Trần Gia Phụng
Kính thưa các Bậc Trưởng thượng,
Thưa quý quan khách,
Tôi xin cảm ơn Ban Tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi phát biểu hôm nay, nhân dịp Lễ Khai Đạo Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) lần thứ 71. Tôi đã thưa chuyện tại diễn đàn nầy nhiều lần. Nay thêm một lần nữa cũng là dịp tôi xin ôn lại chuyện lịch sử. Ôn lại những kinh nghiện lịch sử trong quá khứ rất thiết thực và ích lợi để chúng ta nhìn về tương lai.
Kính thưa quý vị,
Lần nầy, chúng tôi xin trình bày về những thánh tích của đạo PGHH. Tôi xin giới thiệu sơ lược các thánh tích chính của PGHH: Thánh địa PGHH là làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Làng Hòa Hảo là nơi Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (1920-1947) khai sáng đạo PGHH ngày 18 tháng 5 năm kỷ mão tức ngày 4-7-1939. Tổ đình PGHH là ngôi nhà của ông bà Huỳnh Công Bộ, nơi sinh trưởng của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. An Hòa Tự là ngôi chùa do Đức Phật Thầy Tây An (1807-1856) đặt tên và do đệ tử của ngài xây dựng. Đức Phật Thầy Tây An là người sáng lập môn phái Bửu Sơn Kỳ Hương hay Phật giáo Tứ ân, tiền thân của PGHH. Trải qua nhiều đời trụ trì và nhiều lần trùng tu, An Hòa Tự được xây thành mái ngói tường vôi từ năm 1936. Sau khi Huỳnh Giáo chủ khai sáng đạo PGHH, nhiều vị trong ban Trị sự chùa quy y với Đức Thầy và làm văn tự hiến chùa. Khi trở về thăm viếng chùa, ngày 8-7-1945, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ cung thỉnh lư hương từ tổ đình và an vị lư hương nơi chánh điện An Hòa Tự.
Kính thưa quý vị,
Phật giáo Hòa Hảo là tông phái Phật giáo do Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (1920-1947) khai sáng ngày 18 tháng 5 năm kỷ mão (4-7-1939), tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang). Sau khi thành lập, đạo PGHH càng ngày càng phát triển, khiến người Pháp lo ngại. Từ tháng 5-1940 đến tháng 10-1942, Pháp liên tục giam giữ Đức Huỳnh Phú Sổ ở nhiều nơi khác nhau. Cuối cùng, do sự can thiệp của quân đội Nhật, Huỳnh giáo chủ được thả và được đưa về sống ở Sài Gòn từ tháng 10-1942.
Năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng, Đức Huỳnh Phú Sổ đóng một vai trò quan trọng trong phong trào đòi độc lập dân tộc. Ngày 21- 9-1946, Đức Thầy chính thức thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, gọi tắt là Dân Xã Đảng, được đồng bào miền Tây hưởng ứng mạnh mẽ. Tuyên ngôn của Dân Xã Đảng do Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ công bố, nhấn mạnh: "Việt Nam Dân Xã Đảng là một đảng dân chủ, chủ trương thiệt thi triệt để nguyên tắc chánh trị của chủ nghĩa dân chủ: "chủ quyền ở nơi toàn thể nhân dân". Đảng Dân Xã chủ trương "toàn dân chánh trị, thế tất đảng chống độc tài bất cứ hình thức nào." (Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo Hải ngọai ấn hành, Sấm giảng thi văn toàn bộ của Đức Huỳnh Giáo Chủ, Houston: 2004, tr 533.)
Chủ trương của Đức Thầy và Dân Xã Đảng hoàn toàn đi ngược với chủ trương của Việt Minh cộng sản. Đức Thầy bị Việt Minh cộng sản hãm hại nhiều lần. Nhân một cuộc xô xát giữa Dân Xã Đảng và VM, VM mời Đức Thầy đến họp ngày 16-4-1947, để giải quyết các cuộc xung đột giữa lực lượng hai bên tại Sa Đéc. Trên đường tham dự cuộc họp, đoàn của Đức Thầy bị tấn công tại kênh Đốc Vàng Hạ (thôn Tân Phú, Kiến Phong). Đức Thầy biệt tích từ đó. (Theo: http://hoahao.org). Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tin rằng Đức Thầy vẫn còn sống.
Những lý do chính khiến VM cộng sản trước sau quyết tâm hãm hại Đức Huỳnh Phú Sổ và PGHH vì lúc đó tín đồ PGHH là một khối quần chúng có tổ chức khá chặt chẽ, nên Việt Minh CS rất lo sợ và đề phòng PGHH. Khối tín đồ của PGHH lại là nông dân. Cộng sản Việt Nam theo chủ trương của Mao Trạch Đông, lấy nông thôn bao vây thành thị, và xem nông dân là thành phần nòng cốt của cuộc cách mạng. Thế mà nông dân miền Tây nam tin tưởng vào PGHH hơn là tin tưởng CSVN. Đối với CSVN, đó là một "tội" nặng mà CSVN không thể dung thứ được.
Cộng sản chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp, thâu tóm ruộng vườn, đất đai của nông dân vào các hợp tác xã nông nghiệp do CS quản lý, trong khi PGHH chủ trương khẩn hoang, lập trại do nông dân làm chủ, vừa sản xuất, vừa tu học. Nói cách khác chủ trương nông nghiệp giữa hai bên hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu chủ trương của Đức Thầy được truyền bá, thì cộng sản không thể tuyên truyền và phát triển trong quần chúng nông thôn. Vì vậy, Cộng sản liên tục đánh phá Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ và PGHH.
Chủ trương đánh phá đạo PGHH của CSVN tiếp tục sau ngày 30-4-1975, khi đảng CSVN cầm quyền trên toàn cõi Việt Nam. Chính sách đàn áp tôn giáo của CSVN rất khôn ngoan. Các tôn giáo có nhiều liên hệ quốc tế như Phật giáo, Ky-Tô giáo La-Mã, các tông phái Tin Lành, thì CSVN có phần dè dặt khi đụng chạm, vì có thể bị dân chúng các nước trên thế giới phản đối, ảnh hưởng xấu đến ngoại giao hay ngoại thương. Trái lại, các tôn giáo địa phương như PGHH là một tôn giáo thuần túy Việt Nam, không có liên hệ quốc tế, nên CSVN công khai thẳng tay đàn áp.
Ngay khi vừa chiếm miền Nam, chẳng những CSVN bắt giam, hành hạ, ngược đãi những tín đồ PGHH muốn hành đạo theo truyền thống tín lý của PGHH, mà CSVN còn tịch thu Trụ sở Văn phòng Giáo hội PGHH Trung ương (Hội đồng Trị sự Trung ương) tại Ấp 1, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, dùng trụ sở nầy làm văn phòng huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Ngoài ra, CSVN tịch thu luôn Viện Đại học Hòa Hảo được thành lập ở Long Xuyên năm 1972, sáu trường Trung học, hai bệnh viện ở tỉnh An Giang do PGHH điều hành và vài trăm độc giảng đường ở các tỉnh, quận có nhiều tín đồ PGHH.
Trong thời gian gần đây, CSVN kiếm cách xóa bỏ tiếp những di tích lịch sử của PGHH, như ngày 10-11-2005, CSVN phá bỏ Thư viện Thánh địa PGHH, tháng 04-2008 đập phá hai ngôi chợ tên là Chợ Đình và chợ Mỹ Lương, do Đức ông Huỳnh Công Bộ thiết lập gần Tổ đình PGHH. Vào tháng 3 năm nay (2010), lại có tin CSVN lấy lý do trùng tu An Hòa Tự để đập phá An Hòa Tự trong khi An Hòa Tự vẫn đang ở tình trạng hoàn hảo, nhờ tín đồ chăm sóc hàng ngày.
Ở đây, tôi xin mở ngoặc một chút. Tại các nước trên thế giới, những di tích cổ xưa, dầu cổ lỗ lỗi thời, dầu hư hao vì thời tiết qua thời gian, người ta vẫn giữ gìn nguyên bản để bảo tồn di tích lịch sử chứ không đập phá để xây dựng lại. Đặc biệt, người ta rất hãnh diện về tuổi tác của những di tích lịch sử nầy
Kính thưa quý vị,
Chính sách văn hóa của CSVN là cắt đứt quá khứ với hiện tại, xóa bỏ tất cả những truyền thống văn hóa đi ngược với chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, CSVN tiêu hủy những tài liệu lịch sử, di tích văn hóa, tượng đài, miếu mạo của người xưa nhằm chôn vùi quá khứ. Đó là lý do CSVN đổi tên trường và đập phá tượng Phan Thanh Giản ở Cẩn Thơ, nhằm cắt đứt truyền thống hào hùng của trí thức miền Nam xuất thân từ ngôi trường mang tên anh hùng dân tộc Phan Thanh Giản.
Di tích lịch sử tôn giáo là những thánh tích ràng buộc đời sống tâm linh của tín đồ với quá khứ tôn giáo. Cộng sản VN đập phá các thánh tích PGHH nhằm xóa bỏ những kỷ niệm thiên liêng của PGHH thời khai đạo, ngõ hầu cắt đứt đời sống tâm linh của tín đồ PGHH với giáo sử PGHH.
Tín đồ PGHH ở trong nước đang bị đàn áp dữ dội, mà vẫn can đảm đứng lên đòi hỏi bảo vệ thánh tích của mình. Chúng ta hiện nay đang định cư ở những nước tự do dân chủ, chúng ta có bổn phận lên tiếng tố cáo âm mưu đen tối của nhà cầm quyền CSVN, nhằm bảo vệ những thánh tích của PGHH, bởi vì đây cũng là những di tích lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử luôn luôn biến chuyển. Không có chế độ nào bền vững lâu dài. Chỉ có dân tộc là trường tồn. Vậy chúng ta phải lên tiếng bảo vệ những di tích lịch sử qua khỏi cơn hoạn nạn hiện nay dưới chế độ CSVN. Chắc chắn, một lúc nào đó, chế độ CSVN sẽ bị giải thể, nhưng PGHH luôn luôn trường tồn với dân tộc. Qua khỏi cơn hoạn nạn, Giáo hội PGHH trong nước sẽ phát triển bình thường trở lại và những thánh tích của PGHH sẽ tồn tại cùng đất nước và dân tộc.
Trân trọng cảm tạ quý vị đã lắng nghe và kính chào quý vị.
Trần Gia Phụng
(Toronto, 20-6-2010)
No comments:
Post a Comment