Saturday, December 26, 2009

Vai trò tiền đồn - Nguyễn Ðạt Thịnh

Nguyễn Ðạt Thịnh

Cán bộ cấp lớn của Việt Cộng vừa chia nhau đi khắp thế giới để thuyết phục mọi quốc gia ủng hộ họ trong vai trò tiền đồn chống bá quyền Trung Cộng. Họ đã thành công rất lớn, nếu thành công được đánh giá bằng số quốc gia ủng hộ, hoặc hứa ủng hộ họ.

Ðại tướng bộ trưởng quốc phòng Việt Cộng Phùng Quang Thanh sang Mỹ, sang Pháp, thượng tướng thứ trưởng quốc phòng Việt Cộng Nguyễn Huy Hiệu sang Nam Hàn, Nguyễn Tấn Dũng sang Nga, sang Úc, Nguyễn Minh Triết đi Ý, Spain, và Slovakia, Nông Ðức Mạnh đi Miên, tất cả những chuyến đi này đều có một mục đích duy nhất: gây dựng thế liên minh với càng nhiều quốc gia càng tốt.

Sau cuộc viếng thăm Hoa Kỳ, tướng Thanh tuyên bố với truyền thông quốc nội là chính sách ngoại giao quốc phòng Việt Nam vẫn là độc lập, tự lập, đa diện, do đó tạo ra được việc bình thường hoá tương quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và đẩy mạnh liên hệ kinh tế song phương.

Câu tuyên bố rôm rả này của tướng Thanh phải được hiểu là ông đã thành công, đã xin được viện trợ quân sự. Nhưng ông Thanh không ý thức được là Việt Nam cần nhiều hơn là những chiến cụ viện trợ.

Ai cũng biết trận chiến Biển Ðông, nếu xẩy ra, sẽ không giải quyết được bằng vài chiếc chiến hạm của Mỹ, hoặc 6 chiếc tầu ngầm của Nga; đoàn tầu ngầm này dù có đánh chìm được hàng chục chiến hạm Trung Cộng thì tổn thất đó vẫn không đủ ngã ngũ để giải quyết tranh chấp biển đông.

Trong lúc cái giá mà Việt Nam phải trả sẽ là một loạt oanh tạc bằng phóng pháo cơ, và pháo kích bằng hỏa tiễn vào các thành phố lớn. Tổn thất sẽ lên đến mức khiếp đảm cả về kiến trúc lẫn nhân mạng.

Do đó thượng sách trên Biển Ðông không phải là giao tranh, mà là một thế chiến lược deterrence, thế gián chỉ, chiến lược làm nản lòng, thuyết phục Trung Cộng không nuốt cục gân gà Hoàng Sa.

Chữ “gián chỉ” đã được dùng trong chiến tranh lạnh về vũ khí nguyên tử giữa Mỹ và Nga; không bên nào dám dùng võ khí nguyên tử để tấn công bên kia, vì họ hiểu là thế dàn trận của cả đôi bên là không tồn trữ võ khí nguyên tử trong một vài chỗ để có thể bị tiêu diệt trong một vài trận oanh tạc. Hoả tiễn nguyên tử còn được đặt trên các chiến hạm để duy trì khả năng tấn công trả đũa khi bị tấn công.

Bí quyết duy nhất giúp Việt Nam tạo ra được thế chiến lược gián chỉ là đồng minh với Hoa Kỳ hoặc với Nga; nếu Việt Cộng ký được với một trong hai đại cường này một hiệp ước hỗ tương phòng thủ, loại hiệp ước giúp Ðài Loan đứng vững từ 60 năm nay, thì Việt Nam mới có hy vọng đương đầu được với Trung Cộng.

Tướng Thanh không tìm được một hứa hẹn nào mang tầm cỡ một hiệp ước hỗ tương phòng thủ trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, hoặc ông không chủ tâm mưu tìm một cam kết như vậy. Hai chữ “tự lập” viết trong câu tuyên bố của ông Thanh, tôi dịch từ chữ “self-reliance” trong bản tin Anh ngữ, (vì không tìm được nguyên văn câu tiếng Việt ông nói); hai chữ này còn có thể hiểu là “tự lo liệu”, vì không có đồng minh.

Tại Pháp cũng vậy, ông Thanh không xin được một cam kết can thiệp nào cả. Trong giả thuyết Trung Cộng có tấn công Việt Nam thì chắc chắn Pháp sẽ phản đối, có thể nặng lời lên án Trung Cộng nữa; nhưng đồng minh thì không.

Cùng thời gian với chuyến đi của tướng Thanh, Nguyễn Tấn Dũng cũng đi thăm Nga và hai bên ký hợp đồng lớn cung cấp tàu ngầm, chiến đấu cơ và trang thiết bị quốc phòng cho Việt Nam; nhưng cũng vẫn chỉ là việc viện trợ chiến cụ.

Cộng chung tất cả những thành quả đạt được trong ngần đó chuyến đi mưu tìm liên minh vẫn không đủ để Việt Cộng chịu đựng được những tổn thất của chiến tranh Biển Ðông.

Họ thừa khả năng bắn chìm chiếc tầu kiểm ngư của Trung Cộng, chiếc tầu đã hung hăng hiếp đáp ngư dân Việt Nam; nhưng chiếc tầu đầu tiên của Trung Cộng bị bắn chìm phút trước, thì phút sau chiến tranh Việt Hoa sẽ tự động diễn tiến, có thể không cần một lời tuyên chiến. Hà Nội, Sài Gòn, Ðà Nẵng, Hải Phòng sẽ là mục tiêu oanh tạc của phóng pháo cơ, và hỏa tiễn tầm xa của Trung Cộng.

Việt Cộng có thành tích tiêu thổ kháng chiến, thành tích chịu bom Mỹ, nhưng sau 35 năm hoà bình, và sau nhiều công khó xây dựng thành phố, người Việt Nam có còn chịu đựng được những trận mưa bom, mưa hỏa tiễn nữa không?

Chiến tranh trở thành cái giá quá đắt mà không chọn chiến tranh là chọn hòa bình, chọn con đường mất biển, mất đảo, sự lựa chọn không người Việt Nam nào đồng ý cả.

Con đường lý tưởng là đem được một trong hai siêu cường, hoặc Nga, hoặc Hoa Kỳ vào Biển Ðông; không có một trong hai siêu cường này, không có đối trọng với lực lượng quân sự của Trung Cộng.

Ngày xưa vì tự do của chính người dân Việt Nam mà Nam Việt chấp nhận vai trò “tiền đồn” ngăn chặn cộng sản cho thế giới tự do; hôm nay Việt Cộng đừng biến Việt Nam thành tiền đồn ngăn chặn Trung Cộng bảo vệ hải lộ cho cả thế giới sử dụng.

Yếu tố mà “tiền đồn” Việt Cộng hôm nay không có, là sự đồng minh của Hoa Kỳ, dù thành tích tháo chạy 38 năm trước có làm Hoa Kỳ mất uy tín, nhưng họ vẫn là thế giá duy nhất có thể đặt lên bàn cân tương quan lực lượng để tạo thế thăng bằng trên Biển Ðông.

Thiếu Nga hoặc thiếu Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ chỉ còn có 2 lựa chọn: một là chịu thua, nhượng Biển Ðông cho Trung Cộng, hai là tử chiến để chứng kiến công trình xây dựng mấy chục năm tan tành trong những cuộc oanh tạc và pháo kích.

Nguyễn Ðạt Thịnh

No comments:

Post a Comment