Thursday, October 21, 2010

NHÂN 1000 NĂM THĂNG LONG - Huệ Vũ

Huệ Vũ

Trong 10 ngày đầu tháng 10/2010, Cộng Sản Việt Nam đã tưng bừng tổ chức mừng 1000 năm Thăng Long.

Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La đổi tên là Thăng Long đã mở đầu một thời đại hoàng kim của dân tộc Việt.

Mừng Thăng Long được 1000 tuổi là điều đáng làm, nhưng lễ mừng Thăng Long 1000 năm của Cộng Sản Việt Nam không thể không làm cho người dân cảm thấy xót xa.

CSVN tuyên bố thời gian tổ chức lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long lấy “cột mốc” Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô.

Nhưng bản văn Thiên Đô Chiếu của Lý Thái Tổ không ghi ngày tháng ban chiếu.

Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) của cụ Ngô Sĩ Liêm là bộ sử cổ nhất còn lại của Việt Nam (Bộ Đại Việt Sử Ký của cụ Lê Văn Hưu bị thất truyền), cũng không nói rõ ngày ban chiếu, chỉ nói rằng mùa xuân tháng 2 năm Thuận Thiên thứ nhất, vua xa giá về thăm châu Cổ Pháp, vua thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp mới tự ban chiếu dời đô về thành Đại La. Cũng theo ĐVSKTT: “Mùa thu, tháng 7, vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên gọi là thành Thăng Long..” Bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Giám nhà Nguyễn cũng lấy thời gian dời đô là tháng 7, mùa thu.

Nếu căn cứ thời gian ban chiếu dời đô thì ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long phải rơi vào một ngày trong mùa xuân. Nếu lấy ngày dời đô, thì ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cũng phải ở tháng 7 năm Canh Dần 2010, không có lý do nào phải chọn ngày 1 tháng 10 năm 2010, trùng hợp với ngày lễ độc lập của Trung Cộng.

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là điều nên làm, nhưng không cần thiết phải chi ra một ngân sách đến gần 1000 tỷ đồng (51 triệu mỹ kim) trong lúc trong nước đang còn rất nhiều người nghèo đói, và trong những năm gần đây bị thiên tai liên tiếp tàn phá.

Trong lúc Hà Nội rực rỡ hoa đăng, dân chúng một dải đất miền Trung đang lâm cảnh màn trời chiếu đất, nhà cửa bị nước lũ cuốn trôi, hàng ngàn người không có thức ăn đang chờ cứu trợ, nhưng chính quyền đang thi nhau ra Hà Nội tiệc tùng nên trong nhiều ngày đã không ai quan tâm tới nạn nhân.

Nếu chỉ tiêu 1/10 số tiền trên, lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cũng đủ rầm rộ, số tiền còn lại sẽ xây không biết bao cây cầu cho trẻ em đi học ở miền núi khỏi phải lội sông như trẻ em ở thôn Phú Mưa, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, như trẻ em thôn Tu Thượng huyện Văn Bản, tỉnh Lào Cai và không biết bao nhiêu thôn làng miền núi khác; số tiền tiết kiệm cũng sẽ cất không biết bao nhiêu căn nhà cho những kẻ chưa từng biết nhà là gì.

Lý Thái Tổ là người tôn sùng Phật Giáo, yêu thương dân chúng, trong thời gian ở ngôi đã nhiều lần tha thuế cho dân: Tháng 12 năm Bính Tuất (1010) ban chiếu đại xá thuế khoá trong 3 năm. Năm Bính Thìn (1016) lại ban chiếu không thu thuế trong 3 năm và vào năm Đinh Tỵ ( 1017) lại xuống chiếu giảm tô ruộng đất.

Tinh thần một vị vua như vậy, nếu có linh thiêng hẳn cũng không khỏi ngậm ngùi trước 10 ngày lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tốn kém tiền tỷ của CSVN.

Và có lẽ ngài cũng còn đau buồn hơn nhiều, tượng đá cũng có thể nhỏ lệ khi nhìn thấy tinh thần nô lệ của CSVN, thuê một đạo diễn Tàu (Cận Đức Mậu) thực hiện bộ phim Đường Tới Thăng Long, lấy bối cảnh bên Tàu để quay, biến ngài thành người mặc áo vua chúa Tàu, mang áo giáp thời Tần Hán với những cảnh xa hoa, những căn nhà to lớn chưa từng có ở Việt Nam thời Đinh, Lê, Lý. Những người đã xem qua bộ phim đều có cảm tưởng đây là bộ phim Tàu nói tiếng Việt.

Chúng ta có thể tiếp tục để CSVN làm nhục quốc thể? Và nhân dịp 1000 năm Thăng Long có lẽ chúng ta cũng nên nhắc lại chiến lược của tổ tiên, và từ đó có thể cân nhắc: trong tình hình thế giới ngày nay dân tộc ta phải làm gì để giữ nước.

I. CHIẾN LƯỢC BẮC HÒA NAM TIẾN

Là một quốc gia nhỏ nằm bên cạnh một nước lớn hơn mấy chục lần, tiền nhân chúng ta phải theo chiến lược hoà hoãn lâu dài với Tàu, nhưng mạnh mẽ có phản ứng khi lãnh thổ và quyền lợi dân tộc bị xâm phạm và luôn luôn cố gắng gìn giữ bản sắc dân tộc.

Trong đời Lý Thái Tổ không có sự xung đột với Tàu, nhưng khi nào những dân tộc thiểu số ở biên giới dựa vào lãnh thổ Tàu để quấy nhiễu, ngài đều sẵn sàng cử binh đánh dẹp. Tháng 10 năm Qúy Sửu (1013) vua thân chinh đi đánh châu Vị Long. Tháng Giêng năm Giáp Dần (1014) bọn Dương Trường Huệ, Đoàn Chí Kính đưa người vào cướp phá bến Kim Hoa, nhà vua sai Dực Thánh Vương đi đánh, chém hàng ngàn thủ cấp. Tháng 2, năm Nhâm Tuất (1022), Dực Thánh Vương đi đánh Đại Nguyên Lịch, tấn công qua lãnh thổ Trung Quốc tới tận tới tận trại Như Hồng để đốt lương thảo của giặc.

Có thể nói tinh thần tự chủ của Việt Nam đã lên cao độ trong thời nhà Lý.

Các vua Thái tổ, Thái tông, Thánh tông, Nhân tông.. đều là những vì vua nhân đức, thương dân như con, đoàn kết được lòng người trong nước, bình Man, bình Chiêm, giữ vững biên cương.

Lý Thánh Tông là vị vua để lại trong lịch sử những lời nói bất hủ. Tháng 10 năm Ất Mùi (1055), trời rất lạnh, vua phán:Trẫm ở chốn cung sâu, sưởi thứ than chế bằng xương thú, mặc áo hồ cừu, mà còn rét thế này. Trẫm rất thương xót những người tù bị giam trong ngục kia: Cơm không đủ no lòng, áo không đủ che cật, thì bị gió rét dằn vặt đến đâu! Vậy hạ lệnh cho viên quan có trách nhiệm phát chăn, chiếu cho họ và mỗi ngày cho ăn no đủ (KĐVS). Tháng 4, Giáp Thìn (1064), nhà vua chỉ Công chuá Động Thiên đứng hầu, bảo chủ ngục lại:Ta đem lòng cha mẹ đối với dân, cũng như lòng thương đối với con ta. Dân tự mình mắc phải tội lỗi, lòng ta xót xa lắm ....

Ngoài lòng thương dân, vua Lý Thánh Tông cũng là vị vua đã từng tiến quân qua khỏi dãy Đèo Cả, đại tướng Lý Thường Kiệt truy đuổi vua Chiêm tới tận biên giới Chân Lạp, buộc Chế Củ phải đầu hàng, dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính.

Không hiểu CSVN nghĩ gì khi để chút thiên lương - nhân chi sơ tính bản thiện - của cha mẹ sinh ra khi nhớ tới nhà Lý, tới những vì vua như Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và nhớ tới những những tội ác của chúng đối với đồng bào ruột thịt? Chúng nghĩ gì tới chế độ lao tù, cải tạo của chúng, tới chính sách ác độc chưa từng có trong lịch sử của chúng đối với đồng bào?

Vào lúc Lý Nhân Tông lên ngôi, bên Tàu Tống Thần Tông cử Vương An Thạch làm tể tướng, áp dụng Biến Pháp để khắc phục tình trạng tài chánh thiếu hụt và quân đội bạc nhược. Tân pháp bị phe thủ cựu chống đối, Vương An Thạch muốn lập công để cũng cố điạ vị, chỉ thị cho bọn quan lại ở biên giới như Trầm Khởi, Lưu Di khiêu khích nước ta, cấm buôn bán ở biên giới.

Mùa đông năm Ất Mão (1075) vua xuống chiếu sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản cầm 10 vạn quân chia 2 đường sang đánh Tống. Quân ta đã thần tốc phá vỡ Khâm Châu và Liêm Châu, bao vây Ung Châu. Đi tới đâu truyền hịch kể tội Vương An Thạch tới đó.

Sau khi phá Ung Châu vào tháng Giêng năm Bính Thìn (1076), Lý Thường Kiệt rút quân về nước.

Nhà Tống sau đó đã cử Quách Qùy làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem 8 vạn quân sang đánh trả thù. Lý Thường Kiệt cả phá quân địch trên sông Như Nguyệt, giết hơn 1000 người. Quân giặc tiến quân về phía Tây, quân ta chận đánh ở sông Phú Lương. Khí thế quân giặc rất mạnh, Lý Thường Kiệt cho người giả làm thần vào đền Trương Hống tướng quân đọc lớn bốn câu thơ:
    Nam quốc sơn hà nam đế cư
    Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.


    (Sông núi nước Nam, vua Nam ở
    Rành rành đã định tại sách trời
    Cớ sao bọn nghịch qua xâm phạm
    Cứ thử làm xem, chuốc bại hư)
Đòn tâm lý chiến của danh tướng Lý Thường Kiệt đã làm nức lòng quân dân. Quách Quỳ và Triệu Tiết không thể tiến quân qua sông, quân Tống không quen thủy thổ chết quá nửa, phải rút quân về nước, nhưng khi rút lui chúng đã lưu quân chiếm giữ châu Quảng Nguyên.

Bốn câu thơ nói trên có thể là bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt và từ đây tiếp tục tạo những trang sử oai hùng chống phương Bắc: Bình Nguyên, Phản Minh, Diệt Thanh, giữ vững đất nước.

Sau khi đẩy lui quân Tống, năm Mậu Ngọ (1078) vua sai Đào Tông Nguyên đem 5 con voi sang giao hảo với nhà Tống. Nhà Tống phải đồng ý trả lại vùng Quảng Nguyên (Cao Bằng) cho nước ta.

Có thể nói nhà Lý là triều đại đã định hình chiến lược “Bắc Hoà Nam Tiến” và các triều đại về sau đã noi theo, giữ vững biên cương phía Bắc và mở nước về phiá Nam, giúp cho dân tộc ta có dải giang sơn gấm vóc ngày nay.

Cuối đời Nhà Lý lãnh thổ Đại Việt đã mở rộng tới sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị.

Các triều đại về sau đã tiếp nối chiến lược này.

Huy hoàng nhất của lịch sử Đại Việt là 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông.

Sau khi đánh thắng đợt xâm lăng thứ nhất do Ngột Lương Hợp Thai theo đường Vân Nam tiến sang trong năm Đinh Tỵ (1257), nhà Trần đã tìm mọi cách hoà hoãn với nhà Nguyên, sai Lê Phụ Trần đi sứ xin tiến cống 3 năm một lần, chấp nhận cho nhà Nguyên đặt chức quan Đạt Lỗ Cát Tề để giám sát nước ta. Nhà Trần theo đường lối ngoại giao, kéo dài cuộc hoà hoãn trong vòng 20 năm để chuẩn bị binh lực, sẵn sàng chống lại dã tâm của quân Nguyên. Bài biểu tháng Giêng năm Ất Hợi (1275) của vua Trần Thánh Tông nói lên nỗi áp chế của Mông Cổ: “Dẫu 3 năm một lần tiến cống, sứ bộ qua lại đổi thay đi về mệt nhọc chưa được ngày nào nghỉ ngơi. Đến như Đạt Lỗ Cát Tề do thiên triều cử sang thì há chịu về tay không? Huống chi kẻ sang đây làm gì cũng cậy thế, việc gì cũng lấn lướt đè nước nhỏ này. Ngài là thiên tử dẫu sáng suốt như mặt trời, mặt trăng nhưng đâu dễ soi thấu tới đáy chậu úp? Vả Đạt Lỗ Cát Tề chỉ đáng thi hành ở những nước xấu xí nhỏ bé nơi biên giới, lẽ nào tôi đã được liệt vào bậc vương, đứng phên dậu một bên mà còn lập Đạt Lỗ Cát Tề cai quản ...”

Mặc dù triều Trần đã hết sức nhún nhường, nhà Nguyên không từ bỏ tham vọng chiếm Đại Việt. Năm Nhâm Ngọ (1282), cử bọn Sài Xuân đưa Trần Di Ái về nước để phủ dụ nhà Trần quy hàng. Bọn Sài Xuân bị đón đánh phải chạy về Tàu.

Nhà Trần vừa tìm cách cầu hoà, vừa chuẩn bị chiến tranh. Tháng Chạp năm Giáp Thân (1284), Hốt Tất Liệt cử Trấn Nam Vương Thoát Hoan (Con trai thứ 9 của Hốt Tất Liệt, là hoàng tử chứ không phải “thái tử” như nhiều cuốn sử đã chép lầm) cầm đầu bọn danh tướng Lý Hằng, A Lý Hải Nha, A Thích, Ô Mã Nhi, Toa Đô ... đem 50 vạn quân, hẹn với Chiêm Thành đánh lấy nước ta. Thượng hoàng họp bô lão ở điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý.

Bô lão đồng thanh quyết đánh.

Trước sức tiến công của giặc, quân ta rút lui để bảo toàn thực lực. Vua và thượng hoàng rút vào Thanh Hoá. Tháng 4, năm Ất Dậu (1285) quân ta bắt đầu tấn công. Mở đầu với chiến thắng của Chiêu văn vương Trần Nhật Duật, diệt đoàn quân của Toa Đô ở cửa Hàm Tử. Tiếp theo, 2 vua Trần chiến thắng quân giặc ở Trường Yên, Trần Quang Khải thu phục Thăng Long. Trần Hưng Đạo phục binh ở Vạn Kiếp diệt hết đoàn tàn binh của Thoát Hoan.

Bốn câu thơ cảm hứng của Trần Quang Khải sau khi chiếm lại Thăng Long ngàn đời vẫn trường tồn cùng hồn thiêng sông núi:
    Đoạt sáo Chương Dương độ
    Cầm Hồ Hàm tử quan
    Thái bình nghi nỗ lực
    Vạn cổ thử giang san


    (Chương Dương cướp dáo giặc
    Hàm tử bắt quân Hồ
    Thái bình nên gắng sức
    Non nước ấy ngàn thu)
Để trả thù, muà xuân tháng 2 năm Đinh Hợi (1287), Hốt Tất Liệt lại sai Thoát Hoan đem 30 vạn quân sang xâm lăng Đại Việt lần thứ 3. Bạch Đằng Giang lại một lần nữa trong lịch sử nhộm đỏ máu quân thù.

Tuy chiến thắng liên tiếp, nhưng là một nước nhỏ so với phương Bắc, nên năm Mậu Tý (1288) vua Nhân Tông sai Đỗ Thiên Hư đi sứ sang Nguyên cầu hoà, xin tiến cống như trước.

Giữ yên phương Bắc, nhà Trần bắt đầu lo bình định các bộ tộc thiểu số miền Tây Bắc và Chiêm Thành ở phương Nam.

Vào cuối đời nhà Trần lãnh thổ Đại Việt gồm thêm vùng tây bắc sông Đà, miền thượng lưu sông Mã, miền tây Thanh Hoá, Nghệ An. Biên giới phía Nam mở rộng tới đèo Ngang, có thêm tỉnh Thừa Thiên.

Nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, không được lòng dân nên nước ta đã bị nhà Minh xâm chiếm. Nhà Hồ mất, nhưng Hồ Nguyên Trừng đã để lại câu nói mà đời sau phải suy ngẫm: “thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”.

Sau 10 năm khởi nghĩa, Bình Định Vương Lê Lợi đánh tan quân xâm lược, chém Liễu Thăng ở Chi Lăng, làm Mộc Thạnh hoảng hốt chạy về Vân Nam, buộc Vương Thông phải xin giảng hoà rút quân về nước. Ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1247) chính thức kết thúc cuộc tranh hùng tráng giải phóng quê hương. Ngày 14 tháng 4 năm Mậu Thân (1248), Bình Định Vương lên ngôi hoàng đế, sai Nguyễn Trãi viết bài Bình Ngô Đại Cáo, một áng văn hào hùng bất hủ của dân tộc.

Mặc dù đã chiến thắng quân Minh một cách hào hùng. Bình Định Vương Lê Lợi đã gởi sứ sang nhà Minh cầu phong cho Trần Cao để vuốt ve vua Tuyên Đức nhà Minh. Biểu văn nhắc lại lời hứa tìm con cháu nhà Trần đưa lên ngôi trước kia của Minh Thành Tổ và rất nhún nhường: “ … ngờ đâu quan quân mới tới thấy voi sợ hãi, tức khắc vỡ tan. Việc đã như vậy, dầu bởi người trong nước, cũng là lỗi của tôi. Nhưng bao nhiêu binh mã bắt được đều được thu dưỡng tử tế, không dám xâm phạm chút nào. Dám xin hoàng thượng ngày nay lại theo lời chiếu của Thái tông Văn hoàng đế tìm lấy con cháu họ Trần, nghĩ tới lòng thành và triều cống của tổ tiên tôi ngày xưa mà xá cái tội cao như gò núi ấy, không khiến phải phạt nặng bằng búa rìu, khiến cho tôi được nối nghiệp ở xứ Nam, giữ chức triều cống ....”.

Ngoài tờ biểu này, sử bộ còn dâng hai hình người bằng vàng thế mạng cho Liễu Thăng và Lương Minh và nhiều phương vật rất quí giá như ngà voi, trầm hương. Tục cống người vàng thế mạng Liễu Thăng mãi tới thời vua Quang Trung mới được hủy bỏ.

Vào thời Lê Thánh Tông, nước ta đã mở rộng biên giới tới sông Đà Rằng, một nửa phần đất tỉnh Phú Yên ngày nay.

Sau Khi Nguyễn Hoàng được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hoá, các chúa Nguyễn đã tiếp tục mở nước về phương Nam, chiếm hết phần đất Thủy Chân Lạp, đưa biên giới phía nam xuống tận mũi Cà Mau.

Lịch sử ca ngợi những chiến công hiển hách của các triều đại Đại Việt, và cũng không ai có thể chê bai sự nhún nhường, triều cống để giữ hoà khí với phương Bắc của tổ tiên. Thế cường nhược của 2 bên quá rõ rệt. Chính sách giữ hoà hiếu với nước lớn của tổ tiên chúng ta không phải là yếu hèn mà là chính sách cần thiết để giữ nước. Nếu Chiêm Thành biết luôn luôn tìm cách giữ hoà hiếu với Đại Việt, không thường xuyên khiêu khích, lo cố thủ, giữ vững biên giới Hoành Sơn thì có thể ngày nay nước Chiêm vẫn còn tồn tại.

II. CHÍNH SÁCH SAI LẦM CỦA NHÀ NGUYỄN

Nhà Nguyễn Tây Sơn đã quật khởi từ năm Tân Mão (1771) ở Tây Sơn, Bình Định. Sau đó đã cáo chung cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn. Chiến thắng mùa Xuân Kỷ Dậu (1789) cũng đã cáo chung nhà Lê. Lịch sử không thể không ca ngợi hùng tài đại lược của vua Quang Trung, nhưng nếu nhà vua không mất sớm, đánh chiếm được 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây như mong muốn đi nữa chưa hẳn đã đem lại lợi ích lâu dài cho Đại Việt. Diện tích Lưỡng Quảng lớn hơn Đại Việt, dân số đông hơn. Nếu chiếm được, lãnh thổ quốc gia chúng ta sẽ rộng lớn hơn, nhưng người Việt sẽ trở thành một dân tộc thiểu số, khó giữ lâu dài. Nhất là vua Quang Trung dù với chiến công oai võ, vẫn chưa thu phục nhân tâm miền Bắc. Những nho sĩ ra làm quan với Triều Tây Sơn đã bị diễu cợt là: “Một bọn Di Tề Hà Thú Dương...” Cho dù chiếm giữ được lâu dài, VN cũng có thể gặp cái họa như người Mãn Châu vào làm vua ở Trung Hoa! Sau khi nhà Thanh sụp đổ, Mãn Châu đã trở thành một phần lãnh thổ Trung Hoa. Trong lịch sử, vào cuối đời nhà Tây Tấn, các giống dân Tiên Ti, Hung Nô, người Yết, người Khương, người Sa Đà vào chiếm cả vùng Tây Bắc nước Tàu lập quốc, xưng vương, nhưng khi sụp đổ thì dân tộc của họ cũng trở thành người Hán!

Chủ trương dòm ngó phương Bắc của vua Quang Trung, sự chia rẽ giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đã tạo cơ hội cho chúa Nguyễn Phúc Ánh ở Gia Định củng cố thực lực. Khi vua Quang Trung vừa băng hà (1792), Nguyễn Vương liền phát động chiến dịch tấn công.

Vua Quang Trung là một thiên tài quân sự, đã tạo được một đội quân hùng mạnh, thiện chiến, nhưng ngài mất sớm, con còn nhỏ dại, bầy tôi rường cột lại chia rẽ nên đã không thể chống lại quân Đàng Trong. Ngày mùng Một, tháng 5 năm Nhâm Tuất 1802, Nguyễn Vương lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long.

Sau khi lên ngôi, thống nhất đất nước từ Nam ra Bắc, vua Gia Long sai sứ sang Tàu cầu phong chức Nam Việt quốc vương, không muốn nhận phong là An Nam Quốc vương như các triều đại khác vì lãnh thổ đã mở rộng gấp đôi. Nhưng Nam Việt là quốc hiệu của Triệu Đà, lãnh thổ nhà Triệu gồm vùng đất Lưỡng Quãng, vua Gia Khánh nhà Thanh cho rằng vua Gia Long cũng nuôi chí muốn lấy lại Lưỡng Quảng như vua Quang Trung nên không thuận, Gia Long lại không muốn nhận phong là An Nam quốc vương. Vì vậy, nhà Thanh đã đổi ngược chữ Nam Việt thành Việt Nam. Chúng ta đang tự hào là người Việt Nam, nhưng có lẽ ít ai để ý rằng đây là một quốc hiệu chỉ có từ thời Gia Long và do nhà Thanh ban cho! Tuy nhiên, quốc hiệu này chỉ dùng trong thời Gia Long, Minh Mạng. Các vua nhà Nguyễn sau đó cũng chỉ dùng trong sự giao dịch với nhà Thanh, còn đối với các nước khác và trong nước đều dùng quốc hiệu Đại Nam. Trong tương lai hy vọng thế hệ trẻ xét lại nguồn gốc 2 chữ “Việt Nam” để tìm lấy một quốc hiệu khác. Nếu không dùng lại quốc hiệu Đại Việt là thời kỳ hoàng kim nhất của dân tộc chúng ta.

Quốc hiệu của nước ta từ đời nhà Đinh là Đại Cồ Việt, rút ngắn thành Đại Việt dưới đời Nhà Lý, chỉ bị nhà Hồ sửa thành Đại Ngu trong một thời gian ngắn rồi quay trở lại Đại Việt và đã bị mất cho tới nay sau sự tan rã của nhà Tây Sơn.

Chiến lược của các vua đầu đời nhà Nguyễn cũng có thể tạm gọi “ Bắc Hoà Tây Tiến”. Dưới đời vua Minh Mạng, Việt Nam đã chiếm vùng đất Trấn Ninh và Sầm Nứa, đưa biên giới tới các tỉnh Bắc Trung Việt tới sông Mê Kông. Vào năm 1835, vua Minh Mạng cũng sát nhập phần đất còn lại của Chân Lạp vào bản đồ, đặt tên là trấn Tây Thành. Tuy nhiên, người Chân Lạp đã liên tiếp đứng lên chống đối nên vua Thiệu Trị sau đó đã cho rút quân về nước.

Chủ trương “Bắc Hòa” dưới các triều Lý, Trần, Lê là chính sách cần thiết để tránh chiến tranh, “tránh voi không xấu mặt nào” để giữ nước, nhưng “Bắc Hòa” của các vua nhà Nguyễn đã trở thành thứ một chính sách bảo thủ, tôn sùng nhà Thanh một cách phi lý và hoàn toàn không hợp với tình thế bấy giờ.

Vào giữa thế kỷ 18, tàu buôn, tàu chiến Tây phương đã có mặt trên các đại dương, vào năm 1766, công ty Đông Ấn của Anh đã quản trị cả vùng đất Bengal. Nhà Thanh vào lúc vua Gia Long lên ngôi đã bắt đầu suy yếu.

Vua Gia Long là vị vua đã sớm tiếp xúc với kỷ thuật Tây Phương. Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) là người đã đồng cam cộng khổ với nhà vua trên 20 năm, đã đưa Hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện, và năm 1789 đã đưa một số sĩ quan, thủy thủ, chuyên viên Âu Châu tới Gia Định giúp nhà vua như Marie Dayot, Phillipe Vannier, Laurent Barisy, De Forcant, Jean Baptiste Chaignaeu, Theodore Lebrun, Olivier de Puymanel ... ) họ đã giúp nhà vua huấn luyện hải quân, xây cất, đóng tàu theo kiểu Tây Phương, chế súng thần công có bánh xe kéo, đi mua súng đạn Tây phương ở Macao, Manila, Jarkata .... nhờ sự đóng góp kỹ thuật của họ mà quân Đàng Trong mới có một lực lượng hải quân hùng hậu, và lực lượng hải quân là quân chủ lực đã giúp cho quân nhà Nguyễn chiến thắng Tây Sơn. Những chiếc tàu Long Phi, Phượng Phi, Bằng Phi là những tàu chiến lớn, hoả pháo mạnh, đã giúp quân Nguyễn chiến thắng quân Tây Sơn do Võ Văn Dũng chỉ huy ở cửa bể Thị Nại. Những chiếc tàu này do các ông Nguyễn Văn Chấn (Vannier), Nguyễn Văn Thắng

(Chaigneau) và Lê Văn Lăng (de Forcant) chỉ huy. Nhờ Oliver de Puymanel xây thành Diên Khánh vững chắc, thành này mới có thể đứng vững trước những đợt tấn công của Trần Quang Diệu, giữ vai trò làm nơi tích trử quân lương cho đội quân tiến ra Qui Nhơn, Thuận hoá. Có thể nói Nguyễn Phúc Ánh thắng được Tây Sơn phần lớn là nhờ quân tướng Tây Sơn bất hoà; phần khác nhờ quân đội đã có chiến thuyền, vũ khí tân tiến hơn quân Tây Sơn.

Sớm tiếp xúc với văn minh Tây Phương, và đã nhờ kỹ thuật Tây Phương để phục quốc, nếu vua Gia Long thật sự anh minh, biết cho người trong nước tiếp tục học hỏi kỹ thuật của Pháp, thì Việt Nam đã có cơ hội không khác gì Nhật đã biết học hỏi kỹ thuật khoa học của Hoà Lan. Đáng tiếc, sau khi lên ngôi Gia Long lại không trọng dụng những người Pháp đã có công, không khuyến khích học hỏi kỹ thuật Tây Phương để làm cho đất nước ngày càng phát triển. Trái lại, ngài còn tôn sùng nhà Thanh hơn các triều đại trước, tiến cống 3 năm một lần hạ xuống còn 2 năm. Bộ Hoàng Việt Luật Lệ hay Luật Gia Long đã sao y chính bản bộ Đại Thanh Luật Lệ.

Trong đời Gia Long nhà vua còn nghĩ đến công ơn người Pháp, không cấm truyền đạo, những người Pháp giúp đỡ trước đây còn được cấp cho nhà ở và một số người hầu hạ, nhà vua còn cho các tàu ngoại quốc đến buôn bán, nhưng đến đời Minh Mạng, những người từng giúp Gia Long phục quốc đã phải rời khỏi Việt Nam vì bị bạc đãi. Triều Nguyễn bắt đầu cấm truyền đạo, áp dụng chính sách bế quan toả cảng, bác bỏ mọi đề nghị buôn bán của Pháp, của Anh, của Hoa Kỳ.

Sau khi 3 tỉnh Nam Kỳ bị mất dễ dàng, triều đình Huế cũng không biết theo lời khuyên vô cùng sáng suốt của ông Nguyễn Trường Tộ để có thể thay đổi tình thế. Đưa tới cái hoạ Hiệp ước Patenôtre ngày 6 tháng 6 năm 1884.

III. LÀM GÌ ĐỂ VIỆT NAM CÓ THỂ GIỮ NƯỚC TRONG HÌNH HÌNH HIỆN NAY?

Tinh thần thủ cựu, tôn sùng Nho Giáo, chỉ biết có nhà Thanh đã làm cho Việt Nam không còn sức chống đỡ trước kỹ thuật Tây Phương sau cuộc cách mạng kỹ nghệ.

Sau khi bị Pháp chiếm đóng, sĩ phu và nhân dân Việt Nam tiếp tục đứng lên chống Pháp, hết phong trào Cần Vương, đến Văn Thân, Đông Du, sự đứng dậy của các đảng phái chính trị như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Duy Dân đảng...

Cuộc cách mạng Nga năm 1917 đã tạo nên phong trào ngưỡng mộ chủ nghĩa Cộng sản, coi chủ nghĩa này có thể giúp giải phóng thuộc điạ. Một số thanh niên VN đã mau chóng trở thành đảng viên Cộng Sản như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Trịnh Đình Cửu, Hồ Tùng Mậu, Hồ Chí Minh ... và họ đã thành lập nên đảng Cộng Sản Việt Nam, làm việc theo chỉ thị CS Nga Tàu. Không biết bao thanh niên yêu nước Việt Nam đã bị CS thủ tiêu trong thời gian cùng chống Pháp, tranh đấu cho nền độc lập.

Tình hình thế giới sau Thế Chiến Thứ Hai, sự thất trận của Pháp tại Điện Biên Phủ đã đưa tới việc phân chia đất nước.

Miền Bắc trở thành tiền đồn thế giới Cộng Sản, miền Nam trở thành tiền đồn thế giới Tự Do!

Theo ước tính, để củng cố chế độ, CS đã xử tử trên 50 ngàn người và nửa triệu người đã bị chết dần mòn trong lao tù trong thời kỳ cải cách ruộng đất (1953-1956). Người dân miền Bắc ngàn năm văn vật chưa bao giờ bị nô lệ hoá như trong thời CS cai trị, mở miệng là Trung Quốc, Liên Xô, Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai ... vĩ đại. Thậm chí Tố Hữu còn thương Staline hơn cả cha mẹ và bản thân của chính mình!

Chiến tranh Quốc Cộng từ đầu đầu thập niên 1960 đến năm 1975 đã làm ít nhất 4 triệu người chết. Sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã làm cho Việt Nam Cộng Hoà bị bức tử!

Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, CS biến đất nước trở thành một nhà tù vĩ đại, biến Việt Nam thành quốc gia bần cùng và nghèo đói nhất trên thế giới. Trên một triệu người phải bỏ nước ra đi, khoảng 25% những người ra đi không bao giờ tới bến bờ tự do mơ ước.

Năm 1985, Mikhail Gorbachev nhận thấy sự trì trệ của chế độ CS đã thực hiện hai chính sách nhằm cứu nguy cho Liên Xô: Glasnost cho phép người dân có tiếng nói chỉ trích chính quyền; Perestroika, cải đổi cơ cấu hay cải cách nền kinh tế.

Theo chân quan thầy Liên Xô, Đại Hội 6 CSVN năm 1986 quyết định thực hiện chính sách “Đổi Mới”. Nguyễn Văn Linh được đưa lên thay thế Trường Chinh trong chức vụ Tổng Bí Thư, phỏng theo chính sách của Gorbachev, cho phép người dân có thể làm kinh tế cá thể. Chính sách này đã làm cho người dân có thêm chút không gian để thở, có thể vận dụng trí óc, khả năng vươn lên để làm việc nuôi sống gia đình.

Đầu thập niên 1990, Đông Âu và các nước trong liên bang Xô Viết nhân cơ hội thất bại của Perestroika vùng lên đấu tranh cho độc lập và tự do. Chế độ CS cáo chung từ Ba Lan, Hung Gia Lợi lần lượt lan đi khắp nơi. Trước tình thế mới, Đại Hội 7 CSVN trong tháng 6 năm 1991 loại trừ Nguyễn Văn Linh khỏi chức vụ Tổng Bí Thư, đưa một đảng viên ít học là Đỗ Mười lên thay thế, mô phỏng theo chính sách của CS Trung Hoa, lấy cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh” làm lý thuyết chỉ đạo để xây dựng cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Và từ đó đến nay CS đã biến VN trở thành một cái bóng của Trung Cộng.

Sau Chiến Tranh Lạnh, tình hình thế giới dần dần thay đổi, một nước nếu không theo đuổi chính sách đe doạ cho các nước lân bang, đe doạ cho hoà bình đều được hoan nghênh tham gia các khối kinh tế quốc tế, các khối chiến lược quốc tế, có thể hoàn toàn bảo vệ chủ quyền.

Trung Cộng sau khi được Đặng Tiểu Bình đề xướng chính sách “kinh tế thị trường với đặc tính Trung Hoa” đã nhanh chóng pháp triển. Tổng sản lượng nội địa (GDP) trong đệ nhị tam cá nguyệt năm nay (2010) đã qua mặt Nhật Bản để trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ nhì trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Theo bảng đánh giá của GlobalFirePower, Trung Cộng cũng là nước có sức mạnh quân sự đứng hạng nhì trên thế giới.

Nhiều người Việt ở hải ngoại đã hô hào, tin tưởng CSVN vì nhu cầu chống Trung Cộng đang lấn đất, lấn biển sẽ liên minh với Hoa Kỳ, ngã theo Hoa Kỳ để chống phương Bắc. Và dĩ nhiên những người này tin tưởng rằng khi CSVN ngã theo Hoa Kỳ họ sẽ có cơ hội về nước để góp phần xây dựng Việt Nam, cùng đoàn kết chống Trung Cộng!

Quan điểm này hình như không thoát khỏi quan niệm thời Chiến Tranh Lạnh, không nghĩ tới quá khứ từng bị bỏ rơi và chính sách thực tiễn giai đoạn của Hoa Kỳ. Những người có quan niệm này cũng không hình dung được nếu trận chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng xảy ra, dù VN đứng bên này hay bên kia cũng sẽ gánh chịu hậu quả thảm khốc như thế nào!

Tuy nhiên, đây chỉ là những quan điểm cá nhân. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là một nhà chính trị, thành lập LMDCVN ở hải ngoại với 5 tiêu đề chỉ đạo, nói lên chủ trương đường lối là: “Dân Bản – Tự Do – Độc Lập – Hoà Bình – Trung Lập”, nhưng cũng rất nhiều đàn em của ông cũng thỉnh thoảng viết bài nói lên hy vọng về VN đoàn kết với “CSVN Theo Mỹ” để chống Tàu!

Giáo sư Huy nêu lên chủ trương Trung Lập Pháp Lý cho VN trong lúc thế giới còn đang ở trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, có 2 khối rõ rệt. Tình hình ngày hôm nay chủ trương này có thể không còn cần thiết.

Vào năm 1955, Ấn Độ và nhiều nước Á-Phi họp ở Bandung thành lập khối Thế Giới Thứ 3, chủ trương không theo Mỹ, không theo Liên Xô, nhưng ngày nay Thế Giới Thứ 3 chỉ còn ý nghĩa là một tập hợp của các nước đang phát triển (developing countries), cần được các nước đã phát triển (developed countries) giúp đỡ.

Tinh thần sùng chuộng Nho giáo, tôn phù nhà Thanh quá đáng đã làm cho VN bỏ lỡ cơ hội như Nhật, đưa đất nước lâm vào cảnh lệ thuộc. Chủ nghiã CS đã tạo cho VN không biết bao nhiêu thảm cảnh, thì chủ nghiã này lại đang tiếp tục kiềm hãm bước tiến của VN, làm cho VN không thể khai thác triệt để giai đoạn thế giới mới sau Chiến Tranh Lạnh để canh tân đất nước nhanh hơn, qui củ hơn.

Chủ nghĩa CS đã chứng tỏ là chủ nghiã phản bước tiến con người, nhưng CSVN vẫn tiếp tục co mình trong vỏ ốc chủ nghiã này.

Giá trị cuả văn minh nhân loại ngày nay là dân chủ, nhân quyền, tự do. Nhưng VN dưới chế độ CS tiếp tục là một quốc gia độc tài, tham nhũng và đàn áp. CSVN bóp chết tự do báo chí, người dân sợ “liên can chính trị” đã làm cho tham nhũng ngày càng bành trướng, phát triển.

Với số tiền viện trợ, đầu tư trực tiếp của ngoại quốc, số tiền đồng bào hải ngoại gởi về, cộng với tài nguyên, thị trường lao động ít có quốc gia nào có: “số người dưới 35 tuổi chiếm 45% dân số”, người Việt Nam lại thông minh, cần cù, thì nếu Việt Nam không phải là một nước CS, thiếu luật pháp rõ ràng, tham nhũng đứng hàng thứ hai của Châu Á, tài nguyên kinh tế không bị tập trung vào số công ty và tập đoàn quốc doanh chỉ có thua lỗ vì tiền lọt vào túi riêng đảng viên Cộng Sản ... thì ngày nay Việt Nam có thể trở thành một con rồng mới ở Á Châu.

Ngoài tiếp tục ngăn chận bước tiến dân tộc, CSVN còn tỏ ra khiếp nhược quá đáng. Trong thời Lý, Trần, Lê, Đại Việt cũng luôn luôn chủ trương hoà hiếu với Tàu, nhưng quan niệm “bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu” luôn luôn tìm mọi cách lấy lại những vùng đất biên cương bị mất bằng ngoại giao hay bằng cả quân sự khi cần thiết. Nhưng CSVN đã cúi đầu dâng Hoàng Sa cho Trung Cộng, ngư dân đi đánh cá thường xuyên bị tàu Trung Cộng tông bể, đuổi bắt, Hà Nội vẫn im thin thít. Không hiểu mỗi khi nhắc tới 16 chữ vàng:Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” bọn CSVN có xấu hổ không? Hẳn là không, vì hình như những kẻ còn biết xấu hổ và còn chút lương tâm không thể làm CS!

Thế giới sau Chiến Tranh Lạnh đã nhanh chóng thay đổi, nhiều nước kinh tế vươn lên, nhiều khối kinh tế khu vực được thành lập. Thế giới hiện rõ sắc thái vừa đối đầu vừa hợp tác. Đối tác chiến lược (strategic partnership) trở nên mơ hồ, chằng chịt không còn ghi rõ nét khối này sẽ chống lại khối kia. Đây là giai đoạn nếu VN trở thành một nước dân chủ thực sự, thì sẽ mau chóng hoà nhập vào dòng tiến bộ chung. Trước, có thể đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện phát triển, nhanh chóng đem lại phú cường cho đất nước, có thể sẵn sàng huy động được sức mạnh toàn dân khi hữu sự. Sau, thuận lợi kết tình hữu nghị khắp năm châu, vận động sự yểm trợ và dư luận thế giới chống trả lại mọi đối xử bất công hay hà hiếp của nước lớn. Đáng tiếc, CSVN vẫn núp mình trong chiếc vỏ CS bị dị ứng khắp nơi, bị coi là “đàn em” của Trung Cộng.

Một Việt Nam thực sự dân chủ, tự do, ổn định. Một Việt Nam đoàn kết được toàn dân, đủ khả năng tự cường, một VN có nhiều khối đồng minh vững chắc, luôn chủ trương hoà bình, nhưng lúc nào cũng thể hiện được tinh thần tự chủ là một nước VN cần thiết để bảo vệ tổ quốc lâu dài.

Chỉ có dân chủ và tự do mới có thể khắc phục được mọi tệ trạng mà CSVN đã tạo ra, giúp cho đất nước phát triển mạnh và có bè bạn thực sự khắp năm châu.

Việc Hoa Kỳ quay lại biển Đông mới đây đã được nhiều người “hồ hởi”: Mỹ sẽ chống Trung Cộng, sẽ giúp các nước ASEAN chống sự bành trướng của Trung Cộng!

Việc Hoa Kỳ chú tâm tới Đông Nam Á là một dấu hiệu tích cực, nhưng không phải sẽ thù nghịch với Trung Cộng. Theo dõi tình hình Á Châu sẽ thấy rõ tình trạng vừa đề phòng vừa hợp tác giữa ASEAN và Trung Cộng. Trong thập niên 1990-1999 các nước ASEAN đã chi khoảng 130 tỷ mỹ kim để mua vũ khí. Từ năm 2000 đến 2005 chi tiêu trên 30 tỷ. Gần đây Mã Lai chi 990 triệu mỹ kim mua 2 tàu ngầm. CSVN chi 2 tỷ mỹ kim mua phi cơ chiến đấu và 6 tàu ngầm của Nga. Thái Lan là nước đang gặp khó khăn tài chánh cũng định mua một tàu ngầm. Theo phúc trình của Viện Nghiên cứu Quốc tế Stockholm (SIPRI) nhập cảng vũ khí của ASEAN trong thời gian 2005-2009 đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, trong lúc các nước ASEAN gia tăng khả năng quốc phòng, thì cũng gia tăng hợp tác thương mại với Trung Cộng. Liên hệ mậu dịch song phương giữa ASEAN và Trung Cộng trong năm 1991 chỉ có 6.3 tỷ mỹ kim, tăng lên 78.2 tỷ trong năm 2003 và vào năm 2008 đã tăng lên 231 tỷ mỹ kim. ASEAN và Trung Cộng hiện cũng đang thảo luận để thành lập khối tự do mậu dịch CAFTA.

Nhiều chính khách Hoa Kỳ đã coi Trung Cộng là mối đe dọa, Rand Corporation, một think tank của Mỹ từng khuyến cáo: “Các nhà kế hoạch quân sự Hoa Kỳ phải chuẩn bị một cuộc xung đột có thể xảy ra, khi quân đội Trung Cộng đang càng ngày càng phát triển cao”. Tuy nhiên, liên hệ mậu dịch 2 nước có thể là kẻ thù trong tương lai này cũng liên tiếp gia tăng. Mậu dịch song phương trong năm 1980 chỉ 5 tỷ mỹ kim đã lên con số 409 tỷ trong năm 2008.

Nền kinh tế Trung Cộng đang dựa vào xuất cảng. Hoa Kỳ cũng đang cần Trung Cộng hợp tác trong nhiều vấn đề quốc tế, cho nên dù có thể sẽ là kẻ thù, Hoa Kỳ cũng sẽ không một sớm một chiều giúp CSVN chống Trung Cộng.

Kết quả hội nghị 18 bộ trưởng quốc phòng ASEAN cộng 8 nước (ADMM+) gồm 10 nước ASEAN và Hoa Kỳ, Trung Cộng, Ấn Độ, Nga, Nhật, Nam Hàn, Úc và Tân Tây Lan ở Hà Nội mới đây cho thấy rõ khuynh hướng hợp tác giải quyết hoà bình mọi tranh chấp quốc tế hiện nay, cho nên không nên kỳ vọng sẽ có những biến cố bất ngờ nào sẽ sớm đưa thế giới trở lại Chiến Tranh Lạnh hay Chiến Tranh.

Trung Cộng sẽ như thế nào trong thời gian tới? Tình hình thế giới biến chuyển như thế nào trong nhiều thập niên tới là điều khó tiên đoán. Điều cần thiết trước nhất là phải làm cho VN trở thành một quốc gia dân chủ.

Chống Cộng Sản, chống chế độ độc tài, tranh đấu cho tự do, nhân quyền là chính nghiã sáng ngời, cần nên tiếp tục nêu cao ngọn cờ tranh đấu này thay vì phân tán sức lực của mình để tranh đấu cho những điều chỉ lên cầm quyền lãnh đạo đất nước mới có thể làm được hay giải quyết được.

Chiến lược cần nhất của người Việt hải ngoại hiện nay là đoàn kết tạo sức mạnh, tạo sự ủng hộ của dư luận quốc tế, tiến lên cáo chung chế độ CSVN.

Khi chưa lật đổ được CSVN dâng đất dâng biển thì thử hỏi làm sao để bảo vệ lãnh thổ? Bàn chuyện liên minh với nước này hay nước kia để chống Trung Cộng?

Một Việt Nam Tự Do-Dân Chủ – Phú Cường không chỉ là nhu cầu dựng nước mà còn là chiến lược giữ nước của VN trong giai đoạn thế giới hiện nay.

Huệ Vũ

No comments:

Post a Comment