Saturday, May 9, 2015

KHÔNG THỂ SO SÁNH NAM VIỆT NAM VỚI NAM HÀN - Lê Duy San

    KHÔNG THỂ SO SÁNH NAM VIỆT NAM VỚI NAM HÀN
    Ngày 30-4-1975 là ngày “Quốc Hận”: Bà Dương Thu Hương phát biểu: “Về mặt những người miền Nam mà gọi là “Quốc hận” thì họ cũng phải nhìn lại. Tại sao? Tại sao lại là “Quốc hận” Trước khi hận những người khác họ phải hận chính họ.”(trích từ bài phỏng vấn).
     So sánh Nam Việt Nam với Nam Hàn là phiến diện và khập khiễng: Bà DTH phát biểu: Tại sao cùng một thời điểm, người Mỹ tạo ra những điều kiện để tạo ra chính sách dân chủ của 2 nơi: miền nam Việt Nam và miền Nam Hàn Quốc. Tại sao Hàn Quốc chiến thắng mà Việt Nam chiến bại ? Tại sao cùng một cơ hội lịch sử như thế, người Nam Triều Tiên họ đã chớp lấy cơ hội để biến đất nước của họ thành một xứ sở văn minh phồn thịnh, còn miền Nam thì không ? (trích từ bài phỏng vấn)
Lê Duy San

Vào ngày 11 tháng 3 năm 2015, thông tín viên Tường An của đài RFA hỏi bà Dương Thu Hương là “Tại sao bà cho là phải xét lại chữ “QUỐC HẬN” của những người miền Nam, những người đã thua trong cuộc chiến này?”, bà Dương Thu Hương đã trả lời: “ …Trước khi hận những người khác họ phải hận chính họ. Tại sao cùng một thời điểm, người Mỹ tạo ra những điều kiện để tạo ra chính sách dân chủ của 2 nơi: miền nam Việt Nam và miền Nam Hàn Quốc. Tại sao Hàn Quốc chiến thắng mà Việt Nam chiến bại ? Tại sao cùng một cơ hội lịch sử như thế, người Nam Triều Tiên họ đã chớp lấy cơ hội để biến đất nước của họ thành một xứ sở văn minh phồn thịnh, còn miền Nam thì không?“

Nếu là một người không có trình độ và thiếu hiểu biết thì câu hỏi trên cũng là bình thường. Nhưng bà Dương Thu Hương cũng là một người đã bước vào ngưỡng cửa đại học, bà lại là một nhà văn có tiếng, một nhà bất đồng chính kiến nổi danh. Vậy mà bà lại hỏi một câu hỏi thiếu hiểu biết, nếu không muốn nói là ngớ ngẩn như vậy.

* Tuy Việt Nam và Triều Tiên bị chia đôi, nhưng hoàn cảnh khác nhau.
* Tuy cùng được Hoa Kỳ hỗ trợ, nhưng chính sách của Hoa Kỳ cũng khác nhau.

I. Tuy Việt Nam và Triều Tiên bị chia đôi, nhưng hoàn cảnh khác nhau.

Năm 1945, sau khi Thế Chiến thứ hai chấm dứt, Triều Tiên cũng bị chia hai. Nhưng vì Nhật là nước thua trận nên không còn một tí quyền hành gì để ảnh hưởng tới người Triều Tiên. Năm 1950, khi biết Tổng Thống Mỹ Truman không coi Nam Triều Tiên và Đài Loan là vành đai an toàn của Mỹ, thì Liên Sô đã coi đây là điều kiện thuận lợi để thống nhất Triều Tiên. Liên Sô đã tăng nguồn viện trợ quân sự và vũ khí cho Triều Tiên lên tới 870 triệu rúp và cử hơn 3,000 cố vấn quân sự sang giúp Bắc Triều Tiên, chuẩn bị tiến hành thống nhất lãnh thổ. Ngày 25/6/1950. Bắc Hàn (Bắc Triều Tiên) tấn công Nam Hàn (Nam Triều Tiên), có lúc Bắc Hàn đã tiến sát Seoul, thủ đô của Nam Hàn, khiến Tổng Thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Truman phải xin Liên Hiệp Quốc để đưa quân vào can thiệp và đã đẩy lùi quân Bắc Hàn về phía bắc tới tận sông Áp Lục, giáp ranh với biên giới Trung Quốc. Nếu tướng Mac Arthur không bị cách chức, chắc chắn ông đã đẩy quân Bắc Hàn tới tận biên giới Trung Cộng và có thể đã thống nhất Triều Tiên dưới quyền của chính phủ Nam Hàn. Cuộc chiến kéo dài 3 năm, kết thúc bằng thoả hiệp ngừng bắn vào ngày 27/7/1953 và lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới chia đôi hai miền Nam Bắc.

Cuộc chiến Triều Tiên đã để lại hai hệ quả quan trọng sau:

1. Người dân Nam Hàn đã hiểu rõ Cộng Sản Bắc Hàn là gì. Do đó quân đội Nam Hàn nói riêng, người dân Nam Hàn nói chung, có lập trường chống Cộng Sản dứt khoát, không khoan nhượng.

2. Khi bị đẩy lui về phiá bắc, chính quyền Bắc Hàn, không có thì giờ và cũng không có cơ hội để chôn dấu vũ khí và cũng không có cán bộ để mà cài người ở lại nằm vùng phá hoại miền Nam. Do đó chính phủ và người dân Nam Hàn có thì giờ để kiến thiết đất nước, canh tân xứ sở.

Trái lại, sau năm 1945, Việt Nam tuy không bị chia đôi, nhưng Pháp thuộc phe đồng minh là phe thắng trận nên đã tìm cách trở lại Việt Nam. Việt Minh tức Việt Cộng vì muốn tiêu diệt phe quốc gia nên đã tìm cách đón nhận người Pháp trở lại rồi gây nên cuộc chiến Việt Pháp vào 18/12/1946 để giành chính nghĩa với người quốc gia. Người quốc gia ở thế kẹt, không thể nào vừa chống Việt Minh (Việt Cộng) vừa chống Pháp nên tạm thời phải chấp nhận nằm trong khối Liên Hiệp Pháp tức phải dựa vào người Pháp để chống lại Cộng Sản Bắc Việt.

Cuộc chiến Việt Pháp kéo dài 8 năm (1946-1954) và kết thúc bằng Hiệp Định Geneve, chia đôi đất nước Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới hai miền. Theo điều 10 của Bản tuyên bố cuối cùng ngày 21/7/1954 thì “chính phủ Pháp sẵn sàng rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam, Lào và Campuchia theo yêu cầu của chính phủ những nước liên quan trong thời gian do các bên lựa chọn”. Trên thực tế thì quân đội Pháp đã rút khỏi Việt Nam từ 1955 theo lời yêu cầu của chính phủ miền Nam Việt Nam tức chính phủ Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên nó đã để lại những hậu quả khác hẳn những hậu quả cuộc chiến Triều Tiên như sau:

1. Hầu hết người dân Việt Nam không hiểu rõ Cộng Sản Việt Nam là gì lại thêm sự tuyên truyền bịp bợm của Việt Cộng nên đều nghĩ là Việt Cộng có chính nghĩa. Do đó người dân Việt Nam nói chung, người miền Nam nói riêng, không có lập trường chống cộng dứt khoát. Phần lớn người dân quê miền Nam, ban ngày thì theo quốc gia, nhưng ban đêm lại hoạt động cho Cộng Sản Việt Nam. Ngay cả một số trí thức miền Nam cũng vậy, tuy sống dưới chính thể quốc gia, nhưng lòng họ vẫn hướng về miền Bắc. Họ tìm cách đả phá, chỉ trích chính quyền và đòi hỏi những điều chính quyền miền Nam không thể thỏa mãn họ được. Họ không cần biết là Việt Cộng luôn luôn tìm cách lợi dụng những sự bất an và xáo trộn của xã hội để phá họai miền Nam Việt Nam.

2. Theo Hiệp Định Geneve thì “Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc; Chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam”. Nhưng trên thực tế, bọn Việt Cộng đã chôn dấu vũ khí và cài lại rất nhiều những cán bộ nồng cốt ở lại miền Nam để hoạt động trước khi chúng rút về Bắc.

Chính vì vậy, ngay sau khi chính quyền miền Nam không đồng ý thực hiện tổng tuyển cử vào năm 1956, bọn cộng sản Bắc Việt đã ra lệnh cho những cán bộ nằm vùng của chúng hoạt động trở lại. Nào là đáp mô, phá hoại cầu cống, gây cản trở lưu thông. Nào là đặt mìn khủng bố, pháo kích sát hại dân lành, gây bất ổn cho cuộc sống của người dân. Rồi tới cuối năm 1960 (20/12/60), chúng lại cho thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để chính thức gây chiến với Việt Nam Cộng Hoà.

II. Tuy cùng được Hoa Kỳ hỗ trợ, nhưng chính sách của Hoa Kỳ cũng khác nhau.

Mặc dầu Tổng Thống Truman tuyên bố vành đai an toàn của Mỹ không bao gồm Nam Triều Tiên và Đài Loan và Mỹ sẽ không dùng hành động quân sự trực tiếp bảo vệ khu vực này, nhưng khi thấy Liên Sô giúp Bắc Hàn tấn công Nam Hàn, Tổng Thống Truman đã khẩn cấp đưa vấn đề ra trước Liên Hiệp Quốc và xin Liên Hiệp Quốc đưa quân vào can thiệp. Và khi cuộc chiến kết thúc bằng thoả hiệp ngừng bắn vào ngày 27/7/1953 và lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới chia đôi hai miền Nam Bắc, chính phủ Mỹ vẫn để lại hơn mấy chục ngàn binh sĩ để bảo đảm an ninh cho Nam Hàn.

Năm 1961, tướng Park Chung Hee cầm đầu một cuộc đảo chính quân sự vào ngày 16 tháng 5 lên làm lãnh đạo của Ủy ban Cách mạng (tiền thân của Hội đồng Tối cao Tái thiết quốc gia sau này). Ông trở thành vị Tổng thống độc tài của Đại Hàn Dân Quốc vào năm 1963, tại nhiệm trong bốn nhiệm kỳ, tổng cộng 18 năm nếu tính từ năm 1961

Trái lại, Nam Việt Nam được Hoa Kỳ và thế giới coi như tiền đồn chống Cộng ở Đông Nam Á, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tuy cũng độc tài, nhưng so với Tổng Thống Park Chung Hee của Nam Hàn thì còn thua xa. Vậy mà ông lại bị Hoa Kỳ tìm cách lật đổ chỉ vì ông muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia, không cho Hoa Kỳ đem quân vào Việt Nam. Điều đó chứng tỏ rằng khi cần thì Hoa Kỳ tìm mọi cách vào Nam Việt Nam cho bằng được. Nhưng khi thấy không cần vì đã bắt tay được với Trung Cộng, thì Hoa Kỳ sẵn sàng ký cho bằng được Hiệp Định Paris năm 1973 và bỏ Nam Việt Nam bằng mọi giá để rút quân khỏi Việt Nam. Thực vậy, năm 1975, khi thấy Việt Cộng vi phạm Hiệp Đinh Paris, xua quân xâm chiếm miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ không những không đem quân ngăn chặn như Hoa Kỳ đã hành động trong chiến tranh Triều Tiên vào năm 1950 mà còn cắt luôn cả viện trợ cho Nam Việt Nam sớm lọt vào tay Cộng Sản.

Tóm lại, không thể so sánh Nam Việt Nam với Nam Hàn mà vội kết luận rằng những nhà lãnh đạo Nam Việt Nam quá kém cỏi, đã để mất miền Nam trong khi Nam Hàn, không những vẫn giữ vững được chính quyền mà còn phát triển được đất nước và biến đất nước của họ thành một xứ sở văn minh phồn thịnh.

Thử hỏi, trước năm 1963, tức trong thời kỳ của nền Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam, trong vùng Đông Nam Á, đã có nước nào bằng Việt Nam Cộng Hoà? Quân đội thì hùng mạnh, giáo dục tốt đẹp, có chất lượng cao và đầy tính cách nhân bản, kinh tế thì tự túc, nhiều nhà máy như nhà máy giấy, nhà máy dệt, nhà mày đường, nhà máy xi măng, nhà máy bột giặt v.v… được xây dựng, xã hội thì lành mạnh và có kỷ cương v.v… Người dân miền Nam đã được đã được sống một cuộc sống thanh bình và no ấm.

Chính bà Dương Thu Hương đã phải bật khóc khi vừa từ Bắc vào Nam năm 1975 khi th ấy Saigon hoa lệ và sự sung túc của người dân miền Nam. Sao nay bà lại quên mà hỏi rằng: Tại sao cùng một thời điểm, người Mỹ tạo ra những điều kiện để tạo ra chính sách dân chủ của 2 nơi: miền nam Việt Nam và miền Nam Hàn Quốc. Tại sao Hàn Quốc chiến thắng mà Việt Nam chiến bại ? Tại sao cùng một cơ hội lịch sử như thế, người Nam Triều Tiên họ đã chớp lấy cơ hội để biến đất nước của họ thành một xứ sở văn minh phồn thịnh, còn miền Nam thì không?

Nếu Việt Cộng miền Bắc không nghe theo quan thày Liên Sô, Trung Cộng, để tấn công miền Nam hầu nhuộm đỏ vùng Đông Nam Á, nếu Hoa Kỳ vẫn ủng hộ và viện trợ cho miền Nam thì miền Nam để chống lại Cộng Sản miền Bắc, thì miền Nam Việt Nam đâu có mất và ngày nay đâu có thua kém gì Nam Hàn?

Lê Duy San



No comments:

Post a Comment