Tuesday, March 24, 2009

Trao đổi ngỏ gửi Ông Dương Trung Quốc - Phạm Hồng Sơn

Trao đổi ngỏ gửi Ông Dương Trung Quốc, tác giả bài viết «Những người đi theo cách mạng ».

Phạm Hồng Sơn

Kính gửi Ông Dương Trung Quốc,

Vừa rồi tôi có đọc bài viết «Những người đi theo cách mạng » của ông đăng trên Lao Động cuối tuần số 12 năm 2009. Tôi xin được trao đổi với ông một số chi tiết sau:

1. Ông có viết: «Lịch sử hiện đại nước ta luôn được quan niệm là lịch sử cách mạng. Vì xuyên suốt thế kỷ XX vừa qua là cả một trường kỳ, một chuyển đổi chính trị to lớn làm thay đổi một cách căn bản diện mạo của đất nước từ xã hội truyền thống sang hiện đại, từ khép kín trong thế giới Trung Hoa sang đối chọi với chủ nghĩa thực dân phương Tây, rồi hội nhập với những trào lưu chính trị thế giới và cuối cùng là xây dựng một thể chế cộng hòa, xác lập nền độc lập và thống nhất quốc gia bằng cách mạng và chiến tranh cách mạng...Cách mạng Tháng Tám 1945 hiện diện trong lịch sử dân tộc như một cái mốc quyết định của sự chuyển đổi, như một cái bản lề mở ra một cánh cửa mới, như một động thái « bẻ ghi » hướng con tàu của đất nước sang một hướng đi hoàn toàn khác trước. Cuộc cách mạng ấy không chỉ gạt bỏ cái ách thống trị của ngoại bang, giành độc lập như tổ tiên đã từng làm trong lịch sử, mà quan trọng hơn hết là nó đã chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ đã tồn tại cả ngàn năm, mở ra một sự lựa chọn mới cho dân tộc trên nền tảng của một thể chế Dân chủ-Cộng hòa. » (tôi xin nhấn mạnh bằng những chữ in đậm)

- Tôi không nghĩ cái « xã hội hiện đại » được xây dựng sau Cách mạng Tháng Tám 1945 là đáng ca ngợi hơn cái « xã hội truyền thống » của ông cha ta trước đây. Chỉ căn cứ vào một tiêu chí có tính nền tảng của mọi xã hội là tính trung thực, thì cái « xã hội hiện đại » đó đã không vượt qua được cái « xã hội truyền thống » trước đó. Vì nếu như trong « xã hội truyền thống » trước đó, các thư lại, quan quân của triều đình phải phục tùng vua một cách tuyệt đối thì trong cái « xã hội hiện đại » sau năm 1945 đó, các cán bộ nhà nước cũng phải phục tùng tuyệt đối mọi chỉ đạo của Đảng (Lao động hay Cộng sản Việt Nam). Và trong « xã hội truyền thống » trước đó, sự tiết tháo giữ gìn liêm sỉ của các công chức nhà nước (nói theo ngôn ngữ hiện đại ngày nay) trước sự hách dịch, suy đồi, hủ bại của kẻ có quyền vẫn còn là một truyền thống. Cuộc sống phú quí thì con người ở thời nào cũng muốn, nhưng trong « xã hội truyền thống » vẫn có nhiều công chức sẵn sàng dứt bỏ phú quí, rũ áo từ quan chịu cảnh nghèo hèn để giữ lấy liêm sỉ như Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Khuyến,... hay giữ thái độ cương trực của kẻ sĩ như Lê Sĩ Nghị, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Hữu Huân,...Thử hỏi hệ thống cầm quyền trong cái « xã hội hiện đại » sau năm 1945 của chúng ta có liệu có ít sai lầm, hách dịch hay độc đoán hơn triều đình trước năm 1945 không và cái « xã hội hội hiện đại » đó đã có được bao nhiêu công chức nhà nước tiết tháo như trong «xã hội truyền thống » vừa kể ? Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, người trí thức phải than thở rằng « bệnh giả dối đang trở thành thành nỗi nhục lớn » (lời của một giáo sư khả kính đương thời) của xã hội Việt Nam như ngày hôm nay (sự tiếp nối của cái « xã hội hiện đại » sau năm 1945 như ông viết). Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là cái xã hội sau năm 1945 không có những tiến bộ so với xã hội trước đó, nhưng có thể khẳng định rằng một nền tảng quan trọng cho sự tiến bộ của xã hội đã bị hủy hoại đi sau năm 1945.

- Tôi không nghĩ là sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước ta đã xây dựng được một « thể chế cộng hòa » ( ở đây xin tạm chưa nói tới chính thể Việt Nam Cộng Hòa tại miền nam trước 1975). Theo các lý thuyết chính trị hiện đại, định nghĩa tối giản của một chính thể Cộng hòa có thể khái quát là một chính thể trong đó quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, được thực thi thông qua các đại diện do nhân nhân bầu chọn. Dựa trên định nghĩa này ta sẽ thấy chính thể của Việt Nam chúng ta tại miền bắc từ năm 1954 – 1975 và trên toàn Việt Nam từ 1975 cho đến nay (thời kỳ chính quyền 1946-1954 là thời kỳ kháng chiến, xin được không xét ở đây) không thể gọi được là chính thể cộng hòa theo đúng bản chất chính trị. Chỉ cần xét trên cách tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội từ năm 1954 cho đến nay và xét thực quyền của những người đại diện do dân trực tiếp bầu ra (đại biểu quốc hội) có thể thấy rõ hệ thống quyền lực công tồn tại từ năm 1954 cho đến nay không phải do người dân quyết định. Và quyền lực hình thức của đại biểu quốc hội Việt Nam đã bị coi thường đến mức nào thì tôi xin không dám lạm bàn vì chính quí ông là người đang trải nghiệm.

- Về vấn đề độc lập: cái chính thể của chúng ta vừa nhắc tới, tôi cũng không nghĩ, là đã thoát được sự khống chế, ràng buộc với « thế giới Trung Hoa ». Trường lịch sử của Việt Nam chúng ta luôn ghi đậm nét ảnh hưởng và đã nhiều lần bị mất độc lập bởi « Thế giới Trung Hoa », nhưng có lẽ chưa có một chính thể nào tại Việt Nam lại phải thuần phục đến mức áp dụng những tư vấn tai họa từ người Trung Hoa như «cải cách ruộng đất », phải chịu sự áp đặt của Trung Hoa trong hiệp định Geneve như chính thể sau năm 1945 trên miền Bắc Việt Nam. Và chả nhẽ thái độ của chính quyền hiện nay về các vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Hiệp định biên giới Việt-Trung, dự án khai thác Bauxit tại Tây Nguyên lại chứng tỏ chính thể Việt Nam hiện nay đã có tinh thần độc lập, thoát khỏi sự khống chế, điều khiển của « Thế giới Trung Hoa » ? Trong khi đó nhiều quốc gia tương tự với Việt Nam không những đã thoát hoàn toàn khỏi sự khống chế của «Thế giới Trung Hoa » mà còn vượt lên đi trước cả « Thế giới Trung Hoa » như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.

2. Trong bài ông có viết : «...công dân Vĩnh Thụy chỉ «đi theo cách mạng» một thời gian ngắn sau đó lại sa vào vũng bùn phản bội và nhận cái kết cục bi thảm của một cựu hoàng bị phế truất phải lưu vong (tôi xin nhấn mạnh bằng những chữ in đậm)

- Thưa ông Dương Trung Quốc, ca ngợi hay không ca ngợi một chế độ là quyền của mỗi con người, cũng như việc có tán thành hay không một cải biến xã hội (cách mạng) cũng là quyền của mỗi con người. Theo tôi, chúng ta không nên và không có quyền kết tội những người khác chỉ vì họ có quan điểm khác mình. Nhất là trong giai đoạn hiện nay việc đánh giá cuộc Cách mạng Tháng Tám vẫn là một việc khó khách quan. Theo tôi, có thể công dân Vĩnh Thụy không quá say mê đi theo « cách mạng » như những công dân khác, nhưng không thể viết là ông «lại sa vào vũng bùn phản bội ». Trong khi khả năng nhận thức lại và quyết định lại là một trong những đặc tính quan trọng của động vật có tư duy (nhiều nghiên cứu hiện nay cho thấy có lẽ không chỉ là đặc tính duy nhất có ở loài người). Những người đã bị công dân Vĩnh Thụy từ chối tiếp tục hợp tác có thể dùng từ « phản bội » để chỉ trích ông theo lối thóa mạ. Nhưng đối với người nghiên cứu lịch sử một cách khách quan thì không thể dùng thứ ngôn ngữ đó. Phẩm chất tối thiểu của một công dân yêu nước, theo tôi, là cần phải dứt bỏ mọi cam kết, ràng buộc và cả những tuyên thệ nếu những cam kết, ràng buộc, tuyên thệ đó trở nên (hoặc được phát hiện là) nguy hại cho lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, đất nước. Tôi chưa thấy một nhà sử học nào chứng minh được công dân Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại) đã phản bội đất nước, nhưng điều chắc chắn là lịch sử sẽ không thể ghi tên công dân Vĩnh Thụy vào danh sách những người có trách nhiệm trong những thảm họa đối với dân tộc như « Cải cách ruộng đất », vụ án «Nhân văn giai phẩm », vụ án « Xét lại chống đảng », « Công hàm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Hoa », « Cải tạo công thương nghiệp », v.v.Và trong tình hình đất nước hiện nay, vấn đề ai đang phản bội lại đất nước, ai đang đi ngược lại quyền lợi của nhân dân cũng đang được xã hội bàn luận gay gắt, trong đó có rất nhiều người đã đi trọn cuộc « cách mạng » năm 1945 đó. Và tôi thiển nghĩ, một người « chép sử » chỉ có thể chép lại đúng lời phán xét của nhân dân đương thời nếu thoát được bàn tay của người cầm quyền nhất thời, thưa ông.

- Đúng là chả có gì vinh quang khi một ông vua cuối cùng của một đất nước lại phải từ giã cuộc đời nơi đất khách quê người. Nhưng không thể lấy sự « lưu vong » để hạ phẩm giá một con người, nhất là khi người đó đã không còn khả năng lên tiếng. Theo tôi, tư cách, trách nhiệm của công dân Vĩnh Thụy hay của ông Vua Bảo Đại có nhiều điều đáng bàn. Nhưng với tư cách là người hậu thế, chúng ta không nên soi xét lịch sử bằng phương pháp « hạ gục » nhân vật lịch sử này để tô điểm cho nhân vật lịch sử khác. Nói như thế không có nghĩa là tôi ca ngợi hoàn toàn công dân Vĩnh Thụy. Cũng như, theo tôi, những người chuyên viết bài để ca tụng chế độ chính trị hiện nay không có nghĩa là họ đã hoàn toàn tán đồng với chế độ này.

Thưa ông Dương Trung Quốc, đó là mấy lời trao đổi xin được trân trọng gửi tới ông. Vì ngôn từ có thể còn sự thô kệch, rất mong được ông lượng thứ và chỉ bảo.

Trân trọng,

Phạm Hồng Sơn
Nhà 21 Ngõ 72 B – Thụy Khuê – Hà Nội.


No comments:

Post a Comment