- Đám tang của Cha Bửu Đồng (bị Cộng sản VN chôn sống) Tết Mậu Thân, 1968!
Tiểu sử
Linh mục Gioan Baotixita Bửu Đồng, sinh ngày 29-8-1912 tại Huế lúc 2 giờ ngày thứ năm, tức là ngày 17-7 năm Nhâm Tý. Thuở thiếu thời, cậu Bửu Đồng theo học trường Pellerin do các Sư Huynh Dòng La San hướng dẫn. Sau đó cậu vào Tiểu Chủng Viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị ngày 01/09/1927 và Đại Chủng Viện Phú Xuân, Kim Long, Huế, ngày 02/09/1935. Thầy Bửu Đồng lãnh phép Cắt Tóc (04/06/1937), bốn chức nhỏ (18/10/1938 và 16/03/1940). Thầy chịu chức Năm (05/06/1940), chức Sáu (12/06/1940) và thụ phong Linh Mục (07/06/1941) do Đức Cha Lemasle (Lễ) truyền chức.
Xin Chúa báo ứng
Vào dịp lễ phong chức linh mục của cha Bửu Đồng năm 1941, tại nhà thờ Chánh Tòa Phủ Cam, một biểu ngữ treo trước nhà cụ Ưng Trạo với hàng chữ La-tinh: “Vindicat sanguinem”, có nghĩa là “Xin Chúa báo ứng”. Đó là biểu hiệu của cha Bửu Đồng và đích thân cha đã dịch bằng thơ là “Rưới đổ mưa dào kêu báo ứng”. Cha Bửu Đồng là hậu duệ của vua Minh Mạng – vị vua bách hại giáo hữu dữ dội. Toàn bài thơ cha Bửu Đồng trước tác như sau:
Cách đà trăm năm hóa cành nầy,
Nho nhà, nho rủ chiết thành cây:
Tủi Ông Sơ Nội nghiêm trừ đạo,
Mừng phước Ngoại Sơ hưởng cõi mây.
Rưới đổ mưa dào kêu báo ứng (vindicat sanguinem),
Tạc con bởi đá hóa sum vầy (ngài bị chôn sống về sau).
Đời đời chúc tụng lòng nhân Chúa,
Con hiến thân nầy tế lễ thay.
J.B. Bửu Đồng LM. (1941)
Câu thơ thứ 5 trên đây được ứng nghiệm vào cuối đời linh mục Bửu Đồng vì “rưới đổ mưa dào” là cha đã chết vì đạo, và “kêu báo ứng” tức là để cùng báo đền ơn Chúa đã cho ông Sơ Ngoại là Thánh Phaolồ Tống Viết Bường, một vị võ quan tại triều vua Minh Mạng, được phúc tử đạo. Như vậy, vua Minh Mạng là ông Sơ Nội của các cha Bửu Đồng và Bửu Hiệp, còn Thánh Phaolồ Tống Viết Bường là ông Sơ Ngoại.
Nói tóm lại, về bên Nội: vua Minh-Mạng, tức hoàng đế, sinh Đức Ông Trấn Biên Quận Công. Đức ông sinh Mệ Hường Thuyền. Mệ Hường Thuyền sinh cụ Ưng Trạo là thân sinh của hai linh mục Bửu Đồng và Bửu Hiệp.
Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục chụp hình với gia đình Ôn Mệ Ưng Trạo trước Nhà Thờ Phủ Cam, Huế. Cha Gioan Baotixita Bửu Ðồng đứng hàng đầu, thứ hai từ phải sang trái, gần bên thân phụ là Ôn Ưng Trạo (cháu của Vua Minh Mạng)
Về bên ngoại: Thánh Phaolô Tống Viết Bường sinh bà Tống thị Đạm. Bà Đạm kết hôn với cụ Hồ Văn Bảo sinh cụ Hồ Văn Tháp. Cụ Tháp sinh cụ bà Hồ Thị Nguyệt, kết hôn với cụ Ưng Trạo.
Đời sống mục vụ
Khởi đầu, linh mục Bửu Đồng làm cha phó tại giáo xứ Kim Long từ ngày 26/06/1941, rồi chánh xứ Thần Phù (Thừa Thiên) từ 02/07/1943 và Gia hội (Huế) từ 18/02/1946. Gia Hội là một họ đạo đối diện với Thành Nội Huế, nằm bên bờ sông Gia Hội. Vào năm sau, cha đã rửa tội cho một người tên là Dương Cung Kính, bị Việt-Minh đem xử bắn tại sân vận động Huế. Chính cha đã đến giúp người tử tội nầy trong phút cuối cùng. Và ông Dương Cung Kính đã để lại một bức thư cảm tạ Chúa với lời lẽ rất cảm động.
Tiếp theo, cha làm giáo sư Dòng Thánh Tâm (Huế) từ 17/10/1947, sau đó làm chánh xứ Thủy Ba và Cổ Hiên (Quảng Bình). Năm 1949-1952, chánh xứ Phan Xá (Quảng Trị).
Sau ngày 20/07/1954, chia đôi đất nước, linh mục Bửu Đồng theo họ đạo di cư vào La Vang và lập ra giáo xứ La Vang Thượng (Quảng Trị) từ 1954-1958. Từ 1958-1963, ngài giúp giáo xứ Phú Cam (Huế). Từ 1963-1968, ngài coi sóc giáo xứ Sư Lỗ kiêm An Truyền (quận Phú Vang, Thừa Thiên).
Bài giảng đêm Giáng Sinh 1967 tại các Giáo Xứ Sư Lỗ và An Truyền của Linh Mục Bửu Đồng.
Vào dịp Tết Mậu Thân 1968, ngài bị bắt ngày 08/02/1968, bị đưa đi mất tích và bị chôn sống. Người ta tìm được xác ngài ngày 08/11/1969, chôn chung với linh mục Micae Hoàng Ngọc Bang và hai sư huynh Dòng La San tại Lương Viện Phú Thứ (Thừa Thiên). Ngài thọ 57 tuổi, trong đó 28 năm làm linh mục.
Linh MụcBửu Hiệp (Linh Mục Chủ Tế đứng bên tay phải) anh em ruột với linh mục Bửu Đồng
Thánh Lễ cầu nguyện cho Linh Mục JB Bửu Đồng, Linh Mục Micae Hoàng Ngọc Bang và hai sư huynh Dòng La San do Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền và 12 linh mục trong giáo phận đồng tế tại nhà thờ Chánh Tòa Phú Cam, nơi sinh quán của ngài, ngày 12/11/1969 và an táng ngày 13/11/1969 cạnh mộ Đức Cha Allys (Lý).
Năm 1985, nhà cầm quyền CS ra lệnh dời nghĩa địa để lấy đất nên ngài được cải táng lần nữa và chôn tại núi Thiên Thai (Huế), chung với các linh mục quá cố.
Bài Văn Tế của Linh Mục Raphael Bửu Hiệp
Trong dịp Tết Mậu Thân 1968, có hai linh mục ngoại quốc và ba linh mục Việt Nam cùng hai sư huynh Dòng La San, một số tu sĩ và giáo dân đã bị chôn sống. Hai linh mục ngoại quốc thuộc Dòng Biển Đức là cha Urbain và cha Guy. Ba linh mục việt Nam là cha JB Bửu Đồng (Huế), cha Micae Hoàng Ngọc Bang (Huế) và cha Giuse Lê Văn Hộ (Quảng Trị).
Theo Miền Nam Việt Nam (facebook)
No comments:
Post a Comment