Friday, May 27, 2011

Thư Trả Lời Việt Dũng - Đỗ Văn Phúc

Đỗ Văn Phúc

Tôi có nhận được từ một người bạn, bài viết của Việt Dũng phê bình bài này của tôi.

Xin cám ơn anh Việt Dũng đã có những nhận xét rất đúng về sự thiếu sót của tôi. Và cũng xin ghi nhận những lời phê bình bình tĩnh, hoà nhã của anh; thể hiện phong cách của một người có giáo dục và tư cách. Đó cũng là phong cách cư xử đứng đắn giữa những chiến hữu với nhau.

Đúng như Việt Dũng đã viết, tôi đã quá đặt nặng việc phê phán những hiện tượng tiêu cực trong giới nghệ sĩ, mà thiếu phần cỗ vũ những khía cạnh tích cực của những nghệ sĩ có tinh thần cộng đồng, lập trường Quốc Gia, Họ là những viên ngọc cần được nâng niu và khích lệ.

Nhưng trong một cách nhìn bao quát, thì đa số các nghệ sĩ chuyên nghiệp thường chiều theo thị hiếu của khán giả để còn đứng được trên sân khấu. Trong khi đó, một phần nhỏ những nghệ sĩ nặng tình Quốc Gia thì có mục tiêu là phục vụ đấu tranh cho dù bị thua thiệt về nhiều mặt trong cuộc sống. Và tôi tin rằng họ chấp nhận hy sinh như thế cũng như những nhà tranh đấu khác.

Khi nhắc đến các sinh hoạt văn nghệ, thì thường có hai loại hình cho hai mục đích khác nhau:

1. Những buổi nhạc hội, dạ vũ có bán vé thì khán giả là quần chúng bình thường. Thị hiếu của họ là các loại nhạc tình cảm nặng về giải trí. Khán giả chỉ ưa nhìn các ca sĩ trẻ tuổi hay nổi danh vang bóng một thời với những xiêm y màu sắc rực rỡ, vơí lối diễn tả ướt át, khêu gợi; nhạc điệu mùi mẫn hay giật gân.

Những kẻ xướng ca vô loài
2. Trong khi những sinh hoạt nghiêm trang của Cộng Đồng để kỷ niệm những ngày trọng đại, thì khán giả là thành phần chọn lọc, mà chỉ thích hợp với các bản nhạc thiên về lòng ái quốc, đấu tranh. Đó là sở trường của các nghệ sĩ như Việt Dũng, Nguyệt Ánh. Và than ôi, ban tổ chức chỉ có khả năng trang trải chút sở phí di chuyển, ăn ở cho các bạn chứ không thể trả cát sê hàng chục ngàn như khi mời Như Quỳnh, Ý Lan… Dù những ca sĩ sau này chưa chắc đã hát hay hơn các ca sĩ Hưng Ca.

Lần nữa, xin cám ơn Việt Dũng, và cũng nhân đây, xin tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những người Việt tị nạn (trong đó có các nghệ sĩ) dù bao năm qua, vẫn giữ vững lập trường không bán tư cách, tài năng vì danh vọng và tiền bạc để phản bội lý tưởng chung.

Cũng xin thưa với Việt Dũng, không chỉ có các nghệ sĩ phản thùng, mà ngay trong anh em cựu quân nhân, cựu tù nhân chính trị chúng tôi, cũng không thiếu những kẻ đã quay đầu, chạy về Việt Nam tâng bốc cái chế độ mà họ đã từng chiến đấu chống lại và từng bị ngược đãi sau chiến tranh. Cũng có những kẻ tuy còn cư ngụ tại các nước tự do, nhưng đã lập lờ làn ranh Quốc Cộng, vì chút lợi sẵn sàng ngồi chung mâm với kẻ thù hay vớ bọn tay sai của giặc..

Bọn này còn tệ và đáng khinh bỉ hơn các nghệ sĩ phản thùng rất nhiều.

Đỗ Văn Phúc
Austin May 26, 2011
________________
    Tệ Trạng Ca Sĩ Hải Ngoại Về Ca Hát Ở Việt Nam
Viet Dzung

Đọc bài viết của ông Đỗ Văn Phúc về vấn đề ca sĩ hải ngoại về ca hát ở Việt Nam, tôi không thể chạnh lòng và không thể không viết lên một vài suy nghĩ về vấn đề này.

Ngay từ đầu bài viết, ông Đỗ Văn Phúc trích lời ông Đào Duy Từ để khép tất cả các nghệ sĩ vào bốn chữ “Xướng ca vô loài”, và cho dù ở cuối bài, ông viết thêm một câu rằng “Nhưng cũng xin đừng vơ đũa cả nắm mà mắng mỏ người ta là xướng ca vô loài, tội nghiệp cho những nghệ sĩ có lòng và có tư cách”.

Nội dung trong bài viết chỉ quy trách những nghệ sĩ đã về Việt Nam trình diễn, nhưng tác giả đã không nhìn thấy rằng con số nghệ sĩ về Việt Nam trình diễn trong suốt 36 năm qua, chỉ khoảng VÀI CHỤC người, trong tổng số cả ngàn nghệ sĩ tại hải ngoại, tức là một tỷ lệ rất ít so với tỷ lệ Việt kiều về nước thăm quê hương và sĩ số người Việt trên toàn thế giới.

Điều tôi muốn nói lên ở đây là có những nghệ sĩ mà cho đến nay, tấm lòng của họ dù đã bao nhiêu lần được mời, được trả bằng những số tiền khổng lồ, nhưng vẫn từ chối về Việt Nam trình diễn. Những trường hợp điển hình như nữ danh ca Thanh Thúy, dù đã về Việt Nam nhiều lần để làm việc từ thiện, nhưng vẫn quyết tâm không bao giờ hát cho chế độ ở trong nước. Còn rất nhiều những ca sĩ khác, già có, trẻ có, thế hệ cũ có, thế hệ mới có, không bị choáng mắt bởi những số tiền khổng lồ, không vì đam mê danh vọng hão huyền, vẫn trung thành với cộng đồng người Việt tại hải ngoại, vậy thì tại sao chỉ có những lời chê bai nghệ sĩ, mà không hề có một lời vinh danh những người đó?

Trước đây dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, chính quyền Việt Nam có cả một bộ Dân vận và Chiêu hồi, có cả một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu, từ ca sĩ cho đến nhạc sĩ sáng tác, có cả một ngân khoản lớn lao để tài trợ cho các chương trình đó. Thế nhưng ra tới hải ngoại, những nghệ sĩ đấu tranh chỉ hoạt động trong cô đơn, âm thầm. Từ một Trầm Tử Thiêng với những ca khúc để đời, đến Trần Thiện Thanh với những bài hát về lính, và ngay cả mới đây là nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang, họ chỉ được vinh danh khi họ nhắm mắt lìa đời, và danh dự nhất đối với họ là phủ được lá cờ vàng ba sọc đỏ lên chiếc quan tài trước khi chôn cất. Thế nhưng khi còn sống, có ai nghĩ tới họ, và họ đã chết trong cô đơn nếu không muốn nói là có những trường hợp nghèo khó tột cùng.

Đó là chưa kể đến những tranh chấp trong cộng đồng. Một cộng đồng khi chia thành hai ba nhóm, nhóm này tranh chấp với nhóm kia, nhóm kia mời nghệ sĩ này về trình diễn thì nhóm này ngay lập tức nhao nhao lên chỉ trích, gọi nghệ sĩ đó là Việt gian, Việt cộng. Chuyện này xảy ra thường xuyên đến nỗi ngay cả những người có lòng nhất, nay cũng ngại khi phải về giúp cho một cộng đồng ở những thành phố đang có những chia rẽ trầm trọng giữa những người Việt quốc gia.

Những người còn sống, đã cả một đời viết và sáng tác nhạc tranh đấu, cũng chẳng hơn gì. Một Phan Văn Hưng ở Úc, một Nguyệt Ánh ở Hoa Thịnh Đốn, nhóm Phong Trào Hưng Ca, hay nhóm Tù Ca Xuân Điềm, có ai nghĩ đến việc yểm trợ họ không? Có ai nghĩ đến chuyện mua băng, mua video của họ không? Có cộng đồng nào nghĩ đến việc mời họ đến trình diễn và trả cachet tương xứng cho họ không? Hay chỉ là những tổ chức, những cộng đồng mời họ đến vào dịp 30 tháng 4, 19 tháng 6, trình diễn FREE miễn phí để đóng góp cho công cuộc đấu tranh của cộng đồng, rồi sau đó cũng chính cộng đồng hay tổ chức đó đã không hề nhớ đến họ khi đứng ra tổ chức đại nhạc hội Tết hay dạ vũ, và lấy tiền trả cho những ca sĩ khác với những số tiền lớn gấp ba gấp bốn để gây quỹ? Cho tới nay đã có một tổ chức nào, cộng đồng nào, hay ngay cả một nhóm nào vinh danh những nghệ sĩ đấu tranh này hay chưa? Hay chỉ vinh danh những tổ chức xã hội, từ thiện, những cá nhân khác? Ngay cả việc khuyến khích những người trẻ sáng tác và hát những nhạc phẩm tranh đấu cho dân chủ, cho nhân quyền, cho tự do, đã có ai làm hay chưa? Những câu hỏi đó thì có, nhưng không có câu trả lời.

Muốn có một cây tốt, thì phải ươm mầm tốt. Muốn có những nghệ sĩ nặng lòng với đất nước, thì phải có những chương trình khuyến khích, nâng đỡ họ. Chúng ta có những chương trình khuyến học, những trung tâm Việt ngữ để dạy cho trẻ quên tiếng Việt. Chúng ta cần thêm những người biết quý trọng những nghệ sĩ đã bỏ cả cuộc đời để dấn thân đấu tranh cho Việt Nam, cho tự do, cho dân chủ, hoặc đã dám hy sinh từ bỏ mọi quyền lợi, danh vọng, tiền bạc và trung thành với cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Mong rằng ý kiến này đóng góp thêm cho bài viết của tác giả, và cũng mong rằng cộng đồng người Việt tại hải ngoại nên nghĩ lại về thái độ của mình đối với những nghệ sĩ của chúng ta.

Viet Dzung

No comments:

Post a Comment