Saturday, March 27, 2010

Hội Nữ Quân Nhân San Jose Ra Mắt Ban Chấp Hành

Những Bóng Hồng Bị Bỏ Quên



Vào ngày Chúa Nhật 21/3/2010, tại nhà hàng Phú Lâm, BCH Hội Nữ Quân Nhân VNCH San Jose (NQN) được thành hình và ra mắt cộng đồng. Tiệc tiếp tân diễn ra lúc 11:00 trưa. Quan khách hiện diện có các hội Cựu Quân Nhân: Liên Hội CQN, Hội BĐQ, Hội TQLC, Hội ND, Hội CTCT, Hội CSQG, Hải Quân, Thiết Giáp, Quân Cảnh, Tập Thể Chiến Sĩ, Ban Đại Diện CĐVN và nhiều quan khách đồng hương các hội Petrus Ký, Cà Mau, An Gian g…v.v.

Sau nghi thức khai mạc, NQN Nguyễn Hoàng Cúc, Hội trưởng, ngỏ lời chào mừng, NQN Nguyễn Thu Nguyệt giới thiệu quan khách và các nhà bảo trợ. Các NQN trong đồng phục hợp ca Đoàn NQN Hành Khúc chào mừng, sau đó tất cả những quân nhân các quân binh chủng cùng các NQN hợp ca các bản hùng ca quân đội.

Chương trình tiệc tiếp tân tiếp theo với phần văn nghệ “Lính Hát Lính Nghe thật vui nhộn, thắm tình huynh đệ chi binh.

Nữ Quân Nhân, như tên gọi, họ là những người lính nhưng không trực tiếp cầm súng ra chiến trường nhưng NQN đã góp phần rất lớn trong cuộc chiến chống Cộng Sản xâm lăng. Trong quân lực VNCH, các nữ quân nhân được huấn luyện và có nhiệm vụ yểm trợ ở hậu phương. Mặc dầu NQN không tác chiến, không đối diện với hiểm nguy như những nam quân nhân ngoài mặt trận, nhưng xương máu của họ cũng thấm đậm trong lòng đất mẹ trong khi thi hành những công tác hậu phương như bị đặt mìn, bị pháo kích, bị bắn rớt phi cơ. Trong Nghĩa Trang Quân Đội cũng có mộ phần của Nữ Quân Nhân.

Tưởng cũng nên nhắc lại về sự hình thành của Đoàn Nữ Quân Nhân trong QLVNCH. Năm 1952 Ban Nữ Phụ Tá Bộ Tổng Tham Mưu được thành lập và trực thuộc Phòng Một Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Sau đó có rất đông phụ nữ được tuyển mộ vào phục vụ trong các văn phòng Tham Mưu, và các Cơ Quan trong Quân Đội, Bộ Tư Lệnh Không Quân và Hải Quân. Đoàn Nữ Phụ Tá làm việc ở các ngành: Tham Mưu, Quân Y, Truyền Tin, Quân Nhu, Xã Hội. Trong ngành Quân Nhu, một số NQN sửa chữa dù được huấn luyện nhảy dù (nếu muốn), để tham gia những phi vụ nhảy dù biểu diễn tại các vùng chiến thuật.

Về ngành Xã Hội, có nhiều cán sự xã hội đựơc đào tạo từ trường Cán Sự Xã Hội Caritas ở đường Tú Xương. Từ Tháng 10, 1959 Nha Xã Hội được phép tổ chức khoá Sĩ Quan Xã Hội Quân Đội, thời gian thụ huấn là hai năm rưỡi. Các ứng viên phải có bằng Tú Tài và khi tốt nghiệp được mang cấp bậc Chuẩn Úy và được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Phòng Xã Hội Sư Đoàn.

Năm 1959 Bộ Quốc Phòng quyết định giữ lại ngành Quân Y và Xã Hội. Đến 1965 Bộ Quốc Phòng cho thành lập Đoàn Nữ Quân Nhân để tuyển phụ nữ vào quân đội, thay thế nam quân nhân ở hậu phương.

Văn Phòng Trưởng Đoàn và Trung Tâm Huấn Luyện NQN được đặt tại đường Nguyễn Văn Thoại, Quận Tân Bình Saigon và dưới sự chỉ huy của Bộ TTM/QLVNCH. Trưởng Đoàn Nữ Quân Nhân kiêm Trung Tâm Huấn Luyện/NQN đầu tiên là Thiếu Tá Trần Cẩm Hương. NQN được huấn luyện căn bản quân sự, tổ chức quân đội, cơ bản thao diễn, vũ khí ở Trung Tâm huấn luyện Quang Trung.

Trung Tâm Huấn Luyện NQN đã đào tạo được bảy khóa. Bốn khóa căn bản sĩ quan Nữ Điều Dưỡng cho Không Quân và Hai khóa sĩ quan cho ngành Cảnh Sát. Một số sĩ quan căn bản và cao cấp NQN được huấn luyện ở Hoa Kỳ như ở Fort Mc Clellan, Alabama, khóa Dân Sự Vụ ở Fort Gordon, Georgia; Khóa Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị ở Foprt Bragg, North Carolina, Fort Benjamin Harrison, Indiana. Quân số Nữ Quân Nhân dự định là 10 ngàn người, đến năm 1975 đã được gần 6,000, riêng sĩ quan kể cả Chuẩn Uý là 600 trước 1975.

Sự hiện diện của Nữ Quân Nhân trong QLVNCH là những chuyên viên, là những người được huấn luyện để có thể hoàn tất nhiệm vụ một cách tốt đẹp ở hậu phương. Tại hải ngoại, Hội Ái Hữu Nữ Quân Nhân đầu tiên tại San Jose, năm 1993 và từ đó đến nay Hội NQN ít thấy hoạt động.

Ban Chấp Hành Hội NQN San Jose gồm có NQN Nguyễn Hoàng Cúc (Hội trưởng), NQN Nguyễn Thị Đức (Phó HT), NQN Sơn Thị Cương (TTK), NQN Nguyễn Thị Triệu (Thủ Quỹ)

NQN Nguyễn Thu Nguyệt tâm tình: “Chúng tôi là những chị em thuộc Đoàn NQN/QLVNCH vẫn mang hoài bão phục vụ quê hương”. Chị Thu Nguyệt cho biết, mặc dù là quân nhân, nhưng các chị em NQN không được công nhận là Thương Phế Binh cho nên các sự giúp đỡ của các nơi dành cho TPB thì không được nhận. Cũng theo chị Thu Nguyệt hiện nay Hội NQN San Jose có nhiều hồ sơ NQN cần được giúp đỡ nhưng các chị em chỉ tài trợ trong tư cách cá nhân. Ước muốn của các hội viên Hội NQN San Jose là được sự giúp đỡ của các tổ chức cựu quân nhân. Trong tương lai Hội NQN San Jose sẽ có những hoạt động tích cực hơn trongviệc giúp đỡ các đồng ngũ tại quê nhà đang gặp hoàn cảnh thương tâm.

Một suy tư đáng được lưu ý: Có công bằng hay không khi mà các NQN cũng cống hiến tuổi trẻ cho đất nước nhưng khi thương tật, già yếu thì bị bỏ rơi ra ngoài hàng ngũ cựu quân nhân?







Những Anh Thư Đất Việt

Ba mươi năm nhìn lại cuộc chiến Việt nam trước năm 1975 người ta phải nhận ra một điều là cuộc chiến ấy đối với người dân miền nam là một cuộc chiến bảo vệ cho sự an vui, cho cuộc sống của chính mình. Cho dù ngày nay người ta có khoác cho nó những ý nghĩa nào, chẳng hạn như cuộc chiến Quốc Cộng, cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cuộc chiến tranh Ủy Nhiệm ... thì cũng không thể xóa đi được ý nghĩa bảo vệ một vùng đất tự do của dân tộc VN. Trong cuộc bảo vệ ấy, cả một thế hệ thanh niên nam nữ miền nam VN đã phải hy sinh tuổi trẻ của mình để hy vọng một tương lai độc lập tự do ấm no hạnh phúc cho dân tộc và đất nước. Ngay cả khi cuộc chiến chấm dứt, thế hệ thanh niên ấy cũng còn phải tiếp tục chịu

NỮ QUÂN NHÂN QLVNCH

Thành lập vào năm 1965 (Trước đó có tên là Nữ Phụ Tá Xã Hội- LTS), văn phòng trưởng đoàn Nữ Quân Nhân và Trung Tâm Huấn Luyện đặt tại đường Nguyễn Văn Thoại, trước gọi là vùng rừng cao su, trước đài Phát Tuyến ngay trên ranh giới quận 10 và quận 11 Saigon, nay là đường Lý Thường Kiệt. Ranh giới thiên nhiên nguyên là một hồ dài và hẹp từ trước ra cuối Trung Tâm sau này được Công Binh Hoa Kỳ cho lấp bằng tráng nhựa làm mặt sân thêm rộng rãi.

Trưởng đoàn Nữ Quân Nhân kiêm Chỉ Huy trưởng TTHL/NQN đầu tiên là Thiếu Tá Trần Cẩm Hương cho đến ngày 1 tháng 4 năm 1975 nghỉ hưu đáo hạn tuổi, cấp bậc chị mang là Ðại Tá.

Trưởng Đoàn thứ hai và cuối cùng là chị Lưu Thị Huỳnh Mai, nguyên Thiếu Tá, Phân Đoàn Trưởng Nữ Quân Nhân Cơ Quan Trung Ương thuộc Bộ TTM được thuyên chuyển về văn phòng Trưởng Ðoàn NQN thăng cấp Trung Tá từ ngày 1 tháng 1 năm 1975 thay thế Ðại Tá Trần Cẩm Hương từ ngày 1 tháng 4 năm 1975.

Trung Tâm Huấn Luyện Nữ Quân Nhân đảm nhận việc tuyển mộ phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, tình nguyện gia nhập quân đội và huấn luyện căn bản quân sự như về tổ chức quân đội, cơ bản thao diễn v.v... Nhiệm vụ Nữ Quân Nhân là không tác chiến nên chỉ được học ít giờ làm quen với vũ khí do Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung đảm nhận.

Sau phần căn bản quân sự, tùy nhu cầu quân số do bộ TTM ấn định, khóa sinh tốt nghiệp sẽ được thụ huấn chuyên môn tại các trường Tổng Quản Trị, trường Quân Y, trường Hành Chánh Tài Chánh, trường Quân Nhu, trường Xã Hội v.v...

Ðến năm 1966, việc tuyển mộ Nữ Quân Nhân do các Trung Tâm Tuyển Mộ phụ trách và chuyển nữ tân binh đến Trung Tâm Huấn Luyện Nữ Quân Nhân để trang bị và thụ huấn căn bản quân sự.

Nữ Quân Nhân được tuyển theo bằng cấp. Trung học đệ nhất cấp và Tú Tài I được huấn luyện trở thành Hạ sĩ quan trong quân đội (Trung Sĩ) cho đến năm sau mới có khóa sĩ quan đầu tiên từ những Hạ sĩ quan có bằng Tú tài hoặc tuyển mộ mới.

Cũng tùy theo nhu cầu quân số do Bộ TTM ấn định, việc tuyển mộ và huấn luyện NQN được tiếp tục phát triển hàng năm. Ðến năm 1968, lệnh tăng quân số cho phép tuyển mộ thêm NQN hàng binh sĩ, chỉ cần biết đọc biết viết và đầy đủ sức khỏe là được nhận tại các Trung tâm tuyển mộ và sau đó được chuyển đến trường Nữ Quân Nhân.

Thời gian huấn luyện căn bản quân sự cũng được rút ngắn còn trong vòng một tháng thay vì sáu tuần lễ như trước. Số binh sĩ này được sung vào ngành Kiểm Soát An Ninh và Tài Xế (Ưu tiên nhận các quả phụ tử sĩ).

Năm 1967, Văn Phòng Trưởng Ðoàn NQN được chuyển về Bộ TTM, trực thuộc Văn Phòng Tham Mưu Phó Nhân Viên, còn TTHL/NQN trở thành trường Nữ Quân Nhân trực thuộc Tổng Cục Quân Huấn như các trường và các Trung tâm Huấn Luyện khác của QLVNCH.

Trường NQN huấn luyện trong 10 năm các khóa Căn Bản Quân Sự cho binh sĩ, hạ sĩ quan (không nhớ được mấy khóa tất ca)Ư. Riêng về Sĩ Quan NQN thì được 7 khóa tốt nghiệp và đến nửa chừng khóa 8 thì biến cố 30.4.75 xẩy ra.

Ngoài ra trường NQN cũng huấn luyện thêm các khóa sau

Một khóa cho HSQ nguyên là Nữ Phụ Tá trước vốn chưa qua khóa căn bản quân sự nào từ ngày nhập ngũ.

Bốn khóa Căn Bản Sĩ Quan cho Nữ Ðiều Dưỡng Không Quân do Bộ Tư Lệnh Không Quân gửi đến.

Hai khóa Căn Bản Sĩ Quan cho Nữ Sĩ Quan cảnh Sát do Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát yêu cầu

Về quân phục của Nữ Quân Nhân thì từ năm 1969 về sau quân phục của NQN là mầu xanh da trời, lễ phục mầu trắng đồng kiểu với quân phục mầu xanh làm việc nhưng tay dài 3/4.

Quân phục nỉ mầu xanh thẫm cho các vùng lạnh. Lễ phục khi xuất ngoại vẫn là Worsted Kaki.

Tất cả NQN đều được phát một áo len đen dài tay để dùng khi trời trở lạnh, mặc ngoài quân phục xanh làm việc. Mũ NQN không còn mẫu Calo mà có kiểu như Nữ Chiêu Ðãi Viên hàng không, màu xanh thẫm. Nữ Quân Nhân mang giầy đen có gót cao 5 phân khi mặc quân phục làm việc hay lễ phục.

Nữ Quân Nhân để tóc ngắn, không dài quá cổ áo.

Thời gian thụ huấn tại trường NQN, khóa sinh phải mặc quân phục tác chiến, mũ vải, giầy vải đen có cổ. Cuối tuần xuất trại chị em được mặc thường phục.

Mỗi khóa sinh ngoài hai bộ quân phục tác chiến mặc khi thụ huấn, được may đo hai bộ quân phục xanh làm việc. Tại trường NQN, chị em được trang bị mũ, ví cầm tay mầu đen, huy hiệu đoàn NQN và một đôi giầy đen gót cao 5 phân trước khi mãn khóa.

Ðoàn Nữ Quân Nhân cũng được huấn luyện ở hải ngoại. Một số sĩ quan đã được đưa sang Hoa Kỳ để được thụ huấn trong các quân trường như Khóa Sĩ Quan Căn Bản Nữ Quân Nhân Lục Quân Hoa Kỳ tại Fort Mc Clellen, Alabama, Khóa Sĩ Quan cao cấp Nữ Quân Nhân Lục Quân Hoa Kỳ cũng tại Fort Mc Clellen, Alabama, khóa Dân Sự Vụ tại Fort Gordon, Georgia, khóa Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị tại Fort Bragg, North Carolina, các khóa về nhân viên, tuyển mộ, tổng quản trị tại Fort Benjamin Harrison, Indiana.

Riêng bốn khóa Nữ Ðiều dưỡng Không Quân sau khi tốt nghiệp Căn Bản Sĩ Quan tại trường NQN thì được Bộ Tư Lệnh Không Quân gửi đi thụ huấn nghiệp vụ tại Texas, Hoa Kỳ.

Cuối cùng thì trong đoàn đã có 5 Hạ Sĩ Quan nguyên làm thông dịch viên quân đội được đưa sang trường Nữ Quân Nhân Lục Quân Hoa Kỳ tại Fort Mc Clellen, Alabama để thụ huấn khóa sĩ quan căn bản. Khi về nước được thăng cấp Chuẩn Úy trước khi khóa 1 Sĩ Quan NQN mãn khóa.

Về tổ chức của Ðoàn NQN gồm có:

Một văn Phòng Trưởng Ðoàn trực thuộc Văn Phòng Tham Mưu Phó Nhân Viên của bộ TTM.
Trường Nữ Quân Nhân trực thuộc Tổng Cục Quân huấn bộ TTM.

Các văn phòng Phân Ðoàn trưởng NQN Quân Ðoàn/ Vùng Chiến thuật trực thuộc các Bộ Tư Lệnh QÐ/VCT.

Các Văn Phòng Phân Ðoàn Trưởng NQN Không Quân Hải quân trực thuộc các Bộ Tư lệnh Quân Chủng.

Các Văn Phòng Chi Ðoàn Trưởng NQN trực thuộc Bộ Tư Lệnh Tiểu Khu và Quân Chủng.
Nữ Quân Nhân phục vụ tại các đơn vị Quân Binh Chủng thuộc quân số các đơn vị ấy và chịu sự giám sát về quân phong quân kỷ của Chi Ðoàn Trưởng, Phân Ðoàn trưởng liên hệ.

Trước ngày 30.4.1975, quân số NQN trên lý thuyết là 10,000 người và đã thực hiện được trên 6,000. Riêng về Sĩ Quan thì có khoảng 600 kể cả cấp Chuẩn Úy.

Trên đây là những gì tôi nhớ và viết lại trong khoảng thời gian từ 1965 cho đến 30.4.1975 tôi phục vụ liên tục tại trường NQN. Tất nhiên là còn rất nhiều thiếu sót nên mong được sự bổ túc của chị em NQN ở hải ngoại.
    Xin liên lạc với chúng tôi ở số điện thoại (405) 691-0235.
    Hồ Thị Vẻ
PHỤ NỮ TRONG QUÂN ÐỘI

Với tinh thần trách nhiệm cao và óc sáng tạo nên bất cứ ở ngành nào, quân binh chủng nào, người NQN/ QLVNCH cũng đem hết khả năng để phục vụ nên đã có nhiều kinh nghiệm và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Chúng tôi đã vươn lên sau 10 năm, 20 năm để có thể ngang bằng với các cấp chỉ huy nam quân nhân mà nhận lãnh nhiều trọng trách ở hậu phương.

Nữ Quân Nhân chúng tôi đã có những chiến sĩ nhẩy dù gan dạ, những chiến sĩ trong các ngành truyền tin, tham mưu hay trong những nghề chuyên môn như y tá, nha tá, dược tá, chuyên viên thí nghiệm, tiếp huyết và các nữ điều dưỡng trong quân đội cũng như những người mang đến tình thương giáo dục cho các cô nhi của Tử Sĩ. Chúng tôi chỉ thua nam giới trong lãnh vực tác chiến vì quy chế của chúng tôi không ấn định.

Cuộc đời binh nghiệp của chúng tôi đang bình yên, đang cùng nam giới xây dựng một quân đội hùng mạnh, hậu phương và tiền tuyến cùng hoạt động nhịp nhàng thì có ai ngờ một ngày cuối tháng Tư đen đã làm sụp đổ tất cả những gì đã gầy dựng, làm dở dang mọi chương trình và kế hoạch đang trên đà thăng tiến của QLVNCH nói riêng và cả một chính thể VNCH nói chung.

Sau khi CS cưỡng chiếm miền nam, ngoài một số ít các chị may mắn thoát được, di tản sang Hoa Kỳ, còn phần đông chị em bị kẹt lại đã bị Cộng Sản lùa hết vào các "Trại Tập Trung Cải Tạo". Kể sao cho hết những nỗi ê chề, đau khổ về tinh thần cũng như vật chất trong lao tù của CS. Chị em chúng tôi chịu đựng, người 2,3 năm kẻ 4,5 năm, chỉ tội một mình chị Cẩm Hương, người chị cả trong gia đình NQN, tuy tháng 4/75 đã nghỉ hưu mà vẫn bị CS cầm tù đến 10 năm trời. Khi được tha về một năm sau thì chị mất sau một cơn bạo bệnh.

Chị em chúng tôi lần lượt được thả về, đau đớn và chua xót làm sao khi nhà mình ở từ nhỏ đến giờ lại chỉ được ở với tư cách tạm trú và sau đó đều bị buộc phải đi vùng kinh tế mới của CS. Tuy nhiên nhiều chị em vẫn lì bám lấy ngôi nhà cũ, mưu sinh nơi các chợ trời vì tên bị xóa trong sổ hộ khẩu. Thỉnh thoảng lại thấy một chị vắng mặt, vài tuần sau lại nhận được tin từ Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật tân, Thái Lan của các chị ấy báo tin lành. Tuy nhiên cũng có nhiều chị em không được may mắn như vậy. Có chị ra đi năm lần bẩy lượt lại cũng về chốn cũ, có khi im hơi lặng tiếng luôn trong lòng Ðại dương, có khi bị bắt lại mắc vòng lao lý dăm ba năm nữa. Nhưng chúng tôi vẫn không hề nản, cứ tiếp tục tìm cách ra đi cho đến ngày được tin chính phủ Hoa Kỳ can thiệp sẽ được ra đi trong các chương trình H.O.

Nay thì gần ba mươi năm trôi qua, chị em chúng tôi những kẻ còn lại hầu hết đã sang được bến bờ tự do nhưng vẫn không thể nào quên được một chặng đường lịch sử hãi hùng ...



2 comments:

  1. Hội Ngộ

    Tình cờ gặp , lại người em gái ..
    Bốn mươi năm nhớ mãi trong lòng
    Cũng vì cuộc chiến định xong
    Tôi-Em cứ ngỡ hết mong tao phùng

    Ngày xưa đó ta cùng ý chí
    Đem tuổi xuân giao ký núi sông
    Tôi -Em thề quyết một lòng
    Giữ yên tổ quốc dạ mong thanh bình

    Em khoác áo nhà binh ngày đó
    Nữ Quân Nhân ngày nọ oai phong
    Dựng Xây Nông Thôn một lòng
    Anh người lính trận đạn giông bom cày

    Cùng ý chí làm trai tổ quốc
    Em nữ nhi đáng bật anh tài
    Buồn cho vận nước không may …..
    Tôi -Em xa cách năm dài biệt tâm ..

    Nay gặp lại ta hâm chuyện cũ…..
    Hỏi thăm nhau bạn hửu còn ai
    Có thằng phận số không may ……
    Chết trong lao lý sau ngày bình yên

    Cũng có thằng vượt biên mà sống . ..
    Tìm tự do . Việt Cộng ép thôi
    Thằng thì cải tạo cả đời ….
    Thằng thì tự sát ngay nơi chiến trường

    Nay gặp lại . một phương đất khách .. ..
    Trúc tâm tư nói mách nhau nghe
    Mến nhau ta viết câu vè ..
    Đôi ba con chữ còn e thẹn lòng …/.

    Minh Hiển

    June - 02-2015

    ReplyDelete
  2. Hội Ngộ

    Tình cờ gặp , lại người em gái ..
    Bốn mươi năm nhớ mãi trong lòng
    Cũng vì cuộc chiến định xong
    Tôi-Em cứ ngỡ hết mong tao phùng

    Ngày xưa đó ta cùng ý chí
    Đem tuổi xuân giao ký núi sông
    Tôi -Em thề quyết một lòng
    Giữ yên tổ quốc dạ mong thanh bình

    Em khoác áo nhà binh ngày đó
    Nữ Quân Nhân ngày nọ oai phong
    Dựng Xây Nông Thôn một lòng
    Anh người lính trận đạn giông bom cày

    Cùng ý chí làm trai tổ quốc
    Em nữ nhi đáng bật anh tài
    Buồn cho vận nước không may …..
    Tôi -Em xa cách năm dài biệt tâm ..

    Nay gặp lại ta hâm chuyện cũ…..
    Hỏi thăm nhau bạn hửu còn ai
    Có thằng phận số không may ……
    Chết trong lao lý sau ngày bình yên

    Cũng có thằng vượt biên mà sống . ..
    Tìm tự do . Việt Cộng ép thôi
    Thằng thì cải tạo cả đời ….
    Thằng thì tự sát ngay nơi chiến trường

    Nay gặp lại . một phương đất khách .. ..
    Trúc tâm tư nói mách nhau nghe
    Mến nhau ta viết câu vè ..
    Đôi ba con chữ còn e thẹn lòng …/.

    Minh Hiển

    June - 02-2015

    ReplyDelete