Monday, April 30, 2012

Tháng Tư Còn Nhớ Mãi - Quang Dương

Quang Dương

Dù đã ba mươi bảy năm trôi qua kể từ ngày đau thương tang tóc phủ trùm lên quê hương dân tộc, nhưng trong lòng người dân Việt nói chung, và đặc biệt người dân miền Nam, có bao giờ quên được những thảm cảnh hãi hùng, những thịt nát xương tan, những máu lửa ngụt trời, những bàng hoàng uất nghẹn và những chuỗi năm dài triền miên tăm tối. Mỗi ngày của tháng Tư hàng năm là mỗi nhắc nhở đậm nét, mỗi khơi dậy trùm khắp về bao nỗi kinh hoàng ghê khiếp, đất thảm trời sầu, đớn đau tủi nhục đã ghi khắc và hằn sâu trong tâm khảm của mọi người. Tháng Tư là tháng tưởng niệm cho mùa quốc hận, cho cái tang chung của dân tộc khi nước mất nhà tan, khi miền Nam Việt Nam tự do cuối cùng bị bức tử, rơi vào tay quân cộng sản miền Bắc vào đúng ngày cuối tháng, ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Đã có biết bao nhiêu chiến sĩ quân, cán, chính VNCH, hữu danh hoặc vô danh, anh dũng hy sinh nơi trận địa, trong thành phố, tại thị trấn, nơi xóm làng, ở góc rừng, bìa núi, ven sông… trong lúc chống trả lại sức tấn công lấn chiếm tàn bạo của quân thù. Đã có những vị tướng tuẫn tiết theo thành, thà chết vinh hơn sống nhục. Đã có những người lính cùng nhau tự sát bằng lựu đạn chứ không hàng giặc. Đã có biết bao gia đình dân lành phải tan đàn sẻ nghé, vong gia thất thổ, vợ mất chồng, con lạc mẹ, anh chị em tứ tán trên đường di tản chạy dài từ những tỉnh thành địa đầu giới tuyến miền Trung xuống đến tận miền Nam. Hàng đoàn người di tản thuộc đủ lứa tuổi, gồng gánh mang vác chút tài sản còn mang được, dắt díu nối theo nhau di chuyển bằng tất cả mọi phương tiện, mà nhiều nhất là đi bộ, đã nói lên nỗi kinh hoàng của người dân miền Nam trước viễn ảnh đen tối hãi hùng phải kẹt lại trong vùng quân giặc lấn chiếm. Những nỗi đọa đầy thống khổ, oan khiên tức tưởi của quân dân miền Nam trên đường lánh nạn thật không có bút mực nào tả xiết. Quân thù ngăn chận, cắt đoạn rồi pháo kích, nổ súng bắn xối xả vào đoàn người dân vô tội không một tấc sắt trong tay. Những hình ảnh của hai mẹ con nằm chết sõng xoài trong lúc con còn đang tuổi ẵm ngửa hay những em bé ngây thơ gục ngã bên chén cơm bê bết máu cạnh bờ mương, khe rạch, hay nương đồi vẫn còn lưu dấu đời đời. Đã có bao nhiêu người đến được nơi bình yên? Bao nhiêu người đã chết và bao nhiêu người bị thương, tàn tật một đời? Bao nhiêu người mất tích? Bao nhiêu bé thơ bỗng nhiên thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ? Bao nhiêu gia đình chia lìa tan nát? Không có thống kê nào đếm xuể, không có sổ sách nào ghi chép hết. Ai đã ôm mộng bành trướng để gây lên thảm cảnh nghiệt ngã oan khiên? Ai đã khơi sâu thù hận cho xương phơi ngập núi? Ai đã chuốc đẫm oán cừu cho biển máu hồng loang? Tất cả chúng ta đều đã rõ.

Rồi sau cái ngày định mệnh đổi đời oan nghiệt 30 tháng Tư, có biết bao người dân miền Nam tiếp tục phải gánh chịu những đòn thù tàn khốc của kẻ xâm chiếm. Đã có bao nhiêu quân, dân, cán, chính, văn nghệ sĩ, trí thức, doanh gia miền Nam bị lừa đi cải tạo tập trung, thực chất là tù đày dài hạn, ở nơi ma thiêng nước độc. Có bao nhiêu người đã đành phải bỏ thây vùi nông một nấm, hoặc chết mất xác vì bị hành hạ đói khát, lao động khổ sai, bệnh tật không thuốc men cứu chữa, hay bị thủ tiêu bắn bỏ tùy tiện. Những người không bị tập trung cải tạo thì cũng sống đói khổ, vất vưởng nhọc nhằn, thần kinh căng thẳng, nơm nớp lo sợ trong vòng kềm kẹp kiểm soát đến từng móng chân sợi tóc bởi cả một guồng máy công an trị, luồn lách đến từng con hẻm, khu phố. Những luật lệ vô lý, những định đặt tùy tiện bất công của kẻ xâm chiếm đưa ra chỉ để trấn áp, hạ nhục, công khai tịch thu, vơ vét, bóc lột đất đai, phương tiện sản xuất, thành quả của người dân miền Nam. Những chiến dịch và chủ trương đánh tư sản, kiểm kê tài sản, tịch thu văn hoá phẩm, ép dân đi kinh tế mới, quốc doanh, hợp tác xã, làm chủ tập thể, tem phiếu lương thực, đổi tiền… là những công cụ để cướp đoạt tài sản của người dân đến trắng tay và đẩy dân xuống hàng bần hàn đói rách ngang nhau. Mục đích của kẻ xâm chiếm là bần cùng hóa người dân miền Nam để triệt hạ mọi ý tưởng phản kháng và hành động chống đối. Từ đó phẩm giá, nhân cách và đạo đức suy đồi nhanh chóng, trong lúc con người chỉ còn sức chạy vạy, giành giựt, lo toan cho từng miếng cơm manh áo. Những nỗi oán khổ, lầm than, điêu đứng của người dân miền Nam trong giai đoạn này cũng không bút mực ngôn từ nào tả xiết. Đã biết bao người, có trường hợp cả gia đình, phải phẫn uất tự vẫn vì không chịu đựng được nỗi uất ức đau khổ bị tước đoạt hết công lao gây dựng bằng chính mồ hôi nước mắt cả cuộc đời. Sống trong một chế độ phi nhân, hiểm ác, bóc lột, đày đọa, trong một guồng máy cai trị bạo tàn bằng nhà tù, súng đạn như thế thì “cái cột đèn nếu có chân cũng sẽ ra đi” là phải lắm. Nhưng trước khi ra đi, nếu cái cột đèn có cả tay, nó cũng sẽ không thể chịu khoanh tay, trói chân đứng lặng yên mà chịu đựng. Có biết bao vị anh hùng không khuất phục, đã âm thầm hoặc công khai chống lại kẻ thù bằng tiếng nói lương tâm hoặc hành động vũ lực. Đã có bao nhiêu chiến sĩ kháng chiến phục quốc anh dũng hy sinh, bao nhiêu người đã bị tra tấn tù đày dài hạn trong niềm cảm phục lẫn thương tiếc của đồng bào do “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”, do nội gián, hoặc do không đủ lực lượng tương xứng.

Là con người, nhất là con người miền Nam quen cuộc sống tự do, phóng khoáng, rõ ràng và chân thật đâu thể nào chấp nhận sống trong nô lệ gông cùm mất tự do nhân phẩm. Vì thế khi không đủ sức chống lại kẻ thù, đã có hàng triệu lượt người chấp nhận bỏ lại tất cả, liều mạng ra đi vượt biên bằng đường bộ qua ngả Campuchia, Thái Lan hay vượt biển Đông trên những con thuyền mành nhỏ bé mong manh thô sơ cũ kỹ, trang bị tối thiểu hay cũng chẳng trang bị thứ gì, đạp sóng kình nghê, thi gan cùng bão táp sang các vùng đất của các nước tự do. Trong cuộc mạo hiểm đầy gian nan trắc trở, sinh mạng như chỉ mành treo chuông đó đã có hàng mấy trăm ngàn người không may bỏ mình nơi rừng sâu, khe suối hay vùi thây dưới lòng biển cả vì đói khát, bệnh hoạn, vì đạn thù, vì phong ba hay cướp biển. Biết bao cô gái Việt Nam đã bị hải tặc hãm hiếp, giết chết hoặc bắt đi mất tích. Những ai may mắn đặt chân được đến bến bờ tự do cũng không ít người mất vợ mất chồng, mất cha mất mẹ, hay mất con mất cháu, mất người thân trên bước đường đầy máu và nước mắt. Không thống kê nào đếm xuể, không sổ sách nào ghi chép được con số chính xác có bao nhiêu oan hồn uổng tử nơi vực sâu núi thẳm hay nơi ngọn sóng đầu ghềnh. Những tưởng trong dòng lịch sử nhân loại, không một dân tộc nào như dân tộc Việt Nam đã phải chịu đựng thảm cảnh đớn đau, mất mát, tủi nhục vô cùng vô lượng đến như vậy.

Tháng Tư ngậm ngùi nhớ lại những đau thương mất mát để tưởng niệm những chiến sĩ QLVNCH đã vị quốc vong thân trong công cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam Việt Nam, hoặc đã bị bức tử tại những trại tù tập trung cải tạo nơi rừng sâu nước độc. Tháng Tư đau xót cũng để đốt lên nén hương thương nhớ những đồng bào, bạn bè và người thân đã bỏ mình trên bước đường trốn chạy cộng sản hoặc trong lúc vượt biên vuợt biển tìm tự do. Tháng Tư uất hận còn là tháng nhắc nhở chúng ta không bao giờ quên những đồng bào trong nước hãy còn rên xiết đau khổ vì không có tự do, dân chủ và quyền làm người tối thiểu. Dưới chế độ độc tài đảng trị, rõ hơn là độc tài đảng cướp, người dân đen luôn bị đàn áp bóc lột dù đã cam lòng chịu đựng cuộc sống lầm than đói nghèo. Tiếng kêu than vang vọng đất trời của bao người dân nơi quê nhà đã và đang bị bạo quyền cướp nhà cướp đất đã quá to và quá rõ. Trải qua hơn bảy mươi năm kể từ ngày đảng cộng sản Việt Nam reo rắc tang thương máu lửa lên quê hương đất nước có bao giờ người dân được sống trong cảnh an bình no ấm. Chỉ thấy những kẻ cầm quyền độc đảng ăn trên ngồi trốc, càng ngày càng vinh thân phì gia, giàu sang tột đỉnh như những ông hoàng bà chúa, còn đại đa số dân đen thì vẫn chân lấm tay bùn, tha phương cầu thực, đói nghèo lê lết mà cũng không được yên thân. Ngày nay những kẻ tội đồ của dân tộc còn vì lợi ích cá nhân đảng phái, âm mưu cấu kết với nhau đem dâng biển đảo, giang sơn tổ quốc cho giặc ngoại xâm truyền đời phương Bắc. Là người dân Việt, nhìn những cảnh tượng đó ai mà không xót xa ngậm ngùi căm phẫn.

Xin hãy đừng quên tại sao chúng ta phải bỏ nước ra đi lưu vong, sống đời tha hương nơi xứ lạ quê người. Xin hãy còn một chút tự trọng để đừng xử sự như những kẻ vô tâm hoặc tệ hơn nữa như những kẻ bất cố liêm sỉ, mang tiếng là nạn nhân của cộng sản, là nhà văn, nhà giáo, nhà văn hóa mà mau quên đi nỗi nhục nước thù nhà, chỉ biết chạy theo đồng tiền, danh vọng, đàn hát vui chơi vào chính những ngày tưởng niệm đại tang chung của cả dân tộc. Những kẻ đó xét ra phẩm cách còn thua cả những ca viên trong câu thơ xưa: “Thương nữ bất tri vong quốc hận. Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa”.

Quốc hận 4/2012
Quang Dương


No comments:

Post a Comment