhà nghiên cứu. Chúng ta thông minh và là một dân tộc cần cù chịu thương chịu khó, nhưng chỉ thông minh và cần cù cho cá nhân chứ không thông minh và cần cù vì đất nước.
Do đó chúng ta thiếu người lãnh đạo có tầm vóc. Chúng ta có tinh thần vọng ngoại và ít tin tưởng vào chính mình. Chúng ta chạy theo những cái đang lên và coi thường những thế lực đang xuống. Nói đơn giản chúng ta không có cái nhìn xa, và do đó chúng ta không có chính sách.
Vào đầu thế kỷ 20, trước sự du nhập của văn hóa và văn minh cơ khí Tây phương và sự lu mờ của nước Trung Hoa phương Bắc người trí thức Việt Nam chúng ta chỉ biết cóp nhặt văn hóa Tây phương vô điều kiện và chúng ta coi thường “chú chệt” mà không biết rằng “chú chệt” cười cười “nị ngộ” sao cũng được nhưng chú nắm hết kinh tế của Việt Nam trong tay và chú biết văn hóa của chú đã yên vị lâu đời trong đầu mỗi người Việt. Và chỉ chờ thời điểm (như hôm nay) là chú nắm cổ toàn bộ vận mạng của nước Việt Nam.
Lãnh đạo quân sự và chính trị của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam có nhiều khuyết điểm, nhưng chưa chắc quyết định chiến lược can thiệp của người Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam là một quyết định sai lầm. Nhưng phía miền Nam chúng ta – vì thiếu người tài, vì thiếu chí - đã không lợi dụng cơ hội để xậy dựng một miền Nam tự túc về kinh tế và đặt một nền móng cho sự canh tân đất nước. Cho nên khi người Mỹ nhận ra rằng miền Nam không phải là một đồng minh có bãn lãnh họ liên miên thay đổi lãnh đạo và khi nhận ra rằng đồng minh Nam Việt Nam không có ý chí để tự tồn họ phải tìm một sách lược khác và bỏ rơi chúng ta một cách tàn nhẫn theo đúng cung cách của người Tây phương quyết định là làm.
Miền Bắc Việt Nam cũng không khá gì hơn. Hà Nội chạy theo một lý thuyết kinh tế lỗi thời làm thui chột kinh tế miền Bắc, và trước áp lực của Liên bang Xô viết dồn mọi tiềm năng nhân lực cho cuộc chiến bành trướng chủ nghĩa mà họ nhất định phải thắng “dù phải đốt cháy cả dãyTrường Sơn!”
Miền Bắc toàn thắng. Việt Nam thống nhất trong điêu tàn. Và khi người đồng minh Liên bang Xô viết sụp đổ không đủ sức viện trợ kinh tế như Hà Nội chờ đợi Việt Nam chỉ còn một con đường là lệ thuộc vào Trung quốc.
Bài học gì người Việt Nam cần rút ra hôm nay, đứng trước thế kỷ 21 mới bắt đầu non một thập niên và hứa hẹn nhiều biến chuyển quan trọng có thể quyết định sự mất hay còn của Việt Nam trên bản đồ thế giới?
Sự hâm nóng của bầu khí quyễn đang thay đổi môi sinh buộc con người, trong đó có chúng ta, phải biến đổi để thích ứng. Con người không đủ khôn ngoan và tự chủ để hủy bỏ vũ khí nguyên tử nên thứ vũ khí nguy hiểm này sẽ trở thành một thứ vũ khí thông thường và thế giới lúc nào cũng ở trong một bầu thuốc súng chỉ chực nổ. Cuộc tranh chấp văn minh Tây phương và văn minh Hồi giáo sẽ là một trong những thực tế của đời sống thế giới sau khi Hoa Kỳ chấm dứt thí nghiệm đưa một người da đen lên làm tổng thống.
Nhưng biến chuyển lớn nhất của thế kỷ là quyết tâm trở thành siêu cường của Trung quốc và cuộc đụng độ khó tránh khỏi giữa Hoa Kỳ với Trung quốc. Biến chuyển này sẽ chi phối mọi sinh hoạt chính trị và kinh tế trên toàn thế giới.
Việt Nam nằm ngay trên chiến trường nhỏ là chiến trường Đông Nam Á và nếu không khôn khéo rút bài học cũ chúng ta lại sẽ biến thành một thứ tiền đồn.
Quan sát tình hình Á châu và Đông Nam Á ai cũng đồng ý rằng Việt Nam đang bị Trung quốc đe dọa, và Việt Nam đang rơi vào đôi cánh tay thủ đoạn của Trung quốc.
Chính sách nào để Việt Nam tồn tại như một quốc gia độc lập? Trong thế kỷ trước mắt Việt Nam không có con đường nào khác hơn là liên kết với các quốc gia trong vùng, nhưng quan trọng hơn hết là liên kết với Trung quốc và Hoa Kỳ. Cả hai khối thế lực này đều cần Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc so kiếm thư hùng của thế kỷ.
Nhưng muốn có chính sách trước hết cần hai điều kiện rút ra từ bài học của cuộc chiến vừa qua. Thứ nhất Việt Nam phải có khả năng tự lực trong khung cảnh mới của thế giới. Tự lực đây không phải là chỉ có đầy đủ lương thực để có thể ăn no mặc ấm mà phải có tiềm năng kỹ nghệ và sản xuất.
Thứ hai là phải đào tạo những con người Việt Nam. Vì thiếu bản lãnh chúng ta đã để cuộc tranh chấp ý thức hệ trên thế giới thành một cuộc nội chiến tương tàn. Cần đạo tạo lại một lớp người lãnh đạo có “tâm” và có “hồn” . Cần sửa đổi hệ thống giáo dục, trước hết từ cấp Sơ học cho đến cấp Trung Học hướng về những khái niệm yêu người, yêu đất nước, biết quý trọng những giá trị Việt Nam, những ý niệm sơ đẳng phổ cập về dân chủ, đạo đức và tự do tín ngưỡng, quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc. Và nền giáo dục này cần được làm gương bởi lãnh đạo các cấp. Cấp đại học cần hướng về giáo dục thực tế, liên kết chặt chẽ sinh hoạt đại học với các cơ sở sản xuất lớn để khuyến khích sáng kiến khoa học kỹ thuật và khả năng phát minh. Chính sách của Việt Nam là sẵn sàng làm Thợ để sẽ làm Thầy, và sự chuyển nhượng khoa học kỹ thuật qua các cơ sở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam phải là một chính sách quốc gia.
Dùng thế liên kết Trung quốc và Hoa Kỳ để trước hết bảo vệ lãnh thổ và bảo tồn nền độc lập dân tộc, bảo vệ quặng mõ và túi dầu dưới đáy biển của chúng ta. Chúng ta sẽ học bài học “bầu ơi thương lấy bí cùng”của Đức quốc sau khi thống nhất. Chúng ta sẽ học bài học xây dựng kinh tế của Nhật Bản trong điêu tàn sau Thế chiến 2.
Tài liệu “CIA và Các Ông Tướng”cho chúng ta một bức tranh ảm đảm của một giai đoạn lịch sử Việt Nam, nhưng là một bức tranh rất thật trong bang giao quốc tế “bụng đói đầu gối phải bò”. Nó cho chúng ta những dữ kiện để nhìn lại con người Việt Nam. Chúng ta sẽ không hãnh diện tự mãn với “bốn ngàn năm văn hóa”. Chúng ta cần nghiêm chỉnh tự vấn: Bốn ngàn năm văn hóa ở đâu mà lại làm cho Việt Nam, với đất nước phong phú như vậy, con người thông minh như vậy lại rơi vào hoàn cảnh chỉ chực mất nước hiện nay?
Có những bài học cá nhân cần suy ngẫm:
Với tất cả khuyết điểm về lãnh đạo và nghệ thuật trị quốc, tổng thống Ngô Đình Điệm nhất định không chịu để người Mỹ đưa quân đến Việt Nam mà hậu quả là cái chết của ông và người em là một tấm gương dũng cảm. Và tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khóc mà ký bản Hiệp định Paris biết rằng đó là bản văn khai tử Nam Việt Nam là cái khóc của một người có trí bị dồn vào cửa chết.
Thế còn ông Hồ Chí Minh? Ông Hồ Chí Minh là một người Việt Nam nổi tiếng trên thế giới hơn bất cứ một người Việt Nam nào trong hậu bán thế kỷ 20. Và không ai chối cãi ông là một nhà chính trị xuất chúng, một nhà tổ chức tài ba. Nhưng gia tài ông để lại là một “nước Việt buồn”. Và mới đây tài liệu “Sự thật về Hồ Chí Minh” bằng DVD do linh mục Nguyễn Hữu Lễ và ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam thực hiện dù không tránh được những khuyết điểm về kỹ thuật và nội dung, nhưng qua sự tham dự đông đảo của đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới không trừ một góc trời nào trong những lần ra mắt trình chiếu cho thấy “dân Việt đã bỏ phiếu bằng chân” về chỗ đứng của ông Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam. Cụ Hoàng Văn Chí, một người từng làm việc với ông Hồ chí Minh đã phán đoán về ông Hồ một cách ấn tượng trong cuốn sách “Từ Thực Dân đến Cộng Sản” rằng ông Hồ Chí Minh sáng như mặt trời, nhưng nếu mặt trời mang ấm áp đến cho nhân loại thì ông Hồ đem cái sáng đốt cháy nhân dân. Thật là bất hạnh cho dân tộc Việt Nam!
Một vài gương cá nhân trong cuốn “CIA và các ông Tướng” cần được ghi lại:
Út, một người tài xế làm việc cho CIA phút chót đã an toàn trong tòa đại sứ Hoa Kỳ chờ di tản đã liều chết vượt bức tường người đang vây kín tòa đại sứ để tìm những người bạn ông biết cần cứu.
Và tấm gương phục vụ đất nước của đại sứ Graham Martin là một tấm gương sáng cho những nhà lãnh đạo trên thế giới. Để giữ cho Hoa Kỳ khỏi mang tiếng bỏ chạy ông quyết định ở lại chu toàn công việc và quyết định ra đi với những người lính TQLC cuối cùng trên chuyến trực thăng cuối cùng. Ông phải ra đi sớm hơn một chút trước đe dọa bị lính TQLC dùng sức mạnh áp tải lên máy bay do lệnh của tổng thống Hoa Kỳ, Gerald Ford.
Đó là những bài học “Ôn Cố Tri Tân” của cuốn “CIA và Các Ông Tướng”.
Trần Bình Nam
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com
Ghi chú:
(*) Trong bài này các cụm từ :
- Nam Việt Nam được hiểu là miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống
- Bắc Việt Nam được hiểu là miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở lên
- Việt Nam được hiểu là nước Việt Nam từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu
- Chúng ta được hiểu là mọi người Việt Nam trong và ngoài nước
No comments:
Post a Comment