Sunday, October 11, 2009

NÓI VỚI ĐẦU GỐI - Đỗ Thái Nhiên

Đỗ Thái Nhiên

Con người không thể sống đơn độc trong hang sâu, núi lạnh. Sống có nghĩa là hợp quần. Đối thoại là cầu nối giữa con người với xã hội. Để thực hiện đối thoại, con người phải có thể phát âm, nghe, hiểu và phán đoán. Đầu gối là nơi giao tiếp giữa xương đùi và xương ống chân. Đầu gối không tim, không óc, không mắt, không tai ... Rõ ràng là đầu gối không có chức năng đối thoại. Thế nhưng, trong dòng đời chất chứa nhiều tình huống phức tạp này, có những người chỉ muốn nói cho chính mình nghe, không quan tâm tới ý kiến của những người chung quanh. Mỗi khi phải đương đầu với văn chương “nói lấy được”, người đối thoại hiểu ngay rằng: thà nói chuyện với đầu gối còn hơn là phải trao đổi ý kiến với những người có kiến thức nghèo nàn đến độ bất bình thường. Sau đây là một trường hợp “nói lấy được”.

Ngày 02/09/2009, đài BBC Luân Đôn có dành cho ông Nguyễn Trọng Phúc một cuộc phỏng vấn về các vấn đề liên quan tới thể chế chính trị của chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ông Nguyễn Trọng Phúc là thành viên học viện Chính Trị-Hành Chánh Quốc Gia, Hà Nội, nguyên viện trưởng viện lịch sử đảng, người đã đào tạo ra nhiều cán bộ lý luận cao cấp cho đảng CSVN. Sau đây là các lý luận quan yếu đã được ông Nguyễn Trọng Phúc nói với đài BBC Luân Đôn:

1. Về Dân chủ đa nguyên:

Ông Nguyễn Trọng Phúc khẳng định: “Hiện nay pháp luật Việt Nam, điều lệ và cương lĩnh của đảng CSVN không chấp nhận đa nguyên đa đảng”

Sinh hoạt đa nguyên, đa đảng là một trong nhiều hình thức sinh hoạt chính trị khác nhau của quần chúng. Chỉ có quần chúng hay đại diện chân chính của quần chúng mới có thẩm quyền quyết định chọn lựa các hình thức sinh hoạt vừa kể. Đảng CSVN là một đảng hoạt động không giấy phép. Đảng CSVN chỉ là một số tư nhân tụ tập phi pháp, đảng này lại càng không có bất kỳ loại hồ sơ pháp lý nào khả dĩ có thể minh chứng họ là thụ ủy của người dân. Trong các điều kiện pháp lý vừa kể, điều lệ và cương lĩnh của đảng CSVN hoàn toàn vô nghĩa đối với người dân Việt Nam. Thế nhưng ông Nguyễn Trọng Phúc lại viện dẫn hai văn kiện kia để ngăn cấm người dân không được sinh hoạt đa nguyên đa đảng. Quả thực, Nguyễn Trọng Phúc đã sử dụng kiểu lý luận ngang ngược của họng súng.

Bên cạnh điều lệ và cương lĩnh của đảng CSVN, Nguyễn Trọng Phúc còn căn cứ vào điều được gọi là luật pháp Việt Nam để tăng cường cho luận cứ quyết liệt chống đa nguyên đa đảng. Nói tới trọng pháp, nói tới luật pháp, xã hội cần phân biệt hai loại luật pháp: luật chính danh còn gọi là pháp trị (rule of law)và luật ngụy trá, còn gọi là pháp quyền (rule by law). Pháp quyền là luật do quốc hội bù nhìn hoặc do chế độ độc tài đặt ra để đàn áp người dân. Pháp quyền điển hình là luật của Tần Thủy Hoàng, luật của Đức Quốc Xã, luật cải cách ruộng đất của Hồ chí Minh và tòan bộ luật pháp của CSVN ngày nay. Pháp trị là luật của những quốc hội thực sự tự do dân chủ làm ra. Pháp tri là luật pháp chân chính của thể chế tự do dân chủ.

Trọng pháp không có nghĩa là ngoan ngoản nhắm mắt tôn trọng bất kỳ loại luật pháp nào. Người trọng pháp là người có khả năng phân biệt rạch ròi luật của độc tài áp bức và luật của tự do dân chủ. Đồng thời người trọng pháp có hai nghĩa vụ: nghĩa vụ đạp đổ luật độc tài và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ luật của tự do dân chủ.

2. Sự ủng hộ tuyệt đối của toàn dân:

Ông Nguyễn Trọng Phúc nói với BBC rằng ông tin là chủ trương chống đa nguyên đa đảng của CSVN đã được “sự ủng hộ tuyệt đối của toàn dân”. Nguyễn Trọng Phúc giải thích thêm: “Người ta có nhiều con đường để đi đến khẳng định chế độ chính trị nào được toàn dân ủng hộ, chứ không phải chỉ trưng cầu dân ý. Nước Anh, nước Mỹ có trưng cầu dân ý không? Cứ theo dõi đời sống, tình cảm, thái độ của người dân đối với chế độ chính trị như thế nào là có thể hiểu được, chứ không áp đặt cách làm của nước này cho nước khác”

Xác định ý dân theo kiểu “theo dõi đời sống, tình cảm, thái độ của người dân đối với chế độ chính trị” là phương pháp xác định dân ý cực kỳ lơ mơ. Dựa vào những chuẩn mực nào để theo dõi? Làm thế nào để có thể theo dõi tình, ý của 80 triệu người dân ? Làm thế nào để những theo dõi kia không bị chủ quan? Trong trường hợp có nhiều ứng cử viên, làm thế nào để qua theo dõi có thể kết luận một cách chính xác và công bằng rằng ai là người trong số nhiều ứng cử viên kia được dân chúng chọn lựa? Các câu hỏi vừa nêu đều là những câu hỏi không có câu trả lời. Sỡ dỉ Nguyễn Trọng Phúc lâm vào hoàn cảnh bị bao vây bởi câu hỏi không thể trả lời là vì Nguyễn Trọng Phúc tránh né nói tới thủ tục bầu cử phổ thông, tự do, công bằng và kín của thể chế dân chủ. Hơn thế nữa, nhằm củng cố cho lập luận “Người ta có nhiều con đường để đi đến khẳng định chế độ nào được toàn dân ủng hộ, chứ không phải chỉ trưng cầu dân ý”, Nguyễn Trọng Phúc đã đặt câu hỏi ngược lại: “Nước Anh, nước Mỹ có trưng cầu dân ý không?”. Câu hỏi của Nguyễn Trọng Phúc có hàm ý rằng : nước Anh, nước Mỹ không có trưng cầu dân ý nhưng vẫn có dân chủ. Ý kiến vừa kể của Nguyễn Trọng Phúc gây cho dư luật một kinh ngạc lớn. Đàng sau kinh ngạc lớn kia là hai quan điểm tối tăm được phát biểu bởi nhà lý luận hàng đầu của Hà Nội:

Tối tăm thứ nhất: Đời sống của xã hội loài người đã cho con người kinh nghiệm rằng: cá nhân phát biểu ý kiến bằng lời nói hay bằng chữ viết trên văn bản. Ý kiến của một tập thể người, đặc biệt là tập thể quần chúng nhiều triệu người, gọi chung là dân ý được phát biểu bằng lá phiếu. Lá phiếu là dân ý trong quyết định tuyển chọn giới chức dân cử. Lá phiếu là dân ý xác định thái độ chấp thuận hay bác bỏ các dự án luật. Lá phiếu là dân ý nêu bật ý kiến tín nhiệm hay bất tín nhiệm các cấp lãnh đạo quốc gia. Vì vậy bầu phiếu và trưng cầu dân ý là hai thuật ngữ đồng nghĩa. Và cũng vì vậy Nguyễn Trọng Phúc, bậc thầy của giới lý luận CSVN đã bất ngờ trở thành danh hề khi cho rằng: nước Anh, nước Mỹ không có trưng cầu dân ý.

Tối tăm thứ hai: Nói với đài BBC Luân Đôn, ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng: “Người ta có nhiều con đường” để xác định dân ý và rằng xin đừng “áp đặt cách làm của nước này cho nước khác”. Rõ ràng là với gian ý tránh né thâu thập dân ý thông qua việc tổ chức đầu phiếu tự do và công bằng, nhà lý luận hàng đầu của Hà Nội đã đưa ra lời lẽ phủ nhận tính chất hữu hiệu của phương pháp trưng cầu dân ý dân chủ. Thế nhưng, trong thực tế, CSVN đã nhái theo thủ tục bầu cử dân chủ để sản sinh ra cơ quan gọi là quốc hội cộng hòa XHCNVN với ghi chú quốc hội này được bầu theo kiểu đảng cử, công an kềm kẹp, dân bầu. Như vậy, về mặt lý luận, Nguyễn Trọng Phúc bài bác thể chế dân chủ. Về mặt thực tế hành động, Hà Nội lại trình diễn dân chủ giả hiệu nhằm lòe bịp dư luận. Sự việc CSVN phải sử dụng dân chủ giả hiệu chứng tỏ dân chủ chính danh là công lý.

Tóm lại, những phát biểu của ông Nguyễn Trọng Phúc xoay quanh các vấn đề: đa nguyên, đa đảng, giá trị của luật pháp CS và các phương pháp thâu thập dân ý…đã làm cho dư luận chú ý đến ba đặc tính:

1. Hiểu biết của các nhà lý luận hàng đầu chế độ Hà Nội về cấu trúc dân chủ của nước Anh, nước Mỹ nói riêng, về xã hội quốc tế nói chung, nghèo nàn đến thảm hại.

2. Đối với CSVN, thảo luận về các chủ đề văn minh dân chủ chỉ là cơ hội để Hà Nội ăn gian, nói dối, đả kích dân chủ, biện minh cho độc tài.

3. Nhằm khỏa lấp đặc tính (1) và (2) cán bộ lý luận của Hà Nội bao giờ cũng làm ra vẽ:ta đây là chủ nhân ông của đỉnh cao trí tuệ loài người.

Ba đặc tính nêu trên dẫn đến kết luận rằng: nói chuyện lý luận chính trị với Hà Nội chẳng khác nào nói chuyện với đầu gối. Ngày nay, CSVN đang cai trị đất nước bằng phương pháp: mang đầu gối thay thế bộ óc, mang tội ác tham ô và bán nước thay thế lương tri và ái quốc.

Đỗ Thái Nhiên

No comments:

Post a Comment