Tuesday, June 10, 2014

Ai là "Việt Kiều"? - Nguyên Giao

Nguyên Giao

“Khúc ruột ở xa ngàn dặm”

Trên truyền thông Việt ngữ, càng ngày hai chữ “Việt kiều” càng thấy xuất hiện nhiều hơn. Chúng ta nên hiểu và sử dụng danh xưng này như thế nào để được chỉnh về chính trị (politically correct)?

“Kiều” có nghĩa là ở hải ngoại, được dùng làm tĩnh tự cho các danh tự, như: “Kiều dân” là người dân sống ở bên ngoài ranh giới quốc gia mà người ấy được sinh ra (native land); “Kiều hối” là tiền bạc ở ngoại quốc; “Kiều vận” là vận động dân mình ở ngoại quốc.

Chữ “kiều” đã được dùng trong các chữ “Pháp kiều”, “Hoa kiều”, “Mỹ kiều”, và “Việt kiều yêu nước”. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà, người Hoa sinh sống ở nam Việt Nam được chính thức gọi là Hoa kiều. Suốt trong cuộc chiến Bắc-Nam Việt Nam (1954-1975), nhà cầm quyền Hà Nội gọi các thành phần người Việt ở hải ngoại có những sinh hoạt phản chiến, hỗ trợ, hay có lợi cho cộng sản Việt Nam là “Việt kiều yêu nước”.

Tương tự, người Thái sinh sống ở ngoài Thái Lan là Thái kiều, và người Phi không ở nước Phi là Phi kiều. Trong hoàn cảnh chính trị quốc gia bình thường, liên hệ giữa chính phủ một nước với kiều dân của họ tốt đẹp, và không có vấn đề gì làm hai bên phải bận tâm: Khi những viên chức của chính phủ một quốc gia xuất ngoại công cán ở nơi xa có kiều dân của họ sinh sống, các viên chức cao cấp thuờng được kiều dân tiếp đón tưng bừng như các hình ảnh thấy trên các bản tin thời sự. Ngược lại, khi các kiều dân có dịp về thăm nơi “chôn rau, cắt rốn” của mình, họ thường được đối xử bình thường – có khi còn được biệt đãi – bởi các viên chức chính phủ, nhất là ở các cơ quan liên hệ đến hải quan, du lịch, hay thông hành.

Chữ “kiều” sẽ trở nên khúc mắc hơn khi một quốc gia bị các biến cố chính trị đưa đến các cuộc di dân có khi là ngoài ý muốn tự nguyện của một số các công dân ra khỏi biên giới quốc gia, hay khi quốc gia bị chia thành các chế độ chính trị đối nghịch.

Thí dụ: Hiện có hai nước Hàn quốc: Bắc Hàn, và Nam Hàn, cùng là hội viên của Liên Hiệp Quốc. Như vậy, nếu xét đến liên hệ giữa các Hàn kiều, và hai chính phủ đối nghịch chính trị, cũng như khác biệt về luật lệ quốc tịch, và di dân của Nam và Bắc Hàn, cần phải phân biệt có hai loại Hàn kiều: Nam Hàn kiều, và Bắc Hàn kiều.

Cũng tương tự như Hàn kiều, trường hợp các Hoa kiều của Trung Cộng, và Đài Loan cũng cần phải được phân biệt cho rõ ràng, để có thể tránh được những hiểu nhầm vô tình, hay “vơ đũa cả nắm”, có thể đưa đến những hậu quả chết người: Một Nam Hàn kiều trên đất Mỹ vi phạm những điều kiện của luật lệ di trú nếu bị trục xuất về Bắc Hàn thì khác gì như bị án tử hình?

So với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam là một trường hợp khúc mắc liên hệ đến hai chữ “Việt kiều”. Lý do là vì Việt Nam là quốc gia độc nhất trên thế giới có tỉ lệ dân Việt ở hải ngoại tương đối cao (khoảng 3 triệu, so với 84 triệu trong nước), mà hầu hết thành phần này lại là nạn nhân của chính phủ đang cầm quyền ở Việt Nam, hậu quả của biến cố 1975. Vốn là tị nạn chính trị chế độ cộng sản, người Việt ở hải ngoại luôn luôn tìm mọi cách để biểu lộ cho người dân trong nước, dân bản xứ, cũng như cộng đồng thế giới biết họ không chấp nhận những ngưới cầm quyền ở Hà Nội là đại diện chính thức, và hợp pháp cho quốc gia Việt Nam. Các viên chức của Hà Nội khi đi công cán ở hải ngoại thường bị các kiều dân “dàn chào”, biểu tình phản đối, làm cho bỉ mặt trước truyền thông quốc tế. Ngược lại, khi về thăm Việt Nam, người Việt ở hải ngoại thường bị các viên chức có thẩm quyền ở hải quan, liên hệ đến thông hành, và du lịch cố ý ấn định giá vé, lệ phí cao hơn gấp hai, gấp ba so với cho người trong nước, làm khó khăn để bòn tiền trà nước, để ý bằng con mắt nghi ngờ, cùng các biện pháp kỳ thị khác.

Trong thời chiến, trước khi chiếm được miền Nam, cộng sản Hà Nội đã dùng một số “Việt kiều yêu nước” để tuyên truyền cho chiêu bài “Chống Mỹ, cứu nước” của họ. Thật ra, “Việt kiều yêu nước” chỉ là “người Việt thân cộng ở hải ngoại”.

Ngày nay, Hà Nội lại muốn tiếp tục “mập mờ đánh lận con đen” muốn lợi dụng nguồn tài nguyên (như ngoại tệ, và kiến thức kỹ thuật) càng ngày càng gia tăng của người Việt ở hải ngoại để duy trì chế độ. Họ dùng chữ “Việt kiều” để gọi chung tất cả 3 triệu người Việt ở hải ngoại, với tà ý “xập xí, xập ngầu” với đồng bào ở trong nước, cũng như cộng đồng thế giới rằng 3 triệu người Việt ở hải ngoại vẫn là “Khúc ruột ở xa ngàn dặm”, ám chỉ họ được sự công nhận, và hỗ trợ của 3 triệu “Việt kiều”. Những ai còn nghi ngờ ý đồ của Hà Nội xin hãy tìm đọc kỹ nội dung bộ luật hiện hành về quốc tịch của Hà Nội để thấy rằng: Cộng sản Hà Nội không nhượng bộ một ly nào đối với người Việt trong cũng như ngoài nước. Bộ luật quốc tịch Việt Nam cộng sản vẫn khăng khăng qui định: Người Việt nào chưa được giấy phép của Chủ tịch Nước từ bỏ quốc tịch Việt Nam vẫn là công dân Việt Nam, dù đã vào quốc tịch bất cứ nước nào. Hà Nội không chấp nhận song tịch, mà xác quyết người Việt có quốc tịch nước ngoài vẫn là người còn quốc tịch Việt Nam, nên vẫn bị luật lệ Việt Nam chi phối. Hà Nội còn triệt để hơn nữa khi áp dụng luật này cho các con cháu thế hệ thứ hai sanh tại ngoại quốc của người Việt ở hải ngoại: Những thiếu niên Việt sanh tại Mỹ, Pháp, Úc, v.v., con cái của cha mẹ có quốc tịch của các nước ấy, vẫn bị nhận vơ là “con dân” của cộng sản Hà Nội! Trên thế giới thử hỏi có chính phủ nào vừa vô lý, vừa trâng tráo, và nham hiểm như vậy không?

Trong khi đó, mỗi khi người Việt ở hải ngoại có vấn đề với các cơ quan thẩm quyền sở tại – thí dụ như về giấy tờ cư trú, di dân, hay mỗi khi bị dân bản xứ kỳ thị ở các quốc gia Đông Âu – các viên chức ở sứ quán của Hà Nội lại hoặc bất lực, hoặc cố ý quay mặt làm lơ, không hành xử nhiệm vụ thuộc phạm vi công vụ của mình.

Để tránh sự lợi dụng của nhà cầm quyền Hà Nội, cũng như những thành phần thân cộng ở hải ngoại, chúng ta, nhất là những người Việt đã có quốc tịch của nước sở tại (như Pháp, Đức, Anh, Úc, Mỹ), nên xác minh rõ ràng rằng chúng ta là “người Pháp (hay Đức, hoặc Anh, hay Úc, hoặc Mỹ) gốc Việt, cựu tị nạn cộng sản (nếu thích hợp)”, chứ không phải là “Việt kiều” gì hết! Con em của chúng ta được sinh ra ở hải ngoại là “người Pháp (hay Đức, hoặc Anh, hay Úc, hoặc Mỹ) gốc Việt”, tự động có quốc tịch, và là công dân của nước mà chúng đã được sanh ra. Không kể một thiểu số thân cộng, hầu hết người Việt ở hải ngoại không những không là “Việt kiều”, mà còn công khai cương quyết chống lại các kế hoạch kiều vận của bạo quyền Hà Nội, đồng thời tiếp tay hỗ trợ cho các chiến sĩ tranh đấu cho tự do, nhân quyền, và dân chủ ở trong nước.

Cũng đừng quên rằng, vì có quốc tịch của nước mà chúng ta sinh sống, đổi lại những quyền lợi đáng kể mà tất cả các công dân của nước đó đều được hưởng hàng ngày, chúng ta có bổn phận thực thi những nghĩa vụ công dân như đóng thuế, đi bầu, tôn trọng hiến pháp cũng như luật lệ, và phục vụ quyền lợi dân tộc và quốc gia sở tại.

Tóm lại, vô tình chấp nhận không đúng nghĩa những từ ngữ Hà Nội láu cá sử dụng – như hai chữ “Việt kiều” – chẳng khác gì như để mình rơi vào bẫy xập tuyên truyền của bạo quyền CS gian manh.

Nguyên Giao



No comments:

Post a Comment