Monday, August 30, 2010

Ngàn năm Thăng Long hay Ngàn năm nô lệ - Phan Văn Song

Phan Văn Song

1. Ngàn năm Thăng Long, trò chơi mới của Đảng Cộng sản VN ?

Tôi đã tự hứa là từ nay tôi không theo dõi tình hình thời sự ở Việt nam Cộng sản nữa; tôi không để ý và sẽ mặc kệ những vung vít màu mè của Đảng Cộng sản Việt nam Hà nội. Tôi đã tự hứa từ nay không biết đến và mặc kệ những … Đại hội Đảng, lần nầy là lần thứ mấy ? tôi không cần biết, vì những sinh hoạt ấy không phải là sinh hoạt của toàn người dân Việt nam. Tôi đã tự hứa mặc kệ không cần biết tên tuổi chức tước những tay cán bộ của Nhà nước, Quốc hội hay của Đảng Cộng sản Việt nam. Tôi đã tự hứa từ nay không động lòng, đau khổ, … không giận hờn khi những tay đương quyền tuyên bố đàn áp dân lành, và cũng không mừng rỡ, không hân hoan khi một anh cựu cán bộ về hưu, hay một anh cựu tướng về vườn chỉ trích phê bình chế độ, vì đàn áp, công an trị, là chuyện bình thường của một chế độ độc tài, và những chỉ trích đối kháng kia, đều là giả tạo, tất cả đều là giả dối, chỉ là cái súp-páp để hạ hơi một nồi đầy tức tối và oan ức sắp bùng nổ. Tôi cũng đã tự hứa, từ nay, không để ý đến những vai trò quốc tế của Việt Nam như chủ tịch ASEAN,.. APEC … hay ngay cả những lễ lạc, như lễ Quốc tổ và ngày nay lễ … kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long do Đảng Cộng sản Việt nam tổ chức, tất cả là màu mè, tất cả chỉ là biểu diễn, và …. biết rồi khổ lắm nói mãi!!

Cái quan trọng là do người dân Việt nam trong nước có phản đối không ? Hay vẫn dững dưng chạy theo miếng ăn hằng ngày, người giàu có, nhờ phe phái, ngày áp-phe, tối ăn nhậu, người lao động nghèo đói ngày chạy gạo, tối chạy cơm, báo chí trăm tờ thì viết ra chỉ một giọng cường điệu, láo lếu nâng bi, radio truyền hình thì chỉ rao bán tin vịt do Đảng chỉ đạo … Người đối kháng, dân chủ ? có đấy, nhưng lèo tèo vài bạn; kẻ phản tỉnh ? cựu đảng viên ? cựu quân đội ? cũng có đấy, nhưng chỉ lẻ tẻ vài người, …vài hàng can ngăn, đôi chữ can gián; lèo tèo hai ông tướng về hưu, lẻ tẻ ba ông đại tá về chiều, nói cho có nói, la cho có la … Vì sao có kẻ nói bị mang tội là phản quốc, vì sao có người nói lại cho là xây dựng ? Nói cỡ nào bị bắt ?, nói cỡ nào ở tù ? , nói cỡ nào là phản quốc ?, nói cỡ nào là phê bình xây dựng ? không ai biết, không một luật sư nào đo lường, bảo vệ, bào chữa … Một quốc gia vô tổ chức, không luật lệ, không tôn trọng luật lệ, có người ra tòa, công an dùng tay bịt miệng (Linh mục Nguyễn Văn Lý), kẻ blogger xử dụng mạng vi tính, bị công an dùng hệ thống Tin tặc phá mạng bịt mồm (Tướng Công An Vũ Hải Triều hãnh diện tuyên bố phá tan 3000 blogs và bắt giam nhiều bloggers). Một quốc gia điều khiển bởi những tay côn đồ với những bằng cấp dỏm, với những chức vụ mua, với những quân hàm phe đảng, tự biên tự diễn. Người ta nói với tôi rằng bằng cấp dỏm bên Việt nam là do các Đại học nước ngoài (ở Mỹ) dỏm bán đấy ! ! !

Lại đổ thừa nước ngoài ! Lại lỗi tại đế quốc Mỹ !

Việc gì phải mua nước ngoài cho tốn tiền, Đảng Cộng sản Việt nam đủ tài đủ sức tự tạo ra một Đại học và tự trao hay bán cho những đảng viên những bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ !. Người ngoại quốc, qua lại liên hệ thương mại hay ngoại giao với người Việt nam Cộng sản, vẫn tiếp tục đọc những học vị như Doctor, hay Professor để gọi các vị Thạc sĩ hay Tiến sĩ Việt nam, vì đó là những chữ đã được in trên danh thiếp … còn cái dỏm hay không là việc của người Việt nam cộng sản … người ngoại quốc chỉ lo cái phần thương mại hay ngoại giao xem họ có lợi hay không ? Và cuối cùng … cái Dỏm nay đã biến thành cái Thiệt rồi ! Phải chăng Lê Nin, thầy của Đảng Cộng sản quốc tế đã dạy các đàn em rằng: «cứ tiếp thục nói láo, nói mãi, nói hoài, cái láo cái dỏm sẽ thành cái thiệt» ?

Vì vậy, tôi đã tự hứa là không thèm nói đến Đảng Cộng sản Việt nam nữa ! Nói làm gì khi trong một đất nước do người Cộng sản cai trị, chưa bao giờ người lao động, người nông dân, người ngư phủ, giới dân nghèo Việt nam bị chèn, bị ép như vậy ! ! Lao động thì đồng lương dưới mức tối thiểu là 2 dollars một ngày, và 1/3 dân số Việt nam sống dưới mức nghèo tuyệt đối là 1 dollar một ngày (theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc). Sống cạnh bờ biển, người ngư phủ Việt nam đã bị Hải quân Tàu Cộng cấm không cho ra biển đánh cá, vì biển Đông hải Việt nam nay đã biến thành biển Nam Hoa hải (Mer de Chine du Sud). Sống vùng cao nguyên, người sơn cước Việt nam không còn được khai thác rừng núi, lâm sản, khoáng sản vì cả ngàn héc ta rừng cao nguyên Việt nam nay đã bị Tàu Cộng thuê mướn và sở hữu chủ khai thác: trồng bạch đàn cho kỹ nghệ giấy Tàu, khai thác Bô xít cho kỹ nghệ nhôm Tàu …. Và như thế, chỉ trên vài năm sau, đất đai vùng cao nguyên toàn đất nước Việt nam sẽ khô cằn. Sống ở đồng bằng sông Hồng, hay sông Cửu Long, người nông dân Việt nam không còn làm chủ của những cơn nước lớn nhỏ hay những ngọn thủy triều cao thấp nữa, vì thượng nguồn sông Hồng và sông Cửu Long bên kia biên giới đã bị Tàu Cộng cho xây bừa bãi những đập thủy điện, ngăn chận giòng nước và đất lắng đọng (sédiments) mầu mỡ phì nhiêu của hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long (ngày nay nước phèn đã vào sâu vào miền Hậu giang, nước mặn đã lên tận miệt vườn).

Sáng hôm nay, nhân đọc bài tản mạn của bạn Mai Thanh Truyết, tôi rùng mình khi bạn Truyết cho biết (vì tôi hoàn toàn không biết, vì quá vô tình hay thờ ơ !) là ngày lễ kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long là ngày 1 tháng 10 năm 2010 nầy, trùng ngày với ngày Quốc khánh Tàu Cộng, và kinh phí cho buổi lễ là 94 ngàn tỷ Đồng Việt Nam (VNExpress) tương đương với 4,5 tỷ Mỹ kim (1tỷ Đồng # US$50.000). Với một kinh phí tương đương gần 10% ngân sách quốc gia chỉ để cho “lễ hội”. Quả thật Việt Nam quá sang trọng và chịu chơi ! ! Tôi thật ngao ngán, trong một thời kỳ củi châu gạo quế đang trên đà khủng hoảng kinh tế mà dùng 10 % ngân khỏan quốc gia để làm một cái lễ kỷ niệm.

Mà kỷ niệm cái gì ?

Khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, là để đánh dấu một kỷ nguyên mới, để nói rằng: một ngàn năm đô hộ của Tàu đã qua, thời gian tranh tối tranh sáng từ tranh chấp sứ quân đến học đòi quân chủ đã qua; bắt đầu từ đấy (năm 1010) dời đô từ Hoa lư chật hẹp đến Thăng Long rộng mở là để đánh dấu một nền tự chủ của dân tộc Việt, và bắt đầu từ đấy là sự trưởng thành của nền quân chủ đầy Việt tánh … Từ một Hoa lư hiểm trở, bao bọc bởi những sưởn núi, thoát ra Thăng Long mở rộng quang đảng, nằm giữa sông Hồng, trên một đồng bằng rộng rãi.

Sau một ngàn năm đen tối, Hán thuộc, dời đô từ Hoa Lư đến Thăng Long là đánh dấu mở đầu một thời đại mới, thời đại tự chủ. Một kỷ nguyên mới, với những thăng trầm, Đinh Lê Lý Trần Lê Nguyễn,… từ Tống đến Thanh qua Nguyên và Minh hay Thanh, mỗi triều đại Trung Hoa, dù người Hán tộc, Mông cổ hay Mãn thanh, mỗi thời kỳ đều có thử sức, có khi một lần, có khi nhiều lần, đem đại binh qua quyết chinh phục nước Việt ta. Những vào mỗi thời đại quân đội Tàu đều gặp những anh hùng Việt nam đánh cho tời bời vứt giáo, cởi giáp chạy về Bắc. Từ ngày Ngô Quyền giết tướng Nam Hán là Hoàng Thao trên sông Bạch Đằng (939), rồi như cái lệ, từ Lê Đại Hành phạt Tống (981) xưng Vương, rồi Lý thường Kiệt tướng nhà Lý, hai năm đánh Tống (1075-1077) đến Trần Hưng Đạo tướng nhà Trần ba lần bình Nguyên (1258, 1284-1285, 1287), rồi Lê Lợi (1418-1427) mười năm kháng quân Minh phục quốc, và Hoàng đế Quang Trung (1789), chỉ một trận huy hoàng dẹp quân Thanh, ... bao chiến thắng của bao anh hùng phương Nam đại phá Bắc quân giữ bờ cõi non sông cho dân tộc Việt, cho đất nước Việt. Có những cuộc chiến chậm chạp dai dẳng, như Trần Hưng Đạo phải ba lần ra quân, giặc Nguyên mới từ bỏ, có những cuộc chiến dài đăng đẳng phải gần mười năm kháng chiến nằm gai nếm mật, Lê Lợi mới đuổi được quân Minh, nhưng cũng có cuộc chiến chớp nhoáng chỉ trong vài ngày là phá tan quân thù như Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, chỉ cần năm ngày đuổi quân Thanh vế bên kia biên giới.

Kỷ niệm ? Phải, nhưng phải kỷ niệm những lần đại thắng quân Tàu xâm lược.

Kỷ niệm ? Phải, nhưng phải kỷ niệm những lần toàn dân đoàn kết trước mọi ngoại xâm.

Kỷ niệm ? Phải, nhưng phải kỷ niệm sau một ngàn năm thăng trầm nhưng vẫn giữ được tinh thần dân tộc, con người và văn hóa Việt nam. Vì mặc dù sau 200 năm Trịnh Nguyễn phân tranh, sau gần 100 năm Pháp thuộc, sau 70 năm Cộng sản cầm quyền Thăng Long, ngày nay Hà nội vẫn còn giữ được sắc thái Việt Nam và cả nước Việt nam vẫn còn nói chung một ngôn ngữ.

Nhưng sau ngày 1 tháng 10 năm 2010 ?

Có còn chắc Hà nội vẫn còn là Thăng Long không ?

Người dân Việt nam ở Hà nội còn mãi mãi là người Việt nam không ?

Và đất nước Việt nam ? và giang sơn Việt nam ? mãi mãi vẫn còn là Việt nam ? Khi 1/3 biên giới không còn nữa : Thác Bản Giốc ? Ải Nam Quan ? Hoàng sa, Trường sa ? khi những khu rừng trên Cao nguyên đã bị người «lạ» mướn ở, khi những vùng … những vùng … làm sao dân biết cho hết, làm sao kiểm soát được những ai thực sự là chủ nhơn đất nước Việt nam ngày nay !! Ta hay Tàu ?

2. Dân tộc sanh tồn:
    Nam quốc sơn hà Nam đế cư
    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư


Anh hùng Lý thường kiệt đã nhận định như vậy, trước khi đánh tan quân nhà Tống bên bờ sông Như Nguyệt (năm 1075). Đó là bản tuyên bố độc lập và chủ quyền của dân tộc Việt đầu tiên của lịch sử Việt nam. Lời tuyên bố khảng định:

Đây là không gian sanh tồn của dân Nam: Đất Nam do Vua nước Nam trị. Từ đời nhà Lý, từ nay, từ ngày dời đô ra Thăng Long, dân tộc Việt đã khẳng định rằng: chúng ta là dân nước Đại Cồ Việt (Năm 968, Vua Đinh Tiên Hoàng sau khi dẹp tan nạn sứ quân, thống nhứt đất nước, lên ngôi, đặt tên nước là Đại Cồ Việt), khác hẳn với dân Hán, bên Tàu, phía Bắc rồi. Năm 1054, Vua Lý Thánh Tôn đổi tên nước là Đại Việt. Và từ đấy, nước ta tuy có những tên gọi Việt nam (Gia Long – 1804 và ngày nay) hay Đại Nam (Minh Mạng -1828) nhưng không bao giờ chúng ta nhận chúng ta là người An Nam cả, như các triều đình Tàu muốn. Bài thơ của Đại tướng Lý Thường Kiệt, khi đã bình Tống đã nói đến Chủ quyền của Vua và dân Việt, đã khẳng định không gian Sanh tồn của dân tộc Việt.

Đến năm 1427 sau khi đã chém đầu Liểu Thăng, đánh bại quân Minh ở Chi Lăng, đuổi quân nhà Minh về Tàu. Nguyễn Trải bằng bài Bình Ngô đại cáo, tuyên bố một lần nữa chủ quyền của Vua tôi đất Việt, và khẳng định không gian sanh tồn của dân tộc Việt, khác với không gian sanh tồn của dân tộc Hán.
….
    Như nước Đại Việt ta từ trước,
    Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
    Nước non bờ cỏi đã chia,
    Phong tục Bắc Nam cũng khác;
    Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần
    Bao đời xây nền độc lập;
    Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên
    Mỗi bên hùng cứ một phương;
    Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
    Song hào kiệt thời nào cũng có
...

3. Để kết luận:


Và ngày hôm nay, trong không khí bán nước, dâng đất dâng biển dâng hải đảo bán núi rừng cho Tàu, người dân Việt nam phải tỉnh dậy và đứng lên.

Phải chăng đã đến lúc người dân cần phải đứng lên để tự cứu lấy mình ?

Bạn Mai Thanh Truyết đã đặt câu hỏi nầy !

Tôi xin nói thêm, cả người dân Việt nam ở hải ngoại cũng như ở quốc nội.

Và tôi cũng cùng chung bạn Mai Thanh Truyết cùng nhận xét và kết luận:

Ngàn năm Thăng Long sắp đến không phải để đánh dấu mối vinh quang của dân tộc mà là một dấu ấn, chuẩn bị cho chính sách đô hộ lần thứ 5 của giặc Tàu, tiếp nối ngàn năm Việt Nam bị Tàu đô hộ trong quá khứ.

Từ nay, nếu để người tàu Quảng đông gặp người Việt chúng ta không còn gọi chúng ta là “Dế Nản dành” nữa mà là “Thòn dành” thì ôi thôi, tôi nghiệp cho người Việt chúng ta lắm ! (Dế Nản dành = Việt Nam nhân = người VN, Thòn dành = Đường Nhân, người Đường, người Tàu).

Và cũng thừa cơ hội, xin gởi quý bạn đọc một thành ngữ quen thuộc bằng tiếng quảng đông, chúng tôi đã được nghe ở Sài gòn thời trước 30 tháng tư năm 1975: “Mậu thén cún sản cỏn, chỉ khán cún sản khầu xì” (Đừng nghe Cộng sản nói, chỉ nhìn cộng sản hành động), để người Việt chúng ta nghe dần dần tiếng Quảng đông cho quen lỗ tai.

Thành ngữ nầy hình như của một vị cựu lãnh đạo miền Nam Việt nam, nhưng khi ổng nói hổng ai nghe !

Mong kỳ nầy mọi người Việt nam ráng mở mắt ra để nhìn “cún sản khầu xì”. !

Và bịt lỗ tai lại để khỏi nghe lời đường mật của “cún sản cỏn” ! !

Mong lắm !

Phan Văn Song
Tháng 8 /2010



No comments:

Post a Comment