Mậu Thân 1968,
Cố Ðô
Kinh Hoàng!
Elje
Vannema
Mới sáng tinh sương đã thấy quân Mặt Trận (Giải Phóng Miền Nam) hiện
diện trong thành phố. Họ là những người lo mặt chính trị trong cuộc chiếm
cứ. Ngày hôm trước, họ vào sổ gần hết mọi người, ghi tên, tuổi, phái tính.
Họ quan tâm đặc biệt đối với phái nam, chia những người này ra thành nhiều
nhóm: công chức, những người có liên hệ với quân đội cộng hòa, và những kẻ
khác. Nhiều trường hợp họ ghi chú đầy đủ cả gia đình, cả tên con cái nữa.
Mỗi nhóm họ chỉ định một người đại diện, mang trách nhiệm mọi mặt về tất
cả thành viên trong nhóm. Nếu có người thoát thì người đại diện phải lãnh
đủ. Dân chúng được lệnh không tụ họp đông người, trừ khi được kêu đi dự
mít tinh, không được nghe đài, không được phao tin đồn đãi...
Ngày hôm sau, du kích và nằm vùng địa phương tỏa ra đi tìm những
người có tên trong danh sách viết tay nguệch ngoạc. Họ được đưa về Tiểu
chủng viện, nơi dựng tòa án nhân dân. Một anh cựu sinh viên chủ tọa phiên
tòa với sự hiện diện của một người Bắc Việt và hai sinh viên khác. Hai
sinh viên này chúng tôi biết...
Các phiên tòa nhân dân mấy ngày trước đã chấm dứt. Dân chúng hiện
diện khá đông tại các phiên tòa ở Tiểu chủng viện, ở Gia Hội bên kia cầu
và ở trong thành. Tòa án ở Tiểu chủng viện do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ
trì. Anh này tốt nghiệp đại học Huế và là cựu lãnh tụ sinh viên trong Ủy
Ban Phật Giáo chống chính quyền trước đây. Cầm đầu ở Gia Hội là Nguyễn Ðắc
Xuân, trước kia là một liên lạc viên cộng sản nay đột nhiên lại xuất hiện.
Tòa trong thành do hai sinh viên Nguyễn Ðọc và Nguyễn Thị Ðoan điều khiển.
Các phiên tòa vang lên những lời đe dọa với khẩu hiệu tuyên truyền, kết
tội, qui chụp. Hầu hết những người bị lôi ra tòa chẳng biết lý do mình bị
bắt. Nhưng tất cả đều bị kết tội, một số bị tử hình tức khắc.
Sau hai ngày phiên tòa kết thúc, nhường chỗ cho những công tác khủng
bố dân chúng khác. Một người trộm mở nghe đài (radio) bị bắn giữa thanh
thiên bạch nhật để làm gương. Một anh sinh viên không tới dự lớp học tập
cũng bị bắn công khai. Nguyễn Ðọc bắn nhiều người trong đó có người bạn
thân đồng lớp là Mu Ty, chỉ vì bạn không chịu hợp tác với y. Bước vào ngày
thứ hai bắt đầu kiểm soát lương thực, thực phẩm. Ngày thứ bốn, vì không
tuân hành lệnh cách mạng, một gia đình bị xử. Người chủ gia đình bị bắn
tức khắc. Dưới áp lực khủng bố gia tăng, nhiều người bỏ trốn, nhưng ít kẻ
thoát. Vùng Gia Hội có nhiều người thoát hơn nhờ ban đêm chèo bè qua sông
sang làng Ðập Ðá. Thường bị bắn theo nhưng cố chèo.
Những người nằm vùng xuất đầu lộ diện, ra tay truy lùng nạn nhân. Bộ
đội Bắc Việt và quân chính quy Mặt Trận lo chuyện quân sự và chiến lược.
Nằm vùng địa phương lo việc chính trị, hành chính, bình định, tuyên
truyền, và tiêu diệt kẻ thù. Ðám này bắt và giết người bất kể, nhiều khi
chỉ vì hiềm thù cá nhân. Cán bộ miền Bắc có mặt ở tòa án nhân dân xem ra
ít nắm vững chuyện chính trị và đóng vai trò ít quan trọng trong các bản
án. Ðịa phương quyết định mọi chuyện. Trước khi lên danh sách, thường đám
nằm vùng đã quyết định bắt ai rồi. Chỉ còn việc ra lệnh thanh toán những
ai họ nhắm nữa mà thôi. Có lẽ họ lý luận rằng, thà giết lầm hơn bỏ sót, vì
bỏ sót thì sau này mình sẽ bị nhận diện. Một cách hệ thống, công chức,
quân nhân, sinh viên có tinh thần quốc gia, có khả năng lãnh đạo và có thể
gây trở ngại cho cách mạng, chính trị gia đối lập, tất thảy đều được đoái
hoài. Danh sách bất tận.
Dân chúng tập trung ở nhà thờ chính tòa được lệnh vào bên trong,
không ai được đứng bên ngoài. Phụ nữ và trẻ con được lệnh ngồi xuống. Ðàn
ông và thiếu niên từ 15 tuổi trở lên đứng. Ở bệnh viện, trò tương tự cũng
đã diễn ra. Dân quanh vùng, đặc biệt là vùng quanh căn cứ Mỹ, được lệnh
tập trung vào bệnh viện vì cộng sản sợ giao tranh có thể xảy ra ở đó. Dân
lúc này còn sợ súng máy và hỏa tiễn trực thăng hơn quân chiếm đóng nên
ngoan ngoãn làm theo lệnh. Sau ba ngày, đàn bà con nít được lệnh ngồi, đàn
ông đứng dậy để hai tên nằm vùng nhận diện, trước mặt hai cán bộ miền Bắc
và hai bộ đội Mặt Trận. Hai người nằm vùng này mới được xổ tù khi Việt
cộng chiếm thành phố. Cả hai đều là thành viên kỳ cựu của Mặt Trận. Một số
người, trẻ có già có, được cấp thẻ và dẫn về nhà thờ chính tòa.
Bên trong nhà thờ đàn ông và thiếu niên được lệnh sắp thành hàng rồi
bước ra ngoài với cán bộ hộ tống. Từ nhà thờ họ băng qua các đường Phủ Cam
lên Chùa Từ Ðàm. Bị giữ ở đấy một ngày rồi lại tiếp tục đi về phía Nam,
hướng Nam Giao. Ðàn bà trẻ con nhao lên nhưng được trấn an rằng cha,
chồng, con họ phải ra phục dịch bên ngoài thành. Một số bà đi theo xa xa,
nhưng rồi bị chặn lại. Trong số người ra đi có anh lính trẻ cộng hòa và
Lương (nhân vật kể lại câu chuyện này). Ngày kế tiếp, cuộc hành trình kéo
dài suốt chiều tới tối, thoạt tiên rời Từ Ðàm đi về hướng Nam rồi bẻ hướng
Ðông Nam. Sáu cây số đường đi mà Lương nghĩ là một cuộc trường chinh.
Không ai nói với ai. Chỉ một lần yên lặng bị cắt đứt bởi một câu hỏi của
ai đó "Ta đi mô đây". Có tiếng phụ họa "Lên núi hay tới chỗ chết?".
Bộ đội Mặt Trận nói là họ được đưa đi học tập. Không ai biết mình đi
đâu nhưng tự thâm tâm nhiều người tin rằng có lẽ đời mình sắp kết thúc.
Ông già đi bên cạnh Lương bỗng ngã quỵ. Cho tới lúc đó anh không biết có
ông già đi bên mình. "Bắt gió cho ông ta " tiếng ai đó vang lên... Lương
ôm lấy ông cho tới khi người canh gác tới. Mắt ông già hé mở trong chiều
xẩm tối. Tiếng nói lạc giọng thều thào. "Xin để tui đi, để tui ở lại đây",
ông van xin, bàn tay xương xẩu níu lấy cánh tay người gác. "Tui không đi
xa hơn được nữa".
"Ðứng dậy".
Ông già gượng dậy, cố thẳng người thêm được vài bước rồi lại ngã.
Người gác đoàn lúc này hết kiên nhẫn, đạp ông ra lề đường rồi bỏ đi. Vài
phút sau, một phát súng xé không khí cùng với một tiếng kêu yếu ớt vang
lên. Làm thế để chắc ăn, không ai chứng kiến. Xác ông được dập vào một hố
gần đó, hai tù nhân được lệnh lấp đất. Một tháng sau xác ông được đồng bào
khám phá.
Vô vọng, đoàn người bước đi càng lúc càng chậm, câm lặng uất nén.
Người gác càng hối thúc. Rồi có tiếng hô "Dừng lại". Lương thấy đám người
phía trước được lệnh bỏ túi xách xuống và ngồi xuống. Họ đã tới đích. Ðám
canh gác phía sau miệng hét thúc kẻ này đi nhanh, chân đá vào sườn kẻ
khác... Sau này, Lương nhớ lại mình đã đi qua thôn Tu Tay. Theo anh, chừng
18 người đã bị kêu lên phía trước và bị quân Mặt Trận tố có tội ác với
nhân dân. Các nạn nhân bị lôi đi ngay. Chả ai biết gì về số phận họ vì
chẳng bao giờ gặp lại họ nữa. Những người khác được lệnh đi về phía lăng
Ðồng Khánh.
Sau một giờ đi họ lại được lệnh dừng, chia thành hai nhóm nhỏ và bắt
đầu được lệnh đào hầm rãnh. Họ đào mồ cho lớp người tới sau, chứ chính họ
thì chỉ vài mạng phải nằm ở đây mà thôi. Như một ác mộng kinh hoàng thăm
viếng địa cầu, nhưng ác mộng không do quỷ ma nào cả mà do chính con người
tạo ra.
Thoạt tiên, Lương nghĩ chắc mình sẽ không qua khỏi. Dù vậy, anh và
người lính trẻ vẫn cố tìm cách thoát thân, trong một hoàn cảnh có thể nói
là tuyệt vọng. Hai người thất thần nhìn nhau, mắt mở lớn. Chung quanh
Lương, đám người đói, lạnh, có kẻ đau, không ai dám quay về nhìn thành phố
thân yêu đổ nát đang chìm trong bóng tối sau lưng họ. Họ đào đã hai, ba
tiếng, ai nấy im lặng gặm nhấm suy nghĩ của mình. Hố đào là để trú ẩn và
làm mương dẫn nước, người ta nói thế. Một tiếng nổ kèm với tiếng la vang
lên. Thần chết vây bủa không gian. Tại sao mình ở đây?
Ða số họ là công giáo, chả ai quan tâm tới chính trị, một số do hoàn
cảnh lịch sử phải bước vào lính như bao nhiêu thanh niên Việt Nam và trên
khắp thế giới đến tuổi khác.
Sau khi đào xong một hố rãnh, đám đông được lệnh đi tới một đụn cát
để nghỉ đêm. Vài người bị dẫn đi. Một số la thét lên vì sợ. Lương thấy
người bạn ở cùng phố mà anh quen từ mấy năm nay bật khóc nức nở. Một người
hoảng lên chạy quẩn để rồi bị bắt giữ lại. Lương hoảng hốt. Chân anh như
điện giật. Anh nghĩ phải liều ngay. Chung quanh cán bộ gác đầy dẫy, nhưng
nếu lao vào được bóng tối thì có cơ thoát. Ác mộng tiếp tục. Người la. Kẻ
bị đánh. Người rú lên cười kinh hoàng. Lương ở trong một đám khá đông đang
bước đi. Ðám người khập khễnh lê lết xuyên qua một đám cây rậm đi xuống
đụn cát phía Nam. Khi họ xuống đồi, Lương lách người lao vào bóng tối. Một
viên đạn rít bên tai. Anh phóng qua đám rừng, tai vẫn nghe tiếng đạn và
tiếng la hét. Chỉ vài phút anh tới một con suối và chạy theo dòng nước
hướng về phía Ðông. Anh đi suốt đêm, thỉnh thoảng bị khuất động bởi trái
sáng thả từ máy bay và tiếng đại bác. Sáng ra thấy mình băng qua một con
đường sắt. Từ đó tiếp tục đi tới quốc lộ, lòng mong ngóng sớm thoát được
vùng tử địa. Xế chiều anh tới con đường phía Nam cách Phú Bài mấy dặm. Mãi
tới ngày 16 tháng 2 Lương mới về lại được thành và kể cho chị Kim những gì
đã xảy ra...
Người ta đoán rằng đám nạn nhân từ Phú Cam tiếp tục đi nhiều ngày
nữa về hướng Nam, xuyên qua một vùng cây cối khó đi. Mãi tới trung tuần
tháng 9-69 người ta mới tìm thấy xác họ trong một con suối nhỏ, khe Ðá
Mài, con suối chảy ra khe Ðại đổ vào sông Hương... Trong số 428 bộ cốt tìm
được ở đó, rất ít được nhận diện. Vì không tìm thấy ở đâu khác, gia đình
họ Nguyễn (thân nhân người lính trẻ) tin rằng con mình đã chấm dứt cuộc
đời nơi khe suối này...
Mồ Tập Thể
Mồ tập thể được khám phá đầu tiên ở trường trung học Gia Hội,
nằm bên cạnh khu dân cư. Sở dĩ cư dân gần đó biết được là vì họ nghe tiếng
súng và biết ở đó có mở tòa án nhân dân. Một số người sau khi tham dự
phiên tòa đầu tiên đã liều trốn và may mắn thoát. Một số khác nhờ bơi qua
sông. Trước ngôi trường có tất cả 14 hố gồm 101 tử thi. Sau ba ngày tìm
kiếm, người ta khám phá thêm một số hố rải rác trước, sau và bên hông
trường, nâng tổng số tử thi lên 203, gồm xác thanh niên, người già và phụ
nữ.
Trong số xác trẻ có 18 sinh viên. Một số trong bọn họ là những sinh
viên đã bỏ vô bưng theo Mặt Trận sau vụ đấu tranh chống chính quyền, nay
trở về bắt các sinh viên khác theo họ. Khi Mặt Trận chuẩn bị rút, các sinh
viên được phép chọn hoặc vô bưng hoặc ở lại thành. Kẻ chọn ở lại bị giết
và chôn tại trường. Những sinh viên khác của Gia Hội không theo Mặt Trận
cũng chịu chung số phận. Có hố vừa chôn được hai hoặc ba tuần; số còn lại
rất mới. Những xác đầu tiên được lính Thủy Quân Lục Chiến Cộng Hòa khám
phá ngày 26-02-1968.
Trong số nạn nhân có cô Hoàng Thị Tam Tuy (các tên riêng và địa danh
nào không đoán được sẽ ghi lại đúng như tác giả đã ghi - Người dịch), 26
tuổi, rất xinh, bán hàng ở chợ, nhà tại đường Tô Hiến Thành, Gia Hội. Bị
quân Mặt Trận, theo lời kể của chị/em cô, vào nhà bắt đi đưa vào trường
điều tra ngày 22 tháng 2, rồi chẳng thấy trở về. Xác cô chân tay bị trói,
miệng nhét đầy giẻ, mình mẩy không thấy một vết thương nào. Xác cô nằm
chung với bốn nạn nhân khác, mà hai trong số đó có bà con với chị/em dâu
cô. Trong số các nạn nhân khác có bà góa Dương Thi Co, 55 tuổi, nghề bán
guốc, 4 con. Bị bắt tại nhà ngày 22-02, đưa vào trường Gia Hội và bắn
chết. Xác bà được các con nhận diện ngày 26-02. Người thứ ba là Lê Văn
Thắng, 21 tuổi sinh viên ở Gia Hội. Anh bị bắt đi tham dự lớp huấn luyện
ngày 14-02. Xác được gia đình phát hiện và nhận diện ngày 16-03, chung hố
với hai nạn nhân khác trong khuôn viên trường.
Người thứ tư là Trần Ðình Trọng, sinh viên kỹ thuật và mới lập gia
đình. Bị bắt ngày 06-02, tìm thấy xác ngày 26-02. Người thứ năm Nguyễn Văn
Dong, cảnh sát 42 tuổi, bị bắt ngày 17-02 ở nhà một người quen và bị chôn
sống, tay trói tại trường Gia Hội. Tìm thấy xác ngày 26-02. Người thứ sáu
là Lê Văn Phú, 47 tuổi, cảnh sát. Bị bắt tại gia ngày 08-02. Vợ con van
xin Mặt Trận cho phép chồng ở lại nhà, nhưng tối hôm đó bị hành quyết, bị
bắn vào đầu, xác tìm thấy ngày 26-02, ở khuôn viên trường. Người thứ bảy,
bà Nguyễn Thi Lao, buôn thúng bán bưng, 48 tuổi. Bị bắt trên đường lộ. Xác
tìm thấy ở trường học, tay bị trói, miệng nhét đầy giẻ; mình mẩy không bị
một vết thương nào. Có lẽ bà bị chôn sống. Những xác khác tìm thấy gồm một
đại úy cộng hòa, hai trung úy, ba trung sĩ và mấy viên chức hành chánh.
Bốn xác người của Mặt Trận.
Vùng mồ lớn thứ hai
được khám phá gồm 12 hố với 43 tử thi ở
Chùa Theravada, thường gọi là Tăng Quang Tự.
Vùng thứ ba tại Bãi Dâu với 3 hố, 26 xác. Trong số nạn nhân ở
Chùa có ông Phan Ban Soan, 60 tuổi, sinh tại Phú Vang, Thừa Thiên, nhà ở
đường Tô Hiến Thành, có gia đình, 5 con. Ông Soan làm nghề thợ may, trước
có tham gia vụ Phật giáo chống tổng thống Diệm. Năm 1961 bị bắt vì chống
chính quyền, được thả năm 1967. Bị Việt cộng bắt đi tối 12-02 trên đường
Chi Lăng, Gia Hội. Cộng sản phân công ông chôn xác chết và phân phối gạo.
Xác ông tay bị trói, bị bắn xuyên đầu, dập cùng hố với 7 người khác.
Một người khác tìm thấy ở Chùa là ông Ðặng Cơ, 46 tuổi, nghề thầu
khoán, bị bắt tại gia ngày 06-02, tìm thấy xác ngày 26-02. Một người khác
nữa là ông Ngô Thông, 66 tuổi, nhân viên hành chánh hồi hưu, bị bắt ngày
08-02, xác dập chung với 10 người khác. Một số tử thi có vết thương, một
số tay bị trói giật cánh khỉ bằng dây thép gai, và một số miệng bị nhét
giẻ.
Lần đầu tiên nói chuyện với đồng bào trong vùng, tôi tưởng chỉ có 16
xác ở Chùa và 3 xác khác ở Bãi Dâu. Nhưng bên hông và sau Bãi Dâu có nhiều
hố chôn. Tất cả ở đây chết vì bị trả thù. Một vài người là thành viên Mặt
Trận nhưng bị giết vì muốn ở lại thành. Họ đều là dân Gia Hội. Bốn tháng
sau, tháng 08-68, tôi trở lại đây để tìm hiểu thêm uẩn khúc của những cái
chết. Thân nhân các nạn nhân lẫn dân địa phương đều xác nhận những điểm
trên.
Tiết lộ về "mồ chôn tập thể" đầu tiên của chính quyền miền Nam là
vào ngày 28-02-68, khi phát ngôn nhân chính phủ cho biết về một hầm "ghê
gớm ở Cồn Hến gồm 100 xác công chức và quân nhân bị bắt khoảng đầu tháng".
Cũng theo phát ngôn viên, "các nạn nhân bị Việt cộng giết, thân xác họ
không được lành lặn". Cồn Hến nằm giữa sông Hương. Lúc đầu Mặt Trận không
màng chiếm Cồn. Nhưng sau nó trở thành một vị trí chiến lược cho việc tiến
quân và rút quân từ Gia Hội ra vùng cát Ðông Nam, vùng họ chiếm từ nhiều
năm nay. Chính quyền xác nhận có 101 xác trong hầm. Theo đồng bào chạy
thoát từ Cồn thì trong số nạn nhân có nhiều người nam mang quân phục, một
vài người bận đồ kaki của Mặt Trận, một số khác bận áo dòng ngắn, một vài
người mang quân phục lính cộng hòa và một vài người bận thường phục. Tôi
hỏi nhân viên chính quyền địa phương về tên tuổi các nạn nhân thì được trả
lời là các tử thi không được nhận diện đầy đủ; họ xác nhận là không thể
nào quả quyết tất cả đều bị hành quyết; một vài nạn nhân có thể đã chết
trong khi giao tranh và vài xác khác, cũng theo họ, là của quân thù.
Vùng chôn thật sự thứ tư nằm sau Tiểu chủng viện, nơi dựng
tòa án nhân dân. Hai hầm chứa xác ba người Việt làm việc cho tòa đại sứ
Hoa Kỳ, hai xác người Mỹ là ông Miller và ông Gompertz, nhân viên USOM, và
xác một giáo sư trung học người Pháp bị giết vì lầm là người Mỹ. Tất cả
đều bị trói tay. Xác tìm thấy và liệm ngày 09-02. Xác hai người Mỹ và
người Pháp được đưa về Ðà Nẵng.
Quận Tả Ngạn, vùng thứ năm, do một quân nhân người Úc khám
phá ngày 10-03-68. Ba hầm rãnh với 21 tử thi, tất cả đều nam giới, tay bị
trói, đạn bắn xuyên đầu và cổ. Một hầm khác,
vùng thứ sáu, nằm cách
Huế 5 dặm về hướng Ðông, được khám phá ngày 14-03-68 do một cố vấn quân sự
Mỹ cùng toán lính Việt đi kèm. Hai lăm xác, tất cả đều bị bắn vào đầu, tay
trói giật cánh khủyu. Nhờ một cánh tay của một nạn nhân nhôi ra khỏi mặt
đất mà hầm được khám phá.
Phía Nam Huế qua hoàng thành ở Nam Giao là nơi mộ phần của vua Tự
Ðức và Ðồng Khánh. Nơi đây là vùng chôn tập thể thứ bảy. Ðây đó
trên dưới hai chục hầm, có cái giữa đất bằng, có cái dưới bụi cây, có cái
bên bờ suối. Bên cạnh hầm lớn, có những hố nhỏ chứa một, hai hoặc ba xác.
Hầm đầu tiên được khai quật ngày 19-03-68, nhưng mãi cho tới tháng 6-69
vẫn còn xác được tiếp tục phát hiện. Ban đầu còn dễ nhận dạng, vài xác
mang quân phục, ngoài ra còn lại thường phục. Ðặc biệt ở đây không có xác
phụ nữ và trẻ con. Càng về sau việc nhận diện trở nên khó khăn. Dù vậy,
cuối hè 1969, người ta cũng nhận diện được xác bố của ông thôn trưởng thôn
Than Duong. Vì con trai vắng mặt nên cụ già bị bắt thay con. Về sau con đi
tìm cha mãi không gặp. Xác cha, đạn xuyên đầu và ót, được tìm thấy tháng
6-69.
Cũng trên đường hướng Nam đó là Tu viện Thiên An, nơi xảy ra trận
chiến ác liệt trong thời gian cộng sản tấn công. Khi buộc phải triệt
thoái, cánh quân chiếm đóng phía Nam thành phố rút lên núi và chiếm giữ
ngôi Tu viện xây cách đây 26 năm, cách Huế 6 cây số hướng Nam, vào ngày
21-02. Lúc đó Tu viện đang là nơi lánh nạn cho hơn 3000 người. Mặc cho các
cha dòng van xin, cộng sản đã cho thần hỏa thiêu rụi tòa nhà chính trong
vòng hai ngày. Các tòa nhà bên là chỗ sinh kế của nhà dòng cũng bị lửa đạn
thiêu hủy. Thư viện gồm những pho thư khố và thủ bút quý thời vua chúa
cũng chung số phận.
Cha Dom Romain Guillaume, một trong những linh mục của dòng, bị một
lính Việt cộng bắn vào vai lúc rời khỏi tòa nhà cháy sau khi đã di tản hầu
hết dân tỵ nạn. Một linh mục người Việt bị bắn vào chân. Khi rút khỏi đống
gạch vụn Tu viện ngày 25-02, Cộng quân mang theo trên 200 người, trong đó
2 linh mục người Pháp, cha Urbain, 52 tuổi, và cha Guy, 48 tuổi và một số
tu sĩ linh mục, tập sinh và người giúp việc. Những người này bị lọc bắt
trong thời gian cộng quân chiếm Nhà dòng và được dẫn đi về hướng Nam. Ða
số bọn họ kết liễu cuộc đời gần chỗ lăng các vua. Tới tháng 6-69, tổng
cộng 203 xác được khai quật. Trong số nạn nhân ở lăng Tự Ðức có Ðoàn Xuân
Tòng, 20 tuổi học sinh trung học, nhà ở làng Nguyệt Biểu, quận Hương Thủy.
Em biến mất khỏi nhà ngày 06-02-68. Xác em được thân nhân tìm thấy bên
cạnh lăng vua ngày 19-03-68, chôn chung với năm người khác cùng làng. Tại
lăng Ðồng Khánh có xác linh mục Urbain lấp cùng một hố với 10 người khác.
Một người Việt khai quật xác cho tôi hay tay linh mục bị trói, mình không
có một vết thương, chứng tỏ có lẽ bị chôn sống. Xác ông liệm ngày 23-03-68
và sau đó được một linh mục đồng dòng nhận diện. Vị linh mục này không thể
xác nhận được là tay cha Urbain có bị trói hay không. Sự kiện không có xác
đàn bà và con trẻ trong các hầm chứng tỏ các nạn nhân đã bị hành huyết dã
man chứ không phải chết trong lúc giao chiến. Nếu bị pháo kích hoặc oanh
tạc thì chắc chắn đã có người bị thương và sống sót, hoặc có người chết
không toàn thây. Và chắc rằng họ không phải bị chôn tại chỗ, bởi theo
phong tục người chết luôn được mang về nhà mình để hồn họ khỏi phải vất
vưởng muôn kiếp.
Vì thế nguyên tắc của đối phương là phải giấu nạn nhân thế nào để
không bị khám phá, mà nếu có bị khám phá thì cũng không nhận diện được là
ai.
Ngoài thi hài cha Urbain, thi hài cha Guy dòng Thiên An cũng được
tìm thấy trong một hầm riêng ngày 27-03-68 gần lăng Ðồng Khánh, với vết
đạn ở đầu và cổ.
Vùng chôn thứ tám ở cầu An Ninh khám phá ngày 01-03 với 20
xác. Trong số tử thi có ông Trương Văn Triệu, trung sĩ lính Cộng hòa.
Trung sĩ Triệu có vợ và 5 con. Du kích cộng sản địa phương bắt ông ở
trường mẫu giáo Kim Long, nơi ông ẩn trốn. Bị trói và dẫn đi. Nhờ dân
chúng gần đó cho hay Việt cộng có chôn xác người gần cầu nên vợ ông đã tìm
được xác chồng sau đó.
Xác ông Trần Hy, thuộc lực lượng Nhân Dân Tự Vệ, có vợ 4 con, cũng
được lấp cùng hầm với ông Triệu. Ông bị bắt ngày 20-02 khi đang trốn trong
nhà một láng giềng. Tay bị trói cánh khuỷu, người không có vết thương nào.
Vùng chôn thứ chín ở cửa Ðông Ba, nơi xảy ra giao tranh lớn.
Ðây chỉ có một hầm 7 người bị bắt tại gia và giết sau đó. Trong đó có ông
Tôn Thất Quyền, 42 tuổi. Có gia đình với 10 người con, bị bắt và dẫn đi
hôm 08-02-68. Gia đình tìm được xác ông ngày 05-05-68.
Ðịa điểm thứ mười là trường tiểu học An Ninh Hạ, một hầm 4
xác, trong đó có cảnh sát Trần Triệu Túc, 52 tuổi, có vợ 7 con. Ông bị bắt
tại nhà và mang đi ngày 05-02-68. Xác tìm được ngày 17-03-68 ở trường,
mang vết thương ở đầu và cổ. Ba xác còn lại: một sinh viên, một quân nhân
và một cảnh sát.
Ðịa điểm thứ mười một là trường Van Chi, một hầm 8 xác. Trong
đó có anh Lê Văn Loang, thợ máy, 35 tuổi, có vợ 6 con. Theo lời chị Loang,
anh bị bắt đi dự lớp huấn luyện ngày 06-02. Khi bị dẫn đi, chị và các cháu
chạy theo van xin nhưng vô hiệu. Họ ra lệnh mẹ con chị phải quay trở về.
Xác anh được những gia đình đi tìm xác người thân tìm thấy ngày 10-03-68
gần trường. Một vài xác bận quân phục, 4 xác chắc chắn là thường dân,
trong đó có một sinh viên.
Ðịa điểm thứ mười hai ở chợ Thông, cách nội thành 2 cây số về
hướng Tây. Tìm được 102 xác. Trong đó có ông Nguyễn Ty, 44 tuổi, thợ xây
gạch, có vợ 6 con. Bị bắt ngày 02-02-68 và có lẽ bị giết ở chợ cùng với
nhiều nạn nhân khác. Tìm được xác ngày 01-03, tay bị trói, một viên đạn từ
ót bung ra cửa miệng. Nhiều người khác cũng bị bắn, tay trói. Có nhiều xác
đàn bà nhưng không có trẻ con.
Ðịa điểm thứ mười ba là vùng lăng Gia Long, ở Thiện Hàm bên
bờ sông Hương, cách thành phố khoảng 16 cây số hướng Nam và cách Ðàn Nam
Giao cỡ 13 cây số Tây Nam. Gần 200 xác được tìm thấy dưới các đám cây và
bụi rậm, gồm học sinh, sinh viên, nhân viên hành chính, quân nhân và nhiều
phụ nữ. 27 người thuộc làng lân cận. Sau khi an ninh tạm vãn hồi, các bà
đi tìm chồng đã khám phá ra địa điểm này. Lúc đầu, họ không dám đi quá xa.
Nhưng hai ngày sau, 25-03-68, họ đụng vào một miếng đất mới đào trên triền
một trong nhiều thung lũng nhỏ trong vùng. Xác người thân họ nằm nơi đây,
tay bị trói cánh khủy, đạn bắn từ sau cổ xuyên qua miệng.
Có nhiều rãnh hầm nối nhau với nhiều xác. Một số nạn nhân từ nội
thành, những người khác từ các làng lân cận. Một số là sinh viên từ Huế về
nhà ăn tết.
Ðịa điểm thứ mười bốn nằm ở giữa Chùa Tăng Quang và Tường
Vân, 2,5 cây số Tây Nam Huế. Ở đó có xác 4 người Ðức, 3 bác sĩ và một bà
vợ, tìm thấy ngày 02-04-68.
Ðịa điểm mười lăm
ở Ðông Gi, 16 cây số phía đông Huế trên
đường ra bờ biển, tìm thấy ngày 01-04-68. 101 xác, đa số bị trói và miệng
nhét đầy giẻ. Tất cả đều nam giới, trong đó có15 sinh viên, nhiều quân
nhân và nhân viên hành chính, già lẫn trẻ. Một vài xác không thể nhận diện
được.
Tới tháng 05-68, tổng cộng có trên 900 xác người bị coi là mất tích
đã được tìm thấy. Dĩ nhiên còn nhiều người chưa được tính... Ðầu năm 1969
nhiều địa điểm khác được khám phá.
Ðiểm chôn thứ mười sáu: Ðầu tiên ở làng Vinh Thái. Ðịa điểm
thứ hai ở làng Phú Lương. Ðịa điểm thứ ba ở làng Phú Xuân, tất cả thuộc
quận Phú Thứ. Tất cả được tìm thấy trong khoảng từ tháng 01 tới tháng
08-69. Quận này với quận kế bên bị cộng sản chiếm nhiều năm và nơi đây xảy
ra nhiều cuộc không tập kéo dài nhiều tháng. Mãi tới đầu năm 1969 quân
Cộng hòa mới tiến vào được vùng này...
Ba làng này cách thị xã Huế chừng 15 cây số về các hướng Ðông và
Ðông Nam, cách bờ biển từ 3 tới 5 cây. Theo các viên chức địa phương, trên
800 xác được tìm thấy trong các vùng trên trong vòng 6 tháng. Có hầm đào
sâu, có hầm cạn. Nhiều xác chôn lâu rồi, quần áo đã mục...
Trong số nạn nhân người ta nhận diện được 16 học sinh trung học,
theo học ở Huế nhưng về quê ăn tết. Cả nhân viên hành chính, đàn ông, đàn
bà, trẻ em, già lẫn trẻ. Một số tay bị trói, đa số đều chôn cùng một hố.
Vùng làng Vinh Thái đào được 135 xác; làng Phú Lương 22; và làng Phú Xuân
đợt đầu 230, đợt sau, khám phá vào cuối năm 69, 375 xác. Dù thời gian qua
lâu, nhưng nhờ lượng muối cao của đất vùng này giữ, đa số tử thi hãy còn
có thể nhận diện được. Nhiều nhân viên hành chính và quân nhân, bị bắn ở
cổ và đầu. Ða số nạn nhân thuộc nam giới. Một vài phụ nữ và trẻ em và một
vài người mang nhiều loại vết thương. Có các linh mục, tu sĩ và chủng sinh
của các làng lân cận mất tích từ hơn 20 tháng kể từ biến cố tháng 02-68.
Trong số 357 xác có cha Bửu Ðồng, một cha sở quận Phú Vang và 2 chủng
sinh. Cha Đồng dấu được trong túi sau bộ đồ ngủ đen trên người một hộp mắt
kính trong đó có ba bức thư tiếng Việt. Một trong ba lá thư này, có bản
chụp trưng bày ở nhà thờ chính tòa Huế, ông viết cho bổn đạo mình (thư tìm
thấy trên thi thể ngày 8-11-69).
«Các con yêu dấu,
«Ðây là bút tích cuối cùng để nhắc cho các con ghi nhớ bài phúc âm
thánh Phêrô trên thuyền bão táp... (3 chữ đọc không ra) đức tin. Lời cầu
chúc của Cha ngày đầu xuân cho mọi công việc Tông đồ của Cha giữa chúng
con, nhớ... (hai chữ đọc không ra) khi sự sống của Cha sắp kết liễu theo ý
Chúa.
«Hãy mến Mẹ sốt sắng lần hột, tha mọi lỗi lầm của Cha, xin cám ơn
Chúa với Cha, xin Chúa tha tội cho Cha và tận tình thương nhớ cầu nguyện
cho Cha được sống trong tin tưởng, kiên nhẫn, trong khắc khổ để kiến tạo
hòa bình của Chúa Kitô và phục vụ tinh thần Chúa và mọi người trong Mẹ
Maria. Xin cầu nguyện cho Cha bình an sáng suốt và can đảm cùng mọi sự đau
khổ tinh thần, thể xác và gởi mạng sống cho Chúa qua tay Ðức Mẹ.
«Hẹn ngày tái ngộ trên nước Trời. Chúc lành cho chúng con”.
(Chữ ký Cha Ðồng)
Ðiểm chôn thứ mười bảy ở làng Thượng Hòa, quận Nam Hòa, bên
bờ sông Tả Trạch, một phụ lưu sông Hương phía Nam lăng Gia Long. 11 xác
được tìm thấy giữa các lùm cây trong tháng 07-69. Chỉ có ba xác nhận diện
được là người của làng bên cạnh. Tất cả đều mang vết thương cổ và đầu, dấu
chỉ của sự hành quyết.
Ðiểm thứ mười tám ở Thúy Thạnh, quận Hương Thủy, tìm thấy
tháng 04-69, và ở làng Vinh Hưng, quận Vinh Lộc, tìm thấy tháng 07-69. Cả
hai làng nằm trong vùng bị cộng sản chiếm từ lâu... Trên 70 xác, nhiều xác
không còn nhận diện được nữa, đa số là đàn ông, vài đàn bà và trẻ con. Họ
được nhận diện là người của các làng lân cận và vài người có thể bị chết
vì chiến cuộc bởi mình họ mang nhiều vết thương và xác không toàn vẹn. Các
nạn nhân khác bị bắn ở cổ và đầu.
Ðiểm thứ mười chín tìm thấy vào tháng 09-69 ở Khe Ðá Mài,
quận Nam Hòa, một con suối nhỏ chảy vào Khe Ðại, phụ lưu sông Hương. Khe
chứa đầy xương người, có xương đủ bộ, có xương nằm riêng, sọ nằm riêng;
tất cả được nước suối mài trắng tinh. Dân đi cưa gỗ tìm thấy địa điểm này.
Nạn nhân có lẽ đã được chôn bên bờ suối trong mùa mưa và nước suối đã dần
soi mòn đất để lộ xác ra, cũng có thể là nạn nhân bị vất xuống suối, chứng
cớ là các mảnh quần áo được tìm thấy dọc bờ hoặc ngay dưới khe, thì việc
chôn lấp nạn nhân có lẽ xảy ra trong các tháng mùa mưa (tháng hai, ba,
tư). Và điều này có nghĩa là nạn nhân đã được dẫn thẳng tới đây hoặc được
mang tới đây sau khi bị bắt một thời gian ngắn. Nếu chôn trong mùa suối
khô, thì sự kiện xảy ra trong khoảng từ tháng 06 tới 10.
Có lẽ để giữ bí mật khi rút lui Việt cộng đã thanh toán vội vàng các
nạn nhân tại đây. Theo luật thông thường, đặc biệt là ở các vùng nông
thôn, kẻ thù thường chôn cất xác đồng đội đàng hoàng. Tuy nhiên cũng có
thể đây là xương và sọ của lính Mặt Trận và Bắc Việt. Như vậy thì số phận
nào cho những người Phủ Cam bị mất tích?
Nghiên cứu các phúc trình quân sự Mỹ thì không thấy có một cuộc
không tạc lớn hoặc của máy bay B52 nào ở vùng trên, ngoại trừ trận chiến
gần Lộc Sơn vào hạ tuần tháng 04-68, một địa điểm cách xa nơi đó chừng 10
cây số. Vả lại lập luận mang người bị chết vì bom B52 băng qua vùng đất
gập ghềnh để đưa về chôn ở suối này quả không vững. Ðường lên núi dễ dàng
hơn nhiều. Cũng vậy, nếu kẻ thù bị thiệt hại nặng ở trận Lộc Sơn và, theo
thói quen sẵn có, đã mang xác 500 đồng đội đi thì hẳn lộ trình phải là
hướng núi, gần và dễ di chuyển hơn nhiều, chứ làm sao mà chọn băng qua
cánh rừng dày đặc khó xuyên qua được này.
Trong thời gian cuộc tấn công của cộng sản có xảy ra giao tranh lớn
kéo dài từ Huế qua Bến Ngự, tới gần cầu Nam Giao và trong Nhà dòng Thiên
An. Nhưng đã không có tiếp tục đánh nhau lớn về mạn Nam, khi quân thù chọn
đường rút lui lên núi, hướng trái với Ðá Mài. Khe Ðá Mài nằm cách thành
phố 40 cây số về hướng Nam, bên ngoài vùng lăng tẩm; nơi nầy được coi là
vùng không người, chỉ có cộng quân lai vãng. Khe chứa 500 sọ. Ðịa thế cách
trở, cách xa mọi văn minh bởi rừng đồi vách đá cho thấy người ta không
muốn để số xác kia, xác của những người mang từ Huế ra bị khám phá, mà nếu
có khám phá thì cũng không nhận diện được. Nằm lẫn với xương là các mảnh
quần áo thường, không phải kaki hay vải màu xanh bộ đội miền Bắc hoặc quân
phục Mặt Trận. Các sọ vỡ xương trán tất thảy cho thấy bị đánh bởi một vật
gì nặng. Một số sọ khác không thấy vết tích gì ở xương, đây có thể là nạn
nhân chết trong lúc giao tranh. Lần lượt tất cả hài cốt được chuyển về
thành phố, nơi họ ra đi và tống táng trong an bình... Sau khi Ðá Mài được
khám phá, vẫn còn vài trăm người mất tích. Trong số đó có một số sinh
viên, điển hình là các anh Ngô Anh Vũ, Nguyễn Văn Bích. Cả hai bị bắt ở
nhà thờ Phủ Cam. Những người khác, viên chức hành chánh, thành viên chính
đảng, thanh niên công giáo, Phật giáo, tu sinh, giáo chức và quân nhân. Họ
bị bắt đi, biệt tăm tin tức.
Bên cạnh các hầm chôn tập thể, còn có các nạn nhân lẻ tẻ, bị giết
tức tưởi. Có khi cả gia đình bị tiêu diệt như gia đình ông Nam Long, thợ
buôn, bị bắn cùng vợ và 5 con tại nhà. Ông Ngô Bá Nhuận bị bắn dã man
trước rạp chiếu bóng địa phương và ông Phan Văn Tường, lao công, bị giết
ngoài nhà ông với bốn đứa con...
The Vietcong Massacre at Hue. Vintage Press, New York, 1976
No comments:
Post a Comment