- Vai trò của tôn giáo trước hiện tình đất nước
GNsP
Ngày 28.04 vừa qua Đức Cha Vinhsơn Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, Úc, đã có một bài nói chuyện với cộng đồng người Việt hải ngoại nhân dịp “Tưởng Niệm Tháng Tư Đen”, do Quỹ Yểm Trợ Đấu Tranh cho Nhân Quyền Việt Nam tổ chức tại nhà hàng Seafood Palace, thành phố Westminster.
Trên Huy hiệu Giám mục của Đức Cha Vinhsơn có lá cờ Việt Nam Cộng Hòa trải ngang như làn sóng trên nền xanh là đại dương
Mở đầu bài nói chuyện Đức Cha nhắc lại nét đẹp của Sài Gòn trước năm 1975 với nền văn minh tiên tiến so với khu vực chung quanh, với những nét đẹp văn hóa và đạo đức, với những sinh hoạt đậm chất nhân văn của một xã hội dân chủ, tự do, pháp quyền.
Sau đó Đức Cha nói hiện tình của đất nước Việt Nam hôm nay dưới sự lãnh đạo toàn trị của Đảng Cộng Sản đã làm cho xã hội băng hoại về mọi mặt.
Đức cha nói đến ước mơ về tương lai của đất nước Việt Nam thực sự có công lý và sự thật, một đất nước thực sự nhân bản với những giá trị Chân-Thiện-Mỹ.
Ngài nói về một ngày mai đó như sau: “Đó là ngày chiến thắng của ánh sáng trên tối tăm, sự lành trên sự dữ, chí nhân trên cường bạo và đại nghĩa trên hung tàn. Đó là ngày cánh chung của chế độ Cộng Sản và ngày quang phục của một Việt Nam thực sự độc lập, dân chủ và vững mạnh trước những thử thách mới. Bao lâu còn bị cai trị bởi chế độ Cộng sản, quê hương Việt Nam sẽ mãi mãi còn bị băng hoại và bế tắc toàn diện.”
Nhắc đến mối tương quan giữa tôn giáo và chính trị, Đức Cha nói như sau:
“Tôn giáo và chính trị là hai thực thể mà nhiều người cho là không được trộn lẫn hay phải tách rời. Có nhiều người Công Giáo rất quảng đại với các dự án tình thương ở Việt Nam, xây nhà thờ, nhà xứ, Trung tâm Hành Hương v..v… nhưng họ lại rất dị ứng với các vấn đề Nhân Quyền và Công Lý. Họ có thể dâng cúng cả chục ngàn đồng cho giáo xứ này, dòng tu nọ ở Việt Nam nhưng mua một cái vé số mười đồng để ủng hộ cho Tù Nhân Lương Tâm thì họ đắn đo ngại ngùng. Họ cho rằng đó là làm chính trị!”
Đức Cha đặt vấn đế như sau: “Vậy thì Chúa Giêsu có làm chính trị hay không khi Ngài thực thi sứ mạng cứu thế khi tuyên bố: Thần khí Chúa ngự trên tôi sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo, giải thoát cho kẻ bị giam cầm, đòi tự do cho kẻ bị áp bức…?”
Đức Cha cũng nói rằng, mỗi người tín hữu dù là sống đời ơn gọi tu trì hay giáo dân đều không được phép dửng dưng với những vấn nạn xã hội do sự lãnh đạo hay thể chế chính trị gây ra.
Ngài nhấn mạnh như sau: “Chúng ta không thể sống đạo tốt mà lại không quan tâm tới sự dữ và sự bất công đang tràn lan trên đất nước. Chúng ta không thể nói mình yêu Thiên Chúa mà lại không để ý tới tiếng kêu than của dân oan.”
Ngài nói tiếp: “Trước khi làm người Công Giáo, trước khi làm giám mục, tôi là người Việt Nam; tôi chịu ơn những anh hùng hào kiệt đã hy sinh cho tiền đồ dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Tôi chịu ơn những chíên sỹ Việt Nam Cộng Hòa đã bảo vệ tự do cho tôi. Tôi chịu ơn những thuyền nhân đã không may mắn như tôi, nhưng cũng chính vì những cái chết thương tâm của họ mà thế giới tự do đã đón nhận những người tỵ nạn cộng sản còn sống sót như tôi.”
Nhắc đến nhiệm vụ Phúc Âm hóa đời sống xã hội, Đức Cha khẳng định: “Phúc Âm và đời sống không thể tách lìa nhau; tôn giáo và chính trị không thể không liên hệ với nhau. Vai trò ngôn sứ của Giáo hội đòi buộc người tín hữu ở mỗi bậc và mỗi hoàn cảnh phải tranh đấu cho một xã hội phản ảnh Vương Quốc của Thiên Chúa.”
Nhắc lại sứ mạng của Đấng Cứu Thế, Đức Cha nói rằng: “Đức Kitô đi đến đâu cũng quan tâm đến người cùng khốn trong xã hội. Ngài đứng về phía những người nghèo hèn, bị áp bức, bắt bớ, thiệt thòi và bất công. Ngài lên án những người dùng quyền lực, địa vị và ảnh hưởng của mình để làm tổn thương, triệt hạ người khác và khuynh đảo xã hội.”
Ngài cũng nhắc đến những gương sáng nơi các vị Giám mục tiền bối sẵn sàng chống lại áp bức bất công như tấm gương của Đức Giám Mục Lê Hữu Từ, Bùi Chu – Phát Diệm. Đức cha nói: “Đối với Đức Giám Mục Lê Hữu Từ cũng như rất nhiều giám mục miền Bắc trong thời kỳ đó đã không ngần ngại dấn thân cho quê hương.”
Ngài cũng cảnh tỉnh các tín hữu đối mặt với một xã hội toàn trị đang ru ngủ lương tri của Giáo hội. Cộng sản đã dùng những từ hoa mỹ như “tôn giáo và dân tộc”, “tốt đời đẹp đạo”, “giáo dân tốt công dân tốt”, “kính Chúa yêu nước” và “đồng hành cùng dân tộc” như những liều thuốc an thần ru ngủ lương tri và vô hiệu hóa vai trò ngôn sứ của Giáo hội.
Ngài nhắc lại vụ việc năm 2010 tại La Vang, ông “Phó Thủ Tướng” Nguyễn Thiện Nhân đã ban huấn từ cho cả các giám mục Việt Nam về điều mà ông gọi là “đồng hành cùng dân tộc”. Đức Cha nói: “Bằng chiêu bài đồng hóa đảng với dân tộc, ông ta biến lòng yêu nước thành yêu đảng và chống đảng là chống lại dân tộc. Điều đáng buồn là liều thuốc an thần này đang làm ru ngủ và làm vô cảm lương tri của nhiều người Việt Nam, kể cả người tín hữu. Đồng hành cùng dân tộc không thể là đồng hành cùng chế độ, nhất là khi chế độ đó đang đưa dân tộc vào chỗ diệt vong.”
Ngài cũng nói đến việc gần đây nhà Cầm quyền cộng sản cho phép xây dựng các trung tâm hành hương và các trung tâm sinh hoạt của các địa phận và dòng tu như hình thức bề ngoài để nói với thế giới rằng Giáo hội Việt Nam có tự do tôn giáo.
Nhưng theo Đức Cha thì tiêu chuẩn để đánh giá về một Giáo hội năng động hay không chính là việc đưa Tin Mừng vào cuộc sống như thế nào. “Giáo hội có thực sự như là men làm dậy cả một khối bột chưa, như đèn sáng trong đêm tối, như tiếng nói sự thật trước những giả dối chưa? Nếu chỉ dừng lại ở bề ngoài khi thất một đội ngũ linh mục, tu sĩ đông đảo, có Nhà thờ to, Trung Tâm hành hương hoành tráng… nhưng với cái giá là bị vô hiệu hóa vai trò làm lương tri xã hội, làm người đồng hành với người sầu khổ, bênh vực dân oan, quan tâm tới kẻ chịu bất công, đóng góp vào tiến trình công lý hoá xã hội v..v.. thì còn ý nghĩa gì?”
Ngài cũng nhắc lại về vai trò chính của một Giáo hội như điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng: “Tôi muốn một Giáo Hội bị thương tích, đau đớn và lấm bùn vì đã dám dấn thân xuống đường thay vì một Giáo Hội ẩn mình sau một lớp bình phong của kinh kệ, lễ nghi và lề luật mà xa lìa những tâm hồn đổ nát”.
Và theo Đức Cha đó là một thách đố cho Giáo Hội Việt Nam hôm nay để đồng hành cùng với những người bị ức hiếp trong lộ trình đấu tranh cho công lý.
Sau cùng ngài nhắn gởi đến quý khách tham dự cũng như các tín hữu trên mọi miền rằng:
“Chúng ta hãy can đảm dấn thân cho tương lai của chúng ta và con cháu chúng ta, chúng ta hãy góp một bàn tay khai thông những bế tắc hầu cùng với toàn thể dân tộc mở ra một kỷ nguyên mới cho quê hương Việt Nam. Hãy VƯỢT QUA MỌI SỢ HÃI. Hãy liên kết thành sức mạnh để phá tan xiềng xích của sự bạo tàn, dối trá và gian ác là chế độ cộng sản. Hãy cùng nhau khai thông dòng sông lịch sử để nó được chảy và làm tươi mát phì nhiêu cho đất Việt thân yêu.”
Kết thúc buổi nói chuyện, Đức Cha cầu nguyện cho những hy sinh và nỗ lực của những người thành tâm thiện chí đang khát khao và tranh đấu cho công lý. “Hãy vững tin tiến về bình minh mới, ngày mùa gặt mới của quê hương, vì người đi gieo trong đau thương sẽ về giữa vui cười".
Sau cùng ngài ban phép lành cho các tín hữu tham dự.
GNsP
No comments:
Post a Comment