Wednesday, March 9, 2011

Về một bài hát, nên hay không nên? - Nguyễn Hữu Nghĩa

Nguyễn Hữu Nghĩa

Một bài viết trên liên mạng thông tin nói rằng khối 8406 (phong trào dân chủ tại quốc nội) nhận ca khúc “Dậy mà đi” làm bài hát chính thức của phong trào. Cuộc tranh luận về việc đó đã vỡ ra, bắt đầu sôi động, nóng bỏng, và có thể sẽ bị đối phương khai thác với dụng ý phân hóa hàng ngũ của những người đấu tranh.

Xuất xứ của bài “Dậy mà đi” ra sao? Tác giả là ai? Nó xuất hiện từ bao giờ? Tại sao nên dùng hay không nên dùng?

Trước hết, tác giả bài hát “Dậy mà đi” là Tôn-thất Lập, không phải Phạm Trọng Cầu hay ai khác như có người ghi nhầm. Lời ca của bài hát phổ từ bốn câu đầu, bài thơ “Dậy mà đi” của Tố Hữu, viết năm 1941, in trong tập thơ “Từ ấy”, xuất bản năm 1946.

Ca khúc “Dậy mà đi” ra đời trong chiến dịch 1966-67, để chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích 1968, lấy thơ Tố Hữu làm định hướng chính trị (như bài “Tự nguyện” của Trương Quốc Khánh, “Dậy mà đi” của Tôn-thất Lập) và tất cả đều qua tay Lưu Hữu Phước đãi lọc, có khi trau chuốt thêm. Khi viết bài này Tôn-thất Lập ký tên “Nguyễn Xuân Tân”. Sau 1975, Tôn-thất Lập ghi tên “Nguyễn Xuân Tân” trong tiểu sử, là một trong những bút hiệu đắc ý của anh ta, sáng tác để khích động phong trào sinh viên miền Nam xuống đường chống chính phủ VNCH. Hiện Tôn-thất Lập là phó chủ tịch Hội Âm Nhạc Việt Nam, tổ chức ngoại vi của Mặt Trận Tổ Quốc.

Bài thơ “Dậy mà đi” của Tố Hữu, nguyên văn như sau:

Dậy mà đi! Dậy mà đi!
Đừng tiếc nữa, can chi mà tiếc mãi ?
Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần ?
Huống đường đi còn lắm bước gian truân
Đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu!
Thì đứng dậy, xoa tay và tự bảo:
Chỉ còn đây sức lực hãy còn đây!
Lòng không nghèo tin tưởng ở tương lai
Chân có ngã thì đứng lên, lại bước.
Thua ván này, ta đem bầy ván khác,
Có can chi, miễn được cuộc sau cùng
Dậy mà đi, hy vọng sẽ thành công
Rút kinh nghiệm ở bao lần thất bại:
Một lần ngã là một lần bớt dại
Để thêm khôn một chút nữa trong người.
Dậy mà đi, hỡi bạn dân nghèo ơi!
(Tháng 5-1941)

Lời ca của Tôn Thất Lập:

Dậy mà đi. Dậy mà đi.
Ai chiến thắng không hề chiến bại?
Ai nên khôn không khốn một lần?
Dậy mà đi. Dậy mà đi.
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!
Đừng tiếc nữa can chi khóc mãi.
Dậy mà đi núi sông đang chờ.
Dậy mà đi. Dậy mà đi.
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!
Bao nhiêu năm qua dân ta sống không nhà.
Bao nhiêu năm qua dân ta chết xa nhà.
Dậy mà đi. Dậy mà đi.
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!

Trong 21 năm của cuộc chiến tự vệ chống lại sự bành trướng của cộng sản quốc tế, Miền Nam đã “vướng” rất nhiều bài hát của Lưu Hữu Phước, kể cả bài Quốc ca và Hồn tử sĩ (nhạc nền cho phút mặc niệm trong nghi lễ), ngoài các bài sử ca như Bạch đằng giang, Ải Chi lăng, Hội nghị Diên Hồng,.. Trong khi đó, bài hát chính thức của MTGPMN, là “Giải phóng miền Nam” cũng của Lưu Hữu Phước, ký tên “Huỳnh Minh Liêng” (tức Hoàng Mai Lưu, sau bị đọc nhầm là Huỳnh Minh Siêng). Lưu Hữu Phước là tác giả của hai bài hát chào cờ của hai phe đối nghịch!

Quốc hội khoá 2 của đệ nhất Cộng hoà đã nhận dự thảo tu chính Quốc ca, dùng bài “Việt Nam minh châu trời Đông” của Hùng Lân để thay thế bài của Lưu Hữu Phước, nhưng việc không thành vì có một nhóm dân biểu khác vận động cho bài “Suy tôn Ngô Tổng thống”. Việc chưa ngã ngũ thì đệ nhất Cộng hoà sụp đổ, hỗn loạn, đảo chánh liên miên, “Quốc ca” trở thành chuyện nhỏ, ít ai quan tâm, ngoại trừ việc sửa lại nửa câu đầu bằng lời cũ của “Tiếng gọi sinh viên”: “đứng lên đáp lời sông núi” thay vì “quốc gia đến ngày giải phóng.” Gọi là sửa, nhưng kỳ thực là lấy lại lời ca của Hoàng Mai Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước); và chỉ sửa nửa vời khiến hai câu đầu bị lạc vận. Câu đầu “đáp lời sông núi” không đi với câu kế, “đồng lòng cùng đi hy sinh thiết gì thân sống”!

Nhưng đó là chuyện xưa, trong cuộc chiến tranh cài răng lược, trong trạng thái xôi đậu, da beo, địch và ta lẫn lộn. Bây giờ trạng thái lẫn lộn không còn nữa. Cán bộ nằm vùng đã công khai ra mặt, kể công, chia chác. Nhân dân bị áp bức, người thì đã bỏ nước ra đi, kẻ ở lại nếu không mạnh dạn chống đối thì thờ ơ không hợp tác. Những bài hát thời giả dạng sinh viên để cướp chính quyền nay đã được các tác giả minh danh nhận làm công trạng của họ. Ai ở đâu ở đó, giai đoạn trá nguỵ nhập nhằng đã qua.

Lai lịch của bài hát “Dậy mà đi” không còn huyền ảo, mù mờ nữa: rất minh bạch, nó là bài hát của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, công cụ của cộng sản Bắc Việt.

, bài “Dậy mà đi” là niềm đau của dân tộc; là cáo trạng của một sự lường gạt tri thức; là vết hằn của một lớp người từng bị nó dẫn dụ xuống đường, nổi dậy để tiêu diệt tự do của chính mình, và lôi cả nước vào vòng ô nhục, quẫn bách. , đã góp phần dựng nên bạo quyền mà Khối 8406 đang vận động để giải thể. Nó, là vũ khí, nhưng coi chừng, Khối 8406 đang nắm đàng lưỡi, thay vì cầm đàng chuôi!

Chuôi hay lưỡi, đó là chủ điểm của vấn đề đang tranh luận. Nhưng điều quan trọng hơn cả, là xin hãy giữ cho cuộc thảo luận vào mục đích đi tìm chân lý thay vì tranh thắng, thay vì dìm đầu những kẻ bất đồng ý kiến vào nước lạnh -- hay tệ hơn nữa -- nước sôi. Tất cả mọi người trong cuộc đều đang giấn thân cho tự do dân chủ. Trong khi chưa mưu cầu được tự do dân chủ cho toàn dân, hãy thử áp dụng tự do dân chủ với nhau!

Nguyễn Hữu Nghĩa


No comments:

Post a Comment