Sunday, July 4, 2010

Khi Ông Tân Giám Mục Vinh Trả Bài Thuộc Lòng Bên Giòng Thời Cuộc - Ts Hồng Lĩnh

Ts Hồng Lĩnh

Lời Mở Đầu

Các tôn giáo, tuy khác nhau tại lãnh vực tín điều, luôn có những sứ vụ căn bản. Mục tiêu của các sứ vụ ấy tập trung vào cách đối xử giữa con người đối với Thần Quyền khi sinh thời và con người đối với con người tại trần thế. Hầu có sự bằng an trong tâm hồn cho con người và có trật tự giữa con người với nhau.

Nhưng trong khi thi hành các sứ vụ ấy, con người luôn gặp phải một số hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Nên Vị Cứu Thế hay những Vị đã tạo ra các tôn giáo ấy đã để lại cho con người tại trần gian, một số bài học gọi là bài học thích ứng với hoàn cảnh đặc biệt ấy hay một số nguyên tắc nên áp dụng trong hoàn cảnh ấy. Hầu có thể chu toàn những sứ vụ đã được mặc khải hay đã được đặt ra tùy theo tôn giáo ấy.

Nếu những sứ vụ căn bản được xem như chiến lược, thời những bài học hay nguyên tắc thích ứng không thể được xem là chiến lược. Trái lại chỉ là những chiến thuật thích ứng.

Nhưng Tôn Tử phương Tây Carl Philip Gottfried (hay Gottlieb) von Clausewitz (sinh vào ngày 01/06/1780 sinh tại Magdebourg và qua đời tại Breslau vào ngày 16/11/1831) có căn dặn: «Ưu thế chiến thuật có thể dùng để bổ túc khiếm khuyết chiền lược». Phải nhấn mạnh hai cụm từ: «Bổ túc và khiếm khuyết».

Chiến lược thường là lãnh vực của kẻ lãnh đạo, còn chiến thuật thường cho kẻ lãnh đạo và tất cả. Những kẻ lãnh đạo, theo đúng nghĩa, là những kẻ phải bơi lội và hụp lặn ngay trong giòng thời cuộc hay tạo ra thời cuộc.

Nhưng tại đất nước Việt Nam hôm nay, phần đông trí thức cũng như thành phần lãnh đạo, nhất là lãnh đạo GHCGVN, lại đứng bên giòng thời cuộc hay chạy vòng quanh giòng thời cuộc. Nên đã có những hiện tượng cuốn cờ bỏ chạy qua hô hoán vu vơ những bài học của Thánh hiền để lại chỉ được xem như là những chiến thuật thích ứng thôi!

Nhưng các Ngài ấy quên rằng khi chiến lược không khiếm khuyết, các Ngài không được đi vào gian lận hô hoán ưu thế chiến thuật để tránh thi hành chiến lược. Đó là vấn đề hiện nay của GHCGVN và cũng là vấn đề của Ngài tân Giám mục Vinh.

Như để chứng minh cách hành xử thiếu tư thế lãnh đạo, các bình luận sau đây về bài phỏng vấn của Ngài Nguyễn Thái Hợp xin được gửi tới bạn đọc. Vì qua các trả lời phóng vấn. Người ta đã thấy tất cả đường lối của Ngài trong vai trò sắp tới của Ngài tại Giáo phận Vinh. Một màn hô hóan các thích ứng để chối bỏ sứ vụ. Một vấn đề rất trầm trọng cho tương lai của GHCGVN nói chung và cho Giáo phận Vinh nói riêng!

Một Trận Mưa Rào Khái Niệm

Nghiêng nghiêng nét bút hay lời nói với hoài niệm tâm tư học trò để vào đề, Ngài thần học giải phóng cho nổ ngay khẩu hiệu: ”Sự thật và tình yêu”. Không khác một chàng sinh viên năm đầu triết học, Ngài tung ra một rừng âm u khái niệm, làm mờ mắt bà con Nghệ Tĩnh Bình. Nào là thao thức, loan báo tin mừng, những chia sẽ, gợi mở giới truyền thông công giáo.

Trời Xã Đoài nay vào mùa nắng hạ với gió nam lồng lộng. Đột nhiên có sấm ngược đời nổ rền, làm mấy “con vịt” trong vườn nhà chung Xã Đoài hết biết mô tê, trong màn hỏa mù lý thuyết ơi là lý thuyết!

Tại vòng một, Ngài đầy khái niệm rồi tới vòng hai Ngài cũng chứa chan toàn khái niệm. “Sự thật và tình yêu” tại vòng đầu, nay rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa mơ của thi sĩ Lamartine với khái niệm: ”Sự thật khách quan”.

Thật thế, tuy sự vật không có cảm xúc để có thể đặt vấn đề khách quan hay chủ quan cho nó. Nên Ngài bắt chuớc Lamartine (giống như thi sĩ Thái Can qua câu: “Em nên xóa dấu thề non nước. Bên gốc thông già ta lỡ ghi”, khi thi sĩ nầy thấy lại gốc cây xưa và xem đó là người tình năm cũ và ông đã thốt lên: un seul être me manque, tout est dépeuplé), thổi vào nó một linh hồn mang nặng ái ố hỉ nộ, để nó thành một con người. Hầu bắt sự vật phải khách quan và không được chủ quan. Bục giảng đại học hóa ra điên giữa muôn vàn khái niệm trời ơi đất hỡi!

Lướt theo con sóng của câu thơ Thi Xã và con thuyền Nghệ An, Ngài cởi áo Thánh Phê Rô và mặc lại cho Thánh Phao Lồ. Gọi tên cực trọng Tôma Aquinô về chứng giám một trận mưa rào khái niệm, như nước nguồn tuôn đổ trên đầu dân quê. Về chân lý Ngài phán: “Kiếm tìm và phục vụ Chân Lý”. Còn tin mừng, sao Ngài không phán: ”Rao giảng và sống Tin Mừng”?. Đối với Ngài, tại lãnh vực chân lý luôn có khái niệm phục vụ. Còn tại lãnh vực tin mừng, trả bài thuộc lòng phúc âm tại bục giảng nhà thờ là xong! Nhưng thực ra phải sống tin mừng mới là căn bản.

Kể ra cũng lạ! Theo định nghiã, loan báo tin mừng là đưa tin mừng cho những kẻ chưa biết tin ấy. Xã Đoài là đất của Giáo dân, đã là Giáo dân nên đã biết tin mừng. Thời sao lại đặt vấn đề báo tin mừng cho những kẻ đã biết tin mừng?. Không lẽ Ngài nói mà không biết định nghiã của câu nói của Ngài?

Nếu muốn báo tin mừng, hãy về những vùng khỉ ho cò gáy, không có đạo mà báo tin. Sao lại trả bài tin mừng với Giáo dân tại nhà thờ làm chi?. Ngài xây dựng Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình tại Sài Gòn, chứ đâu tại suối máu mà bảo rao giảng tim mừng?. Một GM Nguyễn Văn Bình số II trước CSVN?

Tại làng mạc cóc hay gặp đống rơm và phải di chuyển theo mô hình đống rơm, nên dân Nghệ Tĩnh Bình có câu tục ngữ: “Cóc nhảy đống rơm thưa Ngài”.

Nay văn minh hơn một chút có chiếc máy bay chuồn chuồn lên thẳng, hầu không cần biết của con đường có liên tục hay không. Nên vừa tới trạm “sự vật khách quan”, Ngài dùng trực thăng vượt qua sông không cầu để tới trạm: “Lấy oán báo hay lấy ân báo oán”, làm Khổng Tử phải đội mồ giậy và la lối om sòm: “Không áp dụng bừa bãi bài học tui cho”.

Tam Tòa và Cầu Rầm ơi!. Để yên cho VC lấy nhà thờ là lấy ân báo oán!. VC đánh người tới và không đánh người chạy đi. Nhất định không đánh ông nghè gà ướt bẩm sinh ấy, cuốn cờ bỏ chạy với mê man trong các khái niệm. Thấy VC tới và bỏ chạy cũng như kệ đàn chiên giữa đàn sói cũng là ân báo oán đối với VC! Thần học giải phóng hiện rõ hình hài. VC cần đất xây khách sạn làm giàu. Hãy theo gương Ngài Bình năm cũ, lấy đất của GH cho chúng là diễn tả yêu thương chúng. Nếu làm như thế, VC sẽ không bách hại và Ngài đã diễn tả được yêu thương VC. Lợi cả trăm bề riêng cho Ngài tân Giám mục Vinh! Vì trong bài trả lời phóng vấn. Ngài không một dấu phẩy trước các đau thương của Giáo phận Vinh hiện nay!

Giòng thời cuộc đang cuốn chìm Tam Tòa hay Cầu Rầm và các em sinh viên ĐHSP. Bóng cha già Cao Đình Thuyên mà tất cả mến thương, sắp khuất dưới rặng liễu và màn sương. Còn Ông “mục tử”, từ trời rơi xuống, một phần do phép lạ của tam vô, nhất định không làm gì hết, ngoài việc nêu lên những trừu tượng lý thuyết, để biện minh cái bất cử bất động của Ngài bên giòng thời cuộc.

Một Màn Mờ Mắt Văn Hóa Và Đức Tin

Ai chẳng lạ trò chơi của khoa bảng. Đề tránh phản đối, phải trình bày vấn đề một cách thật khó hiểu với nhiều sáo ngữ nổ thật lớn. Không hiểu gì cả, nên lấy gì mà phản đối. Vòng vo Tam Quốc là chiến thuật hay nhất. Nên Ngài kêu tên cực trọng văn hóa để biện minh hay dùng như một điểm tựa để diễn giải. Nhưng Ngài không cho định nghiã mà Ngài dùng. Nhất là khi Ngài đã nêu vấn đề tương quan giữa văn hóa và đức tin. Nhưng tương quan qua yếu tố nào? Ngài không nói ra!

Thật ra trong tóm gọn. Văn hóa là tổng hợp của phong tục và truyền thống của một chủng tộc, được góp lại từ bao thế hệ. Còn vấn đề đức tin cũng giống như các nguyên lý của khoa học thực nghiệm.

Nếu muốn có các trả lời về các hiện tượng thiên nhiên của môi trường bao quanh, bằng các định luật dưới dạng phương trình toán học, trước tiên các khoa học gia phải chấp nhận 9 nguyên lý bảo toàn như: bảo toàn năng lượng hay nhiệt chỉ tự động chuyển đi từ nguồn nóng tới nguồn lạnh và không ngược lại và v.v. Từ đó quan sát và đi tới việc lập ra các phương trình gói gém định luật. Các định luật ấy không được chống lại các nguyên lý đã phải chấp nhận tại điểm đi.

Về lãnh vực tôn giáo cũng thế. Đức tin là một cần thiết, chứ không phải là một xa xỉ, để từ đó có thể giải đáp được các khắc khoải của con người. Trong khoa học thực nghiệm, nếu không chấp nhận các nguyên lý, thời không trả lời được các hiện tượng thiên nhiên. Trong cuộc sống, nếu không có đức tin thời không thể giải đáp được khắc khoải của con người trước các câu hỏi chính đáng.

Mẫu số chung của nguyên lý và đức tin là phải chấp nhận hay phải tin. Tuy không chứng minh được nguyên lý hay đức tin. Cho nên văn hóa và đức tin chỉ có mẫn số chung ấy thôi, tuy rất khác nhau.

Đang nói đức tin, tự nhiên Ngài đem khái niệm tôn giáo vào. Thực ra đức tin chỉ là phần của một tôn giáo (Tôn Giáo = Tín lý+ Giáo lý + Tổ Chức). Tuy tín lý (phải tin) là phần căn bản nhất. Cho nên không thể đồng hóa đức tin với tôn giáo cũng như không thể đồng hóa cái đầu con voi với con voi. Vì con voi còn có các phần khác. Nhưng Ngài nhất định đồng hóa.

Nhưng vì Ngài muốn luồn vấn đề trả bài thuộc lòng sứ vụ loan báo tin mừng vào, nên cho cả khái niệm vào cùng một thúng. Vấn đề không phải ở chổ tương quan giữa văn hóa và đức tin, trái lại làm sao cho đức tin mang nét tự động trong xuất phát giống như nét văn hóa nơi con người trong giao tế. Văn hóa có hai yếu tố: nét đẹp và đã ăn vào tiềm thức. Khi đã có tại tiềm thức, nhất cử và nhất động, nét đẹp ấy tự động và nhanh như chớp tung ra. Nghĩa là sống có văn hóa ra sao, thời phải sống có đức tin như vậy. Đó là mong uớc của Jean-Paul II. Lối sống nầy cùng chung một vẻ đẹp của lối sống có văn hóa. Nếu có tương quan, thời tương quan không nằm giữa đức tin và văn hóa. Trái lại tương quan nằm tại ước mơ lối sống của văn hóa cho lối sống của đức tin. Nay còn là ước mơ chưa thành đạt thưa Ngài. Ngài muốn diễn tả cái tương quan đã có sẵn hay cái mơ ước sẽ có tương quan giữa văn hóa và đức tin? Hai vấn đề khác nhau! Cớ sự làm sao mà phải vòng vo Tam Quốc rối như tơ vò? Đã đứng bên giòng thời cuộc chưa đủ, Ngài còn nhất định phải thêm tơ vò rối rắm mới được!

Ngài Định Chiếm Lòng Người Bằng Nắng Nhạt

Cho câu hỏi: “Đâu là định hướng mục vụ ưu tiên của Đức Cha sau khi nhận chức”.

Ngài bắt đầu nổ ngay những câu có tính cách gây cảm xúc tâm lý (pathétiques): “máu chảy về tim” để chiếm hồn người bằng nắng nhạt. Nhưng thực ra máu chảy từ tim ra mới có kết quả. Vì nó mang chất dinh dưỡng cho thân thể cũng như mang dưỡng khí cho các tế bào. Còn khi về tim, chỉ toàn phế thải thưa Ngài (đùa Ngài một phút¨). Như vậy Ngài mang phế thải về cho Giáo phận Vinh mất rồi!

Trong các phát biểu của Ngài. Có lẽ Ngài chưa đủ tự tin để lãnh đạo, nên phải kêu tên cực trọng các Thánh (từ Thánh Tôma Aquinô tới Thánh Ausgustinô) để các Thánh ủng hộ Ngài hay chứng giám cho Ngài. Nhưng thật ra chỉ là những giải thích riêng tư của Ngài về lới nói của các Thánh. Giải thích theo ý mình hay cố xuyên tạc theo ý mình để biện minh các lời Ngài nói không xa nhau cho mấy!

Tại phân khoa Thần Học của Đại Học Lausanne, một cựu viện trưởng kể lại câu chuyện 19 Giáo sư Thần Học dịch một bản Thánh thư như sau: “Tới nay, tuy chỉ có một Thánh thư bằng tiến Hy Lạp, đã có tới 19 bản dịch khác nhau tại Đại học nầy. Nay có một Giáo sư mới và ông bắt đầu dịch lại. Vì ông bảo là các bản dịch khác không chính xác. Cho nên sẽ có bản dịch mang số 20. Nhưng sẽ là 20 bản dịch không đồng ý với nhau, từ một bản Thánh thư!. Dùng các lời của các Thánh thần học cũng thế thôi.

Liên quan vấn đề kỹ năng làm Giám mục. Ngài đã quên rằng: Trời sinh con bò để cày và sinh con ngựa để chạy. Tuy không có trường nào dạy con bò kéo cày hay con ngựa để chạy. Nhưng không vì thế mà bắt con bò ra chạy và con ngựa ra cày. Dầu cày hay chạy, con bò vẫn là con bò và con ngựa vẫn là con ngựa.

Dầu cho con gà ướt được thả dù xuống Xã Đoài hay nơi khác, con gà ướt luôn vẫn là con gà ướt cố tình lầm lẫn chiến lược với chiến thuật. Một bất hạnh!

Những giảng dạy tại Đại chủng viện không phải là những lon lá lấy tại địa bàn thực nghiệm kỹ năng Giám mục. Tại địa bàn thực nghiệm ấy, nếu không có kỹ năng Giám mục, thời đã bị thực nghiệm xóa sổ ngay tại một trong các đoạn của con đường phải đi qua. Hơn nữa lãnh đạo phải có một ít thiên bẩm. Tự nhiên được thả dù không nói lên các thực nghiệm có tính cách trắc nghiệm kỹ năng và cái thiên bẩm lãnh đạo cần phải có.

Đối với GHCGVN, một vấn đề muôn thuở vẫn là vấn đề “Loan bóa tin mừng và đào tạo nhân sự” như Ngài đã phán trong bài phỏng vấn. Nhưng mỗi giai đoạn, luôn có những ưu tiên cho một vấn đề. Nay ưu tiên của GHCGVN là phải nói lên sự thực. Một căn bản sứ vụ có tính cách chiến lược mà Ngài không đặt ra. Ngài lại vớ vẫn tại cái cố hữu và trường kỳ ấy, không nhất thiết là ưu tiên của hiện tại, là nghĩa gì? Rao giảng tin mừng tuy quan trọng, nhưng còn cái quan trọng hơn, đó là Sống Tin Mừng bằng những hành động thực tiễn có tính cách thuyết phục.

Nhĩa là loan báo tin mừng bằng hành động. Còn trả bài thuộc lòng tin mừng, trong hoàn cảnh của GH hôm nay với lối nói cho qua hay hỏa mù, không ích lợi gì cả và kết quả chỉ đuổi hết những ai đã biết tin mừng đi chỗ khác vì quá nhàm tai. Vì thấy cái giả dối của cách loan báo ấy! Như Vị Cứu Thế đã phán: “Hãy xem chúng làm và đừng nghe chúng nói”.

Hiện nay, tuy HĐGMVN luôn hô hoán loan báo tin mừng qua các thông cáo, nhưng chẳng mấy ai còn tin tưởng cái HĐGMVN ấy nữa! Trước một thực tế phũ phàng như vậy. Cần phải thức tỉnh nhận định tình hình. Sao lại vẫn còn cách trả bài thuộc lòng ấy, nó không hữu ích và không thuyết phục được ai nữa. Một bám víu chiến thuật phản tác dụng.

Lời Kết

1. - Đối với một bài phỏng vấn có tính cách trình bày chiến luợc hay hướng đi của một vị tới đảm nhiệm chức vụ có tính cách dìu dắt hay lãnh đạo. Khi các nét chiến lược cũng như cách hành xử đã được tìm ra ngay tại đoạn đầu của bài phỏng vấn. Thời một tiếp tục đọc tiếp các đoạn sau của bài phỏng vấn, nhất là những đoạn mang nặng nét tạo cảm xúc tâm lý, để che lấp sự việc chối bỏ sứ vụ căn bản, thời không cần thiết nữa.

2. - Qua các trình bày phía trên, một vấn đề rõ ràng là phần đông lãnh đạo của GHCGVN hôm nay, không riêng gì Ngài tân Giám mục Vinh, có thề may mắn hơn một số Giám mục khác về học vấn, đã đứng bên giòng thời cuộc và chỉ tập trung vào hô hoán những chiến thuật có tính cách thức ứng để chối bỏ sứ vụ căn bản của GHCGVN: Phải nói lên sự thật hầu bảo vệ công bằng cho người dân nói chung và cho Giáo Hội cũng như Giáo dân nói riêng.

3. - Phản đối các vị nầy là một cần thiết trong việc giúp GHCGVN có can đảm nhận lãnh nhiệm vụ bảo vệ người dân trong một thể chế vô thần và gian ác. Nhiệm vụ ấy là một trong hai sứ vụ của GHCGVN: «Công bằng và Bác ái». Rao giảng tin mừng chỉ là mở nước Chúa cho hai sứ vụ ấy. Không lấy phương tiện làm mục tiêu. Và mục tiêu là Công Bằng và Bác Ái.

4. - Khi có chủ trương làm thinh trước bất công của thời cuộc. Thời có nhiều nhân sự nhất định làm thinh về sứ vụ hay nói bâng quơ là để làm gì ? Và rao giảng tin mừng với chủ trương «làm thinh» chỉ là lời nói của người Pharisiêu. Những nguời nầy đã bị Chúa chỉ mặt cũng như cảnh cáo, trong lúc Chúa Con hiện diện tại trần thế tại Do Thái !

5. - Khi một đường lối xem ra sáng tỏ cũng như các hướng tiến xem ra rõ ràng. Những vòng vo Tam Quốc như trong bài phỏng vấn không cần thiết. Nên đi thẳng vào vấn đề một cách ngắn gọn.

6. - Nhưng khi vòng vo Tam Quốc phải dùng tới. Nó tố cáo những bóng tối mà người phỏng vấn cần che đậy. Một hiển nhiên mà bao người đã hiểu. Nhất là đối với những Giáo dân cũng có những kiến thức tương đương về phân tích. Nhưng kẻ được phỏng vấn cố quên sự kiện nầy và vẫn tưởng đọc giả, nhất là đọc giả Giáo phận Vinh, là đàn cừu chứ không phải là đàn chiên. Nói sao sẽ được các con cừu tin vậy. Tuy đó không phải là tội trọng, nhưng là ảo tưởng. Nên nhìn nhận và cần thay đổi!

7. - Nhân loại đóng ghế đóng bàn cho ai học hành là để «hiểu biết» trở lại giúp ích cho đời và cho người cũng như bày tỏ một biết ơn qua sự giúp ích. Chứ không phải để dùng hiểu biết vào việc lừa phỉnh bằng ngôn ngữ có sách và mách có chứng với lý sự. Văn bằng và lương tâm ngay thẳng ít khi đi đôi với nhau !

Ts Hồng Lĩnh

Tham chiếu:
    Bài phỏng vấn Tân Giám mục Nguyễn Thái Hợp
29.06.2010

GPVO 29/6/2010 - Chỉ còn hơn 3 tuần lễ, ngày 23/7/2010 sẽ diễn ra Thánh lễ tấn phong Giám mục Giáo phận Vinh. Thiệp mời đã được gửi đi. Các công việc chuẩn bị đang được tiến hành với nhịp độ khẩn trương. Tuy đang bận rộn với việc "học nghề" (từ ngữ Đức cha Phaolô dùng), nhưng Đức Tân Giám mục vẫn ưu ái dành cho Web Giáo phận một cuộc trao đổi thân tình. Ngài nói về châm ngôn mục vụ, về những thao thức loan báo Tin Mừng, những chia sẻ, gợi mở cho giới truyền thông Công giáo, v.v.. Đằng sau con người thông thái, uyên bác, lịch lãm..., người ta luôn gặp thấy bóng dáng của một "ông đồ Nghệ" với tất cả ý nghĩa của từ ngữ này...

Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp do Web Giáo Phận Vinh (GPVO) thực hiện:

1. "Sự thật và Tình yêu" là châm ngôn mục vụ được Đức cha lựa chọn. Châm ngôn này được gợi hứng từ đâu?

GM-NTH: Châm ngôn mục vụ của tôi là Sự thật và Tình yêu. Châm ngôn này được gợi hứng từ Thánh Kinh và muốn nhấn mạnh hai yếu tố căn bản của Kitô giáo: Sự thật được diễn tả bằng hai màu “đen-trắng”, lấy từ logo của Dòng Đa Minh, còn trái tim bao bọc chung quanh là biểu hiệu của tình yêu. Thấp thoáng bên dưới là hình ảnh con thuyền Giáo Hội đang rẽ sóng tiến về “Sự thật và Tình yêu”. Tất cả được nối kết với nhau và gắn chặt vào thập giá của Đức Kitô. Thật vậy, đối với các Kitô hữu, Đức Kitô chính là “con đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6). Không ai có thể đến với Thiên Chúa mà không ngang qua Người. Và cũng chẳng ai được cứu rỗi, nếu không yêu thương như Người đã yêu thương chúng ta.

Châm ngôn có hai vế. Vế đầu nhấn mạnh đến trách nhiệm kiếm tìm và phục vụ Chân lý. Thánh Đa Minh đã lấy việc loan báo Tin Mừng và phục vụ chân lý như ơn gọi của Dòng Giảng thuyết. Đòi hỏi đầu tiên của ơn gọi này là phải tôn trọng phản ánh chính xác của sự vật khách quan, cũng như các quy luật và giá trị của chúng. Yêu cầu tôn trọng sự thật khách quan vẫn được coi là thái độ lương thiện trí thức. Đức Giêsu cũng thường căn dặn các môn đệ: “Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Theo thánh Tôma Aquinô, việc truy tầm chân lý đòi hỏi thái độ chân thành và biết mở rộng tâm hồn để đón nhận sự thật “bất cứ từ đâu tới và bất kỳ do ai nói”.

Đối với các Kytô hữu, ngoài sự thật tự nhiên nói trên còn phải kiếm tìm sự thật siêu nhiên, có sức cứu độ và giải thoát con người. Đó chính “Anh sáng vĩnh cửu chiếu soi trần gian”, mà Đức Kitô đem đến. Chính Ngài đã tuyên bố với người Do Thái: Sự thật sẽ giải phóng các ông và làm cho các ông được tự do, trái lại tội lỗi và lầm lạc sẽ nô lệ hóa con người, làm cho họ bị vong thân, băng hoại, khốn khổ (x. Ga 8, 31-36).

Thánh Phaolô đã diễn tả một cách thật sắc nét phần thứ hai của châm ngôn qua Bài ca đức ái (1Cor 13,1-14). Vị Tông đồ dân ngoại, mà tôi được hân hạnh nhận làm thánh quan thầy, quả quyết: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi…”.

Lấy oán báo oán vẫn được coi là điều dĩ nhiên ở thời đại ấy. Chỉ một số hiền nhân hiếm hoi mới vượt khỏi cái lẽ thường tình và bắt đầu đặt vấn đề về hiện tượng “oán báo oán, oán chập chùng”. Lần kia, một môn sinh hỏi Khổng Tử: “Lấy ân báo oán được chăng?”. Vị vạn thế sư biểu trả lời: “Nếu lấy ân báo oán thì lấy gì báo ân?”. Và ngài đề nghị: “Lấy chính nghĩa báo oán và lấy ân báo ân”. Phải công nhận rằng đây là một quan niệm triết lý chính trị nhân bản và tiên bộ mà suốt mấy ngàn năm qua nhân loại đã cố gắng thể hiện.

Tuy nhiên, từ viễn ảnh tôn giáo, thánh Phaolô mời gọi các Kitô hữu cố gắng đi xa hơn lẽ thường tình và ngay cả triết lý chính trị tiến bộ ấy. Ngài tha thiết nhắn nhủ: “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa (…). Đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt (…). Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12, 14,17, 21).

Chính Đức Giêsu đã coi “yêu thương” là điều răn căn bản của Kitô giáo: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em trên Trời” (Mt. 5,43-45). Bài giảng trên núi khai triển giáo lý căn bản này và trở thành một thứ Hiến chương Nước Trời: “…Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương… Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 7-10).

Thánh Gioan đã dám định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” và quả quyết “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Đây là mạc khải tối cao và nét đặc trưng của niềm tin Kitô giáo. Trong diễn văn từ biệt, chính Đức Giêsu cũng long trọng tuyên bố: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau … như Thầy đã yêu thương anh em”. Kể từ đó “yêu thương” trở thành dấu chỉ để nhân loại nhận diện người môn đệ của Đức Kitô (x. Ga 13, 34-35).

2. Trong bài phát biểu ngày về với Giáo phận (27/5/2010), Đức cha đã nói: "Cho đến nay, tôi dấn thân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục xã hội...", và trong bài trả lời phỏng vấn của Trang tin HĐGMVN, Đức cha tâm sự rằng cho đến thời điểm hiện tại, "vẫn còn lại 1 hội nghị quốc tế, 2 cuộc tọa đàm, 2 khóa thường huấn và hai cuộc tuần tĩnh tâm". Là Giám mục giáo phận, với gánh nặng mục vụ, liệu Đức cha có phải "hy sinh" những nghiên cứu, suy tư...?

GM-NTH: Càng ngày tôi càng ý thức tầm quan trọng của mối tương quan giữa đức tin và văn hóa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng ở thời đại chúng ta. Khá nhiều văn kiện của Tòa Thánh và của các Hội đồng Giám mục đề cập đến vấn đề nóng bỏng này. Để loan báo Tin Mừng cho thời đại đa phức tôn giáo và đa văn hóa hôm nay, chúng ta phải tích cực dấn thân đối thoại với con người thời đại, với các trào lưu tư tưởng, với các tôn giáo và các nền văn hóa. Công đồng Vatican II chính thức công nhận: “Có nhiều mối tương quan giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa. Bởi vì, từ khi mạc khải cho dân Ngài tới khi biểu lộ tròn đầy trong Chúa Con Nhập thể, Thiên Chúa đã nói với con người qua các loại văn hóa riêng biệt của từng thời đại. Cũng thế, trải qua những hoàn cảnh khác nhau của lịch sử, Giáo Hội đã sử dụng tài nguyên của các nền văn hóa khác nhau để phổ biến và trình bày sứ điệp của Đức Kitô cho muôn dân, qua lời rao giảng”.

Trên nguyên tắc, Tin Mừng không cần một mảnh đất riêng nào để sống và cũng chẳng đồng hóa với bất cứ nền văn hóa nào, nhưng trong thực tại lịch sử, công cuộc loan báo Tin Mừng không thể tách rời các nền văn hóa. Theo các Giám mục Á Châu, “văn hóa là không gian sống trong đó con người đến với Tin Mừng, mặt giáp mặt. Nếu đích thực văn hóa là thành quả của cuộc sống và hoạt động của một nhóm người, thì những người thuộc nhóm đó cũng được uốn nắn một phần bởi nền văn hóa trong đó họ đang sống (...). Từ viễn cảnh đó, ta nhận thức rõ hơn tại sao Tin Mừng hóa và hội nhập văn hóa tương quan với nhau cách tự nhiên và mật thiết. Tin Mừng và công cuộc loan báo Tin Mừng chắc chắn không đồng nhất với văn hóa. Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa đến với những con người gắn bó sâu xa với một nền văn hóa, và do đó, công cuộc xây dựng Vương Quốc không tránh khỏi việc vay mượn các yếu tố rút ra từ các nền văn hóa nhân loại”.

Chỉ có thể gọi là một cuộc loan báo Tin Mừng thành công khi chất men Tin Mừng thực sự đi vào lòng người, hội nhập vào truyền thống dân tộc và biến thành văn hóa. Trong văn thư thành lập “Hội Đồng Giáo hoàng về Văn hóa”, Đức Gioan Phaolô II diễn tả một cách sâu sắc mối tương quan mật thiết giữa Tin Mừng và văn hóa như sau: “Một đức tin mà chưa biến thành văn hóa, là đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thực sự suy tư, chưa sống một cách chân thành”.

Chính trong ý nghĩa đó, tôi nghĩ rằng loan báo Tin mừng trong lãnh vực văn hóa - giáo dục phải là một trong những sứ vụ ưu tiên của Giáo Hội chúng ta. Nhưng làm sao kết hợp hài hòa trách nhiệm mục vụ truyền thống của một giám mục với việc dấn thân trong lãnh vực văn hóa và giáo dục? Hiện nay tôi đang cố gắng kiếm tìm một câu trả lời thỏa đáng cho thách đố này.

3. Giáo phận Vinh là một giáo phận rộng lớn (với địa bàn rộng thứ nhì và số giáo dân đông nhất trong Giáo tỉnh Hà Nội) và là giáo phận giàu truyền thống. Đâu là định hướng mục vụ ưu tiên của Đức cha sau khi nhậm chức?

GM-NTH: Trở về với giáo phận Vinh tôi cảm thấy nguồn vui được trở lại môi trường tự nhiên, như người con xa quê được quay về miền Đất Mẹ, như máu chảy về tim. Theo kiểu nói của thánh Augustinô, cùng với giáo dân Vinh tôi là một Kitô hữu mang đậm dấu ấn Nghệ-Tĩnh-Bình và vì giáo dân Vinh tôi đang cố gắng phấn đấu để trở thành một giám mục của Giáo Hội Công giáo tại Vinh, theo phong cách Nghệ-Tĩnh-Bình và mang tâm tình yêu thương của Đức Kitô.

Tôi là một linh mục Dòng Đa Minh và được đào tạo để loan báo Tin Mừng trong lãnh vực văn hóa - giáo dục - xã hội. Tôi không biết trên thế giới có trường nào dành riêng để đào tạo giám mục hay chăng? Riêng bản thân tôi chưa từng ghi tên theo học “kỹ năng làm giám mục”. Cũng chưa có dịp thực tập cách thức điều hành giáo phận. Hơn nữa, phải nói rằng hoạt động mục vụ của giám mục là một thế giới khá xa lạ với sinh hoạt bình thường của tôi. Chắc chắn trong thời gian đầu sẽ vác gậy và mũ đi theo “Đức cha già” Cao Đình Thuyên để học nghề.

Trong mấy năm vừa qua tôi đã có dịp giảng dạy ở Đại Chủng viện Vinh Thanh và thăm một số họ đạo. Nhưng giáo phận Vinh là một giáo phận rộng lớn và giàu truyền thống, nên dĩ nhiên phải tiếp tục học hỏi, và tiếp cận thực tế nhiều hơn nữa. Trước mắt, tôi cố gắng tiếp tục và kiện toàn những gì đang có. Sau đó sẽ cùng với các linh mục, tu sĩ và giáo dân kiếm tìm một chương trình mục vụ thích hợp cho giáo phận. Tuy nhiên, nếu hỏi về yếu tố ưu tiên trong chương trình mục vụ thì, đối với tôi, luôn luôn vẫn là sứ vụ loan báo Tin Mừng và đào tạo nhân sự.

4. Vào lúc này, Đức cha muốn chia sẻ điều gì với cộng đồng Dân Chúa tại Nghệ-Tĩnh-Bình?

GM-NTH: Một linh mục giáo phận Vinh đã diễn tả cái khắc nghiệt của Nghệ – Tĩnh- Bình như sau: “Quê tôi gạt sỏi tìm cơm/Hết mưa, thôi hạn lại cơn bão gần”.

Như một quy luật bù trừ của Tạo hóa, chính từ vùng đất khô cằn đó đã xuất phát nhiều con người tài năng, can trường, khí tiết và đầy cá tính. Hình như trong điều kiện thiên nhiên nghiệt ngã đó, con người chỉ có thể vươn lên nhờ năng lực của trí tuệ, sự kiên nhẫn và phấn đấu của bản thân.

Người ta đã kể quá nhiều giai thoại về cái ngang, bướng, bộc trực và kiên cường của người dân xứ Nghệ. Có người xếp dân Nghệ vào loại dân có “máu cách mạng”, gàn bát sách, hung hăng tiết vịt, liều lĩnh và đôi khi thích cầm đèn chạy trước ô tô. Rất tiếc phạm vi giới hạn của bài phỏng vấn không cho phép kể lại tất cả, chỉ xin trích dẫn một vài nhận định.

Sau một thời gian sống và giảng dạy tại Vinh, Gs. Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận định về người Nghệ như sau: “Tôi cho rằng dân Nghệ Tĩnh sống quá khắc khổ và có một ý chí rất quyết liệt. Họ đã muốn gì thì phải tranh đoạt bằng được. Và quá tự hào, tự phụ về quê hương mình. Cãi nhau với người Nghệ Tĩnh là dại. Vì họ tự cho là đúng nhất, giỏi giang nhất và vì thế cãi đến cùng, lý sự đến cùng, căng thẳng, quyết liệt đến cùng, khiến đối phương mệt quá, đành phải bỏ cuộc. Dân Nghệ Tĩnh nói chung có tật hay khoe khoang. Khoe tài, khoe giỏi, khoe quê hương cái gì cũng nhất, từ chính trị đến văn hoá nghệ thuật. Ở đâu, trên xe lửa, trong ôtô bus, hay ở những cuộc gặp mặt đông người nào đó, tiếng Nghệ Tĩnh cứ oang oang như muốn lấn át tất cả”.

Gs. Hoàng Ngọc Hiến, gốc Nghệ Tĩnh và cũng có phong cách rất ư là “Nghệ”, đã nói về đồng hương của mình như sau: “Người Nghệ Tĩnh cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc”.

Linh mục thừa sai Abgrall, quen gọi là Cố Đoài, từng giữ chức Cha Chính Giáo phận và cũng là một ứng viên sáng giá giám mục Đại diện Tông Tòa ở Vinh, sau nhiều năm truyền giáo tại vùng đất Nghệ-Tĩnh-Bình, đã đưa ra một nhận định thật sâu sắc: “Những người dân ở đây luôn đi đầu trong nổi loạn và đi sau cùng khi phải đầu hàng”. Nhiều người đã mỉm cười và gật gù đắc chí khi đọc nhận định này, vì trên tổng thể, nó vẫn còn đúng cho đến hôm nay.

Nhưng cũng chính nhờ cá tính và chí khí bất khuất đó mà người Nghệ-Tĩnh-Bình luôn kiên cường, hăng say dấn thân và dám đương đầu với những nghịch cảnh. Về mặt tôn giáo, Vinh là một giáo phận lớn, nhiều truyền thống, nhân lực dồi dào và tổ chức chặt chẽ. Có lẽ ít ở nơi nào người ta gặp thấy các tín hữu yêu mến Giáo Hội và gắn bó với các giám mục như ở giáo phận Vinh. Những sinh viên Công giáo hăng say dấn thân nhất tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sàigòn phải chăng cũng là nhóm sinh viên gốc Vinh? Giới trẻ gốc giáo phận Vinh cũng đang hiện diện đông đảo tại hầu hết các Dòng tu ở Việt Nam, đến độ nhiều người đã ví von: “Trời đất đầy Vinh ..... quang Chúa”.

Nhân dịp Năm Thánh 2010 này, ước mong sao cộng đồng Dân Chúa tại Vinh biết cùng với Giáo Hội Việt Nam “ôn cố tri tân” để tích cực loan báo Tin Mừng. Thiết tưởng cũng nên nhìn lại chính mình để phát huy hơn nữa sở trường và cố gắng giảm thiểu khía cạnh tiêu cực. Đặc biệt, trong thời đại hôm nay làm sao gia tăng đối thoại, đa diện hơn trong cách nhìn và mềm dẻo hơn trong phê phán cũng như đường lối ứng xử.

5. Sau cùng, là một người có nhiều duyên nợ và cũng đã từng dấn thân trong lĩnh vực truyền thông, Đức cha có điều gì muốn chia sẻ với độc giả Web Giáo phận?

GM-NTH: Theo luật lệ hiện hành, tại Việt Nam truyền thông xã hội vẫn hoàn toàn trực thuộc Nhà nước. Vì vậy, mặc dù, cả nước có tới 702 cơ quan báo chí và hầu như tỉnh nào cũng có truyền thanh hay truyền hình, nhưng tất cả báo đài hiện nay đều trực thuộc cơ quan công quyền. Trước mắt, xã hội dân sự chưa hình thành và chưa thực sự đóng góp phần tích cực của mình cho truyền thông.

Riêng đối với giới Công giáo, trên cả nước, chỉ vỏn vẹn hai tờ báo dành riêng cho giới Công giáo. Tờ “Người Công giáo Việt Nam” ở Hà Nội, chỉ phát hành vài ngàn tờ một tuần và có ảnh hưởng rất hạn chế. Tờ “Công giáo và Dân tộc” có hai ấn bản: Tuần báo với gần 15.000 tờ và Nguyệt san với khoảng 3.000 tờ. Nhưng cả hai đều là cơ quan ngôn luận của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, một tổ chức thành viên của UBMTTQVN. Về mặt pháp lý, Giáo Hội Công giáo chỉ có tờ Hiệp Thông, và cũng chỉ mới xuất hiện từ 10 năm nay (12-1998), dưới hình thức một “Bản tin”, lưu hành nội bộ, với số lượng theo giấy phép chỉ vỏn vẹn 100 bản (trong thực tế, số lượng in nhiều hơn) và hai tháng mới ra một kỳ. Rất tiếc là Giáo Hội cũng chưa tận dụng và khai thác tối đa phương tiện ít ỏi này.

Vì không có phương tiện truyền thông nên nhiều lần giới Công giáo bị nhiều thiệt thòi. Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn than: “Thực tế cho thấy cơ quan truyền thông xã hội nơi này nơi khác thông truyền có khi là sự thật thật, có khi là sự thật ảo, có khi là sự thật bị cắt xén, bị bóp méo, thêm râu ria, có khi là sự thật một chiều, một mặt. Phải chăng nguyên nhân là do quan điểm cho rằng sự thật chỉ là những gì có lợi cho mình? Hoặc do cái nhìn bị giới hạn bởi hoàn cảnh? Hoặc do nỗi sợ hãi nào đó thường núp bóng sau lưng những hình thức bạo lực? Và hậu quả trước mắt là dễ tạo ra mâu thuẫn đối kháng, hoặc gây nhiễu và làm biến chất những mối quan hệ xã hội”.

Các Giám mục Việt Nam cũng đã nhận định về thực trạng truyền thông tại Việt Nam như sau: “Trong tiến trình giải quyết những tranh chấp, một số phương tiện truyền thông thay vì là nhịp cầu liên kết và cảm thông thì lại gieo rắc hoang mang và nghi kỵ. Quả thật chưa bao giờ các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như ngày nay, nhờ đó, con người được gia tăng hiểu biết và phát triển tình liên đới. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chỉ thực sự mang lại lợi ích cho con người và cho cộng đồng xã hội khi phục vụ sự thật và phản ánh thực tại cách trung thực. Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến vấn đề này”.

Các Giám mục đề nghị giải pháp khắc phục là: “Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật. Trong thực tế, đã có những méo mó cắt xén, như trong trường hợp tranh chấp đất đai tại Tòa Khâm sứ cũ. Vì thế, chúng tôi đề nghị những người làm công tác truyền thông đại chúng phải hết sức cẩn trọng khi đưa tin tức và hình ảnh, nhất là khi liên quan đến danh dự và uy tín của cá nhân cũng như tập thể. Nếu đã phổ biến những thông tin sai lạc thì phải cải chính. Chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng và văn minh”.

Tình trạng yếu kém về truyền thông xã hội của giới Công giáo Việt nam ngoài lý do “pháp lý” nêu trên, phải chăng còn có yếu tố nội bộ, do sự thiếu nhiệt thành, thiếu năng động, ít sáng tạo và tổ chức yếu kém? Chúng ta đang sống trong giai đoạn thông tin kỹ thuật số: Thông tin không chỉ được phổ biến trên nguyệt san, tuần san hay nhật báo, mà trên mạng, với nhịp độ từng giờ, từng phút và từng giây.

Thật vậy, cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã tạo cơ hội ngàn năm một thuở để bùng nổ thông tin qua các trang web và các blog cá nhân. Đây là một hình thức thông tin mới, hấp dẫn, năng động, đa dạng, vừa bằng chữ viết, vừa kèm theo hình ảnh hay minh họa. “Kể từ buổi sơ khai năm 1997 đến nay, blog đã tăng vùn vụt về số lượng và ngày càng chứng minh sức ảnh hưởng to lớn của mình. Thế giới hiện có hơn 70 triệu trang blog tồn tại, với hơn 1,5 triệu bài viết mới mỗi ngày, trong đó, blog sử dụng tiếng Việt đã lên đến con số hơn 3 triệu. Với webblog cá nhân, người đưa tin có trang web để tự thể hiện mình, nối kết chia sẻ hình thành mạng xã hội, giải phóng sự thật ra khỏi những rào cản và lăng kính của các thiết chế quyền lực truyền thống, thách thức ngay cả các tập đoàn truyền thông đang áp đặt thông tin ở qui mô quốc gia hay toàn cầu”.

Nếu truyền thông là “diễn đàn hàng đầu của thời hiện đại” mà chúng ta cần khai thác để phục vụ công tác loan báo Tin Mừng, thì “Giáo Hội sẽ cảm thấy sai lỗi trước mặt Chúa nếu không sử dụng các phương tiện truyền thông cho sứ vụ Phúc âm hóa”. Nếu báo viết bị hạn chế, tại sao không phát triển báo mạng? Các trang web hiện nay không phải là công cụ thông tin hiện đại, hữu hiệu, năng động và nhanh nhất? Có bao nhiêu người Công giáo sử dụng blog cá nhân này để thông tin, giáo dục và loan báo Tin Mừng? Mấy năm gần đây cũng đã xuất hiện một số trang Web Công giáo, nhưng chất lượng của các trang web đó như thế nào và được độc giả đón nhận ra sao?

Trong tinh thần trách nhiệm và xây dựng tương lai, xin được kết thúc bài phỏng vấn này với tâm nguyện của Giáo chủ Biển Đức XVI gửi giới trẻ: “Các bạn trẻ rất quý mến, các con hãy dấn thân đem vào nền văn hóa truyền thông và phương tiện thông tin mới mẻ này những giá trị mà cuộc sống của các con dựa vào! Vào thời sơ khai của Giáo Hội, các Tông đồ và các môn đệ của các ngài đã mang Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho thế giới Hy-La: khi đó, công tác Phúc âm hóa, để được phong nhiêu, đòi hỏi phải hiểu biết cách chăm chú nền văn hóa và các phong tục của các dân ngoại này với mục đích chạm đến tâm trí của họ. Ngày nay cũng thế, việc loan báo Chúa Kitô trong thế giới công nghệ kỹ thuật mới giả thiết sự hiểu biết sâu xa về chúng để sử dụng chúng cách đúng đắn. Chính nơi những người trẻ các con, hầu như tự nhiên đồng cảm với các phương tiện truyền thông mới mẻ này, mà đặc biệt bổn phận Phúc âm hóa “lục địa kỹ thuật số” này thuộc về các con. Các con hãy biết gánh lấy cách nhiệt tình sứ vụ loan báo Tin Mừng cho những người đương thời với các con!”

Ước mong sao gia trang (trang Web) của giáo phận có thêm cộng tác viên trẻ và phát triển hơn nữa về mọi phương diện. Để thực hiện được điều đó, đã đến lúc cộng đồng Dân Chúa cần ý thức hơn nữa vai trò của truyền thông và tích cực hỗ trợ trang Web của giáo phận chúng ta.

GPVO thực hiện



No comments:

Post a Comment