Saturday, December 12, 2009

Nghệ Thuật Và Cuộc Đời Trong "Công lý ném đá..." - Đinh Cự Danh

Đinh Cự Danh

Chưa đầy một tháng, ông Sơn Tùng cựu chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại viết 3 bài đại cà sa để bênh vực ban giám đốc Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại (ĐPTVNHN) giao du thân mật với Cộng Sản. Hai bài đầu "Từ Tiếng Súng Trần Văn Bé Tư ..." và "Phỏng vấn Ban Giám Đốc ĐPTVNHN ..." đã được dư luận, qua Internet, phê phán một cách gay gắt. Ông Sơn Tùng gọi dư luận công kích ĐPTVNHN như là một hình thức ném đá mà ông đã từng gọi trước đây: "ném đá dễ". Có lẽ vì dễ cho nên người ta cứ ném đá, nghĩ như vậy, ông bèn viết thêm bài "Công lý ném đá ..." để may ra chấm dứt được dư luận "ném đá" vào đầu bọn người giao du với CS.

"Công lý ném đá ...", ông Sơn Tùng tả lại cái chết của bà Soraya M trong cuốn phim Stoning of Soraya M: Bà Soraya M bị chồng phụ, vu khống bà ngoại tình, kết cuộc bà bị ném đá chết một cách thê thảm, oan ức, cực kỳ thương tâm. Ông Sơn Tùng muốn đem cái đau thương trong phim ảnh đồng hóa với đau thương của cuộc đời: Đau thương của bà Soraya M bị ném đá cũng là "đau thương" của bọn theo địch bị dư luận "ném đá"!

Ném đá là công lý - Là luật pháp - Luật pháp của Trung Đông xử đàn bà ngoại tình. Luật pháp khác biệt tùy địa dư, tùy chủng tộc, dĩ nhiên tùy theo nền văn hóa của chủng tộc đó và thay đổi theo thời gian từ tiền sử cho tới ngày nay - Thế kỷ 21. Hình phạt ném đá ở Trung Đông, nay không còn nữa, đã đổi sang treo cổ, chém, hoặc bắn. Tại Trung Đông xưa, đàn bà ngoại tình, có chứng cớ quả tang thì bị ném đá chết là hợp với luật pháp, là hợp với công lý. Đó là cái chết rất ưng, không oan ức gì cả.

Nghệ thuật, đặc biệt thi ca, phim ảnh, và kịch nghệ luôn luôn phải dựa vào sự thật cuộc đời, phản ảnh cuộc đời kèm theo tính sáng tạo của tác giả. Nghệ thuật được tồn tại luôn luôn chứa đựng những nghịch cảnh đau thương của cuộc đời. Bởi vậy Tây có câu: "Les plus désespérés sont les chants les plus beaux". Việt Nam ta, Khái Hưng dịch: "Những câu bất hủ trên đời là câu tuyệt mệnh với lời thương tâm". Tàu, Hàn Dzũ bảo: "Cùng như hậu công: cùng khốn lắm mới có tác phẩm hay". Đại khái là như vậy, lưu hậu là nhờ tả cái đau khổ cái cùng khốn cả. Tỳ Bà Hành, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán, và Kiều tồn tại là nhờ cùng khốn mà ra cả. Và, cuốn phim Stoning of Soraya M tồn tại nổi danh mà ông Sơn Tùng viện dẫn cũng là tả cảnh cùng sầu oan ức của bà Soraya M. Bà Soraya M oan ức, chết thê thảm thật là đắng cay. Vậy bọn trong ĐPTVNHN bị "ném đá" có oan ức, đắng cay như bà Soraya M không? Nhất định là không! Vì bọn họ không bị vu oan! Bọn họ đã công khai nhận có liên lạc với VC. Sự liên lạc có chủ tâm: để giáo dục, để chiêu hồi, để tìm tin tức, v.v.. Không phải như lời khai của Lưu Lệ Ngọc qua cuộc phỏng vấn cũng chủ tâm của ông Sơn Tùng nhằm ghỡ tội cho BGĐ ĐPTVNHN: Lưu Lệ Ngọc và Dương Văn Hiệp gặp tên Nguyễn Sĩ Tuệ 3 lần đều "bất ngờ", tòa đại sứ VC biết địa chỉ E-mail của Dương Văn Hiệp cũng "bất ngờ", mời Dương Văn Hiệp tham dự lễ Quốc Khánh VC cũng "bất ngờ". Nhiều "bất ngờ" quá nên không cần ngờ gì nữa. Đồng bào tỵ nạn "ném đá" vào mặt bọn theo địch là phải lắm, có gì là oan ức cay đắng cho Ngô Ngọc Hùng, Dương Văn Hiệp, và Lưu Lệ Ngọc đâu mà ông Sơn Tùng cứ tốn giấy mực, trương gân cổ cãi giùm cho bọn phản bội lý tưởng của cộng đồng tỵ nạn - Lý tưởng chống cộng để đất nước không bị cắt xén bán cho Tàu, dân tộc được trường tồn, và nhân dân được tự do. Ông Sơn Tùng làm trạng sư quá dở và không đúng luật, tại sao lại bào chữa cho tội phạm khi tội phạm đã nhận tội. Ông chỉ có thể xin toà và bồi thẩm đoàn giảm khinh cho tội phạm với lý do bọn chúng là "vị thành niên", là "cừu non chưa có lông", là một bọn "retarded" bị bệnh "thần kinh" có hội chứng điên vì tiền (Money crazy), v.v.. Rõ ràng lắm rồi, không thể đồng hóa cái oan của bà Soraya M với cái ưng của bọn GĐ ĐPTVNHN. Bà Soraya M trong nghệ thuật phim ảnh đau đớn đắng cay lắm. Bọn GĐ ĐPTVNHN không có gì để phải đắng cay, nếu có đắng cay là vì âm mưu bị bại lộ không thực hiện được mưu toan phản bội dân tộc.

Thực sự cái đau thương trong nghệ thuật phim ảnh mà Sơn Tùng so sánh bằng cái đau thương của cuộc đời - Của bọn GĐ ĐPTVNHN là sai, không cân xứng, một bên đau, một bên không đau. Nghệ thuật đau hơn cuộc đời là như vậy! Nghệ thuật đắng cay hơn cuộc đời là như vậy!

Thế! Có khi nào cuộc đời đắng cay hơn nghệ thuật không? Có lắm chứ, để tôi kể:

-Theo tài liệu để lại, khoảng năm 1956-1957, ở Hà Nội, có hai anh chị yêu nhau thắm thiết, một người có đảng, một người không. Vì lẽ đó, đảng không cho hai anh chị lấy nhau. Hai anh chị buồn, ôm nhau tự tử. Câu chuyện này đồn um lên ở Hà Nội - Thăng Long thuở xưa - Trầm Long hôm nay, Lê Đạt, một kiện tướng trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, dựa vào truyện phim Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài làm một bài thơ "Nhân câu chuyện những người tự tử". Bài thơ dài, tuyệt diệu, có nhiều câu đứt ruột:

"Khi Lương Sơn Bá tương tư trên giường bệnh
Ngày một võ vàng
Ôm bóng người yêu mà chết
Khi Chúc Anh Đài xăm xăm vào huyệt
Theo nhau cho trọn lời nguyền
Cả rạp lặng yên
Những chiếc khăn đầm đìa nước mắt
Sự thật cuộc đời đắng cay hơn nghệ thuật!"

Thật là sự thật cuộc đời ở đây đắng cay hơn nghệ thuật: Hai anh chị sinh viên chết oan chết ức, chôn hai huyệt, xương tan thịt nát; còn Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài nằm chung một huyệt và hóa thành đôi bướm liền cánh nhởn nhơ trước những bông hoa Lan hoa Huệ, Hải Đường, Trà Mi, và biết bao nhiêu hoa Hồng tuyệt sắc. Chết như vậy cũng đẹp chán, tuy không được thưởng thức cái sinh thú của loài người nhưng còn hưởng được sinh thú của loài bướm đẹp cũng được rồi.

Câu chuyện hai người tự tử và nghệ thuật phim ảnh Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài là câu chuyện cuộc đời đắng cay hơn nghệ thuật xảy ra ở Hà Nội 53 năm về trước, hơn nửa thế kỷ rồi.

Sau 53 năm, hơn nửa thế kỷ, nay, tại vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn - Thủ đô của Hoa Kỳ - Một nước dân chủ nhất thế giới, pháp trị nhất thế giới, không ai có quyền bắt nạt ai, vu khống ai ... thế mà cũng có câu chuyện "cuộc đời đắng cay hơn nghệ thuật" xảy ra trong cộng đồng Việt Nam tỵ nạn CS - Một cộng đồng mang nhiều truyền thống chia rẽ theo cái kiểu "nửa xuống biển nửa lên nguồn" của Âu Lạc. Câu chuyện đó là câu chuyện cuộc đời: ông Lê Hồng Phúc tố giác ĐPTVNHN thân Cộng Sản, được chuyên chở bởi ông Sơn Tùng trong bài "Công lý ném đá ...". Lại phải nhắc lại nghệ thuật phim ảnh "ném đá bà Soraya M", lần này khác, để tìm ra "cuộc đời đắng cay hơn nghệ thuật":

Ông Lê Hồng Phúc cộng tác với ĐPTVNHN, thấy ĐPTVNHN giao du thân mật với CS, sau một thời gian tìm hiểu chắc chắn, ông từ bỏ cộng tác và tố giác ĐPTVNHN thân cộng.... Thế là ĐPTVNHN "ném đá" ông, đá "phản bội", đá "đời tư", đủ thứ "đá", được Nguyễn Tường Thược, Đinh Quang Trung, và Hùng Hiệp Ngọc ném ông túi bụi. Ông Lê Hồng Phúc cứ im lặng không nói gì; nghe đâu có người hỏi ông làm gì? Ông trả lời: "làm thinh".

Để phân rõ chính tà, ai phản bội ai?

Lê Hồng Phúc và nhân viên ĐPTVNHN đều là người tỵ nạn CS. Nay ĐPTVNHN thân cộng tức phản lại lập trường chống cộng của người tỵ nạn - Phản lại lập trường Lê Hồng Phúc. Lê Hồng Phúc tố giác và phản công ĐPTVNHN như là phản công kẻ thù dân tộc, kẻ phản bội dân tộc, phản bội lập trường chống cộng của người tỵ nạn. ĐPTVNHN mới thực sự là kẻ phản bội - Bội ân bội nghĩa với dân tộc Việt Nam, với đồng bào tỵ nạn CS đã từng đóng góp tiền góp bạc cho chúng.

Bọn ĐPTVNHN "ném đá" "phản bội" phủ đầu ông Lê Hồng Phúc nhằm mục đích che giấu tội của chúng. Đã có người nói bọn chúng là một bọn vừa đánh trống vừa ăn cướp. Thế mà ông Sơn Tùng, cầm bút chống cộng trước đây, hăng hái trở cán bút làm đùi, đánh trống hùa với chúng, đôi khi xen lẫn tiếng kèn lạc điệu của Đỗ Hồng Anh với nhịp phách của Đoàn Hữu Định có Nguyễn Tường Thược và Tuyết Mai phụ xướng. Ngoài đánh trống, ông Sơn Tùng còn ném từng nạm đá vào Lê Hồng Phúc, loại đá mà ông dùng toàn là đá dơ bẩn: đá "tranh địa vị", đá "đòi tăng tiền", đá "bị đuổi", thậm chí đá "muốn quan hệ bất chính với vợ người ...", độc địa nhất là đá "hỏi thủ trưởng" [xem bài công lý ném đá …]. Ghê quá, theo cái kiểu bỏ bã rượu vào nhà người. Nhiều loại đá như vậy, chúng ta có cảm tưởng ông Sơn Tùng đã thạo thằn ... cách đấu tố của VC. Ghê quá là ghê. "Ném đá" chưa đủ, khua trống chưa đủ, có khi ông Sơn Tùng lại trở ngọn bút làm dáo nhọn, một mình một ngựa, vai mang bị đá, một tay bốc đá, một tay cầm dáo, xung tả, đột hữu, đâm thẳng, ném thẳng vào Lê Hồng Phúc, người bạn lâu năm của ông. Lê Hồng Phúc làm gì? Làm thinh.

Đó, cuộc đời là thế đó! Lê Hồng Phúc tố cáo kẻ gian tà, Lê Hồng Phúc là người có công lớn đối với trận tuyến của người quốc gia; bọn gian tà có tội lớn đối với quốc gia dân tộc. Lê Hồng Phúc vô tội mà bị kẻ có tội "ném đá", Lê Hồng Phúc có công mà bị kẻ có tội "ném đá". Thử so với bà Soraya M thì Lê Hồng Phúc may không chết chứ cái đau tinh thần thì đau lắm lắm!

Bà Soraya M vô tội, bị vu khống, một bọn vô tội bị xúi giục ném đá bà chết đau thương. Bọn vô tội ném đá kẻ vô tội (tợ như đám dân vô tội bị xúi giục giết kẻ vô tội trong chế độ CS vậy).

Ông Lê Hồng Phúc đã không có tội lại còn có công lớn tố giác tội phạm, bị tội phạm ném đá mà còn được Sơn Tùng ném thêm. Kẻ có tội ném đá người có công; bạn ném đá bạn; Lê Hồng Phúc đau lắm chứ! Đau tảng thần luôn, đau hơn bà Soraya M nhiều. Đắng cay hơn bà Soraya M nhiều. "Sự thật cuộc đời đắng cay hơn nghệ thuật" là như vậy.

Đắng cay quá! Nhớ tới Tú Xương thi hỏng: "Thi không ăn ớt thế mà cay". Lê Hồng Phúc bèn xuất khẩu: "Đời không tương ớt thế mà cay." Cay thật đấy, thế mà may cho ông, thức giả khắp nơi thương cảm ông, biết rõ bọn người phản bội, qua Internet, đã quăng từng tảng đá vào mặt bọn chúng - Bọn thân cộng - Bọn phản bội dân tộc. Bọn chúng đau quá, đặc biệt ông Sơn Tùng trở tay không kịp bèn gào lên: "Internet là bãi rác". "Bãi rác" mà Sơn Tùng đã dùng đá "Nhân danh" ném vào thức giả chống cộng đích thực. Trổ hết công lao hãn mã vẫn bị thất bại, không sao chống nổi đa số có chính nghĩa, Sơn Tùng trở nên cô đơn, mệt mỏi, và bị điếm nhục mặc dầu ông được bọn người phản bội bồi dưỡng và thoa bóp cho ông.

Đó, thức giả khắp nơi có phản ứng rất tích cực trong việc chống bọn phản bội dân tộc. Thức giả vùng Hoa Thịnh Đốn thì sao? Vẫn im hơi lặng tiếng.

Nhớ tới chuyện một vị tướng chỉ huy trưởng Trường Sĩ Quan Thủ Đức, bị tiếng tham nhũng. Trước tập hợp sĩ quan, ông tuyên bố: "Tôi ăn tiền của Sinh Viên Sĩ Quan thì có trời biết". Một SVSQ dẫn sách luận ngữ, nói nhỏ: "Thiên hà ngôn tai: Trời biết mà trời không nói". Mấy anh bạn gần anh ta đều cười. Có lẽ thức giả vùng Hoa Thịnh Đốn cũng "Thiên hà ngôn tai".

Đinh Cự Danh

TB: Trước khi viết bài này, lấy tư cách độc giả tạp chí Thế Giới Ngày Nay, tôi phôn hỏi ông Lê Hồng Long, xin tóm lược:

- Thưa ông LHL, tôi là độc giả quý báo TGNN muốn được biết tại sao không còn tên Sơn Tùng chủ bút và bài của Sơn Tùng ?
- Dạ, thưa ông cho biết quí danh?
- Danh gì cũng đuợc, tôi tên Danh.
- Thưa ông Danh, ông Sơn Tùng tự ý xin rút khỏi tên ông ta ra khỏi chức chủ bút.
- Vì sao?
- Vì ông Sơn Tùng không muốn tôi dùng tờ báo TGNN tố cáo bọn thân cộng. Ông ấy bảo rằng ông không muốn dính vào vũng bùn đó. Tôi đồng ý để ông rút ra và còn cắt hẳn những bài của ông nữa.
- Té ra là thế.
- Tôi sẽ đem tất cả thư từ trao đổi giữa tôi và ông Sơn Tùng về việc ấy lên TGNN số 207.
- Cám ơn ông LHL.
- Xin chào.
=========================================================
Lời bàn Mao Tôn Cương

Đọc hết bài, tôi rất tâm phục. Nhưng trời ơi, tôi khoái nhất là câu này:

Trích: “Nhiều loại đá như vậy, chúng ta có cảm tưởng ông Sơn Tùng đã thạo thằn ... cách đấu tố của VC. Ghê quá là ghê.” Hết trích

Tôi nhớ đã dịch cho ông Sơn Tùng bài viết : “Một nửa sự thật không phải là sự thật”, trong đó, ông tả cảnh bà mẹ của ông bị Việt Minh nhốt trong chiếc cũi, đem bỏ đói và chết trên miền Thương Du. Từ đó, tôi cảm thong với ông, và tưởng ông cũng là một người triệt để chống Cộng !!!

Nào ngờ!

Ông ST đã học cách đấu tố và vu vạ của VC nay đem ra áp dụng với người Quốc gia.

Đúng như ông BDL viết: “Mua danh ba ngàn bài, bán danh chỉ cần ba bài.”

Đúng ba bài sau vụ đài VNHN, ông Sơn Tùng đã bán hết liêm sỉ và tư cách chống cộng của ông.

Thương thay!,


No comments:

Post a Comment