Sunday, October 4, 2009

Chính Trị Hóa Gia Đình, Một Chính Sách Lớn Của Cộng Sản - Nguyễn Hưng Quốc

Nguyễn Hưng Quốc

Trong bài “Chế độ gia đình trị của cộng sản” tôi đã phân tích một chiến lược cầm quyền và duy trì quyền lực của đảng Cộng sản Việt Nam: Ðó là chiến lược gia đình hoá sinh hoạt chính trị trong phạm vi quốc gia. Lãnh tụ tối cao của đảng và nhà nước là “Cha”, là “Bác” của dân tộc; các lãnh tụ khác, thấp hơn một chút, là “anh” là “chị”. Quan hệ giữa giới lãnh đạo và quần chúng, do đó, là thứ quan hệ gia tộc.

Chiến lược ấy có ưu thế ở chỗ tận dụng được nhiều truyền thống văn hoá của Việt Nam vốn trọng tình gia đình và, một phần do ảnh hưởng của Nho giáo, đề cao chữ hiếu. Nó tỏ ra cực kỳ có hiệu quả trong việc loại trừ ý thức phản kháng và bất phục tùng của cấp dưới. Bất cứ người cấp dưới nào, khi có ý kiến khác với cấp trên, đều ít nhiều mang mặc cảm là mình “hỗn” cho dù về lý, họ hoàn toàn đúng.

Không phải trong lãnh vực chính trị, ngay cả trong lãnh vực xã hội, chiến lược gia đình hoá như vậy cũng có tác dụng triệt tiêu tinh thần dân chủ và ý thức bình đẳng.

Một người bạn của tôi, trong một chuyến về Việt Nam, ghé thăm công ty của một người em trai, nhận ra một thứ quan hệ kỳ lạ trong công ty, một thứ quan hệ mà anh không hề thấy ở Úc.

Người em trai của anh là giám đốc một công ty kỹ thuật lớn ở Sài Gòn. Ðang ngồi nói chuyện với anh một lát, người em sai một nhân viên kỹ thuật đang làm việc gần đó: “Cháu chạy xuống đường mua cho chú hai ly cà phê đi, cháu!”. Cô gái, nghe đâu tốt nghiệp từ ngoại quốc về, vui vẻ chạy đi và lát sau mang về hai ly cà phê. Lát sau, anh giám đốc lại ới một nhân viên kỹ thuật khác: “Em chạy mua cho anh bao thuốc lá nhé!” Và người nhân viên ấy lại chạy đi.

Người bạn của tôi nhận xét: Những chuyện như thể không những không hề có mà cũng không thể tưởng tượng ra được ở Úc. Mà có lẽ ở Úc cũng không có giám đốc nào dám sai nhân viên những chuyện như vậy. Và cũng hiếm có nhân viên, nhất là nhân viên kỹ thuật, nào lại sẵn lòng làm những chuyện như vậy.

Anh và tôi đồng ý với nhau ở điểm này: Nguyên nhân chính của việc sẵn-sàng-sai-bảo và sẵn-sàng-vâng-lời ấy nằm trong cách xưng hô.

Dùng “I” và “you” như trong tiếng Anh hay “Je” và “tu” hay “vous” trong tiếng Pháp, những sự sai bảo kiểu đó rất dễ trở thành một sự xúc phạm. Nhưng khi người ta dùng chữ “chú” / “cháu” hay “anh” / “em” thì vấn đề lại khác. Ðó không còn là sự sai khiến của một người chủ, một cấp chỉ huy mà là sự nhờ vả thân tình của một người anh hay một người chú.

Với tư cách người anh hay chú, vị giám đốc cảm thấy hoàn toàn thanh thản sai khiến em hay cháu. Và với tư cách em hay cháu, các nhân viên cũng thấy bình thường trước những yêu cầu ngoài công việc của anh hay chú của mình.

Một chuyện như thế xảy ra ở một công ty cũng có thể cũng dễ dàng xảy ra ở các công sở thuộc mọi cấp, từ trung ương xuống địa phương.

Trong một không khí sinh hoạt như thế, ý niệm về bình đẳng hay dân chủ khó mà nẩy nở trọn vẹn được.

Có thể đó là điều Hồ Chí Minh và các lãnh tụ khác của cộng sản đã thấy và đã tận dụng để duy trì quyền lực của họ.

Nhưng ngoài chiến lược gia đình hoá chính trị ấy, cộng sản còn có một chiến lược quan trọng khác nữa: chính trị hóa mọi quan hệ gia đình.

Nói cách khác, ở cấp quốc gia, cộng sản biến mọi sinh hoạt chính trị thành thứ quan hệ gia đình; nhưng ở cấp gia đình, cộng sản lại làm mọi cách để chính trị hoá các quan hệ thân tộc, từ quan hệ cha/mẹ-con đến quan hệ vợ – chồng.

Lâu nay, người ta hay dẫn mấy câu thơ của Tố Hữu viết nhân ngày Stalin chết để chế diễu cái họ gọi là thói nịnh bợ của người được gọi là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng tại Việt Nam:
    Stalin!Stalin
    Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
    Ông Stalin bên cạnh nhi đồng
    Áo ông trắng giữa mây hồng
    Mắt ông hiền hậu, miệng ông mỉm cười
    Trên đồng xanh mênh mông
    Ông đứng với em nhỏ
    Cổ em quàng khăn đỏ
    Hướng tương lai
    Hai ông cháu cùng nhìn
    Sta-lin! Sta-lin!
    Yêu biết mấy nghe con tập nói
    Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin!
    Mồm con thơm sữa xinh xinh
    Như con chim của hoà bình trăng trong
    Hôm qua loa gọi ngoài đồng
    Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
    Làng trên xóm dưới xôn xao
    Làm sao, ông đã làm sao, mất rồi!
    Ông Sta-lin ơi! Ông Sta-lin ơi!
    Hỡi ôi Ông mất! Ðất trời có không?
    Thương cha thương mẹ thương chồng
    Thương mình thương một thương Ông thương mười
    Yêu con yêu nước yêu nòi
    Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu
    Ngày xưa khô héo quạnh hiu
    Có người mới có ít nhiều vui tươi
    Ngày xưa đói rách tơi bời
    Có người mới có được nồi cơm no
    Ngày xưa cùm kẹp dày vò
    Có Người mới có tự do tháng ngày
    Ngày mai dân có ruộng cày
    Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai
    Ơn này nhớ để hai vai
    Một vai ơn Bác một vai ơn Người
    Con còn bé dại con ơi
    Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông
    Thương Ông mẹ nguyện trong lòng
    Yêu làng yêu nước yêu chồng yêu con
    Ông dù đã khuất không còn
    Chân Ông còn mãi dấu son trên đường
    Trên đường quê sáng tinh sương
    Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng
    Ngàn tay trắng những băng tang
    Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời.
    (Tố Hữu 1953)
Xin lưu ý là năm 1953, lúc Tố Hữu viết bài thơ trên, ông không phải chỉ là một nhà thơ bình thường như vô số các nhà thơ khác. Mà ông, với tư cách uỷ viên dự khuyết Trung ương đảng, đang đảm trách vai trò lãnh đạo toàn bộ sinh hoạt văn học nghệ thuật và tư tưởng của Việt Nam.

Những câu tán tụng công ơn của Stalin như vậy không phải chỉ là những lời nịnh bợ bình thường mà chắc chắn phải xuất phát từ một chính sách tuyên truyền nhất định.

Chính sách ấy là biến Stalin thành một người Ông, nghĩa là một thành viên trong gia đình. Nhưng đó không phải là một thành viên bình thường. Ðó là người đã ban phát ân huệ cho cả nhân loại, trong đó có Việt Nam, do đó, mọi người cần phải biết ơn, hơn nữa, thương yêu; quan trọng hơn nữa, thương yêu hơn cả đối với những ngượi ruột thịt hay với chính bản thân mình: “Thương cha, thương mẹ, thương chồng / Thương mình thương một, thương Ông thương mười”. Nói cách khác, sau khi đưa Stalin vào quan hệ gia đình, Tố Hữu hạ thấp tất cả các quan hệ cố hữu trong gia đình: mọi thứ tình cảm cha con, mẹ con, vợ chồng đều là thứ yếu so với tình cảm dành cho Stalin, và cùng với Stalin là Hồ Chí Minh: “Một vai ơn Bác, một vai ơn Người”.

Không những xem tình cảm đối với Stalin và Hồ Chí Minh cao hơn tình cảm cha – con, mẹ – con và vợ – chồng, Tố Hữu còn phá vỡ cả quan hệ nam – nữ vốn dựa chủ yếu trên tình yêu cá nhân bằng cách chính trị hoá nó.

Trong bài Bài ca mùa xuân 1961, Tố Hữu viết:
    Như buổi đầu hò hẹn, say mê
    Anh nắm tay em, sôi nổi, vụng về
    Mà nói vậy: “Trái tim anh đó
    Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ
    Anh dành riêng cho đảng phần nhiều
    Phần cho thơ và phần để em yêu”.
    Em xấu hổ: “Thế cũng nhiều, anh nhỉ?”
    Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí.
Ðoạn thơ trên bị nhiều người giễu cợt. Tuy nhiên không nên vì giễu cợt mà quên đi hậu ý của Tố Hữu, vị trưởng Ban Tuyên huấn của đảng Cộng sản.

Ðại ý của bài thơ là: Trái tim Tố Hữu chia làm ba ngăn: ngăn lớn nhất dành cho đảng cộng sản, hai ngăn nhỏ còn lại chia đều cho thơ và cho người tình.

Thì cũng được. Thật ra, đó cũng là điều khá bình thường ở những người đang theo đuổi một lý tưởng lớn nào đó. Cái bất bình thường ở đây là: sự khác nhau giữa các ngăn không phải chỉ ở thể tích mà còn ở quan hệ.

Nói một cách tóm tắt, cái ngăn nhỏ trong trái tim ấy chỉ dành cho em với một điều kiện: em cũng phải là người trong đảng. Ðó là ý nghĩa của câu cuối: Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí. Câu thơ chín chữ, thừa bốn chữ: hai người đồng chí. Giả dụ trong thơ tình bình thường, người ta chỉ cần viết: Rồi hai đứa hôn nhau. Ðã quá đủ. Thêm “hai người đồng chí” không có ý nghĩa nào khác ngoài ý đồ làm mờ bớt màu sắc của nụ hôn, đặt ra những giới hạn cho nụ hôn.

Ðó là nụ hôn của tình đồng chí trước khi là của tình yêu trai gái.

Nói cách khác, “anh” chỉ hôn “em” nếu em là “đồng chí” của anh. Còn tình đồng chí ấy thì còn tình yêu. Mất tình đồng chí, tình yêu cũng mất. Nếu có sự mâu thuẫn giữa tình đồng chí và tình yêu, ưu tiên lựa chọn là tình đồng chí chứ không phải là tình yêu.

Xin lưu ý là, với tư cách lãnh đạo tư tưởng của đảng, quan điểm của Tố Hữu cũng đồng thời là quan điểm chính thống của đảng. Bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả những người cảm bút khác đều răm rắp đi theo ông.

Trong bài Núi đôi, Vũ Cao cũng có cái nhìn tương tự. Bài thơ, được sáng tác năm 1956, kể lại một mối tình trong chiến tranh chống Pháp với một kết thúc bi thảm: người con gái hy sinh. Người con trai còn sống, nghe tin, bàng hoàng, đau đớn cực độ:
    Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng núi
    Núi vẫn đôi mà anh mất em.
Thế nhưng, nỗi đau riêng tư ấy nhanh chóng bị mờ đi trước những thắng lợi rực rỡ của cách mạng:
    Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc
    Làng ta rồi sẽ đẹp bao nhiêu.
Chỉ còn, ở người con trai, một nỗi nhớ:
    Nhớ nhau, anh gọi: em, đồng chí
    Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.
Quan trọng nhất là câu áp chót ở trên. “Nhớ nhau, anh gọi: em, đồng chí”. Em không còn là em. Em chỉ là một người đồng chí. Chỉ là một trong muôn vàn những đồng chí. “Một tấm lòng trong vạn tầm lòng”. Nghe bất nhẫn? Nhưng đó là ý đồ của đảng cộng sản.

Trong bài “Không nói”, Nguyễn Ðình Thi cũng viết:
    Dừng chân trong mưa bay
    Liếp nhà ai ánh lửa
    Yên lặng đứng trước sau
    Em em nhìn đi đâu
    Em sao em không nói
    Mưa rơi ướt mái đầu
    Mỗi đứa một khăn gói
    Ngày nào lần gặp sau
    Ngập ngừng không dám hỏi
    Chuyến này chắc lại lâu
    Chiều mờ gió hút
    Nào đồng chí – bắt tay
    Em
    Bóng nhỏ
    Ðường lầy.
Bài thơ này được Nguyễn Ðình Thi sáng tác năm 1948. Sau này, trong Thơ, tác phẩm chọn lọc, xuất bản năm 1994, ông sửa lại, ngắn hơn:
    Dừng chân trong mưa bay
    Ướt đầm mái tóc
    Em em nhìn đi dâu
    Môi em đôi mắt
    Nhìn em nữa
    Phút giây
    Chiều mờ gió hút
    Em
    Bóng nhỏ
    Ðường lầy
Trong bản mới, chữ “đồng chí” biến mất.

Nhưng ảnh hưởng tai hạn của việc chính trị hoá tình cảm gia đình, trong đó có tình cảm nam nữ và tình cảm vợ chồng có thể dễ dàng biến mất?

Người ta không thể không nhớ đến những cảnh con cái tố bố mẹ hay vợ chồng tố cáo lẫn nhau ở miền Bắc, nhất là thời cải cách ruộng đất vào giữa thập niên 1950.

Tôi nghĩ việc tìm hiểu các di hại của âm mưu chính trị hoá gia đình có thể là một đề tài cực hay cho giới nghiên cứu.

Bạn nghĩ sao?

Nguyễn Hưng Quốc, Australia 2-10-2009

No comments:

Post a Comment