Wednesday, April 30, 2014

Người Lính Việt Nam Cộng Hoà

Người Lính Việt Nam Cộng Hoà
“ĐÂY LÀ TIẾNG NÓI NƯỚC VIỆT NAM
PHÁT THANH TỪ THỦ ĐÔ SÀI GÒN…”
Cho đến nay, tiếng nói đó vẫn còn
Vang vọng mãi trong trái tim “Người Lính”
Là hình ảnh của một thời ổn định
Là tiền đồn của Thế giới tự do

Của miền Nam nước Việt rất ấm no
Là thành lũy mang hồn thiêng sông núi
“Người Lính” trẻ đã một thời dong ruỗi
Đem Tình người, Tình lính trấn biên cương

Vẫn một lòng chung thủy với quê hương
Dù oan nghiệt rẽ đời qua trăm hướng
“Người Lính” chúng tôi tuy không Sinh Vi Tướng
Cũng hiên ngang chấp nhận Tử Vi Thần


Trọn một lòng chỉ vì Nước, vì Dân
Dâng hiến cả đời mình cho Tổ Quốc
Từ Quảng Trị rét căm mùa gió bấc
Đến Cà Mau mưa, lũ ngập đồng sâu

Vết giầy saut lội bất cứ nơi đâu
Để mang lại Tin Yêu và Lẽ Sống
“Người Lính” chúng tôi mang trái tim hào phóng
Của tuổi đời đẹp nhất: lúc đôi mươi

Làm nguồn vui nơi tuyến đầu lửa bỏng
Trong gian truân vẫn nồng ấm nụ cười
Dù đôi lúc có hoang mang, phẫn nộ
Hay chán chường vì dấu ấn chiến tranh

Nhưng nỗi buồn cũng tan biến rất nhanh
Khi đối diện với kẻ thù ngoài mặt trận
Rồi cũng đến lúc chào thua số phận
Khi tàn vong đành nước mất, nhà tan


Vì thế cùng, lực tận phải sang bang
Thân nhược tiểu, xót thầm, ôi ngang trái
“Người Lính” chúng tôi không hề chiến bại
Chỉ chào thua định mệnh đã an bài

Bởi cô thế đành nương thân hải ngoại
Chờ bình minh quang phục của ngày mai

Huy Văn


Tuesday, April 29, 2014

Saigon Thất Thủ

Saigon Thất Thủ
Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR
Giới thiệu:
“Sàigòn thất thủ” là tựa đề một loạt ký sự được đăng tải liên tục suốt gần một tháng trên Nhật Báo Sankei trong mục “Đặc Phái Viên của Thế Kỷ 20” từ ngày 29/10 cho đến ngày 27/11/1998. Người thực hiện loạt ký sự này là ký giả Komori Yoshihisa, một đặc phái viên kỳ cựu của Nhật Bản đã có mặt tại Sài Gòn trước và sau thời điểm 30/4/1975. Ông Komori Yoshihisa từng là ký giả của tờ báo Mainichi được biệt phái đến Sài Gòn từ năm 1972 với tính cách là trưởng ban biên tập tại Sài Gòn. Sau đó, đến năm 1987, ông chuyển sang làm việc cho tờ báo Sankei.

Cũng qua loạt bài viết liên quan đến sự kiện “Sài Gòn Thất Thủ” , năm 1976 ông Komori Yoshihisa đã nhận được giải thưởng danh giá “Phóng Viên Quốc Tế”Vaugh/Ueda Prize do hai cơ quan truyền thông Mỹ- Nhật UPI và Dentsu sáng lập. Hiện nay, ông đã 72 tuổi và nổi tiếng là một nhà bình luận thời cuộc thế giới kiêm công việc giáo sư danh dự tại trường đại học quốc tế Akita ở Nhật Bản. Ngoài ra, ông cũng từng được biết là một võ sư hướng dẫn môn Nhu Đạo tại đại học Georgetown ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ.
Vì được chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử liên quan đến chuyện Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam cũng như nội tình của chính phủ Sài Gòn lúc đương thời, ông đã có cái nhìn rất trung thực và đứng đắn về cuộc chiến Việt Nam -vốn rất phức tạp trong một tình thế tương tranh gay gắt mà phe Cộng sản chiếm phần ưu thế lúc bấy giờ, hơn nữa còn bị đảng Cộng sản Việt Nam xuyên tạc bóp méo để đánh lừa dư luận thế giới. Nhận thấy tính cách giá trị lịch sử của loạt bài này, dù đã được viết hơn 15 năm trước, xin giới thiệu phần trích lược trong số 23 bài ký sự của ông Komori Yoshihisa qua phần chuyển dịch của Khôi Nguyên.

Cũng cần nhắc lại, trước đây các phần chuyển dịch này của Khôi Nguyên từng được một số báo chí, trang web người Việt hải ngoại đăng tải và đọc lại.
oOo
Kỳ 1: “Kẻ ở, người đi và một sự thật bình thường”

“Nếu 500 ngàn trong tổng số 3 triệu dân Sài Gòn cầm súng chiến đấu với một tinh thần quyết tử thì chắc là quân cộng sản Bắc Việt phải chuốc lấy những thất bại nặng nề, và Sài Gòn sẽ trở thành một Stalingrad thứ hai. Lúc đó, dư luận thế giới bắt buộc phải quan tâm để đưa đến những cuộc thương thuyết về vấn đề ngưng chiến tại Việt Nam”.

Ngồi trước mặt tôi và sau lưng là những người lính cận vệ trong bộ quân phục Không Quân hùng dũng, cựu tướng Nguyễn Cao Kỳ với một giọng chắc nịch và quả quyết, đã nói như vậy trong buổi phỏng vấn vào ngày 25/4/1975 tại nhà thờ Lộc Hưng ở ngoại ô thành phố Sài Gòn.
Ông Kỳ vốn là một nhân vật nổi tiếng vì trước đó đã giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền miền Nam như Tư Lệnh Không Quân, Thủ Tướng, Phó Tổng Thống. Ông đã được biết qua báo chí thế giới bằng hình ảnh một người đàn ông có dáng gầy, cao vừa phải, dung mạo đẹp trai, và nhất là bộ ria đen nhánh. Vợ ông là một phụ nhữ xinh đẹp, xuất thân từ giới tiếp viên hàng không.

Tuy nhiên, từ năm 1971, trong cuộc tranh đua quyền lực, ông Kỳ đã bại dưới tay ông Nguyễn Văn Thiệu, một nhân vật từng sát cánh với ông lúc trước. Vì thế, ông đã bị hất văng ra khỏi chính trường miền Nam. Sau đó, người ta ít thấy ông Kỳ xuất hiện và cho đến gần thời điểm nguy ngập vào mùa Xuân năm 1975, ông Kỳ đã lên tiếng chỉ trích những thất sách về mặt quân sự cũng như sự thối nát về mặt chính trị của chính quyền Sài Gòn.

Vào ngày 25/4/1975 nói trên, trong một buổi tập họp được Ủy Ban Hành Động Cứu Nước do linh mục Trần Hữu Thanh lãnh đạo đứng ra tổ chức, ông Kỳ đã đến tham dự và phát biểu. Khi ông Kỳ dùng xe jeep đến nhà thờ Lộc Hưng thì nơi đây đã có gần 3 ngàn giáo dân tụ tập sẵn ngoài sân từ bao giờ. Địa phận Lộc Hưng vốn là nơi cư trú của đa số người Công Giáo miền Bắc tỵ nạn Cộng sản di cư về đây từ năm 1954. Trước khi đến đây, ông Kỳ đã nhận trả lời phỏng vấn của những phóng viên ngoại quốc như chúng tôi.

“Nếu đồng báo nhất trí đoàn kết, thì chúng ta sẽ còn con đường sống. Chúng ta phải cương quyết chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Quân cộng sản chỉ chờ đợi nơi chúng ta tự chia rẽ và tự tan rã mà thôi. Tôi sẽ ở lại Sài Gòn và chiến đấu cho tới chết. Tôi muốn nói lên quyết tâm này với dân chúng Sài Gòn. Những người bỏ chạy ngay bây giờ trước khi quân địch tấn công vào đều là những kẻ hèn nhát”.

Đứng trên bục gỗ trước máy phóng thanh, lời kêu gọi của ông Kỳ vang dội đến mấy ngàn giáo dân Công Giáo như càng làm tăng thêm dũng khí cho họ.

Lúc này, quân Bắc Việt đã tràn đến những cứ điểm phòng thủ cuối cùng quanh vòng đai Sài Gòn sau khi nuốt gọn Xuân Lộc. Và Sài Gòn đang trong tình trạng hồi hộp, căng thẳng về một cuộc tổng công kích cuối cùng của quân Bắc Việt vào ngay lòng thủ đô. Tuy vậy, lúc nghe ông Kỳ diễn thuyết, tôi cũng cảm thấy yên tâm phần nào vì miền Nam vẫn có thể tránh khỏi một cuộc chiến bại toàn diện.

Thế nhưng vào sáng ngày 29/4/1975 ông Kỳ đã dùng trực thăng tháo chạy ra ngoại quốc, bỏ lại sau lưng những lời thề hứa chiến đấu quyết tử mà ông từng hùng hồn tuyên bố trước đó bốn ngày.

Từ lúc ông Kỳ bỏ chạy cho đến giây phút cuối cùng khi Sài Gòn rơi vào tay quân Bắc Việt, chỉ đúng một ngày. Trong khoảng thời gian này, số những tướng lãnh cùng binh sĩ VNCH ở lại chiến đấu cũng không phải là ít và có những vị tướng đã hy sinh.

***
Dọc theo quốc lộ 13, cách Sài Gòn khoảng 50 km về hướng Bắc là căn cứ Lai Khê do sư đoàn 5 VNCH trấn giữ. Đây là một trong năm sư đoàn được phối trí theo thế chiến lược bảo vệ vòng đai thủ đô Sài Gòn. Lúc này, Tổng Tham Mưu chỉ huy quân Bắc Việt là tướng Văn Tiến Dũng đã huy động tất cả 5 quân đoàn gồm 15 sư đoàn với quân số khoảng 200 ngàn để chọc thủng những tuyến phòng thủ vòng đai cuối cùng hầu tiến chiếm Sài Gòn.

Đúng vào buổi sáng 30/4/1975, sư đoàn 5 của VNCH đã phải hứng chịu những áp lực nặng nề trước sức tấn công mãnh liệt của quân đoàn 1 Bắc Việt, cuối cùng vì lực lượng quá ít so với quân số hùng hậu của quân Bắc Việt, sư đoàn 5 tan vỡ và vị Tư Lệnh sư đoàn là tướng Lê Nguyên Vỹ đã tự kết liễu vận mạng bằng cái chết hiên ngang, bất khuất.

Tướng Lê Nguyên Vỹ, TL SĐ5 BB

Mặt khác, tại cứ địa Củ Chi cách Sài Gòn khoảng 30km về hướng Tây Bắc, sư đoàn 25 của VNCH cũng bị tấn công dữ dội và ngã gục trước quân đoàn 3 Bắc Việt. Tư Lệnh sư đoàn là tướng Lý Tòng Bá vì muốn bảo vệ sinh mạng binh sĩ nên đã chịu hàng và bị bắt làm tù binh.

Tướng Lý Tòng Bá, TL SĐ25 BB
Ngay cửa khẩu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long là căn cứ Tân An nằm ở hướng Tây Nam Sài Gòn được sư đoàn 22 VNCH trấn thủ cũng không tránh khỏi sự tấn công mãnh liệt của lực lượng Bắc Việt và đã bị tiêu diệt. Kế đến là lực lượng những binh sĩ còn lại của sư đoàn 18 dưới sự chỉ huy của tướng Lê Minh Đảo đang trấn đóng tại phía Đông Sài Gòn đã bị đột kích bằng chiến thuật biển người của quân đoàn 2 Bắc Việt. Sau khi thất thủ, tướng Lê Minh Đảo bị bắt làm tù binh.

Tướng Lê Minh Đảo, TL SĐ18 BB
Trong tình thế hiểm nghèo này, chỉ còn lại lực lượng duy nhất của sư đoàn 7 ở Mỹ Tho là tương đối có khả năng kéo về Sài Gòn tiếp ứng nhưng vì các trục lộ giao thông đã bị địch quân cắt đứt nên ngay sau khi Sài Gòn thất thủ, sư đoàn 7 VNCH cũng đành phải đầu hàng.

(*ghi chú của HVR: Tư lệnh SĐ7BB, Tướng Trần Văn Hai đã tự vẫn ngay trong doanh trại đơn vị)

Tướng Trần Văn Hai, TL SĐ7BB
Tiếp theo tại Cần Thơ, Bộ Tư Lệnh Quân Khu 4 của VNCH là nơi kiểm soát toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đã tận lực trong việc bảo vệ và tiếp ứng cho hai sư đoàn 9 và 21 đang bị uy hiếp trầm trọng, nhưng kết cuộc cũng đành phải bó tay. Vị Tư Lệnh quân khu là tướng Nguyễn Khoa Nam cùng Tư Lệnh Phó là tướng Lê Văn Hưng đã chọn cái chết để bảo vệ khí tiết ngay tại căn cứ Cần Thơ.

Tướng Nguyễn Khoa Nam, TL QĐ4 QK4

Tướng Lê Văn Hưng, TLP QĐ4 QK4
***
Đối với tôi, thì việc trong hàng ngũ những tướng lãnh và nhân viên cao cấp của chính quyền miền Nam, người nào bỏ chạy, người nào ở lại tử thủ đã trở thành đối tượng cho sự suy nghĩ về những phương cách xử thế ở đời và là một bài học kinh nghiệm cho bản thân.

Những người thường hô hào chiến đấu chống cộng tới cùng, hoặc kêu gọi sự đoàn kết và lòng yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc một cách kịch liệt nhất, lại là những người chạy trốn sớm nhất. Ngược lại, những người có vẻ như thân Mỹ hay thân Pháp lẽ ra phải nhanh chân chạy thoát thì lại hy sinh ở lại chiến đấu. Thêm một lần nữa, tôi cảm nhận được một sự thật rất bình thường là “nếu chỉ dựa vào lời nói của một người, ta sẽ không thể phán đoán hành động của họ như thế nào”.

Sau ngày Sài Gòn thất thủ hai năm, tôi được chuyển sang làm đặc phái viên ở Hoa Kỳ và đã có dịp ghé thăm nơi ở mới của ông Nguyễn Cao Kỳ tại California.

Từ lúc được chính phủ Hoa Kỳ tiếp nhận cho định cư, ông Kỳ đã mở một siêu thị để kinh doanh ở gần thành phố Los Angeles cách nhà ông khoảng chừng 20km, một ngôi nhà thuộc hạng sang trọng đối với tiêu chuẩn của vùng này. Sau khi nhấn chuông, tôi được ông Kỳ đích thân mở cửa đón tiếp. Trong bộ quần áo màu vàng nâu, ông Kỳ có dáng vẻ của một vị trưởng giả và nếu gọi là có sự thay đổi nơi ông thì có lẽ chỉ là màu của bộ ria nay đã trở thành màu tro nhạt.

Ông tiếp tôi tại phòng khách và nhận trả lời cuộc phỏng vấn. Sau khi kể lại những khó khăn ban đầu từ lúc ông cùng vợ và 6 người con 4 trai 2 gái đặt chân tới đây, ông hồi tưởng lại chuyện chiến tranh: “Tôi đã từng chủ trương rằng, hòa hợp hòa giải với thế lực cộng sản kết cuộc chỉ là một ảo tưởng. Điều này hoàn toàn đúng. Vì vậy, đối với cộng sản chỉ có chọn lựa một trong hai con đường: hoặc đầu hàng, hoặc chiến đấu tới cùng. Về điểm này có thể nói là những nhận thức của Tổng Thống Thiệu rất đúng đắn và chính xác”.

Tuy nhiên, ông Kỳ đã không chiến đấu tới cùng với cộng sản.

Việc ông vừa tuyên bố sẽ tử thủ tại Sài Gòn sau đó lại bỏ chạy như vậy, quả thật đã khiến tôi khó đề cập đến vì thái độ biểu hiện của ông quá chai cứng: “Tôi đã cố gắng đến cuối cùng và biết rằng miền Nam sẽ hoàn toàn thất trận nên phải ra đi. Vả lại, tôi cũng chỉ là một dân thường mà thôi. Nếu như lúc đó tôi ở vào vị trí trọng yếu của chính quyền thì chắc chắn tôi sẽ ở lại tử thủ. Tuy vậy, đối với những chiến sĩ VNCH đã chiến đấu đến giờ phút cuối thì tôi rất kính phục và không biết phải dùng lời lẽ gì để biểu hiện cho sự kính phục này”.

Nói tóm lại, những lời biện minh, giải thích của ông Kỳ cho dù nghe ở một góc độ nào chăng nữa, quả thật người ta cũng không cảm nhận được ý nghĩa gì cả!

Kỳ 2: “Xuân Lộc, một chiến thắng ngắn ngủi làm nức lòng dân”

Xuân Lộc là một thành phố chính yếu của tỉnh Long Khánh, có vị trí cách thủ đô Sài Gòn khoảng 60km về hướng Đông Bắc. Ở vào thời điểm cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam thì trận đụng độ tại nơi này giữa quân đội Bắc Việt và VNCH được coi như là một trận chiến khốc liệt nhất trước khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn bị thất thủ. Đây là trận chiến duy nhất mang tính cách quy mô toàn diện trong giai đoạn cuối của kế hoạch xâm chiến miền Nam, qua đó quân Bắc Việt đã tận dụng hết toàn bộ lực lượng quân chính quy với những hỏa lực hùng hậu nhất nhằm tấn công triệt để quân đội VNCH hầu tạo thế quyết định chiến trường.
Phù hiệu SĐ18BB
Nhưng có một điều mỉa mai và đau lòng đối với chính quyền Sài Gòn là qua trận chiến ác liệt này mặc dù sư đoàn 18 bộ binh của VNCH dưới sự chỉ huy của dũng tướng Lê Minh Đảo đã chiến đấu thật kiên cường và đẩy lui những đợt sóng tấn công ào ạt của địch hoàn thành sứ mạng bảo vệ Xuân Lộc trong một chiến thắng oanh liệt cũng như chiến thắng này đã đưa tên tuổi của tướng Lê Minh Đảo trở thành một vị anh hùng trong quân sử VNCH, nhưng chỉ một thời gian ngắn ngủi sau đó chính quyền Sài Gòn phải sụp đổ tan tành.

Tướng Lê Minh Đảo
Thành phố Xuân Lộc có khoảng 100 ngàn dân cư, được những đồn điền cao su dày đặc bao bọc xung quanh. Trong thành phố, người ta thấy có rất nhiều tiệm buôn nho nhỏ xen kẽ với nhà cửa dân chúng và sự nổi bật của những ngôi nhà thờ nghiêm trang, cung kính như làm tăng thêm phần thanh nhã, êm đềm vốn là đặc tính của phong cảnh nơi này. Tôi cũng đã có nhiều dịp dùng xe đi ngang thành phố Xuân Lộc mỗi khi phải thực hiện phóng sự tại các tỉnh cao nguyên Trung phần và các thị trấn ven biển của miền Trung.

Mức độ tấn công của quân Bắc Việt vào Xuân Lộc đã thực sự trở nên ác liệt từ ngày 9/4/1975, tức thời điểm trước khi Sài Gòn thất thủ đúng 3 tuần lễ.

Đầu tiên, để uy hiếp và trấn áp tinh thần của sư đoàn 18 bộ binh VNCH, quân Bắc Việt đã dùng loại pháo 130 ly liên tục pháo kích vào những cứ điểm đóng quân của sư đoàn này và hầu hết những địa điểm trong ngoài thành phố Xuân Lộc. Loại pháo 130 ly này có xạ trình đến 27 km do Liên Xô và Trung Quốc phối hợp chế tạo và là một trong những vũ khí có sức công phá dữ dội nhất của quân Bắc Việt.

Sau khi Sài Gòn bị rơi vào tay quân đội Bắc Việt, tôi đã được chúng kiến tận mắt loại pháo 130 ly này với một số lượng không sao đếm hết. Đồng thời, với kích thước to lớn của nó, cũng đã cho thấy phần nào hỏa lực hùng mạnh của quân Bắc Việt.

Đại bác 130 ly của CSBV

Với chiến thuật vừa pháo kích, vừa cho xe tăng bộ đội xâm nhập vào Xuân Lộc, cộng sản Bắc Việt trong chiến lược tấn công nơi này đã sử dụng toàn bộ lực lượng binh sĩ thuộc quân đoàn 4. Đây là một quân đoàn được hình thành từ việc sát nhập 3 sư đoàn quân Bắc Việt gồm sư đoàn 6, sư đoàn 7 và sư đoàn 341. Quân đoàn 4 của Bắc Việt có vị trí đóng quân tại những vùng phụ cận biên giới Campuchia, nằm về hướng Bắc của thủ đô Sài Gòn.

Qua việc tận dụng cả lực lượng chính quy của quân đoàn 4 trong mục tiêu đánh chiếm Xuân Lộc đã cho thấy phía Bắc Việt rất coi trọng địa điểm này trên quan niệm vị trí chiến lược xung yếu. Đó là, nếu chiếm được Xuân Lộc thì những lộ quân của Bắc Việt xuất phát từ đây sẽ dễ dàng phối hợp cùng những tuyến quân xâm nhập từ phía Đông Nam để chọc thủng các hàng rào phòng thủ cuối cùng quanh thủ đô Sài Gòn.

Từ đó, Xuân Lộc đã trở thành mục tiêu hàng đầu trong chiếc lược tấn công của Bắc Việt. Mặt khác, nếu nhìn từ Sài Gòn ta sẽ thấy Xuân Lộc quả thật là một thành trì quan trọng nằm ở hướng Đông, có khả năng che chở cho cả thủ đô vì nó là giao điểm của quốc lộ số 1 dọc theo các bờ biển Trung phần và quốc lộ số 2 từ các tỉnh cao nguyên miền Trung. Nếu cho quân thẳng tiến vào Nam thì phải đi theo 2 tuyến đường quốc lộ nói trên nên Bắc Việt có nhu cầu phải giải tỏa nút chặn chiến lược trọng yếu Xuân Lộc. Cũng vì vậy mà lúc đương thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã hạ lệnh cho quân đội VNCH phải tử thủ Xuân Lộc bằng mọi giá.

Sau khi chịu đựng những đợt pháo kích liên tục như bão táp mưa sa của quân Bắc Việt, lực lượng phòng thủ sư đoàn 18 VNCH với tương quan quân lực kém hẳn địch thủ là 1 đối 3 bắt đầu tổ chức những đợt phản công đánh trả lại một cách hữu hiệu. Và thật đáng kinh ngạc, những chiến sĩ sư đoàn 18 đẩy lui không biết bao nhiêu đợt tấn công xâm nhập vào Xuân Lộc của địch với gần 1000 xác quân Bắc Việt và mấy chục chiến xa phải bỏ lại tại thành phố đầy lửa đạn này.

Chiến xa CSBV bị bắn hạ tại Xuân Lộc
Trong tình thế liên tiếp mấy ngày liền bị vây hãm như vậy, chính quyền Sài Gòn đã phái một số quân tinh nhuệ thuộc Sư đoàn Nhảy Dù lúc đó đang đóng tại phía Bắc Sài Gòn, dùng trực thăng đến Xuân Lộc để tiếp ứng. Dưới sự chỉ huy tài tình của dũng tướng Lê Minh Đảo, những chiến sĩ VNCH đã kiên cường cố thủ cũng như phản kích mạnh mẽ. Đối với họ, sự nhận thức về Xuân Lộc là một cứ điểm vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ thủ đô Sài Gòn đã tạo nên một tinh thần quyết tử cao độ.

Kết quả, sau ba ngày tấn công tới tấp vào Xuân Lộc, quân Bắc Việt đã bị nhiều tổn thất nặng nề nên đành phải ngưng chiến. Liên quan đến sự kiện này, tướng Văn Tiến Dũng của Bắc Việt, tổng tham mưu cuộc tấn công Xuân Lộc, đã viết: “Tại Xuân Lộc, lần đầu tiên quân đội ta chạm phải một đội quân quyết tử của địch. Tuy quân ta đã nhiều lần xâm nhập được vào trong thành phố và tạo được thế uy hiếp mạnh mẽ nhưng đều bị đánh lui trở lại. Điều này chứng tỏ quân đoàn 4 của ta đã không lượng định được chính xác sức đề kháng kiên cường của địch”.

Chiến lợi phẩm của CSBV bị tịch thu
Tù binh CSBV tại Xuân Lộc tháng Tư 1975

Thế là phía Bắc Việt đã thú nhận sự thất bại qua cuộc công kích vào Xuân Lộc lần đầu tiên và ngược lại đối với quân VNCH thì đây là trận chiến thắng mang nhiều ý nghĩa to lớn trong việc củng cố niềm tin của dân chúng miền Nam. Do đó, chính quyền Sài Gòn đã truyền đạt và phổ biến rộng rãi đến các cơ quan truyền thông ngoại quốc cũng như người dân miền Nam về chi tiết trận chiến thắng ở Xuân Lộc

Dĩ nhiên là người dân Sài Gòn rất hoan hỷ và càng tăng niềm hy vọng, tin tưởng nơi khả năng chiến đấu, bảo vệ lãnh thổ của quân đội VNCH.

Sau chiến thắng tại Xuân Lộc, tôi đã có dịp gặp hai viên sĩ quan trẻ tuổi phụ trách việc thông tin cho sư đoàn 18 tại văn phòng hãng thông tấn UPI ở Sài Gòn. Hai viên sĩ quan này vừa đưa tôi xem những hình ảnh của trận chiến Xuân Lộc vừa nói: “Sư đoàn 18 Number One!” , vì họ đã đánh lui được một phần lớn quân cộng sản Bắc Việt.

Tại thành phố Sài Gòn, không khí thật náo nức và nhộn nịp trong nỗi hân hoan chào mừng chiến thắng Xuân Lộc, một sự chiến thắng không ngờ. Với thắng lợi này, đa số dân chúng thủ đô đều nghĩ rằng quân Bắc Việt sẽ mỏi mệt và cần một thời gian khá dài để dưỡng sức, nhất là nếu có tướng Lê Minh Đảo thì Sài Gòn sẽ bình yên vô sự.

Cho đến này 13/4/1975 thì sinh hoạt tại Xuân Lộc đã tương đối trở lại bình thường với đường phố tấp nập xe cộ, người qua lại đông đúc. Cảnh mua bán rộn rịp, tưng bừng hẳn lên, hầu như họ đã quên rằng cách đó chỉ mấy chục cây số, quân Bắc Việt vẫn còn đóng chốt và chuẩn bị cho những cuộc tấn công khác.
Quả nhiên, quân Bắc Việt sau một thời gian ngắn ngủi tạm ngưng chiến đã dồn hết nỗ lực để bao vây chặt chẽ các khu vực chiến lược xung quanh Xuân Lộc tạo thế cô lập đối phương bằng cách cắt đứt các tuyến đường tiếp vận huyết mạch. Lúc này, 3 sư đoàn thuộc quân đoàn 2 Bắc Việt đã từ những vùng ven biển miền Trung kéo quân tiến đến Xuân Lộc để tăng cường thế công và tổng cộng có 3 sư đoàn của phía Bắc Việt với quân số đầy đủ vây hãm duy nhất một sư đoàn 18 của VNCH.

Sau đúng một ngày cầm cự, chịu đựng không nổi trước chiến thuật áp đảo của địch, sư đoàn 18 VNCH đã bắt đầu triệt thoái khỏi thành phố Xuân Lộc vào ngày 20/4/1975. Sau đó, sư đoàn này được tái tập trung và đóng quân phòng thủ ngay sát nách Sài Gòn về phía Đông, nhưng đã quá muộn màng vì quân Bắc Việt gỡ được nút chận Xuân Lộc và các tuyến quân Nam tiến của họ đã tựa như thế chẻ tre tiến công ào ạt về Sài Gòn khiến cho quân đội miền Nam bị tan rã thành từng mảnh, từng mảnh.

Dũng tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh sư đoàn 18 cùng các binh sĩ của ông chiến đấu đến giờ phút cuối cùng nên bị quân Bắc Việt bắt giữ. So với một số tướng lãnh VNCH đã tháo chạy từ những ngày trước đó, tướng Lê Minh Đảo đã được dân chúng ngưỡng mộ và ca ngợi tinh thần dấn thân vì nước của ông.
Tướng Lê Minh Đảo

Sau ngày miền Nam sụp đổ, tướng Lê Minh Đảo cũng như đa số sĩ quan cao cấp của VNCH đã bị nhà cầm quyền cộng sản giam giữ tại các trại tù khổ sai, cưỡng bức lao động. Kết cuộc, nhờ vào sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ, sau mười mấy năm tù đầy, tướng Lê Minh Đảo đã được sang Mỹ để đoàn tụ cùng gia đình vào năm 1994.

Người Hùng Xuân Lộc năm nào nay đã trở thành người hùng cô đơn với nhiều tâm sự mà ít người thấu hiểu.

Kỳ 3: Hoa Kỳ triệt thoái
ĐS Graham Martin
Lần đầu tiên bắt tay với ông Graham Martin, vị đại sứ của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, tôi đã có một cảm giác lạ kỳ mà cho tới nay tôi vẫn không thể nào quên được, vì nơi lòng bàn tay của ông ta không có một chút sức lực nào tập trung vào đó cả.

Tôi đã được gặp ông Martin lúc ấy vào khoảng thời gian cuối năm 1973 tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đặt ngay trung tâm thành phố Sài Gòn. Sau này nghe kể lại tôi mới biết ông Martin vì bị trọng thương do một tai nạn giao thông trước đó đã lâu nên lực bóp của bàn tay đã trở nên yếu hẵn.

Ông Martin là vị đại sứ cuối cùng của Hoa Kỳ tại miền Nam. Với thân hình gầy ốm, trông ông tôi có cảm giác như ông là một người không được sáng sủa cho lắm. Chuyên về ngành ngoại giao, ông đã làm đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, Ý và Thái Lan. Vào tháng 7/1973, ông Martin lúc đó đã 67 tuổi được bổ nhiệm đến Sài Gòn. Tuy ông là một người thường hay đau yếu bệnh hoạn, nhưng ông rất kỳ vọng vào chính quyền Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và có lập trường chống cộng rất triệt để đối với thế lực của MTGPMN. Trong lúc Quốc Hội Hoa Kỳ có những do dự trước việc tiếp tục trợ giúp quân sự, kinh tế cho chính quyền Sài Gòn thì đại sứ Martin cũng là người đã có nỗ lực vận động nhiều nhất để yêu cầu Hoa Kỳ nên tái viện trợ cho VNCH.

Đại sứ G. Martin trình ủy nhiệm thư tháng 7/1973
Có giả thuyết cho rằng sở dĩ ông nhiệt tâm trong vấn đề này vì ông có một người con trai là binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã tử trận tại Khe Sanh vào năm 1968 trong cuộc đụng độ với quân Bắc Việt.

Sau khi hiệp định Ba Lê được ký kết, ông Martin đã đưa ra một kế hoạch với chủ trương là nếu Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ thật dồi dào cho VNCH trong khoảng 5 năm nữa thì miền Nam sẽ trở thành một quốc gia có tư thế chính thức trong khối tự do và đủ sức bảo vệ lãnh thổ của mình. Vì vậy, ông lại càng được sự ủng hộ của chính quyền miền Nam.

Đến thời điểm tháng 3/1975, khi quân Bắc Việt mở những cuộc tiến công như vũ bão trên các địa bàn rộng lớn, tạo thế nguy ngập cho chính quyền miền Nam thì mọi người rất trông đợi cũng như hy vọng tràn trề vào quyết định của Quốc Hội chính phủ Hoa Kỳ lúc đó đang thảo luận việc viện trợ khẩn cấp 700 triệu mỹ kim cho miền Nam để đảo ngược cục diện. Nhưng không ngờ Quốc Hội Hoa Kỳ đã lạnh lùng cắt đứt luôn toàn bộ nguồn viện trợ cơ bản.

Riêng cá nhân ông Martin vẫn tin tưởng rằng cho dù Bắc Việt với thế lực đại quân số có tấn công trực tiếp vào Sài Gòn đi nữa thì miền Nam cũng chưa đến nỗi mất hết hy vọng nên ông đã vận động những cuộc thương thuyết để giải quyết vấn đề và cho đến phút cuối ông vẫn chống lại những mệnh lệnh triệt thoái toàn diện từ Washington.

Công điện ĐS Martin gửi NT Kissinger ngày 28/4/1975

ĐS Martin-Tướng Weyand-NT Kissinger-TT Ford 1975

Đối với phía Hoa Kỳ, cuộc triệt thoái cuối cùng của họ chính thức bắt đầu từ lúc 2 giờ trưa ngày 29/4/1975. Họ đã dùng trực thăng quân sự để di tản các nhân viên chính phủ Hoa Kỳ tại Sài Gòn cũng như những nhân viên, cán bộ, binh sĩ của chính quyền miền Nam cùng thân nhân đến chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội Hải Quân Hoa Kỳ đang đậu tại biển Đông tiếp giáp với cửa khẩu sông Sài Gòn.

Trong khi đó, đối với những ngoại quốc ở Sài Gòn, Hoa Kỳ đã dùng ám hiệu để thông báo về một cuộc triệt thoái cuối cùng bằng cách cho phát thanh liên tục bản nhạc “White Christmas” ngay tại vùng đất nhiệt đới nóng bức này. Tuy nhiên, vì muốn ở lại cho đến giờ phút cuối cùng với một số ít nhân viên phụ tá, ông Martin đã yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ cho kéo dài thêm thời gian cuộc triệt thoái nói trên. Nhưng cho đến lúc nhận được những mệnh lệnh trực tiếp và nghiêm khắc từ cố vấn Kissinger thì ông Martin đã không còn cách nào khác nên đành rời khỏi Sài Gòn vào lúc 4 giờ sáng ngày 30/4/1975. Vì vậy, ông Martin là người Mỹ cuối cùng theo đúng danh nghĩa đã rời khỏi Việt Nam.
Theo tôi, ý nghĩa của cuộc triệt thoái này được kết luận rằng đó là những dấu hiệu sau cùng cho thấy sự can thiệp của cường quốc Hoa Kỳ vào VN từ thập niên 1950 đã hoàn toàn không đạt được mục đích gì và Hoa Kỳ phải ra đi trong sự thất bại, nhưng nếu mục kích quang cảnh sự di tản của Hoa Kỳ thì nhiều người thường có những nhận định thật lầm lẫn như “Những người Mỹ cuối cùng đã bị đánh bại trước thế lực của quân Bắc Việt và dùng trực thăng tẩu thoát trước khi Sài Gòn thất thủ”.

Bởi vì trên thực tế, quân đội Hoa Kỳ đã rút quân khỏi VN từ hai năm trước đó và đối với họ thì những liên hệ trực tiếp về quân sự với cuộc chiến tranh VN đã thực sự chấm dứt từ lúc đó. Nói cách khác, Hoa Kỳ đã tuân theo đúng tinh thần của hiệp định Ba Lê và triệt thoái toàn bộ quân đội vào năm 1973. Tôi cũng đã chứng kiến cảnh những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi VN vào ngày 29/3/1973.

Quân đội Hoa Kỳ thực sự có mặt tại VN vào năm 1962 khi những viện trợ về nhân lực, vũ khí được gửi đến VN từ căn cứ Okinawa tại Nhật Bản. Năm 1964, lực lượng TQLC Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng đánh dấu sự kiện lần đầu tiên Hoa Kỳ đưa những chiến sĩ bộ binh của mình vào VN. Từ năm 1968 đến 1969, tổng số quân lính của Hoa Kỳ trú đóng tại VN đã lên đến hơn 540.000 người và từ cuối tháng 3/1973 những liên hệ quân sự này đã hoàn toàn chấm dứt.

Nghi thức tiễn biệt cuối cùng để đưa quân đội Hoa Kỳ về nước được chính quyền miền Nam tổ chức tại căn cứ không quân ở phi trường Tân Sơn Nhất vào ngày 29/3/1973 dưới những cơn gió thật lớn, thổi mạnh mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ.
Tướng Cao Văn Viên -Tướng Federick Weyand- 1973

Lúc đó, đứng ngay cạnh tôi là nhà văn Kaiko Takeshi cũng đang ghi chép để thực hiện bài phóng sự về buổi lễ này. Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng VNCH đã đọc bài diễn văn bằng Anh ngữ để chuyển lời cảm tạ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tướng Frederick Weyand, vị Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ đặc trách viện trợ quân sự cho miền Nam đã đọc lời từ biệt bằng tiếng VN một cách ấp úng như sau: “Quân đội của quý vị nay đã có đủ khả năng chiến đấu để tự bảo vệ và điều này đã được chứng thực rõ ràng”.

Dĩ nhiên là lời nói này hoàn toàn không đúng với hiện thực, nhưng trên thực tế có 516 quân nhân các cấp của Hoa Kỳ mới chính là những quân nhân cuối cùng rời khỏi VN sau đó. Đa số họ là những sĩ quan, cố vấn và hạ sĩ quan của Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ tại VN. Trong tư thế điềm nhiên, những quân nhân Hoa Kỳ trông rất bình thản leo lên máy bay C-141 để về nước. Tuy vậy, cũng có một số người đã tuôn rơi dòng lệ xúc cảm. Vì thế, sau này khi Sài Gòn thất thủ sự chú ý của tôi đã hướng về sự kiện người VN di tản nhiều hơn sự di tản của những người Mỹ cuối cùng tại đây.

Vào ngày 29 đến ngày 30/4/1975, số người Hoa Kỳ dùng trực thăng rời khỏi Sài Gòn ước chừng khoảng 1000 người và phần lớn là nhân viên ngoại giao, chuyên viên kỹ thuật chỉ có một số ít là dân thường. Riêng những người có mang vũ khí đều là những tướng tá và binh sĩ có nhiệm vụ bảo vệ toà Đại Sứ, con số này chỉ vỏn vẹn có 10 mấy người mà thôi.

Ngược lại, trong cùng thời điểm này các trực thăng Hoa Kỳ đã thực hiện cuộc di tản cho gần 10.000 người VN, tức gấp 10 lần số người Mỹ vằ nếu tính luôn vài ngày trước đó thì Hoa Kỳ đã giúp đỡ việc di tản cho người VN gấp 10 mấy lần nhân số của họ. Nói khác hơn, Hoa Kỳ đã tận lực trong trách nhiệm cuối cùng của mình khi Sài Gòn hấp hối.

Xế trưa ngày 29/4/1975, từ văn phòng làm việc ở một cao ốc, tôi đã nhìn thấy từ xa những cảnh di tản hỗn loạn, ồn ào trên các đường phố Sài Gòn. Trên bầu trời vang dội những âm thanh gay gắt của loại trực thăng AH-1G Cobra và Cobra bay khắp nơi trong thành phố. Nhìn từ cửa sổ, tôi trông thấy quang cảnh chính diện trên sân thượng của Trung Tâm Văn Hóa Pháp có nhiều người VN cả nam lẫn nữ đang đứng xếp hàng nối đuôi nhau như một đàn kiến và từng người một leo lên chiếc thang của những trực thăng Hoa Kỳ bay đến rồi đáp xuống tại đây.
Nói chung là ở vào cục diện cuối cùng của cuộc chiến tranh VN, điều khẳng định xác thực là Hoa Kỳ không phải là một nhân vật chính mà đây chỉ là sự xung đột làm chuyển đổi lịch sử giữa một bên phòng thủ là miền Nam và một bên tấn công để xâm chiếm là phía Bắc Việt.

Kỳ 4: Hư cấu về MTGPMN

“Tại lãnh thổ miền Nam VN, thế lực chống lại chính quyền Sài Gòn và lực lượng quân đội Hoa Kỳ là thế lực nào? Những người đã dùng hình thức quân sự để tấn công quân đội và chính phủ miền Nam là ai?”. Đó là những câu hỏi trực tiếp liên quan đến bản chất của cuộc chiến tranh VN mà mỗi khi đặt vấn đề này, chúng ta cần phải nhận thức cho rõ ràng. Đối với một đặc phái viên của tờ báo Mainichi ở Sài Gòn lúc đó như tôi thì sau khi đặt chân đến đây, đó là những vấn đề trọng yếu hàng đầu mà tôi thường suy nghĩ để tìm hiểu.

Những người đấu tranh ở miền Nam tự xưng là MTGP và thế lực này đã chủ trương rằng chính phủ miền Nam vốn chỉ là một sản phẩm của thực dân Pháp trước đó và sau này trở thành chính quyền bù nhìn của chủ nghĩa đế quốc Mỹ để được nhận viện trợ, vì vậy họ đã tuyên bố chống lại chính phủ miền Nam trong mục đích đánh đuổi ngoại bang, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, giành lại độc lập quốc gia.
Vào năm 1960, thế lực này đã chính thức kết thành một tổ chức gọi là MTGPMN. Tổ chức này đưa ra chủ trương rằng những hoạt động của họ là đấu tranh vì tự do độc lập cho dân tộc, chứ không đặt dưới một chủ nghĩa hay ý thức hệ nào khác. So với phía Bắc Việt, họ là một tổ chức riêng biệt của những người dân thuần túy ở miền Nam. Đương thời, MTGPMN đã sử dụng các hình thức quân sự để chiến đấu với chính quyền ông Ngô Đình Diệm, mặt khác họ còn thực hiện không biết bao hành vi khủng bố để tạo áp lực khiến cho chính quyền lúc đó cũng có phản ứng lung lay dao động.

Tuy nhiên, ông Diệm với sự viện trợ của Hoa Kỳ từ trước đó, đã thành công trong việc củng cố thế lực và tăng cường sức mạnh quân đội nên chính quyền miền Nam tương đối tạo được nền tảng vững chắc.

Năm 1969, MTGP tuyên bố thành lập chính phủ CMLTMNVN để khuếch trương thế lực chính trị và tạo thế hiện hữu song hành cùng chính phủ VNCH. Đương nhiên, họ cũng vẫn tuyên bố là “không hề dính líu với phía Bắc Việt cũng như tại miền Nam không hề có sự hiện diện chiến đấu của quân lính cộng sản Bắc Việt”.
Những tuyên bố trên đây quả là điều hư cấu vĩ đại, hay nói khác đi đó là sự nguỵ tạo lịch sử to lớn do phía Bắc Việt dựng nên vì trong lịch sử hơn 30 năm của cuộc chiến VN từ đầu chí cuối đều là do quân đội Bắc Việt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản VN gây ra.

Đạo quân này đã giữ một vai trò chính yếu trong tất cả những cuộc tấn công về quân sự lẫn chính trị để chống lại miền Nam VN. Ngoài ra, lồng trong cuộc chiến đấu với mục đích vì độc lập tự do của dân tộc mà họ nêu ra, quân Bắc Việt còn được trang bị bằng những ý thức hệ của chủ nghĩa Mác- Lênin một cách cuồng tín nhằm thực hiện một cuộc cách mạng theo khuynh hướng chủ nghĩa cộng sản. Ngay chính đảng cộng sản VN sau khi chiếm được miền Nam cũng đã bộc lộ một cách trắng trợn đến mức làm cho mọi người phải kinh ngạc về cái gọi là  “cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”

của MTGPMN vốn thuần túy dân tộc không bị áp đặt dưới một ý thức hệ chính trị nào, khi cho thấy đây chỉ là tấm bình phong ngụy tạo bằng cách khai tử lập tức tổ chức MTGPMN.

Hội nghị "Hiệp thương thống nhất" 27-11-1975
Việc những người thực hiện cuộc đấu tranh cách mạng vì lòng tin của họ trên quan điểm chính nghĩa và họ tự đặt ra những điều hư cấu để tác động vào mặt tuyên truyền hầu đạt được mục đích chiến thắng tuy là một điều hết sức tự nhiên, nhưng đối với những người thứ ba đứng ngoài cuộc chiến, tức không có liên hệ gì lại đi thông tin và truyền đạt rộng rãi những điều tuyên truyền mang tích cách hư cấu này thì nó lại là một vấn đề khác.

Đó chính là trường hợp của đa số những người trí thức và giới báo chí truyền thông Nhật Bản. Tuy có nhiều người biết hoặc không biết về sự thật hay sự ngụy tạo của ý nghĩa cuộc chiến tranh VN nhưng dường như tất cả vẫn mặc nhiên chấp nhận và loan tải một cách không suy xét, tức là “nghe sao nói vậy” .

Bản thân tôi cũng xuất thân từ môi trường hiểu biết cũng như những nhãn quan chính trị của Nhật Bản rồi sau đó lại được có cơ hội sống tại VN nên việc tôi tương đối nhận thức được mức độ cách biệt giữa sự chân thật và ngụy tạo nơi cuộc chiến VN cũng không có gì là lạ lùng.

Và giờ đây nghĩ lại, quả thật là trong 3 năm rưỡi ở VN đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm về những lường gạt chính trị vĩ đại này qua việc từng chiếc mặt nạ trá hình lần lượt bị rơi xuống phơi bày những sự thật rõ ràng.


Đường mòn HCM

Đơn vị chính quy CSBV trên đường vào Nam


Võ Nguyên Giáp và các Tướng CSBV trên đường mòn HCM

Khi quyết định sống ở Sài Gòn, tôi đã cố gắng nhớ tiếng Việt và tiếp xúc với thật nhiều người bản xứ. Đầu tiên, tôi đã hiểu rằng việc người dân ở đây gọi thế lực chống lại chính quyền miền Nam bằng danh từ “cộng sản” vốn là điều thông thường. Và ai cũng biết rằng thế lực của cộng sản với phía Bắc Việt thật ra chỉ là một cho nên sự nhận thức này của họ được suy diễn rộng ra như vậy cũng là mang tính cách đương nhiên. Nhưng ở Sài Gòn cũng có người gọi lực lượng cộng sản là lực lượng cách mạng.

Tuy nhiên, trong giới truyền thông Nhật Bản lại thường sử dụng từ ngữ “lực lượng giải phóng” để ám chỉ những thành phần chống lại chính phủ miền Nam. Mặc dù tổ chức MTGPMN được gọi tắt là MTGP, nhưng ta không thể nào gán ghép từ ngữ “giải phóng” vào những danh xưng như “quân giải phóng”, “phe giải phóng”, “lực lượng giải phóng” để gọi tên các thế lực chống đối miền Nam một cách tùy tiện và chủ quan như vậy được.

Ngay cả giới truyền thông quốc tế như các hãng thông tấn AP, UPI, AFP v.v.., họ cũng chỉ dùng các từ như “quân Bắc Việt”, “phía cộng sản”, “việt cộng” hoặc “lực lượng cách mạng” mà thôi. Theo sự hiểu biết giới hạn của tôi, thì họ không bao giờ sử dụng các từ ngữ “quân giải phóng”, “phe giải phóng”, “lực lượng giải phóng” để nói về MTGP hoặc quân đội Bắc Việt cả.

Biểu tình phản đối chiến tranh VN tại Nhật, 27-4-1965
Do đó, danh xưng MTGP chỉ là một trường hợp đặc biệt, vì ý nghĩa của ngôn từ giải phóng đã mang theo một tác động tâm lý về mặt tuyên truyền rất hiệu quả là cởi mở sự trói buộc để trở thành tự do. Có nghĩa là tự thân của từ ngữ này đã vô hình chung mang một ý nghĩa rất chủ quan.

Trong một cuộc đấu tranh, nếu ta gọi một bên là phe giải phóng thì tất nhiên ta đã coi bên kia là phía trói buộc, đàn áp tự do và chẳng khác nào ta đã nhận định chủ quan để phân chia ra hai bên gồm một bên thiện và một bên ác, trong khi ta lại chưa rõ hư thực thế nào.

Và nếu như vậy thì ta đặt trường hợp ở bán đảo Triều Tiên xảy ra cuộc chiến do phía Bắc Hàn thực hiện việc Nam tiến để đánh lại quân đội Hoa Kỳ và Đại Hàn thì lúc đó giới truyền thông Nhật cũng gọi quân Bắc Hàn là “quân giải phóng” hay “lực lượng giải phóng” hay sao?

Vì từ trước đến nay, Bắc Hàn luôn đề xướng một cuộc giải phóng để đánh đổ chính quyền Đại Hàn và chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ. Rõ ràng là khi Bắc Hàn đưa ra chủ trương giải phóng như vậy, ta đã nhận thấy tính phi hiện thực nơi lập trường cực đoan của họ vì khách quan mà nhìn nhận thì Bắc Hàn mới chính là nơi cần được giải phóng.

Ngược lại, đứng trên lập trường dư luận quốc tế, Nhật Bản là một quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ lẫn Đại Hàn thì nếu trường hợp Đại Hàn bị bại dưới tay Bắc Hàn, liệu giới truyền thông có thấy được sự kỳ dị của “sự giải phóng” này không? Và lúc đó nên gọi là “sự kiện” gì đây?


Cải táng nạn nhân bị Việt Cộng thảm sát, Huế 1968

Tóm lại, những lực lượng đấu tranh tự xưng mình là lực lượng giải phóng, lực lượng cách mạng chỉ phản ảnh sự chủ quan về cách nhìn nơi cuộc chiến đấu mà họ cho là có chính nghĩa. Cũng như nếu nhìn ngược lại từ phe đối lập thì phe giải phóng hoặc phe cách mạng cũng chỉ là những thành phần phản loạn mà thôi. Cho nên khi người thứ ba đứng ngoài cuộc chiến gọi một bên là lực lượng giải phóng thì chỉ cho thấy một sự phán đoán không trung thực và thiên kiến.

Đặc biệt là trong thời gian chiến tranh tại VN tất cả báo chí toàn quốc Nhật Bản đều lấy tin tức liên quan từ hãng thông tấn Kyodo một cách thật cực đoan, mà hãng Kyodo cũng chỉ dịch lại những bài ký sự của những hãng thông tấn ngoại quốc như UPI, AP một cách sai lạc về từ ngữ, vì trong khi nguyên văn tiếng Anh là “quân Bắc Việt”, “quân cộng sản” thì ban dịch thuật của Kyodo lại chuyển dịch thành “quân giải phóng”, “lực lượng giải phóng” khiến dư luận Nhật Bản vốn đã mù mờ về cuộc chiến VN càng trở nên lệch lạc thêm nhiều hơn.

Nếu thực sự họ có ý đồ bẻ cong ngòi bút dịch thuật như vậy thì họ đã trở thành những nhà báo thiên kiến quá đáng, không làm tròn chức năng của người ký giả trong lĩnh vực truyền thông quốc tế.

Kỳ 5: Sự bắt đầu của màn chung kết
Ngày 10/3/1975, thị xã Ban Mê Thuột của tỉnh Đắc Lắc ở cao nguyên Trung phần miền Nam Việt Nam sau khi bị quân Bắc Việt đột kích và tấn công dữ dội đã thất thủ. Tính từ ngày này cho đến vỏn vẹn 50 ngày sau đó thì thủ đô Sài Gòn cũng chịu chung số phận như Ban Mê Thuột, đưa đến sự sụp đổ toàn diện của chính quyền miền Nam và mở đầu cho giai đoạn chấm dứt cuộc chiến Việt Nam kéo dài hơn 30 năm.

Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia nhận được viện trợ về kinh tế lẫn quân sự từ Hoa Kỳ một cách liên tục. Tuy một phần lãnh thổ bị quân Bắc Việt chiếm đóng, nhưng quốc gia này vẫn kiểm soát được khoảng 20 triệu dân và có khoảng 1 triệu quân nhân, đồng thời được sự công nhận của hơn 90 quốc gia trên thế giới lúc bấy giờ. Việt Nam Cộng Hòa đã hứng chịu sự de dọa và công kích của phía Bắc Việt trong suốt một thời gian dài để rồi cuối cùng sau một chiến dịch tấn công quân sự quy mô trong vòng 50 ngày của đối phương, quốc gia này đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Đây là một sự kiện hiếm có đối với nền lịch sử cận đại của thế giới.

Trong những giai đoạn chuyển biến quan trọng cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi đã có mặt ở Sài Gòn với nhiệm vụ thông tin. Thời gian 3 năm làm công tác phóng viên tại đây, đối với tôi là một chuỗi ngày dài với những bận rộn về viết lách, những lúc di động cấp tốc để bám sát chiến trường, những nỗi khủng hoảng lo sợ về tình hình chiến cuộc căng thẳng, những phẫn nộ về các mưu mô chính trị, những cảm xúc trước tình cảnh bị thương v.v..., tất cả đều là những sự kiện mà đối với sự suy nghĩ thông thường của một đặc phái viên, có nằm trong mơ tôi cũng không thể tưởng tượng được các diễn biến đột ngột và khích động này.

Từng đợt sóng cuồng ào ạt dâng lên trong tình thế dầu sôi lửa bỏng, có lúc tạm lắng yên và tưởng đâu nó sẽ trở lại bình thường nhưng chỉ trong khoảng khắc cường độ sôi động của chiến trường lại tăng lên gấp bội, đưa đến những cục diện phũ phàng. Cuộc chiến tranh Việt Nam là như vậy đó.

Thị xã Phước Bình, tỉnh Phước Long

Đối với miền Nam, trong ngày Tết Nguyên Đán năm 1975 đã xảy ra một điềm bất thường là việc thị trấn Phước Bình của tỉnh Phước Long cách Sài Gòn khoảng 130km về hướng Bắc đã bị quân Bắc Việt chiếm đoạt. Phước Bình vốn là một thị trấn nhỏ nằm trong vùng núi non hiểm trở. Kể từ khi hiệp định Ba Lê được ký kết, tại nơi đây không xảy ra một cuộc giao tranh quân sự nào cả. Vì thế, đây là một hành động vi phạm trắng trợn điều khoản cơ bản hiệp định Ba Lê của phía Bắc Việt, nhưng họ vẫn tiếp tục mở rộng địa bàn tấn công và sau đó đã làm chủ tình hình toàn bộ tỉnh Phước Long. Trâng tráo hơn nữa là phía Bắc Việt đã tuyên bố rằng vì quân đội miền Nam vi phạm hiệp định Ba Lê nên họ phải tấn công bằng quân sự như vậy. Nhưng về sự kiện này, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lại có hành động khó hiểu là không cho viện binh đến Phước Long để tiếp cứu.

Xét về mặt chiến lược, Phước Long là một cứ địa nằm dọc theo biên giới Campuchia, có dân số ít ỏi lại thiếu tài nguyên, đồng thời nó cũng nằm sát ngay khu vực của đường mòn HCM nên khá bất lợi trong việc đưa quân đến đây để phản kích lại quân Bắc Việt. Nhưng điều quan trọng hơn là có lẽ ông Thiệu đã muốn chứng minh cho Hoa Kỳ thấy rằng Bắc Việt đang ngang nhiên vi phạm hiệp định Ba Lê và uy hiếp miền Nam, như vậy, Hoa Kỳ sẽ không thể ngưng viện trợ được. Đây chính là một sách lược của ông Thiệu.

TT Nguyễn văn Thiệu và TT Richard Nixon @ nixonlibrary.gov
Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ đã không có một phản ứng gì về việc này, hay nói đúng hơn là ngoài việc lên tiếng chỉ trích, phê phán Bắc Việt vi phạm hiệp định Hoa Kỳ đã không có một hành động can thiệp nào và Quốc Hội Mỹ vẫn tiếp tục chương trình cắt giảm ngân sách viện trợ cho miền Nam. Bởi vì lúc đó, Tổng Thống Nixon, người từng tuyên bố: “Hoa Kỳ sẽ không ngồi yên nhìn Bắc Việt vi phạm hiệp định ngưng bắn”, đã phải từ chức sau vụ tai tiếng “Watergate” và dư luận dân chúng Hoa Kỳ cũng đang tạo áp lực mạnh mẽ lên Quốc Hội về việc yêu cầu chính phủ chấm dứt những hành động can thiệp vào Việt Nam.


Đối với những nhân vật đầu não của Bắc Việt thì thái độ của Hoa Kỳ lúc này chính là một yếu tố quyết định trong kế hoạch tấn công quy mô cuối cùng để chiếm lấy miền Nam và nó cũng mang ý nghĩa chiến lược có tầm vóc lịch sử. Theo hồi ký của Văn Tiến Dũng, thời điểm này Bắc Việt đã hoàn tất một kế hoạch tổng tấn công quy mô sau khi phán đoán về phương tiện chiến đấu giảm sút của quân đội Việt Nam Cộng Hòa vì bị Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ. Tuy vậy, phản ứng của Hoa Kỳ vẫn còn là chìa khoá quyết định thành bại của kế hoạch tổng tấn công cho nên theo nhận định này thì nếu Hoa Kỳ tiếp tục ứng viện cho miền Nam bằng những cuộc oanh tạc miền Bắc thì quân cộng sản Bắc Việt sẽ có khó cơ hội chiến thắng. Đây quả là một chiến lược khôn khéo tránh đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ của phía Bắc Việt và cũng vì vậy mà họ đã tung quân đánh chiếm Phước Long để dò thử phản ứng của Hoa Kỳ.

Thế nhưng, sau khi chiếm được Phước Long một cách dễ dàng thì Bắc Việt đã đi đến quyết định là cho dù Hoa Kỳ có phản ứng ra sao đi nữa thì họ vẫn không lùi bước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cuộc chiến, Bắc Việt đã có một quyết định dứt khoát tấn công triệt để.

Võ Nguyên Giáp, Hà Nội 1-1975

Trước đó, vào ngày 8/1/1975, bộ chính trị trung ương đảng lao động Việt Nam, tức đảng cộng sản VN đã dự định trong kế hoạch tấn công nói trên rằng: “Sẽ bắt đầu tổng công kích miền Nam vào mùa Xuân năm 1975 và trong vòng hai năm, tức đến giữa năm 1976 sẽ giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Tóm lại, cuộc tấn công Ban Mê Thuột vào tháng 3/1975 đã chính thức mở màn cho chiến dịch tổng tấn công này.

Để thực hiện cuộc tổng tấn công, Văn Tiến Dũng đã bí mật rời khỏi Hà Nội vào tháng 2/1975 vào Nam bằng những con đường mòn bí mật mới được thiết lập tại phía Đông dãy Trường Sơn. Tại đây, Văn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ huy những cuộc tấn công bất ngờ vào Ban Mê Thuột và lúc đó ở chung quanh tỉnh Pleiku, một trong các cứ địa hiểm yếu của miền Trung cũng đã bị bao vây chặt chẽ bởi đại quân của Bắc Việt với mục địch ngụy trang cho một cuộc tấn công chính thức vào đây hầu phân tán sự phòng thủ của quân đội VNCH tại Ban Mê Thuột. Tuy nhiên, trên thực tế đã có tới 3 sư đoàn quân Bắc Việt đã hiện diện sẵn để chuẩn bị cho những cuộc tấn công bất ngờ vào Ban Mê Thuột. Trong khi đó, thành phần chủ lực của VNCH là sư đoàn 23 được điều động về Pleiku để tiếp ứng tạo thành một lực lượng phòng thủ hùng hậu duy nhất tại đây.

Điều này cho thấy sự thay đổi mục tiêu tấn công trong lúc có đầy đủ binh lực với thế áp đảo đối phương của Bắc Việt, lần đầu tiên đã trở thành một điều căn bản trong chiến lược của họ. Cùng thời điểm này, tại quân khu 2 bao gồm toàn thể miền Trung, quân VNCH đang hiện diện với quân số tương đương với 2 sư đoàn nhưng Bắc Việt cũng đã phối trí tại đây tới 5 sư đoàn. Với tương quan lực lượng về quân số như vậy, dĩ nhiên là những trận tập kích sau đó vào Pleiku của quân Bắc Việt được coi như sẽ dễ dàng tạo áp lực nặng nề cho quân đội VNCH. Hơn nữa, Pleiku lại là một cứ điểm quan trọng của Bộ Tư Lệnh Quân Khu 2 VNCH nên ai cũng nghĩ rằng quân đội miền Nam sẽ tử thủ để bảo vệ cứ địa này.

Trong tình thế khẩn cấp như vậy, vào buổi sáng ngày 16/3/1975 khi tôi đang có mặt ở Sài Gòn thì phóng viên kỳ cựu Nguyễn Gia Thôi của đài phát thanh chính phủ miền Nam hớt hãi báo tin cho tôi biết rằng: “Ông ơi, tại Pleiku hình như đã xảy ra chuyện gì rồi, vì đột nhiên những tin tức truyền từ đó về đây đã hoàn toàn bị cắt đứt. Nhưng quân cộng sản vẫn chưa tấn công vào Pleiku kia mà? Thật là khó hiểu quá” . Đối với tôi thì đây là một nguồn tin có tính cách liên quan đến biến chuyển lịch sử bại trận hoàn toàn của quân đội miền Nam.

Thì ra, ông Thiệu bỗng nhiên ra lệnh bỏ Pleiku và triệt thoái cao nguyên, rút hết toàn bộ quân đội đang phòng thủ ở miền Trung về Nam. Ông Thiệu đã nhận định là vì Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ nên quân đội miền Nam đã không đủ vũ khí đạn dược để chiến đấu cùng quân số hùng hậu của quân BV. Sau khi rút quân từ miền Trung, quân đội VNCH sẽ tập trung để tạo thành tuyến phòng thủ bao bọc các nơi đông dân cư ở ven biển và thủ đô Sài Gòn trong một chiến thuật triệt để tử thủ phần đất miền Nam còn lại.

Thế nhưng, chiến thuật này đã hoàn toàn thất bại vì đội quân triệt thoái của miền Nam đã tựa như những mảnh băng sơn tan rả và bị chôn vùi dưới cơn hồng thủy lánh nạn của người dân miền Trung lúc đó thật ào ạt và mãnh liệt.

Nói khác đi là quân đội VNCH đã mất đi thế lực chiến đấu. Sự kiện này đối với Văn Tiến Dũng chẳng khác nào một cơ hội bằng vàng vì “bất chiến tự nhiên thành” và theo kế hoạch về một tình thế khống chế toàn bộ miền Trung sẽ bắt đầu từ năm 1976 nay lại hoàn thành sớm hơn dự định. Vì vậy, Văn Tiến Dũng đã ra lệnh cho toàn quân Bắc Việt truy kích ráo riết các tuyến đường tháo lui của quân đội miền Nam.

Vào lúc này, Hà Nội đã dốc hết toàn lực để sớm đánh chiếm Sài Gòn bằng cách đưa thêm quân số của quân đoàn 2 cùng dân quân tự vệ vượt qua vĩ tuyến17 để đột nhập Quảng Trị và Huế, đồng thời còn tận dụng cả lực lượng dân quân trừ bị khiến cho số lượng nhân viên trong bộ máy hành chính và sản xuất đã giảm xuống còn 1/3. Nói chung là Hà Nội đã rót hết lực lượng chiến đấu vào miền Nam với tổng cộng 20 sư đoàn dân quân lúc đó đang trên đường Nam tiến.
Kết quả là phía miền Nam đã từ từ mất Huế, Đà Nẵng và các khu vực chung quanh Sài Gòn cũng lần lượt bị rơi vào vòng kiểm soát của quân Bắc Việt.

Trong quá trình này đã có tới mấy triệu người dân miền Nam phải bỏ chạy lánh nạn cũng như có biết bao thảm cảnh bi thương thống khổ đã xảy ra khắp nơi tại miền Nam Việt Nam.

Kỳ 6: Những cảm nhận sâu sắc về sự tàn ác của chủ nghĩa cộng sản

Ông Trần Văn Đỗ, circa 1990
“Lẽ ra hai miền Nam Bắc Việt Nam đã được tiếp tục chung sống một cách lâu dài theo tinh thần của hiệp định đình chiến Genève, nhưng vì phía Bắc Việt đã chủ trương dùng quân sự thôn tính miền Nam nên đã bắt đầu cho một cuộc chiến kéo dài cho đến ngày hôm nay”. (Cựu Ngoại trưởng VNCH Trần Văn Đỗ)

Người đã từng 3 lần giữ chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao của miền Nam là ông Trần Văn Đỗ, một nhân vật mà thỉnh thoảng gợi lên nơi tôi sự tưởng tượng về hình ảnh của loài chim hạc trắng vì dáng người ông cao ốm, mảnh mai nhưng cử động nhanh nhẹn, cộng thêm mái tóc bạc mềm mại và khuôn mặt trắng, thon dài. Tóm lại, tất cả những biểu hiện bên ngoài nơi ông đã khiến cho tôi có cảm giác như vậy.

Cho đến thời điểm cận ngày Sài Gòn thất thủ, tôi vẫn thường ghé thăm ông và được nghe ông nói chuyện về tình hình chính trị cũng như về mặt ngoại giao của VNCH. Nhà ông ở một căn apartment không lớn lắm nằm trên đại lộ Hồng Thập Tự gần ngay Dinh Độc Lập. Những lúc gặp gỡ như vậy, ông thường nói chuyện rất dài và lúc nào cũng tiếp đãi khách bằng những ly trà nóng thơm mùi hoa lài. Và nếu càng nghe ông phân tích về những biến chuyển tình thế của từng giai đoạn, ta sẽ càng cảm nhận sâu sắc thêm về ý nghĩa của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ông Đỗ sinh năm 1931 tại miền Bắc Việt Nam. Ông đã tốt nghiệp đại học Y khoa tại Paris nên được coi là một trong những nhân tài ưu tú của VN dưới thời Pháp thuộc. Sau đó, ông đã phục vụ cho Pháp lẫn Việt Nam qua cương vị bác sĩ và cho đến năm 1951 khi vua Bảo Đại trở thành nguyên thủ quốc gia thì ông được tuyển nhiệm làm chức vụ Giám Đốc Quân Y. Vào năm 1954, ông Đỗ là người đại diện cho chính phủ miền Nam VN tại hội nghị Genève, đồng thời kiêm luôn chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao cho đến năm sau đó, tức năm 1955 khi chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm được thành lập.

Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ 1967
Sau khi chính quyền ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ qua cuộc đảo chính năm 1963 thì đến năm 1965, ông Đỗ trở thành Phó Thủ Tướng trong nội các của Thủ Tướng Phan Huy Quát. Từ đó cho đến năm 1967, mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng ông cũng đã giữ chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao lần thứ hai. Với quá trình thay đổi chức vụ của ông Đỗ liên tục như vậy, cũng phần nào cho thấy sự phức tạp của dòng lịch sử cận đại Việt Nam.

BS Trần Văn Đỗ và Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu TTK/UBLĐQG 1967
Lúc tôi quen biết được ông thì ông cũng đã khoảng 70 tuổi và mỗi khi tôi ngỏ ý được tiếp kiến thì ông đều vui vẻ, sảng khoái nhận lời. Qua những lần gặp gỡ đó, ông Đỗ tuy vốn có trình độ Anh ngữ cao, nhưng ông đã sử dụng lối giải thích thật dễ hiểu để phân tích cho tôi nghe về tình hình và lịch sử VN cũng như những vấn đề liên quan đến cục diện quốc tế. Có lần ông đề cập đến việc quân đội Nhật xâm chiếm bán đảo Đông Dương trong thời Pháp thuộc như sau: “Quân đội Nhật khi đến VN thì kể cả sĩ quan và binh linh đều có một tinh thần kỷ luật cao độ và uy thế của họ đã áp đảo hẳn quân đội Pháp thời bấy giờ. Tôi rất ngưỡng mộ tinh thần tôn trọng kỷ luật của họ”.

Đối với tôi, những điều đã được học hỏi từ trước đến nay về hành động xâm chiếm Đông Nam Á của quân đội Nhật được coi như là một chuyện không đúng nên nhận xét của ông Đỗ đã khiến tôi thật bất ngờ. Có lẽ là một người đã từng trải và có nhiều kinh nghiệm về lịch sử nên ông tỏ ra có lập trường dứt khoát nơi sự thiện cảm đối với tinh thần kỷ luật quân đội Nhật.

Rồi kế đến, những nhận xét của ông về hội nghị Génève lại càng súc tích và sâu sắc hơn. Ông nói rằng với cương vị đại diện cho phái đoàn miền Nam Việt Nam lúc đó, ông đã không có một sự nhượng bộ nào để làm mất danh dự cho quốc gia mình và hội nghị Genève 1954 nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp tại Việt Nam trong một tình thế hỗn loạn khi quân đội Pháp đang chiến đấu chống lực lượng Việt Minh do HCM lãnh đạo khởi đầu cho giai đoạn 1 của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Hội nghị Geneve 1954
Trong hội nghị này đã có sự tham dự của đại diện các nước như Ngoại Trưởng Bidault của Pháp, Ngoại Trưởng Eden của Anh, Ngoại Trưởng Motolov của Liên Xô, Ngoại Trưởng Dulles của Hoa Kỳ. Phía Trung Quốc và Bắc Việt cũng cử hai đại diện là Thủ Tướng Chu Ân Lai và Thủ Tướng Phạm Văn Đồng.
Đại diện 4 nước CS tại hội nghị Geneve 1954
Nam Il (Bắc Hàn) Molotove (liên Sô) Chu Ân Lai
(Trung Cộng) P V Đồng (CSVN)
Tại hội nghị Genève đã ký kết một bản hiệp định đình chiến giữa các phe tham chiến ở Việt Nam và đưa ra một bản tuyên ngôn cuối cùng quy định về việc tạm thời chia cắt Việt Nam ra làm hai miền và hai năm sau đó sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử để thống nhất quốc gia. Nhưng trên phương diện áp buộc của luật pháp quốc tế thì chỉ có việc đình chiến là được thực hiện còn bản tuyên ngôn cuối cùng nói trên thì không một đại diện nước nào chịu ký kết vào đó cả. Hơn nữa, phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa cũng biểu quyết phản đối bản tuyên ngôn này, và vì vậy ông Đỗ đã nhấn mạnh rằng: “Lẽ ra hai miền Nam Bắc Việt Nam đã được tiếp tục chung sống một cách lâu dài theo tinh thần của hiệp định đình chiến Génève, nhưng vì phía Bắc Việt đã chủ trương dùng quân sự thôn tính miền Nam nên đã bắt đầu cho một cuộc chiến kéo dài cho đến ngày hôm nay”.

Ông cũng cho rằng qua hiệp định Ba Lê được ký kết năm 1973, trên thực tế Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa coi như đã đầu hàng quân Bắc Việt: “Hiệp định Génève đã thành công hơn hiệp định Ba Lê rất nhiều vì nó quy định được việc rút quân của phía Bắc Việt và người dân hai miền Nam Bắc đều được tự do chọn lựa nơi sinh sống của mình. Còn thì hiệp định Ba Lê chỉ đề cập đến việc quân đồng minh triệt thoái khỏi lãnh thổ Việt Nam và chấp nhận sự hiện diện của quân xâm lăng Bắc Việt tại miền Nam Việt Nam. Trong khi Hoa Kỳ với 500.000 binh sĩ mà không diệt được quân Bắc Việt, còn chúng tôi với lực lượng đơn độc làm sao có thể thắng được kẻ địch. Tóm lại, với nỗ lực ngoại giao của ông Kissinger vị cố vấn tối cao của một cường quốc hạng nhất thế giới là Hoa Kỳ trong ba năm qua là sự lãng phí vô ích và rốt cuộc chỉ nhận được kết quả là sự đầu hàng mà thôi”.

Ngoại trưởng Mỹ Kissinger và Lê Đức Thọ, bên lề hội nghị Paris 1973
Ông Đỗ đã vạch cho ra cho tôi biết về bản chất thật sự của cuộc chiến tranh Việt Nam, đó là một cuộc chiến được kết hợp bởi sự chiến đấu giành lại độc lập dân tộc với một cuộc cách mạng mang đặc tính chủ nghĩa cộng sản cũng chủ trương giành lại độc lập, nhưng chủ nghĩa cộng sản có thật sự tốt hay không hoặc chủ nghĩa cộng sản có đại diện cho chính nghĩa hay không thì đó còn là một nghi vấn. Hơn nữa, để lật đổ chế độ thực dân tại sao lại chỉ áp dụng phương pháp cách mạng đặc tính của chủ nghĩa cộng sản.

Ông Đỗ còn giải thích rõ cho tôi nghe về lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau khi bị đặt dưới ách thống trị của thực dân Pháp kể từ những năm đầu thập niên 1880, tinh thần đấu tranh vì độc lập của người Việt Nam ngày càng dâng cao mãnh liệt. Đương thời, những tổ chức kháng chiến chống Pháp có hệ thống chặt chẽ là Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Quang Phục Hội, đảng Đại Việt v.v... Vì những tổ chức này không tiêm nhiểm tư tưởng cộng sản nên được gọi là những lực lượng chủ nghĩa dân tộc. Trong khi chủ thuyết Mác Lênin do HCM đề xướng tại Việt Nam, lúc đó đang có những liên hệ mật thiết với khối cộng sản quốc tế. Còn những lực lượng chủ nghĩa dân tộc đối với phe theo chủ thuyết Mác Lênin thì có hai lập trường một là không màng đến, hai là coi như kẻ địch. Và ông Trần Văn Đỗ là một trong những nhân vật tiếp nối hệ phổ của những người đã từng có kinh nghiệm đấu tranh thuộc đảng Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng đương thời đang ở Sài Gòn như ông Trần Văn Tuyên Dân Biểu Hạ Viện Quốc Hội, ông Đặng Văn Sung Thượng Nghị Sĩ Quốc Hội, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, v.v...

Sau khi quân Nhật đầu hàng vào năm 1946, các thế lực kháng chiến Việt Nam đã kết hợp lại để thành lập chính phủ liên hiệp kháng chiến và một cán bộ của Việt Nam Quốc Dân Đảng là ông Trần Văn Tuyên đã cho biết về kinh nghiệm liên hiệp với phe HCM như sau: “Trong chính phủ liên hiệp, đảng cộng sản Việt Nam đã dùng tất cả những thủ đoạn để loại trừ các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc”.


HCM và chính phủ Liên hiệp kháng chiến 1945
Âm mưu của đảng cộng sản Việt Nam là, đầu tiên, để chống lại kẻ thù chung thực dân Pháp họ đã kêu gọi sự tập hợp của những lực lượng kháng chiến theo chủ nghĩa dân tộc hầu lợi dụng những thành phần này để bành trước thế lực, sau đó phe cộng sản lại giết hại bất cứ những ai không đi theo chủ nghĩa cộng sản như họ, để độc quyền thao túng vũ đài chính trị tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Huy và ông Đặng Văn Sung cũng đã đưa ra nhiều bằng chứng xác thực về trường hợp những nhà cách mạng dân tộc không theo chủ nghĩa cộng sản thời đó đã bị phe Việt Minh, tức cộng sản dùng các thủ đoạn tinh vi để lường gạt hoặc sát hại. Tóm lại, đối với những thế lực chính trị không đồng thuận cùng tử tưởng với chủ nghĩa cộng sản thì họ đã cảm nhận đến xương cốt và hiểu biết một cách sâu sắc về bản chất tàn ác của chủ nghĩa cộng sản.

Vào thời điểm cuối cùng tháng 4/1975 trong tình thế nguy ngập, ông Đỗ đã rời khỏi Sài Gòn đi tỵ nạn ở ngoại quốc và cho đến những giây phút cuối ông vẫn lên tiếng chỉ trích, phê phán hành động phản bội đồng minh của phía Hoa Kỳ.

Từ lúc Sài Gòn thất thủ cho đến 15 năm sau đó, tôi vẫn tiếp tục liên lạc với ông Đỗ đã định cư tại Pháp và sống chung với người con trai là bác sĩ có phòng mạch tại Paris. Cứ khoảng hai năm một lần tôi đều đến viếng thăm ông. Nhà ông ở trong một chung cư gần đại lộ Victor Hugo và vẫn như lúc còn ở Sài Gòn ông luôn tiếp đãi tôi bằng những ly trà thơm dịu mùi hoa lài cùng với lối ăn mặc chỉnh tề. Ông phân tích cho tôi nghe chuyện chiến tranh Việt Nam. Mặc dù đã là quá khứ nhưng tôi cứ tưởng như những chuyện đang xảy ra trước mắt mình.

Vào mùa Thu năm 1990, thật là hiếm hoi khi tôi nhận được thư ông nhắn rằng: “Xin mời anh đến để chúng ta cùng nói chuyện” . Và tôi lập tức bay sang Pháp thăm ông. Thời điểm này, Việt Nam đang sa lầy vào cuộc chiến Campuchia và tình hình quốc nội đang gặp phải nhiều khó khăn cùng cực. Qua cuộc gặp gỡ này, ông Đỗ có vẻ như già yếu hẳn đi, ông nói: “Việt Nam hiện nay tựa như một căn nhà đang chìm đắm tai ương hoạn nạn” . Cuộc gặp ông lần đó đã để lại trong tôi một tình cảm lạ kỳ, thật khó tả.

Một tháng sau, tôi nhận được tin ông Đỗ đã qua đời.
***
(Ghi chú của HVR: Thân phụ ông Trần Văn Đỗ là cụ Trần Văn Thông, từng làm Tổng đốc Nam Định 17 năm. Cậu ruột ông là cụ Bùi Quang Chiêu, người sáng lập Đảng Lập Hiến Đông Dương. Ông là em ruột luật sư Trần Văn Chương, nguyên Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ thời đệ nhất Cộng Hòa, bà Trần Lệ Xuân vợ Cố vấn Ngô Đình Nhu gọi ông là chú).

©Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR