Sunday, October 11, 2009

Chuyện có gì mà làm ầm ĩ? - Sơn Tùng


Sơn Tùng

Chuyện Tổng thống Barack Obama bị hạ đo ván trong trận thi đấu đầu tiên tại Copenhagen, Đan Mạch, của Olympic 2016 đã được làm ầm ĩ trên báo chí và truyền hình Mỹ, trong lúc ông Obama tỉnh queo tuyên bố đầy tinh thần thượng võ của con nhà thể thao sau khi “ôm đầu máu” trở về Bạch Cung: “Một trong những điều tôi nghĩ có giá trị nhất về thể thao là bạn có thể chơi một trận tuyệt hay mà vẫn không thắng.” Và ông ta chúc mừng Rio de Janeiro, Brazil, thành phố chiến thắng trong cuộc đua để được tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè 2016.

Mồm tuy nói vậy, nhưng tim “nhà hùng biện” Obama chắc hẳn phải đau lắm. Ông ta đã đem uy tín của một tổng thống Hoa Kỳ và danh dự nước Mỹ để đích thân xuất hiện trước Ủy Ban Thế Vận (IOC) họp tại Copenhagen, mong làm phép lạ giờ chót đem Olympic 2016 về Chicago, tỉnh nhà của ông, một công việc mà ông đã chuẩn bị từ lâu.

Ngay sau khi nhậm chức tổng thống, Ông Obama đã mở ra một chiến dịch vận động với quy mô lớn do Bạch Cung chỉ đạo. Vào tháng sáu, TT Obama đã thành lập Văn Phòng Olympic tại Bạch Cung (White House Office of Olympic, Paralympic and Youth Sport). Giữa tháng chín, TT Obama đã liên tiếp nhiều lần nêu vấn đề Olympic trước diễn đàn Đại Hội Đồng LHQ, và tại cuộc họp thượng đỉnh “G-20” ở Pittsburgh.

Trước chồng một ngày, Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama đã dùng chiếc Boeing “Air Force Two” cùng đoàn tùy tùng sang Đan Mạch để vận động. Hôm sau, 2.10.2009, TT Obama lại dùng chiếc “Air Force One” khổng lồ của tổng thống Hoa Kỳ cùng đoàn tùy tùng hùng hậu sang Đan Mạch, đích thân trổ tài “hùng biện” trước IOC để thuyết phục các thành viên bỏ phiếu chọn Chicago làm nơi tổ chức Olympic Mùa Hè 2016.

Nhiều nhà bình luận thể thao và chính trị “nhận định” rằng sự hiện diện của TT Obama trước IOC mà hầu hết các thành viên thuộc các nước Âu Châu, nơi Ông Obama rất được ái mộ, sẽ đảo ngược thế cờ, đem chiến thắng cho Chicago.

Nhưng, kết quả thật bẽ bàng, trong bốn thành phố còn lại để vào chung kết (Rio De Janeiro, Madrid, Tokyo, Chicago), Chicago đã bị loại ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên! Trước thất bại chua cay này, nếu ai nói rằng TT Obama không cảm thấy “rát mặt”, kẻ ấy là người không biết hổ thẹn.

TT Obama đã nhận được nhiều phê bình, chỉ trích trên truyền hình, báo chí Mỹ – trừ truyền thông “dòng chính” cùng phe, dĩ nhiên. Nào là đã phung phí hàng triệu đô-la tiền dân đóng thuế vào một việc vô tích sự. Nào là đã bỏ nhiệm sở sang Đan Mạch để làm một việc không cần thiết trong lúc bao nhiêu chuyện quốc gia đại sự không được giải quyết: Chiến trường Afghanistan ngày một xấu đang chờ tăng quân, kinh tế suy thoái chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, nạn thất nghiệp tại Mỹ tăng vọt tới mức cao nhất trong 25 năm, ngân sách thâm thủng lên đến 1.4 ức (trillion) Mỹ kim, gấp đôi so với một năm trước, chương trình “cải tổ bảo hiểm y tế” đã trở thành cái nồi cám heo. Nào là đây lại thêm một bằng chứng về nhận định nghèo nàn của Ông Obama. Có người còn tố việc đi Đan Mạch của TT Obama chỉ là chuyện “chẳng đặng đừng” vì bị áp lực nặng nề của các “chủ nợ chính trị” tại Chicago, những kẻ có công lớn đã đưa ông ta vào Bạch Cung mà nếu Chicago được đăng cai Olympic Mùa Hè 2016 thì họ sẽ bỏ túi hàng tỉ đô-la do những vụ thầu xây cất Làng Thế Vận và các vận động trường, vân vân (?).

Dĩ nhiên cũng có không thiếu người bênh vực TT Obama. Nào là ông ta không phải là quốc trưởng đầu tiên đích thân đi vận động cho một thành phố tại nước mình được tổ chức Olympic. Trước Obama đã có nhiều tổng thống, quốc vương, thủ tướng các nước khác làm như vậy. Nào là ông tổng thống luôn luôn cố gắng làm bất cứ điều gì tốt cho nước Mỹ. Nào là nếu không đi Đan Mạch, Ông Obama sẽ bị trách cứ về sự thất bại của Chicago. Một số chính trị gia tại Chicago còn đổ tội cho... cựu Tổng thống Bush về quyết định của IOC không chọn thành phố này cho Olympic 2016! Mục sư Jesse Jackson nói với tờ Chicago Sun-Times: “Cách chúng ta đã từ chối ký Thỏa ước Kyoto, chúng ta đã dối gạt đưa thế giới vào chiến tranh Iraq. Thế giới đã có một khẩu vị rất xấu về chúng ta. Nhưng đã có một bước ngoặt sau tháng 11 năm ngoái. Thế giới ngày nay có thiện cảm hơn với nước Mỹ và dân Mỹ.”

Thật ra không phải tất cả dân thành phố Chicago đều muốn Thế Vận Hội 2016 được tổ chức tại đây. Theo thăm dò dư luận của nhật báo Chicago Tribune, số người chống đối gần như tương đương với số người ủng hộ việc tổ chức Olympic tại thành phố này. Lý do chính là Chicago cũng đang có nhiều vấn đề về xã hội, kinh tế, và người ta chưa quên những thành phố đã tổ chức Olympic trước đây để rồi hàng chục năm sau vẫn chưa trả hết những món nợ khổng lồ. Vì vậy, có thể thất bại là một điều may mắn cho Chicago và cho nước Mỹ.

Dù sao thì cũng không thể chối cãi việc “đi không về rồi” là một điều xấu cộng thêm vào những yếu tố tạo ra sự mất điểm của TT Obama trong công luận Mỹ nay đã ở dưới tỉ lệ 50% chấp thuận.

Nhưng, đúng một tuần sau vụ bể mặt tại Đan Mạch, TT Obama đang ngủ trong Bạch Cung với những cơn ác mộng, hay đang trằn trọc không chợp mắt được vì sự bế tắc của nhiều chuyện quốc gia đại sự, ông ta đã được thuộc cấp báo tin mừng: Ông Obama đoạt Giải Nobel Hòa Bình 2009! Sau đó, TT Obama thành thật tuyên bố chính ông ta cũng ngạc nhiên và không trông đợi vì cảm thấy chưa xứng đáng.

Chính người được giải mà còn ngạc nhiên thì ai mà không ngạc nhiên? Cả thế giới đều chưng hửng, vì sự thật ông Obama chưa có thành tích gì về xây dựng hòa bình sau 9 tháng làm tổng thống Hoa Kỳ. Tất cả “thành tích” của ông ta chỉ là những bài diễn văn hoa mỹ nói về ước mơ sống chung hòa bình với kẻ thù Hồi giáo cực đoan, về giải trừ vũ khí nguyên tử, trong lúc ngọn lửa chiến tranh vẫn được khủng bố Hồi giáo thổi lên ngày một thệm cao tại Afghanistan, những kho vũ khí nguyên tử trên thế giới vẫn còn nguyên sẵn sàng cho nổ tung quả đất, và trong vài tháng nữa Iran cũng sẽ cho thử bom A, và có thể bất cứ lúc nào phóng vài hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử sang Do Thái để xóa nước láng giềng không đội trời chung này ra khỏi bản đồ thế giới.

Có lẽ Ủy ban Nobel Hòa bình của Na-uy cũng cảm thấy không ổn trong việc trao giải cho Obama nên đã giải thích rằng quyết định của họ là để “khuyến khích” sư tác động của ông ta để cắt giảm vũ khí nguyên tử, giảm bớt căng thẳng với thế giới Hồi giáo và nhấn mạnh đến phương cách ngoại giao và hợp tác hơn là chủ nghĩa đơn phương.

Nghe những lời hay ý đẹp trên đây chắc trùm khủng bố Hồi giáo Osama bin Laden phải lăn ra mà cười trong hang động ở biên giới Pakistan-Afghanistan, và bạo chúa Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng phải đắc ý vuốt râu cười thầm. Có hòa bình hay không là do các hung thần chiến tranh này có ngưng gây máu lửa hay không và nước Mỹ có đủ sức mạnh và ý chí để đương đầu với chúng hay không, chứ không phải “khuyến khích” TT Obama dùng “đường lối ngoại giao” để nói chuyện và “hợp tác” với chúng.

Lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng chiến tranh đã xảy ra khi kẻ gây chiến được “khuyến khích” bởi những đối phương mềm yếu, mơ mộng xây dựng hòa bình bằng cách thỏa mãn những yêu sách ngang ngược của chúng. Đồng thời, lịch sử cũng chứng minh rằng hòa bình chỉ có thể được tái lập sau khi những hung thần chiến tranh bị đánh bại.

Nếu không nhờ nước Mỹ hùng mạnh và hào hùng đã giải cứu Âu Châu trong hai cuộc Thế Chiến và đánh bại Đế quốc đỏ Liên-Sô trong Chiến tranh Lạnh thì ngày nay làm gì có nước Na-uy dân chủ và hòa bình để các ông bà trong Ủy ban Nobel ung dung ngồi trong phòng ốc sang trọng tìm người trao giải và “khuyến khích” tổng thống nước Mỹ giải quyết chiến tranh bằng con đường ngoại giao? Nhưng, người ta sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng 5 thành viên trong Ủy ban Nobel Hòa bình đã được chọn từ quốc hội Na-uy, nơi do cánh tả khuynh loát.

Một trong những người đáng được Âu Châu tri ân và tôn vinh là TT Ronald Reagan, nhưng lại chẳng bao giờ được cái giải gì, và chắc con người lớn ấy cũng chẳng màng đến... ba cái lẻ tẻ gọi là Giải Nobel Hòa bình, vì từ nhiều năm nay cái giải ấy đã mất đi ý nghĩa cao quý khi nó được cánh tả Na-uy ban phát cho những kẻ không xứng đáng.

Có người đã chê TT Obama có vẻ “thua me lại gỡ bài cào”, không dám từ chối cái giải mà chính mình cũng thấy là không xứng đáng, dù cái giải ấy, ngoài tấm bằng hoa hòe hoa sói còn kèm thêm 1.4 triệu đô-la. Lãnh cái giải này TT Obama sẽ mắc một món nợ cả vật chất lẫn tinh thần, sẽ ám ảnh ông ta trong mỗi quyết định quân sự để bảo vệ an ninh nước Mỹ. Nhưng, phải chăng đòi hỏi như thế là quá nhiều với Ông Obama và làm ông ta không còn phải là... Obama?

Một trong những kẻ không xứng đáng khác là Lê Đức Thọ đã được chia cái Giải Nobel Hòa Bình năm 1973 với Henry Kissinger. Đây là một quyết định mù lòa và thiếu đạo đức của Ủy ban Nobel Hòa bình lúc ấy vì Lê Đức Thọ và Kissinger là hai kẻ thừa hành, chỉ làm theo lệnh chủ. Chủ của Kissinger là TT Nixon, chủ của Lê Đức Thọ là Lê Duẩn. Hơn nữa, việc trao Giải Nobel Hòa bình cho hai người đại diện của Hoa Kỳ và CS Bắc Việt tại Hòa đàm Paris mà không đếm xỉa gì đến Việt Nam Cộng Hòa đã bộc lộ cái nhìn sai lầm và thiên vị của người Na-uy về Chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến tranh diễn ra trên lãnh thổ VNCH do CSBV phát động, chính quyền VNCH được hơn 100 quốc gia trên thế giới nhìn nhận và đã chiến đấu tự vệ trong gần 20 năm và năm 1973 đã ký vào bản Hiệp định Paris như một phe lâm chiến. Thế mà Ủy ban Nobel Hòa bình 1973 đã nhắm mắt trước sự kiện đó, làm theo quan điểm của bọn phản chiến phương Tây: Chiến tranh Việt Nam là cuộc tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt! Na-uy đã nhận lãnh cái hậu quả bẽ bàng: Lê Đức Thọ, theo lệnh đảng, đã từ chối cái Giải Nobel Hòa bình “cao quý” trước khi Cộng sản Hà-nội vứt cái gọi là “Hiệp ước Tái lập Hòa bình tại VN” vào sọt rác, xua quân đánh chiếm miền Nam với sự khoanh tay ngồi nhìn của Kissinger và cả thế giới, trong đó có Ủy ban Nobel Hòa bình.

Nay, có lẽ ít người sẽ ngạc nhiên và cười nếu Ủy ban Nobel Hòa bình của Na-uy loan báo quyết định trao giải cho ... Nguyễn Minh Triết hay Nông Đức Mạnh để “khuyến khích” họ tôn trọng nhân quyền của dân Việt Nam.

Sơn Tùng
Tháng 10.200

No comments:

Post a Comment