Wednesday, September 8, 2010

Xê-muốc - Nguyễn Thị Thảo An

Nguyễn Thị Thảo An

Trước khi hỏi Xê-muốc là gì, có lẽ chúng ta nên hỏi Cộng sản là gì – mặc dù, xin nói ngay là Xê-muốc và Cộng sản chẳng mắc mớ gì với nhau.

Để hiểu được chế độ Cộng Sản thật sự là gì, người ta phải sống với nó.

Cơ bản, Cộng sản cấm chỉ sự thể hiện bản năng con người. Chủ trương mọi người phải học cách sống, cách nghĩ, cách nói như một người – điển hình như Pavel (nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Thép Đã Tôi Thế Đấy) – người thanh niên dâng hiến cuộc đời để phục vụ Đảng Cộng sản.

Thời sau 75, tôi đọc những tác phẩm nổi tiếng của chế độ mới. Trong những Hòn Đất, Đất Nước Đứng Lên,… hình ảnh chị Út Tịch, chị Sứ, anh Núp,… na ná như Pavel – Pavel lại na ná như những nhân vật bị cấy Sinh Tử Phù trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung. Càng đọc, càng ngạc nhiên, càng thất vọng. Một nền văn học tuyên truyền, sống bằng những nhân vật giả tưởng. Văn học không phản ảnh đời sống hiện thực xã hội. Nhưng mà không phải, sau này tôi nghiệm ra nó phản ảnh ngược. Người ta nói những điều không làm, và làm những điều không nói. Con người luồn lách giữa thật và giả để tồn tại. Làm thế nào để sống thật với mình? Điều đơn giản, thế mà khó.

Về sau, tôi bắt đầu đọc sách và xem phim của thế giới XHCN. Điều kinh ngạc là nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh không có hoặc không đậm tính tuyên truyền như các ngòi bút VN. Điện ảnh – đa số là phim thần thoại – đôi khi còn châm biếm chế độ CS bằng cách này hay cách khác. Như trong Trẻ Mãi Không Già – khi chiếu tới đoạn Vương Quốc Lừa Dối – đã khiến khán giả liên tưởng ngay sự dối trá của chế độ mới. Nhưng bộ phim thần thoại Liên Xô khiến tôi nhớ mãi là Xê-muốc.

Xê-muốc là tên một vị anh hùng dân gian như Thạch Sanh của Việt Nam.

Phim kể rằng, thưở xưa, ở một vương quốc xa xôi trên miền Bắc của đất Nga, đã có thời có một con quỷ xuất hiện. Con quỷ vô hình nhưng tài phép thần thông biến hóa. Mới đầu, nó xuất hiện ở nơi núi non hẻo lánh. Sau, nó xuống đồng bằng, vào nơi thị tứ. Ở chốn đông người, nó giả cách hóa ra thành mọi người. Thấy cha thì giả thành con, thấy vợ giả thành chồng. Giả anh, giả em, giả bà con họ hàng, giả bạn bè, thân thuộc,… Riết rồi con nghi ngờ cha, vợ giết chết chồng, anh em, họ hàng thân thích không nhìn mặt nhau. Ban đầu, chỉ là trò đùa, sau trở thành thật. Án mạng xảy ra hàng ngày. Cả thị trấn sống trong hỗn loạn. Tiếng đồn dội về kinh. Nhà vua cử ngay một sứ giả đến điều tra cho rõ hư thiệt. Con quỷ vui mừng trước thành công lớn. Khi thấy chiếc xe song mã đưa vị sứ giả vào trấn phủ, con quỷ liền biến ra sứ giả đánh xe trở về kinh thành.

Vào kinh, con quỷ càng lộng hành. Nó giả ra hết người này tới người kia. Giả quan để gièm siểm nhau. Giả vua để ban bố những sắc lệnh “trời ơi, đất hỡi”. Giả công chúa, giả hoàng hậu,… Cả triều đình sống trong sợ hãi, không ai dám tin ai. Một không khí đầy giả dối, lừa lọc, nghi kỵ bao phủ kinh thành.

Cuối cùng nhà vua ban chiếu, ai trừ được quỷ, vua sẽ nhường một nửa sơn hà. Tin tức loan ra, cả nước xôn xao. Nhiều dũng sĩ khắp nơi đều quy tụ về kinh xin đi diệt quỷ. Nhưng tất cả đều thất bại. Nhà vua càng ngày càng tuyệt vọng.

Ngày kia, có một anh chàng thi sĩ tên là Xê-muốc – người mang đàn đi hát khắp thế gian để đem niềm vui cho mọi người. Chàng đến kinh đô, hát cho vua. Tiếng hát thật hay, nhưng nhà vua không còn tâm trí nào nghe nữa. Biết nỗi lo của vua, Xê-muốc tình nguyện xin đi trừ quỷ. Vua và cả triều thần đều can ngăn, nhưng Xê-muốc vẫn nhất quyết ra đi.

Khi khảy đàn và cất tiếng hát, Xê-muốc dễ dàng nhận ra bản diện của quỷ. Bởi khi nghe tình ca, quỷ không hề rung cảm, ánh mắt nó cũng không biểu lộ sự hồn nhiên vui vẻ khi nghe những khúc hát dân gian. Không qua mặt Xê-muốc được, con quỷ chạy ra khỏi kinh thành. Xê-muốc lập tức cũng đuổi theo bén gót. Không thể hóa trang thành người được nữa, quỷ biến thành đồ vật. Nó hóa thành đống rơm, Xê-muốc nổi lửa đốt rơm. Nó ngụy trang thành đống đất, Xê-muốc dùng xẻng xúc đất lấp sông. Lập tức, nó biến thành sông khiến nước dâng ngập các cánh đồng. Xê-muốc kêu gọi dân làng khắp nơi đào kinh khơi lạch. Con quỷ thấy vậy liền biến thành ánh nắng thiêu đốt đồng lúa. Xê-muốc kêu gọi nông dân cùng nhau tưới lúa,…

Trong suốt mười năm, cuộc chiến giữa quỷ và Xê-muốc bất phân thắng bại. Nơi nào có quỷ, nơi đó có Xê-muốc. Cả hai như bóng với hình. Đến nỗi lắm lúc con quỷ có cảm tưởng Xê-muốc là bạn mà không hẳn là địch.

Một ngày kia, khi lang thang dọc bờ sông, Xê-muốc tình cờ gặp một cô gái đang giặt áo. Một cô gái xinh đẹp, hồn nhiên, và thơ ngây chưa từng thấy. Tự nhiên, Xê-muốc cảm thấy rung động, say đắm trước ánh mắt hiền dịu trong trắng của nàng. Xê-muốc bắt đầu khảy đàn, hát. Tiếng hát của chàng làm cô gái xao xuyến. Cả hai cùng trò chuyện và đi về làng. Nhưng dọc đường con quỷ đã nhân sơ hở bắt cóc nàng và tự biến thành cô gái. Gặp lại người yêu, nỗi vui mừng quá lớn khiến Xê-muốc không còn sáng suốt. Xê-muốc không nhận ra quỷ. Chàng nguyện sẽ đánh đổi tất cả chỉ để thấy nụ cười của người yêu. Cô gái (quỷ) bảo nhảy vào lửa. Không chút suy nghĩ, Xê-muốc đâm đầu vô lửa. Cô gái (quỷ) bảo, nhảy xuống nước. Không biết nông sâu, Xê-muốc lập tức nhảy ùm xuống sông,… Trước tình yêu, Xê-muốc ngoan như một con cừu. Bao nhiêu tài trí, thông minh, can trường, dũng cảm,… đều biến mất. Giờ đây, Xê-muốc đã là một Xê-muốc khác – một kẻ tầm thường, khờ khạo. Con quỷ thất vọng kinh khủng. Nó bám theo Xê-muốc đã mười năm, thế mà …

Cuối cùng, con quỷ quyết định bỏ đi. Bởi vì, nó nghiệm ra – “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó không cần có quỷ.”

Câu kết của bộ phim khiến tôi suy nghĩ mãi. Một câu bôi bác phụ nữ, đi ngược với khẩu hiệu bình đẳng của chế độ. Nhiều chỗ còn có ý châm biếm. Vậy mà cái tay biên kịch Liên Xô vẫn bình yên và bộ phim không bị cấm. Mà không phải chỉ có Xê-muốc. Đó là chưa kể những dòng “văn chương ngoài luồng”. Người viết ở Liên Xô, Đông Âu không tuyên truyền rẻ tiền như ở Việt Nam. Không có một người Nga nào làm thơ thương Stalin hơn cha mẹ, cũng không ai ca tụng ánh mắt Lenin sáng như sao …

Sau 35 năm đất nước hòa bình, 65 năm Đảng lãnh đạo, chế độ vẫn lăm lăm khẩu súng …

Báo chí, truyền thông, văn nghệ vẫn đi theo con đường một chiều của Đảng. Kinh tế thất bại, công nợ cao như núi, xã hội tham nhũng, tuổi trẻ sa đọa, trộm cướp như rươi … Đất nước đang đứng trước nguy cơ mất đất, mất biển. Giới cầm bút vẫn im thin thít. Họ ngoan như một bầy cừu.

Mới đây, đọc bài của Trung tướng Liu-Ya-Zhou (TQ) bàn về niềm tin và đạo đức, có đoạn nhắc tới trong thời Chiến tranh Trung-Nhật, 100 lính Nhật đã áp giải được 50 ngàn lính Trung Hoa tới Yên Tử Cơ để xử bắn. Tôi liên tưởng ngay tới giới cầm bút trong và ngoài Đảng, họ giống như những người lính bó tay chịu chết. Họ cố tình nhắm mắt bịt tai trước mọi hiểm họa của đất nước.

Cái gì đã khiến cho người ta phải chịu đựng như vậy? Chữ “Nhẫn” trong tinh thần Đông Phương? Tâm lý “nín thở qua sông”? Một sự tụt hậu với thế giới, ngây ngô với thời cuộc?

Trong bài tham luận “Chỉ có sự thật mới giải phóng con người, giải phóng văn học và đất nước” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, ông viết, “Đất nước Việt Nam chúng ta từ khi Đảng Cộng sản cầm quyền thì dần dần đi xa khỏi quỹ đạo của sự thật. Cứ đi mãi vào quỹ đạo của sự nói dối …. Cứ nói dối mãi thì xã hội đất nước làm sao mà tiến được? Một dân tộc dối trá là một dân tộc sẽ bị diệt vong.”

Một dân tộc sắp bị diệt vong thì làm sao có thể giữ nước?

Chúng ta đang cần một cuộc giải phóng như thế – Rất cần – Trước khi quá muộn.

Nguyễn Thị Thảo An


No comments:

Post a Comment