Tuesday, February 22, 2011

THẦY VĨNH GIÊN VÀ TÔI - Nguyễn Duy Sâm

Nguyễn Duy Sâm
    Kính thưa Quý Ðồng Hương,
    Kính thưa các chiến hữu KBC 4524
Lời tâm sự với ba Giáo Sư: Vĩnh Giên, Phạm Thế Trúc và Nguyễn Văn Canh mà tôi muốn viết lên hôm nay, nếu làm buồn lòng, thì cậu học trò này cũng đành xin ba vị thứ lỗi. Tôi phải nói ra, vì đau lòng với Quốc Gia Dân Tộc. Theo sự hiểu biết nông cạn của tôi. Hành động của ba giáo sư tạo cho học đường mất kỷ cương, xã hội thêm hỗn loạn, góp thêm ý chí chiến đấu cho Võ Nguyên Giáp khi ông ta nói: “Chiến thắng năm 1975 chúng tôi đã nhìn thấy từ năm 1963“.

Trước ngày 01-11-1963 vài tuần tôi đến nhà NQT để học chung, khi tôi tới TVC đã đến đây rồi. Sau buổi học, chúng tôi thường ra sân đấu láo cho vui, nhưng hôm nay NQT nói : „Tôi cho các bạn một tin quan trọng chính quyền đã giết mấy thầy, rồi đem chôn dưới cầu Phan Thiết“, nghe NQT nói thì tôi ngạc nhiên tự hỏi: „Chuyện gì mà giết thầy chùa? Chính quyền lại đổ dầu thêm lửa nữa rồi! Nhưng tôi hơi thắc mắc, liền hỏi lại bạn: „Sao lại chôn dưới cầu Phan Thiết?“ NQT trả lời: “Chôn dưới cầu là nơi có nhiều người qua lại không ai dám đào lên để lấy xác“. Tôi vẫn chưa đồng ý với giải thích của bạn tôi, nên tôi nói tiếp: “Tao nghĩ, nếu chính quyền muốn phi tang, thì họ đem mấy xác đó ra biển cột đá thả xuống biển cho cá ăn là chắc „ăn“ nhất. Bạn tôi không nói gì thêm nữa. Chúng tôi chia tay. Từ lúc đó tôi thường suy nghĩ, tự đặt mình vào người của hai bên để biện hộ phần thắng cho mỗi bên, tôi vừa là luật sư biện hộ cho chính quyền, và cho cả phe chống chính quyền, vừa là công tố cho cả đôi bên, chưa bên nào thắng cuộc, thì biến cố 01-11-1963 xảy ra.

Sáng ngày thứ hai 02-11-1963 trong lễ chào cờ, sau khi vừa hát quốc ca xong, tôi hô suy tôn Ngô Tổng Thống thầy Hiệu Trưởng Ðặng Vũ Tiễn nhắc ngay: „Hôm nay không suy tôn Tổng Thống nữa“. Lúc đó tôi mới nhớ đảo chánh thì Tổng Thống bị lật đổ rồi còn gì mà suy tôn nữa!

Hôm đó, lớp chúng tôi hai giờ đầu học Pháp văn, do thầy Lê Choi phụ trách, nhưng suốt hai tiếng đồng hồ ông không dạy mà chỉ nói chuyện chính trị. Trước khi hết hai giờ, thầy Lê Choi khuyên chúng tôi: „Các cậu lớn lên làm gì mà sống thì làm, đừng làm chính trị, chính trị nó bạc như dôi“, ông vừa lấy bàn tay che miệng vừa nói: „Cái miệng của tôi méo cũng vì chính trị“ Có phải ông muốn nói một người làm chính trị được dân bầu lên làm Tổng Thống đúng nguyên tắc dân chủ mà bị lật đổ rồi bị giết là „bạc như dôi“, hay vì chính trị mà cái miệng của ông bị méo? Hay cả hai? Nghe nói Pháp hay ai đó đã đánh ông méo miệng?

Sau ngày 01-11-1963 xã hội mất kỷ cương, tình hình rất lộn xộn, tôi không dám tới nhà bạn tôi vì sợ tai vạ bất ngờ. Hai tuần sau, tôi đến nhà NQT vừa thăm bạn, và để hỏi xem việc mấy ông thầy chùa bị giết chôn dưới cầu Phan Thiết đã lấy xác lên chưa? Tôi hỏi: „Người ta đã lấy xác mấy ông thầy lên chưa“? Bạn tôi trả lời: “Có mẹ gì đâu, nói láo“.

Tôi đứng lặng người suy nghĩ, hai mạng người chết vì nói láo. Lời nói láo đó phát xuất từ Quốc Gia hay Cộng Sản? Hồi năm 1963 tôi đang lưỡng lự chưa dám kết tội bên nào, nhưng bây giờ thì tôi kết tội sự “nói láo” phát xuất từ miệng Cộng Sản. Tất cả những ai đã nói điếu đó là CS hay thân Cộng? Vì một câu nói mà làm hại chính quyền, thì không một ai là người dân quốc gia lại nói để làm hại chính phủ Quốc Gia. Bây giờ mới thấm thía lời thầy Lê Choi nói: „Chính trị nó bạc như dôi“, và lòng tôi buồn đau cho đất nước!

Thầy Vĩnh Giên đã làm gì sau ngày 01-11-1963? Thầy Nguyễn Quốc Biền đã chứng kiến những gì? Thầy đã kể lại như sau (Lời kể lại của thầy Biền được người viết dùng chữ nghiêng):

“II - Những Hoạt Ðộng Ðấu Tranh Chính Trị Của Thầy Vĩnh Giên:

Sau vụ một số Tướng Lãnh vâng lệnh Hoa Kỳ Ðảo Chính lật đổ Chính Phủ Nền Ðệ Nhất Cộng Hòa, giết TT Ngô Ðình Diệm và Ô. Cố Vấn Ngô Ðình Nhu: Thầy Vĩnh Giên và Thầy Phạm Thế Trúc đã cùng một nhóm học sinh khoảng 30 em, lợi dụng cơ hội nầy, đã chiếm một phòng học và một phòng trên lầu cư trú của Ông Hiệu Trưởng Lê Tá để làm bản doanh hoạt động cho chương trình đấu tranh của họ. Trong tình trạng biến động, tất cả các giáo sư đều phải tới trường để biết chỉ thị của Hội Ðồng Cách Mạng.

Do đó, Thầy Vĩnh Giên đã đích thân tới gặp hai giáo sư Công Giáo là Giáo Sư Nguyễn Quốc Biền và Giáo Sư Tô Hữu Ðạo mời lên phòng Ông Hiệu Trưởng làm việc. Khi lên tới phòng lầu Ông Hiệu Trưởng, tôi thấy Thầy Phạm Thế Trúc ngồi một mình và hai chân gác lên bàn với thái độ hách dịch như một người có đầy quyền uy. Thầy Giên nói lớn, ra lệnh: ”Bây giờ anh Biền và anh Ðạo ở đây, không được đi đâu hết” Nghĩa là họ định giam lỏng cả hai chúng tôi tại đó! Tức thì, tôi lớn tiếng nói với Vĩnh Giên và Phạm Thế Trúc: ”Tôi báo trước cho hai anh biết: Nếu hai anh giam giữ chúng tôi chỉ một tiếng đồng hồ thôi, đồng bào Công Giáo Bình Thuận sẽ cho hai anh một bài học đích đáng, mà chúng tôi không lường trước được hậu quả!” Bấy giờ, Thầy Vĩnh Giên vội vàng nói: „Thôi, mời các anh đi về và đừng đến đây nữa.!” (ngưng trích)

Tôi chưa biết thầy Vĩnh Giên bao giờ, nếu không có biến cố 01-11-1963 thì tôi cũng không có cơ hội biết ông. Ngày 02-11-1963, một anh học sinh Phan Bội Châu (PBC) đến trường Tiến Ðức tìm tôi, vì tôi đang là học sinh đại diện trường. Khi anh học sinh PBC đang nói chuyện với tôi, thì một đám học sinh Tiến Ðức khoảng 10-15 “bu” quanh tôi và anh nầy. Nội dung cuộc trao đổi giữa tôi và học sinh PBC là một chỉ thị của trường PBC mà trường Tiến Ðức chúng tôi phải thi hành. Tôi phải thành lập một đội bảo vệ 50 người để chuẩn bị cho cuộc biểu tình. Anh học sinh PBC vừa nói xong thi số học sinh Tiến Ðức đứng quanh tôi, nhao lên: ”Mình có đủ người rồi anh Sâm”. Trước lúc rời trường Tiến Ðức, anh học sinh PBC nói: “Các anh cử người thường xuyên liên lạc với PBC để nhân chỉ thị”.

Sau đó tôi tìm gặp các giáo sư, mời các thầy họp với chúng tôi để xin ý kiến. Ðến giờ họp, không một vị giáo sư nào đến tham dự với chúng tôi, thầy Ðỗ Cử còn nói riêng với tôi: “Em đừng để thấy dính dáng vào đây”. Sau cuộc họp đó, tôi tìm gặp riêng thầy Hiệu Trưởng, ông không nói nhiều, chỉ khuyên nhỏ tôi: ”Em đừng để học sinh đi biểu tình, phụ huynh không muốn”. Lời của thầy Hiệu Trưởng và thầy Ðỗ Cử cho tôi tự biết tình thế sẽ khó khăn. Tôi không thể làm vừa lòng thầy Hiệu Trưởng mà không đi biểu tình vì điều nầy sẽ nguy hiểm cho an ninh của tôi, vì đường từ nhà đến trường của tôi rất xa, từ Thương Chánh đến trường Tiến Ðức, tôi có thể bị bên chính quyền hoặc bên biểu tình đánh, mà bên chính quyền không đáng lo bằng bên biểu tình, tôi có linh tính lo sợ như vậy. Tôi cần sự cố vấn của các thầy, đặc biệt là thầy hiệu trưởng Ðặng Vũ Tiễn, nhưng không thầy nào giúp tôi.

Anh Hai, tôi không rõ anh học lớp nào, đã tình nguyện làm người liên lạc của trường Tiến Ðức với trường PBC để nhận chỉ thị, bảo tôi: ”Anh Sâm, trường PBC mời anh sang ăn cơm trưa bên đó, đừng về nhà, bên đó có heo quay ngon lắm”. Tôi trả lời: ”Ờ“ cho qua, trưa hôm đó tôi không đến.

Sáng ngày 04-11-1963 tới trường, tôi nhận được chỉ thị từ trường PBC: “Hôm nay 10 giờ đoàn biểu tình trường PBC sẽ đi qua đây, và học sinh trường Tiến Ðức nhập với đoàn của trường PBC để đi biểu tình”. Khi học sinh đã vào trong sân trường, toán bảo vệ của chúng tôi khóa cổng trường và tuyên bố: Hôm nay đi biểu tình. Các thầy thì họp ở văn phòng nhà trường, chúng tôi không biết các thầy họp chuyện gì? Vì khi chúng tôi họp có mời các thầy mà không một ai đến, cho nên khi các thầy họp, chúng tôi không dám tự ý vào xin ý kiến sợ bị đuổi ra. Tôi cố đi qua lại nhiều lần trước phòng họp, hy vọng được các thầy gọi vào nhưng không hề có. Ðã 10 giờ mà chưa thấy đoàn học sinh PBC tới như chỉ thị đã nhận, tôi bảo anh Hai đi liên lạc xem đoàn PBC đã đến đâu rồi? Anh Hai đã trở về và báo cáo: ”Ðoàn PBC đang trên đường Gia Long”. Lúc đó đã 11giờ, nhiều học sinh khiếu nại phải cho họ uống nước, tôi chỉ thị anh em bảo vệ mở cửa trường cho anh em ra uống, hẹn 10 phút sau sẽ trở lại. Nhưng ra khỏi cửa là họ đi luôn không ai trở lại. Chúng tôi chỉ còn 50 người trong toán bảo vệ đang họp khẩn để quyết định phải làm sao; đang họp thì thầy Vĩnh Giên và mấy anh học sinh PBC vào. Thầy Vĩnh Giên mặt hầm hầm hỏi tôi: ”Học sinh đâu hết rồi”, tôi trả lời: ”Thầy chỉ thị 10giờ là đoàn biểu tình của trường PBC sẽ đến trường Tiến Ðức; nhưng đã 11giờ mà PBC chưa tới, học sinh khát nước họ phản đối chúng em”. Ông tát vào mặt tôi ”Bốp” tỏa đom đóm, rồi ông ra lệnh: ”Trường Tiến Ðức phải tự tổ chức một cuộc biểu tình” và ông ra đi. Chúng tôi họp ngay sau đó và quyết định lấy xe của ty thông tin bên cạnh trường Tiến Ðức để dùng cho cuộc biểu tình.

Sáng hôm sau tôi tới trường họp gấp, để giải quyết những trở ngại mà tôi mới thấy tối hôm qua. Ðó là vấn đề pháp lý khi lấy xe thông tin. Tôi đưa ra câu hỏi: ”Nếu có đám biểu tình nào chống lại cuộc biểu tình của chúng ta, có thể hai bên sẽ đánh nhau, xe phát thanh của chúng ta có thể bị lật, hay đốt cháy. Sau đó nếu không đi tù cũng phải bồi thường những thiệt hại cho Ty Thông Tin, trách nhiệm chính là tôi. Bây giờ tôi đề nghị mỗi người chúng ta đóng 500 đồng, số tiền 25.000 đồng tôi giữ, nếu có chuyện phải bồi thường thì tôi lấy số tiền đó để bồi thường. Tôi hỏi anh em, ai có thể đóng được số tiền đó? Chỉ có một người có thế đóng được. Tôi quyết định, bây giờ về nhà kiếm tiền, hai hôm sau cho tôi biết. Hai hôm sau không bao giờ trở lại, vì kế họach tổ chức biểu tình của thầy Vĩnh Giên đã bị chính quyền dẹp tan. Ðây là thâm ý của tôi. Số tiến 500 đồng rất lớn cho mỗi học sinh vào thời đó.

Bốn ngày sau, hai anh học sinh PBC đến trường Tiến Ðức nói với chúng tôi: “Chúng ta biểu tình đòi chính quyền thả thầy Vĩnh Giên ra”. Tôi hỏi hai anh: ”Sao các anh biết thầy Vĩnh Giên bị chính quyền bắt?” Họ trả lời: “Chúng tôi tìm khắp nơi mà không thấy”. Tôi nói: ”Các anh ở bên thầy mà không biết, nếu không gặp tôi thì các anh sẽ bị chính quyền bắt”. Tôi cho các anh biết: ”Thầy Vĩnh Giên đã đi Phan Rí rồi”. Hai anh học sinh PBC ngơ ngác hỏi lại tôi: “Sao anh biết?”. Tôi trả lời: ”Có người cho tôi biết như vậy, nếu các anh không tin thì điều tra lại, còn chúng tôi, không đi biểu tình. Tại sao thầy Vĩnh Giên không cho các anh biết? Ðể học sinh phiêu lưu vì ông, tôi không còn tin tưởng ông nữa”. Rồi hai anh học sinh PBC ra về.

Thầy Vĩnh Giên là giáo sư do Bộ Quốc Gia Giáo Dục đào tạo, phẩm cách một giáo sư như một công chức chuyên nghiệp, mô phạm, trồng người của ngành giáo dục quốc gia, mà sao ông dùng vũ phu với tôi. Không lẽ bộ quốc gia giáo dục cho phép đánh người? Hay Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã chết thì kỷ cương, thể thống cũng chết theo ông sao?. Nếu bộ quốc gia giáo dục không cho phép ông đánh học sinh mà ông tự ý đánh, thì ông là giáo sư vô kỷ luật của bộ, bộ phải sa thái ông khỏi ngành giáo dục. Ông đánh tôi chỉ vì tôi không điều động được học sinh đi biểu tình chống chính phủ như ông muốn. Trong khi tôi chưa bao giờ là học sinh của ông, sao ông lại đánh tôi? Mà lại đánh ngay ở trường Tiến Ðức, là trường tôi đang học, trong khi đó, tôi đang là học sinh đai diện của trường, được toàn trường bầu lên (từ đệ thất đền đệ nhị). Có 3 ứng cử viên các lớp đệ Tứ, Tam, Nhị, được bầu lên sau buổi chào cờ thứ hai đầu tuần; chứ không phải do thầy Hiệu Trưởng hay một nhóm giáo sư chỉ định. Thầy Vĩnh Giên không nể mặt thầy hiệu trưởng Ðặng Vũ Tiễn của chúng tôi, tự động vào trường Tiến Ðức đánh tôi như chỗ không người, Thầy Vĩnh Giên là nhà giáo, lẽ nào ông lại không biết câu „đánh chó ngó chủ nhà“, thầy Vĩnh Giên để mất tư cách của một giáo sư trường trung học công lập Phan Bội Châu. Ngôi trường mà tôi đã học năm cuối của bậc trung học, cũng là nơi đào tạo ra những nhân tài cho đất nước. Nếu không nhờ lễ giáo gia đình, và sự giáo dục của các giáo sư: Lê Choi, Ðỗ Cử, Khôi Anh … Ðặc biệt thầy hiệu trưởng Ðặng Vũ Tiễn của trường Tiến Ðức; và thầy giám học Nguyễn Quốc Biền của trường Chính Tâm, mà tôi “thượng cắng chân hạ cánh tay” với ông thì việc gì sẽ xảy ra?

Thầy Nguyễn Quốc Biền viết tiếp:

“III -Thầy Nguyễn Văn Canh và Thầy Vĩnh Giên tổ chức Biểu Tình đập phá Trường Tư Thục Công Giáo Ngô Ðình Khôi

Ðược biết, trường trường Trung Học Tư Thục Công Giáo Ngô Ðình Khôi được Linh Mục Nguyễn Viết Khai xây cất vào năm 1957. Sở dĩ Linh Mục Nguyễn Viết Khai đặt tên trường là NGÔ ÐÌNH KHÔI với mục đích để lưu danh, ghi tên một Nhà Ái Quốc bị Việt Minh sát hại, sau ngày Cách Mạng Mùa Thu 19-8-1945. Trong cuộc Ðảo Chánh lật đổ nến Ðệ Nhất Cọng Hòa ngày 01 tháng 11 năm 1963, trường Trung Học Tư Thục Công Giáo Ngô Ðình Khôi do Linh Mục Nguyễn Viết Khai làm Giám Ðốc, Linh Mục Ðặng Ðình Chẩn làm Hiệu Trưởng, thầy Nguyễn Quốc Biền làm Giám Học.

Ðể đề phòng những chuyện không hay có thể xảy đến do những người hoạt đầu chính trị kích động, có thể lợi dụng quần chúng, nhất là những người có đầu óc kỳ thị tôn giáo, Ban Giám Ðốc quyết định thay đổi tên trường TƯ THỤC CÔNG GIÁO CHÍNH TÂM. Dầu vậy, vào ngày mồng 04-11-1963, Thầy Nguyễn Văn Canh, thầy Vĩnh Giên và thầy Phạm Thế Trúc đã huy động một số học sinh tham dự một cuộc biểu tình tuần hành qua nhiều đường phố, vừa hoan hô vừa đả đáo. Khi qua đường Gia Long, họ đập phá tiệm Mỹ Ngọc bán sách vở Công Giáo như báo chí, sách Phúc Âm, sách Kinh, sách Giáo Lý, cùng các Ảnh Tượng Chúa và Ðức Mẹ. Rồi đoàn biểu tình kéo đến trước Nhà Thờ giáo xứ Lạc Ðạo. Họ định vào phá Thánh Ðường, nhưng thấy nhiều giáo dân đứng trong khuôn viên sẵn sàng bảo vệ, nên họ không dám vào. Bây giờ, họ quay sang đập phá tiệm bà Nguyễn Thị Mẹo chuyên bán Tranh, Tượng Chúa và Ðức Mẹ, Thánh Gia, Tràng Hạt …. Tiệm nầy năm ngay trước cửa Nhà Thờ Lạc Ðạo. Cuối cùng Thầy Vĩnh Giên, Thầy Nguyễn Văn Canh và Thầy Phạm Thế Trúc huy đông đoàn biểu tình quay về trước tòa Tỉnh để đập phá Trung Học Tư Thục Chính Tâm (vừa mới đổi tên). Dưới sự lãnh đạo của ba thầy, đoàn biểu tình đập phá nhiều cửa kiếng. Lúc đó, tôi còn ở trong phòng Giám Học trên lầu, thấy có người dựt cửa sổ phòng tôi, tôi liền mở cửa chạy ra, thì thấy thấy Canh đang ném cách cửa sổ xuống sân. Tôi la lên: ”Anh Canh, anh là giáo sư Phan Bội Châu, tôi cũng là giáo sư Phan Bội Châu sao anh lại xử sự thế!”. Thầy Canh, lủi thủi, bỏ chạy xuống cầu thang! Nhờ sự xuất hiện của tôi, mà họ không dám kéo dài sự đập phá nữa!

Sau đó ít hôm, khối Công Dân Công Giáo, gồm giáo dân xứ Thanh Hải, giáo dân xứ Lạc Ðại, giáo dân xứ Vinh Phú, Vinh Thủy và xứ Mương Mán đã tổ chức biểu tình trước tòa Tỉnh Trưởng, yêu cầu ÔngTỉnh Trưởng: cho tái lập trật tự và an ninh cho học đường. Ðại tá Nguyễn Quang Hoành (vừa thay Trung tá Nguyễn Quốc Hoàng), Tỉnh Trưởng, muốn tránh những hậu quả có thể đáng tiếc sẽ xảy ra, đã thông báo cho nhóm người chiếm giữ bất hợp pháp trường Trung Học Phan Bội Châu biết, là đoàn người biểu tình sang tái lập trật tự cho học đường. Khi đoàn người biểu tình rời tòa tỉnh, tiến đến trước cổng trường Phan Bôi Châu, thì thầy Vĩnh Giên và các đệ tử cũng vừa hốt hoảng co dò mạnh ai nấy trốn! “

Rõ ràng ba giáo sư Nguyễn Văn Canh, Phạm Thế Trúc và Vĩnh Giên muốn gây hỗn loạn xã hội, kích động kỳ thị tôn giáo chưa phải là mục đích sau cùng. Vì nếu không thích ông Diệm, thì ông Diệm đã bị lật đổ và bị giết chết ngày 02-11-1963, cần gì có cuộc biểu tình chống ông Diệm ngày 04-11-1963. Hành động đập phá tiệm Mỹ Ngọc ở đường Gia Long và tiệm của bà Nguyễn Thị Mẹo đối diện nhà thờ Lạc Ðạo là hai tiệm bán sách báo, hình tượng Chúa và các hàng thuộc về đạo Công Giáo, là những tiệm buôn bán của tư nhân không dính dáng gì tới chính quyền. Những tiệm nầy có khác gì những tiệm bán tượng Phật ở thành phố Phan Thiết, hay trên toàn Miền Nam Việt Nam không? Việc âm mưu kích động tôn giáo của ba thầy chỉ là mặt nổi mà thôi. Còn ý định thầm kín là gây rối loạn xã hội để làm lợi cho Cộng Sản???

Nếu ba thầy, là cán bộ Cộng Sản nằm vùng thì tôi khỏi cần suy nghĩ và nói ngay: “Ðồ Cộng Sản vô tôn giáo”, nhưng các thầy là những cán bộ quốc gia được Bộ Quốc Gia Giáo Dục đào tạo, lại làm những điều trái ngược với những gì mà lý tưởng quốc gia đã giáo dục các thầy, và cũng được hưởng những quyền tự do căn bản của một nước dân chủ. Như vậy, ba thầy là ai? Nếu ba thấy không phải là Cộng sản, hoặc tay sai của chúng? Xin ba thầy hãy nói cho chúng tôi biết, ba thầy bị lừa dối “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” là của dân chúng Miền Nam. Tôi nghĩ ba thầy quá thơ ngây nghe lời tuyên truyền của Cộng sản. Do đó, các thầy phải can đảm thú nhận mình đã bị mắc mưu Cộng sản để được tha thứ, như chúng tôi đã tha thứ cho những người về chiêu hồi. Nếu không, chúng tôi xem ba thầy là những tên trí vận của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) Bình Thuận. Cho đến khi MTGPMN bị Hà Nội khai tử, lúc đó ba thầy mới biết mình đã bị lừa dối làm tay sai cho CS Bắc Việt, con đẻ của Cộng sản Nga-Tàu, chứ chẳng MTGPMN nào cả.

Nếu ba thầy nghĩ rằng, hành động đập phá tượng ảnh tôn giáo là có thể tiêu diệt được tôn giáo, thì đó chỉ là ý nghĩ của những người vô thần. Ba thầy chắc còn nhớ Vua Lê Long Ðỉnh róc mía trên đầu thầy chùa. Triều đại Vua Lê Long Ðỉnh đã chết, nhưng Phật Giáo vẫn sống, mà còn sông mạnh. Cái bia miệng Lê Long Ðỉnh róc mía trên đầu thấy chùa không bao giờ chết.

Nếu ba thầy nghĩ đập phá hai tiệm Mỹ Ngọc và bà Nguyễn Thị Mẹo, bán sách báo, và tượng ảnh Công Giáo, thì người Công Giáo Bình Thuận không thể giữ đạo được thì quá lầm!

Về tôn giáo, thì các tôn giáo đều dạy chúng ta ăn ở ngay lành, làm lành lánh dữ. Tôi nghĩ, ta tin tôn giáo nào, thì giữ giới luật của tôn giáo đó, nhưng nên chân thành tìm hiếu tôn giáo khác để củng cố niềm tin của mình, để thấy cái tốt của tôn giáo khác, và ngay cả để cải đạo “vô tri bất mộ”, khi lòng mình “bất mộ” thì làm sao “ngộ” đạo nào được. Không tìm hiểu tôn giáo làm sao biết tôn giáo là gì?Ý thức tôn giáo của tôi như thế, nên tâm hồn tôi thanh thản vui vẻ với mọi người, trừ những người kỳ thị tôn giáo như ba thầy, đã đánh phá hai tiệm bán hàng đạo Thiên Chúa ở Phan Thiết ngày 04-11-1963, là thiển cận, kỳ thị tôn giáo, làm lợi cho Cọng Sản. Hay ba thầy là Công sản?

Bây giờ 2011 rất nhiều con Lạc cháu Hồng sống trên đất Âu Châu, Mỹ Châu quê hương của các Cố đạo bị giết ở Á Châu năm nào. Con cháu của các Ngài cư xử với chúng ta khác hẳn cha ông chúng ta đã cư xử với các Ngài là tổ tiên của họ. Họ không bắt ta phải bỏ đạo, đốt nhà phá Chùa của ta, mà còn giúp tiền xây Chùa, như Chùa Viên Giác tại thành phố Hannover ở nước Ðức. Tự do giảng đạo của chúng ta mà không cần xin phép như nước Cộng hòa - Xã hội - Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Chúng ta là những người có niềm tin tôn giáo, đừng để những người vô thần lợi dụng lòng mộ mến đạo, để biến lòng sùng đạo của chúng ta thành quá khích tôn giá o….

Thầy Nguyễn Quốc Biền viết tiếp:

“IV Vụ Biến Ðộng Miền Trung:

Vụ nầy xảy ra trong thời Trung Tá Ðinh Văn Ðệ làm Tỉnh Trưởng Bình Thuận: Suốt tháng ba năm 1966, Biến Ðộng Miền Trung vô cùng sôi động. Tín đồ Phật Giáo và các quân nhân quân đoàn I dưới quyền lãnh đạo của tướng Nguyễn Chánh Thi chống nhóm Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Trung Tướng Nguyễn Hửu Có và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Tướng Nguyễn Cao Kỳ vận động lôi cuốn được Thầy Thích Tâm Châu ủng hộ Chính Phủ: Khối Phật Giáo bị chia làm hai: Khối Vĩnh Nghiêm chiếm Việt Nam Quốc Tự do Thượng Tọa Thích Tâm Châu lãnh đạo. Khối Ân Quang do Thượng Tọa Thích Trí Quang lãnh đạo Phật Giáo Miềm Trung. Thị Trưởng Ðà Nặng, Bác Sĩ Nguyễn Văn Mẫn cũng theo Thượng Tọa Thích Trí Quang, không tuân phục chính quyền trung ưng Saigòn. Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Nguyễn Cao Kỳ giả vờ mời Tướng Nguyễn Chánh Thi về Sàigòn họp, rồi bắt giữ luôn. Bao nhiêu vị tướng được cử ra Huế thay thế Tướng Nguyễn Chánh Thi đều bị Thí Tri Quang khươc từ hết. Quân nhân, công chức đều theo Trí Quang hết. Tình hình miền Trung kể như vô Chính Phủ.

Thượng Tọa Thích Trí Quang chỉ thị các gia đình Phất Tư đồng loạt đem bàn thờ xuống đường. Hội đồng nhân dân cứu quốc ra đời. Các tên Cọng Sản nằm vùng xuất đầu lộ diện gồm đủ thành phần: giáo sư Ðại học, sinh viên, học sinh, công chức, quân nhân, tiểu thương. Biến Ðộng Miền Trung lan rộng vài nhiều tỉnh Miền Trung, đặc biết sôi động ở thị xã Phan Thiết chúng ta: Phật Giáo đem Bàn Thờ Phật xuống đường chắn ngang trước chùa Phật Học Phan Thiết. Con người phụ trách xử dụng lực lượng học sinh để tranh đấu, quấy phá trật tự, an ninh ở học đường không ai khác lạ. Ðó là thầy Vĩnh Giên. Họ chiếm cứ học đường. Học phát thanh, viết khấu hiệu đả đảo Chính Phủ Thiệu-Kỳ đàn áp Phật Giáo, bắt bớ giam cầm các Chư Tăng, Phật Tử. Tình hình an ninh ở Phan Thiết vô cùng nguy ngập. Những ấp như Phú Hội, Tân Ðiền, Lãi An, Ðức Long, Gò Bồi, Việt Cọng, du kích về làng hoạt động hầu như công khai. Việt Cộng về nằm vùng ngay trong cả Tòa Tỉnh. Ngay chính Trung Tá Ðinh Văn Ðệ, Tỉnh Trưởng Tỉnh Bình Thuận cũng chính là một tên gián điệp Cộng Sản nằm vùng. Cháy nhà mới ra mặt chuột: Sau 30/04/1975, Dân Biểu Ðinh Văn Ðệ chiếm cứ ngay Hạ Nghị Viện Saìgòn đầu đội nón tai bèo, xử dụng xe Chủ Tịch Hạ Nghị Viện có cắm cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, chạy bon bon trên đường phố Sàigòn. Hiện nay, hàng ngày Ðinh Văn Ðệ mặc một bộ y phục màu trăng của tu sĩ, bước lặng lẽ ra vào nơi Thánh Thất Cao Ðài ở Tây Ninh. Không biết y sám hối vì cuộc đời đã trót nhúng chàm, hay buồn khổ lương tâm vì đã quá nhẹ dạ nghe Bác và Ðảng lường gạt vắt chanh bỏ vỏ, hay là còn nhận thêm nhiệm vụ mới để phá cho tan tành chốn Thánh Thất Cao Ðài tôn nghiêm.

Vì nhận thấy những cuộc đấu tranh sôi động ở Phan Thiết mỗi ngày càng biến khốc liệt, rất nguy hiểm cho cho sự sống còn của thị xã cũng như của đất nước, Khối Công Dân Công Giáo Bình Thuận đã tổ chức khẩn cấp một cuộc họp gồm nhiều thành phần trong các giáo xứ, đã đi đến quyết nghị: Sẽ tổ chức một cuộc biểu tình thực quy mô, tất cả thanh niên, thanh nữ sẽ mặc đồng phục màu đen, mỗi thành viên cầm một chai nước bằng thủ tinh, vừa để uống, vừa để tự vệ. Cuộc biểu tình sẽ xuất phát từ xứ Lạc Ðạo, qua Chùa Phật Học, qua đường Gia Long, qua Cầu, qua trường Phan Bội Châu, rồi về tập họp trước Tòa Tỉnh và hô khấu hiệu: Bất tín nhiệm Trung Tá Tỉnh Trưởng.! Sau cuộc họp, chúng tôi cho Ông Nguyễn Tài Viết, là một cán bộ Xây Dựng Nông Thôn, hay vào ra ở Tòa Tỉnh, xin gặp Trung Tá Tỉnh Trưởng và báo cáo khẩn cấp nội dung cuộc họp.Trung Tá Ðinh Văn Ðệ nghe xong, đã hoảng hốt và hứa sẽ tìm đủ mọi cách để dàn xếp xin các Thầy cho khiêng bàn thờ vào và sẽ tìm cách giải tỏa đám học sinh chiếm đóng học đường Phan Bội Châu. Vụ dẹp Bàn Thờ trước đường Chùa Phật Học, ông Nguyễn Tài Viết cho biết: Phải xuất kho đến 2.000 bao xi măng!

V- Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa đề nghị Giải Nhiệm Nghị Viên Vĩnh Giên.

Trong một dịp Ðại tá Tỉnh Trưởng Ngô Tấn Nghĩa tổ chức một cuộc họp toàn dân ấp Phú Hội để phố biến chỉ thị: yêu cầu đồng bào toàn ấp phải tuân hành chỉ thị của tỉnh.

Từ nay, mỗi đêm, đồng bào phải về ngủ tại thị xã Phan Thiết. Vì vấn đề an ninh, cứ mỗi đêm Việt Cộng lại lén về bắt đồng bào đóng thuế, đóng gạo. Trong phiên họp hôm đó có sự hiện diện của tôi với tính cách Chủ Tịch Hội Ðồng Tỉnh và Nghị Viẽn Vĩnh Giên tham dự. Trong lúc, Ðại Tá Tỉnh Trưởng đang nói chuyện với đồng bào, thì Nghị Viên Vĩnh Giên phát biểu: Thưa Ðại Tá, vì ấp Phú Hội buổi tối mất an ninh, nên đồng bào phải về ngủ tại thị Xã Phan Thiết. Rồi đây, thị Xã Phan Thiết mất an ninh, thì đồng bào sẽ về Sàigòn hay đi đâu? Lời phát biểu đó trước mặt dân, đã làm Ðại Tá Nghĩa vô cùng tức giận!.

Khi về, Ðại Tá Nghĩa nói với tôi: Nhờ Ông Chủ Tịch tổ chức một cuộc họp để giải nhiệm Nghị Viên Vĩnh Giên. Tuy nhiên, sau lúc suy nghĩ chín chắn, cân nhắc lợi hại, tôi đã không thực hiện được đề nghị đó.”

Ðó là những điều mà thầy Nguyễn Quốc Biền chứng kiến, riêng phần tôi trước 1975, tôi đã nghe thầy Vĩnh Giên thường hay ngủ đêm tại những vùng thiếu an ninh như Phú Hội, Lãi Yên. Nếu Ông ngủ những nơi đó để lo cho dân thì quá tốt, nhưng nếu đến những nơi đó để dễ dàng gặp Việt Cọng thì đáng lên án. Thời gian đại đội của tôi trách nhiệm an ninh ở vùng cây số 25, giáp Bình Tuy có hai chi tiết mà tôi quên không đề cập đến trong bài viết ”Nhớ Lại Những Ngày Sống với Ðại Ðội 290”.

Ðó là sự việc hai vị dân cử đến gặp tôi.

Người thư nhất, Bác Sĩ Ðinh Xuân Dũng, ông cùng đi với một người đàn bà độ chừng 50 tuổi. Người nầy khiếu nại với Dân Biểu Ðinh Xuân Dũng, tôi chiếm đât của bà ta, BS. Dũng yêu cầu tôi không trả hết thì xin trả cho bà ta một nửa. Tôi giải thích cho BS. Dũng hiểu: “Tôi thấy đất hai bên quốc lộ I do công binh khai quang để làm đường và giữ đường, nếu BS. tin của bà ta thì tôi xin trả hết”. BS. Dũng mừng quá liền nói: ”Nhiều quá chị cho tôi một miếng phía sau”. Hai tuần sau tôi nghe BS Ðinh Xuân Dũng bị VC bắt ở cây số 25, tôi thật ngạc nhiên và nghĩ: “Sao ông không cho tôi hay để bảo vệ”. Và “Tôi nghi bà kia là cơ sở nằm vùng để chỉ điểm cho VC biết ngày giờ BS. Dũng đến cây số 25”, hay còn vấn đề nào khác?

Người thứ hai, thầy Vĩnh Giên, ông đến cây số 25 đứng trước đường quốc lộ nhìn vào đồn, tôi nghe binh sĩ báo có người dân đứng trước cửa đồn, nhìn ra thì biết thầy Vĩnh Giên, tôi đi ra chào ông. Tôi biết ông, nhưng ông có nhớ tôi hay không?. Ông nói: “Tôi lên đây kiếm đất phát rãy”. Ðến đây dường như ông nhận ra tôi, nói vài câu xã giao rồi bỏ đi. Trong thời gian tôi chưa nhận được tin BS Dũng bị bắt, tôi không quan tâm đến sư có mặt của ông tại cây số 25, nhưng từ sau vụ BS Dũng bị bắt, tôi cho binh sĩ theo dõi để an ninh cho ông, nhưng khi tôi cho lính theo sát thì ông không đến nữa. Khoảng một tuần sau đó đơn vị tôi bị đánh. Ðiều lạ là điểm ông treo võng mỗi khi đến cây số 25 không thay đổi, cũng không phát một cây mặc dù ngày nào cũng thấy ông mang theo cây rựa phát rãy. Một điểm trùng hợp nữa, chỗ ông treo võng là đầu của tuyến phục kích của VC gần quốc lộ nhất, nơi đó chúng vừa đào một cái hầm lớn, tác chiến được ba mặt. Tại sao VC bắt BS Dũng mà không bắt thầy Vĩnh Giên???. Ðó chỉ là nghi vấn của tôi vào thời điểm đó. Nhưng hôm nay tôi nghĩ lập trường quốc gia của ông không vững, hay không có, hoặc thân Cọng được biểu lô qua những xáo trộn ở Phan Thiết có lợi cho VC mà ông tạo ra.

Tôi hy vọng Bác sỹ Dũng và thầy Vĩnh Giên còn sống để đọc bài viết nầy của tôi.

Và sau đây thầy Nguyễn Quốc Biền viết tiếp:

“ VI- Vì sao, tôi sang dạy trung học Phan Bội châu:

Vào năm 1961, Cha Nguyễn Viết Khai mời tôi ra Phan Thiết là Giám Học và dạy môn Việt Văn. Tôi dạy môn Việt Văn cho các lớp Ðệ Nhi và Ðệ Tam cho trường TH Ngô Ðình Khôi. Học sinh rất mến phục và ca ngợ. Một số học sinh Phan Bội Châu nghe tin đồn Giáo Sư Nguyễn Quốc Biền dạy Việt Văn hay, nên yêu cầu Ông Lê Tá, Hiệu Trưởng Trung Học Phan Bội Châu mời tôi sang dạy môn Việt Văn cho Trung Học Phan Bội Châu. Vì thế, Ông Lê Tá đã mời tôi. Khi tiếp xúc với Ông Lê Tá, tôi sẵn sàng nhận, nhưng xin Ông một ít điều kiện:
    1. Tôi xin vẫn giữ chức vụ Giám Học Trung Học Ngô Ðình Khôi

    2. Tôi xin vẫn dạy Việt Văn ở Trung Học Ngô Ðình Khôi

    3. Tôi xin dạy đủ 16 giờ một tuần cho cho Trung Học Phan Bội Châu

    4. Thời khóa biểu dạy ở Phan Bội Châu tùy tôi quyết định
Ông Lê Tá là người rất nghiêm nghị, biết quý trọng giáo sư và rất thẳng thắn. Ông đã theo dõi phương pháp dạy của tôi và khen ngợi: cách dạy linh hoạt, hấp dẫn, biết phân tích, biết tổng hợp, thu hút. Vì Ông mến thích cách dạy của tôi: nên Ông đã xin cho tôi vào Ngoại Ngạch Công Chức Bộ Quốc Gia Giáo Dục, vì có Văn Bắng Cử Nhân Văn Chương, nên được xếp vào giáo chức Ðệ Nhị Cấp. Tôi rất quý và biết ơn Ông.

Ông Lê Tá là vị Hiệu Trưởng có lương tâm, có khả năng và giàu nhiệt huyết với chức vụ, được giáo ban và học sinh mộ mến.”

Thưa ba Thầy, xin hiểu cho tôi, tôi rất đau lòng khi phải viết lên những lời trên đây mà các Thầy vừa đọc. Vì nếu các Thầy không phải là ba tên trí vận của Cọng Sản, thì tôi ân hận vô cùng.

Oberhausen, tết Con Mèo 2011
Nguyễn Duy Sâm

Cựu học sinh đại diện
Trường Trung Học Tư Thục Tiến Ðức
Niên khóa 1963-1964-1965.
Cựu Ðại úy Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 290
Tiểu khu Bình Thuận


No comments:

Post a Comment