Nguyễn Quý Đại
Thành phố Genève/ Genf Thụy Sĩ thơ mộng, nghiêng bóng bên những hồ nước xanh biếc, mỗi lần ghé Công trường Place des Nation Genève gợi tôi nhớ dư âm ngày đau thương của lịch sử Việt Nam, Ngoại trưởng các cường quốc hội nghị ở trụ sở Liên Hiệp Quốc, giải quyết vấn đề Việt Nam đưa đến Hiệp định Genève ký kết ngày 20.7.1954, Việt Nam bị chia đôi đất nước. Nguyên nhân nào Việt Nam bị chia đôi? rồi kéo dài cuộc nội chiến 20 năm, bom đạn ngoại bang tàn phá quê hương? hơn 3 triệu người đã hy sinh trong cuộc chiến cho đến ngày cuối cùng 30.4.1975. Chúng ta lại một lần bỏ nước ra đi làm người viễn xứ! thời gian trôi mãi không ngừng và bất tận, đời người chỉ có giới hạn, chúng ta tìm về những điểm chính lịch sử, không phải gây lại lòng hận thù mà là bài học kinh nghiệm hữu ích cho con cháu mai sau.
Những người trách nhiệm với lịch sử đã an giấc ngàn thu, công và tội chỉ còn lại trên những trang sử cho hậu thế, cái khó người viết sử không tránh khỏi thế lực bên ngoài, bị kiểm duyệt, dưới chế độ CS luôn đề cao chủ thuyết, đánh bóng một nhân vật..nhưng sự thật sai lầm nghiêm trọng, những cuộc thanh trừng đẩm máu trong nội bộ, giết lầm hơn bỏ sót ít được nhắc đến? Trường hợp Hồng quân Nga giết hàng chục ngàn sĩ quan Ba Lan ở rừng Katyn, các tài liệu sử thời Ba Lan thân Liên Xô đổ tội cho quân đội Đức Quốc Xã, hơn 20 năm qua mới đưa ra bằng chứng ai đã giết? Hiện nay ở hải ngoại có đầy đủ tài liệu phong phú, gần 100 tác phẩm viết về cuộc chiến Việt Nam, để chúng ta có thể nhìn lại sự thật lịch sử và những đau thương của dân tộc Việt Nam.
Những cơn gió bụi
Diễn tiến lịch sử ngày 19.6.1940 Nhật Bản buộc Pháp mở cửa Đông Dương cho quân đội Nhật vào Việt Nam. Nhật lập khối Đại Đông Á ngày 1.8.1940, đòi hỏi Pháp cung cấp thực phẩm cho quân đội của họ, Quân Nhật vào Việt Nam trên tay chỉ có vũ khí không cần lương thực, ăn hết lúa gạo Việt Nam? Pháp vì quyền lợi buộc dân VN giảm diện tích trồng lúa, và trồng những cây kỷ nghệ để phục vụ chiến tranh! thu mua ngũ cốc đầy kho, nạn nhân là người Việt Nam chịu nhiều đau thương, khốn khổ, năm 1944-1945 Ất Dậu, gần 2 triệu người bị chết đói !
Âu Châu quân Đồng Minh đổ bộ ngày 06.6.1944 thành công ở bải biển Normandie, đến ngày 23.8.1944 quân Đồng minh giải phóng Paris. Tướng Charles de Gaulle lập chính phủ, Đồng Minh chiến thắng trên các mặt trận. Ý bại trận Mussolini bị giết, ngày 30.4.1945 Hitler tự từ, người kế vị là Karl Doenitz đầu hàng vô điều kiện ngày 09.5.1945. Chiến tranh để lại đau thương, nghèo đói và đổ nát. Nước Đức bị chia đôi 2 miền Đông và Tây, gây nên chiến tranh lạnh tại Âu Châu. Tình hình không thuận lợi cho quân Nhật ở Đông Dương nên ngày 09.3.1945 Nhật đảo chánh Pháp thành công chớp nhoáng. Đại sứ Nhật Yokoyama yết kiến vua Bảo Đại tại điện Thái Hòa, tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam. từ đó Nhà giáo Trần Trọng Kim ở Singapore, Thái Lan được mời về thành lập chính phủ ngày 09.3.1945, nhưng Nhật không hơn gì bọn thực dân Pháp với tham vọng làm anh cả da vàng, chính phủ Trần Trọng Kim lệ thuộc vào chính sách Đại Đông Á của Nhật.
Ngày 26.7.1945 các nước Đồng Minh gởi tối hậu thơ Postdame buộc Nhật đầu hàng nhưng Nhật còn ngoan cố. Ngày 06.8.1945 lúc 8 giờ sáng chuyến bay B-29 cất cánh từ TINIAN một đảo nhỏ thuộc Marianas ném trái bom «litte Boy» xuống Hiroshima nhiệt độ từ 5400-7500 độ F lửa bốc cao 1900 feet sát hại hơn 100 ngàn người; và ngày 09/8 ném «Fat man» xuống Nagasaki giết chết 74 ngàn người. Ngày 15.8.1945 Nhật Hoàng Hiro Hito đầu hàng vô điều kiện trên chiến hạn Missouri của Hoa Kỳ chấm đứt đệ nhị thế chiến. Tại Postdam Berlin đại diện các nước: Hoa Kỳ là Harry Truman, Anh Quốc Winston Churchill sau thay thế Clement Attlee; Liên Sô là Stalin. Giải quyết vấn đề Đông Dương quân đội Anh Quốc và Trung Hoa đến Việt Nam giải giới quân đội Nhật Bản, được phân chia trách nhiệm phiá Nam vĩ tuyến 16 quân đội Anh; bắc vĩ tuyến 16 quân đội Trung Hoa.
Khúc quanh Lịch Sử
Ngày 17.8.1945 hàng ngàn công chức trên đường Paul Bert đến Hàng Trống biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, cán bộ Việt Minh chen vào cuộc biểu tình phất cờ đỏ sao vàng hoan hô VM! xách động phong trào và cướp chánh quyền, các Ủy Ban Nhân Dân ra đời. Việt Minh cướp chính quyền mùa thu năm 1945, Bảo Đại đời vua thứ 13 cuối cùng của triều Nguyễn thoái vị ngày 30.8.1945 tại cửa Ngọ Môn, làm công dân Vĩnh Thụy. Hồ Chí Minh thành lập Chính Phủ Lâm Thời ở Hà Nội ngày 2.9.1945. Thanh niên hăng say tranh đấu dành độc lập và chủ quyền vì thất vọng với chủ trương của Nhật và nội các Trần Trọng Kim không gây được uy tín. Người ta không để ý đến chủ thuyết cộng sản Stalinism, Maoisn, Marx-Lenin là gì trước cao trào dành độc lập
Tối hậu thư Postdam muốn "chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình tại Đông Dương", không đề cập rõ nội dung ai sẽ cai trị Đông Dương sau khi quân đội Nhật rút về nước? ngày 16.9.1945 phái bộ quân sự Anh Quốc do tướng Douglas Gracey đến Sài Gòn quân Pháp đi theo, quân Anh ngầm hỗ trợ quân Pháp chiếm lại Sài Gòn và các tỉnh miền Tây, và dần dần tiến ra Bắc. Gần 200 ngàn quân Trung Hoa (Quốc Dân Đảng) đến Hà Nội có các lãnh tụ lưu vong của VNQDĐ, và Việt Cách theo về nước. Phía Việt Minh gặp trở ngại trước sự hiện diện của các đảng phái cách mạng theo khuynh hướng Quốc Gia. Chủ tịch HCM tuyên bố giải tán đảng CS Ðông Dương ngày 11.11.1945 nhưng tiếp tục hoạt động ngầm, (sau nầy đổi thành đảng Lao Động cuối cùng là đảng CSVN)
Tổ chức tổng tuyển cử ngày 06.01.1946 thành lập chính phủ Liên Hiệp ngày 02.03.1946 phe đối lập có 70 ghế, bề ngoài tạm thời hoà hoãn với các đảng khác nhưng trong thực tế, họ đã dùng nhiều thủ đoạn thanh trừng nếu không theo chủ trương của đảng CS. từ ngày 28.10.1946 Hồ Chí Minh cải tổ chính phủ ngày 13.11.1946 với thành phần đa số là người của VM. Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Trường Tam phải bỏ qua Trung Hoa..
(Bài học lịch sử khó quên khi làm việc chung với CS. Nếu một ngày nó đó Việt nam thay đổi như các nước Đông Âu 20 năm về trước, Việt Nam phải theo chế độ Dân Chủ, Đa Nguyên, những người yêu nước đủ khả năng tham gia chính quyền, các cuộc bầu cử phải nhờ Ủy Ban Giám Sát Quốc Tế. Bởi vì tiến trình Dân chủ khởi đầu chưa vững mạnh, tránh sự gian lận, lật lọng và thủ đoạn thanh toán của đảng CSVN từ trước đến nay họ thường áp dụng. Chính họ ký Hiệp định Paris chưa ráo mực, đã đem quân chiếm miền Nam.)
Pháp và Trung Hoa ký hiệp ước ngày 28.2.1946 Trung Hoa rút quân vào tháng 6.1946, quân Pháp thay thế ở Bắc Kỳ, trong đó có sự thỏa thuận Pháp trả lại cho Trung Hoa các tô giới Pháp ở Thượng Hải, Hán Khẩu, Quảng Đông, Quảng Châu Loan, bán cho Trung Hoa thiết lộ Vân Nam. Trong thời gian quân đội Trung Hoa đến Việt Nam thừa hưởng khá nhiều quyền lợi, các tướng Lư Hán và Tiêu Văn được chính phủ Hồ Chí Minh hối lộ vàng để củng cố thế lực, bài thơ quyên vàng bạc, nữ trang đăng trên báo Cứu quốc:
Đeo hoa chỉ tổ nặng tai
Đeo kiềng nặng cổ hỡi ai có vàng
Làm dân một nước vẻ vang,
Đem vàng giúp nước giàu sang nào tày .....
Toàn dân Việt Nam muốn độc lập tự do, sau thế chiến 2 là thời giải thực, thời tàn của chế độ thực dân, các quốc gia bị thuộc điạ đều muốn đuổi thực dân ra khỏi bờ cõi. Sau thế chiến thứ nhất năm 1935 Mahatma Gandhi tranh đấu bất bạo động đòi Anh quốc trả lại chủ quyền. Thủ tướng Anh Attlee trả chủ quyền cho Ấn Độ từ năm 1947 đến năm 1950 thì hoàn toàn Độc Lập, Miến Điện 1948, Indonesia được Hòa Lan trao trả độc lập 17.8.1945.
Nhưng tiếc thay nước Việt Nam không may mắn như các Quốc gia trên, thực dân Pháp còn giữ chính sách thuộc điạ ở Đông Dương tái chiếm Việt Nam, Việt Minh ký hiệp định sơ bộ với Pháp ngày 06.03.1946 hợp thức hoá sự hiện diện của quân đội Pháp trở lại Việt Nam! với mục đích củng cố hàng ngũ, tiêu diệt các thành phần Quốc gia, Quân đội Trung Hoa rút về nước các đảng phái chính trị hết chỗ dựa bị Việt minh tiêu diệt phải chạy sang Trung Hoa. Hội nghị Fontainebleau Hồ Chí Minh từng gặp riêng Bộ trưởng Bộ thuộc điạ ông Marius Moutet, nhưng không đem lại giải pháp nào cho vấn đề Việt Nam! trên thực tế Hội nghị Fontainebleu và Thoả ước đã ký kết âm thầm vào nửa đêm 14.9.1946 một thất bại ngoại giao cho Việt Nam.
Đệ Nhị Thế Chiến
Việt Minh và Pháp thường đụng độ bằng vũ lực tranh chấp, VM kêu gọi toàn quân dân Việt Nam cùng đánh đuổi thực dân ra khỏi bờ cõi. Từ đó Dân tộc Việt nam phải trải qua giai đoạn (1946-1954) khó khăn. Bộ đội VM rút khỏi Hà Nội ngày 29.11, chiến tranh chống Pháp bùng nổ ngày 19.12.1946, VM chủ trương tiêu thổ kháng chiến, nhiều nơi VM đốt phá Ðình-Chùa, nhà cửa ... ở kinh thành Huế nửa đêm 19.12.1946 cán bộ VM ra lệnh đốt một phần lớn cung điện trong hoàng thành! chiến tranh chống Pháp trong 9 năm dài đầy máu và nước mắt.
Thành phần trí thức vào chiến khu chống Pháp, nhưng một thời gian bất mãn với đường lối độc tài của cán bộ CS phải bỏ trốn về thành (La rentrée des jeunes intellectuels), dù họ không thân thiện với Pháp nhưng đành quay về thành sống yên thân, hơn là bị nghi ngờ làm mật thám, phản động, gián điệp, bị đấu tố ... VM thanh trừng tất cả nếu ai không theo chủ thuyết CS, Hồ Chí Minh nói „Tất cả những ai không theo đường lối của tôi đều bị bẻ gãy... „ (1) Nhiều người bị VM sát hại vì lý do chính trị, tôn giáo, đối lập như: Đức Hùynh Phú Sổ Hoà Hảo miền Nam, học giả Phạm Quỳnh ở Huế, Tạ Thu Thâu nhà văn Khái Hưng ở Hà Nội.....
Cựu hoàng Bảo Đại được HCM mời làm cố vấn cho chính phủ lâm thời, không đồng ý sự đàn áp của VM tiêu diệt những người yêu nước không theo CS, lợi dụng ngày 16.3.1946 theo phái đoàn ngọai giao sang thăm Trung Hoa, cựu Hoàng qua Côn Sơn Trùng Khánh và đến Hông Kông. Dân chúng Việt Nam đều biết Hoàng đế nước Nam chỉ ở Huế, đi nghỉ mát Đà Lạt săn bắn vùng Cao Nguyên, thích ăn chơi hơn lo việc nước, không có tinh thần yêu nước như các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân ... nhưng các nhà cách mạng Việt Nam theo khuynh hướng Quốc gia tự do, nhìn thấy nhu cầu cho tình hình Việt Nam nên ủng hộ cựu Hoàng thành lập chính phủ, lãnh đạo công cuộc tranh đấu dành độc lập không theo chủ nghiã cộng sản quốc tế. Cuối tháng 12.1947 cựu Hòang đến Pháp thương thuyết, ngày 05.06.1948 về nước ký thỏa ước Hạ Long trên chiến hạm Duguay-Trouin, Pháp thừa nhận Việt Nam dưới sự lãnh đạo của quốc trưởng Bảo Đại, với nội các gồm đại diện các Đảng phái, Tôn giáo, đòi hỏi chính phủ Pháp trao trả độc lập .... Sau thoả ước nầy Quốc trưởng Bảo Đại sang pháp và ký thỏa ước Elysée với tổng thống Vincent Auriol ngày 8.3.1949 Pháp thừa nhận Việt Nam là Quốc gia thống nhất Bắc-Nam-Trung, có nền ngoại giao, kinh tế, tài chánh, tư pháp, giáo dục riêng ..thỏa ước nầy xem như xóa bỏ những Hiệp ước đã ký trước đó về vấn đề bảo hộ và Pháp hứa giúp thành lập quân đội Quốc gia do sĩ quan người Việt chỉ huy (từ tháng 7 năm 1949 đến 7.1954 Quốc Gia Việt Nam thay đổi 8 chính phủ với 5 thủ tướng!) Phủ Toàn quyền ở dinh Norodam đổi sang danh xưng là Phủ Cao Uỷ Đông Dương .
Tình hình thế giới cũng biển đổi, cuối năm 1948 Quân đội của Mao Trạch Đông/ Mao Zedong đại thắng ở Hoa Bắc tuyên bố thành lập nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa ở Bắc Kinh và tràng xuống miền sông Dương Tử làm chủ Vân Nam tướng Lư Hán đầu hàng ngày 11.12.1949. Tưởng Giới Thạch/Chiang Kai Shek di tản ra đảo Đài Loan. Ngày 18.1.1949 Mao thừa nhận chính phủ Hồ Chí Minh và khối cộng sản quốc tế giúp đỡ HCM chống Pháp.
Từ đó nước ta có hai chính phủ Quốc gia thân Tây phương, và Cộng sản thân Nga-Tàu. Hội nghị ngày 25 tháng giêng 1954 ở Berlin, thông báo ngày 18 tháng 2 có hoà đàm Genève khởi sự ngày 26 tháng 4 để giải quyết vấn đề Đông Dương cho đến ngày 08.05.1954 bàn cãi về vấn đề Việt Nam, các giới chính trị ở Pháp cũng như quân sự tranh chấp nội bộ, Pháp thua nhiều trận phải rút quân về gần Hà Nội, Pháp nhận thấy cuộc chiến tranh Đông Dương phải chấm dứt trong danh dự ? Phải giải quyết vấn đề ở Hội nghị Genève.
Thung lũng Ðiện Biên Phủ tỉnh Lai Châu, cách Hà Nội về phía Tây khoảng 500km. Từ Hà Nội theo quốc lộ 6 qua Sơn La, Thuận Châu, vượt đèo Pha Ðin sang Tuần Giáo rồi rẽ vào Ðiện Biên, bắt đầu ngày 13.3.1945 quân đội Việt Minh dưới quyền chỉ huy của tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Hoàng Văn Thái với chiến thuật biển người, mở cuộc tấn công bất thần vào hai vị trí Gabrielle và Béatrice và chiếm được 2 cứ điểm đầu tiên trong chiến dịch theo một số tài liệu cũng như hồi ký của tướng Võ Nguyên Giáp Giáp, viết có cố vấn quân sự Trung cộng Vi Quốc Thanh/ Wei guoqing, La Qúy Ba /Luo Guibo ... Việt Minh chủ trương vừa đánh vừa hội nghị, trận chiến kéo dài 57 ngày đêm, tướng De Castries chỉ huy trận ĐBP phải đầu hàng ngày 08.5.1954
Niềm khao khát chung của dân tộc có được một nước VN tự do độc lập khiến người dân tự nguyện hy sinh tất cả, đổ bao nhiêu sức người với những nắm gạo bớt ra của từng bữa cơm để nuôi quân, hy sinh quyền lợi riêng cho cái chung của dân tộc. Nhưng tiếc thay hơn 50 năm cuộc sống của họ vẫn cơ cực dưới mức nghèo khổ và lạc hậu. Quân Pháp bị thiệt hại 16.000 người trong đó 1500 chết, 10.000 bị bắt làm tù binh theo (René Julliard 1963). Điện Biên Phủ đã tiêu diệt lực lượng Liên hiệp Pháp 17 tiểu đoàn, trong số có 11 tiểu đoàn thiện chiến của nhảy dù và Lê dương, 1 tiểu đoàn Pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp và 70 phi cơ. Quân Việt Minh thiệt hại 23.000 người gồm có 8000 tử trận và 15.000 bị thương. Vì quyền lợi và danh dự riêng Pháp phản bội chính phủ Bảo Đại dù trước đó với Thoả ước Elyée công nhận Việt Nam độc lập, thống nhất 3 miền, rồi lại ký Hiệp Định Genève chia cắt Việt Nam! Là một bài học cho chúng ta suy nghĩ về chủ quyền Quốc gia, nếu mình không đủ sức tự cường, phải sống đời sống của loại cây chùm gởi !
Hiệp định Genève 20.7.1954
Hội Nghị Genève đi đến hồi kết thúc bằng Hiệp Định Genève, gồm ngoại trưởng đại diện các quốc gia tham dự: Anh (Eden Robert Anthony), Pháp (Georges Bidault), Nga (Motolov Vyacheslav Mikahailovich) Trung Hoa (Chou En Lai /Chu Ân Lai), Hoa Kỳ (Dulles John Froter). Phái đoàn Việt Minh do Phạm Văn Đồng cầm đầu, phái đoàn có đại tá Tạ Quốc (Quang) Bửu, đại tá Hà Văn Lâu, các ông Phan Anh, Trần Công Tường, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Thanh Sơn, Đặng Tính, Trần Lâm, Hoàng Nguyên, Trần Thanh, Lê Văn Chánh. Campuchia (Tep Phan), và Lào (Phoui sananiakone, Sem Sary). Phái đoàn Quốc Gia Việt Nam gồm có các ông: Nguyễn Quốc Định, ngoại trưởng (chính phủ Bửu Lộc) là trưởng đoàn, Nguyễn Khắc Khê, Trần Văn Tuyên, Trương Văn Chình, Bửu Kính, Đoàn Thuận. Đến ngày 10/5, phó thủ tướng Nguyễn Trung Vinh được cử làm trưởng đoàn và tăng cường thêm ông Nguyễn Duy Thanh. Trong lúc đang diễn ra Hội Nghị Genève thì tại Việt Nam, Bảo Đại mời Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Ngày 7/7/54, ông Diệm cử Bác sĩ. Trần Văn Đỗ làm Bộ Trưởng ngoại giao thay thế Nguyễn Quốc Định. Ông cũng thay ông Định làm trưởng phái đoàn Việt Nam tại Genève, ngoại trưởng Trần Văn Đỗ tham dự không có quyền biểu quyết.
Các cường quốc vì quyền lợi riêng, đi đêm với nhau họp bàn chia đôi Việt Nam Trung Cộng năm 1954 chiến thắng Trung Hoa Quốc Dân Đảng làm chủ được Trung Hoa Lục Địa, chưa có chỗ đứng trên quốc tế, con trai Mao và hơn 500 ngàn quân Trung cộng bị loại khỏi vòng chiến ở chiến trận Cao Ly. Trung Cộng muốn chứng tỏ cho Ấn Độ, Nam Dương và các nước không liên kết một thái độ ôn hòa, không bành trướng của mình. Nga cũng chủ trương bành trướng chủ nghĩa cộng sản nhưng không có khả năng kiểm soát mọi chuyện ở Á Châu, vai trò đem lại hòa bình ở Đông Dương tạo cho Nga một hình ảnh đẹp của một quốc gia mưu cầu hòa bình cho thế giới, đó cũng là một thủ đọan chính trị giữa cộng sản Nga-Tàu. Họ cũng không thân thiện gì, từng xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Nga-Hoa. Anh Quốc vì quyền lợi ở Hong Kong, Singapor, Mỹ không ký muốn loại Pháp ra khỏi Việt Nam với dự định can thiệp vào Đông Dương....
Tân Thủ Tướng Pháp Mendès-France nhậm chức ngày 17.6.54, tuyên bố rằng nếu không đạt được thỏa hiệp trước ngày 20.7.1954 ông từ chức. Tại phiên họp cuối cùng Phạm Văn Đồng đồng ý (?) với đề nghị của ngoại trưởng Nga lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới phân chia, vì hạn định của Mendès France đến nhưng chưa giải quyết xong vấn đề chót. Hai đồng chủ tịch Hội nghị là Anh và Nga, phải ngưng đồng hồ của trụ sở Liên Hiệp quốc vào lúc nửa đêm 20.7.1954. Sau cùng thỏa ước ngưng chiến ký kết (đaị tá Tạ Quang Bửu thay mặt Tổng tư lệnh quân đội nhân dân cùng tướng Delteil thay mặt tướng Ely.)
Hiệp Định Genève có 47 điều khoản và một phụ lục. Phiên họp kết thúc Hội nghị đúng vào sáng sớm ngày 21.7.1954 dưới sự chủ toạ của Anthony Eden, trong lúc mọi người còn đang ngủ. Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ tướng Bedell Smith không ký, nhưng không cản trở việc thi hành Hiệp định, ông Trần Văn Đỗ ngoại trưởng chính phủ Ngô Đình Diệm (thay thế Bửu Lộc làm thủ tướng ngày 7.7.1954) ông Trần Văn Đỗ uất ức ở hội nghị và phản đối thỏa hiệp hấp tấp của Việt Minh với thực dân Pháp các điều khỏan chia đôi đất nước, dù chính phủ Việt Nam Quốc Gia không thừa nhận Hiệp định Genève và điện về Việt Nam:
- Không sao thắng được sự cừu địch của kẻ thù và sự am hiểm của bạn giả dối của chúng ta. Người ta dùng những thủ tục bất thường để làm tê liệt hoạt động cuả phái đoàn mình. Tất cả các thỏa hiệp họ đều bí mật kín với nhau. Chúng tôi rất đau buồn vì sự thất bại hoàn toàn của phái đoàn! (2)
Thi hành Hiệp định ngưng bắn ngày 27.7.1954 ở Bắc, ngày 11.8.1954 tại miền Nam. biên giới phân chia, từ sông Bến Hải đến làng Bồ Đồ Su biên giới Lào Việt, cầu Hiền Lương do Công binh Pháp dựng năm 1950 (trước đấy dân hai bờ qua lại bằng thuyền). Cầu có 7 nhịp, dài 178m, được lát bằng 894 miếng ván, mỗi bên có chủ quyền 89m cầu. Ranh giới trên cầu Hiền Lương sông Bến Hải đã kéo dài hơn 20 năm. từ vĩ tuyến 17 ra Bắc thuộc chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thủ đô là Hà Nội; từ vĩ tuyến 17 vô nam thuộc chính phủ Quốc Gia Việt Nam, thủ đô Sài Gòn. Vấn đề kiểm soát quốc tế thi hành việc đình chiến một Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến được thành lập với đại diện Ấn Độ làm chủ tịch, Gia Nã Đại và Ba Lan làm hội viên. Bản tuyên ngôn cuối cùng đã đề cập đến vấn đề tổng tuyển cử thống nhất đất nước sau hai năm dưới sự giám sát của Ủy Hội Quốc Tế.
Việt Minh phải rút quân đội ở Lào trong thời hạn 4 tháng, ở Campuchia hạn 3 tháng. Quân đội Pháp rút khỏi Bắc Kỳ trong 10 tháng chấm dứt việc xâm lăng của thực dân trên đất Bắc, chính sách thuộc điạ hà khắc và tàn bạo cuả Pháp đã giết hàng loạt những nhà cách mạng Việt Nam yêu nước đấu tranh dành độc lập. Nhưng đạo quân viễn chinh cũng phải trả giá rất đắt tại chiến trường Việt Nam trong thập niên cuối cùng, quân Pháp bị giết và mất tích 92.000 người bị thương 114.000; tù binh 28.000 người, kinh phí hơn 30 tỷ quan Pháp. (Theo Louis Saurel trong cuốn La guerre de Indochine).
Cuộc Di cư lớn nhất của thế kỷ 20
Pháp và phe Quốc gia có thời hạn tập trung 80 ngày tại Hà Nội, 100 ngày ở Hải Dương và 300 ngày tại Hải Phòng. Tại miền Nam bộ đội tập kết tại Hàm Tân 80 ngày, Bình Định 100 ngày và Cà Mau 300 ngày. Từ tháng 8-1954 mỗi ngày có hàng ngàn người từ Hà Nội và Hải Phòng vào Sài Gòn hay sang Pháp bằng đường hàng không và hàng ngàn người mỗi ngày bồng bế nhau về cảng Hải Phòng để được xuống tàu thủy đưa vào Nam (gọi là tàu há mồm). Tính đến chuyến tàu sau cùng tháng 3 năm 1955 có khoảng 950.000 người từ Bắc di cư vào Nam. Có nhiều nơi dân muốn di cư bị công an Việt Minh ngăn chận, gây nhiều xô xác đẫm máu. Bình minh về trên đất Bắc hay là những ngày dài trong khổ đau với chính sách cải cách ruộng đất đấu tố, thanh trừng như vụ Nhân Văn Giai phẩm!
Dân di cư được phân phối định cư khắp nơi, dù đời sống lúc đầu khó khăn, nhớ quê hương ruộng đồng, bỏ nhà cao cửa rộng chen chúc ở các trại định cư, được trợ cấp tiền mặt mỗi ngày cho mỗi người lớn 12 đồng, trẻ em 6 đồng đủ sống. Tổng số 315 trại định cư cho 508.999 người, được chia ra Nam phần 206 trại cho 393.354; Trung phần 59 trại gồm 61.094 người; cao nguyên 50 trại cho 54.551 người. Thiên Chúa giáo gồm 676.348 Tín đồ, Tin Lành 1.041 Tín Đồ, Phật Giáo 182.817 Phật Tử … Nhiều người mua nhà ở riêng không vào các trại định cư. Thời gian ngắn khó khăn người di cư được chính phủ giúp đỡ lập nghiệp, nếu nhìn lại từ 1954-1975 có những khu phố sầm uất phát triển giàu mạnh như Hố-Nai Biên-Hòa, Đà-Nẵng khu Tam-Toà, vùng Cái-sắn Rạch-Giá ... Lâm-Đồng Bảo-Lộc ... nơi nào có người Bắc định cư đều có nhà Thờ, nhà cửa khang trang, con cháu học hành đỗ đạt và đời sống thành công trên mọi lãnh vực. Các nhà Văn di cư tự do viết sách, làm báo phát hành, đóng góp cho nền văn học miền Nam thật khởi sắc, sinh hoạt đổi mới hơn các quán nhậu có những bảng hiệu mới lạ như „đúng đây rồi, cờ tây, mộc tồn, nai đồng quê ..“
Ngày 19.7.1955 Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH) đề nghị chính phủ Quốc Gia Việt Nam sau nầy đổi thành Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) mở hội nghị Hiệp thương bắt đầu từ 20.7.1955 theo qui định trong Hiệp định Genève để tổng tuyển cử đề nghị của Bắc Việt bị chính phủ Nam Việt bác bỏ ngày 10.8.1955. Đó là lý đo đưa đến cuộc chiến tranh Nam-Bắc. Miền Nam theo thể chế tự do, cựu hoàng Bảo Ðại với danh xưng Quốc trưởng nhưng sống ở Cannes bên Pháp, không trực tiếp điều hành Quốc Gia Việt Nam. nên Ngô Ðình Diệm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ngày 23.10.1955 truất phế Bảo Ðại. Ngô Ðình Diệm lên làm tổng thống đầu tiên Việt Nam Cộng Hòa ngày 26.10.1955. Năm 1956 quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam, chấm dứt thời làm mưa gió hơn 80 năm đô hộ Việt Nam, tự do khai thác tài nguyên mang về cho bản quốc
Đảng Lao Động quyết tâm đánh chiếm miền Nam, Lê Duẩn bí mật vào Nam nghiên cứu tình hình khi trở ra Bắc tại hội nghị lần thứ 15 ở Hà Nội ngày 13.5.1959. Lê Duẩn đưa nghị quyết giải phóng miền Nam và miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghiã... (chủ trương của chủ tịch Hồ Chí Minh) Hà Nội thành lập Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch MTDTGPMN thành lập ngày 20.12.1960 ở chiến khu Dương Minh Châu, vùng biên giới Tây Ninh Campuchia. Gọi là mặt trận „giải phóng miền Nam“ từ năm 1960, với nhân sự nòng cốt hơn 25.000 cán bộ hồi kết, sau tết Mậu Thân ông Huỳnh Tấn Phát (1913-1989) được bầu làm chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình cháu ngoại Phan Châu Trinh làm bộ trưởng ngoại giao là con cờ tạo thế đứng trong các cuộc Hoà đàm Paris ? Sau 30.4.1975 một thời gian chính phủ nầy đã bị xoá tên !
Tổng bí thư đảng CS Lê Duẩn đã từng tuyên bố „ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc ..“ (3) Trường Chinh nói: “Kháng chiến là một hình thức cao rộng, của đấu tranh giai cấp, nghiã là cuộc đấu tranh lớn lao trên thế giới, giữa tư bản và vô sản ...” (4), lời phát biểu trên của những kẻ quyền lực làm tay sai cộng sản quốc tế, gây nên cuộc nội chiến tương tàn khổ đau cho dân tộc Việt Nam, như nhà thơ Phùng Quán đã viết: “Những con người tiêu máu của dân như tiêu giấy bạc giả (Trăm Hoa Ðua Nở). Nếu không có chiến tranh để hai miền Nam Bắc, tự do xây dựng xã hội, phát triển kinh tế, dân trí cao, thì việc thống nhất trong tình thương và hoà bình có thể thực hiện được, không cần vũ khí của bất cứ nước nào mang đến cho mượn !!
Tiến lên Xã Hội Chủ nghiã ở miền Bắc
Thời gian đầu hoạt động Việt Minh chưa chủ trương tranh đấu giai cấp để kêu gọi dân chúng đoàn kết để chống Pháp, sau cách mạng mùa Thu Việt Minh chủ trương “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận ngọn”, chiến dịch cải cách ruộng đất bắt chước theo mô thức của Nga-Tàu. Từ năm 1949-1956 Việt Minh đã làm 5 đợt cải cách ruộng đất, con tố bố mẹ, nàng dâu xỉ vả mẹ chồng, tổng bí thư Trường Chinh đã đấu tố cả cha mẹ ông ta.. Giết chết hơn 200 ngàn người vô tội, toà án nhân dân thành lập ở các vùng thôn quê do những cán bộ không học xét xử, những đêm đấu tố tại các đình làng, xã thôn.. người dân miền Bắc có lẽ họ không bao giờ quên giai đoạn đó, Xuân Diệu đã ca ngợi:
Anh em ơi! quyết chung lưng
Ðấu tranh tiêu diệt tàn hung kẻ thù
Ðịa hào, đối lập ra tro,
Lưng chừng phản động đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốt cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống, đoạ đày chết thôi
Thành phần bị ghép tội điạ chủ đem ra đấu tố đánh đập, dù những người nầy đã giúp đỡ cho cuộc kháng chiến, là Mẹ của chiến sĩ nhưng vẫn bị kết án tử hình dưới nhiều hình thức cực hình khác nhau, Tố Hữu xách động
Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sit-ta-lin bất diệt…
Hiệp định Genève kết thúc, chính phủ VNDCCH xây dựng xã hội chủ nghiã tiến lên thiên đường đỏ, mọi người phải sống theo chủ trương đường lối của đảng, ảnh hưởng Trung cộng sâu đậm. Năm 1956 Mao chủ trương “trăm hoa đua nở” với chiến dịch” Bách hoa tề phóng, Bách gia tranh minh / trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” cuộc ”cách mạng văn hoá” Lục Nhất Định trưởng ban tuyên truyền trung ương cùng vợ Mao bà Giang Thanh cầm đầu cuộc thanh trừng giết gần 30 triệu người ! (Đặng Tiểu Bình cũng bị thanh trừng)
Những văn nghệ sĩ theo kháng chiến chống thực dân, phong kiến về thành phố cầm bút phục vụ văn nghệ, nhưng đảng buộc họ viết theo chủ trương của đảng, đời sống càng ngày càng khó khăn về kinh tế, gò bó về xã hội ! Đảng LD thanh trừng văn nghệ sĩ chống đối vụ án Nhân Văn hàng trăm văn nghệ sĩ bị tập trung tẩy não và lao động trên núi rừng trung du như Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần, Trương Tửu, Hữu Loan … 30 năm sau đảng CSVN nhận ra sai lầm với lời tuyên bố năm 1986 của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “cởi trói cho văn nghệ” văn nghệ sĩ trong nhóm Nhân Văn Gia Phẩm được phục hồi danh dự, nhà thơ Hữu Loan là nhân chúng cuối cùng trả lời phỏng vấn về vụ án Nhân Văn trên đài BBC London. Những năm 1966-1968 cũng xảy ra vụ án xét lại? Lê Duẩn kết tội những cán bộ thân Liên Xô thời Khrushchev hạ bệ Stalin năm 1956 thi hành chính sách mềm dẻo chủ trương “chung sống hoà bình” ảnh hưởng chủ trương của Khrushchev như: Ung Văn Khiêm, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Dương Bạch Mai... phản đối chiến tranh tấn công miền Nam bị thanh trừng, trong vụ nầy có nhà văn Vũ Thư Hiên bị cần tù thời gian khá lâu .. Phe hiếu chiến Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ ... mưu đồ quyền lực đã giết hại hàng triệu người vô tội, lợi dụng khát vọng độc lập, sử dụng xương máu nhân dân để phục vụ quyền lợi bè nhóm và Quốc tế cộng sản. Miền Bắc tiến lên Xã Hội Chủ Nghiã thế nào chúng ta đã biết sau ngày 30.4.1975 .
Chính quyền Quốc Gia ở Miền Nam
Tổng Thống Ngô Ðình Diệm thực hiện cách mạng Quốc Gia và khai sinh nền Ðệ Nhất Cộng Hòa. Quân Ðội Quốc Gia với toàn vẹn chủ quyền được thống nhất chỉ huy dưới danh xưng Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa (Tháng 8 năm 1955 Bộ Tổng tham mưu hoàn toàn do sĩ quan Việt Nam điều khiển, Việt ngữ lúc nầy mới được thay Pháp ngữ !). Các trường huấn luyện các ngành chuyên môn được thành lập để đào tạo các chuyên viên ưu tú trong quân đội. Khó khăn lúc đầu thành lập quân đội từ thời quốc trưởng Bảo Đại phải dùng những Cai, Đội, cũng như ngành Cảnh sát phải dùng người từ thời Pháp Nhật, (một số người kém văn hóa và đạo đức từng làm việc với bọn thực dân). Riêng ngành Cảnh sát Quốc Gia năm 1965, Tổng Nha tuyển dụng những người có Tú Tài trở lên được theo học các Khóa Sĩ Quan Cảnh Sát để thành những cấp chỉ huy tương lai. Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia được thành lập để đào tạo những khóa Biên Tập Viên (Tú Tài II) và Thẩm Sát Viên (Tú Tài I) và phải qua một kỳ thi tuyển. Thời gian học của các Sĩ Quan này là 1 năm. Khóa 1 Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia khai giảng ngày 01.3.1966 tại trại Lê văn Duyệt, trong khu Biệt Khu Thủ Ðô Sài Gòn. Đầu năm 1969 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia thành lập ở Thủ Ðức. Những sĩ quan quân đội ưu tú VNCH được đào tạo từ Đà Lạt, Thủ Đức, trí thức đầy nhiệt huyết, văn võ song toàn, nhưng thời gian quá ngắn không đủ thâm niên để lãnh đạo quân đội. Thành phần hoán chuyển từ quân đội Pháp đã cầm vận mệnh Quốc gia VNCH 1954-1975 một thời gây sóng gió chính trị miền Nam, thời loạn tướng và chạy trốn trước 30.4.1975.
Quân đội được thành lập qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhiệm vụ khó khăn dưới thời đệ nhất Cộng Hoà phải đối đầu quân đội Giáo phái Hoà Hảo ở miền Tây, Bình Xuyên (Bảy Viễn) Sài Gòn và Bà Rịa; Cao Đài ở Tây Ninh, các đảng phái chính trị tại miền Trung (chiến khu Ba lòng, Nam Ngãi) cán bộ CS nằm vùng hoạt động tuyên truyền quấy phá các vùng quê…Chính phủ Ngô Đình Diệm đã ổn định tình hình, tự do dân chủ còn non trẻ vì đất nước trải qua chiến tranh và nô lệ chưa thể một sớm chiều để thăng tiến, hệ thống hành chánh, công an còn ảnh hưởng thời Pháp thuộc, chưa thể làm cuộc cách mạng mau chóng, chính phủ Ngô Đình Diệm phải cần một thời gian để ổn định, TT Diệm ký sắc lệnh thành lập Đại Học Huế 1957 để mở mang Văn hóa và giáo dục cho miền Trung. Vì kinh tế chưa phục hồi để phát triển phục vụ quốc gia phải nhờ Mỹ viện trợ tài chánh quân sự và cố vấn (Military Assitance Advisory Group) có thêm các cơ quan viện trợ phát triển (United States Agency for International Development) rồi từ đó họ ý muốn can thiệp vào Việt Nam…Có những bất đồng chính kiến Việt Mỹ về đường lối lãnh đạo đối với tình hình mới ở Đông Dương. Cùng xảy ra những vụ xuống đường biểu tình ngày 8.5.1963 tại đài phát thanh Huế, trái lưụ đạn nổ gây tử thương một số Phật tử tham gia biểu tình, lãnh đạo phong trào đấu tranh không ai xa lạ Thượng Tọa Thích Trí Quang tục danh (Phạm Trí Quang) gây thêm sóng gió nào đình công bãi thị, tự thiêu lấy lý do đàn áp tôn giáo. Tháng 8 năm 1963 nữ sinh Quách Thị Trang bị trúng đạn trong cuộc đàn áp biểu tình ở trước chợ Bến Thành tình hình càng căng thẳng hơn. Chính Phủ Hoa Kỳ ủng hộ nhóm tướng lãnh lật đổ TT Ngô đình Diệm ngày 11.11.1963. Anh em TT Ngô Đình Diệm bị đại úy Nguyễn Văn Nhung cận vệ của tướng Dương Văn Minh giết trên thiết vận xa M113, ngày 2.11.1963 dưới thời TT Ngô Đình Diệm cai trị có những sai lầm, lịch sử phán xét phân minh, sự thật từ từ được hé mở .
Đảo chánh tranh dành quyền lực
Nhóm Tướng, Tá tham gia lật đổ TT Ngô Đình Diệm tự thăng quan tiến chức như diều gặp gió, cầm vận mệnh Quốc Gia gây xáo trộn đời sống xã hội ở thành phố, đảo chánh chỉnh lý. v v Vùng nông thôn cán bộ CS hoạt động mạnh hơn, được sự bao che cuả các gia đình có con đi tập kết để bao vây thành thị. Chính phủ mới không đủ khả năng uy tín để chống cộng, nên phải nhờ quân đội Hoa Kỳ và Đồng minh giúp chiến đấu chống lại cộng sản, ngày 8.3.1965 Thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên bãi biển Nam Ô Đà Nẵng, quân Đồng minh: Đại Hàn, Thái Lan, Úc, Phi Luật Tân lần lượt đến miền Nam. Ngược lại ngoài Bắc nhiều sư đoàn Trung cộng bí mật sang giữ hậu phương, cho bộ đội vào chiến trường miền Nam. Các cố vấn quân sự, chính trị các nước cộng sản quốc tế giúp Bắc Việt viện trợ tối đa lương thực, vũ khí, xe tăng, máy bay cho bộ đội tiến hành cuộc chiến chiếm miền Nam. Việt Nam thống nhất nhà cầm quyền CSVN phải gởi thanh niên đi lao động tại các nước cộng sản tiếp tục trả nợ chiến tranh bằng mồ hôi và nước mắt! và sai lầm đáng buồn Phạm Văn Đồng ký quốc thư ngày 14 .9.1958 nhận ranh giới biển 12 hải lý của Chu Ân Lai công bố và gián tiếp công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay còn tranh cãi.
Miền Nam tự do quân đội đối đầu với bộ đội miền Bắc trên các mặt trận, thì hậu phương xãy ra phong trào chống chính phủ, chống Mỹ đạo diễn là Thượng Toạ Thích Trí Quang được bầu làm Chánh thư ký Viện Tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống Nhất ngày 4.1.1964, sau khi đảo chánh chính phủ TT Ngô Đình Diệm. TT Trí Quang một cao tăng của Giáo Hội Phật Giáo xách động Phật tử đem bàn Thờ Phật xuống đường gọi là tranh đấu đòi hỏi tự do cho dân chủ và Đạo Pháp? nhưng sau ngày 30.4.1975 không còn nghe tiếng T.T Trí Quang có lẽ nhiệm vụ của ông đã hoàn thành?
Chính quyền VNCH tiếp tục cố gắng cải tổ hành chánh, năm 1966 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia được thành lập đào tạo sĩ quan chuyên môn, có trình độ tú tài trở lên để thi hành luật pháp Quốc gia. Có Thượng Viện, Hạ Viện, đại diện của các tôn giáo, đảng phái, đối lập do dân bầu. TT Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo quốc gia không tránh được các vấn nạn tham nhũng, buôn lậu. Tết Mậu thân 1968 là ngày tết linh thiêng của dân tộc Việt nam, dù 2 bên đồng ý ngưng chiến đón xuân, nhưng CS lợi dụng ngày Tết tổng công kích trên toàn miền Nam, dân miền Nam vô tôi bị thiệt hại về tài sản cũng như sinh mạng, ngày tết đã biến thành ngày giỗ của hàng ngàn người từ Nam đến Bắc!
Ký giả Eddie Adames thuộc Associated Press (AP USA) chụp hình tướng Nguyễn Ngọc Loan Tư lệnh CSQG bắn chết tù binh VC gây dư luận không tốt đẹp cho bản thân tướng Loan, mà còn bất lợi cho chính phủ miền Nam! Tổng công kích tết Mậu Thân cán bộ MTDTGPMN thiệt hại nặng qua các cuộc giao tranh, đại tướng Bộ trưởng quốc phòng Bắc Việt Võ Nguyên Giáp thảo kế hoạch chỉ huy, nhưng ký giả nước ngoài phỏng vấn ông đã chối “We had nothing to do with it. The National Liberation Fromt put it on “Don Oberdorfer trang 45.
Từ khi quân đội Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, CS thêm lý tưởng tuyên truyền, “chống Mỹ cứu nước “; “đánh cho Mỹ cút ngụy nhào” thêm vụ giết lầm người ngày 16.3.1968 của trung úy William Calley ở Mỹ Lai. Tivi phát hình bé Phạm thi Kim Cúc bị bom lửa (Napal), như đổ dầu thêm vào lửa cho phong trào phản chiến chống chiến tranh Việt Nam. Những đêm pháo kích về thành phố bằng hoả tiển 122 ly, xe đò bị giật mìn gây nhiều người chết, bị thương, hàng ngàn người bị chôn sống ở Huế.. thì ít được nhắc đến ? Sử gia Jean Luis Margolin giáo sư Université de Provence là một trong tác giả viết cuốn “Le livere noir du communisme” đã nói “tôi đã xuống đường biểu tình ủng hộ MTGPMN, tôi đã reo mừng với cuộc chiến thắng tại Việt Nam. Không phải mình tôi mà tôi tin rằng rất nhiều người cùng thời với tôi đã bị sai lầm vì những tuyên truyền sai lạc của cộng sản..”
Miền Nam ra lệnh tổng động viên thanh niên, sinh viên, học sinh phải nhập ngũ thi hành quân dịch, đồng thời mật đàm Paris được hình thành giữa phái đoàn Mỹ và Bắc Việt đưa đến Hội nghị Paris kéo dài 4 năm từ 1969-1973... Hiệp định Paris do Kissinger và Lê Đức Thọ phê chuẩn tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế khách sạn Majestic đại lộ Kléber Paris. Hiệp định Paris ngày 27.1.1973 Quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam trong danh dự và mở đường cho sự sụp đổ của chính quyền VNCH. Ðây là kết quả của gần 5 năm đàm phán, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới. 58 ngàn quân Mỹ đã hy sinh tại Việt Nam, họ đến như một tia sáng bảo vệ bức tường Tự Do ở Đông Nam Á, Họ ra đi âm thầm của người bại trận, vết thương đổ nát quê hương không thể hàn gắn, máu của người miền Nam vẫn chảy để bảo vệ tự do Mùa hè đỏ lửa, Bình long, An Lộc, Cổ Thành Quảng Trị... lệnh tổng động viên 1973 học sinh, sinh viên bị tụt một tuổi phải giã từ sân trường đi chiến đấu ... sự trưởng thành của quân lực VNCH vững mạnh dù thiếu sự yểm trợ của Đồng Minh.
Ngày 14.3.1975 cố TT Nguyễn Văn Thiệu và một số tướng lãnh quân đội VNCH ra lệnh triệt thoái Cao Nguyên, máu của quân dân miền Nam đổ ra trên tỉnh lộ 7 về đến Nha Trang, Sài gòn. Ðà Nẵng di tản chiến thuật ngày 29/3 hàng trăm ngàn người hải hùng lên các tàu hải quân hy vọng tìm được tự do, trong lúc đòan quân bộ đội CSVN tiến về thành phố. Ngày đó vẫn còn như những vết hằn sâu kín, những nỗi buồn còn vướng đọng những giọt nước chưa khô. Chuyện thật nhưng khó tin nếu không sống dưới chế độ cộng sản. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê trước 1975 từng từ chối giải thưởng văn học nghệ thuật của TT Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Hiến Lê có cảm tình và ủng hộ cuộc chiến „giải phóng miền Nam „ sau năm 1975 ông đã tâm sự „muốn thấy chế độ đó ra sao thì phải sống dưới chế độ dăm năm ..“. Học giả Đào Duy Anh đã trao đổi với Nguyễn Hiến Lê khi từ Hà Nội vào thăm Sài Gòn sau năm 1975 „ông ngại hai ba chục năm nữa, kinh tế vẫn chưa tiến được, và xã hội chủ nghiã vài trăm năm nữa cũng chưa xây dựng xong, mình bị phương Tây bỏ lùi lại sau rất xa nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ„ Hồi ký NHL trang 521.
Mở đầu cho phong trào rời bỏ đất nước ra đi của hơn hai triệu người Việt ngày nay sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Đảng CSVN bắt tất cả người làm việc của chế độ VNCH, Công chức, Sĩ quan, chuyên gia kỷ thuật, Giáo viên, kể cả các lãnh đạo Tôn giáo vào trại tập trung cải tạo trong các vùng núi với sơn lam chướng khí, thiếu lương thực, thuốc men sống như những người tù khổ sai ..nhà cầm quyền VN đổi tiền hai lần và đánh tư sản mại bản, đuổi người đi kink tế mới, chiếm đoạt nhà cửa để bần cùng hóa xã hội, đưa quân can thiệp nội bộ Campuchia hy sinh thêm 50 ngàn nghiã vụ quân sự, chiến tranh biên giới Việt Hoa gây thiệt hại kinh tế... Dù thống nhất đất nước, ngày nay có đổi mới nhưng dân tộc Việt Nam chưa thật sự tự do và dân chủ, bạo lực chỉ chiếm được đất chứ không chiếm được lòng người. Những người trí thức yêu nước chống ngoại xâm đòi hỏi tự do và nhân quyền, đã bị CSVN đàn áp kết án tù đày, giống như Trung Hoa trong vụ Thiên An Môn đàn áp Sinh viên. Muốn có tự do nhân quyền phải từ bỏ chế độ Cộng sản độc tài tham nhũng mới có hy vọng đất nuớc phát triển giàu mạnh, theo kịp các quốc gia văn minh trên thế giới.
Nguyễn Quý Đại
1. Bên giòng Lịch sử LM Cao Văn Luận
2. Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê
3. Đêm giữa ban ngày của nhà văn Vũ Thư Hiên
4. Nguyễn Kỳ Nam tài liệu Lịch sử 1945-54 trang 83
Tài liệu tham khảo
-The NLF’s Foreign Relations and the Vietnam War" (Cornell, 1998)
-Án Tích Cộng sản Việt nam của tác giả Trần Gia Phụng
-Việt nam đi về đâu huyền thoại và sự thật Luật sư Lê Trọng Quát
-Quân sử tập 3 Bộ Tổng Tham Mưu
-Những ngày chưa quên tác giả Đoàn Thêm
-Những cơn gió bụi tác giả Trần Trọng Kim..
-Hồi Ký Võ Văn Giáp
-Hình trên Internet