Monday, March 30, 2009

Giáo hội Công Giáo và Căn Bệnh Thế Kỷ - Kim Nguyên

Kim Nguyên

Trong mấy tuần lễ vừa qua, những luồng dư luận chỉ trích, phê phán Đức Giáo Hoàng Benedic 16 nổi lên dữ dội khắp nơi: từ những chính trị gia, giới dân cử cho đến những cá nhân hay tổ chức độc lập. Người ta dùng mọi phương cách để chỉ trích, chống đối, thậm chí lăng mạ ngài. Người ta thu thập chữ ký trên mạng, tồ chức hội thảo, biểu tình chống đối. ... Có những người còn đòi hỏi chính phủ, bộ ngoại giao nước họ phải có thái độ rõ ràng, phải có những biện pháp “trừng phạt” đối với ĐGH và Vatican vì một lời phát biểu “không thể chấp nhận được” của vị chủ chăn Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ trong chuyến viếng thăm Phi Châu vào giữa tháng 03/2009.

Đức Giáo Hoàng đã phát biểu: “Bao cao su (condom) không phải là giải pháp cho bệnh AIDS, thậm chí nó còn có thể làm cho sự việc trở nên nghiêm trọng hơn ...”. ĐGH đã nói ra điều này bằng một ý thức, một lập trường rõ rệt, ngài không nói ra điều này trong một cơn cao hứng, bốc đồng. Thật ra, lập trường này không có gì mới lạ. Vatican xưa nay vẫn có lập trường không tán thành việc dùng bao cao su như một phương pháp chống căn bệnh thế kỷ này. Tuy nhiên, sự chống đối trong quá khứ chưa bao giờ mãnh liệt và có hệ thống như lần này.

Quan điểm bảo vệ luân lý xưa nay luôn luôn gặp sự chống đối của trường phái vô thần và trường phái chủ trương thụ hưởng, phải tận dụng cuộc đời ngắn ngủi này bằng cách tận hưởng những thú vui xác thịt cùng tất cả những lạc thú bao lâu còn hưởng được, bất chấp những giá trị đạo đức. Khi nào số người chủ trương hưởng thụ càng đông thì những người chủ trương bảo vệ những giá trị luân lý càng trở nên cô thế và càng bị tấn công mạnh mẽ hơn, và điều đó hình như đang đúng trong xã hội chúng ta sống hôm nay.

Khi người ta nhìn một sự việc qua hai lăng kính khác nhau thì việc đưa đến những kết luận khác nhau là chuyện bình thường: người chủ trương sống buông thả coi nhẹ những giá trị đạo đức làm sao có cùng cái nhìn với người dám bảo vệ và duy trì những giá trị đạo đức bằng mọi giá. Thế nhưng người ta không chịu tìm hiểu tường tận những lý lẽ gói ghém trong thông điệp của ĐGH, người ta chỉ biết khi cái chủ trương thụ hưởng của mình bị động chạm là liền lớn tiếng “cả vú lấp miệng em” bằng tất cả những phương tiện mình có được và bằng mọi phương pháp có thể vận dụng được.

Làm sao mà Giáo Hội Công Giáo có thể tán thành và cổ võ việc dùng túi cao su để ngừa AIDS. Làm như vậy đồng nghĩa với việc cổ võ tín hữu của mình tự do hưởng thụ thú vui xác thịt một cách bừa bãi và vô trách nhiệm. Không ít người đòi hỏi GH phải làm một cuộc “cách mạng”, phải “vào đời” , phải “cấp tiến” bằng cách chấp nhận những điều trái ngược với truyền thống , giá trị luân lý cốt lõi của đạo Công Giáo, được rao giảng bởi chính Đức Kitô. Nếu không làm như vậy thì bị họ lên án là “bảo thủ“, là “lạc hậu”. Điều khá khôi hài là đại đa số những người lớn tiếng nhất, ồn ào nhất lại là những người không hề chia sẻ cuộc sống của giáo hội, họ thường là những người không bao giờ đến nhà thờ, hoặc chỉ đến nhà thờ trong những dịp “quan hôn tang tế” hiếm hoi !.

Trở lại lời phát biểu của ĐGH Benedic 16, theo thiển ý, nếu tin rằng căn bệnh AIDS là sự cảnh báo của Thượng Đế đối với lối sống sa đọa, trụy lạc của con người trong xã hội hôm nay thì việc phát bao cao su để tiếp tuc đi sâu hơn vào cuộc sống trụy lạc ấy chắc chắn không phải là cách giải quyết, đúng như lời Đức Giáo Hoàng nói. Tại sao bệnh AIDS lại lan tràn một cách nhanh chóng như vậy? Câu trả lời ai cũng có thể tìm thấy không khó: vì người ta xem việc quan hệ tính dục là một trò chơi, một thú vui và cứ miệt mài lăn xả vào như con thiêu thân, không cần quan tâm tới những nguyên tắc luân lý, đạo đức. Người ta có thể đưa nhau vào nhà nghỉ thật dễ dàng chỉ sau một lần gặp gỡ, sau vài câu chuyện qua lại. Người ta có thể thực hiện quan hệ tính dục với thật nhiều người, người ta có thể làm công việc trao đổi vợ chồng một cách hết sức thoải mái, vô tư, như trao đổi những món đồ dùng .... Người ta không còn trân trọng thân xác của mình nữa. Những người thích cuộc sống lang chạ như vậy họ sử dụng bao cao su để có thể an tâm lao vào con đường sa đọa ấy. Đối với những người biết tiết chế, có quan hệ tính dục lành mạnh họ không có nhu cầu dùng bao cao su để chống AIDS. Bởi vậy, phát bao cao su, khuyến khích người ta “mang bùa” rồi thoải mái lao vào vòng trụy lạc mà không cần tiết chế rõ ràng không phải là cách giải quyết tận gốc mà còn làm cho sự việc nghiêm trọng hơn. Ai dám bảo đảm rằng dùng bao cao su là có thể tránh được AIDS 100% ? vi trùng AIDS có thể xâm nhập vào cơ thể bằng nhiều lối khác nhau. Bạn cứ mang bao cao su và chung đụng với thật nhiều người, “đi đêm có ngày gặp ma”, khả năng mắc bệnh của bạn sẽ cao gấp trăm lần những người có cuộc sống lành mạnh, biết tiết chế. Bởi vậy giải pháp cho bệnh AIDS là sự giáo dục, là sự phục hồi những giá trị đạo đức. Biết rằng không phải dễ dàng để thay đổi quan niệm sống. Nhưng vấn đề là các chính phủ, những người có trách nhiệm xã hội hầu như KHÔNG HỀ nhắm tới hướng này mà chỉ nhằm tới việc phân phát bao cao su và tin tưởng rằng đó là giải pháp cho căn bệnh thời đại này, điều đó sai! Là người lãnh đạo tinh thần, là vị chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, Đức Giáo Hoàng phải có tiếng nói rõ ràng. Ngài không thể im lặng cho dù biết rằng nói ra sẽ bị chống đối dữ dội.

Hãy nhìn tất cả các loài động vật trên trái đất này. Đối với chúng, mục đích duy nhất của hành động giao cấu là gì nếu không phải là truyền sinh? Riêng với con người, ngoài mục đích truyền sinh, Thượng đế ban cho một ân huệ, cũng có thể nói là một món quà, đó là sự khoái lạc. Đồng thời Thượng đế cũng ban cho con người lý trí và sự tự do để biết phân biệt, phán đoán và lựa chọn .... Càng ngày, người ta càng có khuynh hướng coi nhẹ (và đang bỏ qua hẳn) cái mục đích chính mà chỉ còn biết đến “món quà” kia mà thôi. Làm như vậy có phải là con người đang phụ tấm lòng của đấng có nhã ý tặng cho ta “món quà“ kia không ? Những ý tưởng này tôi muốn chia sẻ với những ai còn niềm tin vào đấng tạo hóa.

Đức Giáo Hoàng Benedic 16 từng viết trong quyển “Muối cho đời” rằng: "...... Tôi nghe vang vọng bên tai những lời của thánh kinh và của các giáo phụ kết án rất nghiêm khắc những mục tử làm chó câm để tránh bị phiền toái và vì thế để cho nọc độc lan tràn. Tìm yên ổn không phải là bổn phận hàng đầu của công dân; tôi ghê sợ hình ảnh một giám mục chỉ lo an phận và tìm hết cách che đậy và né tránh mọi thứ xung đột ... ”. Ngài đã tâm niệm như vậy và Ngài đang thực hiện điều đó, cho dù gặp phải biết bao phiền toái, chống đối, lăng mạ từ khắp nơi.

Nguyện xin Thiên Chúa gìn giữ và ban sức mạnh cho đấng kế vị thánh Phê Rô để ngài luôn vững vàng trước những cơn sóng dữ.

Nguyện xin thánh cả Giuse, Đấng bảo trợ giáo hội và cũng là thánh bổn mạng của Đức Thánh Cha phù trợ, dẫn dắt vị chủ chăn của chúng con và gìn giữ Giáo Hội, hiền thê của Đức Kytô vượt qua những âm mưu bách hại đến từ khắp nơi, dưới mọi hình thức.

Brussels, Mùa Chay - tháng Thánh Giuse - năm 2009
Kim Nguyên

No comments:

Post a Comment