Thursday, August 13, 2009

THÓI HÁO DANH VÀ VĨ CUỒNG CỦA TRÍ THỨC - Vương Trí Nhàn

Vương Trí Nhàn

Thói háo danh và căn bệnh vĩ cuồng, từ xưa trong hoàn cảnh nhược tiểu nhiều người đã mắc, tới nay trong hoàn cảnh chớm hội nhập với thế giới, bệnh lại trầm trọng hơn trong một bộ phận trí thức.

Bài viết Tôi chỉ là Ashkenazy! Hay quốc nạn loạn chức danh, học vị gợi tôi nhớ tới một câu chuyện trong sử cũ.

Nhìn người bằng ... chức danh

Nửa cuối thế kỷ thứ XVII, có một trí thức Trung Quốc là Chu Thuấn Thuỷ trên bước đường chống Thanh phục Minh nhiều lần đến Việt Nam. Lần ấy, khoảng 1657, nghe Chúa Nguyễn có hịch chiêu mộ những ai biết chữ để giúp vào việc nước, Chu ra trình diện. Nhưng ông cảm thấy chung quanh không hiểu mình, không thi thố được tài năng, lại bị làm phiền, nên bỏ sang Nhật. Sau ông đóng góp rất nhiều vào viêc phát triển xã hội Nhật.

Chu không phải là loại người đọc sách xa lánh sự đời. Một học giả Nhật đã viết về Chu “Cái học của tiên sinh nhấn mạnh về "kinh bang tế thế". Giả sử nếu cần biến một vùng đất hoang thành phố thị, phải tập hợp sĩ nông công thương, thì một tay tiên sinh có thể cáng đáng để xây dựng nên phố thị. Thay vì “ thi thư lễ nhạc” tiên sinh thích nghiên cứu và tìm hiểu sâu sắc về cách canh tác ruộng nương và cách xây dựng nhà cửa, cách làm rượu làm tương ... Tiên sinh có thể dạy người ta bất cứ việc gì” .(1)

Riêng chuyện bộ máy chính quyền Đàng Trong không thể chấp nhận một người như trên, đủ cho ta hiểu trình độ của bộ máy đó là như thế nào.

Trong tập ký sự của mình, Chu Thuấn Thuỷ kể khi trình diện nhà cầm quyền địa phương, gặp chuyện buồn cười là người Việt Đàng Trong bắt ông ứng khấu ngay một bài thơ rồi viết trên giấy. Tiếp đó câu đầu tiên bị hỏi là “Cống sĩ với cử nhân và tiến sĩ, bên nào hơn ?“.

Khi biết Chu chỉ là cống sĩ, viên quan địa phương có ý xem thường, cho học lực của Chu không thể nào đọ được các vị khoa bảng nhà mình.

Từ câu chuyện về Chu Thuấn Thủy tới câu chuỵên về nghệ sĩ Nga Vladimir Ashkennazy mà Đặng Hữu Phúc vừa kể, như là có sự nối tiếp. Hoặc có thể nói cả hai phối hợp với nhau làm nên một đôi câu đối khá chỉnh. Một bên thì không thể hiểu người nổi tiếng lại không có một chức danh nào, còn bên kia thì không cần biết trước mặt mình là người đã được hoàng đế nhà Minh mời ra giúp nước, chỉ nghe cái bằng cống sĩ đã bĩu môi chê bai - giữa người ngày xưa với người ngày nay, sao mà có sự ăn ý đến thế!

Từ háo danh tới vĩ cuồng

Đặng Hữu Phúc đã nói tới cái khó chịu khi phải nghe đám người “mở miệng là họ nói tới chức tước “ - tức đám người háo danh - trò chuyện với nhau. Ai đã sống trong giới trí thức ở ta hẳn thấy chuyện đó chẳng có gì xa lạ.

Anh A và anh B vốn cùng nghề và cùng cơ quan, họ cùng dự buổi họp nhỏ, chứ không phải đăng đàn diễn thuyết trước bàn dân thiên hạ gì.

Thế mà cứ động phát biểu thì từ miệng anh A, vang lên nào là “như giáo sư B đã nói” (gọi đầy đủ cả tên họ), nào là “tôi hoàn toàn đồng tình với các luận điểm giáo sư B. vừa trình bày“ (Thực ra có luận điểm khoa học gì đâu mà chỉ là mấy nhận xét vụn). Và B cũng đáp lại bằng cách nói tương tự.

Khi phải dự những cuộc hội thảo ở đó cách xưng hô và nói năng giữa các thành viên theo kiểu như thế này, tôi chỉ có cách ráng chịu một lúc rồi lảng. Tôi không sao nhớ nổi họ nói với nhau điều gì. Và tôi đoán họ cũng vậy. Vì mỗi người trong họ có vẻ còn mải để ý xem người phát biểu đã gọi người khác đúng chức danh chưa, hay để sót, chứ đâu có chú ý tới nội dung các phát biểu. Không khí nhang nhác như những buổi họp quan viên trong các làng xóm xưa, mà Ngô Tất Tố hay Nam Cao đã tả.

Tại sao chúng ta khó chịu với lớp người háo danh này? Đơn giản lắm, ta thấy họ ấu trĩ, non dại, thực chất họ thấp hơn cái vị thế mà họ chiếm được, không xứng với chức danh họ nhăm nhăm mang ra khoe.

Ai đã thử quan sát tình trạng tinh thần của đám người mê tín hẳn biết, người càng thiếu lòng tin, thì khi vào cuộc mê tín càng cuồng nhiệt.

Giới trí thức cũng vậy, cái sự thích kêu cho to chẳng qua là một cách để xoá bỏ mặc cảm. Kẻ yếu bóng vía lấy cái mã bên ngoài để làm dáng che đậy cho sự trống rỗng bên trong.

Mấy thói xấu mà Đặng Hữu Phúc nêu lên chỉ đáng để người ta cười giễu, ghét bỏ, thương hại. Song ác một nỗi chính nó lại là dấu hiệu đầu tiên của nhiều chứng nan y khác chẳng hạn căn bệnh mà Cao Xuân Hạo trong một bài viết ở cuốn Tâm lý người Việt nhìn từ nhiều góc độ (2) gọi là bệnh vĩ cuồng ( me’ganomanie).

Cao Xuân Hạo kể một chuyện mà thoạt nghe chắc chẳng ai dám tin. Hàng năm cơ quan lưu trữ nước mình thường phải thanh lý hàng tấn những hồ sơ “sáng kiến phát minh“ gồm toàn đề nghị viển vông do người trong nước ùn ùn gửi tới, ví dụ một người đề nghị ta cần mượn của Liên Xô (hồi đó còn Liên xô ) tên lửa vượt đại châu để bắn vào bắc cực khiến trục trái đất lệch thêm mười độ sao cho VN thay đổi vĩ độ và trở thành một nước ôn đới (vì tác giả “đề án” này tin rằng chỉ có khí hậu ôn đới mới thích hợp với một tốc độ vũ bão, giúp nước ta đuổi kịp và vượt xa các nước tiên tiến trên thế giới).

Cao Xuân Hạo nói thêm điều đáng lo là ở chỗ phần đông chúng ta khi nghe những điều quái gở ở đây đều thấy bình thường, cùng lắm thì là loại sai lầm dễ tha thứ; còn ai tỏ ý kinh hoàng thì bị mọi người coi là bệnh hoạn vô đạo đức vì đã không tin vào khả năng sáng tạo của những người bình thường.

Cần phải gộp cả thói háo danh và bệnh vĩ cuồng nói trên để phân tích vì giữa chúng có một điểm chung là đều xuất phát từ những người và nhóm người sống trong tình trạng cô lập, không có khả năng tự nhận thức, đứng ngoài nhịp phát triển tự nhiên của thế giới.

Tình hình lại cần được xem là tệ hại bởi nó bám rễ vào bộ phận tinh hoa của xã hội.
Trí thức là bộ phận mũi nhọn của một cộng đồng, của những thể nghiệm làm người của cộng đồng đó. Những nhược điểm của trí thức chẳng qua chỉ là phóng to nhược điểm của cộng đồng. Và nếu như những nhược điểm này đã thâm căn cố đế, trở thành một sự tha hoá, thì tình trạng của người trí thức sẽ là một phòng thí nghiệm hợp lý để nghiên cứu về tình trạng tha hoá nói chung. Phải nghiên cứu kỹ lưỡng thì may ra mới có cơ hội chữa chạy hay ít nhiều cũng giảm thiểu tình hình nguy hại.

*****
Ghi chú:

(1) Chu Thuấn Thuỷ Ký sự đến Việt Nam năm 1657 (An Nam cung dịch kỷ sự), Vĩnh Sính dịch và chú thích, Hội khoa học lịch sử Việt Nam 1999, tr.11
(2) Trung tâm nghiên cứu tâm lý dân tộc -- Tâm lý Người Việt nam nhìn từ nhiều góc độ, Nhà xuất bản Thành phố SG, 2000, tr.82-87
Bệnh sùng bái danh hiệu, chức vụ... trong giới trí thức vừa được Đặng Hữu Phúc xem như một quốc nạn. Chỉ có thể chia sẻ với một khái quát như thế nếu người ta nhận ra những gì đứng đằng sau cái căn bệnh có vẻ dễ thương đó là sự liên đới của nhiều “chứng nan y“ cùng là sự tha hoá của giới trí thức cũng như của nhiều lớp người khác.


No comments:

Post a Comment