Wednesday, December 16, 2009

Con Chó Của Bé Tú - Sebastian Lê văn Thành

Sebastian Lê văn Thành

LỜI NGƯỜI VIẾT: Trước tin Chủ Tịch Nhà Nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết viếng thăm Toà Thánh Vatican và Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đich-tô XVI ngày 11 tháng 12 vưà qua, một số thân hữu hỏi xem tôi có nghĩ rằng sau chuyến viếng thăm này cộng sản sẽ cho Công Giáo Việt Nam nhiều tự do hơn không? Tôi nghĩ rằng có. Tuy nhiên các tự do đó có đem lại lợi ích chính đáng, lâu dài nào cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, cho Đất Nước và Dân Tộc Việt Nam hay không thì lại là một vấn đề khác. Mời quý vị và các bạn xem lại truyện ngắn “Con chó cuả Bé Tú” tôi viết tháng 1 năm 2002 dưới bút hiệu Sebastian Lê văn Thành, trong đó tôi nói lên một vài suy nghĩ về những tự do cộng sản ban phát cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Cho đến nay, tôi vẫn giữ những suy nghĩ đó, không thay đổi gì cả.
Trân trọng,

Bác Sĩ Vũ Linh Huy
Carney Hospital
Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ

Ông Sửu là hàng xóm cuả tôi. Ông là cựu sĩ quan pháo binh trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, bị cộng sản bắt đi “cải tạo” gần sáu năm sau ngày mất nước. Ông tới Mỹ theo chương trình HO năm 1993. Tính ông ít nói nhưng hay mỉm cười thân thiện với mọi người. Ông ghét và thù cộng sản nhưng không tham gia một đoàn thể tranh đấu nào, dù vẫn thường có mặt trong các sinh hoạt cuả cộng đồng. Mỗi khi anh em chúng tôi tổ chức thành công một buổi sinh hoạt đấu tranh, ông thường nói:

- “Mấy ông siêng thật. Đi làm mệt thấy mồ tổ mà còn tham gia tranh đấu nữa!”

Thế thôi. Từ ngày có vụ cha Lý, ông quan tâm tới thời cuộc hơn nhưng vẫn ít khi công khai phát biểu điều gì, dù ông tỏ ra rất khâm phục cha Lý và thường nghiên cứu các lời kêu gọi của cha cũng như các tài liệu liên hệ. Ông cũng thỉnh thoảng gửi cho cha ít tiền để cha giúp học sinh nghèo. Ông buồn bực ra mặt khi đọc các lời phát biểu của các linh mục “quốc doanh” và của Đức cha Lâm. Ông lắc đầu chán nản khi đọc thư “Tìm Ánh Sáng Soi Đường” của Đức Cha Mẫn. Khi đọc ý kiến của một vài người nào đó khen Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khéo xử sự nên tránh được việc cộng sản thành lập giáo hội công giáo tự trị, ông nói một câu cụt ngủn: “Nó đâu cần lập giáo hội tự trị làm chi!” Thế thôi.

Một ngày lễ nghỉ, ông ghé tôi chơi khá lâu nhưng không trò chuyện gì nhiều.

Ông say mê đọc các tài liệu trong computer cuả tôi cả giờ rồi bỗng nhiên quay qua bảo tôi, giọng rất nghiêm trọng, thành khẩn:

- “Mấy ông có tranh đấu gì thì tranh đấu cho nhanh lên, chứ cứ đà này thì chẳng bao lâu nữa tụi nó sẽ cho Công Giáo hoàn toàn tự do.”

Chắc lúc ấy mặt tôi tỏ ra ngu si đần độn lắm hay sao đó mà ông không nói tiếp nưã, sợ tôi không hiểu. Ông trầm ngâm một lát rồi nói:

- “Giải thích vụ đó dài dòng lắm, để tôi kể cho ông nghe truyện này, rồi ông khắc hiểu.”

Và ông kể truyện “Con Chó Cuả Bé Tú.”

Truyện này ông Sửu kể cho tôi nghe đã lâu. Mấy lần tôi đã toan viết lại để chia sẻ với độc giả nhưng Anh Hai tôi can ngăn, sợ người khác hiểu lầm rằng tôi khinh dể các đấng, các bậc, ví von xỏ xiên. Tôi không bao giờ dám có ý ấy. Tôi vẫn cầu nguyện cho các ngài hàng ngày. Tôi tin ông Sửu cũng không có ý ấy. Hôm qua nói chuyện với một linh mục quen, ngài khen câu truyện có ý nghiã và còn xác quyết rằng ai có chút suy tư cũng phải hiểu câu truyện “theo nghiã ngay lành”. Bởi vậy hôm nay tôi mới dám mạnh dạn viết lại để trình quý vi.

Nhà Tú ở Thủ Đức. Tú có một con chó rất khôn tên là con Vện do bà ngoại Tú mang từ quê lên cho khi Tú mới được năm tuổi. Lúc đó con Vện cũng mới vừa dứt sữa, tập ăn. Khi Tú lên mười thì nó và con Vện đã trở thành một đôi bạn thân thiết, bất khả phân ly. Anh chị Tuấn, cha mẹ của Tú, hiếm hoi chỉ có mình Tú nên cũng rất thương Vện. Vện thường theo Tú đi chơi và lúc nào cũng sẵn sàng bảo vệ Tú. Khi Tú đá banh, hễ đứa nào chèn banh với Tú thì Vện tới ngoạm chân đứa đó lôi ra. Khi chơi vật nhau, hễ Tú thắng, cỡi lên mình đứa khác thì Vện ngồi nhìn. Khi Tú thua, bị đứa kia cỡi thì Vện xông vào dùng đầu húc đứa đó xuống. Lũ trẻ thường chỉ la: “Ăn gian! ăn gian!” rồi cười ầm ĩ vì thấy chuyện ngộ nghĩnh chứ không giận hờn chi vì Vện chẳng bao giờ gây thương tích cho đứa nào, chỉ ngoạm hờ vậy thôi. Vện rất thông minh, hiểu ý người nên chơi với trẻ con trong xóm rất “hợp rơ”. Thí dụ khi chúng ném đồ chơi cho Vện đi lượm thì đồ chơi của đứa nào Vện tha về cho đứa đó, không sai bao giờ. Nếu có đứa nào giả bộ “nhận vơ” thì Vện phản đối ra mặt, sẵn sàng giằng co qua lại cho đến khi giao được món đồ cho chủ nhân đích thực của món đó nó mới bằng lòng. Vện còn biết giữ của nữa. Bất cứ ai vào nhà lấy món gì cũng bị Vện cắn áo lôi lại cho đến khi người đó chịu đi tay không nó mới buông tha. Tuy nhiên nếu anh chị Tuấn hoặc Bé Tú nói với Vện cho người đó mượn thì nó để yên cho họ đi.

Thế rồi biến cố 30 tháng 4 năm 75 xảy đến. Xóm Tú là xóm nghèo nên không có thay đổi gì rõ rệt lắm lúc ban đầu, ngoại trừ trường hợp của nhà bà Năm bán xôi. Bà có một người con gái lớn tên là Lựu đi theo cậu Sáu là em ruột cuả bà tập kết ra Bắc năm 54 khi cô ấy mới 13 tuổi. Chuyện này bà vẫn dấu, không bao giờ hé môi kể với ai từ lúc bà dọn về xóm này khoảng năm 1960, 61 gì đó. Nay cô ấy trở về vẻ vang, mang quân hàm trung uý công an. Chồng cô ấy là thiếu tá công an. Cả hai vợ chồng đều làm việc ở Saigon nhưng vẫn đi xe hơi về thăm bà Năm luôn. Họ có một đứa con trai tên là Thành, cùng tuổi với Tú. Thành làm quen với bọn trẻ trong xóm rất nhanh và được chúng cho tham gia các trò chơi. Thành mê thích con Vện vô cùng. Nó về xin bố mẹ mua cho một con chó rất đẹp tên là Mi-nô. Ít tháng sau, Thành dẫn Mi-nô về Thủ Đức khoe với lũ trẻ. Con Mi-nô đẹp hơn con Vện nhưng không thông minh. Nó cũng chẳng quấn quít gắn bó gì mấy với thằng Thành. Thằng này phải dùng dây xích để dẫn nó đi; hễ buông xích ra là nó chạy lung tung, chui vào bờ vào bụi … Một bữa kia thằng Thành cởi áo và quần dài, để cạnh một cái cột đèn, đặng chơi đá banh. Con Mi-nô chạy lăng quăng, ngửi chỗ này, rúc chỗ kia một hồi rồi chạy về ngửi ngửi cái cột đèn và đống quần áo cuả thằng Thành rồi co chân sau lên đái vào đó một bãi. Lũ trẻ được một trận cười bể bụng. Thằng Thành, vừa xấu hổ vừa giận, co chân đá con chó một cú như trời giáng khiến nó nằm vật xuống, trợn mắt lên, cả phút sau mới tỉnh lại, rên ư ử. Sau đó thằng Thành chẳng bao giờ dẫn Mi-nô về Thủ Đức nữa và tránh nói chuyện về con chó đã làm nó bị nhục nhã. Ai có biết đâu là trong thâm tâm nó đang bầy mưu tính kế để bắt trộm con Vện. Bố mẹ nó cũng chiều ý con. Bà Năm lúc đầu phản đối nhưng sau cũng xuôi theo ý con gái và cháu ngoại. Một bữa kia Tú đi học về không thấy con Vện đâu nữa, nó khóc lóc thảm thiết, tìm kiếm khắp nơi nhưng hoàn toàn vô vọng.

Thằng Thành đem con Vện về Saigon, dùng dây thừng cột nó lại. Con chó vùng vẫy dữ dội, cào đất đến tươm máu hai bàn chân. Nó chỉ chịu nằm yên khi đã mệt lả. Nhân lúc mọi người không để ý, nó cắn đứt dây thừng rồi chạy trốn, cứ nhắm hướng Thủ Đức mà cắm đầu chạy. Bố mẹ thằng Thành và nhóm công an thuộc hạ dùng xe gắn máy rượt theo đến mấy cây số mới bắt nó lại được khi dây thừng cuả nó bị vướng vào hàng rào. Sau đó họ thay dây thừng bằng dây xích sắt. Con Vện lại ra sức cắn dây xích đến gẫy răng, máu me đầm đià. Thằng Thành bèn cởi xích, nhốt nó vào một cái cũi gỗ. Con Vện cắn gặm liên tục các thanh gỗ để tìm cách chui ra. Tức mình viên thiếu tá bèn cho lính nhốt Vện vào conex nhốt tù, khoá chặt cưả lại, trong khi vẫn xiềng nó bằng xích sắt, cột vào mấy cái song sắt cuả một cái cưả sổ nhỏ trên thành conex. Conex là những thùng sắt rất to, thường là hình khối chữ nhật, ngày xưa các hãng thầu và quân đội Mỹ dùng để chưá hàng, sau này cộng sản dùng nhốt tù. Conex vốn không có cưả sổ nhưng thỉnh thoảng công an cũng kêu thợ hàn tới đục một cưả sổ nhỏ và hàn các song sắt để làm lỗ thông hơi, như vậy có thể nhốt được nhiều người hơn trong mỗi conex.

Con Vện bị giam trong một cái conex loại đó. Nó nằm bẹp một góc, không chịu ăn uống gì trong hai ngày đầu. Qua ngày thứ ba, chắc là khát quá chịu không nổi, nó bắt đầu uống nước nhưng vẫn không ăn. Nó cũng trở nên hung dữ, hễ ai tới gần là nó nhe răng gầm gừ, mắt long lên sòng sọc. Theo sự cố vấn cuả ba nó, thằng Thành ngưng đem đồ ăn cho con chó, chỉ cho nước uống thêm hai ngày nưã. Qua ngày thứ năm thì con Vện đói lả. Thằng Thành bèn tiến lại từ từ, tay cầm một điã cơm thịt thơm ngon, miệng dịu dàng âu yếm gọi “Vện, Vện.” Con Vện lúc đầu cũng gầm gừ nhưng sau thấy thằng Thành gọi tên nó dịu dàng lại có đồ ăn thơm ngon nên nó chịu nằm yên cho thằng bé đến gần, đặt điã cơm kề miệng nó. Con chó chỉ ngửi chứ không ăn. Thằng Thành dịu dàng thúc dục: “Ăn đi Vện! Ăn đi rồi tao đưa mày về với thằng Tú.” Con Vện dường như hiểu lời hưá hẹn cuả thằng bé, nó uể oải ăn cơm nhưng mắt vẫn vè vè nhìn thằng Thành. Hễ thằng bé đưa tay định vuốt ve nó là nó nhe răng đe doạ ngay. Thằng Thành vẫn kiên nhẫn đích thân đưa cơm cho con chó mỗi ngày. Qua ngày thứ mười thì con Vện để yên cho nó vuốt ve. Thằng Thành sung sướng không bút nào tả xiết. Mấy bưã sau nó đưa con Vện về nhà, đổi tên Vện thành Kiki và bắt đầu dắt con chó đi chơi. Luôn mấy ngày liền hễ ra khỏi nhà là con chó xăm xăm nhắm hướng Thủ Đức mà đi khiến thằng Thành phải ra sức ghì lại. Qua tuần lễ thứ ba thì con Vện vui vẻ thong dong đi với thằng bé khắp mọi nơi. Nó cũng chấp nhận tên Kiki và bắt đầu chơi các trò chơi với thằng Thành. Thằng bé tắm rưả cho con chó sạch sẽ và thường xuyên ôm chó hôn hít như nó vẫn thấy trong các phim ảnh ngoại quốc. Tuy nhiên, ban ngày khi thằng Thành phải đi học và ban đêm khi đi ngủ, nó vẫn cột con chó lại, sợ con Vện trốn về Thủ Đức. Con Vện bằng lòng để bị cột như vậy, không cắn gặm dây xích như trước nữa. Thậm chí về sau, thằng Thành chỉ cần gọi: “Kiki, xích!” là con chó lẳng lặng đi tới chỗ sợi dây xiềng, nằm im chờ đợi, khiến ai cũng phải bật cười. Thực ra những lúc ấy mặt con Vện chẳng mấy vui. Thằng Thành cũng biết vậy nên nó vưà tròng xích vào cổ con vật vưà vuốt ve, hôn hít, vỗ về. Qua tháng thứ ba thì thằng Thành cho con chó hoàn toàn tự do, không cần xiềng xích chi nưã.

Dầu vậy thỉnh thoảng cô Lựu, mẹ thằng Thành, cũng đeo vào cổ Vện một cái vòng da thật sang, nối với một sợi dây da đẹp, để cô diện đầm dắt nó đi đây đó. Trong số các cán bộ Việt cộng vào từ Miền Bắc, có lẽ cô Lựu là một trong những người lột xác nhanh nhất. Đang khi nhiều dân “ngụy” Miền Nam vẫn còn sợ sệt, cất dấu quần áo đẹp để “ăn mặc giản dị”, và đa số cán bộ vẫn còn ăn mặc rất quê muà, xấu xí, thì cô Lựu đã diện sơ mi cổ cao với quần tây ống loe hoặc diện đầm dắt chó đi chơi. Dĩ nhiên khi đi làm hoặc đi công tác thì cô vẫn mặc đồng phục màu vàng cuả công an, đôi khi cô còn cố ý mặc mấy bộ đã bạc màu hay hơi sờn rách … Sáu tháng sau thì con Vện, nay là Kiki, đã trở nên thân thiết với thằng Thành y như với thằng Tú thuở trước, cũng bênh vực thằng Thành khi nó đá banh hay chơi vật nhau với lũ trẻ trong xóm nó ở. Con chó cũng tích cực giữ của cho chủ mới. Thằng Thành bèn nảy ra ý định táo bạo: đưa con Kiki về Thủ Đức để thử lòng trung thành của con vật, đồng thời cũng để trả thù lũ trẻ ở đó đã cười nhạo nó khi nó bị con Mi-nô đái vào quần áo.

Một hôm khi bố mẹ nó cho về thăm bà ngoại, nó lén dấu con Kiki trong thùng xe, dặn dò con chó nằm im. Đến nơi, nhân lúc bố mẹ nó bận nói chuyện với bà ngoại, nó mở thùng xe, dẫn con Kiki vào trong xóm. Thằng Tú nhận ngay ra con Vện, gọi “Vện, Vện” ầm lên. Con Vện cũng nhận ra người bạn thân thiết cũ, nó mừng cuống quít, nhảy chồm lên người thằng Tú rồi lại nằm lăn xuống đất, chổng bốn vó lên trời, miệng suả ăng ẳng hoặc nằm sấp, chân cào đất, miệng rên rỉ hoặc kêu rít lên như điên dại, rồi lại chồm lên ôm thằng Tú, đuôi vẫy, miệng suả, vui vẻ vô cùng. Thằng Tú nói:

- “Đây là con Vện của tao.” Lũ bạn nó cũng đồng thanh phụ hoạ. Tuy nhiên thằng Thành vẫn tỉnh bơ quả quyết:

- “Nghèo mà ham, đây là con Kiki cuả tao, đừng nhận vơ!” Rồi nó còn dài giọng đọc hai câu ca dao quen thuộc cuả trẻ con Miền Bắc:

“Nhận vơ lấy vợ thằng Nhân;
Nó cho ăn bún, nó vần cả đêm!”

Nói xong nó bỏ đi, miệng gọi “Kiki, Kiki.” Con chó buông thằng Tú ra, chạy theo thằng Thành, dầu mắt vẫn quyến luyến quay lại nhìn thằng Tú. Tú gọi với theo: “Vện! Vện!” Con Vện toan quay lại với Tú nhưng thằng Thành quát bảo nó: “Kiki, về thôi!” nó bèn lẳng lặng đi theo thằng Thành. Thành ngồi xuống ôm con chó hôn hít. Con Vện cũng âu yếm thè lưỡi liếm mặt nó. Rồi cả hai bỏ đi thẳng. Tú nhìn theo con vật, nước mắt đầm đi.

Câu truyện ông Sửu kể chấm dứt tại đó. Tôi nóng lòng muốn biết điều gì sẽ xảy ra cho thằng Tú và con Vện sau cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy, nhưng ông Sửu không chịu kể thêm. Ông còn tỏ ra thất vọng vì tưởng tôi không hiểu ý nghĩa của câu truyện. Thực ra, tôi hiểu rất rõ điều ngụ ý của ông, hiểu mà lòng ray rứt khôn nguôi. Bên tai tôi vẫn còn văng vẳng câu thúc dục cuả ông Sửu:

- “Mấy ông có tranh đấu gì thì tranh đấu nhanh nhanh lên, chứ cứ đà này thì chẳng bao lâu nưã cộng sản sẽ cho Công Giáo hoàn toàn tự do.”

Tôi thấy lời tiên đoán của ông Sửu không phải là vô căn cứ. Thế nhưng tranh đấu sao cho nhanh lên để ngăn ngưà cái ngày đen tối ấy thì tôi chưa tìm được câu trả lời. Tôi chỉ biết làm hết sức mình những gì mình có thể làm, kêu gọi mọi người cùng làm và nhất là cầu xin Chuá thương Giáo Hội Việt Nam, đừng để kẻ thù thi hành các chương trình tiêu diệt tôn giáo tinh vi quỷ quyệt cuả họ. Vì với chính sách can thiệp thô bạo và kiên trì vào việc tuyển sinh cho các chủng viện và nhồi nhét lý thuyết Marx-Lenin cho các chủng sinh (được gọi nôm na nhưng tượng hình là chính sách “Uốn cây uốn tự còn non”) và vào việc tuyển lưạ ứng viên linh mục và giám mục, cộng sản hẳn phải tin có ngày họ sẽ có thể xếp đặt người cuả họ hoặc người đã tuyên hưá vâng phục họ vào các chức vụ chủ chốt trong Giáo Hội. Lúc ấy, Giáo Hội có khác gì Hội Phụ Nữ, Nông Hội, Hội Trí Thức Yêu Nước, Hội Tiểu Thương và đủ loại hội bù nhìn khác trong Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam? Và cộng sản sẽ có đủ tự tin để cho Công Giáo hoàn toàn tự do.

Hải ngoại, ngày 13 tháng 1 năm 2002
Sebastian Lê văn Thành

No comments:

Post a Comment