Wednesday, March 11, 2009

CHUYỆN TỪ TRONG HỌ RA NGOÀI LÀNG - Phạm Đình Thừa

Phạm Đình Thừa -
(Trích đăng từ Nguyệt San Con Ong Việt số 102, tháng3,2009)





Họ đây là họ Cùi, danh từ mà một vị Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN) trìu mến gọi các sinh viên sĩ quan (SVSQ) đang thụ huấn. Danh từ “Cùi” khởi đi từ Khóa 16 Võ Bị và một cách bất thành văn, tiếng “cùi” đã trở thành ngôn ngữ truyền thống của trường cùng với các danh xưng Niên trưởng, Đàn Em. (Khác với Huynh trưởng và Niên đệ của Trường Võ Khoa Thủ Đức). Từ một thư sinh với mái tóc bồng “theo chiều gió”, bỗng một phút bị húi đi nhẵn bóng như các vị sư khổ hạnh, túi hành trang dân sự (trong đó chứa đầy dấu tích mộng mơ của tuổi mới lớn) đành gửi lại trước cổng trường. Nhìn nhau – đúng là một bọn cùi hủi! Với bên ngoài, danh từ khiêm tốn này có vẻ kỳ quặc để chỉ người SVSQ, nhưng với những ai xuất thân từ TVBQGVN, nó đã trở thành dấu yêu để gọi nhau khi gặp lại, để nhận diện nhau trên chiến địa, trong trại tù cộng sản. Bởi vì, danh từ ngắn gọn kia là biểu tượng của một kết tinh bất hoại cái lý tưởng đầu đời cưu mang từ trường Mẹ: LÝ TƯỞNG PHỤC VỤ QUỐC GIA và DÂN TỘC. Người SVSQ vẫn giữ vẹn cho đến lúc tàn hơi gục ngã (“Chí tuy còn mong tiến bước, nhưng sức không kham nổi đoạn đường”) và “Cùi”, một cách bất quy ước, đã trở thành họ thứ hai bên cạnh cái họ gia tộc. Khi kiếm cung, súng đạn không còn cầm tay, trong cảnh đời lưu vong tỵ nạn, những người cựu SVSQ/TVBQGVN đã cố gắng tìm đến với nhau, họp đoàn bảo vệ lý tưởng xưa, truyền thống cũ và một tổ chức được chào đời tại hải ngoại, Tổng Hội Cựu SVSQ/TVBQGVN. Đặc san Đa Hiệu (tờ báo từ trường Mẹ) được qui định như một cơ quan ngôn luận chính thức của tập thể cựu SVSQ/TVBQGVN.

Tôi cũng được hân hạnh mang họ “Cùi” (cùi hủi là đằng khác!) và vì vậy, hôm nay, viết bài này, một cách chính danh, với tên cúng cơm do cha mẹ đặt cho mà không dùng bút hiệu. Tôi muốn góp ý và đưa ra nhận xét, phán đoán cá nhân, bởi vì gần đây, dầu muốn hay không, chuyện trong họ Cùi đã được một số vị “ngoài làng” (tôi quen, tôi biết) đem ra làm phiền tôi không ít! Đó là chuyện đặc san Đa Hiệu số 85 Xuân Đinh Sửu. Câu hỏi:

- “Sao đặc san Đa Hiệu của trường cậu lại đăng bài ca tụng thằng Hồ Chí Minh?”.
Đầu tiên, tôi đã lên tiếng át giọng người hỏi:
- “Ông muốn chửi cha tôi thì ông cứ chửi nhưng xin đừng xuyên tạc, bạn già!”.
Một đám lao nhao:
- “Chắc ông không đọc báo trường ông hả? Cứ về lật Đa Hiệu số Xuân ra, trang ... thì biết ngay là tụi này có xuyên tạc, bôi bác hay không.”.

Quả vậy, từ lâu tôi ít đọc sách, đọc báo (nhất là báo Xuân), một phần vì nó quá dày, phần khác vì chuyện áo cơm chiếm một khoảng thời gian thật dài trong sinh hoạt hằng ngày. Mờ sáng ra đi, tối mịt trở về, trong công việc bán tim óc để nuôi xác thân. Có ai đó đã thơ thẩn:

- “Áo cơm tưởng nhẹ mà không nhẹ!”.

Đúng quá! nếu “nhẹ” thì đã không có kẻ bán cả thể xác lẫn linh hồn cho quỷ. May cho tôi, trời còn độ mạng Cùi nên tôi chỉ bán mớ kiến thức thu thập được lúc trẻ để kiếm cơm nuôi cái xác thân còm cõi chờ ngày lãnh sự vụ lệnh về trình diện Quân khu IX.
Cũng may, từ khi anh Đinh văn Nguyên Khóa 20 đảm nhận vai trò Tổng Hội Trưởng cho đến khi anh vĩnh viễn ra đi và sau này nữa, tôi nhận được đặc san Đa Hiệu (ĐH) có vẻ thường xuyên, có cả số ĐH 85. Trước khi dò tìm trang báo, tôi lật bìa trước, bìa sau để xem và những dòng chữ trên bìa sau quảng cáo cho chủ đề số kế tiếp 86 đã làm tôi thất vọng!

Bìa trước với những dòng chữ:

ĐA HIỆU
CƠ QUAN NGÔN LUẬN CỦA TỔNG HỘI CỰU SINH VIÊN SĨ QUAN TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA VIỆT NAM

Bìa sau, quảng cáo cho chủ đề số kế tiếp ĐH 86:
“Chủ Đề Đa Hiệu 86:
LÝ TƯỞNG TRƯỜNG VÕ BỊ ĐÀ LẠT
Đất trời đâu có chi còn mất
Đời lên lại mãi tựa bình minh”

Tên của trường đã tiền hậu bất nhất chỉ trong cái lật từ trước ra sau! Đành rằng dân chúng bên ngoài và ngay cả anh em cựu SVSQ đôi khi cũng nôm na gọi tên Trường VBQGVN là Trường Đà Lạt, nhưng lỗi lầm nhỏ nhặt này lẽ ra không nên phạm phải đối với một cơ quan ngôn luận có tầm vóc. Ngoài ra, Lý Tưởng là một tiêu đề quan trọng và tế nhị, hai câu thơ (hay văn?) đi kèm chẳng những không nói lên được cái lý tưởng truyền chuyển từ Khóa này đến Khóa khác mà có thể gây điều ngộ nhận không cần thiết.

Tôi bắt đầu lật từng trang báo dò tìm số trang ... Đây rồi, trang 48, bài viết mang tựa NHỮNG CHUYỆN DỐI TRÁ TRONG XÃ HỘI CỘNG SẢN (NCDTTXHCS) của tác giả Võ Biền K24. Bài viết dài 21 trang (từ trang 48 đến 68) với phần mở đầu nói lên “thiện ý” của tác giả, muốn độc giả có vài nụ cười đón Xuân, vì theo tác giả “Những vị đốc tơ trên thế giới ngày nay đều công nhận “Cười” là thang thuốc bổ không tốn tiền của loài người, nên để quý độc giả thiết thực giữ được sức khỏe dồi dào, Biền mỗ cũng xin nhân dịp đầu năm kể một vài câu chuyện khôi hài làm quà đầu năm.”. (Trích nguyên văn không thiếu một dấu phẩy, ĐH 85, trang 49, đoạn mở đầu, và xin không bình phẩm).

Chuyện chọc cười đầu tiên là trò dối trá ghép hình Kim Jung IL của bọn gia nô Bắc Hàn để chứng tỏ “ngài” lãnh tụ vẫn còn xí quách, được báo chí nước Anh phanh phui - Cũng xin được miễn bàn. Chuyện chọc cười thứ hai cũng là đầu mối tranh cãi và là vấn nạn cho chính tôi với câu hỏi của những người đã đặt ra. Hãy đọc phần mở màn cho “chuyện cười” thứ hai này do tác giả Võ Biền K24 viết ra, vì theo tôi, đây là căn nguyên cội nguồn của một âm mưu: đưa hình ảnh già Hồ với hào quang bao quanh hầu đánh lừa một số người nhẹ dạ, chưa hiểu rõ về cộng sản:

- “Mới đây nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh tại Hà nội có viết một quyển hồi ký như nhà văn Nguyễn Khải. Có lẽ ông định bắt chước ông bạn văn Nguyễn Khải “để dành khi đến lúc ‘ra đi’ khỏi cái thiên đường xã hội chủ nghĩa” thì nhắn cho con cháu đưa ra cho người dân Việt có được tài liệu về cộng sản Việt Nam mà các “đồng chí” của ông đã giấu kỹ. Không hiểu sao bản thảo của quyển hồi ký này được đưa lên mạng và truyền đi khắp nơi khi ông vẫn còn sống nhăn răng trên cái “thiên đàng” này. Sợ đang sống ở “thiên đường giả” mà bỗng chốc “đi tàu bay suốt” về “địa ngục thật” khi ông liên tưởng đến những vụ thủ tiêu các nhà văn hay nhà viết kịch chống chế độ, ông bèn chối béng là có ai đó đã phổ biến những trang hồi ký này lên mạng internet mà không đợi ông “đi vào cõi thiên thu” trước đã.
Thế thì trong quyển hồi ký này ông đã nói lên những sự thật gì?

Ta hãy đọc một chương mà nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh, một nhà văn sống gần ông Hồ khi còn sinh tiền, đã nói về cuộc đời thật của ông Hồ Chí Minh để so sánh với những lời tuyên truyền dối trá của đảng Cộng sản Việt Nam khi họ cố đưa lãnh tụ Hồ Chí Minh của đảng này lên hàng thánh sống.”. (Trích nguyên văn, cột 2 trang 52 đến cột đầu trang 53 – và cũng xin được miễn lạm bàn về cú pháp).

Không biết các chương khác của quyển hồi ký này thế nào, chứ một chương do Võ Biền K24 trích đăng, khi đọc xong, theo nhận xét của người viết bài này, Nguyễn Đăng Mạnh là loại văn nô ngoại hạng! Ngoại hạng vì trước (và có thể sau) Nguyễn Đăng Mạnh (NĐM) không có tài liệu nào của “đảng ta” đưa ra mà cường độ đánh bóng Hồ Chí Minh dữ dội bằng một chương được trích dẫn trong ĐH 85. Phải nói rằng NĐM đã phủ một vòng hào quang chói lọi quanh cuộc đời Hồ Chí Minh (HCM). Tôi không hiểu, Võ Biền lấy tài liệu ở đâu để cho rằng NĐM là “một nhà văn sống gần ông Hồ” vì đọc những dòng hồi ký được trích, tên này tự thú chỉ có hai lần “thấy” HCM. Lần đầu tiên tại Bắc Ninh, ở vai trò học sinh đứng làm cảnh từ xa, đón “bác”. Thế nhưng, “bác” chỉ “đứng lại một lát, liếc nhìn chung quanh một chút, mặt đầy cảnh giác, rồi ông đi rất nhanh vào phòng thông tin”. Thái độ và hành động này được NĐM biện hộ:

- “bác” chạy nhanh vì quá rét với nguồn tin Việt Nam Quốc Dân Đảng đang hoạt động mạnh trong vùng! (ĐH 85 trang 53). Lần thứ hai tại Vinh là cuộc nói chuyện với đồng bào của HCM và theo NĐM, mặc dầu “không hề tỏ ra là người hùng biện” và “nói chậm, ngắn, không lưu loát”, khi nói hớ hay có cử chỉ thô bỉ (tự giơ tay hoan hô chính mình) thì HCM mau chóng đánh trống lảng sang đề tài khác. Đây là sự đánh bóng tuyệt hảo để nói lên rằng cáo Hồ là người của quần chúng, không mầu mè, mê hoặc, đôi khi cũng nhầm lẫn một cách “đáng yêu!” Ngoài hai lần được “thấy” và kể lại, kỳ dư, tài liệu viết về Hồ đều tham khảo từ những tên cáo già như Hoàng văn Hoan, Lê Quang Ba, Diệp Minh Châu, Vũ Kỳ. Những tên này dầu có biết được sự thật về cuộc đời HCM chăng nữa, bố bảo cũng không dám hé răng, ngoại trừ những chuyện vinh danh “bác”. Thêm vào đó, tài liệu tham khảo của NĐM còn lấy từ Nhật Ký Trong Tù và Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện của chính tác giả HCM! Cái điêu ngoa của NĐM là trình bày lại một vài sự kiện tàn ác của Hồ như câu chuyện “chơi hoa rồi lại bẻ cành bán cho Trần Quốc Hoàn” mà cả làng, cả nước, cả thế giới đều biết như việc thủ tiêu Nông thị Xuân và 3 người em gái họ để chứng tỏ mình viết lên sự thật. Như vậy, cái gọi là hồi ký NĐM có phản ảnh trung thực cuộc đời HCM chăng? Nếu không vậy, việc đưa tập hồi ký NĐM lên mạng lưới toàn cầu là một âm mưu lừa đảo, một trò tiểu xảo xưa như trái đất mà những con cáo lão thành trong ngành tuyên vận cộng sản đem ra áp dụng với hy vọng đánh lừa người nhẹ dạ, ngây thơ. Số người này sẽ trở thành những chiếc loa thổi cho tập hồi ký được bay xa và lan rộng! Nếu nó thật sự phản ảnh về cuộc đời của con qủy họ Hồ với hai bàn tay vấy đầy máu đồng loại, thủ tiêu những nhà cách mạng chân chính, với những màn hiếp dâm thanh nữ thì NĐM dầu có “chối béng” (như Võ Biền cho biết) cũng không thể nào tránh khỏi tội “tru di tam tộc”. Bởi vì, chỉ dịch một bài viết nhân quyền mà phải lãnh án tù mục xác, thì việc đụng chạm đến “thần tượng” của “đảng ta”, xử tử vẫn được xem là còn quá nhẹ đối với người cộng sản Việt Nam!

Để kết thúc nhận xét về hồi ký NĐM, xin tóm lược một đoạn nói lên trò biện hộ lố lăng đối với thái độ dâm đãng của “bác”. Năm 1965, có hai nữ dân quân Nam Ngạn, Hàm Rồng đạt thành tích “xịt” máy bay Mỹ, được tuyên dương, Ngô Thị Tuyến và Nguyễn Thị Hằng. Theo NĐM, Nguyễn thị Hằng “là một cô gái quê mà rất trắng trẻo, cao ráo”, chính vì vậy mới được triệu ra Bắc. Và dĩ nhiên, vưu vật như vậy phải được đưa đi trình diện “bác” ngay. Khi gặp em, “bác” chẳng hỏi han gì về thành tích “xịt” máy bay Mỹ của dân quân Hằng mà “Câu đầu tiên của vị Chủ tịch nước là: “Cháu có buồn đi tiểu, bác chỉ chỗ cho mà đi.”. (Trích ĐH 85, trang 60). Đọc đến đây thì ai cũng thấy được cái bản chất dê xồm và già dịch của con quỷ dâm dục họ Hồ; thế nhưng, NĐM lại bào chữa và cho đó là thái độ chăm lo, săn sóc của “bác”:

- “Ông Hồ một mặt yêu nhân loại rộng lớn, mặt khác, quan tâm rất cụ thể thiết thực đến những con người cụ thể quanh mình.” (ĐH 85, trang 60).

Tôi thì không có cái nhận xét “siêu việt” đầy chất “đỉnh cao trí tuệ” này như NĐM nhưng nhìn sự việc trên bình diện thực tế. Đây là một tác động tâm-sinh-lý. Khi nhìn thấy mặt “bác”, cô dân quân Hằng lại cứ tưởng là máy bay “lên thẳng” của Mỹ nên có thể cô đã quá “cảm động” đến nỗi muốn “són” ra quần, định “xịt” ngay vào mặt “Chủ tịch nước”. Là người kinh nghiệm đầy mình trên hành trình “cách miệng”, bôn ba tìm của lạ, nhìn mặt em Hằng là “bác” biết ngay em đang ở giai đoạn nào! Vì vậy, mới gặp, “bác” đã vội vàng tình nguyện dẫn đường cho em vào nhà tiểu! Kinh nghiệm lâu ngày biến thành tập quán trên con đường “Chủ tịch nước” đi gieo tóc tang cho những mảnh đời trinh nữ Việt! Đội đít lãnh tụ “tầm cỡ” này thì Tố Hữu có đạp mồ sống lại cũng phải chào thua mà chết trở lại, sau khi thốt lên lời tự thán: Trời đã sinh Hữu sao còn sinh Mạnh!.

Tác giả Võ Biền K24 cũng có ý định so sánh sự dối trá tuyên truyền từ trước đến nay của tập đoàn cộng sản Việt Nam về cuộc đời thần tượng HCM của chúng với “sự thật” trong hồi ký NĐM. Tuy nhiên, sự so sánh này đã không xảy ra trong bài viết. Phải chăng sự dối trá của hồi ký NĐM đã chiếm quán quân, vượt trên tất cả mọi tài liệu dối trá mà đảng CSVN đang có và điều này đã khiến độc giả chúng ta không đọc được sự so sánh của tác giả Võ Biền? Công trình dàn dựng để đưa hồi ký NĐM ra khắp thế giới qua mạng lưới điện toán của hệ thống tuyên truyền CSVN đã thất bại ê chề. Đã không có một cơ quan truyền thông nào của người Việt hải ngoại mắc mưu cáo vì chưa có ai, chưa một tờ báo nào sao chép, trích lại và phổ biến - chỉ có tác giả Võ Biền K24 và Đa Hiệu 85, đáng buồn thay! Đúng như ngôn ngữ anh Võ Biền K24: chuyện cười... ra nước mắt (ĐH 85, đầu trang 52).

Trở lại cái vấn nạn cho cá nhân tôi về câu hỏi đặt ra của vài người tôi quen, tôi biết – xin được nói lên lời tạ lỗi vì thái độ thiếu cẩn trọng trong câu chuyện đối đáp ban đầu. Riêng trong nội bộ Võ Bị, hai anh Chủ nhiệm Đa Hiệu, anh Tổng Hội Phó đặc trách truyền thông, chắc chắn các anh đã đọc, đã thấy, và đã hiểu bài viết của tác giả Võ Biền K24 như cá nhân tôi, được trình bày ở phần trên. Các anh đã nhận lãnh trách nhiệm về việc “vi phạm một sai lầm lớn lao” và ngỏ lời từ nhiệm trong một điện thư phổ biến trên mạng lưới Tổng hội. Cũng trong điện thư này, tôi được biết ĐH 85 đã được chuyển đi rộng rãi đến cá nhân, đoàn thể, tổ chức bên ngoài Võ Bị. Tôi xin được nói lên lời hoan hô tinh thần trách nhiệm của quý anh. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của vài năm ra đời trước các anh, tôi nhận thấy đoạn điện thư sau đây chẳng những không giải quyết được thực trạng gây phiền nhiễu trước mắt mà còn có thể tạo nhiều tranh cãi đưa đến lũng đoạn:

- “Việc tranh nhau từ nhiệm trong biến cố này hoàn toàn không phải vì lòng phục vụ Trường Mẹ của chúng tôi đã khô cạn, không phải vì thân xác, sức khoẻ chúng tôi đã mỏi mệt trước những chuỗi sinh hoạt dồn dập trong việc phục vụ cộng đồng người Việt hải ngoại, phục vụ Quê hương và Tổ Quốc Việt Nam, lại càng không phải chí vẫn còn nhưng lòng nản, trước những ngọn giáo vô tình đôi khi làm đau xót con tim những kẻ đang dấn thân làm việc cho tập thể, những ngọn giáo được phóng ra, không phải từ phía địch quân cộng sản mà từ một hướng vu vơ nào đó, đôi khi ngay chính trong nội bộ chúng ta.”. (Trích Điện thư vobivietnam@yahơgroups.com, Mimosa Dalat alphamimosa@...)



Tập cận chiến
Tân Sĩ Quan K 19

Một tác phẩm đưa ra trình làng là mặc nhiên trở thành nàng dâu trăm họ. Khen chê, bình phẩm là cái quyền của người đọc. Là cha đẻ của một đứa con tinh thần, dĩ nhiên, ai cũng đều mong ước đón nhận nhiều lời khen hơn tiếng chê, nhưng họ cũng hiểu được rằng không kỳ vọng gì bắt gặp được một vườn hoa lý tưởng đầy hoa Hồng ngát hương. Chỉ có một nơi tạo ra được khu vườn toàn một giống hoa đua nở – hoa cứt lợn. Nơi ấy là khu vườn văn hóa cộng sản. Anh đã phán xét đúng “không phải từ phía địch quân cộng sản”; bởi vì, sự phổ biến hồi ký NĐM từ tác giả Võ Biền K24 là điều mà CSVN mong ước, nhất là trên diễn đàn ngôn luận của tập thể cựu SVSQ/TVBQGVN. Chúng còn muốn gửi lời chân thành cám ơn đến các anh là đằng khác! Không có lửa thì chẳng bao giờ có khói. Không có chuyện trích đăng hồi ký NĐM thì sẽ không có phản ứng và nhận xét của độc giả trong và ngoài tập thể Võ Bị. Hướng xuất phát ý kiến và nhận xét là từ khối độc giả to lớn của qúy anh, của tờ Đa Hiệu chứ không phải như anh nêu lên “từ một hướng vu vơ nào đó, đôi khi ngay chính trong nội bộ chúng ta.”. Chẳng lẽ, độc giả Đa Hiệu, trong và ngoài tập thể, đều là một bọn vu vơ, trong đó có cá nhân tôi?! Một độc giả bên ngoài, ông Hoàng công Chính (HCC), đã gửi tới tờ báo Con Ong Việt một điện thư (vì không có địa chỉ điện thư của ĐH?) nói lên sự bất mãn của ông ta đối với hai bài viết trong ĐH 85, xin được trích đoạn:

- “Đa Hiệu 85, từ trang 53 đến trang 67, tác giả Võ Biền K24 đã trích đăng bài của một tên cán bộ CS, ca tụng Hồ chí Minh một cách khôn ngoan kín đáo và tế nhị.
Cũng trong số này, đặc san Đa Hiệu 85 đã trích đăng bài của Đào Hiếu, Cán Bộ CS, nói đến lý tưởng của một SQ xuất thân từ TVBQGVN Dalat “Trung úy SQ Ngụy nhưng ghét Mỹ vào đây (vào bưng)… và chỉ muốn làm một anh du kích.

Khi nói đến TH/CSVSQ/TVBQGVN, người ta thường kính nể, Vì nơi đây tập trung những SQ xuất sắc của QLVNCH, có lý tưởng quốc gia và tinh thần chống cộng tuyệt đối. Cả một tập thể VB, không còn nhân tài nào nữa hay sao? Chôm bài từ trên internet đem xuống “cơ quan ngôn luận” của TH/CSVSQ/TVBQGVN làm quan điểm và đường lối của mình.”.

Quả tình, nồng độ uất ức của ông HCC đã bốc lên quá cao trong lời văn. Tuy nhiên, cá nhân tôi xin cảm ơn những tình cảm ông dành cho tập thể cựu SVSQ/TVBQGVN được che dấu đằng sau sự uất hận trong trạng thái mất bình tĩnh. Chính vì vậy, mong rằng bài viết này đến tay ông để ông có thể chiết trung được một nhận định đứng đắn và trong sáng hơn về tập thể cựu SVSQ chúng tôi.

Tờ ĐH 85 cũng đã tạo ra hệ lụy kéo dài trên mạng lưới điện thư Tổng Hội. Ý kiến và nhận xét cá nhân của cựu SVSQ đưa ra, dĩ nhiên, không ai giống ai. Đồng ý, khuyến khích và bất đồng, chống đối đối với hai bài viết trên ĐH 85 đều có cả. Đây là một hình thức cần được khích lệ. Tuy nhiên, điều đáng phiền trách là anh Tổng Hội Phó đặc trách truyền thông và phần hành liên quan thiếu kiểm soát để một số điện thư, thay vì đưa ra ý kiến và nhận định xoay quanh nội dung các bài viết, lại đâm ra châm chọc, rồi cuối cùng đưa đến tranh cãi, chụp mũ ý kiến của nhau (ngay cả động chạm đến cá nhân) với những lời lẽ nặng mùi! Có một vị trẻ người, khóa nhỏ đã biến diễn đàn thành nơi “chửi mất gà” kéo dài với hàng chục điện thư vì một vài vị đàn anh, một độc giả bên ngoài không cùng quan điểm “bảo hoàng hơn vua” của mình! Một ông đàn anh khóa lớn lại đi quá đà đối với những ý kiến nêu lên ngược với suy nghĩ cá nhân mình (không bao che cho “lỗi lầm” -từ ngữ điện thư của anh Tổng Hội Trưởng):

- “Chuyện không đáng bận tâm mà làm cho to chuyện là phải suy nghĩ tại sao? Ai giựt dây? Có bàn tay CS nào trong này không?”.

- “Chúng ta là những người Cựu SVSQ của Trường Võ Bị Quốc Gia VN mà còn bị lôi cuốn vào trong các móc ngoặc của nghị quyết 36 thì làm sao tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền cho dân tộc VN chúng ta được?”.

Thật hùng tráng và đầy tính chất “chính trị”! Khi sự việc đã trở thành “chuyện” thì việc bận tâm hay không là do suy xét cá nhân. Ông niên trưởng này có thể cho đây là việc không đáng bận tâm nhưng với người khác, khi soi rọi vấn đề bằng kính chiếu yêu, họ thấy những khía cạnh khác hơn và họ có quyền đưa ra ý kiến, phê bình. Chẳng lẽ niên trưởng muốn biến mảnh đất Tổng Hội CSVSQ thành khu vườn chỉ rặc một loài hoa – hoa mõm chó?! Hơn thế nữa, chuyện đâu còn có đó, sao lại quá vội vàng chụp mũ cộng sản cho nhau?! Mạnh dạn đưa lên dấu hỏi này, bởi vì, thưa đàn anh, gần 34 năm lưu vong, kẻ viết bài này, đàn em của niên trưởng, chưa một lần trở lại quê hương để cúi đầu đi dưới bóng cờ máu mà chúng mình đã có lần thề hủy diệt. Cũng cám ơn đàn anh đã đụng chạm đến Nghị quyết 36 của CSVN. Không hiểu đàn anh có đọc nghị quyết này chưa để biết rằng “giao lưu văn hóa” là một ưu tiên hàng đầu của nghị quyết?. “Giao lưu văn hoá” theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” là “xuất khẩu” tài liệu tuyên truyền ca tụng lãnh tụ và chế độ để cấy vào đầu óc trong veo của con cháu chúng ta; “xuất khẩu” đám văn nghệ sĩ gia nô ra nước ngoài hầu lung lạc tinh thần đấu tranh của quần chúng bằng lời ca, tiếng nhạc. Và tuyệt đối cấm nhặt sự giao lưu ngược chiều về trong nước! Xin hãy đặt trách nhiệm và tinh thần tự giác lên trên tình cảm cá nhân và liên hệ gia tộc để có một cái nhìn khách quan hơn, mong vậy thay!

Cũng xin được nêu lên vài ý kiến đối với bức điện thư của anh Đinh Tiến Đạo Khóa 24, Chủ bút đặc san Đa Hiệu, trần tình về các bài vở của ĐH 85. Theo tinh thần điện thư này thì công việc anh làm hoàn toàn đúng, không có gì sai trái, lầm lỗi như hai anh Tổng Hội Trưởng và Tổng Hội Phó đặc trách truyền thông đã thừa nhận. Đúng là thái độ “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ” (ngôn ngữ chuyện kiếm hiệp Tàu)!. Lý do viện dẫn: anh đã thi hành đúng mức chỉ thị của hai kỳ Đại hội CSVSQ 15 và 16 là phải có những “bài viết về chính trị để cùng người dân Việt trong và ngoài nước đấu tranh cho một nước Việt Nam Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền”.

Thú thật, tôi không hiểu được sự liên quan thế nào giữa việc đăng tải “những bài viết về chính trị” và việc “để cùng người dân Việt trong và ngoài nước đấu tranh cho một nước Việt nam Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền”. Nhưng thôi, xin đề cập đến điểm anh Đạo nêu lên: sở dĩ đăng “nguyên con” một chương hồi ký của NĐM là vì:

- “Thể hiện tinh thần ấy (Phải có những bài viết về chính trị -chú thích của người viết), ngay trong ĐH 79, chúng tôi đã trích dẫn bài “Vietnam Revisited: The Myths of the War” trong đó có một cuộc phỏng vấn của đài PBS vối hai tác giả Mỹ, một chê bai một khen ngợi QLVNCH mà không cắt xén những quan điểm chê bai QLVNCH của một trong hai tác giả trên để cho chúng ta có được một cái nhìn đúng đắn khi đọc được sự tranh luận của hai tác giả trên. Và ngay cả từ ĐH79, chúng tôi cũng đã cho xuất hiện những bài viết của những tác giả trong nước như: TKTT, PHS, DTH v.v... cho đến hết nhiệm kỳ mà không nhận một lời phàn nàn nào của các CSVSQ/TVBQGVN”.

- “Do đó theo quan điểm của tôi bài viết “Những Chuyện Dối Trá Trong Xã Hội CS của tác giả Võ Biền vẫn nằm trong đường hướng tôn trọng sự trung thực vẫn có từ những số Đa Hiệu trước. Ngoài ra, độc giả của Đa Hiệu là những CSVSQ hay thân hữu là những bậc trí giả có tầm hiểu biết cao và rộng và có lập trường quốc gia vững chắc nên độc giả của Đa Hiệu không phải là đối tượng để Đa Hiệu phải làm công việc “tuyên truyền” tức cắt xén những bài viết gửi đến và chỉ để lại những tin “có lợi” mà thôi. Theo tôi, làm điều đó (tức cắt xén – chú thích của người viết) là ĐH đã coi thường độc giả. Vả lại chính sự không “cắt xén” này sẽ đem đến những tin tức trong nước một cách trung thực theo lối nghĩ của một số bài viết của những tác giả sống dưới chế độ CS hầu độc giả của Đa Hiệu có một nhận xét chính xác về tình hình trong nước mà không rơi vào tình trạng “lạc quan tếu”.

Việc đăng tải cuộc phỏng vấn của PBS, bài vở của TKTT, PHS, DTH v.v... và ngay cả đoạn hồi ký của NĐM, trên phương diện hình thức đều giống nhau -TRÍCH ĐĂNG. Nhưng trên phương diện nội dung và quan điểm, sự khác biệt rất xa và rất sâu. Hai tác giả Mỹ trong cuộc phỏng vấn đã đưa ra hai cái nhìn, hai quan niệm khác nhau về chiến tranh Việt Nam, căn cứ vào diễn biến có thật. Như hai người cùng nhìn một bức họa Picasso, một người có thể khen đó là tuyệt tác, người thứ hai có thể cho đó là vẽ bậy, vẽ bạ. Những bài viết của TKTT, PHS đã vạch trần (sự thật) lối cai trị tàn ác, độc tài với mớ luật rừng của chế độ cộng sản trong nước. Tất cả thật khác xa với mớ giấy lộn được gọi là hồi ký NĐM mà nội dung chất chứa đầy rẫy những lời ca tụng tên tội đồ dân tộc HCM với những bằng chứng vay mượn, láo khoét, dối như vẹm, kèm theo một chuỗi biện hộ, tâng bốc trơ trẽn! Vì vậy mà độc giả đã không có phản ứng trước những bài vở trích đăng trong ĐH 79, nhưng ĐH 85 với hai bài trích đăng thì thật khác xa. Không biết anh Đạo có thấy được cái kích thước khác biệt này không nhỉ?.

“Nhân vô thập toàn”, ông bà ta dạy vậy. Có lỗi biết nhận lỗi, không cãi chày, cãi cối là điều đáng quý, là thái độ tự trọng. Còn nếu chưa thấy được lầm lỗi của chính mình thì có thể tham khảo ý kiến những người có nhiều kinh nghiệm hơn, trước khi đưa ra lời biện minh.

Tội quá! Đâu có ai bắt ép anh phải cắt xén bài vở gửi đến để trở thành người thiếu vô tư. Anh đã đưa độc giả chúng tôi lên tận mây xanh “có tầm hiểu biết cao” và rồi cho chúng tôi đo ván một cách đường đột trong cùng một đoạn thư, “hầu độc giả ĐH không rơi vào tình trạng lạc quan tếu”! Điều muốn nói và đã nói ở đây là anh đưa lên một đoạn hồi ký chất chứa toàn dối trá, gian manh, xảo quyệt mà anh cứ cho là “sự thật”! Là người cầm bút, chẳng những chỉ đọc tựa bài mà còn phải đọc kỹ giữa hai dòng chữ. Ông bà ta thường răn, “bút sa, gà chết”. Dĩ nhiên chết một con gà thì không nhằm nhò gì ở xứ này, tuy nhiên “bút sa” đưa đến tình trạng “chết trong lòng một ít” mới là điều đáng nói. Tôi cũng không nghĩ là anh Đạo có ý định làm truyền thông “hai chiều ly biệt” như ông Vũ Bình Nghi tại Bắc Cali và tờ Người Việt tại Nam Cali. Mong là một hôm nào đó anh thức ngộ được những giòng chữ đơn sơ này.

Bài viết này tôi sẽ gửi đến tờ báo của một vị đàn em để phổ biến, vì đó là nơi xuất phát ý kiến một bạn đọc về Đa Hiệu 85. Rồi theo số phận của nàng dâu trăm họ, tôi biết, cũng sẽ phát sinh tiếng bấc, tiếng chì, sẽ có lời khen, tiếng chê, khuyến khích hoặc than phiền. Cũng sẽ có phản ứng từ một vài vị trong tập thể “Cùi”: nhẹ nhàng thì trách phiền, khuyến cáo, nặng nề hơn -chửi bới, nguyền rủa- với luận điểm, “tại sao vạch áo cho người xem lưng?”! Tôi rất ghét câu nói “vạch áo cho người xem lưng” vì đó là quái thai ngôn ngữ của những đầu óc nô lệ, phong kiến -những tên Đốc Phủ Sứ thời Tây thuộc. Hành vi “Phủ bênh phủ, huyện bệnh huyện” một thời đã làm cho dân ta khốn khổ không ít, chẳng những thế nó còn làm trì trệ bước tiến hóa của dân tộc. Sở dĩ tôi đưa bài viết này ra bên ngoài mà không gửi về tòa soạn Đa Hiệu vì theo một Thông cáo mới nhất của Tổng hội (ngày 4 tháng 3 năm 2009), đặc san đã “tạm thời đình chỉ phát hành cho đến khi có thông cáo mới”, và cũng vì như tựa bài: chuyện trong họ đã ra ngoài làng. Đa Hiệu 85 đã cởi trần đi vào quần chúng (phổ biến sâu rộng ra bên ngoài qua lời thông báo trong điện thư của anh Tổng Hội Trưởng –đã dẫn ở phần trên) thì không cách chi có thể lấy thúng mà úp voi. Một điều cầu mong xuất phát tự đáy lòng tôi là tất cả chúng ta, những tên Cùi còn tại thế, biết dẹp bỏ tự ái cá nhân, phe nhóm và Khóa xuất thân để gìn giữ, bồi đắp thanh danh ngôi trường thân yêu xưa bằng hành động, ngôn ngữ và phong thái. Được như vậy, chúng ta sẽ không làm tủi hổ vong linh của bao người, Niên trưởng, Đàn em, đã anh dũng, kiêu hùng nằm xuống trong cuộc chiến Quốc, Cộng.

Chuyện lầm lỗi trên phương diện phát ngôn, truyền thông không những xảy ra với đặc san ĐH mà còn là chuyện thường xuyên trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Đối với một vài tổ chức, hội đoàn chống cộng, đã có cảnh cười ra nước mắt khi ông chủ tịch được mời lên phát biểu, bỗng bị “bà nhập”, tuyên bố trật đường rày, thay vì lên án, lại ca tụng giặc thù! Điều này dĩ nhiên làm nản lòng hội viên, đoàn viên, tổ viên... không ít. Tức khí đi tìm xuất thân thằng “khốn nạn” mới bật ngửa ra, ngài chủ tịch là kẻ thường xuyên đi du hí, có tiền nổi, bạc chìm đầu tư tại Việt Nam! Trách ai bây giờ? Trách ông Trời chăng? Ngài ngự quá cao! Chỉ còn có trách mình tiêu cực a dua theo chân bè phái và cảm tình để dồn phiếu cho kẻ bất xứng. Tuy nhiên, tình cảm sám hối này chỉ xảy ra trong chốc lát, trái đất vẫn quay và năm tới... lại tái cử thằng “khốn lịn”.

Phạm Đình Thừa

No comments:

Post a Comment