Saturday, September 11, 2010

Đối thoại? Đối đầu?

Phạm Hương Sơn chuyển ngữ

Đây là bài viết trả lời của ĐHY Giuse Trần Nhật Quân (nguyên giám mục Hong Kong) về bài viết của Cha Jeroom Heyndrickx [1]: “Đừng giết hại các ngôn sứ tại Trung Quốc. Họ là những Ricci Matteo ngày nay”.


Đức Hồng Y Joseph Zen (Giuse Trần Nhật Quân)

Ngày 8 Tháng 9 Năm 2010

Tôi ý thức được tôi là một người tội lỗi. Tôi không có mục đích đổ lỗi cho người khác. Nhưng tôi cũng không muốn phạm thêm một tội nữa vào trong số đã nhiều những tội lỗi của tôi, đó là làm một con chó câm khi nó phải sủa.

Cha Jeroom Heyndrickx đã một lần nữa viết một bài báo bắt đầu bằng những lời này:

“Chính sách mở cửa của Trung Quốc cho phép một Giáo hội Công giáo hoàn toàn trưởng thành phát triển”.

Sau khi đọc toàn bộ bài viết và cùng với môt luận văn khác dài hơn Một Cuộc Chạm Trán Mới giữa Giáo Hội Công Giáo và Trung Quốc [A New Encounter between Catholic Church and China (trong bộ Thắp Một Ngọn Nến của tuyển tập Collectanea Serica)], tôi có thể hiểu rằng các tiên tri được đặt ra trong vấn đề là những người Công giáo ở Trung Quốc đang đối thoại với chính phủ Trung Quốc và rằng những người muốn giết họ là những người đang khuyến khích họ chọn đối đầu thay vì đối thoại.

Tôi sợ rằng vị Cha già này đang đấu với một địch thủ tưởng tượng. Đâu là đối thoại? Đâu là đối đầu?

Cha Heyndrickx đã hưởng nhiều cơ hội để đối thoại: với những người bạn Công giáo của mình tại Trung Quốc, với ông Liu Bainian (Lưu Bá Niên) [2], với những nhân viên trong Chính phủ Trung Quốc, với các Tu Hội Truyền giáo cho Nhân Dân. Tuy nhiên, các giám mục của chúng tôi ở Trung Quốc có một mảy may cơ hội nào để đối thoại không? Giữa họ với nhau? Không! Chính phủ đã canh chừng chặt chẽ để ngăn ngừa họ làm như vậy. Với chính phủ? Chắc chắn là không! Họ chỉ được lắng nghe và tuân hành. Họ được ra lệnh để đi đến những nơi mà họ không biết. Họ được triệu tập tham gia các cuộc hội họp mà không biết chương trình nghị sự. Họ được đem cho các bài diễn văn để đọc mà họ đã không viết và thậm chí họ không được cho xem qua trước.

Chẳng lẽ Cha Jeroon không biết rằng các giám mục của chúng tôi, tôi muốn nói đến những GM trong cộng đồng chính thức (công khai), được đối xử như là nô lệ, hoặc thậm chí tệ hơn, như là đàn chó bị dắt bởi một sợi dây xích.

Trong thư của Đức Giáo Hoàng gửi cho Giáo Hội tại Trung Quốc điều đã nói tới là thẩm quyền của hội đồng giám mục đang bị làm nhục tại Trung Quốc (”phỉ báng – vilified”).

Và đối đầu? Ai đang đối đầu ai? Có thể nào nhìn bất kỳ phản ứng nào của một con chiên trước con sư tử là đối đầu ư? Nếu chúng ta bảo con chiên, “Escape” Chạy thoát đi! Thì chúng tôi đã phạm tội kích động để đối đầu ư?

Vị Cha già tốt lành của chúng ta, hiểu biết thực tại, thừa biết rằng ngày hôm nay vẫn còn đàn áp và sách nhiễu cho cả hai cộng đồng Giáo Hội (hầm trú và công khai) tại Trung Quốc. Như vậy, làm sao ông có thể nói, qua cách ông nói, như cách ông đang nói về một thế giới khác?

Đúng thật là các phương pháp khủng bố đã được cải tiến. Bây giờ các nạn nhân được mời đến dùng bữa tối, để tham quan du lịch, quà tặng được dội khắp trên từng người và tước vị danh dự (như được nâng lên làm thành viên của Quốc hội Nhân dân ở các cấp độ khác nhau).

Họ được nhiều hứa hẹn là lương tâm của họ sẽ được tôn trọng. Nhưng chúng ta thừa biết rằng trong chủ nghĩa Mác chính thống, hứa hẹn là vô nghĩa. Dối trá là phương tiện hợp pháp để đạt được thành công.

Trong những ngày gần đây chúng ta biết rằng họ đã thả Giám Mục Julius Jia Zhiguo ra khỏi nhà tù và rằng họ sẽ sớm làm điều tương tự với Đức Giám mục James Su Zhimin. Nhưng kế hoạch đàng sau là chính phủ sẽ ngay cả công nhận các vị là các giám mục, trong khi Tòa Thánh lại sẽ yêu cầu họ nghỉ hưu, để nhường chỗ cho một người kế vị được lựa chọn có “thỏa thuận (?!)”

Trong mọi trường hợp, kết quả cuối cùng sẽ là những gì được thực hiện là những gì đảng muốn.

Chúng tôi nói: “Điều Đảng muốn không phải là điều Đức Giáo Hoàng muốn”.

Chỉ bởi nói như vậy, chúng tôi bị kết tội đối đầu (guilty of confrontation). Tuy nhiên, do một “cơ may nào đó,” ngày nay, những gì đảng muốn lại có vẻ trùng hợp dễ dàng với những gì các Tu Hội Truyền giáo cho Nhân Dân muốn. Vì vậy, Alleluia! Mọi người nên vui vẻ hạnh phúc!

Cha Heyndrickx nói về những người Công Giáo “trưởng thành”. Những người Công giáo “trưởng thành” này cũng giống như các sứ giả của triều đình cũ. Họ không cần phải can đảm. Họ chẳng có nguy cơ mất mát bất cứ điều gì. Họ chỉ cần tinh lanh biết điều. Các sứ giả hiện đại của triều đình được hạnh phúc du hành trên các toa xe hoàng gia của Giáo Hội độc lập và thỉnh thoảng họ lại kêu to lên, “Vạn tuế Giáo hoàng!”

Các tiên tri thực sự, thay vào đó, lại là điều bất tiện (không chỉ riêng cho kẻ thù của họ) và họ bị loại bỏ, hoặc, như cách dùng từ của Cha Heyndrickx, “giết chết”. Nhưng họ không sợ. Họ sẵn sàng cho điều đó. Tuy nhiên, điều đáng buồn là những người đó, anh em của chúng ta trong cộng đoàn hầm trú, những người đã sống sót lâu như vậy bất chấp những nỗ lực của kẻ thù, giờ đây lại chết bởi bàn tay của anh em của mình. *(cf. Em Ngươi Đâu? – Pascal also, Họ giết Cha rồi, bằng nhát kiếm sau lưng – Tôma Thùy Nhân)

Cha Jeroom cũng thẳng thắn đủ để nói rằng người anh em của chúng ta tại Trung Quốc phải thực hành đức tin “trong hệ thống hiện tại” của Trung Quốc, rằng họ bắt buộc phải được “hội nhập tốt vào trong xã hội Trung Quốc xã hội chủ nghĩa của ngày hôm nay”. Tôi hy vọng ông hiểu rằng điều này có nghĩa là trở nên thành phần của một Giáo Hội độc lập. Thật không may, anh em của chúng tôi ở Trung Quốc không đối mặt, như Matteo Ricci, với một hoàng đế khoan dung, nhưng là một chế độ muốn kiểm soát luôn cả lương tâm của người dân.

Đức Giáo Hoàng đã thường được nhắc đến bởi Cha Heyndrickx, như thể ông ở cùng phía với Đức Giáo Hoàng hay là Đức Giáo Hoàng cũng ở về phía của ông. Hầu như điếu này đối với tôi (có thể tôi đã phán đoán khắt khe quá chăng?), vừa là đạo đức giả và vừa là bất kính.

Cha Jeroom quả là đạo đức giả, bởi vì ông, với tánh lãnh đạm đáng ngạc nhiên, đã chỉ trích gay gắt tất cả các Giáo hoàng gần đây trong bài viết dài của mình trong bộ Thắp Một Ngọn Nến. Tôi không nghĩ là ông có một sự kính trọng cao về quyền bính của giáo hoàng.

Cha Jeroom quả là bất kính vì ông đã làm cho Đức Giáo Hoàng đồng lõa với mình bằng cách chọn lọc những văn từ trong thư của Đức Giáo Hoàng:

Ông đề cập rằng Đức Giáo Hoàng đã để cho cá nhân các giám mục hầm trú tự quyết định có nên tìm kiếm sự công nhận của chính phủ hay không, nhưng ông đã bỏ qua sự khuyến cáo nghiêm trọng khi Đức Giáo hoàng nói rằng “không chỉ trong một vài trường hợp đặc biệt, tuy nhiên, thật vậy, hầu như luôn luôn, trong quá trình của việc công nhận, sự can thiệp của các cơ quan nhất định buộc những người liên hệ phải chấp nhận những thái độ, hoặc tỏ ra các cử chỉ, và thực hiện các cam kết trái ngược với các đòi buộc lương tâm của người Công Giáo“ (số 7).

Ông trích dẫn từ đoạn cuối cùng của Phần số 4 trong Thư của Đức Giáo Hoàng, nơi nói nói rằng “giải pháp cho các vấn đề hiện tại không thể theo đuổi thông qua một cuộc xung đột đang diễn ra với chính quyền hợp pháp dân sự,” nhưng ông bỏ qua những gì sau đó: “đồng thời, tuy vậy, tuân thủ với nhà cầm quyền không chấp nhận được khi họ can thiệp một cách vô lối trong các vấn đề về đức tin và kỷ luật của Giáo Hội. ”

Thật là khó hiểu cho tôi là làm cách nào mà Cha Heyndrickx có thể bỏ qua một trích đoạn mang tính chỉ thị từ Bức Thư của Đức Giáo Hoàng liên quan sâu sắc đến bạn bè của ông. Đức Giáo Hoàng, trong số 8 đoạn 11 của Bức Thư của ngài, nói: “Thật không may, … một số giám mục đã được hợp pháp hoá lại đã không cống hiến bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào để chứng minh rằng họ đã được hợp pháp hoá. Vì lý do này, điều không thể thiếu được, và vì lợi ích tinh thần tốt đẹp cho các cộng đồng giáo phận liên quan, là các giám mục đã được hợp pháp hoá phải cống hiến và gia tăng các dấu hiệu hiệp thông đầy đủ không nhầm lẫn được với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô.”

Trong kết luận, tôi xin đặt câu hỏi cho tất cả những người biết thực trạng của Trung Quốc ngày nay phải chăng cái gọi là “Chính Sách Cởi Mở – Open Policy” cũng có nghĩa là có một sự thay đổi thực sự trong chính sách tôn giáo.

Tôi sợ rằng Cha Jeroom có thể nói “có”. Tôi cảm thấy bắt buộc phải nói “không.”

Thật là rất buồn cho tôi để phải bất đồng ý với người bạn cũ của mình, một người yêu mến Trung Quốc chân thành, trên một điểm quan trọng như vậy.

Tôi dám cho rằng vấn đề của Cha Jeroom là ông ấy đã quá mực ưu ái với những thành công của ông – và những thành công rất nhiều và tất cả chúng ta đã hoan nghênh vào lúc đó.

Nhưng bây giờ chúng ta có thể thấy là tai hại biết chừng nào các phản ứng phụ của những sáng kiến thành công đó đã ngày càng tạo thêm nhiều uy tín hơn nữa cho ông Lưu Bách Niên (Liu Bainian) và các giám mục của chúng ta lại ngày càng trở thành nô lệ nhiều hơn nữa trong tiến trình này.

Hãy làm ơn, lạy Cha, hãy dừng lại và lắng nghe nhiều người anh em, những người đã đánh giá cao những gì ngài đã làm trong quá khứ và bây giờ họ đang van xin ngài thay đổi chiến lược.

Bức Thư của Đức Giáo Hoàng gửi cho Giáo Hội tại Trung Quốc phải phát tín hiệu khởi đầu của một kỷ nguyên mới của những mong muốn xác thực và chân thành theo hướng đi tới bình thường hóa thực sự theo tín điều giáo hội học Công giáo và những thực hành phổ quát của Giáo Hội trên toàn thế giới.

Vào ngày mà 55 năm trước (vào đêm 8 Tháng Chín 1955, Lễ Sinh Nhật Đức Maria), chế độ cộng sản đã tung ra chính sách khủng bố Giáo Hội trên quy mô lớn, bằng cách bắt giữ trong chưa đầy một tháng, hơn một ngàn người Công giáo tại Thượng Hải.

Hôm nay, chúng tôi vẫn còn tràn đầy niềm tin rằng Đức Mẹ có một kế hoạch cho sự giải thoát của chúng ta. Nhưng trong khi chờ đợi chúng ta phải sẵn sàng để mất tất cả, như Chân Phước Mẹ Teresa nói, “Thiên Chúa muốn chúng ta trung thành, chứ không phải thành công”, và như Đức Giáo Hoàng đã nói nhiều lần đến Giáo Hội bị đàn áp, “ngay cả khi mà tất cả mọi thứ trong hiện tại có vẻ là một thất bại, sự đau khổ vì đức tin của chúng ta chắc chắn sẽ mang lại chiến thắng cho Giáo Hội“.

Tôi hy vọng Fr. Jeroom Heyndrickx có thể đồng ý với tôi về điều này.

Cardinal Joseph Zen
Phạm Hương Sơn chuyển ngữ

Ghi chú:

* Xin xem thêm Em Ngươi Đâu? – Pascal Ofm và Họ giết Cha rồi, bằng nhát kiếm sau lưng – Tôma Thùy Nhân

[1] Linh mục Jeroom Heyndrickx, một nhà truyền giáo người Bỉ 79 tuổi, là người sáng lập Học viện Mục vụ Đài Loan và là giám đốc sáng lập của Quỹ Ferdinand Verbiest, Trường Đại học Công giáo Leuven, Bỉ. Cha là một nhà Hán học giảng dạy tại các trường đại học Trung Quốc, đã vun đắp cho mối quan hệ giữa các thành viên của Giáo hội chính thức (hầm trú) với Hiệp hội Công giáo Ái Quốc Trung Hoa (của chính quyền).

[2] Liu Bai Nian là phó chủ tịch Hiệp hội Công giáo Ái Quốc Trung Hoa.

****
    EM NGƯƠI ĐÂU ?
Linh Mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm

Một cảm giác khó tả

Cuối cùng thì hôm nay 22-04-2010, Toà Thánh Vatican đã chính thức loan tin: đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, giám mục Đàlạt, đương kim Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã được Toà Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Phó Hà Nội với quyền kế vị. Chuyện thay thế Đức Tổng Giám Mục Giu-se Ngô Quang Kiệt chỉ là vấn đề thời gian. Bất cứ ai theo dõi tin tức trên mạng trong những tháng gần đây, đều đã được chuẩn bị để đón nhận thông tin này, nên nói là ngạc nhiên thì không đúng. Tuy vậy, bản thân tôi vẫn cảm thấy một cái gì vừa ngột ngạt vừa đăng đắng trong cổ họng. Tôi chợt nhớ đến hình ảnh chiếc xe tăng T54 cách đây 35 năm đã húc vào cổng Dinh Độc Lập Sài-gòn, và bỗng có cảm tưởng chiếc xe tăng đó hôm nay đang húc vào Cổng Toà Tổng Giám Mục Hà Nội. Xin ghi lại sau đây mấy suy nghĩ từ biến cố mới được Toà Thánh loan báo trên đây.

“Vì lý do sức khoẻ”

Nay thì đã rõ là Đức Tổng Kiệt đã nộp đơn lên Toà Thánh xin từ chức “vì lý do sức khoẻ”. Được biết: từ hơn một năm rồi, ngài bị mất ngủ triền miên. Từ đó dẫn đến suy nhược. Và khi thấy không còn có đủ sức khoẻ thể xác và tinh thần để chu toàn trách nhiệm, một trách nhiệm hết sức nặng nề, trong một tình huống muôn phần khó khăn, thì xin từ chức là việc làm hợp lý của người có ý thức trách nhiệm.

Thế nhưng không ai tìm hiểu vấn đề mà không đối mặt với câu hỏi: Đành rằng suy nhược là do mất ngủ, nhưng mất ngủ do đâu? Khỏi cần nhắc lại những năm làm giám mục Lạng Sơn, trên một địa bàn mênh mông bát ngát, một giáo phận không Toà Giám Mục, không chủng viện, rong ruổi hết xứ đạo này tới xứ đạo khác, một mình vừa làm cha xứ, vừa làm giáo lý viên kiêm ca trưởng, kiêm luôn chức ông từ kéo chuông, con người đó không hề biết mệt. Vấn đề sức khoẻ cũng không được đặt ra khi ngài về nhận chức Tổng Giám Mục Hà Nội năm 2005. Ngay trong giai đoạn nổ ra vụ Toà Khâm Sứ, Thái Hà, ta dễ đoán tình trạng căng thẳng ngài phải gánh chịu, thế nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy sức khoẻ của ngài có vấn đề. Qua đoạn băng vidéo ghi lại cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Toà Tổng Giám Mục Hà Nội với lãnh đạo Thành phố tại trụ sở UBND/HN ngày 21-09-2008 ta thấy một Đức Tổng Kiệt trẻ trung, lanh lợi, đầy sức sống, ăn nói hoạt bát, phong thái tự tin. Tại đây ngài đã có lời tuyên bố chắc nịch: “Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là ân huệ xin – cho”. Trong một xã hội bình thường thì khẳng định trên đây chẳng có gì là độc đáo đáng cho ta để ý. Nhưng trong chế độ độc tài toàn trị, thì lời tuyên bố này có thể ví như một quả bom. Đó chính là lý do khiến chính quyền cộng sản Hà Nội lồng lộn lên, và từ đó tìm đủ mọi cách để triệt hạ người đã to gan dám đụng tới quyền lực họ đang nắm trong tay.

Đẩy ra khỏi địa bàn Hà Nội

Tiếp theo sau lời tuyên bố của Đức Tổng Kiệt là cả một chiến dịch nhằm triệt hạ uy tín của ngài qua các phương tiện thông tin tuyên truyền của Hà Nội, mà cao điểm hẳn là những gì đã diễn ra tại Đền Thánh Giê-ra-đô Thái Hà đêm 21-09-2008: Một đám người điên loạn, nay được gọi cách trân trọng là “quần chúng tự phát”, tay đập phá tường rào, miệng gào thét “Giết Tổng Giám Mục Kiệt!” Tiếp đến là một việc làm văn minh hơn, đó là văn thư ông Chủ Tịch UBND/Tp. Hà Nội gửi Đức Cha Chủ Tịch HĐGM/VN tố cáo Đức Tổng Kiệt gây xáo trộn xã hội, và đề nghị thuyên chuyển ngài khỏi địa bàn Tp. Hà Nội (xem phụ lục 1). Và ngay sau đó, Đức Cha Chủ tịch HĐGM/VN đã có văn thư trả lời (xem phụ lục 2). Điều đáng ngạc nhiên chính là văn thư trả lời của HĐGM/VN.

Cùng phản đối cơ chế xin – cho

Ở đây tôi chỉ nói đến một điểm mà hình như cho đến giờ này ít ai (hay chưa có người) bàn tới, đó là điểm tương đồng giữa lời tuyên bố của Đức Tổng Kiệt với Thư Ngỏ HĐGM/VN gửi Quốc hội và các cơ quan lập pháp tiếp theo sau đại hội các giám mục năm 2002, mà nội dung căn bản là phản bác cơ chế xin – cho (xem phụ lục 3). Đọc lá Thư ngỏ này, ta có cảm tưởng như đang chứng kiến cảnh một thiên thạch rớt xuống địa cầu. Là vì trong một chế độ độc tài mà lại phản bác cơ chế xin – cho thì có khác gì nói lời tuyên chiến! Và ngay tại Sài-gòn thì Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã trân trọng gửi văn kiện đó cho ông Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Tp. HCM sau khi đã gửi cho Đại hội những người Công Giáo Việt Nam Nam xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc lần IV. Thế thì khi phản bác cơ chế xin – cho tại trụ sở UBND Tp Hà Nội, Đức Tổng Kiệt không làm gì khác hơn là lặp lại lập trường của HĐGM/VN qua Thư ngỏ 2002 vừa nói. Chính vì vậy mà trong văn thư trả lời Chủ tịch UBND Tp. HN, lẽ ra HĐGM/VN phải minh định là khi phản bác cơ chế xin – cho, Đức Tổng Kiệt đã phản ánh hoàn toàn đúng lập trường của HĐGM/VN, và do đó HĐGM/VN mạnh mẽ ủng hộ lời tuyên bố của Đức Tổng Kiệt. Thế nhưng việc này đã không xảy ra.

Thư ngỏ 2002 có còn giá trị?

Nay nhắc lại việc này, thiết tưởng HĐGM/VN cần soi sáng cho công luận biết: HĐGM/VN có còn giữ nguyên lập trường phản bác cơ chế xin – cho đã được minh định trong Thư ngỏ 2002 không? Nếu có, tại sao không công khai hỗ trợ Đức Tổng Kiệt? Nếu không, có phải vì đó là một lập trường sai lầm, và sai lầm ở những điểm nào? Bao lâu công luận chưa được soi sáng, thì những chuyện ngờ vực hay hiểu lầm là không tránh khỏi.

Lẻ loi đơn độc

Trở lại với văn thư Đức Cha Chủ Tịch HĐGM/VN trả lời Chủ tịch UBND/Tp. Hà Nội kèm theo bản “Quan điểm”, ta dễ dàng nhận ra vị trí của Đức Tổng Kiệt trong HĐGM/VN. Trước những lời kết án của Chủ tịch UBND/Tp Hà Nội thì HĐGM/VN khẳng định: Đức Tổng Kiệt đã không làm gì trái giáo luật. Và trong khi Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, qua vụ Toà Khâm Sứ – Thái Hà, tranh đấu cho công lý hoà bình, thì văn thư của HĐGM/VN xem đó chỉ là chuyện đòi đất. Văn thư đó như lằn ranh phân chia một bên là Đức Tổng Giám Mục Hà Nội và bên kia là các vị khác trong HĐGM/VN. Đọc văn thư đó, ta thấy được Đức Tổng Kiệt lẻ loi đơn độc như thế nào ngay trong hàng ngũ anh em giám mục của mình. Và theo tôi, đây mới là nguyên nhân của căn bệnh mất ngủ triền miên dẫn đến suy nhược. Cuối cùng Đức Cha Kiệt đã đệ đơn xin từ chức Tổng Giám Mục Hà Nội, và nay đã có Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị; theo nhiều nguồn tin khá thông thạo, thì việc chuyển ngôi sẽ không còn xa.

San_juan_Wood_Sculture_By_Santiago_MartinezHình trái: Đầu của Thánh Gioan Tẩy Giả, Tượng gỗ của Santiago Martinez

Trước việc chuyển ngôi tại Toà Tổng Giám Mục Hà Nội, hẳn không có ai hả hê đắc chí bằng chính quyền cộng sản Hà Nội. Nhân dịp mừng Ngàn năm Thăng Long, thiết tưởng đây là món quà quý giá nhất từ phía Giáo Hội Công Giáo. Tôi chợt nghĩ đến tiệc mừng sinh nhật của Hê-rô-đê mà món quà không phải gì khác hơn là cái đầu của Gio-an Tẩy Giả (Mc 6,27).

Những người thừa kế các Tông Đồ

Lúc này đang là Mùa Phục Sinh. Sách Công vụ Tông Đồ đọc mỗi ngày trong Thánh Lễ cho chúng ta thấy các Tông Đồ sau biến cố Phục Sinh, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, đã thay đổi như thế nào. Trong cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, một người đã chối Chúa (mà lại là thủ lãnh!), số còn lại thì bỏ Chúa, và với cái chết nhục nhằn thê thảm trên thập giá, cuộc đời Đức Giê-su đã kết thúc trong thất bại ê chề. Nhưng biến cố Phục Sinh đã thay đổi tất cả. Những con người hèn nhát, nay không còn sợ hãi, những con người vốn không chữ nghĩa, xuất thân từ giới bình dân, nay công khai tranh luận với các kinh sư chữ nghĩa cùng mình. Khi đối mặt với nhà cầm quyền, các ông đã khẳng khái tuyên bố: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Nay trước bao nhiêu vấn đề xã hội: bất công, tham nhũng, phá thai, buôn người, nhường đất nhường biển cho ngoại bang, tất cả gói gọn trong một thứ tội tổ tông là độc tài đảng trị, thì sự thinh lặng cũng như thái độ ngoan ngoãn của các giám mục Việt Nam đối với nhà cầm quyền, không theo khuôn vàng thước ngọc của các Tông Đồ ngày xưa: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”. Và cũng từ đây ta hiểu được tại sao cộng đoàn tín hữu Công Giáo Hà Nội, linh mục, tu sĩ cũng như giáo dân, đã hết lòng trìu mến, thiết tha gắn bó với vị mục tử quyết tình noi gương Chúa Giê-su, vị mục tử sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đoàn chiên: Đức Cha Giu-se Ngô Quang Kiệt.

Kết luận: Em ngươi đâu ?

Bổ nhiệm giám mục là quyền tuyệt đối của Đức Giáo Hoàng. Nguyên tắc là như vậy. Thế nhưng trong một nước cộng sản như Việt Nam, thì mọi chuyện không đơn giản như thế. Ai cũng biết lập trường của chính quyền Hà Nội là bằng mọi giá phải thuyên chuyển Đức Tổng Kiệt khỏi địa bàn Hà Nội. Nay việc đó đang diễn ra. Chính quyền cộng sản đã dùng những biện pháp nào, qua những trung gian nào để tác động lên Toà Thánh Vatican và các giám mục thì không ai biết. Trong tư cách là tín hữu Chúa Ki-tô trên đất nước Việt Nam hôm nay, ta chỉ có thể cầu xin cho người sẽ thay thế Đức Tổng Kiệt, được bình an thanh thản vì chỉ vâng lời Đức Thánh Cha để chu toàn một trách nhiệm muôn phần khó khăn nặng nề, và đã không làm bất cứ điều gì để phải đối mặt với câu hỏi xưa Chúa đã hỏi Ca-in: “Em ngươi đâu ?” (St 4,9)

Sài-gòn, ngày 22 tháng 04 năm 2010
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
pascaltinh@gmail.com

Phụ lục 1: Thư của Nguyễn Thế Thảo gởi HĐGMVN


Phụ lục 2: Thư phúc đáp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam


Phụ lục 3: Thư Ngỏ Của Các Giám Mục Việt Nam




No comments:

Post a Comment