Friday, September 17, 2010

Thư ngỏ của giáo dân kính gửi HĐGMCGVN - An Đức



An Đức
    Kinh gửi HĐGMVN,

    Kính thưa quý GM,
Với tư cách một giáo dân CG thuộc Tổng Giáo Phận Saigon, chúng tôi kính gửi quý GM bức thư này, nhân dịp quý GM sắp họp khóa hai năm 2010.

Khóa họp này diễn ra trong lúc có rất nhiều dư luận bàn tán về thực trạng của GH và về hoạt động của quý GM trong thời gian gần đây. Dù ai vô tư đến đâu cũng thấy rằng HĐGM cần lên tiếng để giải thích và trấn an Dân Chúa.

Theo một số giáo sĩ và giáo dân thì có những vấn đề cần làm rõ sau đây:

Quý GM có đang tránh né thực tại vì sợ; vì muốn tránh những tranh chấp có tính chính trị? Cũng cần làm rõ về cách quý GM yêu thương, tha thứ và về cách quý GM đồng hành với dân tộc.

Bàn luận cùng quý GM về những vấn đề gai góc này, chúng tôi cảm thấy mình như đang “đánh trống qua cửa nhà sấm”. Trong số quý GM có rất nhiều vị có tiến sĩ về thần học, giáo luật, xã hội v.v.. của các trường đại học rất danh tiếng trên thế giới. Trong lúc chúng tôi là một người giáo dân bình thường, chưa từng ra nước ngoài, dù để du lịch. Vốn liếng hiểu biết về Đạo Chúa của chúng tôi chỉ là những lời giáo huấn của cha mẹ, là những bài học giáo lý với các dì phước ở nhà xứ và các bài giảng của các LM trong thánh lễ chủ nhật và trong các cuộc tĩnh tâm cho giáo dân.

Nhưng chúng tôi vẫn xin phép để thưa chuyện với quý GM với hy vọng quý GM biết những tâm tư của một giáo dân bình thường. Qúy GM là mẹ là thầy của chúng tôi, vậy cha mẹ và thầy giáo cũng nên hiểu về con, về học trò của mình, có phải không ạ?

Vậy xin lần lượt phân tích từng vấn đề:

1. Các GM trong HĐGMVN sợ?

Điều này không lạ và cũng không có gì xấu hổ. Trong Cựu Ước, các vị được xức dầu để làm Ngôn sứ cũng sợ. Ta có thể kể Ngôn Sứ Vĩ Đại Môi Sen, khi biết ý Chúa chọn ngài làm người phát ngôn của Chúa thì ngài đã sợ và thưa: Lạy Chúa, con nói lắp (cà lăm) làm sao con đối đáp với Pharaông được. Một Ngôn sứ khác cũng nổi tiếng vì cuộc đào thoát không thành khỏi chức vụ Ngôn sứ: Tiên tri Giona. Sợ cũng không thoái thác được, Chúa chọn thì phải làm.

a. Các vị GM sợ thiệt hại cho GH và cho giáo dân?

Điều sợ hãi này cũng có lý. Vì là những vị có trách nhiệm với GH và cộng đoàn, quý vị sợ lên tiếng về vấn đề này, khác có thể gây căng thẳng làm thiệt hại cho GH. Chẳng hạn: khó khăn trong việc xây cất thánh đường mới và sửa chữa các thánh đường đổ nát. Khó khăn trong việc thuyên chuyển, sắp xếp các linh mục, khó khăn trong việc tổ chức các việc đạo đức, rước xách linh đình, sợ giáo dân bị khó dễ v.v….

Xin được mạn phép nói: Đừng lo lắng lắm vì Chúa là Đấng đã phán “Trời là ngai Ta ngự. Đất là bệ chân Ta”. Thực ra làm gì có tòa nhà nào xứng với sự cao trọng của Chúa? Những ngôi thánh đường dù gì cũng là gỗ đá, được xây dựng cũng vì các giáo dân, các giáo sĩ và tu sĩ mà thôi,tức là vì con người. Nhiều giáo đường, tu viện ở Âu Châu nay đã bị đóng cửa hoặc bị bán đi (dù đã được Thánh hiến và nhiều Thánh lễ đã được dâng ở đó) vì thiếu giáo dân, tức là thiếu con người. Vậy xin Quý GM lo cho con người nhiều hơn là sợ thánh đường mới không được xây .

Còn việc lo cho giáo dân bị làm khó dễ, thì xin đọc lại sách MaCaBê quyển II, đoạn 7, thuật chuyện tử đạo của bảy anh em, câu chuyện bi hùng này khá dài. Tạm tóm tắt như sau:Vua Antiôkhô bắt một bà mẹ và bảy người con trai, buộc họ bỏ đạo. Vua cho dùng cực hình để buộc từng người bỏ đạo. Với người con nào bà mẹ cũng khuyến khích họ trung thành với Chúa, và tất cả bảy người lần lượt tử đạo. Trước khi người con thứ bảy chịu chết, người mẹ đã dạy con: ”Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm ra tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này, nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ”. Người con út đã vâng lời và khẳng khái nhận cái chết. Cuối cùng bà mẹ cũng chết theo các con.

Quý GM thương GH thương con chiên, nhưng dám chắc lòng thương của quý GM không thể hơn được tình thương của người mẹ này thương các con .Vậy hãy khuyên chúng tôi nên kính sợ Chúa và giữ giới răn của Ngài hơn là sợ hãi những tạo vật khác.

Còn nếu không được rước xách linh đình thì cũng không sao. Trên Thiên quốc chắc có những cuộc rước đông vui hơn và có Chúa và Mẹ Maria thật để chúng ta chiêm ngắm.

b. Các GM sợ hãi cho chính bản thân?

Điều này cũng hợp lý, là thọ tạo, ai mà chẳng có sự sợ hãi. Gương của các đầng tiền nhiệm sờ sờ ra đó. Tù tội, chết chóc như chơi. Còn nếu ôn hòa, tránh đối đầu thì dễ chịu lắm: Rước sách rình rang, mũ cao áo dài, được đưa đón trọng vọng cả phần đạo lẫn phần đời. Các chuyến xuất ngoại dễ dàng, thường xuyên v.v…

Đến đây lại xin giở sách Macabê quyển II, đoạn 6, chuyện kinh sư Elada. Ông đã chín mươi tuổi đầu, bị vua buộc phải ăn thịt heo (Luật Môisen cấm). Các người thi hành lệnh của vua vì thương ông lớn tuổi nên đã bảo ông rằng: “Chúng tôi cho mang thịt ông được phép ăn tới và ông ăn, giả vờ là ăn thịt heo. Chúng tôi sẽ báo với vua là ông đã vâng lời vua, như vậy ông sẽ thoát chết”. Ông đã khước từ và chịu mọi cực hình. Ông nói với lý hình: “Ở tuổi tôi, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già E la da đã chín mươi tuổi đầu mà còn theo những lề thói dân ngoại. Rồi bởi tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già. Dù hiện nay tôi có tránh được hình phạt của người ta, thì sống hay chết tôi cũng sẽ không thoát khỏi bàn tay của Đấng Toàn Năng. Vậy giờ đây, khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già”.

Con người ấy đã giã từ cuộc đời như thế đó. Cái chết của ông để lại không những cho các thanh niên, mà còn cho đại đa số dân chúng một tấm gương về lòng cao thượng và một hình ảnh đáng ghi nhớ về lòng trung thành.

Vậy, tuy có nhiều điều đáng sợ thật, nhưng xin quý GM đừng sợ và hãy làm gương cho chúng tôi.

2. Các GM trong HĐGMVN không muốn dính đến chính trị?

Sau những chuyện đáng tiếc xảy ra thời trung cổ, Hội Thánh Công Giáo La Mã đã dứt khoát không làm chính trị, không can dự vào các cuộc chiến tranh và phế lập ở Châu Âu. Hội Thánh Công Giáo La mã cũng cấm các Hội Thánh Công Giáo các địa phương không can dự vào việc tranh dành quyền hành ở nước mình. GHCGVN cũng vâng lời. Không can thiệp, không tranh chấp, không đảm nhiệm chức vụ trong chính quyền. Đây là một điều đúng đắn. Tuy nhiên vì quá sợ dây vào chính trị mà GHCGVN ít lâu nay không hề có ý kiến gì liên quan đến công bằng, bác ái, đến an nguy của đất nước. Thái độ mũ ni che tai này đã biến GH chúng ta thành một tập thể vô cảm trước những vấn đề lớn của xã hội, dân tộc. Qua những cuộc rước xách, phong giám mục, khai mạc Năm Thánh v.v… chúng ta tự phô bày như một tập thể vô tư, vui tươi, hớn hở với hàng đoàn GM mũ cao áo dài mới tinh, rực rỡ ai cũng đẹp đẽ, rạng rỡ, xưng tụng nhau những câu ngất trời và chúng ta hãnh diện vì Chúa ở cùng chúng ta. Giáo dân cũng vui tươi, ăn mặc đẹp và lòe loẹt, hớn hở … Kèn trống ầm ầm và “cùng nhau đi hồng binh” nữa chứ. Thật sự nhìn bề ngoài, các anh em không CG chẳng phân biệt nổi cuộc lễ cũa chúng ta và những cuộc cúng thần thành hoàng hoăc các cuộc rước đa thần khác.

Ở đây xin góp ý kiến. Không một hành vi nào của quý GM mà không mang tiếng là có một thái độ chính trị đâu. Khi ĐGM Ngô Quang Kiệt tuyên bố: ”Tôn Giáo là quyền, không phải là ân huệ xin – cho” thì ĐGM mang tiếng chống đối. Khi ĐTGM Nguyễn văn Nhơn kêu gọi giáo dân HN tham dự lễ hội “Mừng ngàn năm Thăng Long” thì ĐTGM mang tiếng ủng hộ, lấy lòng chính quyền.

Vậy xin hãy làm việc và tuyên bố theo lương tâm và nhiệm vụ, không sợ câu nói việc làm của Quý GM có ảnh hưởng thế nào đến chính trị. Mục đích cuộc đời của quý GM không phải là làm đẹp lòng ai, mà là để công bố tin mừng và phục vụ những anh em nhỏ bé nhất của Chúa Giêsu.

3. Các GM trong HĐGMVN muốn tha thứ cho anh em và tội của anh em?

Tha thứ cho anh em là luật buộc. Nếu có anh em nào xúc phạm đến ta, thì ta phải tha thứ. Nếu một người không xúc phạm ta, mà lại xử bất công với anh em khác. Ta khuyên nhủ nạn nhân tha thứ, nhưng nếu ta không nói phải quấy với người anh em phạm lỗi và nhất là không ngăn chặn họ tái phạm là ta đã lỗi đức bác ái với nạn nhân.

Là cương vị chủ chăn thì việc này càng rõ nét. Là những Ngôn sứ ( quý GM không thể thoái thác nhiệm vụ này) nhiệm vụ bênh vực sự thật, bênh vực công lý, bênh vực những người cô thế, những người không cất tiếng kêu được (vì kêu trời không thấu). Quý vị phải đứng bên công lý, đứng bên sự thật, đứng bên người thấp cổ bé miệng và lên tiếng thay họ, vì họ.

Đọc lại tin mừng ta thấy Chúa tha thứ và nhắc tội nhân: “Ta không kết tội con, hãy ra về và đừng phạm tội nữa”. Xin quý GM hãy cứ tha thứ cho tội nhân, nhưng hãy ghét tội của họ và ngăn đừng để họ phạm tội nữa (ít nhất là lên tiếng can gián ), nhất là khi họ phạm đến những anh em bé nhỏ của Chúa.

4. Các GM trong HĐGMVN muốn sống phúc âm trong lòng dân tộc?

Đây không phải là phát kiến mới, độc quyền của HĐGMVN.

Trong thư chung số 11, Cố Hồng Y Trịnh Như Khuê cũng đã kêu gọi Dân Chúa Yêu Thương Đồng Bào và thư chung số 3 ngày 1-11-1950 của ngài có câu : “Yêu nước, thời nay người ta nói đến rất nhiều, có khi Anh em không nói nhiều bằng người khác. Chúng ta hãy làm nhiều hơn nói”.

Cố Hồng Y Nguyễn văn Thuận đã làm một bài thơ về Tô Quốc, trong đó có câu:
    Là người Công Giáo Việt Nam,
    Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.
    Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.
    Cha mong giòng máu ái quốc,
    Sôi trào trong huyết quản con.
Các khái niệm yêu thương đồng bào, yêu nước, yêu tổ quốc, sống phúc âm trong lòng dân tộc khác nhau về chữ viết, nhưng ý nghĩa chung quy cũng rất gần nhau. Vậy sao lại có cách hành xử khác nhau giữa các vị Cố Hồng Y và các vị GM đương thời.

Có thể tìm hiểu theo ngữ nguyên:

Sống phúc âm là sống theo Tin Mừng của Chúa. Tóm gọn là sống kính mến Chúa và thương yêu đồng loại. Nếu muốn gọn thêm nữa thì là yêu thương đồng loại, kể cả người tội lỗi,như cách Chúa yêu.

Dân tộc Việt Nam gồm tất cả người Việt Nam sống trên lãnh thổ nước Việt Nam, không phân biệt sắc dân, không phân biệt chính kiến, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt nam nữ, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt nguồn gốc (gốc Hoa, gốc Miên v.v…) và những người có dính líu đến nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài, mà vẫn còn muốn nhận mình là người Việt.

Trong lòng dân tộc: có nghĩa là ở trong dân tộc, chịu chia vui sẽ buồn, hy vọng, thất vọng, nỗ lực, thất bại, vinh quang, tủi nhục cùng dân tộc. Để dễ hiểu hơn ta có thể liên tưởng đến cụm từ: ”sống chung trong nhà”, người sống chung trong nhà chia sẻ hết mọi điều, vui buồn có nhau, hỗ trợ nhau, săn sóc nhau khi bệnh tật, bênh đỡ nhau khi có người đến bắt nạt người nhà.

Vậy sống phúc âm trong lòng dân tộc là sống với tinh thần yêu thương sẻ chia với dân tộc như Chúa yêu thương. Với cách ví “sống chung trong nhà” chúng tôi liên tưởng đến đời sống lứa đôi, từ đó lại nhớ đến sách Nhã Ca: Chúa yêu thương dân của Ngài đến nỗi Chúa gọi dân Ngài là Hiền Thê. Chúa Giêsu cũng nhận Hội Thánh Công Giáo như vậy.

Vậy khi nhận sống phúc âm giữa lòng dân tộc, GHCGVN như đã kết ước với dân tộc là sẽ lo lắng, yêu thương và sẻ chia mọi nỗi niềm với dân tộc và sẵn sàng hy sinh cho dân tộc như những người bạn đời hy sinh cho nhau.

Tuy nhiên cần có một định nghĩa đúng về “dân tộc”.

Dân tộc là dân tộc. Dân tộc không phải là một trong số các thành phần góp thành dân tộc. Ông A là ông A. Bàn tay của ông A không thể là ông A. Bàn tay ông A góp với những bộ phận khác của ông A họp thành ông A. Dân tộc Việt Nam có từ nhiều ngàn năm. Mỗi thời kỳ Dân Tộc Việt Nam lại có những thành phần khác để họp thành. Vì thế không thể nhầm ý chí của một thành phần dân tộc là ý chí của dân tộc. Không thể nói nếu không theo nhóm ông A là không theo dân tộc. Và cũng không thể nói nghe theo lời nhóm ông A là theo dân tộc.

Quý GM, xin quý GM hãy phân biệt kỹ điều này.

Vậy GHCG cần làm gì để sống phúc âm trong lòng dân tộc?

Điều này tưởng rắc rối (vì đang có sự bất đồng trong GHCGVN cũng vì câu hỏi trên)

Thật ra lại khá đơn giản . Theo chúng tôi chỉ cần thay chữ “dân tộc” vào chữ “người” ở trong điiều luật trọng nhất “mến Chúa yêu người”.

Chúng ta hãy mến Chúa và yêu dân tộc theo như Chúa dạy.

Thử áp dụng luật mến Chúa và yêu dân tộc vào thực tại: Giới luật của Chúa cấm giết người. Trước vấn nạn phá thai tràn lan. Nếu xét về tỷ lệ thì VN hiện đứng hạng nhất thế giới.Trên trang Sức Khỏe và Đời Sống (cơ quan ngôn luận của Bộ Y Tế VN) mỗi năm có từ 1,2 đến 1,6 triệu trường hợp phá thai ở nước ta, chưa kể những phòng phá thai chui. Theo niềm tin của đạo CG thì phá thai là một tội trọng vì giết người một cách đê hèn, giết người không thể tự vệ.

Vậy HĐGMVN đã làm gì? Rõ ràng một bộ phận lớn Dân Tộc bị tước đoạt quyền sống. Nhưng HĐGMVN chưa yêu dân tộc đủ để lên tiếng mạnh mẽ và lên tiếng bền bỉ để ngăn chặn cuộc tàn sát này. HĐGMVN cũng chưa có nỗ lực để thuyết phục các phụ nữ có thai vì lỡ lầm ngưng việc giết con mình và giúp đỡ họ nếu họ thay đổi ý giết con. Cũng chẳng có nỗ lực nào có tính cách hệ thống, (chẳng hạn của các Tòa GM) để đón nhận xác những nạn nhân bị bức tử này và chôn cất theo nghi lễ Công giáo (chôn xác kẻ chết là một điều được dạy trong “Thương xác bảy mối”). Ở đây chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn nỗ lực của một số LM và tu sĩ DCCT cũng như các anh chị em rất nghèo (về tiền bạc) ở một số địa phương đã cố gắng thuyết phục các thai phụ không phá thai và giúp đỡ họ trong thời gian thai nghén và cũng nhận xác các thai nhi về chôn từ nhiều năm nay.

Trong kinh “Thương người có mười bốn mối” có: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc và cho khách đỗ nhà. Thực tế ở các địa phương trên cả nước, đã có quá nhiều nông dân bị mất đất canh tác, mất nhà cửa cho các dự án kinh tế, khu du lịch, khu công nghiệp và các dự án sân golf (quá nhiều dự án sân golf). Họ sẽ là những người không có thức ăn, không có nước uống, không có áo quần và cũng không có nhà (họ có được đền bù một ít tiền, nhưng không đất canh tác, không nghề, không đủ vốn liếng, hết tiền thì họ đi đâu? Và cả nước sẽ thiệt mất bao nhiêu lương thực (vì đất canh tác thành sân golf, khu du lịch v.v…). Dân tộc đang gặp cảnh cơ cực như thế, HĐGMVN đã và sẽ làm gì, ngoài mấy dòng góp ý từ mấy năm trước. Nói cho có nói vậy và buông trôi thì sao có thể nói chia ngọt sẻ bùi với dân tộc.

Môi trường sống của dân tộc, an ninh của đất nước đang tốt xấu ra sao? HĐGMVN có ý kiến gì không? Những người liệt lào, người tù tội trong cộng đoàn Dân Tộc của chúng ta có được an ủi bởi tuyên úy nhà thương, tuyên úy nhà giam hay không? Kinh “thương xác bảy mối” yêu cầu thăm viếng, an ủi những người này, nhưng có bao giờ HĐGMVN đã đặt vấn đề và đòi được lo cho họ ...

Đã thề nguyền sẻ chia, khổ sướng có nhau, sao HĐGMVN nỡ để Dân Tộc cô đơn một mình giữa những khó khăn như vậy.

Đến đây chúng tôi xin được ngừng bài góp ý vì nếu thêm nữa chúng tôi sẽ sa đà vào việc phê phán lê thê.

Một lần nữa chúng tôi xin lỗi nếu có điều gì thất thố, nhưng xin lặp lại trên đây là những điều được viết từ đáy lòng của một giáo dân Công Giáo Việt Nam và cũng là một người thuộc Dân Tộc Việt Nam, mong được thấy một HĐGMVN mạnh mẽ trung thành với Chúa và sống thật sự hiệp thông với Dân Tộc.

Kính chào Quý GM trong HĐGMVN.

Kính chúc bình an.

An Đức


No comments:

Post a Comment